© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
6.5.2005
Trần Kiên
Giới thiệu sách “Ba cơ chế: thị trường, nhà nước và cộng đồng - ứng dụng cho Việt Nam” của Đặng Kim Sơn
 
Cho đến đầu thế kỷ 21, vẫn chỉ có rất ít các quốc gia trên thế giới được coi là thành công trong phát triển kinh tế. Nhiều nhà kinh tế đã cố gắng giải thích sự kém phát triển bằng các lý do phi-thể chế như [1] : (i) Thiếu vốn đầu tư; (ii) Thiếu sự đổi mới công nghệ; (iii) Yếu kém về giáo dục; (iv) Vị trí địa lý không thuận lợi, thiếu tài nguyên; (v) Các chính sách kinh tế vĩ mô kém.

Tuy nhiên, các cách giải thích này còn có nhiều khiếm khuyết. Ví dụ, lý thuyết của Solow cho rằng vốn và tiến bộ công nghệ tạo ra tăng trưởng nhưng nhiều bằng chứng cho thấy lý lẽ này không đứng vững. Chẳng hạn, Nigeria và Hong Kong có mức đầu tư vốn vật chất/mỗi công nhân tăng 250% trong giai đoạn 1960-85 nhưng mức tăng trưởng sản lượng/mỗi công nhân của Hong Kong là 328% trong khi của Nigeria chỉ là 12%. Con số tương tự của Nhật Bản và Gambia là 500% và mức tăng trưởng tương ứng là: 2% và 260% [2] . Một quan điểm khác cho rằng các nước tăng trưởng kém là bởi vì có các chính sách kinh tế vĩ mô kém và không phù hợp như: thâm hụt ngân sách cao, sở hữu công cộng lớn, hàng rào thương mại cao… đã làm cản trở tăng trưởng. Điều này có thể đúng nhưng câu hỏi đặt ra là: những chính sách tồi từ đâu đến? Các nhà kinh tế học thể chế mới (new instutional economics) cho rằng nhiều vấn đề trong phát triển xuất phát từ các thể chế, chẳng hạn thiếu vốn là bởi vì sự thất bại trong bảo vệ quyền sở hữu hay chính sách tồi là do các thể chế yếu kém gây ra.

Nhưng tại sao các nước đang phát triển lại có các thể chế yếu kém, tại sao lại mới chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới thành công trong việc thay đổi và xây dựng các thể chế hỗ trợ tốt cho sự phát triển? Để trả lời câu hỏi thứ nhất, đã có nhiều nhà kinh tế đưa ra các lý do như: Di sản từ chế độ thực dân (ví dụ các nước thuộc địa của Anh với hệ thống thông luật (common law) có sự bảo vệ quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, mức độ độc lập của tư pháp cao hơn, sự hạn chế quyền lực của nhà nước tốt hơn là các quốc gia có di sản từ hệ thống dân luật (civil law) của Pháp; Các niềm tin và tập quán xã hội (một số quốc gia có các niềm tin và tục lệ không thích ứng với nền kinh tế thị trường đã ngăn cản nó xây dựng nên các thể chế khuyến khích đầu tư và thương mại)…

Và rất nhiều người cũng như Douglass C.North đã tự hỏi: “Chúng ta giải thích như thế nào về sự tồn tại dai dẳng của nghèo khổ ở giữa sự sung túc? Nếu chúng ta đã biết nguồn gốc của sự sung túc thì tại sao các nước nghèo lại không đơn giản chấp nhận các chính sách tiến đến sự sung túc đó?” [3] . Thực tế cho thấy sự thay đổi thể chế ở các nước đang phát triển không hề đơn giản và hết sức khó khăn. Hầu hết các thay đổi vẫn chỉ nằm ở bên ngoài, còn cơ cấu bên trong của thể chế vẫn ổn định. Việc sử dụng các thể chế nhập khẩu từ bên ngoài không thích ứng với điều kiện xã hội hiện tại thường thất bại. Chẳng hạn như nhiều nước Mỹ Latinh đã chấp nhận các bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ rất gần với Hiến pháp Mỹ nhưng họ vẫn thất bại trong việc xây dựng một xã hội dân chủ thực sự. Các tổ chức quốc tế như IMF và World Bank thường sử dụng viện trợ để khuyến khích thay đổi thể chế nhưng cũng đạt rất ít thành công vì các thể chế căn bản của một quốc gia thường có lịch sử lâu dài, có tính kế thừa cao, lại có nền tảng vững chắc là các niềm tin và tập quán xã hội là những cái thường không thay đổi do viện trợ.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về việc tại sao Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo nhưng các cách giải thích chủ yếu vẫn tập trung vào các lý do phi thể chế như thiếu vốn, thiếu giáo dục, chính sách kém… Chỉ cho đến gần đây thì lý thuyết về thể chế mới được đề cập đến nhiều hơn (Chẳng hạn trong cuốn Thể chế, cải cách thể chế và phát triển: lý luận và thực tiễn ở nước ngoài và Việt Nam. NXB Thống kê, Hà Nội, 2002 của Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ướng). Mới đây, có một tác giả tuy chuyên về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp [4] nhưng đã có một tác phẩm nghiên cứu khá sâu về lĩnh vực này, đó là Đặng Kim Sơn với quyển Ba cơ chế: thị trường, nhà nước và cộng đồng-ứng dụng cho Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

Trong tác phẩm này, tác giả đã giới thiệu về các khái niệm, bản chất, công cụ… của 3 lớp cơ chế mà tác giả cho là nền tảng của bất cứ xã hội nào - từ truyền thống đến hiện đại, từ phương Đông sang phương Tây, đó là: cơ chế thị trường, cơ chế nhà nước và cơ chế xã hội:

“Hình thức hoạt động của cơ chế nhà nước là các khuôn khổ cứng của luật pháp, quy định và hoạt động can thiệp vào hoạt động kinh tế, xã hội. Thị trường hoạt động theo hình thức tự do, thông qua hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cộng đồng vừa dùng các khung luật lệ quy định, vừa phát huy vai trò tự chủ để thỏa thuận, xây dựng các cam kết về nghĩa vụ à quyền lợi” (tr.24)

Tác giả đã giới thiệu những điểm mạnh, điểm yếu của các cơ chế này, sự phối hợp các cơ chế ra sao để xã hội đạt được hiệu năng cao, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam. Tác giả cho rằng nếu sử dụng tốt các ưu điểm, hạn chế nhược điểm của từng loại cơ chế, có sự phối hợp hài hòa giữa 3 cơ chế này ở những thời điểm thích hợp thì ta sẽ có một xã hội ổn định và kinh tế phát triển, ngược lại sẽ dẫn đến sự trì trệ và bất ổn. Dựa trên mô hình 3 cơ chế lồng ghép này, tác giả đã lý giải rất tốt nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị… cả ở Việt Nam và thế giới.

Tác giả đã minh họa cho khung lý thuyết này bằng các ví dụ là những hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam như: cha chung không ai khóc, một người làm quan cả họ được nhờ, xử lý nội bộ, bóp méo thông tin, ăn cây nào rào cây ấy… Trong quyển sách này, rất nhiều các ví dụ được lấy từ các quốc gia khác có những hiện tượng tương tự như ở Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, có lẽ vì quyển sách đã đụng đến nhiều vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam như tệ sùng bái cá nhân, sự mất lòng tin của các tầng lớp trong xã hội… mà không thể dễ dàng viết thẳng ra được. Cái hay của tác giả là tuy sử dụng các khuôn khổ và khái niệm của kinh tế học thể chế mới để phân tích và lý giải các vấn đề ở Việt Nam nhưng độc giả lại thấy rất gần gũi và dễ hiểu vì tác giả đã lồng ghép rất khéo những khái niệm học thuật như: chi phí giao dịch, thông tin không đầy đủ, thông tin bất cân xứng, hành động tập thể… vào thực tế của Việt Nam một cách nhuần nhuyễn và không hề khiên cưỡng.

Với một khung lý thuyết hợp lý và sự am hiểu của một người “trong cuộc”, tác giả đã có nhiều kiến giải sâu sắc và có tính hệ thống về nhiều vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải. Chẳng hạn, trong phần viết về các nhược điểm của cơ chế cộng đồng có đoạn:

Do cơ chế cộng đồng vẫn còn bao trùm các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong thực tế, tất cả các con người cụ thể này đều quan tâm đến quyền lợi tức thời của mình mà không phải ai cũng chăm lo đến tương lai vững bền của doanh nghiệp” (tr.134)

“Nhà quản lí trung ương có hai cái thích:

Thích đầu tư cho nhiều công trình to lớn có tiếng vang, vừa để lại tiếng tăm cho hậu thế, vừa có uy tín chính trị tức thì.

Thích đầu tư dàn trải, giao vốn liếng, tài sản cho nhiều người “biết điều” và tin cậy nắm giữ, vừa có “lại quả” trước mắt, vừa được ân nghĩa lâu dài.

Người lãnh đạo đơn vị cơ sở cũng có hai cái thích:

Thích đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị lớn để có tiền hoa hồng kín đáo.

Thích ký kết hợp đồng qua trung gian, được “lại quả” nhanh gọn.

Cán bộ, công nhân cũng có hai cái thích:

Thích cơ quan đầu tư ngay vào lương, vào thưởng, vào phát quần áo…

Thích được phân chia phúc lợi như nhà đất, đi nghỉ mát, chữa bệnh…

Do sự thống nhất về quyền lợi ngắn hạn như trên, vốn đầu tư của nhà nước, vốn vay của ngân hàng, viện trợ quốc tế… không hướng vào các mục tiêu hiệu quả và lợi ích vững bền lâu dài như đào tạo cán bộ, đổi mới công nghệ cao, phát triển thị trường, mà cứ vùn vụt tiêu xài theo đà tăng trưởng theo chiều rộng, giải quyết theo quyền lợi trước mắt.” (tr.135)

Cách phân tích có chiều sâu và mang tính hệ thống như vậy đã giúp người đọc đi vào tận gốc các nguyên nhân của những vấn nạn hết sức phi lý ở Việt Nam, ai cũng thấy nhưng mãi vẫn không thể giải quyết nổi như: tham nhũng, việc đầu tư dàn trải và lãng phí diễn ra tràn lan, các DNNN làm ăn lỗ lã kéo dài vẫn được bơm thêm tiền và việc cổ phần hóa chưa năm nào đạt được mục tiêu đề ra… Những người ngoài hệ thống có thể thấy việc giải quyết những vấn đề này là rất đơn giản nhưng những người nào đã tham gia vào guồng máy này thì khó có thể làm gì khác ngoài việc hùa với số đông trong cái cộng đồng nhỏ của họ:

“Trong nhiều vụ án, kẻ bị đưa ra xét xử có vẻ vì tội ác với cộng đồng lớn nhưng thực ra là do đã phạm lỗi với cộng đồng nhỏ. Ngược lại, dù phạm tội với cộng đồng lớn nhưng mọi việc vẫn có thể vẫn êm đẹp miễn là những cá nhân đó chơi đúng “luật” trong “cộng đồng nhỏ… Chúng thường chỉ bị sa lưới khi ăn chặn, thất tín, vượt quá sự cho phép, vượt quá khả năng quản lí của chính những người tiếp tay, đỡ đầu trong hệ thống. Trong một xã hội do cơ chế cộng đồng điều chỉnh, hiếm có kẻ nào bị xử phạt vì ban phát, phân bổ quỹ chung lãng phí, vì xin tiền chung về cho đơn vị sử dụng riêng hoặc vì sử dụng quyền lực chung kém hiệu quả. Mặc dù xét về bản chất, đây là tội năng nhất đối với cộng đồng lớn, là nguồn gốc của các tội lỗi khác.” (tr.131)

Khi đọc quyển sách này, chỉ có đặt mình vào tư thế của một độc giả Việt Nam mới cảm nhận được sự dũng cảm và tâm huyết của tác giả khi đề cập tới những vấn đề từ trước đến nay vẫn được coi là nhạy cảm ở Việt Nam:

“Tâm lý cộng đồng muốn các vị thần phải ở trên đỉnh Olympia mây mù che phủ. Nạn sùng bái cá nhân chẳng những hủy hoại quyền và tư thế chính đáng của mỗi con người ở cấp dưới mà còn đẩy cấp trên ra khỏi những thước đo, những tiêu chuẩn đánh giá bình thường của mọi con người, buộc họ phải đóng giả những nhân vật “nửa người nửa thánh” đầy bi kịch. Các nhà lãnh đạo dường như được phép sai lầm, được sống trụy lạc miễn là kín đáo, nhưng không có quyền được yêu, được sinh hoạt bình thường với gia đình như mọi người, không được sống với con người thực của mình. Họ bị bao vây, theo dõi, ngăn chặn và cô đơn trong tình trạng “tế sống” của lòng sùng kính”. (tr.127)

Hoặc:

“Ai cũng biết, trong cuộc sống sôi động và phức tạp này nay, muốn đánh giá tốt, xấu, muốn kích thích thi đua phải đưa ra các tiêu chí thiết thực, xây dựng cơ chế giám sát công khai và công bằng, luật lệ thưởng phạt công minh, nhưng trong nhiều cộng đồng vẫn tự ru ngủ mình bằng các hình thức tự kiểm điểm, tự đánh giá hay phát động thi đua một cách hình thức. Những liều thuốc cũ như vậy không thể dùng để chữa các bệnh mới một cách hiệu quả”. (tr.262)

Tác giả cũng đã cảnh báo về hiện tượng mất lòng tin vì thông tin không minh bạch ở xã hội Việt Nam hiện nay là rất nguy hiểm:

một số vấn đề lịch sử chưa công khai khép lại, ranh giới bí mật thông tin không rành mạch, (…) dẫn đến một nguy cơ to lớn cho cơ chế nhà nước nói riêng và cho xã hội nói chung, đó là tình trạng lòng tin mơ hồ và hậu quả nguy hiểm hơn là các mối nối cộng đồng trở nên lỏng lẻo.” (tr.266)

“…Hiện tượng hai cách nói, hai cách viết, hai cách làm, hai nguồn thu nhập… tạo cho con người, tổ chức, địa phương hai cách sống thật và giả. Trên dưới không thật với nhau, cán bộ và quần chúng không thật với nhau, thủ trưởng và nhân viên không thật với nhau, thày giáo và học trò không thật với nhau, bố mẹ với con cái không thật với nhau. Thật giả lẫn lộn, lừa lẫn nhau dẫn đến lừa cả mình và đánh mất lòng tin” (tr.267).

Trong quyển sách, độc giả còn có thể tìm thấy nhiều đoạn phân tích sắc sảo và dũng cảm như vậy. Theo ý kiến riêng của tôi, đây có lẽ là một trong số ít những quyển sách tốt nhất viết về kinh tế và xã hội Việt Nam được xuất bản trong những năm gần đây và đặc biệt lại do một tác giả Việt Nam viết. Khi đọc những tác phẩm như thế này, chúng ta sẽ thực tế hơn và bớt đi những kỳ vọng quá đáng vào sự phát triển của Việt Nam [5] , một đất nước với gần 80% dân số vẫn đang sống ở nông thôn và do đó cả xã hội vẫn bị chi phối rất lớn bởi những niềm tin, tập quán không phù hợp với kinh tế thị trường, đặc biệt khi những niềm tin, tập quán này lại bị bóp méo, khúc xạ, khuếch đại những nhược điểm và bị lợi dụng bởi những thể chế chính thức do cơ chế nhà nước điều hành.

Tất nhiên, mỗi người đọc khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau và không phải không có người sẽ phê bình một số điểm trong quyển sách này nhưng thực lòng tôi rất mong sẽ có nhiều người ở Việt Nam - đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lí… những người có trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước - đọc quyển sách này để hiểu rõ hơn về chính mình, về cơ chế mà mình đang sống và làm việc trong đó để có thể bớt đi những ảo tưởng, đề ra những giải pháp thực tế, thích hợp, tận gốc và bền vững để giải quyết những vấn nạn trên đường phát triển của đất nước.

© 2005 talawas



[1]Chẳng hạn xem Easterly, William (2001), The Elusive Quest for Growth. Cambridge: The MIT Press.
[2]Shirley, Mary M. (2004), Institutions and Development. Presentation to ESNIE.
[3]Trích lại từ World Bank (2002), Báo cáo phát triển thế giới năm 2002: Xây dựng thể chế hỗ trợ thị trường. Bản dịch tiếng Việt. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2002.
[4]Tác giả hiện là Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
[5]Chẳng hạn việc đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Về mặt cá nhân, tôi cho đây là một mục tiêu không thực tế. Làm sao Việt Nam trong tình trạng hiện nay chỉ trong 15 năm nữa có thể tiến một bước thần kỳ như vậy với một thế hệ những nhà lãnh đạo mới vẫn phải thi môn Kinh tế chính trị Mác Lênin như là một trong 3 môn bắt buộc (2 môn còn lại là toán và ngoại ngữ) để có thể vào được bậc học cao học kinh tế (được coi là tiêu chuẩn quan trọng để xét lên làm lãnh đạo, bên cạnh những tiêu chuẩn như: là Đảng viên, đã học các lớp sơ, trung, cao cấp chính trị (!)…)? (chưa kể khi kết thúc quá trình học đại học ở bất kỳ ngành học nào, họ cũng đã phải thi tốt nghiệp bằng một trong những môn Khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo qui định gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo).