© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đạiVăn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
20.4.2005
talawas
Minh bạch
 
Từ buổi bước vào hoạt động, dù luôn tự nhủ hãy dũng cảm nhưng talawas không tránh khỏi run sợ mỗi khi nghĩ đến một trong những nguy cơ lớn nhất luôn đe doạ các diễn đàn trên mạng: đó là sự thiếu minh bạch, gắn liền với tính chất ảo của phương tiện truyền thông kì diệu là internet. Nặc danh và giả danh vốn có từ lâu đời, nhưng phải đợi đến kỉ nguyên internet mới phát triển đến độ trở thành một kẻ thù khổng lồ và thường trực, gieo rắc từ những nỗi bực mình nho nhỏ đến những tai hoạ khôn lường cho bất kì ai, đặc biệt cho những kẻ cả tin vào tính bản thiện của con người. Trong phạm vi của một diễn đàn như talawas, nặc danh và giả danh có thể gây tổn hại đến tính khách quan, trung thực, công bằng của diễn đàn - những tiêu chí mà chúng tôi đề cao và mong giữ gìn. Làm thế nào để trong những điều kiện rất khiêm tốn về mọi phương diện, talawas có thể chống nguy cơ ấy?


Chống nặc danh, giả danh

Khác với vô số diễn đàn mà những thành viên đã đăng kí được trực tiếp đưa bài và ý kiến lên mạng, talawas cho mình cái quyền xấu xí là cảnh giác cao độ; từng bài của các tác giả, từng bức thư của độc giả đều phải chịu sự săm soi xét nét của ban biên tập, trước khi số phận của chúng được quyết định. Như thế, nguy cơ nặc danh và giả danh đã được loại bỏ một phần rất đáng kể.

Nhưng điều may mắn lớn nhất cho talawas là phần đông – có lẽ không ít hơn 70-80% - các tác giả, dịch giả có bài, ý kiến được công bố trên talawas đều là những tên tuổi đã ít nhiều quen thuộc trong công luận, nhân thân và trách nhiệm đều rõ ràng. Song ngay cả trong những trường hợp nhận được bài của một tác giả nổi tiếng mà không do tác giả trực tiếp gửi đến, chúng tôi vẫn phải liên lạc - thường là qua điện thoại -, với tác giả để xin xác nhận. Cho đến nay, khi bị thẩm tra lại như vậy, các tác giả ấy đều vui lòng chia sẻ nguyên tắc „tin cậy là tốt, nhưng kiểm tra thêm một lần nữa còn tốt hơn“ của chúng tôi. Nhân đây, talawas xin được cảm ơn sự rộng lòng đó.

talawas cũng xin cảm ơn tất cả các tác giả, độc giả khi gửi bài, ý kiến, tài liệu, tin tức…, đã luôn kèm theo thông tin về cá nhân mình. Nhiều người trong số quý vị và các bạn, dù đang sống ở Việt Nam và trong hoàn cảnh talawas bị tường lửa, vẫn không ngần ngại cho ban biên tập biết cả số điện thoại và địa chỉ nhà riêng. Chúng tôi đánh giá cao sự tin cậy đó. Quý vị và các bạn là lí do khiến chúng tôi cả tin rằng sự chính trực của con người không dễ bị diệt chủng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tác giả, dịch giả, độc giả từng cộng tác với talawas đều phải chịu đựng bổn phận đa nghi của chúng tôi. Trong khá nhiều trường hợp, chúng tôi được phép xếp cái bổn phận này sang một bên để vui hưởng, chẳng hạn một bản dịch công phu mà dịch giả có thể dùng một bút danh khác với tên thật, nhưng chắc chắn không có lí do gì để phải giấu mình vì động cơ thiếu lương thiện. Nếu talawas bỗng nhận được một bản dịch trác tuyệt tác phẩm Ulysses của James Joyce mà dịch giả không muốn tiết lộ nhân thân, chúng tôi sẵn lòng tôn trọng ý muốn khác thường ấy. Sự mai danh ẩn tích ở đây không gây hại cho bất kì ai, ngoài việc làm những người hâm mộ buồn vì không xin được chữ kí lưu niệm. Hình như cũng chưa ai xin được của ông Thomas Pynchon một chữ kí.

Nhưng trong tranh luận - mà talawas là một diễn đàn thường xuyên có tranh luận -, chúng tôi cho rằng sự minh bạch của các bên tham gia là điều kiện thiết yếu. Không ai có quyền cho phép mình làm một nhân vật hoàn toàn đứng trong bóng tối hay đứng trong hậu trường nói vọng ra, trong khi những người khác phải xuất hiện công khai trước sự phán xét của công luận. Danh tính rõ ràng trong các cuộc tranh luận gắn liền với trách nhiệm mà người phát ngôn phải gánh chịu. Không một cuộc đối thoại THẬT nào có thể thực sự được tiến hành nghiêm túc giữa những nhân vật ẢO. Trong một đời sống bình thường và lành mạnh của công luận, việc xuất hiện với danh tính rõ ràng là điều hoàn toàn đương nhiên. Song sinh hoạt tinh thần công cộng trong bối cảnh Việt Nam - hiểu theo nghĩa rộng nhất, một Việt Nam không chỉ hạn chế trong lãnh thổ quốc gia - còn rất xa mới đạt tới độ bình thường và lành mạnh ấy. Tính chất toàn trị chưa được khắc phục từ gốc rễ của hệ thống chính trị xã hội tại Việt Nam và gắn liền với nó là sự phi dân chủ hoặc thiếu dân chủ trong hoạt động của mọi guồng máy thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá tư tưởng, cũng như sự thiếu vắng những cơ sở pháp lí căn bản, cộng thêm tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hoá và truyền thông là những điểm xuất phát không cho phép chúng ta đạt được ngay những nề nếp đã trở thành đương nhiên tại các quốc gia tiên tiến.

Về phần mình, chúng tôi không nhắm mắt mà giơ tay hái sao trên trời, song các thoả hiệp mà talawas có thể chấp thuận cũng phải đảm bảo một độ minh bạch tối thiểu cho diễn đàn. Chúng tôi tôn trọng việc các tác giả dùng một hay nhiều bút danh khác nhau, chúng tôi cũng đồng ý với việc một tác giả tham gia tranh luận không xưng rõ danh tính thật của mình trước công luận nếu không thế khác, nhưng chỉ với điều kiện là ban biên tập talawas phải được biết rõ nhân thân, con người thật sau những bút danh ấy. Chỉ bằng cách đó, talawas mới có thể đảm bảo một sự công bằng tối thiểu phải có với các bên tham gia. Tối thiểu, các bên tham gia tại diễn đàn này đều phải được yên tâm rằng một tác giả A chỉ là A mà thôi, không phải các hoá thân thành những A-phẩy-vô-tận thông qua những bút danh chưa ai hân hạnh được biết đến và những địa chỉ email lưu động. Kỉ lục lập một địa chỉ yahoo hiện nay là 47,8 giây đồng hồ.

Như vậy, với tư cách là trung gian giữa các bên tham gia, là ban điều hành diễn đàn, chúng tôi có trách nhiệm xác minh danh tính thật của các tác giả. Về nguyên tắc, vào bất kì lúc nào và trong mọi trường hợp. Trong thực tế và trong khả năng cho phép, khi thấy việc này là cần thiết. Cho đến nay, trừ một tác giả đang sống tại Việt Nam chưa thể công khai danh tính với ban biên tập vì lí do an toàn chính trị, hầu hết các tác giả mà chúng tôi liên lạc nhằm mục đích này đều vui vẻ cung cấp trực tiếp thông tin về bản thân, hay gián tiếp, thông qua một người thứ ba mà cả hai bên đều tin cậy. Nhưng trong trên dưới hai mươi trường hợp khác, những người được hỏi đã không có hồi âm, hoặc từ chối mà không nêu lí do đủ sức thuyết phục. Chúng tôi đã không có cách nào khác là chấm dứt cộng tác với những tác giả này.


Vấn đề thư độc giả

Xin thừa nhận là cho đến nay, trong một khu vực nhất định, talawas chưa đủ sức thực hiện nhất quán và triệt để bổn phận đa nghi và tinh thần cảnh giác của mình: Ban biên tập đã khá rộng tay đối với các ý kiến đăng trong mục „Thư độc giả“. Bản thân tên mục này cũng không hoàn toàn hợp lí.

Kể từ nay, mục „Thư độc giả“ sẽ được chuyển thành mục „Ý kiến ngắn“. Độ ngắn là tiêu chuẩn duy nhất cho việc xếp bài vào đây. Còn lại, các ý kiến ngắn này cũng sẽ phải thoả mãn mọi yêu cầu nhằm đảm bảo sự minh bạch của diễn đàn. Ý kiến ngắn thường được biên tập nhanh và đăng ngay trong ngày, nên những trường hợp không đáp ứng được tiêu chuẩn minh bạch sẽ đơn giản bị loại bỏ. Tiếc rằng tốc độ và khối lượng công việc không cho phép chúng tôi xác minh, lí giải và hồi âm cho từng trường hợp tại mục này.


Trường hợp Nguyễn Trần Khuyên

Ngày 07.4.2005, talawas đăng bài “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực“ của Nguyễn Trần Khuyên. Trong quá trình trao đổi trước khi đăng bài, tuy bút danh Nguyễn Trần Khuyên lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn này, chúng tôi căn cứ vào chất lượng bài viết để cho rằng, độc lập với việc bản thân ban biên tập có thể chia sẻ hoặc không đồng tình tới mức độ nào với những luận điểm nhất định của nó, tham luận này xứng đáng được giới thiệu trên talawas để rộng đường dư luận. Bài viết mang dữ liệu kĩ thuật xuất phát từ chiếc computer cài tên Khuyen Vu Nguyen và được gửi từ một địa chỉ IP (Internet Protocol) của thành phố Berkeley, California, vì vậy chúng tôi phỏng đoán rằng Nguyễn Trần Khuyên có thể là bút danh của chị Nguyễn Vũ Khuyên, nghiên cứu sinh (graduate student) tại Đại học Berkeley, người mà hai thành viên trong ban biên tập talawas trực tiếp quen biết. Nếu phỏng đoán này có nhầm chăng nữa thì ở thời điểm đăng bài, chúng tôi không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ việc xác minh danh tính tác giả này sẽ gặp khó khăn. Sự việc tưởng như rất đơn giản.

Phân vân đầu tiên xuất hiện khi chúng tôi ghi nhận rằng bài của một tác giả nữ mang tên khác Nguyễn Trần Khuyên, từng được gửi đến talawas, cũng mang dữ liệu kĩ thuật xuất phát từ chiếc computer cài tên Khuyen Vu Nguyen, và cũng được gửi từ địa chỉ IP nói trên, tuy thông qua một địa chỉ email khác. Thêm nữa, ngày 12.4.2005 talawas nhận được thư và bài viết của một độc giả nữ tham gia cuộc tranh luận này. Độc giả ấy có tên lại hoàn toàn khác, dùng một điạ chỉ email cũng hoàn toàn khác, nhưng thật trớ trêu là bài viết của độc giả ấy cũng mang các dữ liệu kĩ thuật xuất phát từ chiếc computer cài tên Khuyen Vu Nguyen, và cũng được gửi từ địa chỉ IP nêu trên. Quá nhiều ngẫu nhiên chăng? Sự bối rối của chúng tôi được tăng cường qua cuộc tranh luận giữa Phan Nhiên Hạo và Tiền Vệ, liên quan đến tác giả Khuyến, tức Nguyễn Trần Khuyên. Và cuối cùng, sự xuất hiện Petition của Nhóm Nguyễn Trần Khuyên chống Tạp chí Thơ đã làm nốt phận sự là khiến ban biên tập talawas hoàn toàn bất lực trước mọi phỏng đoán ai là ai hoặc là những ai.

Vì vậy, ngày 14.4.2005 chúng tôi gửi thư sau đây đến Nguyễn Trần Khuyên:

«Chị Nguyễn Trần Khuyên thân mến,
Trước đây chúng tôi xuất phát từ thông tin rằng Nguyễn Trần Khuyên là bút danh của Nguyễn Vũ Khuyên, sinh viên graduate tại Berkeley, California. Tuy nhiên, một số thông tin gần đây khiến chúng tôi thấy cần phải xác nhận lại thông tin này. Xin chị vui lòng cho biết tên thật, tuổi, nơi ở, và số điện thoại của chị để chúng tôi có thể liên lạc.
thân mến,
talawas»

Thư Nguyễn Trần Khuyên trả lời chúng tôi ngày 14.4.2005 như sau:

“Chào BBT talawas, các bạn không phải là người đầu tiên hỏi chúng tôi điều này. Nếu talawas thực sự muốn biết chúng tôi là ai, thì hãy thực hiện một cuộc phỏng vấn và đăng công khai trên talawas.
NTK”

Nhận được lời đáp này, chúng tôi gửi tiếp thư sau đây đến Nguyễn Trần Khuyên, vẫn trong ngày 14.4.2005:

“Chị Nguyễn Trần Khuyên thân mến,
Nguyên tắc làm việc của mọi toà soạn, nhà xuất bản, v.v. trên toàn thế giới với các cộng tác viên là các cộng tác viên phải cung cấp thông tin về cá nhân mình cho toà soạn, nhà xuất bản… biết rõ. Các toà soạn, nhà xuất bản… có trách nhiệm tuyệt đối bảo mật đối với một phần các thông tin này, không phổ biến nếu tác giả không cho phép. Song một phần các thông tin đó không nằm trong phạm vi privacy, công luận có quyền được biết đến. Đối với mọi tác giả lần đầu tiên xuất hiện trên talawas, chúng tôi đều yêu cầu cung cấp thông tin như vậy. Đối với những tác giả từ chối cung cấp thông tin về cá nhân mình cho toà soạn, chúng tôi không tiếp tục cộng tác. Tất cả những điều kiện này đều nhằm đảm bảo độ tin cậy của bài vở trên talawas. Cảm ơn chị đã gợi ý phỏng vấn, tiếc rằng chúng tôi không thể phỏng vấn một nhân vật mà chúng tôi không biết là ai. Các cuộc phỏng vấn của talawas đều được thực hiện rất công phu. Người phỏng vấn phải tìm hiểu, đọc, nghiên cứu lĩ lưỡng về đối tượng được phỏng vấn trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.
thân mến,
talawas”

Nguyễn Trần Khuyên trả lời bức thư này như sau:

“Gửi BBT talawas,
Chúng tôi không phải là cộng tác viên của talawas theo nghĩa ăn lương hoặc nhân viên tình nguyện. Chúng tôi đơn giản chỉ là những người góp bài vào một cuộc tranh luận đang diễn ra trên một diễn đàn công cộng. Mà diễn đàn này được thiết lập dưới tên talawas. Việc chúng tôi là ai đã đề cập rõ trong bài viết của chúng tôi: một nhóm người viết, đọc nữ. Quả thật chúng tôi rất thất vọng vì talawas đã chọn đăng bài của chúng tôi không vì nội dung của bài ấy mà vì talawas tưởng nhầm mình biết tác giả kia là ai. Chúng tôi thất vọng hơn khi talawas giở trò “ép” chúng tôi phải lộ diện và “đe dọa” sẽ không đăng bài của chúng tôi. Theo chúng tôi thấy, cái mà talawas gọi là “nguyên tắc biên tập” thực chất chỉ là một “chien thuat da chien” [1] mệnh danh “trách nhiệm xuất bản thế giới” nào đó. Chúng tôi không bàn thêm về nhận định li kì này của talawas mà chỉ nói rằng, với kinh nghiệm của chúng tôi, những lập luận mà talawas đưa ra là vô căn cứ và thiếu thuyết phục. Nhưng cuối cùng, chúng tôi THẤT VỌNG NHẤT vẫn là tất cả các cuộc tranh luận về đề tài nữ quyền đều được xem là “phản động” hoặc “tráo trở không đáng tin cậy” qua mọi thời đại và mọi tư tưởng hệ, Cộng Sản cũng như Quốc Gia, và bây giờ, lẫn trong và ngoài nước. Nói thế, chúng tôi hoàn toàn hiểu được sự bao trùm của cái bóng Cộng Sản trong tất cả các hoạt động trí thức hải ngoại. Đây là một điều đáng thương hại. Nhưng chúng tôi sẽ không để phương hướng của mình bị phe phái hoá. Người đọc sẽ biết thêm về chúng tôi qua những bài dịch thuật hoặc nhận định văn học nghiêm túc dựa trên cơ sở kiến thức và lý tính, chứ không phải qua ống kính đã hoàn toàn bị bóp méo vì những vết thẹo lịch sử. talawas phải làm những điều talawas cần làm. Và chúng tôi cũng thế. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong talawas cũng như cá nhân Phạm Thị Hoài sẽ kí tên vào petition của chúng tôi và gửi thêm cho những người khác.
Nguyễn Trần Khuyên”

Nhận được lời đáp này, talawas hồi âm đầu ngày 15.4.2005 như sau:

“Chào chị Nguyễn Trần Khuyên,
Chúng tôi khuyên chị nên bình tĩnh, xem lại những lời chị vừa viết cho chúng tôi. Nếu chị thấy cần phải đính chính, chúng tôi vui lòng chấp nhận sự đính chính đó. Chúng tôi cũng lưu ý chị rằng, trao đổi giữa toà soạn và cộng tác viên (rất có thể chúng ta dùng chữ “cộng tác viên” theo những nghĩa khác nhau. Chúng tôi coi các tác giả cộng tác với talawas thông qua việc gửi bài đến talawas là những cộng tác viên) không phải là trao đổi thuần túy cá nhân. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng, vì sự minh bạch như một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu đối với báo chí, vì độ tin cậy như một trong những tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu của tờ báo, chúng tôi cần biết những thông tin cần thiết về các tác giả - để dùng cách nói của chị - hay các cộng tác viên – như cách nói của chúng tôi.
thân mến,
talawas”

Và cuối ngày 15.4.2005, talawas gửi tiếp bức thư sau đây đến Nguyễn Trần Khuyên:

“Chị Nguyễn Trần Khuyên thân mến,
Chúng tôi vẫn chờ thông tin của chị. Cuộc tranh luận mà bài viết của chị khơi lên vẫn đang tiếp tục. Sẽ rất đáng tiếc nếu chị không có cơ hội tiếp tục tham gia, đáp lại ý kiến của người khác, hoặc đưa ra những khiá cạnh thảo luận mới. Nhưng như chị cũng biết rõ, điều kiện quan trọng để một cuộc tranh luận được thực hiện fair là các bên tham gia phải biết rõ ai là ai, hoặc nếu không trực tiếp biết rõ thì phải được thông qua sự đảm bảo của trung gian là Ban biên tập, tức những người điều hành cuộc thảo luận. Chúng tôi mong chị đáp ứng điều kiện này. Nếu không nhận được hồi âm của chị, tiếc rằng chúng tôi buộc phải coi bức thư viết ngày 14 Apr 2005 (14:31:54) của chị là câu trả lời chính thức của chị với talawas. Mong rằng điều này không nhất thiết phải xảy ra.
thân mến,
talawas”

Cho đến nay, 19.04.2005, vì không nhận được hồi âm nào nữa, chúng tôi đành chấm dứt sự cộng tác với Nguyễn Trần Khuyên. Nhưng như thế là chấm dứt cộng tác với ai hay những ai? Một, hai, ba, hay một trăm, một ngàn, một triệu, mười triệu người viết, độc giả nữ? Đáng tiếc là sự thiếu minh bạch này đã đặt toàn thể những người đang quan tâm đến cuộc tranh luận và ban điều hành vào một tình thế đánh đố và mở đường cho các suy diễn về những động cơ không trong sạch. Dĩ nhiên, sau thông báo này, nếu Nguyễn Trần Khuyên có quyết định khác và công khai danh tính của mình trước công luận hoặc với chúng tôi, talawas lại sẵn lòng mời chị hoặc các chị tham gia diễn đàn.


Về Lời kêu gọi tẩy chay Tạp chí Thơ

  1. Chủ trương đối thoại, talawas không đồng tình với tất cả những hoạt động và biện pháp mang tính phản đối thoại. Ngày 07.04.2005, bài viết của Nguyễn Trần Khuyên đăng trên talawas. Ngay hôm sau, ngày 08.04.2005, không hề chờ một phản hồi nào từ phiá Tạp chí Thơ [2] , một trong những đối tượng bị phê phán trong bài, Nhóm Nguyễn Trần Khuyên đã thảo Lời kêu gọi, đưa lên website http://www.ipetitions.com/boards/viewtopic.php?topic=6220&forum=6, và chậm nhất là ngày 10.04.2005 đã gửi bằng email đi nhiều nơi [3] . Điều đó cho thấy, với bài viết của mình, Nguyễn Trần Khuyên không nhằm đến đối thoại. Vì Nhóm Nguyễn Trần Khuyên đưa bài viết đăng trên trang talawas vào Lời kêu gọi của mình như cơ sở phát ngôn, chúng tôi thấy cần phải khẳng định rõ thái độ của talawas: Bài viết này được đăng trên trang talawas duy nhất vì mục đích đối thoại và tranh luận. Cũng vì mục đích ấy, mặc dù đã quyết định chấm dứt cộng tác với Nguyễn Trần Khuyên như trình bày ở trên, chúng tôi vẫn giữ nguyên bài viết này trên talawas. Việc nó trở thành cơ sở cho một phong trào mang tính phản đối thoại nằm ngoài khả năng tiên liệu của talawas.

    Nữ quyền không thể là quyền từ chối hay coi thường đối thoại.

  2. Có nhiều cách dịch từ petition sang tiếng Việt. talawas không coi petition của Nhóm Nguyễn Trần Khuyên là một bản kiến nghị, vì nó không đề xuất ý kiến và giải pháp, nó thuần túy là một lời kêu gọi chống đối, sử dụng một ngôn ngữ của kết án, phủ nhận và tiêu diệt. Chúng tôi không đồng tình với việc áp dụng một biện pháp như vậy trong sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Lịch sử thế giới và đặc biệt là lịch sử Việt Nam đã cung cấp quá đủ ví dụ đau xót về những phong trào tảy chay, đàn áp, thanh trừng các sản phẩm văn hoá văn nghệ và tác giả của chúng, nhân danh - thậm chí nhân danh rất chân thành - những lí tưởng không kém cao đẹp hơn lí tưởng của nữ quyền. Nạn nhân của những chiến dịch nhân danh lí tưởng ấy, có người cho đến nay còn chưa kịp trở về một kiếp sống bình thường, trong khi sự tráo trở của phương pháp đã cho phép những lí tưởng từng tuyên chiến với họ được vô can đổi sang lốt khác. Vì bất kể lí do gì, biến Tạp chí Thơ [4] , một tạp chí văn nghệ 10 năm nay tồn tại bằng cố gắng phi thường của Ban chủ trương và biết bao tác giả hàng đầu trong thi ca, văn chương, nghệ thuật Việt Nam và thế giới cho việc duy trì, phát triển và cách tân thơ Việt, thành đối tượng của một phong trào áp đặt và tẩy chay, là một hành động nguy hiểm và hoàn toàn thiếu công bằng.

    Nữ quyền không thể là quyền áp đặt và quyền được thiếu công bằng.

  3. Sự thành công hay thất bại của các phong trào thu thập chữ kí trên mạng (online petition) phụ thuộc trước hết ở tính chính danh và uy tín của những người khởi xướng, bởi số lượng có thể lên tới hàng triệu triệu của những người đóng góp chữ kí sẽ khó có một giá trị thực [5] , nếu chúng không được bảo chứng bằng những gì có thể kiểm chứng. Việc nhóm khởi xướng phong trào tẩy chay Tạp chí Thơ vẫn quyết định nằm trong bóng tối mà không nêu lí do cho hoàn cảnh phải hoạt động bí mật của mình, nhất là khi nhóm này xuất phát từ Hoa Kì chứ không từ một quốc gia có nạn đàn áp tư tưởng, là một chứng chỉ cho tính thiếu minh bạch của mình và thiếu trách nhiệm với những người tham gia phong trào.

    Nữ quyền không thể là quyền được thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch.


© 2005 talawas



[1]Trong nguyên văn, tất cả các email này được viết bằng tiếng Việt không dấu. Vì không chắc chắn cụm «chien thuat da chien» có ý nghĩa gì trong văn cảnh này, chúng tôi xin để nguyên mà không chuyển sang tiếng Việt có dấu.
[2]Bài phản hồi của Đỗ Kh., người phụ trách Tạp chí Thơ, đến ngày 13.04.2005 mới đăng trên trang talawas.
[3]Ngày 11.04.2005, Lời kêu gọi này được đăng trên trang http://www.gio-o.com/tapchitho.html. Chậm nhất là ngày 19.04.2005 nó không tồn tại ở địa chỉ này nữa, nhưng tiếp tục tồn tại ở điạ chỉ: http://www.ipetitions.com/campaigns/OPPOSING_MISOGYNY/.
[4]Xem thêm các ý kiến của Tạp chí Thơ về Petition của Nhóm Nguyễn Trần Khuyên:
http://www.tapchitho.org/index.html
http://www.tapchitho.org/wletters/voi_docgia.htm
[5]Theo danh sách được cập nhật đến ngày 16.04.2005, có 144 người đóng góp chữ kí.