© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
23.9.2004
Tiêu Quốc Tiêu
Thời đại sau “Thảo phạt Ban Tuyên Huấn” của tôi
Nữ Lang Trung dịch
 
Thoạt đầu tôi chỉ tính, gửi bài Thảo phạt Ban Tuyên Huấn qua thư điện tử cho mấy người bạn đọc. Không ngờ có bạn chưa hề bàn bạc với tôi, đã dán bài đó lên mạng Internet.

Lần này thì không kịp giở tay nữa. Bài này không phải loại bài vở mang sức gió cấp 12 trở lên nữa, mà là mang thuốc nổ, nó lập tức bung phá trên mạng. Ðầu tiên lên trang web tiếng Trung, sau đó nhanh chóng bị dịch ra tiếng nước ngoài, bị đẩy lên mạng quốc tế. Học trò tôi từ Mỹ trở về, cho biết nhiều trường đại học ở Mỹ, như đại học Harvard và đại hoc Stanford ở Mỹ đã tải bài Thảo phạt Ban Tuyên Huấn Trung Ương bằng bản dịch tiếng Anh lên trang web của họ.

Trong ngành báo chí truyền thống, thì Tuần San Châu Á (Yazhou Zhoukan) của Hồng Kông đưa tin và công bố bài này sớm nhất. Sau đó đến đài báo phương Tây tiếp tục đưa tin. Ðài truyền hình Sat 1 của Ðức và đài truyền hình CBC (Canadian Broadcasting Corporation) của Canada đã thực hiện chương trình phỏng vấn tôi. Nhưng ở đại lục Trung Quốc, không một cơ quan truyền thông nào đưa tin này, và các tin tức liên quan trên mạng lập tức bị phong toả. Nhưng hầu hết những người tôi được tiếp xúc đều lần lượt nghe được và đọc được bài này từ các nguồn quảng bá chính thức. Ða số người thành phố thì thông qua mạng Internet, bao gồm cả thư điện tử, còn những người dân hay quan tâm thời sự ở nông thôn hoặc vùng hẻo lánh thì thông qua đài phát thanh nước ngoài. Một người bạn công tác ở cục quản lý cơ quan cấp thành phố Hoài An tỉnh Tô Châu có gửi cho tôi một lá thiếp. Trên đó có viết: “Ủng hộ Tiêu Quốc Tiêu, người đào mồ cho Ban Tuyên Huấn Trung Ương, người dẫn đường cho dân Trung Quốc”, mấy chữ như vậy. Ðó là bức thư sớm nhất tôi nhận được từ độc giả.

Sau đó tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại và thư từ có tính chất khen ngợi và động viên của những người không quen biết. Một cụ già 69 tuổi đọc bài viết này qua Tuần San Châu Á, biên thư nói rằng: “Tôi rất ủng hộ quan điểm của anh, và vô cùng khâm phục tinh thần bất chấp hiểm nguy, vì lợi ích quốc gia, vì hạnh phúc nhân dân mà dám lớn tiếng kêu gọi.” Một người tự xưng là tuổi đã hoa râm hiện đang sống ở huyện Xúc An Quảng Tây viết thư nói: “Tháng trước tôi có nghe bài Thảo phạt... của anh qua một đài hải ngoại, gần đây lại được nghe anh trả lời phỏng vấn. Cả hai lần đều nghe câu được câu chăng do sóng bị nhiễu, nên cảm giác không khỏi hẫng hụt. Nhưng được nghe giọng nói của anh thoải mái và tự tin, tôi lại thấy được bù đắp phần nào. Duy có bài Thảo phạt... tôi vẫn chưa được đọc một cách trọn vẹn, thật chưa cam lòng. Nếu anh không ngần ngại, xin gửi cho tôi một bản và hy vọng rằng anh đừng quên, ở nơi xó xỉnh trên quả đất này, có một người khao khát được làm độc giả của anh và mong muốn tiếp tục được đọc bài viết của anh.” Một số bà con đi khiếu kiện nhiều năm nhưng không kết quả, trông thật tội nghiệp, và một bạn người Sơn Ðông bị mù cả hai mắt nữa, nghe tin từ đài nước ngoài, cũng lặn lội đến nhà thăm tôi.

Các học trò tôi đã bầy tỏ lòng tôn kính, ái mộ và động viên tôi qua nhiều hình thức như điện thoại, thư điện tử, viết tay: “Thưa thầy, hãy đứng vững thầy nhé”, “Thưa thầy, chúng em đều ủng hộ thầy”, “Thưa thầy, có cần chúng em lên tiếng không?”, “Thưa thầy, trong lịch sử Trung Quốc, rất nhiều những người có trí tuệ, rất nhiều những người có dũng khí, nhưng vừa có trí tuệ, vừa có dũng khí như thầy thì quả là hiếm thấy.”

Một cô phóng viên tờ Tân Văn Thân Báo (Báo tin tức buổi sáng) ở Thượng Hải, vừa tốt nghiệp từ khoa báo chí trường Ðại học Fudan, gửi cho tôi một thư điện tử: “Thật có lỗi, hôm nay tôi mới đọc bài Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ của ông, đã nói ra được tiếng lòng của những người làm báo chí một cách lâm li khảng khái. Tài hoa và tính khí trong văn chương của ông khiến người nể phục và bị thôi thúc. Nếu sau này báo chí Trung Quốc thật sự có cuộc cải cách lớn, thì bài viết này sẽ có giá trị mở đầu như một tấm bia lộ trình, sẽ được người đời ghi nhớ. Tôi xin ghi nhớ những lời dạy bảo của ông, phấn đấu trở thành lớp người tinh anh.”

Tôi còn nhận được một lá thư gửi từ Bắc Âu xa xôi của một nhà thơ Phần Lan. Trong thư còn gửi kèm bài viết có in ảnh của tôi cắt từ báo Helsinki Tân Văn (Helsinki News). Một quan chức ngoại giao ở sứ quán Hy Lạp tại Trung Quốc đến tận trường Ðại học Bắc Kinh tìm gặp tôi, và rất năng nổ liên hệ để mời tôi sang Ðại học Hy Lạp với chương trình phỏng vấn học giả. Một nhà xuất bản bang New Jersey ở Mỹ đề nghị xuất bản tác phẩm của tôi. Một giáo sư người Hoa dậy Ðại hoc Yale Mỹ, thông qua bạn bè mời tôi sang thăm viếng bên đó. Có một cô lưu học sinh người Hàn quốc ở lớp tôi dạy, sau giờ học khoe với tôi là: “Thấy ảnh và bài viết của thầy đăng trên tờ Trung Ương Nhật Báo của Hàn quốc, không ngờ thầy lại nổi tiếng như thế.” Tất cả những tình cảm quý báu đến từ trong và ngoài nước với tôi, không bao giờ tôi ngờ tới.

Một bức thư có lạc khoản là: Nhóm người yêu nước của Học viện Nhân Văn Ðại học Ôn Châu viết: “Ðọc bài viết của ông, chúng tôi nhiệt liệt vỗ tay, hưởng ứng khoan khoái, nhưng rồi không thể không ngẫm nghĩ hỏi lại: Tại sao mấy chục vạn phóng viên báo chí, mấy trăm vạn tri thức học giả đối mặt với một Ban Tuyên Huấn tà khí ngút trời, hoành hành vô phép, hại nước hại dân, mà kéo dài mấy mười năm không có người nào dám kháng nghị thẳng thắn, dù chỉ là nửa câu thôi? Hôm nay ông đứng mũi sả thân, bật ra những tiếng nói bị ức chế, bị đè nén bấy lâu nay của họ, họ đang vỗ tay khoái trá, khâm phục vô cùng. Nhưng thử hỏi có mấy người dám đứng ra công khai, lấy họ tên chính danh để bênh vực ông, ủng hộ ông?”

Ðúng thật, trong khi những độc giả xa lạ ráo riết bầy tỏ ủng hộ tôi thì bè bạn thân hữu không dám điện thoại liên hệ với tôi nữa. Một hôm, một bạn văn chương gọi điện thoai: “Ông Tiêu, ông phải trả tôi một khoản tiền.” “Khoản tiền gì?” “Phí dịch vụ đại lý chứ còn gì?” “Phí dịch vụ đại lý gì?” “Bao nhiêu người điện thoại cho tôi, nhờ tôi hỏi thăm ông, đấy không phải dịch vụ đại lý à?” “Tại sao họ không trực tiếp điện cho tôi?” “Họ nói điện thoại ông chắc chắn bị nghe trộm, nên không dám gọi.” Nghe nói thế, tôi đau đớn quá. Có thế mới biết được, mức độ về cảm giác an toàn của người Trung Quốc thấp đến nỗi... có thế mới biết được, tính nô bộc của người Trung Quốc thâm sâu đến nỗi... Phải viện đến một câu thô lỗ rằng: “Nghe trộm thì đã sao? Ðánh cú điện thoại cho tao, đứa nào dám cắn mày?” Nhưng họ thì cứ như vậy: sợ!

Trước khi bài Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ xổ lồng, một nhà xuất bản ở Thượng Hải chuẩn bị ra một tập sách của tôi có tên là Hương thổ hồi vọng (Ngoảnh nhìn đất quê). Người phụ trách biên tập gọi điện: “Anh Quốc Tiêu, tôi đã đọc bản thảo và rất hài lòng với cuốn sách của anh, xin anh cho biết địa chỉ để tôi gửi hợp đồng xuất bản cho anh.” Khi Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ trình làng rồi, biên tập lại gọi điện cho tôi: “Cuốn sách không ra được nữa rồi, động đến Ban Tuyên Huấn thế nào được? Ai lại dám chọc tức nó cơ chứ?” Một tờ nguyệt san ở Bắc Kinh hẹn tôi viết một chuyên mục, tất cả đã xong xuôi rồi, thì biên tập viên gọi điện: “Bản thảo bị loại ra rồi, lãnh đạo nói là anh đã vào tầm ngắm của Ban Tuyên Huấn, bài của anh bị phong toả, không được đăng nữa.”

Phó tổng biên tập Bắc Kinh Nhật Báo căn dặn cán bộ toà soạn rằng: “Từ nay các anh đừng hẹn Tiêu Quốc Tiêu viết bài nữa nhé”. Một vị lãnh đạo của Quang Minh Nhật Báo nửa đùa nửa thật nói với mọi người rằng: “Cái thằng Tiêu Quốc Tiêu này không muốn sống nữa chẵc”. Một ông bạn làm ở báo mạng nói với tôi, họ đã nhận được lệnh cấp trên, phải chặn ngay bài viết này của tôi, và chặn ngay các trang web nhằm khen ngợi và khẳng định tôi, còn tổ chức đăng các bài phê phán lên mặt báo. Người bạn khác là phó tổng biên tập của một tuần báo viết thư điện tử nói: “Chào anh Quốc Tiêu, cũng như nhiều người, rất thông cảm với hoàn cảnh của anh. Bây giờ mà hẹn anh viết bài là một chuyện cực kỳ... Nhưng chịu không nổi vẫn muốn hỏi : xem anh còn hứng thú viết nữa không? Chúng tôi mới mở thêm một chuyên mục – mang tiêu đề “Quan điểm”, mỗi bài khoảng 3 đến 4 ngàn chữ. Nội dung mang kiến giải độc đáo, có chiều sâu. Nếu anh còn hứng thú và có thời gian, tiện tay quẳng một vài bài sang đây, nhưng chỉ có thể ký bút danh khác thôi, khổ vậy đấy!” Tôi viết thư cám ơn: “Hiện nay tôi chẳng con tâm trí đâu mà viết, nếu viết được tôi sẽ xin gửi”. Còn những câu tôi không tiện viết ra là: “Ðại trượng phu đứng không thay tên, ngồi không đổi họ. Tự do sử dụng tên của mình là quyền lợi công dân được quy định trong hiến pháp. Cứ cho rằng còn hứng viết văn cũng không vì ép buộc mà thay bút danh khác.”

Cùng thời điểm đó, điện thoại nhà và di động của tôi thường bị quấy nhiễu. Có lần tôi đang giảng bài, liên tiếp 18 cuộc điện thoại quấy rầy tôi. Làm cho học trò cũng tức giận theo. Con trai tôi mới lên mười cũng phàn nàn rằng: “Bố ơi, họ là ai gọi cho bố mà lạ thế. Con bảo bố không có nhà, họ cúp máy. Con bảo bố có nhà, họ cũng cúp máy.”

Tất cả tài liệu có liên quan đến bài Thảo phạt... đều không thấy đăng ở trang web của Ðại lục Trung Quốc. Trong khi đó trang web Tân Hoa lại thảo phạt tôi một cách có tổ chức. Ngày 15/4/2003 tôi có viết một bài thơ “Gửi lính Mỹ” đưa lên mạng. Bây giờ họ lục lại, tới tấp cho roi vọt “Phải hết sức cảnh giác loại tinh anh này”, “Ðuổi Tiêu Quốc Tiêu ra khỏi ngành giáo dục”, “Ðuổi Tiêu Quốc Tiêu ra khỏi Trung Quốc”, “Hán gian”, “Uông Tinh Vệ, Chu Tác Nhân của thời nay”, “Nỗi sỉ nhục của Ðại học Bắc Kinh”, “Thầy giáo như thế, chúng tôi không dám đưa con đến trường đại học Bắc Kinh nữa”... Lẽ nào tôi không xứng đáng làm người Trung Quốc hơn bọn tham quan ô lại? Sao chẳng nghe nói đuổi họ ra khoải Trung Quốc? Rất nhiều lời khuyên tử tế bảo tôi đừng tiếp xúc với phóng viên nước ngoài. Với tôi đó là một sức ép, thậm chí là một sức ép quá lớn, còn hơn cả việc điện thoại bị quấy nhiễu. Người Trung Quốc vốn khinh nguyên tắc, vốn trọng tình người. Tôi không sợ không cho tôi nói, tôi chỉ sợ xin tôi đừng nói nữa. “Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế” và “Công ước nhân quyền quốc tế” bảo đảm tự do ngôn luận, hiến pháp nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bảo đảm ngôn luận tự do. Trong nghĩa vụ của hiến pháp không có điều nào cấm, không cho công dân Trung Quốc trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài cả. Trong quy định của cán bộ viên chức trường Ðại học Bắc Kinh cũng không có điều nào cấm họ không được tiếp phóng viên nước ngoài cả. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã cho phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc có nghĩa là đã hình thành một quan hệ khế ước: Phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc có thể phỏng vấn công dân Trung Quốc, công dân Trung Quốc có thể để phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc phỏng vấn. Tự do báo chí không nên chỉ dừng lại trên giảng đường, tự do ngôn luận không nên chỉ là phúc lợi của người nước ngoài, mà là của hiện thực, của toàn thể loài người, tôi phải làm một kẻ theo chủ nghĩa hành động của tự do báo chí.

Trong bức thư gửi cho một giáo sư ở Bắc Kinh tôi viết: “Tôi nguyện bằng hành vi ấu trĩ và lượng sinh vật không đáng kể của bản thân để bón cho thửa ruộng Ðại học Bắc Kinh. Chăm bón cho nó 50 năm nữa, đất Bắc Ðại cằn cỗi lắm rồi.” Từ đó tôi còn hiểu biết thêm, kẻ tàn phá tự do ngôn luận, tự do báo chí không chỉ có Ban Tuyên Huấn. Còn có cả từng bộ môn hành chính rất cụ thể của nhà nước Trung Hoa. Cố tình hay vô ý, họ đã trở thành kẻ đồng mưu của Ban Tuyên Huấn, bóp mồm bóp miệng dân Trung Quốc, tồi tệ hoá môi trường tự do ngôn luận của xã hội Trung Quốc. Thế lực khống chế ấy gần như là không khí, tràn đầy các ngóc ngách của không gian.


© 2004 talawas
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Trung: http://www.zonaeuropa.com/01814.htm