© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
11.6.2008
Dương Tường
Biết mình phải làm gì quả không đơn giản!
Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện
 
Bài tuỳ bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” của nhà văn Nguyễn Khải đang gây xôn xao trên các diễn đàn mạng nửa năm sau khi ông qua đời. Tuy chưa được phát hành chính thức tại Việt Nam, nhưng đã có nhiều luồng tranh luận đáng chú ý. Nguyễn Vĩnh Nguyên có cuộc trao đổi mở rộng và thẳng thắn với nhà thơ, dịch giả Dương Tường xoay quanh tác phẩm này.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Thưa ông, các website, diễn đàn văn chương trên mạng đang xôn xao về bài tuỳ bút chính trị dài hơn 20 trang của nhà văn Nguyễn Khải. Ông đã đọc chưa? Và tiếp nhận nó như thế nào?

Dương Tuờng: Có, tôi đã đọc và đọc khá kĩ. Tôi chơi với Nguyễn Khải không thân nhưng cũng không hẳn là sơ. Cũng đã từng có những buổi tâm sự chia sẻ nhiều nỗi niềm với nhau. Nguyễn Khải, như tôi cảm nhận, là một “ca” đặc biệt. Và phức tạp nữa. Trong Khải, luôn có hai con người. Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ. Vì thế tôi đón nhận bài tuỳ bút “Đi tìm cái tôi đã mất” với mối quan tâm đặc biệt, thầm mong đó có thể là một cái gi giống như “tiếng hót của thiên nga”.

Khi đọc tuỳ bút chính trị này, tôi đã có một liên tưởng khá rõ nét về ba tập di cảo thơ của Chế Lan Viên được in sau khi ông ấy qua đời. Ở đó, Chế Lan Viên dằn vặt trước sự vô nghĩa của cái từng được gọi là giá trị trong ý thức hệ văn chương một thời mình hăm hở, tự nguyện chọn lựa…

Tôi chưa có dịp đọc di cảo của Chế Lan Viên nên không có ý kiến gì được về sự “phản tỉnh” của ông. Còn về bài tuỳ bút này của Nguyễn Khải, tôi nghĩ có lẽ đây là những trang viết thành thật nhất mà tôi từng đọc của anh. Tôi hiểu cái tâm trạng của Khải khi ngay từ những dòng đầu, anh nhắc tới cái Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 mà anh “nhận ra ngay đây là cái bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.” Mà cái đời văn ấy lại chính là “cái tài sản tinh thần thâu góp một đời” mà “về già nhìn lại” anh nhận chân ra “chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.” Một lời tự sự ngậm ngùi. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!…

Trước hết, loại tác phẩm có tính phản tư, phản tỉnh kiểu thế này ở Việt Nam thường được xuất hiện sau khi tác giả của nó qua đời. Cơ chế kiểm duyệt vốn “chậm cảm” và luôn sẵn sàng gán nhãn “nhạy cảm” cho những tác phẩm “có vấn đề”. Nhưng ở một mặt khác, nó còn thể hiện sự ham muốn an toàn, ngại đương đầu của “trí thức” Việt Nam trước thời cuộc. Ông nghĩ gì về điều này?

Đó quả là một thực tế đáng buồn. Tại sao những điều gan ruột nhất lại cứ phải đợi đến lúc tác giả xuống mồ rồi mới tới tay người đọc? Tôi nghĩ đó là do áp lực của cơ chế kiểm duyệt. Cái cơ chế kiểm duyệt luôn “cảnh giác” với các tác phẩm “có vấn đề” đã trở thành một ám ảnh thường trực đối với người viết đến mức tạo cho họ một thói quen tự kiểm duyệt trước cả khi trình làng, thậm chí trước cả khi đặt bút viết. Đó mới là cái đáng sợ. Bạn tôi, một nhạc sĩ lão thành, với đủ mọi vinh danh kể cả Giải thưởng Nhà nước, có viết một tập hồi kí lấy tên Tôi là một thằng hèn đến nay vẫn nằm trong ngăn kéo. “Lúc này, in ra chưa được, anh bảo tôi. Khi nào mày vào nằm với tao một buổi, đọc thử coi.” Rõ ràng anh cần có bạn đọc, cần sự chia sẻ, nhưng một cái gì tựa như Ban Văn hóa – Tư tưởng từ lâu đã hình thành ngay trong đầu anh vẫn một mực nói không!

Đó là sự dằn vặt cuối đời của những người đã không dấn thân hết mình cho “kiểu thời cuộc” mà họ chọn lựa hay là sự chú thích, bao biện một cách hoàn hảo, khéo léo?

Những năm gần đây, có một số hồi kí, qua đó, người đọc có thể thấy rõ ý đồ “chú thích, bao biện một cách hoàn hảo, khéo léo” như bạn nói, hay nói cách khác, nhằm thanh minh, sửa chữa lí lịch bản thân. Bài tuỳ bút này của Nguyễn Khải không thuộc loại hồi kí, nhưng trong đó ý muốn soi rọi lại mình là khá rõ. Đúng như Khải tự nhận xét, anh có óc hài hước bẩm sinh. Tôi nghĩ đó là ưu điểm lớn nhất của Khải, chính nó đã cứu anh khỏi rớt xuống thành một kẻ giả dối hoàn hảo. Người có óc hài hước thường biết rõ mình, cả cái hay lẫn cái dở của mình, do đó biết tự trào. Bùi Ngọc Tấn có kể tôi nghe, trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần VI tháng 4/2000, khi thấy một nhà văn mà tác phẩm khiến người ta biết đến ông đã ra đời cách đây không dưới nửa thế kỉ, lên tham luận với những bộ điệu làm duyên õng ẹo, Khải bèn bấm anh ra hành lang uống cà-phê. “Thú thật với ông, Khải nói với Tấn, tôi không thể ngồi nhìn cái trò diễn lại cái của ông ta, vì tôi thấy ở đó hình ảnh của chính mình.” Tấn đem chuyện đó kể lại với Bảo Ninh và khép lại bằng một nhận định: “Khải cũng được lắm đấy chứ đâu đến nỗi!” Vốn có kinh nghiệm qua việc Khải “trở cờ” trong vụ lật lại vấn đề trao giải thưởng văn học cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của mình, Bảo Ninh cười ồ: “Ôi, anh Tấn, sách của ông ấy đấy!” Tôi cho rằng cả hai đều có lí: đó chính là cái đặc tính hai mặt của con người Nguyễn Khải. Đúng là Khải vẫn có cái sách ấy nó đã gần như thành một bản chất thứ hai của anh, nhưng mặt khác tôi cũng tin rằng anh thực sự nhận ra một bản sao của chính mình nơi nhà văn lão làng kia. Cũng tại Đại hội này, hoạ sĩ Thành Chương đã chụp hình cái bắt tay của Nguyễn Khải như một cử chỉ “tạ tội” với Vũ Bão về việc đã “đánh” tàn tệ cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của nhà văn này.

Trong Thượng đế thì cười, Nguyễn Khải có nhắc qua đến cuộc “dàn hoà” này. Với Vũ Bão (mà tôi vừa dự giỗ hết cách đây mấy tuần), bài phê bình đao to búa lớn của Nguyễn Khải với câu kết: “Thôi im đi, đồ giả dối!” là một đòn nhớ đời khi anh vừa bước vào làng văn với tác phẩm đầu tay tuy còn vụng về nhưng rất mực chân thật và tâm huyết ấy, một lời xin lỗi muộn mấy chục năm đâu có thể xí xóa được. Người ta có lí do để “cảnh giác” với Khải ngay cả khi anh tỏ ra chân thành nhất.

Như tôi đã nói ở trên, cuộc tranh chấp giữa hai con người trong Nguyễn Khải – con người giả dối và con người thành thật – không bao giờ ngã ngũ. Nhưng những gì anh bày tỏ trong tuỳ bút chính trị này, cái tâm sự cay đắng của một kẻ đến cuối đời phải thú nhận rằng mình đã nhiều năm “bán mình cho quyền lực,” thì tôi tin. Tôi chợt nhớ bộ tiểu thuyết ba tập Con đường đau khổ của Alexei Tolstoy. Phải, hành trình tư tưởng của những người trí thức Nga đi theo cách mạng quả là gian nan, đầy những khúc ngoặt hiểm trở, những tiến thoái lưỡng nan đòi hỏi những đoạn tuyệt, dứt bỏ đau đớn. Bước đường tư tưởng của Nguyễn Khải, tôi nghĩ, cũng nhọc nhằn như vậy. Hai tháng trước đây, ngồi với Lê Đạt ở một quán bên Hồ Tây (hoá ra đó là lần cuối hai chúng tôi chạm li với nhau), nhân nhắc đến Nguyễn Khải, Đạt hạ một câu mà tôi cho là đúng: “Nếu Khải là một thằng hèn thì đó là một thằng hèn đáng trọng.”

Có người nói, chính vì nghệ sĩ, trí thức Việt Nam ngày nay vẫn chọn cách sống (và viết) rất khéo (và khôn) nhiều hơn là sống đúng (và tới cùng) với chính mình nên chưa có những tác phẩm lớn về thời đại mình đang sống?

Phải nói, về cái đức của kẻ sĩ thì văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam ngày nay thua xa các cụ ta ngày xưa. Đúng là số người “chọn cách sống (và viết) rất khéo (và khôn) nhiều hơn là sống đúng (và tới cùng) với chính mình” như bạn nói. Điều đó thường dẫn tới, hoặc những vinh quang ảo, hoặc những bi kịch cá nhân về nội tâm. Hoặc cả hai như trường hợp Nguyễn Khải. Còn việc có phải vì thế mà “chưa có những tác phẩm lớn về thời đại mình đang sống” hay không, thì lại là một chuyện khác bao quát hơn, phụ thuộc vào nhiều nhân tố văn hóa - xã hội - chính trị khác nữa, một đề tài rộng lớn, không thể bàn một cách phiến diện.

Noam Chomsky trong cuốn Tham vọng bá quyền (NXB Trí thức đã dịch sang tiếng Việt) phản biện về đường lối đối nội, đối ngoại của chính phủ Mỹ hiện nay. Ông ấy cho độc giả niềm tin rằng, việc để một người có tự vệ tri thức hiểu ra sự thật và biết mình phải làm gì ở đời này không đến nỗi quá phức tạp. Nhưng thường trí thức Việt Nam thì dường như ngược lại?

Tôi không nghĩ những điều Noam Chomsky nói có thể phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Chúng ta đã sống biệt lập với thế giới trong một thời gian dài, mù điếc thông tin. Bởi thế nên mới sinh ra cái thành ngữ mỉa mai “trí thức là ngu lâu”. Tôi nhớ hồi 1975, giải phóng miền Nam, nhiều nhà văn ở miền Bắc vào Sài Gòn “càn quét” sách dịch, những tác phẩm tinh hoa nhân loại mà trước đó họ chưa từng biết đến. Nhiều người nói đây là một cuộc “Khai sáng” mới giúp cho họ mở rộng chân trời tri thức. Cho nên “nhìn ra sự thật và biết mình phải làm gì ở đời này” trong hoàn cảnh Việt Nam quả là không đơn giản chút nào.

Về sau này, người ta nói rằng ông làm việc nhiều, sống vui, chơi thân với nhiều nhà văn trẻ, đi du lịch nhiều. Có phải đó là những “phản ứng ngược” phía sau sự qua đời của những người cùng thời?

Tôi làm việc dối già ấy mà. Thể lực và trí lực đều đã suy, ráng làm được chừng nào hay chừng nấy trong quãng ít ỏi thời gian còn lại. Mấy năm nay, bạn bè cùng lứa đi nhiều quá, ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng của tôi, có lúc thành một thứ stress khiến tôi phải gác công việc lại đi đâu đó cho khuây. Trong tâm trạng ấy, tôi càng cảm thấy nhu cầu gần gũi các bạn trẻ, không chỉ trong ngành văn mà cả các ngành khác như hoạ, nhạc, điện ảnh…, và may mắn được họ quí mến. Có lẽ giữa chúng tôi có một hấp lực qua lại, hai chiều và tôi coi đó là một hạnh phúc.

Văn chương hôm nay, điều gì đang làm cho ông quan tâm nhất?

Sự khao khát vạch những con đường mới của lớp trẻ, rũ bỏ mặc cảm và phá vỡ những khuôn khổ kìm hãm sáng tạo.

Vâng, xin cám ơn ông.

© 2008 talawas