© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
9.5.2006
Vincent Brossel
Bắc Hàn—Báo chí phục vụ nền chuyên chính toàn trị
(Chuyến đi tìm hiểu sự thật của Vincent Brossel - Tổ chức Kí giả không Biên giới)
Tâm Chính dịch
 1   2 
 
Những phóng viên được "cách mạng hóa" và "biến mất"

Ở Bắc Hàn, những ai đánh máy trật một chữ hoặc nói lỡ lời sẽ phải trả một giá thật đắt. Đầu năm 2004, một phóng viên truyền thanh bị kỉ luật vì lỡ đề cập đến một thứ trưởng thành bộ trưởng. Nghe tin đồn anh ta bị đưa đi trại “cách mạng hóa” mấy tháng. Phóng viên truyền hình Kim Kwan-hee bị phạt một năm cải tạo vì lỡ gọi tướng Park Chung-hee, người đứng đầu chế độ chuyên chế ở Nam Hàn từ năm 1961 đến năm 1979, là nhà "lãnh đạo dân chủ."

Trại “cách mạng hóa” là những xí nghiệp hoặc nông trường quốc doanh, nơi những cán bộ nhà nước như phóng viên bị gởi đi làm nếu họ có sai phạm. Jang Hae-sung, làm nghề phóng viên truyền hình 20 năm, nói cho Tổ chức KGKBG rằng anh biết có ít nhất 40 phóng viên đã bị "cách mạng hóa", bao gồm cả bản thân anh.

Phóng viên phạm lỗi bị triệu tập đến trước đảng uỷ cơ quan bị và thẩm vấn. Họ phải bắt đầu quá trình tự phê trước đảng uỷ và những biên tập viên cao cấp nếu vi phạm bị xem là nghiêm trọng. Đảng uỷ có quyền quyết định mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm trong trại. Phóng viên được giữ biên chế của mình trong suốt thời gian cải tạo nhưng không được trả lương, và trở về vị trí cũ sau thời gian cải tạo.

Theo Chung Chang-hyun của tờ JoongAng Ilbo ở Nam Hàn, "Thật ra thì trại cải tạo không phải là nhà tù. Đó là những trung tâm lao động nằm ở những xã huyện xa xôi hẻo lánh". "Mặt khác, những người bị buộc tội chống cách mạng hoặc chống Kim Chính Nhật bị đưa đi các trại tập trung. Trong những năm gần đây, có ít nhất 3 trại bị đóng cửa, nhưng khoảng 100.000 người vẫn còn bị đang giam giữ."

Jang Hae-sung giải thích về những nguy hiểm nghề nghiệp. “Khi phóng viên đi tỉnh để làm phóng sự, họ thường vòi vĩnh hối lộ hoặc quà cáp từ các bí thư chi bộ đảng địa phương để đổi lấy bài phóng sự ‘kêu.’ Lãnh đạo đảng bộ địa phương không bao giờ từ chối, nhưng nếu sự việc bại lộ thì họ sẽ nêu tên phóng viên trong phần tự phê và phóng viên đó cũng bị kỉ luật luôn.”

Sự dối trá triền miên có khi làm cho phóng viên khó xử. Jang Hae-sung kể, “Một số đồng nghiệp đi làm phóng sự về chất lượng thịt tại một cửa hàng ở Bình Nhưỡng. Nhưng khi đến nơi thì cửa hàng không có thịt. Họ đành phải dàn cảnh cửa hàng thịt hoạt động bình thường. Sau khi phóng sự chiếu trên truyền hình, người dân địa phương phản ảnh đến chi bộ rằng đó là sự bịa đặt và cửa hàng thật sự không có thịt. Người phóng viên bị kỉ luật vì bài phóng sự “xạo”. Nhưng nếu đi về tay không thì anh cũng bị kỉ luật.”

Phóng viên cũng từng là nạn nhân của những cuộc thanh trừng. Sau khi nhà lí luận “chủ nghĩa tự lực” Hwan Jang-yop bỏ trốn sang Nam Hàn năm 1997, Kim Chính Nhật làm một cuộc thanh trừng những người thân cận của ông này. Tổng biên tập tờ nhật báo Đảng bị cách chức vào tháng Hai. Những phóng viên và những nhà lí luận thân cận với Hwang Jang-yop biến mất. Có lẽ họ cùng gia đình bị đày đi các trại tù chính trị. Cùng thời gian này năm 1990, Kim Gil-sun kể lại rằng một trong những đồng nghiệp của cô ở Nhà Xuất bản Khoa học Tự nhiên số 2 bị đày đi trại tập trung vì đã cả gan viết một lá thư gởi Kim Chính Nhật kêu gọi cải cách kinh tế để “cứu nước.”

Jang Hae-sung có vẻ buồn bã khi kể về Song Keum Chul: “Tôi và anh phóng viên trẻ này làm chung văn phòng tại đài truyền hình trung ương. Một ngày nọ anh ta hỏi xem tôi có tin Kim Chính Nhật sinh gần dãy núi Paekdu thiêng liêng như chúng tôi lặp đi lặp lại hằng ngày trên làn sóng. Hình như anh ta biết rằng Kim Chính Nhật sinh ở Nga. Một thời gian sau chúng tôi bàn về khởi điểm chiến tranh Triều Tiên. Anh ta có vẻ không tin vào phiên bản rằng Nam Hàn tấn công trước. Tôi khẳng định những điều anh nghi ngờ (là đúng). Sau đó anh ta bị công an mật triệu tập và bị nghi ngờ tổ chức một nhóm nhỏ phê bình (chế độ). Một ngày nọ anh ta bỗng nhiên biến mất. Từ đó đến giờ tôi không còn tin tức gì về anh ta nữa.”

Chính Jang cũng đã từng bị công an chính trị mời lên làm việc ba lần. Một gã công an vốn là đồng nghiệp ở đại học cảnh cáo, “Tôi cho anh một tuần nữa đấy.” Sợ Song chịu tra tấn không nổi khai ra câu chuyện của họ, Jang quyết định bỏ trốn qua Trung Quốc rồi đi qua Nam Hàn tháng giêng năm 1996. “Có thể anh Song bị đày đi trại tập trung. Mà cũng có thể anh đã bị giết. Tôi cũng không biết nữa.” Anh nói mình biết được ba phóng viên “biến mất” khoảng từ năm 1976 đến 1996.


Kiểm soát các làn sóng

Đối với người dân Bắc Hàn, cách duy nhất để tránh khỏi tuyên truyền là mở radio nghe chương trình tiếng Triều Tiên do các đài phát thanh nước ngoài phát sóng. “Ở Bắc Hàn, người dân được phép mua radio nhưng nó đã được điều chỉnh sẵn vào những làn sóng phát thanh của nhà nước và không thể chỉnh lại được”, một người tị nạn giải thích. Giám đốc Đài Phát thanh Bắc Hàn Tự do (FreeNK) đặt tại Seoul nói rằng sự kiểm soát radio của công an chính trị có giảm đi trong những năm 1990, lúc xảy ra nạn đói lớn. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều radio từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuồn vào trong nước, đặc biệt là ở Bình Nhưỡng. Nhưng radio nhập lậu có thể đã bị hạn chế bớt. Một tờ báo Nhật dẫn tin trong tháng 9 rằng một đơn vị quân đội đã được điều tới biên giới Trung Quốc để ngăn chặn những người tị nạn bỏ trốn. Sự có mặt của quân đội sẽ yểm trợ cho những máy quay phim đặt ở tỉnh Jilian phía Trung Quốc.

Vài người tị nạn cho biết có những người đăng kí với chính quyền một cái radio và mua thêm một cái nữa. Người ta tin rằng số người nghe radio đang tăng lên đáng kể. Khoảng 20% gia đình Bắc Hàn có radio. Sáu trong số 12 người tị nạn được phỏng vấn năm 2001 nói rằng họ đã nghe chương trình tiếng Triều Tiên của Đài Châu Á Tự Do (RFA). Trong khi đó hồi năm 1999, chỉ có một trong số 12 người có nghe qua. Một cuộc điều tra 200 người tị nạn do Đài Tiếng nói Hoa Kì (VOA) thực hiện cho thấy 87% có nghe chương trình của Đài trước khi bỏ trốn sang miền Nam.

Nhà cầm quyền không làm cho chuyện nghe đài nước ngoài thuận lợi mấy. “Họ phá rối băng tần rất lớn”, phóng viên Kim Seong-min, một người tị nạn đến Nam Hàn năm 1999. “Nghe tiếng lớn khủng khiếp lắm, như tiếng máy chạy ấy, át tiếng tin tức. Tới 11 giờ đêm thì chất lượng có khá hơn chút đỉnh.” Anh nói rằng nghe đài phát thanh nước ngoài lần đầu tiên là một cú sốc cho mình. “Tôi nghĩ nhiều người tị nạn quyết định bỏ trốn sau khi nghe những đài phát thanh Nam Hàn và quốc tế”, giám đốc Đài Bắc Hàn Tự Do cho biết.

Những đài phát thanh Nam Hàn như KBS và Keuk-dong là những đài phổ biến nhất, theo sau là VOA và RFA. Giám đốc Tổ chức Bác sĩ không Biên giới ở Seoul đánh giá thấp tác dụng của những đài phát thanh nước ngoài. “Chúng tôi nói chuyện với hàng trăm người tị nạn. Nhiều người không biết gì đến chuyện thời sự trong nước cũng như ngoài nước. Hàng trăm người quê ở nông thôn không hay rằng Chương trình Lương thực Thế giới đang phân phối hàng tấn thức ăn mỗi tháng. … Đa số người dân Bắc Hàn phải đối diện với sự sinh tồn mỗi ngày cho nên nghe tin tức không phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng một khi họ thoát được khỏi nước qua đến Trung Quốc thì thực tại là một cú sốc khủng khiếp. Đây là một trong những lí do mà 70% người tị nạn mà chúng tôi đang chăm sóc mắc phải hội chứng “hậu chấn thương" (post-trauma).

Cuối năm 2003, Đảng mở chiến dịch kiểm tra radio. Bí thư chi bộ trong từng khu phố và làng xã nhận chỉ thị kiểm tra vết niêm phong trên tất cả các radio. Tác dụng của chiến dịch chưa rõ nhưng chủ yếu là để “dằn mặt” quần chúng. Ngày 13 tháng 6 năm 2004, chính quyền Bắc Hàn tuyên bố radio là “kẻ thù mới của chế độ” sau khi những người hoạt động nhân quyền, dưới sự ủng hộ của Tổ chức Kí giả không Biên giới, thông báo họ sẽ dùng bóng bay thả hàng ngàn radio vào Bắc Hàn để người dân ở đó được nghe những đài nước ngoài. Tờ nhật báo quốc doanh Rodong Shimun nói “đây là cố gắng của Hoa Kì để làm lũng đoạn nhà nước” và đặc biệt là dùng Đài Châu Á Tự Do để phục vụ cho ý đồ “đế quốc” ở Châu Á. Sở hữu radio không giấy phép là bị cơ quan an ninh khép vào “tội chính trị.”

Hình phạt cho những ai bị bắt gặp nghe bất kỳ đài nào không phải của nhà nước là tù giam. Không thể biết chính xác bao nhiêu người đã bị giam giữ về “tội” này, nhưng mỗi người tị nạn đều đã nghe một chuyện như thế. Bảo vệ chính trị (Bo An-Seoung) được sự hỗ trợ của Bộ Công An (Kukka Anjon Bowibu) có nhiệm vụ nhận mặt những tội phạm này. Họ đưa ra mục tiêu cứ mỗi 50 người dân Bắc Hàn, phải có được một người chỉ điểm. Cơ quan an ninh đặt trạm gác bên ngoài mỗi khu nhà tập thể và ba nhân viên trong một thị trấn. “Những người nghe đài quốc tế không dám cho hàng xóm, hoặc đôi khi ngay cả con cái, biết vì sợ bị chỉ điểm,” Lee Joo-il nói.

Mặt khác, không có người nào thoát khỏi chương trình phát thanh Sambangsong của nhà nước, qua hệ thống loa phát thanh đặt ở mọi nơi, từ nhà máy, văn phòng đến nhà ở, để tuyên truyền.


Những tiếng nói bất đồng chính kiến

Đài Tiếng nói Hoa Kì và đài Châu Á Tự do đã có những chương trình phát thanh bằng tiếng Triều Tiên cho người dân Bắc Hàn trong nhiều năm qua. Cái thiếu là một đài phát thanh do thành viên cộng đồng Bắc Hàn sống ở Nam Hàn thành lập. Sự ra đời của Đài Bắc Hàn Tự do đặt tại Seoul với chương trình radio trên trang web www.freenk.net đã lấp đi khoảng trống đó. Nhưng không dễ tí nào. “Chúng tôi thật bàng hoàng khi nghe những người biểu tình hô hào những khẩu hiệu ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng. Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp thông tin cho người dân Nam Hàn thực tại ở Bắc Hàn, và những người dân Bắc Hàn về thực tại của thế giới,” Giám đốc của đài, Kim Seong-min, nói. Sau khi quyên góp tiền, một nhóm những người tị nạn thành công trong việc phát thanh chương trình tin tức đầu tiên vào ngày 16 tháng 2 năm 2005, đúng vào dịp sinh nhật Kim Chính Nhật.

Ngoài những trở ngại về kĩ thuật, Đài Bắc Hàn Tự do phải đối diện với một chiến dịch đe dọa bằng lời lẫn bằng hành động của những người ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng tại Nam Hàn. Những cú gọi nặc danh và những cuộc thăm viếng của nhiều cá nhân mang tính đe dọa buộc Cục Thống nhất Quốc gia ngưng không cho đài dùng trụ sở làm tổng hành dinh. Trong khi đó, ban điều hành lại mất đi ba người vì họ quá sợ hãi, nhưng cuối cùng cũng dựng lên được một phòng thu thanh mới tại Seoul, lúc nào cũng phải được cảnh sát Nam Hàn bảo vệ.

Giám đốc Kim Seong-min, cựu nhà văn trong quân đội Bắc Hàn kiên quyết không bỏ cuộc. “Chúng tôi biết rằng miền Bắc đang gây sức ép với miền Nam để buộc chúng tôi phải đóng cửa, nhưng trách nhiệm của chúng tôi là phải thông tin cho người dân.” Ngày nay, Đài sản xuất chương trình mỗi ngày một giờ đưa lên mạng với mức 3.000 người truy nhập mỗi ngày. Nhờ vào sự trợ giúp về tài chính của Nam Hàn và Hoa Kì, Kim Seong-min hi vọng có thể bắt đầu phát thanh qua làn sóng radio vào Bắc Hàn năm 2005.

Dưới áp lực của chế độ cộng sản, trong một phiên họp chính thức tháng Tư năm 2004, chính phủ Nam Hàn dường như không còn hậu thuẫn cho đài phát thanh li khai này nữa. Và sức ép tiếp tục. Những cuộc biểu tình ủng hộ Bình Nhưỡng chống đài diễn ra trong tháng sáu năm 2004. Trong một cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở của đài vào tháng 8 với hơn 150 sinh viên, giám đốc đài bị hành hung mặc dù có cảnh sát bảo vệ. Một tờ rơi do một nhóm thân Bình Nhưỡng phát tán nói rằng chiến dịch này là cốt ý nhắm vào “những kẻ phản bội tổ quốc của họ, và bắt đầu thực hiện cái gọi là đài phát thanh trên mạng do Hoa Kì và những thế lực cực hữu kiểm soát và ủng hộ.

Trong một cuộc họp của một nhóm tương tự vào tháng Tư, nhà bất đồng chính kiến Hwan Jang-yop, từng cộng tác với Đài, bị đe dọa: “Nếu ông không muốn chết một cách đau đớn và nhục nhã nhất, thì ông phải xin lỗi về những tội ác với nhân dân mà ông đã gây ra và tự kết liễu đời mình ngay bây giờ!… Đừng quên là chúng tôi lúc nào cũng theo dõi ông.” Những người làm trong Đài nói với Tổ chức Kí giả không Biên giới rằng một số phóng viên Nam Hàn và Nhật cho họ biết rằng Kim Chính Nhật đích thân ra lệnh ám sát hết nhân viên của Đài.

Trong số những người được Tổ chức KGKBG phỏng vấn, không có ai từng nghe nói đến bất kỳ ấn bản được xuất bản lậu nào ở Bắc Hàn. Người ta chỉ biết rằng năm 1999 Kim Chính Nhật ra lệnh kiểm soát chặt chẽ hơn nữa máy đánh chữ và máy photocopy vì sợ rằng những thứ này có thể bị dùng vào mục đích chống chế độ. Nhưng có một bác sĩ Bắc Hàn tị nạn tại Nam Hàn vừa cho ra đời một ấn bản nhằm vào cộng đồng tị nạn. Và một tờ báo trực tuyến, Nhật báo Bắc Hàn, mới được lên mạng tháng 12 năm 2004 với đội ngũ 7 phóng viên.


“Phóng viên nước ngoài toàn nói láo”

Hiện tại chỉ có ba hãng truyền thông nước ngoài được đặt trụ sở tại Bình Nhưỡng: Tân Hoa xã của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thông tấn xã Itar-tass của Nga. Tất cả yêu cầu của các hãng thông tấn Nam Hàn và phương Tây đều bị từ chối. “Những phóng viên này chỉ để tô điểm cho chế độ,” Kim in-goo của tờ nhật báo Chosun Ilbo nói. “Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa hai miền năm 2000, một phóng viên Tân Hoa Xã đến hỏi tôi về kết quả cuộc họp. Rõ ràng anh ta không hề có thông tin tại chỗ.”

Có những viên chức Bắc Hàn không che giấu sự hằn học đối với giới truyền thông quốc tế. “Phóng viên nước ngoài toàn nói láo,” Ngoại trưởng Paek Nam-soon trả lời hồi tháng 9 năm 2004 khi được Ngoại trưởng Anh hỏi về một vụ nổ lớn do Hoa Kì và Nam Hàn phát hiện.

Tổ chức Truyền thông Triều Tiên tại Seoul muốn tổ chức một chương trình trao đổi giữa phóng viên hai miền hồi năm 2000. Họ cũng hỏi liệu những phóng viên miền Nam có thể đi tác nghiệp miền Bắc được không. Bình Nhưỡng không bao giờ chấp thuận dự án này. Mặc dù có những hạn chế như thế, báo giới Nam Hàn theo dõi rất sát thời sự Bắc Hàn. Có ít nhất hai nhật báo là tờ Chosun IlboJoongAng Ilbo có trung tâm nghiên cứu ở Bắc Hàn. Những phóng viên ở đó theo dõi truyền hình, phát thanh, báo chí, và thông tấn xã của nhà nước hằng ngày.

Thỉnh thoảng Bắc Hàn mới cấp phép cho báo chí nước ngoài. Mỗi khi có những đoàn chính phủ nước ngoài đến thăm như Nam hàn, Nhật, và gần đây là Anh, báo chí được tổ chức lại thành nhóm. Khi Ngoại trưởng Hoa Kì Madeleine Albright thăm Bình Nhưỡng, bà được hộ tống bởi một đội quân báo chí nước ngoài hùng hậu chưa từng có, có cả kênh CNN của Mỹ. Trong 3 năm qua, thông tấn xã Pháp AFP chỉ được cấp phép vào Bắc Hàn 3 lần. Các văn phòng của AFP ở Bắc Kinh và Seoul phải dựa vào bản tin do Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA và Thông tấn xã Nam Hàn Yonhap phát đi và do một số ít người châu Âu hiện đang sống tại Bình Nhưỡng mách nước. “Mặc dù vậy, tin về Bắc Hàn được báo chí châu Á, Mỹ và ngay cả châu Âu đặc biệt quan tâm,” giám đốc văn phòng AFP ở Seoul cho biết.

Một vài tờ báo Nam Hàn và Nhật Bản ủng hộ Bắc Hàn được săn đón. Yoo Byeong-mun của tạp chí cực tả Minjoong 21 thổ lộ: “Khi đi tác nghiệp ở Bình Nhưỡng, chúng tôi có thể ra chợ nói chuyện với người dân, mặc dù biết rằng những người hướng dẫn viên đã chọn trước địa điểm và người. Nhưng chắc các bạn cũng biết, khi phóng viên miền Bắc xuống miền Nam, họ bị nhốt trong khách sạn và bị cấm đi ra ngoài.”

Chính quyền Bình Nhưỡng cũng đối xử tốt hơn đối với những tờ báo ủng hộ chính sách Thái Dương. Phóng viên của tờ nhật báo theo phe bảo thủ Chosun Ilbo đã nhiều lần không được cấp phép, nhưng phóng viên của tờ KyoReh ShinMun được cấp visa mà không gặp khó khăn gì nhiều. Chẳng hạn như trường hợp của phóng viên nhiếp ảnh Yim Jong-jin được phép đi Bắc Hàn sáu lần trong sáu năm qua. “Đương nhiên là chúng tôi xin visa du lịch, nhưng mục đích là tìm hiểu về đời sống hằng ngày của người dân Bắc Hàn. Theo tôi thì những hướng dẫn viên cũng biết điều đó. Họ lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi và thậm chí ngủ chung khách sạn luôn.”

Bất kì phóng viên nước ngoài nào cũng được một hoặc hai hướng dẫn viên (thường là phóng viên Bắc Hàn) hộ tống, mục đích là ngăn ngừa những việc xảy ra ngoài chương trình đã được nhà nước định sẵn. Tháng Năm năm 2002, các phóng viên nước ngoài được “uốn nắn” bằng qui định sau: “Có phóng viên muốn thấy những điều cấm thấy. Chúng tôi bảo đảm rằng những phóng viên nào đưa tin, viết bài, hoặc chụp hình “sai lệch” sẽ không được phép trở lại.” Năm đó, nhiếp ảnh viên tự do Olivier Mirguet của Pháp bị ba cảnh sát Bình Nhưỡng bắt giữ vì lí do anh này chụp hình “lậu” trên đường phố mà không được sự cho phép của hướng dẫn viên.

Chính quyền Trung Quốc cũng không tạo điều kiện thuận lợi để các phóng viên đưa tin về tình hình người tị nạn Bắc Hàn tại Trung Quốc. Nhiếp ảnh viên Seok Jae-Hyun của Nam Hàn ở tù 14 tháng ở Trung Hoa vì đã săn tin về một vụ đưa người tị nạn Bắc Hàn ra khỏi nước. Một tòa án Trung Quốc kết án anh này 2 năm tội “buôn người” nhưng anh khẳng định với Tổ chức KGKBG rằng: “Ngay từ đầu, công an và chính quyền không thích sự thật rằng tôi là một nhiếp ảnh viên và mục đích của bài phóng sự. Thông qua tôi, họ muốn đe dọa những phóng viên Nam Hàn đang đưa tin về những người tị nạn Bắc Hàn.”

Phóng viên truyền hình tự do Oh Young-Phil bị Trung Quốc bỏ tù gần 16 tháng về tội quay phim một chuyến đưa người tị nạn lậu khác cho kênh truyền hình TBS của Nhật Bản. Bị giam từ tháng 3 năm 2003 cho đến tháng 7 năm 2004, anh bị cưỡng bức làm hoa giả một ngày tám tiếng. Ban quản lí trại giam từ chối quyền gởi thư về nhà hoặc người thân thăm nuôi của anh. Seok Jae-Hyun và Oh Young-Phil muốn tiếp tục đưa tin về tình cảnh dân tị nạn Bắc Hàn.

Gần đây trong chính hàng ngũ báo chí cải cách ở Trung Quốc lại có thêm một nạn nhân của sự kiểm duyệt về vấn đề Bắc Hàn đầy nhạy cảm. Bán nguyệt san ngoại giao Chiến lược và Quản lí (Zhanlue Yu Guanli) bị đóng cửa hồi tháng 9 năm 2004 sau khi cho đăng một bài viết phê bình chế độ Bắc Hàn do nhà kinh tế Wang Zhongwen viết.


Kết luận

Sự “tuyên truyềnđến mụ óc”, nói như nhà sử học người Pháp Pierre Rigoulot, là một trong những vũ khí hàng đầu của chế độ toàn trị Bắc Hàn. Ít có nước nào trên thế giới trải qua sự kiểm soát và bóp méo thông tin đến mức độ như vậy.

Giới truyền thông ở Turkmenistan (một nước thành viên của Liên bang Xô Viết cũ) và Cuba bị biến thành công cụ sùng bái cá nhân lãnh đạo và hợp thức hóa chế độ, nhưng liệu có nước nào khác đưa phóng viên đi trại cải tạo 6 tháng chỉ vì quên viết một âm trong tên người lãnh đạo hoặc nhầm lẫn bộ trưởng thay vì thứ trưởng? Có nước nào mà báo chí hoàn toàn không hề đưa tin tức về trận đói kinh hoàng giết chết 2 triệu người trong tổng số dân 22 triệu? Có chế độ nào cưỡng bức 200.000 tù nhân trong trại tập trung để tự cải tạo mình bằng cách đọc bài xã luận của báo nhà nước?

Một điểm đặc biệt, độc nhất vô nhị của chế độ toàn trị Bắc Hàn là tư tưởng Kim Nhật Thành và chủ nghĩa tự lực. Nhiệm vụ mà giới báo chí được huấn luyện kĩ là giải thích tư tưởng này cho quần chúng và đóng vai trò quan trọng trong việc thần thánh hóa Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Nào là bài hát, hàng ngàn panô, khẩu hiệu ca ngợi hai cha con ông Kim, 30.000 bức tượng trên khắp đất nước, phù hiệu trên mỗi cái áo jacket và hàng trăm cuốn sách ca ngợi sự vĩ đại của nhà họ Kim. Nhưng cũng có những phóng viên Bắc Hàn, vì lúc nào cũng bị những hình phạt khủng khiếp đe dọa, đã trở thành những công cụ tuyên truyền có kỷ luật.

Thật khó nhận thấy thay đổi đáng kể nào về tự do báo chí ở Bắc Hàn. Kim In-goo của tờ Chosun Ilbo quả quyết: “Trong 5 năm qua, không có sự thay đổi nào về mặt báo chí. Việc đưa tin vẫn theo một công thức cũ, xơ cứng. Người ta có thể nghĩ rằng Đảng không đủ sức đại tu lại ngành truyền thông, nhưng thật ra họ đang đầu tư vào việc truyền hình qua vệ tinh.” Chung Chang-hyun của tờ JoongAng Ilbo thì nghĩ khác: “Hãng thông tấn KCNA dùng chữ “cải cách” trong một bài xã luận tháng 3 năm 2003. Đây không phải là một lỗi vì phóng viên đó không bị kỉ luật. Người ta càng ngày càng đọc được nhiều hơn những bài phóng sự ca ngợi chính sách cải thiện đời sống người dân Bắc Hàn.” Từ 1 tháng 7 năm 2001, xướng ngôn viên đài truyền hình đã bắt đầu nói rằng chủ nghĩa xã hội Bắc Hàn “sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu đi kèm với những kế hoạch cải cách.”

Chung Chang-hyun giải thích thêm: “Báo chí nhận được chỉ thị để bàn về “kaesun,” - cải thiện, chứ không phải “kaehuk,” - cải cách. Nếu từ cải cách trở nên phổ biến trong xã hội, chế độ có thể bị chống đối… Một lần nữa, giới truyền thông có nhiệm vụ bảo vệ cho chế độ Kim Chính Nhật. Các viên chức Bắc Hàn dùng chữ cải cách khi họ nói chuyện với thế giới bên ngoài, nhưng lại dùng chữ cải thiện trên báo chí trong nước.

Bình Nhưỡng từ chối đối thoại công khai với cộng đồng quốc tế về những vấn đề nhân quyền. Năm 2003, họ đáp lại những báo cáo trước Uỷ ban Nhân quyền LHQ như sau: “Không có vấn đề nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên vì tất cả mọi người dân tập hợp lại thành một đại gia đình sống trong hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau và dìu dắt nhau tiến lên một hệ thống xã hội chủ nghĩa mà con người là trung tâm.” Mặc dù vậy, có tin là một số quan chức Bắc Hàn đồng ý trao đổi về các vấn đề nhân quyền với ngoại trưởng Anh Bill Rammell trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm 2004. Kết quả của cuộc trao đổi này không được biết.

Bắc Hàn là nước nhận được viện trợ nhiều nhất trên thế giới. Các nước công nghiệp gởi hàng triệu tấn lương thực và thuốc men thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ mà không biết chắc rằng những thứ này có tới tay những người cần nhất hay không. Sự viện trợ này không kèm theo những điều kiện cải thiện tự do căn bản. Cộng đồng quốc tế cần phải gấp rút đòi hỏi những cải thiện cụ thể từ phía Bắc Hàn. Tổ chức KGKBG kêu gọi Liên minh Châu Âu gắn viện trợ nhân đạo với yêu cầu cải thiện đáng kể quyền tự do ngôn luận.

Tổ chức KGKBG đề nghị Liên minh Châu Âu hỗ trợ tài chính cho người dân tị nạn Bắc Hàn, những người đang cố gắng cung cấp tin tức và truyền thông tới đồng bào của họ (còn ở Bắc Hàn), đặc biệt là qua những phương tiện phát thanh. Chúng tôi cũng hi vọng báo cáo lần tới của Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Bắc Hàn sẽ đề cập đến vấn đề tự do báo chí.

Sau cùng, LHQ cần khẩn trương can thiệp với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để phóng viên nước này cũng như ngoại quốc có quyền tự do tác nghiệp về tình hình người tị nạn Bắc Hàn ở đây. Cộng đồng quốc tế phải tập trung vào việc tôn trọng quyền được có thông tin đa dạng và phong phú của người dân Bắc Hàn.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: http://www.rsf.org/IMG/pdf/Report-North-Korea.pdf