© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
3.7.2004
Bình Nguyên, Nguyễn Xuân Nghĩa
Vì sao tường lửa?
Bình Nguyên, Nguyễn Xuân Nghĩa
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Bình Nguyên (Đức)
Về một tạp chí văn học không dính dáng tới chuyện chính chị chính em

Tôi, ngày trước đôi lúc cũng thấy khoai khoái khi thỉnh thoảng lại được người này người khác gọi là nhà văn, và lại càng khoái hơn khi có người vỗ vai hoặc xách cổ áo lên mà giới thiệu là nhà văn trẻ đầy triển vọng. Tính tôi thế, người ta nói khơi khơi có vậy mà cũng phổng mũi. Sau này thì tôi biết, phổng như thế là dại, còn ngày ấy có người nói, đại để: thằng này trông mặt thế thôi nhưng mà viết được lắm đấy, vừa chửi vừa khen như thế mà tôi vẫn cứ cười.

Lâu lắm rồi, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng, có nhà văn nọ tìm đến chỗ tôi: „Sắp tới, hàng tháng bọn tớ sẽ cho ra một tạp chí, văn học nghệ thuật hẳn hoi nhé, viết được cái gì thì cứ thảy sang đây.“ Trẻ, chưa viết mà đã có người đặt hàng như thế thì thử hỏi ai mà chẳng sướng đến run người, tôi đồng ý ngay mà chẳng hỏi han gì thêm, đúng như là đồ ngựa non háu đá mà chẳng hiểu gì. Sau này thì tôi biết, thay bằng sự im thin thít ấy, đáng lẽ tôi phải hỏi tôn chỉ, mục đích của tờ tạp chí sắp ra ấy nó như thế nào, nhân sự của các vị ra sao, rồi phải đặt điều kiện nọ điều kiện kia, phải đưa ra giả thiết này giả thiết khác, phải đánh giá và phân tích thời cuộc... Có vậy thì mới tỏ ra là mình cũng cứng cựa, cũng biết đó biết đây, không thằng nào bắt nạt hay lợi dụng được đấy chứ. Nhà văn nọ lại tiếp, sau khi đã thân mật vỗ vào vai tôi một cái đau điếng: „Tạp chí sắp tới của bọn tớ chỉ thuần túy văn chương thôi, thời buổi này dính vào chính chị chính em mệt lắm.

Chính trị, từ lâu vốn đã chẳng phải là đề tài có sức hấp dẫn gì với tôi, đề cập đến nó, nhiều khi tôi cảm thấy ghê sợ và tởm lợm. Chính vì thế mà khi nghe anh nhà văn nọ nói bọn mình chỉ làm văn chương thôi không thèm đề cập tới chính chị chính em thì tôi cũng khoái. Tôi có cảm tưởng như mình được gãi đúng chỗ ngứa, được tiếp thêm một nguồn sinh lực. Sau buổi sinh hoạt văn nghệ ấy, hãy còn đang trên đường về nhà, tôi đã hào hứng xắn tay áo lên mà lao vào cuộc.

Tôi cứ nghĩ rằng đây là một cơ hội để cho mình múa bút, rằng từ nay sẽ viết được nhiều lắm, sẽ thao thao bất tuyệt, sẽ nổi tiếng. Thì cũng cứ tưởng tượng ra đủ thứ như thế... nhưng mà không, vừa nhấc bút lên đã thấy bí vô cùng.

Thì tôi cũng mới tự thử sức mình bằng một cái truyện ngắn.

Việc đầu tiên của tôi là đi tìm và đặt tên cho các nhân vật của mình. Giá như những lúc khác thì có lẽ là tôi đã đặt bừa đi rồi muốn ra sao thì ra. Ai mà chẳng phải có một cái tên và việc nhân vật của tôi có ngẫu nhiên trùng tên với một vị lãnh tụ hoặc một nhân vật lịch sử nào đó thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng vì đây là viết cho một tạp chí không chính chị chính em gì nên tôi xác định phải cẩn thận, phải giữ tiếng tăm cho tạp chí và cho cả bản thân mình nữa chứ. Vậy là, thay vì cắm cúi viết tôi lại hì hục ngồi nặn ra một danh sách thật dài các tên húy. Tôi nghĩ là phải kiêng tên của các vị lãnh đạo ở cả hai phía hiện đang ở quốc ngoại hay hãy quốc nội. Các nhà văn, nhà thơ, các nhà hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng hoặc văn hóa nghệ thuật, các nhà khoa học trong tất cả các chuyên ngành từ tự nhiên đến xã hội, từ khoa khảo cổ học cho đến khoa tương lai học cũng phải kiêng. Các nhân vật lịch sử như các vị hoàng đế các triều đại, các cụ Trần Hưng Đạo,cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Đoàn Thị Điểm, cụ Hồ Xuân Hương..., tất nhiên là phải có tên trong danh sách của tôi rồi. Kiêng tên của các vị có công lao rồi chưa đủ, tôi nghĩ là ngay tên của các vị bị mang tiếng là có tội với dân vói nước, như cụ... mang tiếng rước voi giầy mả tổ, hay cụ... mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà, cũng phải kiêng. Không kiêng, ngộ nhỡ có người ngứa mép hỏi tiếng Việt phong phú như thế, bao nhiêu tên hay, tên đẹp, tên có ý nghĩa mà vẫn trung tính sao không lấy, chọn mấy cái tên của bọn phản dân hại nước như thế kia chắc là lại có ý đồ gì thì còn biết trả lời làm sao. Cũng xuất phát từ những suy nghĩ như thế mà tôi còn lập cho mình một danh sách dài những cái tên nhạy cảm trong xã hội cần lưu ý kiêng ra kẻo rất dễ bị hiểu lầm. Chẳng hạn, tôi tự xác định cho mình là không bao giờ đặt tên nhân vật là Tư Quýt. Vì đọc tên Tư Quýt lên người ta rất dễ liên tưởng đến tên Nam Cam, một tên tội phạm nguy hiểm mới bị xử bắn. Rồi đang trên đà liên tưởng ấy người ta lại tiếp tục suy diễn thành Quýt làm Cam chịu hoặc là thành đủ thứ tiêu cực, bất công trong xã hội nữa thì rất là lôi thôi, phiền hà.

Đặt cho nhân vật của mình những cái tên tạm tạm trung tính không gây hiểu lầm, không ảnh hưởng, không đụng chạm đến ai xong, tôi lại phải xác định lý lịch và đi tìm việc cho chúng. Để đảm bảo tính không chính chị chính em như tiêu chí của tạp chí, các nhân vật của tôi phải không được giữ một chức vụ gì trong bộ máy nhà nước cực kỳ phức tạp của chúng ta hiện nay. Chúng cũng không được có bất kỳ một quan hệ gì với các vị lãnh đạo này, không được có dây mơ rễ má, không được là hàng xóm láng giềng, không được là bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, đồng tuế, đồng niên. Các nhân vật của tôi không được căm ghét các vị lãnh đạo, tất nhiên rồi, nhưng cũng không được ngưỡng mộ, khi mà một thằng khốn nạn cứ một mặt lấy lãnh tụ làm thần tượng, một mặt lại cứ đi ăn cắp, trấn lột, hiếp dâm... thì chết. Đấy là nếu ở trong nước. Còn nếu ở nước ngoài thì tôi cũng không dám cho nhân vật của mình là một cái gì đó. Con hoặc cháu của một vị cựu đại sứ chẳng hạn. Con hoặc cháu của một vị cựu đại sứ thì cũng là con người, có nghĩa là cũng có thể xấu, có thể tốt, nhưng nếu ta đi ca ngợi những việc làm tốt của anh ta thì có nghĩa là ta đã sa vào chính trị rồi. Đề cao (dù là vô tình) bên này là hạ thấp bên kia, chính chị chính em là vậy, phải biết để mà tránh.

Đặt tên, đảm bảo lý lịch ít nhất cũng phải ba đời, tìm nghề nghiệp cho nhân vật của mình xong, tôi còn phải tìm đất dụng võ cho chúng. Để đảm bảo tính không chính chị chính em, các nhân vật của tôi phải hết sức tránh không được bén mảng đến một loạt những địa chỉ nhậy cảm. Chúng không được có những việc làm bố lếu bố láo ở quê ông nọ ông kia, không được gây gối phá phách ở di tích này di tích khác, không được tham dự các buổi hội thảo, không được chầu rìa ở các đại hội, không đội đơn đón đường kiến nghị kiến nghẽo ở bất cứ nơi đâu, không được thậm thụt ra vào các tòa báo...

Tôi cũng đã tưởng tượng ra một số chi tiết cho tác phẩm của mình, nhưng phải nói ngay là để đừng chính chị chính em gì thì quả là rất khó khăn. Một tên nghiện ma túy không thể lấy lý do bất mãn với thời cuộc, chán đời mà nghiện. Xã hội ta tốt đẹp, ưu việt như vậy thì làm sao có chỗ cho bất mãn với chán chường được. Cũng như vậy, một tên cờ bạc trác táng không thể là con là cháu là anh em họ hàng gì đó với ông nọ bà kia. Thậm chí, tôi còn không thể viết người nọ, người kia quá vô tư, quá tốt, vì sợ người đọc đánh giá là hư cấu quá đáng ..

Càng lúc lại càng thấy mình sa vào bế tắc. Thế rồi, trong lúc bối rối, tôi nghĩ hay là mình đành tạm gác bút một thời gian xem sao. Thì cũng phải suy tính xem mình còn có thể tiếp tục sáng tạo như thế này hay không? Và, nếu có thể thì tác phẩm của mình sẽ như thế nào chứ.

Ai mà chẳng biết rằng dù có đụng chạm đến chính chị chính em hay không thì ngoài chút chút mây gió trăng hoa tuyết núi sông ra, đối tượng chủ yếu của văn học và các ngành nghệ thuật khác vẫn là con người. Đêm không ngủ được, tôi nằm vắt tay lên trán mà suy nghĩ xem đất nước mình hơn tám chục triệu con người thì sẽ có bao nhiêu người dính dáng đến chính trị, bao nhiêu người không. Thì đấy, hơn hai triệu đảng viên tất nhiên phải là hơn hai triệu chính trị gia rồi. Hàng triệu đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, cánh tay phải đắc lực của đảng, ai dám nói là không có ý thức chính trị. Rồi các cháu thiếu niên nhi đồng, những mầm non tương lai của đất nước, ai dám nói là các cháu ngây thơ không biết gì. Rồi quân đội nhân dân, công an nhân dân, rồi các lực lượng như thanh niên xung kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, rồi công đoàn của các ngành, các hội phụ nữ, hội nhà báo, nhà văn, hội nông dân tập thể, hội làm vườn, hội nuôi ong, nuôi cá, nuôi tôm, hội trồng rừng, hội phụ lão, hội cựu chiến binh..., điều lệ, tôn chỉ, mục đích của lực lượng nào, ngành nào hội nào mà lại chẳng quán triệt một điều rằng trước sau như một, phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Có thể những tính toán của tôi không được chính xác trăm phần trăm, nhưng tôi vẫn có thể khẳng định được rằng mỗi con người Việt Nam là một con người chính trị, bản thân họ bị ảnh hưởng bởi chính trị rất nhiều và ngược lại nếu muốn thì họ cũng có thể chi phối đến các thể chế chính trị. Bây giờ bảo văn học phải tránh chính trị đi thì có khác nào là đánh đố văn học.

Lâu nay ở ta một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật nào đó được coi là có vấn đề khi nó có những đụng chạm tới một nhân vật nào đó trong lịch sử hoặc trong giới lãnh đạo, đến cơ chế, đến những điều thâm cung bí sử... Một nhà văn giỏi uốn oéo, tất nhiên là sẽ có thể tránh được những chướng ngại vật này, nhưng dù có giỏi đến thế đi chăng nữa thì tác phẩm của anh ta vẫn đượm mầu sắc chính trị. Chí ít thì nó cũng lộ cái lo sợ, cái toan tính, cái hèn của tác giả. Có nhiều điều không cần nói thì người ta cũng vẫn cứ biết và cũng có nhiều điều dù được nhai đi nhai lại hằng ngày thì vẫn chẳng ai tin.

Giờ thì xin trở lại cái tạp chí thuần túy văn chương mà tôi đã đề cập ở đầu bài. Thật đáng buồn là thời gian trôi đi cũng đã khá lâu rồi mà nó vẫn chưa ra được số nào. Bản thân tôi, dù có rất cố gắng viết cho nó nhưng cũng không sao rặn ra được, dù chỉ là một cái đầu bài, các nhà văn nhà thơ khác chắc cũng vậy.

Nhiều lúc tôi đã nghĩ rằng mình có thể quên đi chuyện tồn tại một tác phẩm hoặc một tạp chí văn nghệ mà không hề dính dáng tí nào đến chính chị chính em. Song, nghĩ như thế là nhầm. Mới đây, nhân dịp talawas bị tường lửa, nhiều ý kiến lại rộ lên và tôi lại đọc được ở đâu đó lời khuyên hãy chỉ tập trung vào làm văn chương thôi chứ đừng đá sang sân chính trị làm gì. Có người lại còn mong là sẽ có những tác phẩm để đời về những cái phi chính trị như thế nữa chứ. Tất nhiên, ai thích mong thì cứ tiếp tục mong một cách tự do, chẳng ai rồ dại tới mức nghĩ đến chuyện phong tỏa những điều mong muốn làm gì, chỉ có điều là những sự mong muốn ấy rồi có đến hay không là đáng quan tâm mà thôi. Nhưng đấy là chuyện của thế hệ khác.



Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng)
Tản mạn về những điều tản mạn không nói hết

Gửi anh Nguyễn Văn Nguyên ( NVN) và Tưởng Bình Minh (TBM)

Tôi đành phải tản mạn vậy thôi bởi đã có những bài viết không tản mạn được đăng tải mất rồi.
Những tưởng chỉ có anh TBM, không ngờ với bài viết Tháo những cái nút lửa (talawas, 30.6.2004), lại có anh NVN xuất hiện.

Tuy nhiên dù sao thì tôi cũng không đồng tình với anh Phan Xuân Lâm khi anh ví von talawas như cái chuồng chim; trong đó có cả chim cú vọ và chim ỉa bậy. Tôi biết anh PXL ám chỉ ai nên phải nói ra cái cực đoan không nên có của anh. Trong vườn talawas chỉ có những con chim sạch sẽ, công tâm; chỉ tiếc một vài con dùng lại vĩ thanh của những năm 60-80 mà thôi.

Tiêu chí của talawas là đối diện...đặt đúng góc nhìn... và cọ xát...Vậy thì, vì mục tiêu chung, ta phải thực hiện đúng tiêu chí đó với độc giả của talawas trước đã.

Cũng như anh TBM, anh NVN nhận xét bản báo đã nhảy sang sân chơi chính trị và còn khuyến cáo talawas không nên, nếu không thì tiếc cho bản báo lắm lắm. Nhận xét của các anh làm tôi nhớ lại cuộc bút chiến “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” xảy ra vào cuối thập niên 30 thế kỷ trước. Ai mà không biết phái nghệ thuật vị nhân sinh đã kết thúc cuộc tranh luận bằng thắng lợi của mình. Ðảng Cộng Sản của chúng ta tuy có tác động tích cực vào cuộc tranh luận đó nhưng không phải là sự tác động tiên quyết. Quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh” thắng lợi bởi vì nó... thắng lợi. Thế thôi. Xét cho cùng Nghệ Thuật không vì Nhân Sinh thì còn vì cái gì?

Nếu phải thêm một “xét cho cùng” nữa thì xin thưa: kim-cổ-đông-tây; trước khi có giải Nobel văn chương”cũng như khi đã có giải Nobel đến giờ thì nghệ thuật đều vị Nhân Sinh cả, chỉ khác là nó được thể hiện bằng trường phái nào mà thôi!

Tôi lại nghĩ: người đi làm Nghệ Thuật phải vì Nhân Sinh đã đành mà người đi làm Chính Trị còn phải vì Nhân Sinh hơn. Nếu không thì làm sao người đó dám lập ngôn: “Con người sinh ra đều có quyền bình đẳng”; “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.v.v. Chỉ có điều có người đi làm Nghệ Thuật cầm nhầm “bút máu” (Vũ Hạnh); khiến dân chúng u mê; người làm Chính Trị đáng lẽ theo thể chế này lại lầm lẫn theo thể chế nọ khiến “xã hội nát như tương Bần”, không cách nào gỡ ra được. “Khi không thể kéo được thiên đường xuống mặt đất trần ai họ bèn tranh thủ vơ nhặt những hạt lúa mỳ trong đám đất bùn lầy.” ( Dương Thu Hương) Rút cuộc là họ mang tội với lịch sử mà dân tộc thì bị biến thành vật thí nghiệm.

Tôi lại nghĩ, vì đều có chung đối tượng phục vụ là Nhân Sinh nên giữa Nghệ ThuậtChính Trị, hai chủ thể này phải có sự tương tác. Cái ranh giới ngăn cách hai bên quả là mỏng manh. Mỏng manh như: “giữa chính nghĩa với gian tà/ giữa trung thành và phản phúc.”(Việt Phương). Cho nên bảo Nghệ Thuật lấn sân Chính Trị cũng được mà bảo không cũng được.

Không biết trí tưởng tượng của tôi “có vấn đề” hay không, chứ đọc tên của tờ báo: “talawas” tôi lại mường tượng người sáng lập ra nó có ý ghép từ “ta là” (tiếng Việt) với từ “was”: đã là cái gì? (quá khứ của tiếng Anh). Nếu vậy thì tên tờ báo có nghĩa: ta đã là cái gì?. Ðó phải chăng là tiếng kêu đau vì một quá khứ mà ngòi bút của những người sáng lập ra nó đã ngây thơ, lầm lạc. Khi nhận ra “ta đã là cái gì” thì ta bây giờ phải làm cái gì để sửa chữa những lầm lạc chết người đó

Tôi cũng mê Trịnh Công Sơn. Có một câu ca từ làm tôi bị ám ảnh (mặc dầu tôi cũng là 1/80 triệu dân đen nước Nam ta). Xin tản mạn về nó với hình thức “hậu hiện đại” nghĩa là tác giả và độc giả cái gì cũng “đồng” để đi đến đồng cảm.

“Ta là ai, là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này?”

Tiếng kêu đau đớn trên con đường trường kỳ khổ ải để đi tìm bản thân phải không?

Tôi cho là phải!

Khi đã tìm ra “ta là ai” mà lại “yêu quá đời này” thì mệnh đề sau phải chăng là “ta làm gì cho đời này” phải không?

Tôi cho rằng phải!

Ðọc bài viết của anh NVN tôi biết “anh là ai”. Anh nhất định phải có một việc làm kha khá! Lương cũng phải kha khá cao! Anh phải là người có học vấn, có trí thức! Anh ứng dụng thành thạo thiết bị công nghệ thông tin computer! Biết vượt firewall! Có một siêu hacker mũ trắng, mũ nồi thần đồng là bạn! Anh phải có một vị trí nhất định trong cơ chế nhà nước, vì anh có sếp và thông minh hơn sếp của mình (điều này mới là quan trọng)!!! Cho nên giọng văn anh mãn nguyện, ngôn từ hóm hỉnh, vui vẻ tự tin mà khuyên talawas không đi vào sân chính trị (đấy là tôi phải nói theo cách hiểu của anh về talawas chứ không phải của tôi- nhấn mạnh). Nhưng tôi lại cho rằng phía sau talawas còn phải có một mệnh đề này mới đủ tiêu chí: dù là phi vật thể; dù là ít hiệu quả ta có thể góp được một cái gì cho nhiều triệu dân đen nước ta còn chưa được như anh NVN.

Cho nên... có phải talawas “can thiệp thô bạo vào chính trị trong nước...” hay không; là nhận xét từ cái tâm của mỗi chúng ta trải ra rộng - hẹp cho dân mình, đất mình được nhờ chứ có phải từ những bài viết trên talawas đâu anh NVN với lại anh TBM!

Kính!

Ðêm 30/6.

© 2004 talawas