© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
23.6.2004
 
Vì sao tường lửa?
Hải Đường. Lê Chính Duật, Võ Tấn Phong
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Hải Đường (Hungary)

Bò ơi! Ðứng lên đi!

Vào giữa những năm 90, tôi tình cờ gặp lại L. một bạn học cũ.

Thuở hàn vi, anh ta là một trong những “viện sĩ” nghèo nhất thành phố (chứ đừng nói đến chỉ nghèo nhất một Viện nghiên cứu khoa học xã hội). Sau nhiều năm gặp lại, nghe đâu khi các nhà khoa học khác còn mải xếp hàng đợi thi triết học Mác-Lê để chuẩn bị trúng một suất đi thi nghiên cứu sinh, thì anh ta bỏ việc, đi buôn đất với bạn bè.

Tôi gặp lại bạn cũ giữa phố phường đông nghịt giờ tan tầm, hai làn xe máy đan ngược vào nhau, chờ đợi nhích lên từng xăngtimét, với tiếng còi bóp inh ỏi, khói mịt mù, tiếng động cơ xe ầm ì…Bỗng một chiếc Lada đen không hiểu từ đâu từ từ lăn tới, xếp hàng sau biển xe máy. Dường như đoán trước được tình thế, người lái xe vặn cửa kính, thò đầu ra ngoài nhìn ngang ngửa đám đông không chịu lùi bước trước thứ cơ giới văn minh hơn, vẻ mặt tỏ vẻ bất cần. “Bạn cũ không rủ cũng tới”, tôi lập tức lao tới khi nhận ra anh bạn, và dĩ nhiên là được mời ngay lên xe. Thuở đó, Hà Nội chưa có nhiều xe hơi như bây giờ, và kẻ tậu được một đồ vật quý giá như thế, hẳn phải là một người sang trọng. Bạn tôi bấy giờ đã trở thành một “viện sĩ nghiên cứu nhà đất” -như anh tự giới thiệu-, giàu có, độc lập, tự chủ.

Thế rồi một hôm, anh rủ tôi và mấy người quen cũ sang Ðông Anh ăn lẩu cá mè (cần phải nói thêm, đối với lớp trưởng giả mới ở Hà thành, việc lặn lội đi tận đẩu tận đâu chỉ để ăn một món gi gỉ gì gi là chuyện tất nhiên - nếu không thì tậu ôtô để làm gì?). Cả bọn ngả ngốn trên đệm xe êm ái, chuyện trò như pháo ran. Còn anh bạn tôi mắt nhìn thẳng, mỉm cười khe khẽ, hai tay điều khiển vô lăng êm ái như một lãng tử trong các phim tình cảm Hồng Công. Xe đang chạy bon bon trên bờ đê bỗng nhiên chậm hẳn, rồi dừng lại. Cả bọn nhớn nhác nhìn ra hai bên cửa kính. Té ra có hai chú bò đủng đỉnh từ đâu đi tới, ve vẩy đuôi xua ruồi, rồi thản nhiên…dạt trước mũi ôtô.

Và trời ạ! Hình như hai chú bò này chưa có ý định về chuồng! Chúng đủng đỉnh từng bước, từng bước…ve vẩy đuôi, thản nhiên nhất đời với vẻ tự chủ của những kẻ làm chủ thiên nhiên.

Ði đến giữa đường chúng từ từ nằm xuống!

Và cương quyết không chịu đứng lên nữa!

Mặc cho anh bạn tôi tha hồ bấm còi, và cả lũ ngồi trên xe ra sức xuỵt soạt đuổi!

Nếu ai nghĩ rằng còi ôtô, cũng như bản thân cái xe to đùng mang sức mạnh của sự văn minh có tác dụng de doạ đối với lũ bò…thiên nhiên kia, thì quả là người ấy đã nhầm. Bởi bò cũng có…logic của bò.

Cả quãng đường đê vắng tanh, chẳng có ma nào đến đấy để phân xử. Lúc đó, kẻ khôn ngoan là kẻ biết chấp nhận hoàn cảnh, tự đưa ra lời giải thích, tự an ủi…Tất nhiên anh bạn tôi cũng làm như vậy. Vừa kiên nhẫn đợi lũ bò đứng lên, vừa thỉnh thoảng bóp còi xe doạ chúng, anh vừa rên rỉ: „Bò ơi! Đứng lên đi! Bò ơi!..”

Vâng, vào một buổi đẹp trời, tôi cũng chợt thấy mình biến thành anh bạn cũ, thở vắn than dài đợi một phép màu nhiệm biến đổi cái mình không muốn thành cái mình muốn. Khi được biết lại thêm một sự cấm đoán nữa xảy ra trong cái xứ sở có chung với mình một ngôn ngữ, tôi chợt nghĩ đến những câu ngạn ngữ tuyệt vời của tiếng Việt: „Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, “Già néo đứt dây”, “Ăn miếng trả miếng”, “Cả vú lấp miệng em”, “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”…

Bỗng thấy hiển nhiên một sự thật không mấy vui sướng: cho dù nước Việt Nam của chúng ta đang trên đà phát triển kinh tế với tốc độ như vũ bão, không gì cản trở được, đáng so sánh với các quốc gia tiên tiến, thì sự lạc hậu về nhận thức xã hội, về quyền tự do của cá nhân con người, cách thức xử lý tuỳ tiện đối với các phương tiện và các cơ quan thông tin đại chúng vẫn nghiễm nhiên được sử dụng như thể ta đang ở những năm 60 của thế kỷ trước.

Bỗng thấy buồn cho một nhận xét tinh tế của một độc giả: “Với báo chí trong nước thì chúng ta có thể bóc gỡ bài, kỷ luật, khiển trách biên tập. Còn với báo chí nước ngoài thì sao? Chúng ta kỷ luật bạn đọc.”

Sự thật này cho phép ta ái ngại nhìn Bạn Ðọc Việt Nam được coi như những đứa trẻ chưa đủ hiểu biết, vẫn cần phải cấm đoán và cho phép, khiến ta mường tượng đến giới lãnh đạo như một người già bảo thủ, luôn luôn sợ sự thay đổi, và ưa thích sử dụng quyền lực.

Vẫn biết talawas, cũng như một số báo chí hải ngoại, thường nhìn những vấn đề xảy ra trong nước từ góc độ đánh giá của những người Việt sống ngoài biên giới, những người Việt này đã quá quen với sự vật lộn kiếm sống, cũng như buộc phải thích thi với môi trường không phải của mình, nên muốn hay không vẫn phải cố gắng vượt qua bản thân, để thích nghi với nơi mình sống.

Bởi vậy, nhiều vấn đề bức xúc trong nước là „chuyện thường ngày ở huyện” đối với người dân trong nước, nhưng đối với người Việt hải ngoại lại là chuyện “không thể hiểu được”.

Vẫn biết xã hội Việt Nam hiện tại, sau một cuộc chiến không chỉ đẫm máu mà còn là một cuộc chiến mang tới sự đói khát, thiếu thốn trường kỳ, xã hội ấy giờ đây như một kẻ sống sót, đang cố tận hưởng những gì hôm qua còn mơ ước, hôm nay hình như đang với được trong tầm tay. Xã hội này đang cố gắng đi tới sự hoàn thiện về cuộc sống vật chất mà quên mất rằng sự hoàn thiện về cuộc sống tinh thần cần đến sự giáo dục, cần đến văn hoá, và đặc biệt cần đến không khí dân chủ, để người sống trong xã hội ấy có quyền được phát biểu điều người ta nghĩ.

Ðiều bực mình đáng nói ở đây là, ai cũng nhận ra sự vô nghĩa lý, cảm giác ngu xuẩn về sự cấm đoán “biểu dương quyền lực” này, nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng.

Có khác nào anh bạn tôi đợi bò đứng lên?



Lê Chính Duật (Waterloo)

Chào bạn Tưởng Bình Minh,
 
Tôi có đọc bài viết của bạn nhân sự kiện talawas bị tường lửa. Cũng như bạn, tôi đồng ý rằng talawas có đăng những bài viết về những vấn đề được xem là nhạy cảm ở Việt Nam, đơn cử là những bài liên quan đến sự kiện Thiên An Môn vừa qua, chỉ khác ở chỗ tôi không cho rằng talawas "bị khai thác" để nói đến những vấn đề này. talawas có lập trường của talawas (mời bạn đọc phần dẫn nhập trong trang đầu).
 
Để tránh việc bị ngăn chặn ở Việt Nam, bạn mong muốn talawas thay đổi, theo tôi hiểu, là tránh không đăng tải những bài viết có dính dáng đến chính trị như thế, đồng nghĩa với thay đổi chủ trương của diễn đàn này là "đối diện những vấn đề hiện thực Việt Nam". Thái độ của bạn làm tôi nhớ tới diễn đàn trường trung học cấp 3 của tôi, ở đó, một trong những nội qui đầu tiên là "lưu ý không nói chuyện chính trị". Một số bạn bè tôi cho rằng như thế là đúng, vì thứ nhất, chính trị nhạy cảm ở Việt Nam; thứ hai, tuổi trẻ thường chưa đủ chín chắn để tranh luận chính trị, dễ dẫn tới việc suy nghĩ sai lệch.
 
Tôi không cho rằng nói đụng đến vấn đề nhạy cảm chính trị là sai và không nên (ngay cả với giới trẻ). Ở một mức độ nào đó, tranh luận về những vấn đề liên quan đến chính trị phải được xem là chính đáng. Bài viết bạn dẫn ra của ông Phan Xuân Lâm, theo tôi, có thể là nhạy cảm chính trị (tôi nói “có thể”, vì chỉ mới đọc lướt qua bài viết đó), nhưng nó không có thái độ “phản động”, không đòi hỏi yêu sách nhân quyền, v.v., do đó tôi không nghĩ vì những bài viết kiểu này mà diễn đàn talawas bị ngăn chặn (sự thật cũng phần nào nói lên điều đó, mời bạn đọc thông cáo của diễn đàn) như những trang web khác. Nếu bạn nghĩ chỉ vì những ý kiến trái ngược (mà ngày xưa người ta gọi là “tư tưởng phản động”), mà nhà nước Việt Nam đóng cửa talawas, thì bạn đang đẩy lùi Việt Nam mấy chục năm đấy. talawas bị chặn chính vì tính tự do ngôn luận cao của nó, không chỉ vì những nhạy cảm chính trị đơn thuần.
 
Có thể chấp nhận rằng nhà nước Việt Nam chưa cho phép một thái độ chính trị hoàn toàn đối lập, như bạn nói, tự do dân chủ không thể có một sớm một chiều, không thể bắt buộc Việt Nam phải thay đổi 180 độ, chấp nhận những người không cùng quan điểm với mình. Nhưng ít nhất, để thay đổi, cần phải có những bước tiến ngắn. Chấp nhận talawas, một diễn đàn độc lập có tính tự do ngôn luận cao, là một bước tiến ngắn đó. Ngay cả bước tiến ngắn này mà bạn còn không chịu, ngược lại bạn ủng hộ thái độ đứng chững, thì tôi tự hỏi, bạn nói "ngày hôm nay đẹp hơn ngày hôm qua" có ý nghĩa gì? Tôi cũng đoán như bạn rằng talawas trước sau cũng gặp khó khăn. Nhưng tôi xem đó là một tất yếu để thay đổi, một sự kiện để chuyển mình, chứ không phải là một "bị kịch" để rồi chính talawas phải thay đổi cho phù hợp với sự lạc hậu. Mâu thuẫn dẫn đến phát triển, ai cũng hiểu rõ điều này.
 
Trở lại với diễn đàn trường tôi, hôm trước nhân sự kiện talawas bị tường lửa, tôi có thử nêu ra vấn đề này và hỏi các bạn học sinh tham gia diễn đàn (hiện đang học tại trường), nếu giả sử diễn đàn trường tôi bị tường lửa vì các bạn tranh luận thái quá, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm, thì các bạn sẽ làm gì nếu thấy điều này vô lý? Một là kiến nghị đòi hỏi dẹp bỏ tường lửa, hai là trèo tường? Nếu tôi không lầm thì cho tới nay, tỉ lệ câu trả lời của các bạn học sinh là 7/6.
 
Dù sao đi nữa, tôi và có lẽ cả bạn, không làm được gì nhiều trong những chuyện thế này. Lý do đơn giản, tôi và bạn đều không có mặt ở Việt Nam, đều không trực tiếp chịu sự giới hạn bởi bức tường lửa lẫn khả năng đòi hỏi một thay đổi (như talawas viết một cái thư ngỏ có được hồi âm đâu). Những gì tôi với bạn nói ở đây đều là nói suông, ngồi cao nói chuyện phiếm cả. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong muốn có một kiến nghị đòi hỏi quyền được đọc công khai của các bạn đọc trong nước, từ các nhà văn, các bậc học giả lớn có tham gia viết và đọc ở talawas, cho đến những người đọc bình thường (dù vượt tường lửa quả là dễ như trở bàn tay).
 
Có lẽ vì tôi là một người trẻ tuổi và nóng nảy.
 
Waterloo, 21 tháng 6,



Võ Tấn Phong (USA)
Tranh luận “vương đạo”

Trước tiên đề nghị Tưởng Bình Minh thế này: đăng bài ủng hộ chặn talawas bằng tường lửa trên một vài diễn đàn chống Cộng cực đoan ở hải ngoại. Tôi có thể đoán trước kết quả: Tưởng Bình Minh sẽ bị một trận đòn hội đồng, và có thể bị mất quyền đăng ý kiến trên đó.

Chuyện (giả sử) như trên có thể hiểu được: những người chủ trương các diễn đàn chống Cộng có thể từng là nạn nhân của sự thiếu tự do ngôn luận (thực sự hay tưởng tượng). Khi có quyền điều hành diễn đàn, họ lại đi theo lối cũ của những người từng cấm họ, nghĩa là cấm những kẻ không cùng ý kiến.

Như thế, người đã từng bị cấm nói, có thể làm y chang những kẻ đàn áp họ, là thiết lập, nói một cách lỏng lẻo, một nền tranh luận “bá đạo”.

Hoặc, người đó có thể suy nghĩ sâu xa hơn tí chút, làm thế nào để chuyện ân oán không còn kéo dài mãi. Người đó có thể gắng thiết lập một nền tranh luận “vương đạo”, theo như lời nói nổi tiếng của Voltaire: “Tôi không đồng ý với anh, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến chết cho quyền được phát biểu của anh”.

Và xin hỏi: Tưởng Bình Minh, khi về lại Việt Nam, nếu có quyền hành, sẽ chọn giải pháp nào?

Dĩ nhiên chuyện tường lửa là có thể hiểu được. Ngay cả ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, những xứ tự do nhất hành tinh, nếu anh làm website kêu gọi ám sát tổng thống, thủ tướng, hay lật đổ chính quyền bằng bạo lực, cảnh sát cũng sẽ đến “hỏi thăm” anh.

talawas không kêu gọi lật đổ chính quyền. Có thể coi talawas là một trong những trang “vương đạo” nhất trong số các trang web bằng tiếng Việt: thậm chí talawas đã đăng những bài phê phán chỉ trích nặng nề quan điểm của một vài người trong số những thành viên sáng lập, và talawas cũng đăng bài của độc giả Tưởng Bình Minh ủng hộ tường lửa với talawas.

Và sự thật, khi bị va chạm với sự láo, sẽ càng chứng tỏ sự đúng đắn của sự thật đó. Sự láo bị ngộ nhận là sự thật, khi bị phê phán va chạm, sẽ được thay thế bằng một sự thật thật sự. Khi được tự do tranh luận như thế, sẽ có nhiều sự thật được nhận thức hơn. Không mất gì, chỉ thêm lợi.

Những ý kiến trên, nghe như luận điệu của một kẻ chống chính quyền Việt Nam, thực ra là rút từ tiểu luận nổi tiếng của John Stuart Mill, Luận về Tự Do, viết cách đây một trăm rưỡi năm trước, khi Việt Nam hãy còn xử lăng trì, tùng xẻo, tru di tam tộc kẻ dám đối nghịch lại triều đình.

Biết nghe và đối thoại với những ý kiến khác biệt, là đã từng bậc nhảy ra khỏi giếng, là đã từng bước thấy thêm bầu trời rộng mở. Vì có ai là Phật là Thánh mà cái gì nói ra cũng đúng cả đâu.

Và, sao lại sợ nhảy ra khỏi giếng để thấy bầu trời thật sự rộng hơn chỉ vài ba thước? Tại sao?


© 2004 talawas