© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
18.7.2008
Phạm Phú Ðức
Tham nhũng chính trị
 
Có một số người, không hiểu vì tự ái dân tộc hay vì muốn bảo vệ chế độ, biện minh rằng ở đâu cũng có tham nhũng, không riêng gì Việt Nam, vậy sao lại cứ đem nước mình ra chỉ trích mãi?

Tham nhũng, như tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International, cơ quan chuyên nghiên cứu, phân tích, thẩm định và công bố đều đặn về tình trạng tham nhũng ở khắp nơi) xác nhận, xảy ra ở mọi nơi. Tham nhũng hoành hành không phân biệt màu da, tôn giáo, giàu hay nghèo, dân chủ hay độc tài, Đông - Tây hay Nam - Bắc, cổ hay kim. Cho nên, nếu nói như tổ chức Minh bạch Thế giới, thì việc đem Việt Nam ra mổ xẻ không thể tránh khỏi bị cho là có thái độ thiên vị, một chiều.

Tuy thế, mức độ tham nhũng rõ ràng ở mỗi nơi mỗi khác: tham nhũng với tính cách cá nhân thì đâu cũng có, nhưng tràn ngập dưới các chính thể độc tài, pháp luật lỏng lẻo, kinh tế trì trệ; trong khi đó, tham nhũng ở tầm lớn có hệ thống thì khá phổ biến dưới chính thể độc tài nhưng lại hiếm dưới nền dân chủ pháp trị vững chắc. Tổ chức Minh bạch Thế giới cũng như các chuyên gia nghiên cứu về hiện tượng tham nhũng phần lớn đều đồng ý với nhau rằng cơ chế (chính trị, kinh tế và xã hội) đóng vai trò quyết định về mức độ tham nhũng. Tổ chức Minh bạch Thế giới cho rằng người ta có thể tham nhũng đến mức mà hệ thống có thể cho phép [1] Nói cách khác, nếu có thể tham nhũng được mà chẳng hề hấn gì thì mức độ tham nhũng có nguy cơ gia tăng và tràn ngập như bệnh dịch.

Nếu cho rằng vì bản chất con người là tham sân si, nên cần phải được khai sáng, giác ngộ thì hoạ may mới diệt tận gốc được cái lòng tham vô đáy, thì đó là điều lý tưởng nhưng không phải dễ làm, ngay cả khi tu luyện cả đời. Tinh thần tự giác và khả năng giác ngộ của con người, trên tổng thể, có giới hạn. Cho nên để giải quyết vấn đề tham nhũng ở tầm cộng đồng, xã hội, đất nước hay quốc tế thì phải cần đến một nền pháp luật công minh, cần sự cân bằng quyền lực giữa các định chế nhà nước, và cụ thể hơn nữa là cần mở rộng quyền tự do chính trị cho mọi công dân v.v... Tựu chung, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Singapore chưa được xem là một chính thể dân chủ nhưng được xếp hạng trong sạch, đa số, nếu không phải là tất cả, các chính thể độc tài là nguyên nhân trực tiếp cũng như gián tiếp về tình trạng tham nhũng tồi tệ ở nơi đó.

Nhưng trên thực tế, cho dù luật pháp chặt chẽ, minh bạch và công bằng đến mức độ nào đi nữa, tham nhũng vẫn chỉ được giảm bớt chứ chưa hẳn loại trừ, ngay cả trong những xã hội được xem là trong sạch hay dân chủ nhất. Xã hội nào cũng có những người lợi dụng cơ chế, địa vị, quyền lực của mình để làm lợi cá nhân, không phải tập thể. Tại Úc, trong thời gian qua, một trong các vấn đề được tranh luận có nguy cơ đưa đến tham nhũng là sự ủng hộ tài chánh cho các đảng chính trị hay ứng viên, nhất là vào các dịp bầu cử. Đề tài này cũng được tranh luận sôi nổi tại Mỹ, Anh, Canada, Tây Tây Lan v.v… từ nhiều năm qua. Nói chung là chẳng có gì mới cả. Nhưng vì nó là vấn đề tế nhị và sống còn của các chính đảng nên sự thay đổi hay cải tổ pháp luật, và cái giá phải trả cho những đổi thay này, sẽ ảnh hưởng lớn lao lên cung cách hoạt động của giới chính trị. Cho nên giải pháp rốt ráo không hề đơn giản chút nào.

Tuần trước, nhật báo The Age (11/7/2008) có bài quan điểm tựa đề “Trong một nền dân chủ lành mạnh, ảnh hưởng không thể bị mua (chuộc)”. [2] Bài báo đưa ra hai cái nhìn tương phản, giữa đương kiêm Thủ hiến Victoria John Brumby, và một nhà phát triển địa ốc tại Melbourne, Morry Schwartz. Ông Brumby thì cho rằng ủng hộ tài chánh cho các chính đảng hoạt động là dấu hiệu của nền dân chủ lành mạnh, bởi có người và có công ty muốn ủng hộ các đảng chính trị, mà càng tham gia vào cộng đồng như thế thì càng làm cho các cuộc tranh luận chính trị sôi nổi hơn, và theo ông thì đó là điều tốt. Trong khi đó, ông Schwartz cho rằng chính cá nhân ông không ủng hộ tài chánh cho đảng nào cả, bởi vì nếu có, tất nhiên ông muốn “có qua có lại”, và như thế thì là tham nhũng rồi. Theo Schwartz, “ủng hộ tài chánh (cho) chính trị không nên ảnh hưởng đến cung cách chính phủ đối xử với mình, bởi nếu có ảnh hưởng thì đó là tham nhũng”. Cả hai ông đều có lý của mình, tuy khác nhau về định nghĩa thế nào là tham nhũng.

Cũng nên biết rằng hiện nay tiểu bang Victoria chưa có luật rõ ràng về ủng hộ tài chánh và vấn đề khai báo. Một phần vì Victoria luôn tự hào là có văn hoá trong sạch hơn, so với các tiểu bang New South Wales (NSW) và Tasmania chẳng hạn. Vì thế nên các ứng viên độc lập tranh cử trong tiểu bang này không bị đòi hỏi phải khai báo ai đang tài trợ cho cuộc vận động chính trị của mình. Tuy nhiên, một số chính trị gia khác cũng lo rằng rồi đây sự tự mãn tại đây sẽ gây rắc rối về sau nếu luật pháp không vững vàng để đối phó.

Theo The Age thì tham nhũng là từ có nhiều nghĩa bóng: nó có thể có nghĩa là đưa tiền hối lộ, nhưng cũng có thể ám chỉ việc mua ảnh hưởng (hơn là trả tiền để được đặc ân cụ thể nào đó). Với nghĩa đầu, thì theo bản tường trình của phóng viên điều tra Royce Millar về “ủng hộ tài chánh cho các đảng chính trị” tại Victoria, [3] không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy việc ủng hộ tài chánh từ các công ty hay những người giàu có là tham nhũng. Nhưng theo nghĩa rộng sau, thì bản tường trình của Millar nêu lên nhiều điểm đáng quan tâm, đặc biệt trong lãnh vực xây cất và hạ tầng kiến trúc. Trong số 44 công ty ủng hộ cho đảng Lao động tại Victoria vào năm 2006 và 2007, hơn 3 phần tư thuộc lãnh vực này, hoặc rượu và bài bạc, hoặc có hợp đồng với chính quyền. Như thế có thể phỏng đoán rằng các doanh nghiệp này ủng hộ tài chánh cho đảng cầm quyền bởi vì sự phát đạt và thành công của họ phụ thuộc sâu sắc vào các hợp đồng với chính phủ. Ngoài ra, theo chuyên gia về cai quản (governance) thuộc Melbourne University, giáo sư Joo-Cheong Tham, thì các doanh nghiệp ủng hộ tài chánh không nhất thiết trả tiền để được ân huệ hay hành động cụ thể nào đó, nhưng họ sẽ đổi chác được thứ khác. Thứ mà họ nhận là sự ảnh hưởng lớn hơn về tiến trình chính trị. Thêm vào đó, có người cho rằng việc ủng hộ tài chánh chính trị là một phần trong thói quen làm ăn, bởi vì duy trì và tạo nên mối quan hệ là phần chủ yếu trong kinh doanh.

Các chính đảng trong vai trò cầm quyền thường ở thế thuận lợi hơn nhiều trong việc vận động hay được ủng hộ tài chánh so với đảng (ở thế) đối lập. Dù biết thế, các đảng đối lập cũng cân nhắc lợi hại nếu muốn thay đổi luật pháp, bởi một khi thế cờ thay đổi - được lên nắm chính quyền - thì họ lại nắm thế thượng phong. Đảng nào cũng muốn có nhiều quỹ để hoạt động và vận động bầu cử khi cần. Vì thế cho nên không chỉ riêng đảng Lao động ủng hộ chính sách này, bởi Thủ lãnh đối lập tại Victoria (thuộc đảng Tự do), Ted Baillieu, cũng đồng ý với luật pháp hiện hành về ủng hộ tài chánh chính trị. Tại Úc, nếu ủng hộ khoản tiền dưới $10,500 thì đảng không cần khai báo, chỉ khi nào trên mức đó thì phải công bố. Tiền đảng liễm thì không đủ chi phí trong thời đại nay. Các đảng cũng được nhà nước hỗ trợ tài chánh cho các công việc hành chánh và các khoản chi khác. Tuỳ theo mỗi quốc gia số tiền khác nhau, nhưng phần lớn dựa trên số tiền nhất định dành cho mỗi cử tri bầu cho mỗi đảng. Cho nên dầu có thua trong các kỳ bầu cử, số phiếu cử tri thắng thua cũng rất quan trọng để được hưởng tiền tài trợ từ nhà nước. Nhưng có thêm số tiền này cũng không đủ. Do đó, tài chánh ủng hộ từ các doanh nghiệp, thương gia và tư nhân là nguồn quan trọng quyết định sức mạnh của đảng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngày nay thường ủng hộ không chỉ đảng cầm quyền mà còn đảng đối lập nữa, bởi thế cờ chính trị tại các quốc gia dân chủ thay đổi tương đối thường xuyên mỗi 2-3 nhiệm kỳ. Do đó, người ta không muốn lộ liễu ủng hộ cho một đảng nào đó để rồi bị “ghim” nếu đảng kia lên nắm quyền. Chủ trương “bắt cá hai tay” vẫn là thức thời và thực tiễn hơn. Quan điểm chính trị không quan trọng bằng quan hệ tốt đẹp với hai bên. Nếu có khả năng tài chánh để mua vé dự buổi tiệc gây quỹ hay trực tiếp ủng hộ tài chánh, thí dụ $10,000 cho đảng cầm quyền và $9,500 cho đảng đối lập, thì không mất lòng ai, nhiều khi được lòng cả hai nữa.

Nhưng trong tình trạng như thế, các chính đảng, doanh nghiệp, tài phiệt và kể cả công đoàn nghiệp đoàn có khả năng thao túng ảnh hưởng và quyết định chính trị của chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang. Vậy vai trò của cử tri nằm đâu? Chẳng lẽ họ không có tiếng nói nào hết? Một nền dân chủ lành mạnh không thể để cho chủ nghĩa nghiệp đoàn (corporatism) thao túng như thế được. Những dấu hiệu thao túng và lũng đoạn chính trị như thế đã được tranh luận sôi nổi trong vài thập niên gần đây, đặc biệt là tại Mỹ. Tất nhiên, chuyện này sẽ khó thể nào xảy ra, ít nhất là ở Úc. Nhưng ghi nhận tầm ảnh hưởng của giới thương mại và nghiệp đoàn đối với tiến trình dân chủ như thế là bước đầu quan trọng để tìm ra phương cách cải tổ về sự chi tiêu và thu nhận ủng hộ tài chánh trong giới chính trị hầu gia giảm nạn tham nhũng chính trị.

Báo The Age cho rằng Úc nên học hỏi phương thức (chống tham nhũng) của Canada, bởi vì trước hết hệ thống chính trị của Úc có nhiều điểm giống, trong khi đó Canada đã cấm ủng hộ tài chánh từ các công ty, công đoàn và các đoàn thể khác, thay vào đó là dùng công quỹ để hỗ trợ tài chánh cho các chính đảng hoạt động. Làm như thế thì sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của các doanh nghiệp, khôi phục chức năng quan trọng của cử tri, vốn là nền tảng căn bản của chính thể dân chủ. Nếu chưa làm được như thế thì ít nhất, theo báo The Age, phải giảm số tiền ủng hộ cần khai báo xuống còn $1000, thay vì $10,500 như hiện nay, cho cả ba cấp chính quyền. Và hơn nữa, các công ty đang có quan hệ hợp đồng làm ăn với chính quyền không được phép ủng hộ tài chánh. The Age kết luận rằng có thể là điều bất khả để triệt tiêu những nỗ lực muốn mua ảnh hưởng, nhưng ghi nhận tình trạng như hiện nay không có nghĩa là phải đồng thuận với các vụ xì căng đan chính trị đang diễn ra ở khắp nơi, bởi vì tính lành mạnh của nền dân chủ của Úc đòi hỏi người ta không được làm như thế.

Đó là Úc (và các nước dân chủ tiên tiến hàng đầu): bỏ tiền ra mua vé tham dự buổi cơm gây quỹ hay trực tiếp ủng hộ tài chánh cho các chính đảng, dù động cơ có là để mua ảnh hưởng về sau hay không, vẫn được xem là nguyên nhân (tạo thêm) tham nhũng. Một khi cơ chế hay luật pháp cho phép, thì nói như tổ chức Minh bạch Thế giới, sự cám dỗ và tính buông thả khi gặp nhau sẽ tạo nên môi trường tốt để tham nhũng hoành hành. Cũng may, với một nền văn hoá dân chủ lâu dài như Úc thì tham nhũng không dễ gì mọc rễ trong môi trường này. Các hình thức tham nhũng như hối lộ (bribery), đút lót (graft), tống tiền (extortion), đỡ đầu (patronage), thiên vị gia đình (nepotism) hay bạn hữu (cronyism), biển thủ công quỹ (embezzlement), dan díu với các tổ chức tội phạm v.v… thường xảy ra dưới các chính thể độc tài hơn là dân chủ, mặc dầu không phải hoàn toàn được triệt tiêu.

Nói tới đây, hãy thử lấy một vài con số thống kê của tổ chức Minh bạch Thế giới về Úc và Việt Nam. [4] Theo tổ chức Minh bạch Thế giới thì từ năm 2004 đến 2006, Úc đứng hạng số 9 (trong sạch hoặc ít tham nhũng nhất) trên tổng số hơn 160 quốc gia được đánh giá dựa trên Chỉ số Cảm nhận về Tham nhũng (Corruption Perceptions Index); chỉ tụt xuống hạng 11 vào năm 2007. Các nước được “cảm nhận” là “trong sạch” hơn Úc phần lớn là thuộc Bắc Âu, nằm quanh bán đảo Scandinavia (bao gồm Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, và có khi kể cả Phần Lan và Băng Đảo). Tân Tây Lan và Singapore cũng đứng ở đầu bảng 10 nước trong sạch. Trong khi đó, Hoa Kỳ thay đổi hạng đứng từ 17 đến 22 trong cùng thời gian này. Việt Nam thì luôn đứng hạng dưới 100, từ 106 năm 2004 xuống 114 năm 2005, 118 năm 2006, và 123 năm 2007. Nghĩa là tệ nạn tham nhũng tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn trong những năm gần đây.

Mặc dầu tinh thần chống tham nhũng của lãnh đạo nhà nước có vẻ “kêu” hơn trong thời gian qua, nhưng thực tế cũng chỉ gây nhiều hồ nghi, vốn tiềm ẩn mạnh mẽ, về sự thành thật chống tham nhũng của chính quyền ở mọi cấp, như đã thấy qua vụ PMU 18. [5] Dù sao đi nữa, điều tích cực là có một vài phóng viên, một vài tờ báo và một vài công an dám thi hành công vụ để vạch trần tham nhũng đang đục khoét xã hội. Một khi công an, nhà báo hay nói chung là công dân nhận thức rõ ràng hệ quả khốc hại do tham nhũng gây ra, không chỉ đơn thuần là tiền bạc và thời gian, mà còn là sự lành mạnh của cộng đồng và sự tự do của mỗi người, không chỉ về mặt chính trị hay kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu xa lên văn hoá và môi trường sống, và không chỉ đối với thế hệ hôm nay mà còn các thế hệ sau này, thì hành động với ý thức trách nhiệm cao mới đưa đến kết quả tích cực và lâu dài.

Muốn chống tham nhũng tại Việt Nam một cách hiệu quả thì quả thật không dễ dàng chút nào. Theo tổ chức Minh bạch Thế giới thì nơi nào không có sự kiểm soát mang tính định chế (institutional checks) đối với quyền lực, nơi nào quyết định (chính trị) vẫn cứ mơ hồ hoặc bị che đậy, nơi nào nền tảng xã hội dân sự vẫn mỏng dính, nơi nào sự phân chia tài nguyên (kinh tế) vẫn chênh lệch nhau quá lớn đến độ có người phải sống trong cảnh bần cùng, thì nơi đó hành động tham nhũng phát triển nhất. Không may, Việt Nam hội đủ các yếu tố trên. Theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, thì nguyên nhân chính là sự độc quyền lãnh đạo của một đảng, mà đảng này ăn trùm mọi định chế nhà nước (tư pháp, hành pháp, lập pháp cũng như các định chế khác). [6] Rõ ràng, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Đảng có ý định từ bỏ sự độc quyền này trong tương lai gần. Thayer còn kết luận rằng tuy tham nhũng có nguy cơ đe doạ quyền lực cai trị của Đảng, tìm cách giải quyết nó một cách đàng hoàng còn là một nguy cơ lớn hơn nữa. Nhận định này cũng được nhiều nhà nghiên cứu và phê bình về Việt Nam chia sẻ.

Nhưng chẳng lẽ người dân Việt Nam phải chịu đựng tình trạng “mắc họng” như thế mãi sao? Cho đến khi nào? Có phải chờ để từ từ mới giải quyết được? Tôi không nghĩ vậy. Đã đành, chấp nhận tham nhũng hay phải “sống” với nó bởi không có chọn lựa nào khác là một thực tế. Nhưng nếu Việt Nam đã từng bị một ngàn năm Tàu đô hộ và đồng hoá nhưng dân Việt thì luôn tìm cách giải phóng ách đô hộ đó và duy trì bản sắc riêng biệt của mình, và sau đó gần một trăm năm bởi Pháp, thì không có lý do gì phải chấp nhận một thói quen mất nết như thế. Tham nhũng chính trị, nói cho cùng, là sự ăn cắp bất chấp luật pháp, và do đó nó không khác gì sự cai trị bởi kẻ cướp. Khi hoành hành, nó bòn rút xã hội về mọi mặt đến tận xương tuỷ. Nó có khả năng làm tê liệt sự năng động cả xã hội, nhiệt huyết của thế hệ trẻ, lòng yêu nước của công dân, để rồi chỉ có một thiểu số ăn trên ngồi trốc coi nhân gian không ra gì cả. Lâu ngày, tham nhũng thấm vào từng hơi thở, nếp sống, cung cách làm việc, hành xử, biến những suy nghĩ và văn hoá lành mạnh thành những tư tưởng và lề lối hành xử tiêu cực. Nó có khả năng biến người ta thành nô lệ vật chất, quan liêu, mù loà đến độ không thể phân biệt đúng sai, hợp hay phi pháp v.v… Cho nên phải ý thức thì mới chống được tham nhũng. Cho nên quan trọng hơn hết là cần hiểu tham nhũng ở ý nghĩa rộng, như bài báo The Age có đề cập (mặc dầu chưa hoàn toàn thích hợp cho môi trường Việt Nam).

Dù sao, muốn chống tham nhũng thì phải định nghĩa tham nhũng cho sâu và rộng để dựa vào đó mà đề ra các điều luật thích hợp. Tổ chức Minh bạch Thế giới có đưa ra một định nghĩa ngắn gọn mà triết lý: “tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao phó cho tư lợi” (corruption is defined as the misuse of entrusted power for private gain). Tất nhiên, khi làm luật thì các thuật ngữ “lạm dụng”, “quyền lực được trao phó” và “tư lợi” cần phải được định nghĩa và khai triển chi tiết hơn. Nhưng hiểu đặc tính tham nhũng sẽ giúp cho mỗi người nhận thức rõ đâu là lằn ranh để chính mình không bị vướng vào, mà nhiều khi còn góp phần vạch ra các giải pháp quan trọng cho công cuộc chống tham nhũng, chứ không ngồi đó chấp nhận số phận hay nghe theo những lời hứa suông tai từ những lãnh đạo đầy tham nhũng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng hôm nay cũng chính là công cuộc dân chủ hoá Việt Nam, bởi đây vừa là cơ hội để xây dựng nền dân chủ pháp trị, vừa là cơ hội để rũ bỏ những hệ luỵ và tàn dư của một thời kỳ phong kiến, thực dân và cộng sản toàn trị đã và đang kéo quá dài trên quê hương.

Melbourne 16/7/2008

© 2008 talawas


[1]Transparency International (the global coalition against corruption), “Frequently asked questions about corruption”, http://www.transparency.org/news_room/faq/corruption_faq>
[2]The Age (editorial), “In a healthy democracy, influence cannot be bought”, July 11, 2008, http://www.theage.com.au/opinion/in-a-healthy-democracy-influence-cannot-be-bought-20080710-3d4i.html>.
[3]Royce Millar (With Cameron Houston), “A little bit of give and take”, The Age, July 11, 2008, http://www.theage.com.au/national/a-little-bit-of-give-and-take-20080710-3d51.html?page=-1>
[4]Xin xem các bản báo cáo về tình trạng tham nhũng khắp thế giới của tổ chức Minh bạch Thế giới hàng năm tại website http://www.transparency.org/publications/gcr/download_gcr>
[5]The Economist, “Shooting the messenger”, May 22nd 2008, http://www.economist.com/world/asia/displaystory.cfm?story_id=11413016>.
[6]Carlyle A. Thayer, “Vice in Vietnam”, The Wall Street Journal, April 27, 2006.
http://www.viettan.org/print.php3?id_article=2215>.