Tủ sách talawas25.6.2008
DÆ°Æ¡ng Nghiá»…m Máºu
Tuổi nước độc
(Truyện dà i)
4.
Ngồi ở ghế đá đọc được bốn trang sách thì Trương đến. Trương đi từ phía Quan Thánh tới. Buổi chiều thứ Bảy, nhưng ở trong Bách thảo cũng chỉ có vài người đi dạo. Cây phượng đã trổ hoa đầu mùa, Trương đến giản dị, chúng tôi vốn quen với những cử chỉ ấy. Trương thong thả ngồi xuống bên cạnh.
"Mình mới được tin thằng Vịnh bị bắt".
"Bị bắt…"
Tôi ngừng đọc và gập trang sách lại.
"Nó đi thế nào mà đến Phùng thì bị lọt. Nó định đi từ đó xuống Chương Mỹ sang Trầm đi Bương Cấn. Nhưng vừa ở xe bước xuống nó bị tóm vì khả nghi. Mình tính mai đi thăm nó xem thế nào".
"Sao không mặc nó?"
"Sao lại mặc? Cậu có quen ai ở đấy không? Quận Đan Phượng đó".
Tôi mở trang sách đọc dở rồi cứ để nguyên mà nhìn vào đó.
"Lại để cho bị bắt. Đồ tồi".
"Nó trông thấy lạ mặt thì bắt chứ gì. Tụi nó đóng đồn quen mặt từng người dân chứ cậu tưởng. Nó thấy lạ là sinh nghi ngay. Nó bị thì nguy lắm, rồi không chịu được mà phun ra tiểu tổ ở thành, nhớ tên ai khai tên ấy thì chết cả đống. Mình tìm cậu mấy ngày không gặp. Thế sao địa chỉ để ở hàng Than mà không có, đón ở trường cũng không. Bây giờ ở đâu?"
"À ở…"
Tôi tìm cách lảng sang chuyện khác. Tôi biết việc giấu nhà nhiều khi thật phiền phức, nhưng tôi không biết tính sao. Địa chỉ ở hàng Than là nhà một người quen. Khi Trương nhắc đến chuyện Vịnh tôi thấy bận tâm. Tôi chợt nhớ đến một người bạn cũ tên là Trần Văn Hoàng, cách không lâu tình cờ gặp nhau anh ta cho biết hiện đang làm thư ký ở Đan Phượng. Một điều không ngờ, rất có thể tôi sẽ nhờ được Hoàng. Tôi nói với Vịnh điều đó rồi dặn:
"Sáng mai đi, bến xe Kim Mã 8 giờ, chờ mình ở đó, đi đâu hồi này tôi lo lắm, vô phúc gặp xe nó bắt lính ẩu thì cứ yên tâm mà được đưa đi liền. Có gì lạ không?"
"Chán nản. Không còn múi chúi mũi vào mấy xác chết nữa".
"Vậy thì làm gì? Nên yên phận cho xong".
"Muốn bay nhảy".
"Bay nhảy? Thì ra ngoài như thằng Vịnh. Bây giờ chúng mày cũng muốn đi đến kết luận đó. Tham gia vào những chuyện bí mật ở thành chẳng qua là chúng mày có cái mặc cảm với kháng chiến. Thấy công việc có nhiều người đang làm mà không thấy có mình ở trong thì cho mình là bị bỏ rơi, là cái thành phần chống lại. Nghĩa là muốn đứng vào một đám đông để những rung động lớn thấy mình được che chở. Riêng mình thấy không cần thiết. Dù sao chúng ta bị khép lại ở giữa nhưng không bắt buộc chúng ta phải đứng vào phía nào".
"Nhưng nó là đám đông. Có lẽ thằng Vịnh nói đúng".
"Nhưng rồi nó thế nào? Lịch sử sẽ chuyển như thế nào?"
Trương bỏ lửng câu hỏi, chúng tôi đứng lên đi dạo trên những lối đi nhỏ. Trời tháng Tư oi bức. Tôi nhớ về những người thân của Trương nên hỏi:
"Thu hắn thế nào, hôm trước nó bỏ nhà quê ra đây phải không?"
"Nó ra bảo mình thu xếp để nó và thầy mình ra ở đây. Ở nhà quê không chịu nổi. Sống một cổ hai ba tròng. Ban ngày thì tụi Pháp nhờ bọn chức dịch cai trị bòn mót đè ép dân, nào phu phen, thuế má, tụi ba-ti-giăng quấy phá, xách nhiễu bóc lột, đêm thì thu mình về đồn cố thủ, tụi du kích theo bóng tối trở về thu thuế, học tập, bắt cóc. Thật không còn khổ nào hơn. Tụi ở đồn được mật báo tới nơi thì nó lại đi rồi, còn lại mấy thằng dân bị tra khảo đánh đập muốn làm ăn yên phận cũng không được. Năm trước Pháp về càn quét bắn chết mẹ mình. Mình cũng muốn mang thầy và em mình ra đây cho xong. Nhưng ở đây thì đã hẳn gì yên ổn…, và đời sống nữa".
"Đáng ra những chuyện đó mình không phải lo, nhưng sự thật nó bắt ngó vào… tuổi trẻ… người ta sống thản nhiên cả đó…"
"Cái thản nhiên bẩn thỉu, trưng diện, xa hoa, cười đùa bên những xác chết. Cậu khuyên mình như vậy sao?"
"Mình không trách họ. Có lẽ họ chán chiến tranh quá rồi, nên nếu có cơ hội thì họ cố gắng để quên… Đáng ra phải làm gì chứ…"
"Làm gì?"
"Thì chính mình cũng tự hỏi như thế. Không có lý tưởng nào say mê được mình mà cái gì cũng như tạm bợ. Mình đã không có hay là đã bị mất đi một cái gì. Mình muốn đi tìm lại cái đó".
"Có lẽ tại sách vở, có lẽ phải sống đã…"
Câu chuyện bao giờ cũng say mê tưởng như không dứt, tất cả là những thắc mắc nêu ra, nhưng tuyệt nhiên không ai nghĩ đến chuyện giải quyết - hay không thể trả lời được.
Đời sống của Trương chật vật và lúc nào cũng bất mãn. Là con một điền chủ giàu có, chủ mấy lò gạch ở Văn Điển. Đời sống sung túc xưa kia ở quê nhà cho Trương chứng kiến sự nghèo khổ, nhọc nhằn và bất mãn của kẻ nghèo. Chiến tranh tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, của cải. Bố và em Trương không có nhiều hoa lợi. Trương bỏ quê ra tỉnh sống tự lập, học hành. Nhưng đến khi có thêm những trách nhiệm nhỏ thì Trương lúng túng nhất là trong đời sống khó khăn hiện tại. Có lẽ tất cả những thằng trong chúng tôi đều như vậy. Chúng tôi đi ngược ra đầu đường Quan Thánh. Buổi chiều đang soi sáng trên mặt hồ Tây. Từ đó tôi đi theo đường Cửa Bắc trở về hàng Đậu. Trương rủ tôi xuống ngồi ở một quán cà phê ở Ngõ Trạm. Buổi chiều tái dần. Dưới ánh đèn mờ mờ tôi soi mặt vào ly cà phê: những bóng tối sóng sánh trên một khuôn mặt buồn thảm. Trương đốt thuốc thở lên trần nhà. Chúng tôi im lặng cho đến lúc chia tay. Tôi lủi thủi theo Đường Thành trở về. Thành phố chỉ vui lên một chút buổi tối rồi tắt ngay. Con đường chạy ven Thành không còn ai. Tiếng gõ của hàng sực tắc điểm vào cái yên lặng ngây ngất. Mấy tiệm khiêu vũ ở Cửa Đông ồn ào tụi lính Tây say rượu. Chúng ca hát và gọi nhau vang động. Lũ phu xe chầu chực rước khách… tôi vừa định rẽ sang Cống tréo hàng Lược thì nghe thấy tiếng hô đứng lại trong bóng tối. Hai người lính sen đầm cầm súng chĩa vào người, soi đèn pin vào mặt đòi xem giấy và khám xét.
"Anh đi đâu giờ này?"
"Tôi đi thăm một người quen".
"Anh quên đường này cấm đi lại sớm".
"Xin lỗi vì tôi không được rõ".
Một đứa vuốt người tôi, suốt từ đầu đến chân. Tôi nghe thấy tiếng kêu của đàn bà phát ra ở một góc tối nơi ven cầu. Tôi rùng mình rảo bước. Tôi rẽ vào ngõ Gậm Cầu. Ngay đầu ngõ tôi trong thấy đứa con gái Tàu lai ở căn nhà bên tôi. Nước da nó trắng, người lẳn có đôi vú chắc và tròn. Một lần trông thấy nó tắm, tự nhiên tôi thèm muốn được ngủ với nó. Tôi trông thấy cái thân hình khêu gợi ấy thường ngày. Tôi trở vào nhà. Ông tôi đang cất hộp tiền vào tủ. Ông nhìn tôi không nói gì. Lũ em đang nghịch thấy tôi vội im lặng lui ra mỗi đứa một nơi. Tôi hỏi thím tôi:
"Có tin gì của chú không ạ?"
Tôi không nghe thấy tiếng ai trả lời. Tôi ngồi vào ăn cơm nghe tiếng bát đĩa khua động. Con chó ngồi ở bên ông tôi.
Tôi lên gác chong đèn đọc sách. Tôi nhớ những điều về Vịnh rồi thiếp đi.
Sáng hôm sau tôi trở dậy mặc quần áo xuống nhà, những đứa em vẫn chưa trở dậy. Ông tôi nằm trong màn ho khan. Tôi cầm tay đứa em nhỏ đau ở trong màn và nói với thím tôi.
"Trưa cháu không ăn cơm ở nhà. Hôm nay thứ Bảy có lẽ chú về".
Tôi hé cánh cửa ra ngõ rồi khép nhẹ lại. Đứa con gái Tàu lai đã trở dậy đang vươn mình tập thể thao. Tôi tự hỏi: Sao không dám ôm lấy nó?
Tôi ra phố rồi ăn bánh cuốn. Ớt và dấm chua làm tôi chảy nước mắt, tôi suýt soa như trời rét, bà hàng nhìn tôi mỉm cười.
Tôi đi xe điện xuống bờ hồ, rồi lên tiếp xe điện ra Kim Mã. Trương đợi tôi ở ngay quán phở đầu bến xe. Tôi nhìn thấy những bộ mặt của lũ gái làm tiền ngồi ở đấy. Ăn xong tôi ra đường uống một cốc nước chè tươi nóng. Buổi sớm thắp lên một điếu thuốc, trời dịu và êm đềm lạ. Lúc đó tôi nghe tiếng kẻng ở trong nhà Tiền đổ hồi, cánh cổng mở rộng và một đoàn xe tù binh đi ra, những người nhà quê đủ già trẻ chen nhau trong lòng xe, bên những mũi súng gắn lưỡi lê tua tủa. Xe phóng nhanh, còi kêu inh ỏi, khói phun và bụi tung đầy làm tôi như muốn ngạt thở. Bến xe vắng, người phu xe tâm sự:
"Không có người đi. Chỉ toàn người chạy về thành phố. Buôn bán không có nên xe chạy không đủ ăn, chuyến đi nhiều khi không có ai. Bỏ ruộng bỏ vườn về đây rồi thóc gạo đâu mà ăn. Cơ này không chết vì bom đạn rồi cũng đến ăn thịt nhau mà chết…"
Trong chuyến xe tôi và Trương đi chỉ có thêm một người về đến Diễn là xuống. Chúng tôi đi hết đường; khi xe ra khỏi Cầu Giấy phải dừng để khám. Ở đây chúng tôi thêm một ông cụ làm bạn đường.
Chuyến xe chạy nhanh giữa những đồng ruộng. Chúng tôi ngó thấy những đồn binh có ụ cao, cột cờ vươn lên. Qua bốn trạm gác chúng tôi về tới Phùng. Đồng hồ của Trương chỉ 10 giờ, trong suốt lúc xe chạy mọi người trong xe đều bận suy nghĩ riêng không ai muốn nói một lời; tôi được dịp quan sát quang cảnh nhà quê sau cơn loạn, những sinh hoạt nằm bên trục giao thông chính Hà Nội - Sơn Tây. Chúng tôi bước xuống bến xe trong vẻ tiêu điều ở đó.
Những con đường đá xưa kia bây giờ trở thành đất, từng ổ gà lớn, những con đường này trong khi Pháp tấn công đã bị phá hủy bằng những hầm hố, ụ đất. Về sau được san phẳng thì những bánh xe lớn, xe tăng chà nghiến khiến, mặt đường bị những chuyến xe nhà binh chạy hoài hoài. Những người nhà quê đương sợ sệt tránh vào những hiên chợ.
Tôi bảo Trương:
"Chúng mình đi xuống dưới này một chút đã".
Chúng tôi đi coi quanh một vòng, xưa kia đây là một huyện lỵ, nay thành quận với các cơ quan hành chính và quân sự. Sự tan hoang hiện rõ ở bề ngoài. Đình, chùa, miếu mạo đều trở thành đồn bót.
Trương nói:
"Ở đây chỉ qua sông Đáy đã là miền không kiểm soát được rồi. Tây chỉ ở bên này sông và những con đường chính, từ đây xuống ngã ba Thá còn lộn xộn lắm, dù là đồng bằng. Chúng tôi ghé vào một quán nước ăn bánh tẻ rồi mới trở vào. Quận lỵ đặt ở một ngôi đền chung quanh có bốn năm đồn canh cao bao bọc những dãy nhà tôn bằng hàng rào dây thép gai và hào nước. Chúng tôi đến cửa quận thì có hai người lính chặn lại, tôi hỏi ông Hoàng.
Tôi nhận là em nuôi muốn gặp, người lính già dẫn chúng tôi vào quận. Đi qua một khoảng đất trống đầy cỏ hoang chúng tôi đến một dãy nhà tôn dài, người lính chỉ chúng tôi vào căn nhà đầu rồi lên tiếng:
"Có khách anh Hoàng ơi".
Từ ngoài cửa sổ tôi thấy Hoàng cởi trần ngồi trên ghế vải vặn máy hát, một bài ca cải cách vừa bắt đầu. Nghe tiếng gọi Hoàng đứng dậy ra ngoài và gặp chúng tôi.
"Ô kìa, ngọn gió nào đưa anh vào đây. May hôm nay tôi lại có mặt ở đây. Mời hai anh vào chơi".
Tôi giới thiệu:
"Đây là anh Trương. Đây anh Hoàng, đều là bạn cả".
Trương và Hoàng bắt tay nhau, chúng tôi kéo ghế ngồi xuống. Hoàng thu cái máy hát lại rồi cầm cái áo cánh mặc vào người:
"Các anh về chắc có việc gì?"
"Tôi có việc phiền anh".
"Ở đây buồn tẻ lắm. Một cái thứ "ven trời đất trích" mà".
Qua vài câu chuyện vặt tôi mới bắt đầu nói cho Hoàng nghe về chuyện Vịnh và nhờ Hoàng hỏi thăm hộ và nếu được thì giúp đỡ.
"Tôi làm ở đây thuộc về hành chính, còn sự bắt bớ an ninh thuộc về bên quân sự. Nếu có thì tôi có thể giúp đỡ được. Hai anh ngồi chơi để tôi xem thế nào".
Hoàng sốt sắng mặc quần áo rồi đi ngay. Tôi ngồi với Trương nhìn gian nhà vách ván lợp tôn. Nó là một thứ trại lính tạm bợ - có lẽ vì vấn đề an ninh nên được dùng làm chỗ ở cho những viên chức và gia đình họ.
Tôi vặn máy hát nghe một bài cò lả và Hoàng trở lại lúc đó.
"May quá. Tôi nhận với trưởng đồn là bạn tôi. Có lẽ bị nhốt mấy hôm nên đòn đau. Tiếc quá tôi không được tin sớm hơn. Ở đây mà ai bị bắt thì thế nào cũng bị đánh… bổn phận họ…"
Chúng tôi theo Hoàng đi sang phía đồn đóng ở trên đê đối diện với quận. Chúng tôi đi men theo một con đường nhỏ dưới chân đê. Suốt dọc hai bên lối đi hàng rào dây thép gai và cỏ dại mọc đầy. Những lính Tây rạch mặt đen như cột nhà cháy vác súng đi đi lại lại phía trong và trên những chòi cao có đèn pha, những họng súng ngó xuống. Tôi có cảm tưởng đang ở một vùng trận địa nguy hiểm mà trận ác chiến có thể xảy ra bất cứ giờ phút nào. Cả ba người không nói gì. Trương lấy thuốc ra hút truyền cho Hoàng và tôi. Qua một cây cầu xi măng chúng tôi tới bót. Hoàng nói chuyện với người lính gác rồi dẫn chúng tôi theo vào trong bàn giấy, viên phó trưởng đồn người Việt tiếp Hoàng niềm nở. Hoàng giới thiệu chúng tôi. Chờ một lúc thì có hai người lính dẫn Vịnh lên. Người phó trưởng đồn phân trần:
"Rất tiếc là chúng tôi không được biết sớm ông đây là chỗ bà con quen biết và vô tội. Bây giờ vấn đề an ninh chung chúng tôi phải thi hành phận sự…"
Trông Vịnh gầy tọp hẳn đi - dù Vịnh đã gầy sẵn. Khuôn mặt hốc hác có vài vết thâm tím và đôi mắt trũng sâu. Chúng tôi ngầm hiểu một chuyện gì đau đớn. Khi đứng lên ra về hỏi đến mấy thứ đồ đạc của Vịnh thì không còn gì. Tôi cầm lấy vai và hỏi Vịnh:
"Có đủ sức để đi không?"
Vịnh không nói. Chúng tôi cảm ơn viên phó trưởng đồn rồi cáo từ. Chúng tôi trở lại nhà Hoàng cho Vịnh uống một ly sữa nóng và nghỉ một chút. Vịnh nói khi Hoàng ra ngoài:
"Chúng nó đi chinh phục kiểu này thì sẽ thất bại. Chỉ khổ tụi dân thôi".
Khi đứng bóng chúng tôi xin phép Hoàng ra xe trở về Hà Nội. Trên khoang xe Vịnh ho rũ, mệt mỏi, lả người vào tôi mà thở.
"Chưa làm được gì. Chưa đi đã bị nó tống cho một trận gần mất xác. Bao giờ lại đi?"
"Khỏi cần hỏi tao đi nữa, đừng dạy tao, không thể sống ở đây mà dương mắt nhìn như chúng mày".
Tôi đưa Vịnh về tận nhà, buổi tối tôi ngủ lại. Người đầu tiên nhìn thấy Vịnh mà chảy nước mắt là người mẹ già, rồi người chị gái. Tôi nói cho hai người nghe về Vịnh:
"Chúng con ở Phùng về, Vịnh yếu có lẽ phải uống thuốc".
Tôi ngồi ăn cơm nơi tấm phản nhỏ căn nhà ở phía bên trong ngõ Yên Thái buồn và vắng hẳn xuống. Vịnh ăn yếu và ho trên bữa ăn. Cả ba người đều ái ngại. Tôi nói: "Cũng may là họ chưa cho đi nhà Tiền, nếu không thì chưa biết đến bao giờ được ra, mà có khi chết bỏ xác".
Vịnh nín lặng và uất ức. Chị Huệ tâm sự:
"Đẻ chị đã bảo Vịnh ở lại với hai người thân duy nhất này. Thầy chị đã chết. Trong gia đình cần sự có mặt của người đàn ông. Đẻ chị đã nhiều tuổi, còn sống được bao nhiêu nữa. Nhưng Vịnh không nghe. Đã chẳng giúp gì cho gia đình, lại làm cho những người thân lo lắng bận bịu thêm".
Chị vừa nói vừa co vạt áo lau nước mắt. Tôi ái ngại.
"Bây giờ buôn bán khó khăn, chị nghĩ thật buồn. Hồi xưa làm ăn khó nhọc cho Vịnh đi học mong làm ra tiền giúp đỡ. Giá Vịnh đi dạy và học thêm thì có hơn không? Nhưng mỗi lần nghe chị nói Vinh lại quát ầm lên: con trai phải lo những chuyện lớn, chị tự nghĩ: chuyện nhỏ còn không làm được thì chuyện lớn sao làm? Em thử nghĩ xem".
Vịnh không nói gì, ăn xong bát cháo Vịnh lên giường nằm xoay mặt vào bóng tối.
Tôi cầm cái cối, giã trầu cho mẹ Vịnh. Tôi nhìn bàn tay nhăn nheo, những nếp nhăn nhằng nhịt, những ngón tay khô nhỏ mốc mếch lần nhẹ chuỗi hạt màu gụ trên tay. Tôi nghĩ đến bao nhiêu thời gian, đến những người mẹ như Vịnh đã bỏ ra để lần chuỗi hạt ấy bao nhiêu lần. Cái vòng tròn kết lại bởi những viên tròn nhỏ ấy. Nếu như nhẩm tính thời gian đằng đẵng nặng nề mà sự vất vả, chịu đựng, đau đớn đã dồn lên cả những ngày già cả còn sống sót lại này; như thế thật không còn gì can đảm hơn nữa.
Có bao nhiêu người mẹ đã mang cả thời son trẻ nuôi nấng các con lớn lên - để về sau cha mẹ không còn một chút quyền lực. Cuộc đời mở ra cho từng cánh chim. Bao nhiêu mong ước về tuổi già yên vui bên đàn con cháu - thời buổi này cũng mang đi cả rồi.
Sự buồn tủi đã là bao nhiêu dày vò mà những giọt nước mắt cũng không còn đủ đọng lại mà lăn trên gò má. Và có lẽ cũng không bao giờ còn hy vọng một ngày mai như quá khứ thần thánh của những người đã sống trước ngày tao loạn - cả cái quá khứ xa xăm và huy hoàng nay chỉ còn là một thứ thế giới để con người lẩn trốn cái thực tại đang vây lấy thân thể. Trong đôi mắt của mẹ Vịnh chừng như cũng đủ đầy nỗi tiếc thương đó. Bà mẹ dừng tay lần tràng hạt nói với tôi:
"Loạn lâu quá. Bác muốn ở nhà quê trông nom mồ mả tổ tiên. Nhưng ở đó cũng chả yên. Các con thì chật vật, giá như thanh bình thì Huệ nó cũng có gia đình rồi… nó vất vả quá".
"Vâng thưa bác, bây giờ thật không biết thế nào mà nói trước được. Cuộc sống khó khăn thêm mãi. Thật chúng cháu chưa biết gì là sung sướng".
"Không biết rồi có mau yên không, nhiều khi bác nghĩ thật chán. Có lẽ không trọn được đời người. Thằng Vịnh thì nó chả ngó ngảnh gì đến ai. Bác buồn quá…"
Khi tắt đèn đi ngủ, lên giường nằm một lúc lâu tôi thấy Vịnh trở mình. Tôi hỏi nhỏ:
"Chưa ngủ sao?"
"Chưa".
"Mình hỏi thật cậu - Vịnh! Có phải chúng ta bất cứ ai cũng phải gạt bỏ những ràng buộc nhỏ bé để trở thành kẻ phi thường chăng? Hay là chúng ta đang sống trong một cơn mê sảng bị chài ngải bởi những tên phù thủy".
"Mày tưởng…"
"Có thể cậu cho là sai lạc. Nhưng mình vẫn phải bày tỏ điều đó, còn sự chấp nhận thì chúng ta hoàn toàn vô thẩm quyền về nhau".
"Trách nhiệm thuộc về từng đứa, tao thừa biết như thế".
"Mình không tin. Trách nhiệm là trách nhiệm chung. Chưa hẳn là hỏng hết. Cá nhân không thể vượt ra khỏi những ràng buộc cố hữu chỉ trừ khi chúng ta tự lừa dối chúng ta. Hãy suy nghĩ để khỏi phải hối hận. Chúng ta không có một mái chuông nhà thờ nào để xưng tội và hối hận. Chắc biết như thế".
"Tao chán chường những điều của chúng mày rồi. Mày đừng kéo lịch sử trở lại nữa nếu không muốn bị vứt ra ngoài. Tao muốn có mặt trong thành phần những người tạo lịch sử mới…"
"Mình muốn nghĩ thêm một chút nữa về cái phần cá biệt của mỗi cá nhân - những phần riêng tư của nó khi nó bị đứng chung vào một hàng ngũ, mặc cùng một bộ đồng phục, chung một thứ tiếng nói. Nhưng cái gì bắt người ta nhất loạt phải suy nghĩ giống nhau nếu như không tự giả dối che đậy. Trừ khi tất cả những người ấy không còn là người nữa. Như thế thì mỗi kẻ đều có trách nhiệm - dù ở bất cứ đâu hay ở đây". Nói xong tôi thấy như tôi đã nói dối Vịnh - nhưng là một thứ lừa dối quá thành thật. Tôi đã nghĩ như thế. Riêng tôi cũng chưa làm được gì cho ai. Từ bao giờ vẫn tàn nhẫn với một người ông. Bất lực không giúp đỡ được cho chú thím và các em nhỏ. Tôi muốn có một gia đình như Vịnh, như thế tôi có thể giúp đỡ một người mẹ, một người chị. Chỉ có khung cảnh thuận tiện mới cho người ta có cơ hội để phát huy đức tính. Tôi biết tôi không được như Vịnh, như Thịnh say mê một cái gì mà dấn thân vào. Như vậy ít ra Vịnh sống cũng còn có mục đích, có công việc say mê cần thiết cho một đời sống. Tôi rơm rớm nước mắt nghĩ về bố và mẹ tôi.
Vịnh ho về khuya. Tôi ngoảnh mặt ra ngoài nhìn ngọn đèn dầu lạc thắp ở bàn thờ. Khoảng nửa đêm tôi nghe tiếng chó cắn, tiếng giầy đinh của một toán lính đi tuần. Tôi mở mắt nhìn bóng tối. Chị Huệ trở dậy sửa soạn gánh hàng tấm lúc đồng hồ hàng xóm đổ 5 giờ. Chị nhóm lửa nấu cháo. Bà mẹ Vịnh trở dậy thắp hương tụng kinh.
Tôi ăn cháo đường trước khi trở về nhà.
Tuần lễ tiếp theo tôi đi học đều - những ngày buồn kéo dài. Tôi cố học và quên đi nhiều điều. Chú tôi vẫn chưa về. Mỗi bữa đi học về tôi cầm tay đứa em bị đau và hỏi nhỏ thím tôi: "Chắc em vẫn như thế".
Ông tôi bị sốt, đứa ở đứng ở cửa bảo tôi:
"Cụ bị sốt. Cậu đi đón ông lang Canh cho cụ".
Tôi nhìn nó như quát: "Biết rồi".
Ông tôi nằm ở giường. Mùi thuốc bắc xông lên khắp nhà, ông tôi yếu hẳn, vuốt những đồng bạc chậm chạp miệng không còn muốn chửi bới về mấy người góp tiền thiếu, tuyệt nhiên tôi cũng không muốn hỏi han. Tôi nhớ một điều: quát cho những đứa em ngồi từng chỗ riêng và im lặng.
Buổi chiều tôi ngồi trên gác học, khi mệt thì nằm ngủ, có một buổi trưa tôi nằm mê thấy bố tôi về trợn mắt mà hỏi: "Mày cũng điên sao?".
Tôi vừa định mở miệng cất tiếng phân trần thì sực tỉnh dậy, thân thể mệt mỏi, ê chề như hâm hấp sốt. Mỗi bữa cơm tôi trở xuống ngồi bên mâm và thấy mặt từng người.
Có đêm nằm không ngủ được tôi định mở cửa sang nhà con bé Tàu lai. Lòng rạo rực thèm muốn, tôi trở dậy mở cửa, khi nhìn lên mặt cầu có người lính gác vác súng đi thì rùng mình. Tôi đứng ở cửa nhìn sang lò thịt quay ở mé bên kia gậm cầu, lò than đang đỏ rừng rực và mùi mỡ cháy bốc thơm phức. Tôi nuốt nước bọt trở vào nhà.
5.
Những ngày buồn nản trôi qua. Trong kỳ thi tôi đủ sức để đỗ, không có xúc động gì.
Trong đêm thứ Bảy cảnh sát và lính Tây đi khám sổ gia đình vào lúc hai giờ sáng. Tôi trình thẻ cho viên đội cảnh sát rồi cứ ngồi im ở giường. Tụi lính lục tung sách vở và báo chí của tôi một lúc rồi mới rút lui trả lại căn gác sự im lặng mỗi đêm.
Hôm sau tôi tới tìm Trương, gặp Vịnh, tôi bảo:
"Không hiểu chúng ta còn phiêu lưu vào tương lai như thế nào?"
Vịnh dằn giọng nói chắc nịch:
"Khi sống thì đừng suy nghĩ - vì như vậy sẽ không dám làm gì. Sách vở mãi tự tử còn hơn. Nhất là cái bã tư bản nó nhồi vào sọ làm mụ mẫm cả người ra".
"Sự thật có lẽ cậu không hiểu. Chính chúng ta đang tự tử. Có chăng là chọn cách tự tử như thế nào".
Tôi thu đời sống giữa những bức tường, không khí chiến tranh vây phủ trong thành phố. Tôi chưa hiểu rồi những ngày tới tôi sẽ làm gì.
Những ngày sau đứa em nhỏ lại khá hơn những ngày trước. Trong những ngày tôi không mong mỏi chờ đợi gì thì chú tôi lại trở về.
Những đứa nhỏ chạy ra vòng tay, chú tôi vào hỏi ông tôi.
"Ông vẫn thường".
"Ừ, sao nhắn mấy tin con mới về".
Chú quay sang tôi.
"Sao?"
"Cháu vừa đỗ và không biết làm gì".
Chú tôi bỏ va ly lên sập rồi chạy vào giường đứa bé. Chú ngồi xuống bên cạnh rồi bế nó lên lòng. Thím tôi kể lể những nỗi chờ mong. Tôi nói:
"Em bị sưng phổ, bác sĩ bảo thế nhưng chữa mãi cũng không thuyên giảm gì nên cho ở nhà chờ chú. Thế rồi mấy ngày về sau nó lại khá hơn".
Chú tôi ủ đứa con rồi gật gật ra ý hỏi nó. Nó nhìn lâu, có lẽ thấy khuôn mặt lạ nên mếu sệch mồm nhưng không khóc thành tiếng. Chú vội đưa thím bế rồi trở ra ngoài.
Sự có mặt của chú tôi trong gia đình làm cho không khí đổi đi một chút - ông tôi vì nể mặt đứa con cũng bớt chửi bới mỗi buổi chiều. Tôi không đánh hay mắng những đứa em nữa. Tôi nghĩ đến sự có mặt của một người cha bên con cái là sự cần thiết hơn hết cho sự giáo dục chúng.
Tôi nằm ở trên gác cả ngày, đến bữa ăn cơm mới ở trên xuống. Chú tôi hỏi về những việc vặt vãnh trong gia đình, tôi đều không biết gì để trả lời.
Ông tôi đau trở lại. Chú tôi hỏi:
"Mấy ngày trước đây ông bị bệnh gì?"
Tôi lúng túng vì tôi nào có hỏi han gì đến ông bao giờ mà biết. Tôi chỉ biết ông tôi ốm thì kêu ông lang Canh đến hốt thuốc cho đứa ở nó sắc cho ông tôi uống thế thôi. Tôi nói nhỏ trong miệng:
"Cháu không biết".
"Cái gì cũng không biết. Ông nội ốm cũng không hề hỏi han gì đến. Chú có cảm tưởng rằng cháu là khách ở trong nhà này".
Tôi không nói nửa lời. Chú tôi đưa đứa nhỏ đi bác sĩ Thân và mang ông tôi đi khám bệnh nơi một bác sĩ đường Quan Thánh, nhưng ông tôi không đi.
"Cứ gọi ông lang Canh lại đây cho tao".
Bữa cơm tối hôm đó, khi tôi đang ngủ thì đứa ở lên đánh thức. Tôi thấy người hơi ngây ngấy nên bảo nó:
"Tôi không ăn cơm. Chị nói giúp thế".
Nó xuống rồi tôi lại nằm và thiếp đi, khi mở mắt thì thấy gian buồng bật đèn sáng và chú tôi đang ngồi đọc một cuốn sách ở bàn. Tôi mở mắt rồi lại nhắm lại, tôi nằm bất động khá lâu, nhưng sau rốt tôi cũng ngồi dậy lẳng lặng ra đứng nơi ô cửa sổ ngó sang một căn nhà đổ bỏ hoang nằm ở đằng sau, bóng tối nằm im ở nơi đó. Chú tôi cất tiếng hỏi:
"Sao không xuống mà ăn cơm, còn phần cơm ở dưới ấy".
Tôi đứng nguyên xoay lưng lại như thế, trả lời:
"Cháu không muốn ăn".
Bầu không khí tôi cảm thấy tức thở và choáng váng nhất là chú tôi đang có mặt ở gian nhà này. Chú tôi vắng mặt tôi muốn từ chối những điều nghĩ về mình, nhưng chú tôi về như bắt tôi phải nhìn vào những sự thực ấy và đòi tôi phải có một thái độ. Chưa bao giờ tôi đặt một vấn đề và đòi giải quyết hay chọn lựa.
"Thế thi xong có định tiếp tục học hay làm gì không? Đi học thì chọn gì?"
"Cháu chưa tính sao - như đã thưa với chú. Nếu tiếp tục cháu sẽ theo ban văn chương - có lẽ thích hợp với cháu hơn".
Tôi ngưng lại một lúc rồi quay lại nhìn thẳng vào chú tôi.
"Có người rủ cháu ra ngoài".
Chú tôi đang giở sách, ngừng ngay lại rồi chú ngửng đầu lên nét mặt đầy nghiêm nghị. Tôi nhận ra mới chỉ trong vòng một năm mà chú đã già hơn nhiều. Đôi mắt đầy vẻ ưu tư và vầng trán những nếp nhăn chồng chất. Đôi má hơi hóp để lộ đôi gò má cao hẳn lên. Tôi nghĩ đến hình ảnh bố tôi và khuôn mặt hao hao trong trí nhớ.
"Ra ngoài".
Chú tôi nói buông thõng rồi lại cúi xuống tiếp tục giở từng trang sách một. Những ngón tay lộ vẻ khó chịu bứt rứt, tôi chắc chú nhìn thấy những hàng chữ chú lật qua:
"Đã suy nghĩ kỹ chưa? Ra ngoài làm gì?"
Tôi lúng túng trong cách trả lời.
"Cháu buồn chán quá, những điều chung quanh vây lấy trí não cháu, cháu không tìm thấy trả lời nào ở đây. Chú bảo cháu phải làm sao? Cháu thấy cháu hình như đang bị kết án. Cháu muốn được hoạt động, muốn vào cuộc… Tại sao chú đã không ở ngoài đó?"
"Họ đã lừa chúng ta, chúng ta thất bại trong kiêu hãnh, chúng ta đã nhầm… Chú thấy chú không làm gì được, chú chấp nhận những điều nhỏ bé. Còn cháu, chú nói thật, đó không phải là con đường để cháu đi. Sau này, người ta sẽ phải làm một cuộc giải phóng rộng lớn, cuộc giải phóng cho tất cả mọi người chống lại tất cả những áp lực, đoàn thể… chú gọi đó là cuộc giải phóng làm thánh hoá con người chứ không phải giải phóng làm nô lệ con người. Tư bản, vô sản… tất cả đã trở thành bọn phản bội tồi tệ nhất…"
Chú có cảm tưởng cháu không được may mắn và có một điều cháu không nói ra: cháu không chịu được tình cảnh gia đình cháu đang sống? Cháu phải chấp nhận nó, nó làm khổ cháu, nhưng cũng chính nó đã cưu mang, nuôi nấng cháu, dù thế nào đi nữa".
"Cháu không muốn là khách trong căn nhà này, nhưng cháu không biết làm gì khác hơn".
Tôi quay người im lặng, lúc lâu tôi không thấy chú nói gì tôi tưởng chú đã xuống, chợt chú tôi hỏi:
"Lâu nay Hùng và Thân có ra không?"
"Có một lần đã lâu, chúng ra ở lại ăn cơm trưa. Thằng Hùng nó than van đủ điều, nó sắp bỏ tu viện".
Tới rất khuya tôi mới thiếp đi được.
Buổi sáng tôi thức dậy khi chuyến xe chạy ngang qua, chuyến tàu thường ngày giữa Hà Nội - Hải Phòng. Những đoàn tàu mỗi ngày một nối dài thêm, những toa tàu đầy quân đội được mang ra dọc con đường số 5.
Những ngày tiếp theo ấy tôi không đi đâu, buổi chiều ngồi bên cửa sổ nhìn người gác cầu vác súng đi đi lại lại chờ đoàn tàu trở về. Có lúc tôi nhớ Hiền, nàng đã ra sao. Tôi nghĩ có thực tôi không yêu Hiền, yêu Hiền nhưng sao tôi không tìm kiếm nàng, không lo toan về nàng. Mất Hiền tôi không mất gì sao? Những kỷ niệm, ngày cũ? Một người bạn thân? Tôi nhớ đến Trương, Trịnh, Thu… Trịnh ra ngoài bây giờ ra sao?
Ông tôi bị đau trở lại, ông không đủ sức ngồi thu tiền, xếp những đồng bạc cho thẳng bỏ vào chiếc hộp nữa, ông thở khò khè như một con mèo ốm. Chú tôi bận rộn lo thuốc thang, ăn uống cho ông, vào những buổi chiều chú tôi bảo tôi ngồi thu tiền thay cho ông tôi. Tôi lặng thinh nghe những lời kè nhè của những người đến trả tiền, tôi đếm tiền bỏ vào chiếc hộp, ghi sổ tiền thiếu tiền đủ vào cuốn sổ. Ông tôi chừng như muốn trở dậy nhưng sức yếu khiến ông không sao ngồi được vững. Tôi thấy thương ông, thương sự khổ sở mà ông tự buộc lấy, tôi cũng muốn nói với ông một ít điều nhưng tôi không tìm ra cách nói sao cho được và không có cơ hội cho tôi có thể nói với ông một cách thân ái. Tôi muốn làm điều này mỗi khi trông thấy chú cặm cụi, ngồi bên đầu giường bưng bát thuốc, hỏi han bệnh tình.
Đứa em nhỏ sau ít ngày đã khá có lẽ vì hợp thuốc, nó muốn chơi đùa, tôi cầm tay nó bảo: "Sao mấy hôm trước tồi thế em?" Tôi thấy thím tôi nhếch mép cười, đã lâu lắm tôi mới thấy thím cười được. Con người thím tôi không bao giờ nhìn thấy một sự vui tươi; chừng như lúc nào cơn bệnh cũng quanh quẩn bên thím và đứa nhỏ, thím không bao giờ than van một điều gì, thím chịu đựng chăm sóc lũ em, trông nom bố chồng. Thím nhỏ bé như một cái bóng bên đời sống của chú tôi, ở thím chỉ có người mẹ mong mỏi hoàn thành bổn phận một người con, một người vợ, một người mẹ mong con cái mạnh khoẻ học hành thành tài và thím an hưởng tuổi già trong cảnh hạnh phúc của những người con.
Thu xếp công việc trong nhà xong chú tôi gọi các con lại căn dặn rồi thu va ly xuống cảng trở lại.
Buổi sáng chú tôi đi, tôi mặc quần áo xách va ly ra ga tiễn chú tôi. Buổi sáng mùa thu hơi lạnh, lúc ngang qua phố tôi mua một ít cốm gói trong lá sen bỏ vào cặp cho chú mang đi ăn dọc đường. Những cuộn mây xám nổi bay trên vòm trời. Sân ga ngổn ngang những hòm gỗ lớn đóng kín và có lính Tây canh gác. Trên mái ngói xám của nhà ga tôi thấy mấy cánh én bay lượn. Tôi hỏi:
"Chú đi khoảng nào chú mới về?"
"Có lẽ phải đến tết hoặc ra giêng chú mới về được. Cháu ở lại ráng trông nom các em giúp thím, quên mình đi một chút, tiếp tục học. Chừng như giữa chú và cháu có một khoảng cách, nhưng chú vẫn cho rằng trên căn bản nào đó cháu đồng ý với chú. Tất nhiên giữa hai lứa tuổi gần nhau nhất chúng ta cũng không dễ gì để hoàn toàn đồng ý với nhau về những vấn đề thực tại như hiện nay. Tất cả chúng ta đang bị khép vào hoàn cảnh khe khắt. Có điều là chúng ta có đủ sức để đi riêng một con đường hay không? Trước khi trả lời chúng ta hãy sống một cách sáng suốt, ngay thẳng… Chắc cháu đồng ý với chú. Hãy đừng coi mọi người là nhà ngục với mình, hãy coi mình là nhà ngục cho kẻ khác, tình liên đới trong cuộc sống chúng ta không thể từ chối được".
"Cháu sẽ liên lạc với chú".
Chuyến tàu trễ nửa tiếng vì có một chuyến tàu đặc biệt chở quân lính chạy trước, vì vấn đề an ninh hành khách bị dồn về một phía. Tôi mang va ly vào sân ga cho chú, quang cảnh náo nhiệt vẻ tao loạn trong những người ra đi với hành lý mang theo. Những tà áo nâu bạc chen lẫn với những tà áo trắng, tiếng trẻ con khóc xen tiếng gọi nhau ơi ới. Khi tàu thét còi chú tôi mới lên tìm chỗ, tàu chạy chú ngó đầu ra ngoài cửa sổ vẫy tôi. Tôi cảm động xao xuyến một cách lạ lùng, điều mà chưa bao giờ tôi cảm thấy thế.
Con tàu thét hồi còi ngắn rồi chuyển bánh mang theo chú tôi, tôi đứng lại vẫy tay và ở đó khá lâu cho tới khi tàu khuất vào khu nhà chợ Cửa Nam. Những cơn gió sớm mai thổi lộng vào sân ga cuốn những giấy vụn, lá chổi bay lên như những cánh bướm ma thốc lên từng đợt và tạo thành những cơn lốc. Phía xa những xe nhà binh đỗ phía sau một hàng kẽm gai, người lính vác súng cắm lưỡi lê đi đi lại lại.
Tôi rời nhà ga không trở về nhà, tôi theo đường Hai Bà Trưng sang khu đại học, khu nhà Tây lặng lẽ, những thân cây mùa thu đứng lặng buồn với cành lá vàng xác xơ. Tôi qua một khoảng đất bỏ hoang. Tới trường tôi tìm đọc những thông cáo cần thiết. Khi trở ra tôi gặp Hợp. Chúng tôi trao đổi những ý kiến về việc chọn môn học, tôi thấy Hợp mừng rỡ khi thấy tôi, sao Hợp có vẻ hồn nhiên trong sáng, không có thắc mắc nào cho Hợp sao. Hợp nói việc học ở đây chỉ có tính cách tạm thời, gia đình đang lo cho Hợp sang Pháp vì cha Hợp cũng là một người giàu có và nhiều thế lực. Hợp rủ tôi đi chơi, tôi nói tôi cũng đang buồn không biết đi đâu. Chúng tôi đi dạo trong hành lang khu giảng đường. Đã lâu rồi tôi không còn nghe thấy tiếng trống trường còn loang vết đạn trên đường cửa Bắc trong những năm trung học, tôi nhớ lại khu sân trường mọc cao cỏ dại những ngày tháng không bao nhiêu âu lo nay đã không còn. Tôi nhắc với Hợp những kỷ niệm cũ không nguôi ấy, Hợp nói rồi mai đây mình còn phải đi xa hơn thế này nhiều mà có trở lại thì cũng đã thay đổi hết, Hợp kết luận gọn gàng: buồn nhỉ. Chưa bao giờ tôi tìm lại được một người bạn hợp tình như lúc đi với Hợp. Hợp bước những bước ngắn, Hợp là con một bác sĩ nha khoa có mở phòng chữa răng ở đường Gia Long. Trong cả năm học rồi tôi chỉ đến nhà Hợp một lần trả cuốn sách học tôi không có phải mượn. Tôi nhớ tôi đi ngang qua nhiều phòng, phòng nào cũng trang trí lộng lẫy theo lối Tây phương, người làm lễ phép dẫn tôi đến phòng học của Hợp, ở đấy tôi được nhìn nhiều sách đẹp giá trị tôi chưa bao giờ biết đến bày trong tủ kính bao quanh gian phòng. Trong phòng có lò sưởi và quạt điện. Hôm ấy Hợp mời tôi uống sữa và ăn bánh tây.
Tôi nghĩ miên man những điều không rõ ràng. Sao Hợp giản dị vậy, cả năm học Hợp cắm cúi vào việc học, kỳ thi nào cũng đứng đầu. Không có thắc mắc nào đặt ra cho Hợp ngoài chuyện nghe theo lời cha mẹ để trở thành một người học giỏi, thi đỗ và có thể ra làm quan. Tôi tự hỏi tại sao không chọn con đường đó của Hợp.
Chúng tôi ngang qua khu nhà Hát lớn trên đó những cột thu lôi mảnh như sợi tóc treo thẳng lên nền trời, chúng tôi xuống phố Tràng Tiền ghé vào xem một phòng triển lãm mở cửa trong phòng thông tin Pháp. Khi tới chợ hàng hoa đầu hồ Hoàn Kiếm, Hợp hỏi tôi bận gì không, tôi nói không, vậy chúng ta đi chơi cho hết ngày. Chúng tôi la cà từ phòng Thông tin đến nhà Thủy tạ, qua hàng Trống, vào chợ Đồng Xuân, lên hồ Tây; buổi trưa chúng tôi vào vườn Bách thảo ăn bánh tôm thay cơm trưa rồi trèo lên ghế của nhà tập kèn ngủ. Gần chiều chúng tôi leo tàu điện trở xuống bờ hồ mua lạc rang bên tháp Báo Thiên bỏ túi vừa đi vừa ăn. Sau Hợp rủ tôi lên hàng Cá ăn chả cá. Trong căn gác nhỏ chúng tôi ngồi nơi bàn ngó xuống đường, mùi chả và mùi thìa là thơm phức thật hấp dẫn. Trước đĩa bún trắng ngần, đĩa rau xanh, chén bát sạch sẽ Hợp và tôi nói đến thú ăn của Tản Đà, hứng trí Hợp ngâm thơ như một ông già. Khi ăn Hợp nói giọng bông đùa: "Thật hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc". Khi đứng lên ra về trong hơi men tôi nói: "Chiến tranh tồi nhỉ", Hợp phụ họa: "Ừ tồi, thật tồi". Khi chia tay, Hợp hỏi địa chỉ tôi, tôi nói không tiện, Hợp lên xe, tôi đi bộ theo lối Cống chéo - hàng Lược về nhà. Những nhà thổ đèn đỏ chói. Tôi nghĩ giờ này chú tôi đã ở Cảng và đang nhớ nhà.
6.
Những ngày tháng thảng thốt vây lấy tôi trong trống không vô nghĩa. Tôi lang thang ở ngoài đường nhiều hơn thời gian ở trong nhà, sách vở không còn làm tôi say mê, tôi không có vui chơi để khuây khỏa, tất cả mọi điều thành dửng dưng buồn tẻ. Tôi quên Hiền một cách tàn nhẫn. Một ngày xuống Trương chúng tôi đi ăn thịt chó, tôi uống rượu say, sức rượu của tôi không bao nhiêu, trong đêm khi trở về nhà tôi thấy chân tay tôi biến mất, trước mắt thì vô vàn những ánh sao đủ màu nhảy múa, thân thể tôi có lúc như bay nhảy trong khoảng không. Tôi không hiểu sao tôi có thể mang được mình về và nhận ra cầu xe lửa, tôi mệt lả và muốn khuỵu xuống, tôi bám vào thành cầu đá mà bước. Tôi chợt nhận thấy hai bóng trắng lung linh trước mắt, tới gần tôi nhận ra hai thân thể ôm sát lấy nhau dưới gậm cầu. Khối trắng di động lập lờ, tôi dụi mắt và nhìn thấy cái đầu tóc uốn quăn bù xù, sao trông có vẻ quen thuộc, tôi trấn tĩnh một chút, phải rồi, tôi nhủ thầm, đúng là con bé Tàu lai, tôi chạy về, leo lên gác, mở ngăn kéo bàn tìm con dao nhíp, mở lưỡi dao lớn rồi chạy xuống trở lại chỗ cũ, tôi tỉnh táo một cách thái quá, tim tôi rộn lên. Tôi cầm chắc lưỡi dao trong tay, tiến đến từ từ, hai bóng trắng vẫn còn cựa quậy như hai con rắn. Tôi tiến lên túm lấy tóc thằng đàn ông phía ngoài, dí mũi dao vào khoảng lưng trần, tôi nhận thấy mình nó oằn lên. Tôi nói chắc giọng: "Muốn sống đi ngay". Hắn luống cuống run rẩy buông đứa con gái ra, hắn lom khom nhặt quần áo rồi ù té chạy, đứa con gái cuống quít chưa biết làm gì thì tôi ôm thốc lấy và đè vào thành cầu, nó kháng cự một cách yếu ớt tôi thấy tôi nóng như than và đứa con gái mát lạnh, tôi sờ soạng trên khắp trên khắp thân thể nó và ép nó cứng vào cầu. Tôi nghĩ đến bộ ngực của con bé Tàu lai thì đưa tay lên, tôi bắt gặp… tôi hoảng hốt buông tay ra, lùi lại nhìn vào mặt đứa con gái, trong bóng tối lờ mờ tôi nhận ra đó là mặt một con đĩ già ở đầu cầu tôi quen mặt. Nó thấy tôi buông ra thì ù té chạy nhưng vấp phải tôi và ngã sấp xuống, tôi nghe thấy nó rên khe khẽ trong cuống họng như một con vật bị thương. Tôi nhặt con dao, rồi trở ra. Thằng đàn ông lúc trước đã đủ sức để trở lại đứng đón lối tôi về, nó la lên: "Mày là thằng nào". Tôi cầm chắc con dao trong tay: "Tao là thằng này, muốn gì?" Thằng khốn nạn cười khan: "Muốn xin mày tí huyết". Nó đứng bất động. Không chờ đợi tôi vụt bỏ chạy, thằng khốn nạn đuổi theo, tôi quay người lại, nó vừa chồm đến, tôi đưa ngược mũi dao ra. Nó kêu lên: "Trời, mày hại tao". Tôi rút dao ra và thấy máu, nó la lên dữ tợn rồi ôm bụng chạy. Tôi nghe tiếng động vang lên và vội vàng lùi vào nhà, tiếng kêu nó mất hút sau đó, nhận thấy con dao còn trong tay tôi đứng trong sân nhà liệng ra ngoài phía cầu, con dao mất tăm không một tiếng động.
Tôi lên gác ngồi im trong bóng tối hết đêm, tôi thấy tôi khô nóng tỉnh táo. Tôi đã giết người rồi sao? Hắn đã chết rồi sao, tôi lắng nghe tiếng động mơ hồ chừng như của những người di động trong đêm, có phải thằng khốn nạn đang lùng kiếm tôi.
Buổi sáng bắt đầu, tôi nghe tiếng những đứa em gọi nhau trở dậy ăn sáng đi học, tôi xuống nhà đi tắm và thấy tỉnh táo trở lại, tôi ngồi vào bàn ăn sáng với những đứa em, tôi ngồi yên xem những đứa em sửa soạn đi học, người làm lau quét nhà cửa, ông tôi ăn phở, thím tôi chải đầu và dỗ đứa nhỏ ăn sữa. Khi chuyến tàu thường lệ chạy qua tôi ra khỏi nhà. Tôi tự hỏi đi đâu. Tôi đi ra đường long rong không ý định. Chợt hình ảnh Hiền hiện ra, tôi leo xe điện lên Yên Phụ. Bà cụ hỏi han tôi. Hiền vắng nhà, bà mẹ nói nàng đi chợ. Căn nhà vắng vẻ một cách khiếp sợ. Tôi tình cờ soi thấy mặt mình hốc hác trong gương. Tôi đã thành một người giết người? Tôi nằm trên phản nơi nhà ngoài và thiếp đi. Khi tôi thức dậy tôi thấy Hiền ngồi ở bên, không khí im lặng buổi sớm mai vẫn vây phủ. Tôi cầm lấy tay Hiền. Tôi muốn nói với Hiền một điều gì đó nhưng cổ tôi khô. Cả hai chúng tôi yên lặng nhìn nhau.
Tôi ở lại ăn cơm trưa với gia đình Hiền. Trong bữa ăn anh Nghĩa hỏi tôi về tâm trạng thanh niên, tôi cười nói anh đã già rồi sao? Anh Nghĩa cười, tôi định nói đến những người trẻ hơn tôi, tôi có cảm tưởng họ không có ý tưởng gì hết, ngay cả một lý tưởng tầm thường như tôi: đi làm, lấy vợ, không tham vọng gì hết. Tôi nói: "Có lẽ tại chiến tranh". Anh Nghĩa im lặng ăn, lúc sau tôi hỏi:
"Chiến tranh làm thay đổi rất nhiều đến con người".
"Sao lại cứ phải là chiến tranh. Chiến tranh có việc của chiến tranh, mình có việc của mình chứ, đúng là thanh niên không còn lý tưởng nữa".
Tôi muốn nói chính vậy nhưng tôi im.
Buổi trưa tôi rủ Hiền ra đi dạo trên đường Cổ Ngư, ngồi trong bóng mát những gốc cây chúng tôi có dịp gợi lại những kỷ niệm cũ tôi nhắc đến những người bạn, nhắc đến Thịnh. Buổi chiều Hiền đưa tôi ra bến tàu điện. Về đến nhà trời đã chạng vạng tối. Tôi ngạc nhiên thấy Hùng mặc quần áo thường ngồi với ông tôi, tôi hỏi nó:
"Ra hồi nào? Mày không đi tu nữa sao?"
Nó lặng thinh. Sau bữa cơm tối nó leo lên gác tôi, tôi ngồi yên xem nó làm gì, nó kể với tôi chuyện không thể sống mãi như thế, nó bảo trong đầu nó toàn những kinh buổi sáng, trưa, chiều, tối… Nó nói ông tôi bằng lòng cho nó ra ở ngoài. Tôi lặng nghe nó nói không ngừng, mãi tôi mới nói:
"Nói hết chưa?"
Nó lúng túng như hối hận không biết làm sao, tôi nói tiếp:
"Từ giờ tao cấm mày không được lên căn gác này".
Hùng tức giận đi xuống. Bây giờ trong nhà lại có thêm một người tôi không chịu đựng được, một đứa em cùng cha khác mẹ tôi thù ghét. Tôi sờ lên vết sẹo nghĩ đến một người được gọi là mẹ nó, cái người đã định giết tôi.
Mỗi chiều Hùng thay ông tôi thu tiền những người tới góp, nó nịnh và làm vừa lòng ông tôi, nó cũng la lối, có khi như một người bần tiện, thời gian trong tu viện không làm nó thay đổi gì sao, có thực nó là con bố tôi. Nghe nó nói người ta khiến tôi không chịu được, tôi từ trên gác đi xuống chỉ vào mặt Hùng:
"Mày câm đi, nói gì lảm nhảm làm vậy?"
"Tại họ, họ thiếu, họ bớt đủ thứ chuyện…"
"Thì mày cũng phải nói sao cho nghe được chứ. Những năm mày không có mặt trong căn nhà này người ta đã dạy mày những gì? Người ta đã nói thế nào với mày? Mày còn bắt tao nghe thêm tiếng chửi bới của mày nữa sao, tao biết mẹ mày không dạy mày mà".
"Anh đừng sỉ nhục tôi. Tôi…"
"Tao không giành lấy quyền đó, tao chỉ nói cho mày im cái miệng đi thôi. Mày thử đọc kinh nghe chơi xem có hay hơn những điều mày nói lảm nhảm đó không".
Hùng lặng đi, ông tôi ngồi yên khiến tôi ngạc nhiên. Ngày Chủ nhật Thân trở ra, Hùng tìm cách lánh mặt. Khi Thân ở trên gác tôi hỏi: "Thằng Hùng nó ăn cắp gì trong nhà tu không?" Thân mỉm cười nhìn tôi. Thân nói:
"Anh ấy không chịu được thì ra, như vậy em thấy phải, mình không tin mà vì tự ái phải ép mình trong thèm khát thì còn tệ hại hơn nhiều".
Thân ngồi nơi bàn học của tôi lần đọc những sách vở trên đó, Thân trao đổi với tôi những chuyện trong gia đình, tôi nhắc lại ngày bố chúng tôi điên, tôi hỏi Thân, có hối hận vì đã có một ông bố như thế không. Thân nói Chúa an bài mọi chuyện. Tôi nhắc đến ngày giỗ mẹ tôi. Thân nói tôi không biết mẹ, biết bố tôi còn bất hạnh hơn anh nhiều, tôi có gì để nhớ đâu?
Trong nhiều ngày tôi và Hợp trở thành đôi bạn thân, tôi giới thiệu Hợp với Trương, Vịnh. Trong những lần đi chơi ít khi có Vịnh, chỉ có bộ ba chúng tôi.
Hợp nói với tôi mối tình đầu của Hợp với một người con gái trước cửa nhà tên là Yến. Hình ảnh về người con gái được Hợp nhắc đến thật yêu kiều, Hợp mô tả nàng chải tóc trước bao lơn buổi sáng, đi học buổi chiều với tà áo trắng, có lúc Hợp đau khổ nói với tôi làm sao để chinh phục được nàng. Tôi nói:
"Có khi mình còn tồi tệ hơn cậu nữa".
Một lần tôi, Trương và Vịnh đi chơi, trong quán cà phê, Trương hỏi:
"Tại sao cậu có thể thân với thằng Hợp được, mình thấy nó sống trưởng giả quá, nó phè phỡn một cách khó chịu".
Tôi chưa kịp trả lời thì Vịnh xen vào:
"Điều đó dễ hiểu".
Nói xong Vịnh khịt khịt lỗ mũi, tôi khó chịu hỏi:
"Tại sao?"
Vịnh ngó vào mặt tôi giọng gắt:
"Cậu không biết cậu ra sao nữa?"
"Cậu cho tôi một loại như Hợp, sao cậu không nói trắng ra rằng đó là bọn phải thanh toán, bọn tư sản, phản động sống trên đau khổ của những kẻ khác. Cậu có sẵn một cái mũ, gặp ai cậu cũng chụp lên đầu cho họ. Tôi sợ có lúc cậu đội cả cái mũ đó lên đầu cậu nữa. Tôi hay hắn có tội, tôi thấy chỉ có một cái tội có thể tặng ngay cho nó mà không sợ nhầm, đó là tội tổ tông".
Tôi nóng trên mặt một cách tức giận, Vịnh lặng đi một lúc:
"Cậu xem hoàn cảnh cuộc sống như thế này, nó không nghĩ được điều gì khác hơn sao, lúc nào tôi cũng nghe nó nói đến ăn uống, chuyện tình duyên. Nó tưởng nó sống vào cái thời thanh niên An Nam để tóc dài, đánh phấn, kẻ lông mày, chải dầu bóng… Chuyện tình yêu, vẽ vời mơ mộng, cùng thì rồi cũng… Cái bọn… chịu không được".
"Thôi đủ rồi cậu đứng nói thêm nếu không cậu lại sắp phải kết án cả cái hành động của cha mẹ cậu đã sinh ra cậu nữa".
Trương gắt lên:
"Tao đi để nghe bọn mày chửi bố nhau đó à. Đứa nào sống sao thì mặc cha nó cho xong, lằng nhằng…"
Tôi phân trần về Hợp cho Trương nghe, lúc sau mọi người đều im mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ riêng.
Nhiều đêm trong những giấc ngủ bập bồng thảng thốt, tôi thức dậy trong đêm tối. Tại sao chúng tôi chẳng còn một tuổi trẻ thơ mộng yên lành. Tôi lả đi trong buồn nản nhức nhối.
Nguồn: Tuổi nÆ°á»›c Ä‘á»™c. Truyện dà i của DÆ°Æ¡ng Nghiá»…m Máºu, mẫu bìa của Văn Thanh, do táºp san Văn xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn, xong ngà y 28-01-1966. Ngoà i ấn bản thÆ°á»ng, có in riêng 50 cuốn đặc biệt trên giấy trắng mịn dà nh cho tác giả và nhà xuất bản. Giấy phép xuất bản số 4809/LCBC3/XB, Sà i Gòn ngà y 15-11-1965. Giá 20Ä‘. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện dÆ°á»›i sá»± cho phép của tác giả.