Trả lời cho một vị độc giả hỏi về chữ Quốc ngữ
Bổn báo mới tiếp được một bức thư như vầy:
"Tayninh, le 17 Mai 1929
Kính ông chủ bút.
Tôi là một người đọc Quý báo. Tôi hiểu rằng các ngài viết báo có thể chỉ cho những kẻ không biết những điều cần biết.
Vì hiểu vậy nên tôi đường đột hỏi ngài những điều tôi muốn biết dưới đây:
Tôi muốn biết các dấu chữ mới như chữ e, chữ a, chữ â, và chữ o, dấu ngã, dấu hỏi. Nơi nào là nơi phải để dấu hỏi, và nơi nào là nơi phải viết dấu ngã, xin ngài rộng lòng chỉ cho.
Lâm Văn Sanh"
Chúng tôi xin trả lời cho ông Lâm Văn Sanh luôn trên tờ báo nầy, hầu cho người nào cần muốn biết như ông cũng được biết một thể.
Trước hết chúng tôi phải lấy làm lạ có hai điều về trong lời hỏi của ông, phải biện thuyết cho ông rõ đã rồi sau sẽ trả lời.
- Theo chữ Quốc ngữ ta thường dùng đây là chữ cũ, nghĩa là đã thông dụng lâu nay mà không hề thay đổi chi, thì làm sao ông lại kêu rằng chữ mới? Cái đó chúng tôi không hiểu ý ông.
- Dấu ngã hoặc dấu hỏi cũng vậy, nó có thể ở cả trên 12 tiếng voyelles [1] sao ông lại chỉ cử ra có bốn chữ là chữ e, chữ a, chữ â, chữ o mà hỏi? Cái đó chúng tôi cũng không hiểu ông nữa.
Theo chúng tôi hiểu thì trong bức thơ trên đó, ông hỏi về chữ Quốc ngữ ta thường dùng đây, dấu hỏi và dấu ngã khác nhau thế nào? Và chữ nào nên để dấu hỏi, chữ nào thì nên để dấu ngã. V Có phải vậy không?
Nếu phải vậy thì chúng tôi trả lời như dưới nầy.
Tiếng An Nam ta giọng lên giọng xuống có đến tám âm,
[2] vì cớ ấy nên lúc trước đặt chữ Quốc ngữ phải đặt ra năm dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã; chớ không phải như ta tưởng lầm đâu.
Ngày nay ở Bắc kỳ cũng dùng đủ năm dấu. Còn ngày xưa, các ông tiền bối ở Nam kỳ ta như ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Trai cũng viết Quốc ngữ đủ năm dấu, không hề bỏ dấu ngã. Nay chúng ta hãy xem sách tự vị của hai ông ấy đã làm ra thì đủ biết.
Nhưng mà vì lâu đời rồi giọng nói đổi lần đi, ngày nay người Nam kỳ ta chỉ nói được bốn dấu mà thôi, không nói được dấu ngã, cũng như nhiều người không nói được vần V vậy. Đã không phát âm (prononcer) được thì chẳng biết lấy gì làm tiêu chuẩn để mà phân biệt dấu ngã và dấu hỏi. Song theo lẽ thì không bỏ được, bởi vì sự phân biệt của chữ ta nó có một phần ở đó.
Người Nam kỳ ta viết một chữ gì đó đáng để dấu ngã mà để dấu hỏi thì còn hiểu với nhau được, vì hai dấu ấy mình phát âm như nhau. Song người Bắc thì họ không hiểu vì họ nói ra dấu ngã khác dấu hỏi.
Như chữ
lẽ, là lý lẽ, thì dấu ngã, còn chữ
lẻ, là chẵn lẻ, thì dấu hỏi. Nếu mình viết sai dấu thì họ lầm chữ nọ ra chữ kia mà không hiểu.
Mình chớ cho sự họ không hiểu đó là lạ. Vì nếu muốn viết con trâu đi cày mà họ viết
con châu đi cày, thì mình há lại hiểu được hay sao?
Cho nên chúng tôi quyết rằng bắt đầu từ đây chúng ta nên tập luyện, rồi trong ít năm nữa phải viết Quốc ngữ thế nào cho đúng mới được.
Muốn viết cho đúng dấu hỏi dấu ngã thì người ta bày cách như vầy: Hãy đọc tiếng nào mà nghe nó chìm xuống như cái gáo trong ang nước chìm luôn đi, ấy là dấu hỏi; còn tiếng nào chìm xuống rồi lại như cái gáo nổi lên, ấy là dấu ngã. Phân biệt như vậy là rành lắm, và cái thí dụ ấy thật là tài tình, song nói thiệt mà nghe, cái phương pháp ấy không theo được.
Không theo được là vì mình đã không phát âm được, không đọc được, thì còn làm thế nào biết nó là nổi hay là chìm?
Chúng tôi, những người hiếu học, đã tìm đủ phương trước khi ông hỏi đây, song tìm không có phương nào cả. Chỉ có một phương mà thôi, là: Phải giở tự điển Trương Vĩnh Ký ra mà học. Hễ chữ nào hỏi thì theo hỏi; chữ nào ngã thì theo ngã.
Trong chúng tôi có người nào viết Quốc ngữ đúng, cũng chỉ dùng một phương thần hiệu ấy mà thôi.
Thần chung, Sài Gòn, số 115 (7.6.1929)
*
Lại trả lời cho một bức thơ hỏi về chữ Quốc ngữ
Thần chung trong một số trước, chúng tôi có bức thơ trả lời cho một ông độc giả hỏi về chữ Quốc ngữ, cách viết dấu ngã và dấu hỏi như thế nào.
Trong bức thơ đó có một câu rằng: Tiếng An Nam ta, giọng lên giọng xuống có đến tám âm.
Số báo ấy vừa ra, liền có một ông viết thơ đến hỏi chúng tôi về câu ấy. Ông trách chúng tôi nói không rõ ràng, biểu chúng tôi phải khai ra tám âm là những âm gì. Song trong thơ ông có dùng mấy lời không được nhã, như có ý dọa chúng tôi, bởi vậy xin miễn đăng bức thơ ấy và cũng dấu luôn quý danh của ông đi.
Trước khi đối với ông mà nhận cái lỗi sơ lược của chúng tôi, chúng tôi có mấy lời biện bạch đã.
Vì nghĩ rằng tờ báo không phải là cuốn sách giáo khoa dạy tiểu học, những cái tri thức thông thường đành phải bỏ qua đi; huống chi mình sanh trong nước mình thì cái tiếng của nước mình V tiếng mẹ đẻ phàm người nào biết đọc biết viết phải hiểu qua cái đại khái của nó mới được, cho nên chúng tôi nói lược qua mà không nói rõ là tại đó. Nói tắt mà nghe, chúng tôi không nói rõ là vì tưởng ông đã hiểu rồi. Mà sự chúng tôi tưởng đó không phải là tưởng lầm, ông đã là người An Nam thì lẽ tự nhiên buộc ông phải hiểu những điều đó.
Nay ông lại trách chúng tôi thì chúng tôi cũng chịu lỗi đi cho qua việc. Và xin vui lòng giãi bày câu đó cho rõ ra.
Trong câu đó, chúng tôi dùng chữ "âm" không được đúng, dùng chữ "thanh" đúng hơn; vậy xin sửa lại là: Tiếng An Nam ta, giọng lên giọng xuống có đến tám thanh.
Nghĩa nó như vầy:
Trong tiếng Việt Nam ta chia ra hai hệ. Một hệ có sáu thanh, nghĩa là phát âm đồng một cách thế mà giọng lên giọng xuống thành ra sáu thanh. Một hệ có tám thanh, nghĩa là phát âm đồng một cách thế mà giọng lên giọng xuống thành ra tám thanh. Song lấy số nhiều mà nói, nên chỉ nói tám thanh mà không nói đến cái hệ sáu thanh.
Cái hệ sáu thanh như thế nào?
Như tiếng "ba", là thuộc về hệ sáu thanh. Vì trong khi phát âm ra tiếng "ba" rồi mà muốn để y kiểu miệng ấy phát âm luôn mấy tiếng nữa, chỉ lên xuống giọng mà thôi, thì được năm tiếng nữa, là:
bả, bá, bạ, bả, bã; như vậy, cộng với "ba" nữa là sáu.
Còn cái hệ tám thanh như thế nào?
Như tiếng "bông" là thuộc về hệ tám thanh. Vì trong khi phát âm ra tiếng "bông" rồi, mà muốn để y kiểu miệng ấy phát âm luôn mấy tiếng nữa, chỉ lên xuống giọng mà thôi, thì được bảy thanh nữa là:
bồng, bống, bộng, bổng, bỗng, bốc, bộc: như vậy, cộng với "bông" nữa là tám.
[3]
Cái đó là luật tự nhiên của tiếng Việt Nam, không phải chúng tôi đặt ra mà cũng không phải ai đặt ra hết. Như ông còn muốn tra gạn cho đến nơi thì chúng tôi phải nói bậy là: Trời đặt!
Do cái luật tự nhiên ấy mà các ông đời xưa đặt ra vần Quốc ngữ có thứ tự lắm, có phương pháp lắm.
Phàm những tiếng thuộc về sáu thanh thì chỉ ở trong vần xuôi mà thôi: không những thanh "
e" mà
e,
ê,
i,
o,
ô,
ơ,
u,
ư cũng vậy. Vì trong chín thanh đó, mỗi một thanh đều có thể chuyển lên chuyển xuống thành ra năm thanh nữa.
Còn, phàm những tiếng thuộc về hệ tám thanh thì chứa trong vần ngược, hoặc vần ngược với vần xuôi ráp lại. Mà vần ngược lại chia làm hai tua: một tua bình, một tua trắc.
Tua bình với tua trắc trong vần ngược đều song song đối nhau, chỉ trừ ra có mấy vần
oa,
ui,
uy,
uê để bổ khuyết cho vần xuôi thì không có đối. Như
an, đối với
at,
ang đối với
ac,
uyên đối với
uyết,
iêng đối với
iêc v.v...
Tua bình với tua trắc, mỗi hai cái đối nhau thì hiệp thành tám thanh. Như tiếng
bông nói trên kia, lấy
bờ ráp với
ông là bình, thì chỉ được sáu thanh thôi, nên phải ráp với
ốc là trắc, cho được hai thanh nữa mới đủ tám. Như vầy:
Bô-ông:
bông,
bồng,
bống,
bộng,
bổng,
bỗng + Bô-ôc:
bốc,
bộc = 8 thanh
Cắt nghĩa như vậy chắc đã rõ ràng lắm. Bây giờ nếu có ai hỏi: tại làm sao mà đời xưa lại đặt vần ngược của Quốc ngữ có hai tua bình và tua trắc ra làm chi? thì mình trả lời dễ lắm, mình nói rằng: tại tiếng Việt Nam chúng tôi giọng lên giọng xuống có đến tám thanh.
Nếu ông còn muốn hỏi sao gọi là bình? Sao lại gọi là trắc? Chúng tôi cũng trả lời luôn: như
an,
ăn,
ân, là bình;
át,
ắt,
ất là trắc.
Trên kia chúng tôi có nói: Trong câu đó dùng chữ
thanh đúng hơn chữ
âm, cũng xin cắt nghĩa luôn cho ông rõ.
Theo âm ngữ học thì tiếng nào có nghĩa mới gọi là âm, còn tiếng nào mộc mạc chưa có nghĩa thì gọi là thanh. Mà những tiếng chúng tôi cử ra đó đều là mộc mạc, không có nghĩa gì cả.
Trên đó là xong chuyện trả lời cho ông rồi. Nhân đó chúng tôi còn muốn nói thêm ít lời về chữ Quốc ngữ.
Cứ như những điều nói trên kia, thì cái luật tự nhiên của tiếng Việt Nam ta là như vậy. Cái luật ấy không thể giảm bỏ đi được, dầu ông chi bà chi có quyền phép cao cả đến bậc nào cũng mặc.
Thế mà có người muốn nhập
an với
ang làm một,
ác với
at làm một, dấu ngã với dấu hỏi làm một, thì thật là coi trời như lá mà! Trong khi muốn vun trồng bồi bổ cho tiếng mẹ đẻ, mà lại toan làm như vậy để cho tiện sự dốt nát lười biếng của mình thì còn vun trồng cái gì? Bồi bổ cóc khô! Chúng tôi nói thiệt: ông nào muốn làm như vậy là toan cắt họng tiếng Việt Nam, chúng tôi quyết không chịu!
Nếu có ai hỏi: Vậy thì làm sao trên tờ báo
Thần chung không thấy phân biệt hỏi với ngã? Xin trả lời rằng: vì thuở nay các hộc chữ để lộn xộn, và thợ sắp chữ cũng chưa quen phân biệt, nên phải để tạm đó thôi; chớ sau nầy bề nào cũng phải sửa lại cho đúng.
Thần chung, Sài Gòn, số 118 (11.6.1929)
[1]voyelle (tiếng Pháp): nguyên âm (tất cả các chú thích trong bài đều của người biên soạn)
[2]tám âm: ý nói 8 thanh điệu (quan niệm phổ biến ngày nay về ngữ âm học cho rằng tiếng Việt có 6 thanh điệu).
[3]Để tránh phức tạp, quan niệm ngày nay tách dạng “bốc/bộc” (khỏi “bông/bồng...”) xem như một âm tiết khác, loại âm tiết đó chỉ có thể có tối đa 2 thanh điệu (sắc, nặng).