© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
22.7.2008
Tam Ích
Ý văn 1
 1   2   3   4   5   6 
 
Bể dâu
(Bi kịch ba màn)

Ý

1.

Nghệ thuật sân khấu cổ kim có những trường hợp đáng cho thiên hạ suy nghĩ. Chẳng hạn như Quan Công ra sân khấu một mình, xưng danh rồi độc thoại: "Như ta đây, Quan Vân Trường…" thế này… thế kia… Có người sẽ nói rằng đó là hát bộ, hát tuồng, hát chèo – là xưa, là cũ lắm!

2.

Nhưng "văn học màn nhung"(littérature dramatique) cận hiện đại ở Âu Mỹ lại có Bertolt Brecht: Brecht cho một nhân vật ra sân khấu để xưng danh, độc thoại, kể lể… Người Âu Mỹ coi kịch Brecth thì cho Brecht là có nhiều chất sáng tạo, là ngộ nghĩnh lắm. Nhưng người Á đông coi kịch Brecht lại nói: Tưởng là gì! Mà không biết rằng Brecht đã say mê nghệ thuật sân khấu Á Đông và đã chịu ảnh hưởng…

3.

Hiện nay, kịch gia, văn thi gia Pháp, Anh, Đức… - kể cả Albert Camus – khi phỏng tiểu thuyết của Dostoievski chẳng hạn thành kịch, lại cũng cho một nhân vật ra sân khấu và kể lể thế này, kể lể thế kia… dưới đèn phóng quang, trước khi màn Một mở, hay sau khi màn cuối cùng hạ…

4.

Thực ra thì tất cả những trường hợp kỹ thuật ấy chẳng phải là một chuyện xưa, cũ, hay hủ lậu… mà cũng chẳng phải là một sự sáng tạo độc đáo hay thần tình gì: quá trình trưởng thành và liên tục của kịch nghệ của cả loài người – Đông Tây kim cổ – chỉ là một quá trình ăn dâu nhả tơ của nhà văn nghệ, bất kỳ ở phương diện nào. Đôi khi, người ta cứ tưởng là lạ lắm… sự thực là người ngàn đời sau hay nợ người ngàn đời trước: thời cổ Hy lạp, Eschyle, Sophocle, Euripide, v.v. đã xưng danh, đã độc thoại, đã kể lể rồi…!

5.

Ngày nay, nếu Brecht hay Camus… có phỏng theo người đời trước cũng chẳng phải là chuyện lạ – trừ hẳn Pirandello với Six personnages en quête d’auteur và tín đồ của chủ thuyết pirandellisme chẳng hạn…

6.

Ngày nay, chúng tôi là kẻ hậu sinh, rất xa, xa lắm, dù cho có dựng kịch cách thế này hay cách thế kia… cũng chẳng phải là chuyện bày đặt – mà chỉ là chuyện nợ cổ nhân. Chỉ có vấn đề khéo hay không khéo. Nếu không khéo, ấy là tại mình thiếu thẩm quyền, - chỉ mong được hưởng lòng khoan dung của bạn đọc.

Nhân vật:
QUANG:
Thiếu tá, sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa
THU:
Vợ Quang (vợ sau, vì Quang đã có một lần vợ)
TUỆ KHÔNG:
Đại đức nhà Phật, Trung úy Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa
LINH:
Vợ trước của Quang. Vợ chồng xa nhau từ ngày di cư ở Hà Nội. Sau này coi như xa nhau hẳn.


Có những nhân vật phụ như Tưởng, Bê… là con của Quang và Linh (người vợ trước của Quang) mà Thu thương và coi như con đẻ – còn hơn con đẻ nữa! Và một Thượng sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, một bác sĩ quân y…

Không gian: Một địa điểm nào đó trong thành phố Sài Gòn
Thời gian: Có thể là từ năm 1960 đến năm 1965, một điểm thời gian nào đó

Màn một

Sân khấu tối
Đèn phóng quang chiếu riêng vào

THU:
(Mặt đẹp, da mịn, mũi dọc dừa, mắt nhung – không phải một thứ đẹp của thời thượng – đẹp một vẻ đẹp đài các đượm hương vị phong trần của một người đàn bà tỏ vẻ bằng lòng cái tương đối của đời sống – không đòi hỏi… Mặc jean đen, chemise dài tay, đi chợ trưa về, tay trái cầm xắc đen, tay phải xách giỏ lớn có một con gà vươn cổ ra ngoài kêu túc túc…)

Thưa quý bà quý ông,

Tên tôi là Nguyễn Kim Thu, nhưng không ai biết tên thật, chỉ gọi tôi là bà Thiếu tá Quang, vì chồng tôi là Thiếu tá Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hai cháu nhỏ lát nữa sẽ… trình diện – mà tôi coi như con, còn hơn con đẻ nữa là khác – là Tưởng và Bê. Tôi nói vậy vì trước kia chồng tôi đã một lần lập gia đình ở Hà Nội. Hai cháu đó là con người vợ trước, riêng tôi không sanh nở một lần nào.

Gia đình chúng tôi còn có một người nữa là em trai chồng tôi: Đại đức Trung úy Tuyên úy Tuệ Không. Chú Tuệ Không cứ hai ngày lại về với anh chị – là chúng tôi – rồi lại trở về đơn vị hay về chùa. Nói rằng về với chúng tôi, nhưng thực ra là về với hai cháu thì đúng hơn. Ba chú cháu không bao giờ rời xa nhau. Tôi hỏi tại sao chú thương trẻ con thì chú trả lời rằng người lớn nhiều chuyện lắm – chuyện càng nhiều nghiệp càng dày và đời càng nhiều người lớn thì nghiệp nhân sinh càng chồng thêm, và nghiệp cũng như bệnh truyền nhiễm, hay lây. Tuy nhiên, Đại đức Tuệ Không trọng tinh thần tự do của hai cháu, không hề nói chuyện nhà Phật với trẻ con bao giờ. Đại đức thường dẫn hai cháu đi xem chớp bóng – cho nên chẳng bao giờ em chồng tôi còn tiền túi, tôi cứ phải bỏ tiền vào túi chú ấy: sớm bỏ chiều đã hết. Các cháu đòi chú đủ thứ, đòi gì có nấy, cho đến đỗi các cháu của chú tưởng Sài Gòn là hoa lệ là của riêng chú Tuệ Không. Mà cũng thật: chú thường nói nếu chú có tiền như… Mỹ thì chú mua cả Sài Gòn hoa lệ bỏ vào túi, lủng lẳng cho các cháu chơi… Chẳng hiểu chú nói vậy là có ý gì – nói xong rồi thì chú cười ha hả như cổ nhân.

Tôi cần phải nói ngay rằng tôi biết một chuyện mà hai anh em – là chồng tôi và em là Tuệ Không – tưởng tôi không biết: một chuyện tình cảm, cảm động và cao quý trong đó hai anh em đóng hai vai chính, và vai chính thứ ba là bà Linh – lát nữa quý bà quý ông sẽ gặp. Số là ngày xưa khi còn ở Hà Nội, hai anh em yêu một người đàn bà đẹp… Ố mà thôi, quý bà quý ông sẽ biết, tôi bép xép sớm quá… Sau này hai anh em gặp nhau tại Sài Gòn thì chú Tuệ đã là Đại Đức Tuyên úy Tuệ Không. Từ đó chúng tôi năm người không bao giờ xa nhau nữa.

À, tôi phải thêm một vài chi tiết: chúng tôi sống với nhau có hạnh phúc lắm. Nhưng riêng tôi, tôi không hiểu là mình sung sướng hay không: sống bên một người chồng ít nói, thường đăm đăm và làm việc gì cũng như làm tính nhân với bản cửu chương… và cho mỗi chuyện nhân sinh là một phương trình đại số có một ẩn số hai ẩn số – une équation à un inconnu à deux inconnus…; và một người em chồng lại là một nhà tu hành… vẻ mặt bình lặng thản nhiên tưởng như ngoài không có đời sống mà trong cũng chẳng có lòng người… - tôi muốn nói lòng ái, ố, dục… Nhà Phật họ lạ lạ vậy đấy… Chỉ khi nào các cháu nô đùa ầm ĩ tôi mới thấy có đời sống thật!

Tuy nhiên chúng tôi thương nhau lắm, tưởng chừng như nếu thiếu đi một người thì những người còn lại mất nhiều lắm – mất gần hết. À, mà kia kìa, Đại Đức Tuệ Không đã tới kia!





Sân khấu sáng lên

Đại đức Trung úy Tuyên úy Tuệ Không đi vào. Cảnh phòng khách nhà Thiếu tá Quang trang trí sang trọng đơn giản: trên bàn cao, một tủ kính trong có một tượng Phật nhỏ, ai vô tình không thấy. Bên cạnh, một cây bạch lạp cao ngang tầm đầu Phật Tổ. Trên cao: một bức tranh trừu tượng – hình dung một đầm sen và hình một cây dương cầm. Quang thường nói là để cho đàn vang âm thanh mùi hoa sen: cho rằng hương vị mà có nhạc tính nữa thì dễ đi vào lòng người… Bộ bàn ghế màu xanh da trời xám sáng – sau là một divan màu tím ngát. Quang giấu ánh đèn néon sau hai cây cột cao áp bờ tường bên trên hình búp sen: mỗi khi bật đèn, lòng người ấm lên… Nếu có ai hỏi, anh nói là anh trang trí cho em – không phải cho riêng anh, vì anh thương em lắm. Bên giá vẽ – anh còn là họa sĩ – trên một cái đôn gụ cao và mảnh dẻ, có một cái cối trầu của bà già: đó là di vật của mẹ chàng. Chàng lâu lâu mới giận một lần nhưng hễ vợ nói: "Em đã chùi cái cối của mẹ" là anh hết giận – vì vậy cái cối ấy là một thứ lợi khí của mẹ chàng trốn những cơn thịnh nộ của nhà binh quen tính nhà binh…

Cuối phòng là một bức tranh Nhật Bản chiếm nửa bờ tường, hình dung một đám cỏ lớn, một bờ suối cao xanh xanh và một dòng nước dài: chàng nói đó là thánh đường của thị giác…

Nghe chàng ăn nói cầu kỳ, vợ chàng cười, chàng cười theo rồi nếu Đại Đức Tuệ Không có đó, Đại Đức cũng cười theo… Cũng cuối phòng, có cửa qua bếp; đôi khi chàng đi qua bếp và nói rằng chàng xuống thánh đường của vị giác… Rồi hai anh em lại cười: vợ chàng nói rằng cười như vậy là vô duyên. Thiếu tá Quang trả lời rằng: chỉ có đàn bà là có duyên…

TUỆ KHÔNG:
Thưa chị.


THU:
Chú! Ủa, giờ này mà chú lại… Chú dùng cơm chưa? Này, hôm nay chị không mua đồ chay, vì chị không biết là có chú lại! Mà sao nắng nôi thế mà chú cũng đi? Lại chơi hay có chuyện gì? (Gọi lớn) Tưởng, Bê đâu, chú lại kìa! (Hai đứa nhỏ chạy ra vây lấy Tuệ Không, nói líu lo – chẳng ai hiểu nói gì vì hai đứa nói cùng một lúc).


TUỆ KHÔNG:
Thưa chị, em ăn cơm rồi. Chị khỏi lo. Ảnh về chưa?


THU:
Mà cũng lạ. Sao hôm nay ảnh về trễ thế chứ! (Nhìn đồng hồ đeo tay) Hai giờ thiếu mười! Ố, mà hẳn lại chuyện nhà binh: các ổng có giờ có khắc gì đâu! Ông nào ông nấy mất cả ý thức về thời gian: vụt đi, vụt về… Đại đức muốn gặp ảnh?


TUỆ KHÔNG:
Thưa chị, không.


THU:
Thế chú chơi với các cháu. Ảnh về bây giờ đấy. Nếu biết chú lại, tôi đã mua đồ chay. Ai lại trước mắt nhà Phật mà có một con gà chình ình ra thế này này!


TUỆ KHÔNG:
Hơi đâu mà chị băn khoăn! Ai có đời sống nấy… Chị sợ sát sanh à? Ờ, cái loài người này… chưa ai được phép sung sướng đâu chị ơi! Thiên hạ vẫn có… quyền khổ ít lâu nữa – một ngàn thu nữa! (Cười).


THU:
(Nhìn hai con) Chuyện gì thì chẳng biết, chỉ biết chiều hôm nay là chú toi một trăm bạc với hai cháu chú rồi đấy! Chú có tiền không, chị cho. (Móc tiền ra. Âu yếm). Này, bốn trăm. Xài hai. Dành hai. Đừng dốc ra hết cho cháu chắt rồi lại báo tôi, nghe, Đại đức!


TUỆ KHÔNG:
(Nhìn ra cửa) Em lại thăm anh chị. Thăm anh Quang thì đúng hơn. Hôm nay, em bỗng thấy hơi băn khoăn: có một cái gì lạ lạ trong tâm tư…


THU:
Cái gì len vào tâm tư? Nó thế nào, nó ra sao? (Cười). Chất gì? Chất có dung tích đo được hay chất tâm lý trừu tượng…(Lại cười). Nói chuyện với mấy ông như sống trong một cõi mù mù… nào ấy, đàn bà chúng tôi theo không kịp.


TUỆ KHÔNG:
(Cũng cười) Vâng, một chất gì chỉ có linh tính là đón được – cũng như máy thâu thanh đón sóng điện. (Lại nhìn ra cửa) Ờ, mà kia kìa, ảnh về đến rồi đó…



(Thiếu tá Quang đi ở ngoài vào. Thong thả đi thẳng vào phòng khách rồi lại đi thẳng vào phòng ngủ – như không thấy có ai vậy. Đi thẳng vào phòng ngủ, đến cửa phòng ngủ mới ngoảnh lại, nhìn vợ và em).

QUANG:
Ờ, mình! Con đâu! Ờ, chú: Đại đức Trung úy Tuyên úy Tuệ Không…

(Nói rồi lại định quay đi, cũng chẳng hiểu là đi vào phòng ngủ hay vào bếp hay đi đâu…)

TUỆ KHÔNG:
Nào Đại đức, nào Trung úy, nào Tuyên úy, nào Tuệ Không. Còn tên mẹ đặt và tên khai sinh trong làng trong xóm, sao anh không kể luôn ra? Mà sao anh về trễ thế? Ủa, hình như anh có chuyện gì suy nghĩ dữ lắm?


THU:
(Cướp lời) Đúng rồi! Nét mặt ảnh thế kia! Chắc lại chuyện nhà binh (nhìn thẳng vào mặt chồng). Mà cho là có chuyện nhà binh… (nói với Tuệ Không) chị cũng chưa từng thấy anh đăm đăm… và nhợt nhạt như người mất trí thế kia! Chắc chẳng phải chuyện Tôn Tẫn Bàng quyên…


TUỆ KHÔNG:
Tôn Tẫn?


THU:
Ấy, chuyện nhà binh của ảnh, ảnh gọi nó là chuyện Tôn Tẫn Bàng quyên…


TUỆ KHÔNG:
(với Quang) Chuyện gì vậy anh?


QUANG:
Không! Không! Có chuyện gì đâu! (Có vẻ lúng túng). Ờ thì chuyện… Cũng chẳng có chuyện gì… (Ngồi xuống ghế, duỗi chân, nhìn ra ngoài trời, không chớp mắt. Lấy bàn tay xoa mặt – có vẻ mệt mỏi khổ sở. Lau mồ hôi trán- trán không có mồ hôi…)


THU:
(nói với Tuệ Không) Hẳn là có chuyện gì chú ạ. Ảnh có bao giờ mất bình tĩnh thế kia đâu! Ảnh thường nói làm việc nhà binh cũng như học bản cửu chương – thuộc bản cửu chương rồi cứ làm tính nhân… là đủ.


TUỆ KHÔNG:
Chị cứ để ảnh nghỉ một lát, lấy lại bình tĩnh… đã…


THU:
… Còn chuyện đời thì ảnh cho là một ngàn lẻ một bài toán đại số có phương trình… Một phương trình đại số có một ẩn số hai ẩn số. Tìm không ra đáp số thì để mọi việc… đó cho cái ông cao vun vút ngồi trên cõi cao xanh xanh ổng giải quyết giùm cho. Kết quả của thái độ ấy là ảnh đâm ra lầm lầm lì lì – lầm lì đến cái mức chị chịu cũng không nổi! Một hôm ảnh nói: làm nhà binh trong thời khói lửa là mỗi ngày mỗi tiếp xúc với xác chết, với đau thương, với oán hờn… Nếu không lầm lì thì một ngày kia sẽ đứt gân máu… Lầm lì quá rồi ảnh biến thành thản nhiên và dửng dưng! Chị cứ hỏi tại sao lại là chú đi tu mà không phải ảnh… Hôm nay, mặt mũi ảnh thế kia, (vẫn thấy Quang không nhúc nhích) hẳn là có chuyện gì quan trọng!


TUỆ KHÔNG:
Phải. (Thấy Quang ôm đầu). Em cũng biết. Ảnh thường nói là chuyện ai nấy giải quyết… Đấy, chị thấy không, chị em mình nói chuyện mà hình như ảnh không nghe gì cả!


THU:
(với chồng) Chuyện gì thế anh? Anh cứ nói ra, coi em và chú Tuệ Không có thể giúp anh được gì không.


QUANG:
(thong thả) Thực ra thì…


TUỆ KHÔNG:
Thực ra thì sao?


QUANG:
Thu.


THU:
Dạ.


QUANG:
(nói có vẻ mệt nhọc) Thu cho anh nói chuyện riêng với Đại đức Tuệ Không một lát nhé!


THU:
Anh Quang và chú Tuệ Không! Tính cả hai con chúng ta – và là cháu chú Tuệ Không – là năm người: năm cơ thể nhỏ nhưng là một cơ thể lớn suy nghĩ và thương yêu bằng một khối gồm có năm tâm hồn. Chuyện của một người là chuyện của cả năm người. (Âu yếm). Chuyện gì cũng là chuyện chung… Xin anh cứ nói trước mặt em. Em xin tham dự – em đòi cái quyền tham dự. Kể cả là chuyện đáng chết của anh, em cũng xin dự một phần… Lòng em vậy. Anh và chú đừng phụ.


TUỆ KHÔNG:
Chị Thu nói đúng!


QUANG:
(buông thõng rất mau) Linh bị bắt! Bị thương nặng lắm. Bị bắt – khó sống…


THU:
Linh bị bắt! Mà (ngơ ngác) Linh nào?


TUỆ KHÔNG:
(cũng ngơ ngác) Bạn anh à? Từ thuở, em có thấy anh Quang nói đến một người bạn nào của anh là Linh? Sài Gòn đâu!... Bị bắt? Thì bị bắt… Mà bị bắt về chuyện gì? Lại chính trị? Thời buổi này, người bắt người cũng như tất cả mọi chuyện thông thường nhất trong đời sống: (hài hước) chỉ có khác là trước khi bắt người, người ta đọc diễn văn, sau khi bắt người, người ta đọc thêm diễn văn… để nâng cao con người lên thành người thần thoại. Nhưng con người vẫn bị bắt! Ngày nay "hơn" ngày xưa lắm lắm: không phải mỗi lần bắt người, người ta lại phải dở văn phạm ra để tham khảo! Anh Quang, anh ngạc nhiên lắm sao? Người ta bắt một con vi trùng còn nhẹ tay nhẹ chân hơn nhiều – còn trịnh trọng hơn nhiều, thưa Thiếu tá! (Tuệ Không thong thả nói, mơ màng nói, nói như mình nói với chính mình – bỗng giật mình bắn lên!) Linh? Chị Linh?


QUANG:
Linh. Đúng. Chị Linh xưa kia của chú Tuệ Không. Mẹ của Tưởng và Bê.


THU và TUỆ KHÔNG:
(cùng nói lanh) Bả ở Hà Nội kia mà!


QUANG:
Bộ Hà Nội thì xa lắm sao?


THU:
Chẳng xa mà cũng như xa lắm!


QUANG:
Thu và chú yên lặng nghe anh kể…

(Thu ngả lưng ra ghế. Tuệ Không loay hoay trên ghế, nóng ruột, không biết nên nằm dựa ra hay ngồi, chắp tay kiểu nhà Phật, nhìn ra xa, mở miệng rồi không nói được nữa… miệng vẫn mở).

QUANG:
Trong một cuộc hành quân, quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắt được một số Việt minh – trong đó có ba cán bộ cao cấp hành chính và một người đàn bà bị thương nặng lắm. Chẳng biết bị thứ đạn gì bắn mà Linh – Linh, Linh, chính là Linh – bị gãy một chân, mù một mắt, mặt bị xám cháy đi một nửa.



Cung lấy rồi: Thiếu tá Lợi lấy cung. Bốn người khai ăn khớp với nhau. Ba người Việt minh kia sẽ ra tòa… Còn Linh chưa thành vấn đề gì hẳn hoi… Linh là một cựu nữ sinh viên trường Luật Hà Nội, làm giáo sư văn chương ở một trường nữ trung học Hà Đông, vào rừng núi Nam Kỳ bằng đường Chùa Tháp. Linh đương ở vào thời kỳ làm quen với mọi người mọi việc – họ chưa giao công tác gì rõ ràng. Sau ba tháng, Linh đi theo một trung đoàn ra trận…


THU:
(Nhìn Tuệ Không, thấy Tuệ Không dựa vào ghế, nét mặt mất hết sự thản nhiên thường ngày) Rồi sao gặp được anh?


QUANG:
Tình cờ Thiếu tá Lợi kể chuyện Trần Thị Linh, khen là một phụ nữ nói tiếng Pháp rất giỏi. Anh bỗng giật mình và có linh tính… Anh qua phòng giam: đúng là Linh. Anh nhận không ra, vì Linh bị thương nặng quá. Mặt đã biến diện. Sốt nặng: 42 độ! Khó sống!


THU:
Chị Linh nhận ra anh?


QUANG:
Anh gọi. Linh mở mắt. Linh mở mắt lần lần, nhìn anh trừng trừng. Rồi kêu tên anh: Quang! Rồi khóc nức nở… Rồi nói: "Chứ anh tới gặp em làm gì nữa?". (Nhìn Tuệ Không). Chú!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật!


QUANG:
Em nhớ Linh chứ?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
Linh ráng hỏi một câu: "Tuệ đâu?" rồi thiếp đi. Anh nói cho Linh biết là Tuệ ở Sài Gòn – và thế này – và thế nọ. Bỗng Linh kêu: "Em muốn đi tu! Trễ quá, trễ quá, trời ơi!". Rồi thôi, Linh im bặt hẳn…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
Nước mắt đầm đìa cả cái mặt bị thương! (Kêu lớn) Trời đất ơi là trời đất!


TUỆ KHÔNG:
(Bỗng ráng đứng dậy, lại divan, dựa) A di đà Phật.


QUANG:
Chú sao vậy? Chú mệt lắm à? Thu lấy cho chú một ly nước lạnh.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
Đại đức Tuệ Không giúp anh một việc: ghé thăm Linh. Anh bây giờ không biết nghĩ gì, nói gì, làm gì – không thể quyết định được một việc gì cả. Thu!


THU:
Dạ.


QUANG:
Không, không… Anh không cần Thu làm gì cả! À, mà đừng cho hai con biết. (Nhìn Tuệ Không thấy sắc mặt Tuệ Không nhợt dần). Ơ kia, chú đương làm sao thế kia? Chết! Cả ba người cùng mệt cả rồi thì còn làm gì được bây giờ! Làm sao đây! Trời đất! Có những lúc không ai làm gì được cho ai, cũng như không ai làm gì được cho chính mình… Làm sao, làm gì bây giờ? Có ai giúp tôi? (Nói rất thong thả). Ờ, đúng! Một thứ toán đại số có phương trình: một ẩn số, hai ẩn số – une équation à un à deux inconnus. Mình hay nói đùa vậy mà đúng! (Nói với em) Tuệ Không!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
(Bỗng hơi khó chịu. Nản – nản hết! Bực mình – bực mình vì mình và tất cả mọi người. Nói thong thả từng tiếng một) Cứ mỗi khi gặp một tình thế không có lối ra thì chú niệm A di đà Phật à?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
(Đứng dậy, ra dựa vào bàn, nhìn thẳng trước mặt – nhìn mà không thấy gì hết). Lại A di đà Phật! Hừ, A di đà Phật! A di đà Phật! (Lần lần nổi giận: giận chính mình. Cảm thấy cái bất lực của con người – lôi kéo đến mặc cảm bất lực của tất cả và tất cả… Nói như nói với chính mình – không cần ai nghe…) Sao cái ông Tất Đạt Đa vạn năng của chú không giúp anh, giúp chị – giúp cả chú, chú, chú, chú, lúc này đi… Giúp cả mẹ hai cháu của chú lúc này đi… (Bỗng giận lắm) Té ra chú đi tu… A di đà Phật! A di đà Phật!


TUỆ KHÔNG:
(Ráng ngồi dậy, lại ghế ngồi, đăm đăm. Nói thong thả, giọng ấm - đượm đau thương). Thưa anh, Tất Đạt Đa không hề làm bà tiên có cái hồ lô và cái phất trần, mà cũng chưa từng làm thầy phù thủy bắt một cái quyết là âm binh ào ào kéo tới để đi bốn phương. À, mà anh nói giúp là giúp cái gì, giúp ai làm gì – làm gì?


QUANG:
Chú! Đây có năm người. Bỏ đi hai đứa trẻ, còn lại ba người. Thêm vào đó con người kia gần đất xa trời và máu me đầy người. Nếu có sống, người ấy cũng tàn tật. Từng ấy người tìm lối ra khỏi một tình thế… Giúp là giúp… Chú tu hành bao nhiêu năm, tụng một vạn bài kinh… một vạn bài kệ để… để… tự mình hãy giúp mình… Mặt chú mệt mỏi thế kia…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật! Thiên hạ đi vào đời sống như đi tản cư: con ai nấy mang, đồ ai nấy gánh, chọn hướng mà theo… Nhìn vào gương, mỗi người soi mặt mình: đã có ai soi vào gương mà thấy mặt người khác chưa? Nghiệp ai nấy báo, nhân nào quả nấy, nợ ai nấy trả – phải không anh? Thái tử Tất Đạt Đa đã làm một việc để giúp chúng sinh. Nhưng em làm sao để giúp anh – để giúp chính mình? Hai ba ngàn năm nay, chúng sinh cắp sách đến trường học một bài học: từ thuở xa xôi ấy, không ai thuộc bài của người, mà cũng chẳng thuộc bài của mình.


QUANG:
(Lại gắt. Sẵn trớn gắt) Anh thử coi chú tu hành bao nhiêu năm để rước cái phần thưởng… cái mặt xanh ra thế kia…


(bị mất trang từ tr. 287 đến 290) [1]

TUỆ KHÔNG:
Thượng sĩ làm ơn mời giùm Trung úy Bác sĩ Lương cho tôi.


(Thượng sĩ Hai ra, rồi cùng vào với bác sĩ Lương).

BÁC SĨ LƯƠNG:
Chào Trung úy Tuyên úy.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Tôi muốn nhờ bác sĩ một việc.


BÁC SĨ LƯƠNG:
Sẵn lòng.


TUỆ KHÔNG:
Bác sĩ làm cách nào kiếm cho hai ống Orthédrine và hai ống Eubine và trộn rồi chích giùm cho bà Trần Thị Linh là nữ cán bộ Việt minh vừa mới bị bắt, hiện nằm mê bên phòng giam của bệnh viện quân y. Xin bác sĩ coi đó như một ơn riêng. Đa tạ. (Ngoảnh lại nói với Thượng sĩ Hai). Rồi Thượng sĩ làm ơn cho bệnh nhân uống một ly cà phê lớn và đặc. Rồi dẫn qua đây cho tôi.


(Hai người: Bác sĩ Lương và Thượng sĩ Hai ra. Mười lăm phút sau, Thượng sĩ Hai dẫn Linh vào, dìu đặt ngồi lên ghế).

TUỆ KHÔNG:
(Nói với Thượng sĩ Hai) Tôi ghi lời nguyện riêng của Phật tử Trần Thị Linh – theo lời yêu cầu. Tôi không tiếp ai khác. A di đà Phật.


THƯỢNG SĨ HAI:
Dạ. (Rồi ra).


TUỆ KHÔNG:
Ai di đà Phật. Linh! Linh!


LINH:
(Đương cúi mặt xuống. Nghĩ ngợi. Nhìn vào một xó tối trong phòng. Im lặng. Không cử động. Thỉnh thoảng nhăn mặt vì đau… Vẫn không ngửng đầu)…

Chúng tôi mong ông lễ độ với một người đàn bà – dù đó là một sự mà quý ông cho là có tội đối với quý ông mà thôi. Tôi là bà Nguyễn Đình Quang – Thiếu tá Nguyễn Đình Quang.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Người ngồi trước Linh…


LINH:
(Hơi giật mình. Giật mình. Ngửng đầu lên, nhìn đăm đăm mặt Tuệ Không)…

Tuệ? Đại đức Tuyên úy Tuệ Không? Anh Quang có nói…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật, Linh nói thong thả vậy. Thuốc tiêm có tác dụng trong hai ba giờ.


LINH:
Tuệ! (Rồi ôm mặt khóc. Khóc nức nở).


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
(Ngưng khóc. Bỗng cảm thấy mạnh lên một chút – có lẽ vì thuốc tác dụng mạnh, hay mạnh vì một lý do tâm lý nào đó. Có lẽ nhờ kỷ niệm vụt hiện ra)…

Phải, tôi là vợ Quang, mẹ của hai cháu Tưởng và Bê. Tuệ là em anh Quang. Tuệ "dạ" chị là phải! Như thế đúng với ngôi thứ. Đúng. (Nhếch miệng – chẳng hiểu là nên trịnh trọng hay chua chát) Tuệ ạ, xin nói ngay là tôi cầu nguyện làm ngay hai việc mà chắc là không được: hoặc được chết ngay, hay vạn nhất nếu còn sống – còn sống, còn sống nữa kia à – thì được đi tu – như Tuệ tu vậy. Nhưng tu làm gì nhỉ? Hình ảnh cô Trần Thị Linh xưa… Có trời không Tuệ? Có trời không Đại đức? Nếu sống, nếu sống…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật, Linh nói chuyện sống chết làm gì? Sao lại cứ phải nói chuyện sống chết? Linh sẽ sống – sống. Mà có chết: đổi một chuyến xe, sang xe khác…


LINH:
À ra thế. Chết là đổi xe – hẳn là đổi xe hàng Thủ Đức để đi máy bay phản lực (cười một tiếng nhỏ). Đến lúc muốn nói đùa một câu mà cũng vô duyên không làm cho ai cười, thì đủ biết tôi không còn chỗ ngồi giữa nhân sinh này nữa rồi! (Chua chát). À, ra thế, thế ra có cả sự sống nữa kia đấy! Những nhà tiểu thuyết hay ca tụng sự sống lắm – bây giờ đến lượt nhà tu hành… Sự sống nó ra sao hở Tuệ?


TUỆ KHÔNG:
Phải. Linh khinh sự sống là phải! Ở cảnh ngộ Linh…


LINH:
Té ra khinh sự sống hay trọng sự sống là còn tùy cảnh ngộ! Thế ở cảnh ngộ nhà tu hành thì nên khinh hay nên trọng sự sống?


TUỆ KHÔNG:
Tuệ biết là bây giờ Linh chua chát với đời sống lắm…


LINH:
Chua chát! Chua chát hay không chua chát thì cũng chỉ có vậy: đời sống là một phiên chợ họp sớm quá, tan trễ quá – mỗi người đeo một cặp kính màu để mặc cả với nhân sinh rồi biến chuyện buôn bán thành một sòng bạc: ngày xưa, có ai ngờ Tuệ bỏ Linh đi tìm áo cà sa… À, ra anh chàng bỏ một tiếng bạc lớn: để sự ăn thua cho thiên hạ rồi đi… ờ ờ, tan sòng, cho đến sáng, ai nấy đứng dậy ra về – mọi người đều qua một đêm trắng, người thắng cuộc cũng sửa soạn để thua đêm sau… Duy có kẻ đứng ngoài nhân sinh – chẳng ăn chẳng thua – vơ hết. Giỏi! (Giận). Chú Tuệ! Chú đừng lấy giọng giảng giáo lý với chị!


TUỆ KHÔNG:
Linh đừng nói nhiều quá, mệt. Thuốc mau hết tác dụng.


LINH:
Mới khoác áo cà sa mấy năm mà đã tự phụ là thầy đời: đổi xe, sang xe khác… Thế Tuệ dùng xe gì trong đời sống?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Linh hãy cho phép tôi hỏi Linh một chi tiết quan trọng. Đối với pháp lý quân sự, Linh có tội gì, Linh biết chưa? Đó không ở trong thẩm quyền của Tuệ…


LINH:
Tội với chẳng tội! Đối với người ở tù, thì chuyện ghê gớm nhất là ra pháp trường: càng tốt đối với Linh. Chuyện ghê gớm vừa vừa là khổ sai mãn đời! Linh sẽ đứng trên gành đá: chỗ nào mà chẳng có gành đá để mà lao mình xuống hở Tuệ?



Còn chuyện nhẹ nhất là vài ba năm tù tội… Mỗi ba trăm sáu mươi lăm ngày… cũng mau Tuệ ạ: ngựa trắng qua cửa sổ! À à! Tôi bây giờ đã tàn tật ghê tởm: tôi không còn là nữ sinh viên Trần Thị Linh, hoa khôi phố Hàng Trống, người yêu của một người cha mẹ đặt tên là Tuệ, bây giờ là Đại đức Tuệ Không… đã hy sinh người yêu cho anh cũng yêu người con gái đẹp ấy… À, ra ngày ấy, Tuệ nói dối là đi làm cách mạng, là đi theo Nguyễn Tường Tam – mà thực ra là đi tu…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Sáu tháng sau khi một suýt nữa thì cũng qua Trung Hoa với các đồng chí Việt quốc…


LINH:
Thế sao lại không đi Trung Hoa nữa? Sao lại bỏ lý tưởng? Lý tưởng! Còn lý tưởng nữa chứ? Ngày ấy, luôn luôn Tuệ nói chuyện lý tưởng – tưởng như trong đời sống chỉ có nó, có nó mà thôi, không có nó thì đời sống như bãi tha ma, không có nó thì nhân sinh như một ổ vi trùng… Luôn luôn Tuệ nói chuyện cách mạng, đời sống phải có cách mạng, phải có Nguyễn Thái Học… rồi có ai nói là cách mạng làm máu và nước mắt chan hòa, thì Tuệ nói là con cháu rồng tiên ngày nay cũng như một tấm thân xác bị ung thư – làm cách mạng là giải phẫu, là loại đi những mảnh tanh hôi, là đem lục phủ ngũ tạng ra kiểm điểm, bỏ đi những miếng thịt thừa vướng vi trùng làm đau cơ thể, và gây hôi hám cho cả phần hồn là phần vô hình… Tuệ nói thao thao… Tuệ say mê…


TUỆ KHÔNG:
Linh đương nói thao thao thì đúng hơn! Linh sẽ mệt mau lắm! Linh đừng nói nữa – hay nói chậm lại. Thuốc phai tác dụng bây giờ.


LINH:
Rồi sao nữa nhỉ? Lý tưởng của Tuệ! Những cuộc cách mạng của Tuệ? Một sớm Tuệ đem đổi lấy áo nhà chùa à?


TUỆ KHÔNG:
Thấy Linh nhắc đến lý tưởng mà…


LINH:
Mà sao?


TUỆ KHÔNG:
(Nói thong thả, như miễn cưỡng phải nói) Lý tưởng? Một thứ xa xỉ phẩm – một món đồ trang sức để con người khoe khoang với chính mình – với chính mình – với chính mình! Hơn thế, một hình thức của tham vọng! Linh có biết cái lý tưởng đẹp nhất của con người nó ra sao không?


LINH:
Linh cũng chưa kịp tự mình tìm hiểu mình. Linh cũng chưa băn khoăn…


TUỆ KHÔNG:
Thiên hạ say mê lý tưởng như người say mê bất kỳ cái gì say mê được! Họa sĩ say mê vẽ… thi nhân say mê làm thơ… vĩ nhân say mê thuyết tương đối. Có người say mê như say mê trong sòng bạc… Một sáng, Tuệ thấy rằng chiếu bạc lớn quá mà mình thì không bằng thiên hạ… kích thước có chừng… Nghèo…


LINH:
Nghèo?


TUỆ KHÔNG:
Nghèo cả can đảm! Đã làm cách mạng mà muốn giữ bàn tay mình cho sạch thì… Nên hiểu kích thước của chính mình Linh ạ. Ở đời không phải ai cũng làm được anh hùng!


LINH:
Phải. Làm chính trị cũng vậy mà làm cách mạng cũng vậy: phải để cho bàn tay nhớp – les mains sales… Đã một lần, Linh… À, thế rồi Tuệ đi tu à? Hay nói trắng ra, Tuệ đã mượn đảng cách mạng và nhà chùa – mà sau này Linh vào – để giấu một chuyện tình thương tâm nhất trong đời Tuệ?


TUỆ KHÔNG:
Đi tu vì thất tình à? Nói thất tình thì không đúng!


LINH:
Linh hiểu. Nói hy sinh thì đúng hơn. Hồi đó, Tuệ thương mẹ lắm, thương anh lắm… Và thương cả Linh nữa… vì đời Tuệ khác, đời Linh khác… Thật, người mẹ ấy đã sung sướng mà chết, còn người anh yêu em thật đã có một người em xứng đáng. Linh cũng đã cảm tấm lòng hy sinh ấy…


TUỆ KHÔNG:
Linh nói thong thả và nói nhỏ vậy. Nói nhiều mệt.


LINH:
Thôi, đã không sống với thực thì sống với mộng: sống với một số kỷ niệm… Ờ nhỉ, có ngờ đâu, cuộc đời lại là những trang tiểu thuyết thảm… Một vở kịch rẻ tiền… Tuệ.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
Thế là vì hy sinh mà tuyệt vọng. Vì tuyệt vọng mà đi tu?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Cửa thiền không phải là một thứ mái che những tâm hồn mất một cái gì trong chính mình rồi vào đó để tìm cái đã mất. Có rồi lại không – không rồi lại có. Còn rồi mất – mất rồi còn. Khi họ mất, họ vào chùa, đến lúc tìm được rồi, họ ra chùa. Nhà chùa không hẹp, nhưng những kẻ "lưu vong" của dục vọng chỉ là một thứ giấy bạc giả của nhà chùa…


LINH:
Vậy thì vì gì mà Tuệ đi tu? Ờ ờ, Linh nghe cái giọng của nhà tu hành – một giọng nói, một thứ âm thanh không vương một màu sóng gió, bình thản, lặng…


TUỆ KHÔNG:
Vì Tuệ thương! Thương! Tuệ thương mẹ, mà mẹ thì muốn anh có vợ trước khi mẹ chết – một thứ muốn hiền hòa của một người mẹ hiền hòa không có cao vọng như những bà mẹ thánh mẫu… Tuệ thương anh – một người anh như Tuệ chưa từng thấy trong đời sống! Tuệ thương Linh – vì Linh không thể theo Tuệ được. Ngày ấy – chúng ta yêu nhau – những kẻ yêu nhau thường nhắm mắt để nhìn đời… Cho nên ai cũng cho rằng yêu nhau thì cứ việc tát cả bể Đông… Tuệ hiểu rõ: Tuệ còn trẻ mà Tuệ xử thế với người với mình như một người đã bạc đầu vì ngày tháng… A di đà Phật. Tuệ đầy lòng thương… Chỉ có nhiều lòng thương mới tu được!


LINH:
Mà vì hy sinh cho anh mà Tuệ đi – để Linh lại cho Quang…


TUỆ KHÔNG:
Hy sinh là một hình thức bay bướm và cao quý của bố thí. Đã bố thí thì người bố thí không bao giờ tiếc của bố thí – kể cả là bố thí cả chính mình. Tuệ đi, Linh thấy đó: Tuệ có mang theo cái tuyệt vọng thường tình của thiên hạ vào nhà chùa đâu!


LINH:
Tuệ!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
Đã có lúc nào Tuệ muốn chết chưa?


TUỆ KHÔNG:
Xưa kia, có. Trước khi đi tu.


LINH:
Vì lẽ gì?


TUỆ KHÔNG:
Vì nhiều lẽ. Đã có ai chỉ có một lý do một thôi – mà đã đòi chết đâu! Nhưng rồi không có can đảm chết…


LINH:
Giỏi! Tuệ là người thành thực với mình – với người – với Linh. Giờ này đây, Linh cũng là người thành thực…


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Nghĩa là Linh muốn chết mà không có can đảm chết?


LINH:
Đúng.


TUỆ KHÔNG:
Tại sao vậy?


LINH:
Sống mà đui mù. Sống mà tàn tật. (Khóc lên rưng rức…). Sống mà không còn gì cả.


TUỆ KHÔNG:
Sao lại không còn?


LINH
Còn gì nào? Trong lòng Quang, trong lòng Tuệ, hình ảnh Linh đã chết rồi. Một chút hương vị cuối cùng cũng mất rồi.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
Nếu sống, Linh có thể sẽ tàn ác lắm: một cơ thể bệnh hoạn sẽ chứa một tâm hồn bệnh hoạn: Linh sẽ thành một người chỉ sống để báo thù đời sống – báo thù xã hội – báo thù hết… Coi chừng: Quang và Tuệ sẽ có trong danh sách Linh đem ra vành móng ngựa của chính mình trong lòng mình… Trong tâm tư mỗi người có một phiên tòa… Đã là người đi báo thù thì người báo thù không thể là người khôn ngoan được… Một người u mê! Đã u mê thì cái gì mà không làm: một sớm Linh thành một anh hùng, một thần tượng – mà một sớm, Linh cũng có thể là người nhớp nhúa nhất trong đời sống. Huống gì cơ thể này đã hư rồi! Tuệ.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
Linh muốn Tuệ giúp Linh chết. Linh muốn ngủ, ngủ êm êm rồi đi, một đi, đi luôn. Ồ, được chết cách đó thì thích quá! Giờ phút này Linh gọi đó là hạnh phúc của Linh. Linh van Tuệ! Tuệ còn thương yêu Linh không? Nếu chẳng thương Linh như xưa đã thương Linh, thì thương hại Linh vậy – một sự bố thí.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


LINH:
Người nhà Phật có muốn thiên hạ sung sướng không?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Muốn.


LINH:
Nếu muốn thì làm theo ý người muốn. Ờ, mà phải, Tuệ sợ giết người…


TUỆ KHÔNG:
Linh có muốn sống tự do?


LINH:
Ai lại không muốn sống tự do. Nhưng trễ lắm rồi Tuệ ạ! Linh đã nghĩ nhiều: Linh còn có thể làm được hai việc: vào nơi tu hành – hay là sống để phụng sự. Đi tu à? Tu hành là một mình ngồi với chính mình: một mình lặng ngồi soi gương của chính mình trong đáy tâm tư mình và lờ mờ ngắm cái hình bóng chua chát… Linh không có can đảm làm việc ấy Tuệ ạ. Còn phụng sự? Người ta không phụng sự với tất cả những dấu vết tàn phá trên cơ thể tàn tật! Linh chưa hiểu Linh sẽ phản ứng cách nào trước đời sống phi lý đã làm Linh ra đến nông nỗi này. Một người tàn tật: hoặc là họ sẽ ngoan ngoãn trước nhân sinh và dễ dàng nuôi những mặc cảm tự ti như mỗi ngày người ta uống thêm sinh tố – hoặc là họ sẽ tàn phá hết để trả lời sự tàn phá… Ấy là chưa nói rằng mình còn phải đánh giá chính mình: làm sao để mình đừng tự khinh mình – bỏ một giáo đường để vào một giáo đường khác, kể cả là giáo đường mới. Mỗi lần lựa chọn là mỗi lần xót xa qua bao đêm trắng – chỉ vài lần cân nhắc trong ba vạn sáu ngàn ngày là đủ cho mái tóc pha màu sương… Màu tư tưởng không phải như màu áo các bà: mỗi lần đổi… là mỗi lần thoát một giấc mộng… mộng gì nhỉ! Mình có thể sống như không có ai trong đời sống: dư luận có thể trôi đi trên thịt da như nước trên đầu vịt… Nhưng còn mình với mình? Thiên hạ ai cũng đeo một cặp kính màu để nhìn chính mình đấy chứ? (Bỗng kêu lên) Trời ơi! Sao tôi lại phải kéo dài những giờ phút này hở trời! Cơ thể nóng như lửa, linh hồn tôi khổ sở hết mực… Tuệ ơi! Nhà Phật…


TUỆ KHÔNG:
Chốn cá nhân là một chốn hữu hạn. Lòng từ bi lại cũng là một cõi có biên giới… Tuệ làm gì được cho Linh bây giờ… A di đà Phật. (Nhìn Linh đau đớn. Mặt tái đi).


LINH:
Cho đi tu với!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. (Bỗng Linh ngã ra và rên thành tiếng chậm. Tuệ bấm chuông gọi Thượng sĩ Hai). Xin Thượng sĩ dẫn người nữ cán bộ Việt minh về phòng giam quân y viện


THƯỢNG SĨ HAI:
(Nhìn Đại đức Trung úy Tuyên úy Tuệ Không). Ủa, Đại đức có vẻ mệt lắm sao mà mặt tái đi thế kia? Để lấy xe Jeep đưa Đại đức về.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Cám ơn Thượng sĩ.


(Hai người ra, Thượng sĩ Hai và Tuệ Không dìu Linh ra).
Sân khấu tối

Màn ba

Phòng khách nhà Thiếu tá Quang màn một.

TUỆ KHÔNG:
(Xanh xao, gầy ốm hơn trước. Ở ngoài đi vào. Hỏi Thu đương ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài trời). Thưa chị. Anh ở nhà không chị?


THU:
Chú có gặp chị Linh?


TUỆ KHÔNG:
Thưa chị, có.


THU:
Mời chú ngồi. Từ hôm qua, ảnh nằm như người bệnh. Sáng hôm nay, ảnh ghé lại Bộ Tư lệnh một chút rồi về ngay. Rồi nằm cho đến bây giờ…


(Nghe có tiếng em, Quang từ phòng ngủ đi ra…)

QUANG:
Chú!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
Làm sao bây giờ chú nhỉ?


TUỆ KHÔNG:
Thưa anh, chị… chị Linh… nhờ em…


QUANG:
Nhờ việc gì chú? Chú nói ngay cho anh hay…


TUỆ KHÔNG:
Chị Linh nhờ em một việc không thể ai làm được: giúp cho chị ấy chết – chết êm ái. Chị ấy muốn được ngủ rồi ngủ luôn…


THU:
(Nói một mình nghe) Ngủ rồi ngủ luôn…


TUỆ KHÔNG:
Một chân gãy rồi: thế là chị ấy sẽ tàn tật. Một mắt hư rồi: thế là chị ấy sẽ mù… Nửa mặt bị nám đi: thế là mất nhân diện. Vả lại nói chung là bị thương như vậy, chị ấy không thể sống. Chị Linh là người đương hấp hối.


THU:
Không ai dám làm cái việc nên làm nhỉ! Thật ra, nếu giúp chị ấy chết được thì đối với chị ấy, thật không có sự sung sướng nào bằng… Chúng ta không thể đợi chị Linh tự tử…


QUANG:
Chú Tuệ Không!


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật.


QUANG:
Em ạ. Những nhà tu hành, học họ là thánh thần tiên Phật – lòng từ bi họ vô biên – hoặc tâm hồn họ bình lặng và bình dị. Nhà chùa không có chỗ cho những người trí thức đọc không hết sách, hiểu không hết chuyện, thỉnh thoảng kêu lên "Mô Phật" như là nhảy xuống hầm tránh hỏa tiễn. Như anh chẳng hạn. Người ta không đi vào nhà chùa như vào sân khiêu vũ. Khoác áo cà sa là làm một việc lựa chọn lớn nhất trong đời cá nhân – can đảm nhất, em đã làm rồi. Em không thể làm một việc lớn thứ hai sao?


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật. Không trách mà chị nói là anh làm việc đời như học bản cửu chương – cũng đúng! Ở đâu mà anh tìm được cái lối lý luận lạ đời ấy? Đi tu chớ có phải đi giết người đâu! Chỉ nghĩ cũng đã không dám nghĩ, nói gì làm!


QUANG:
Nhưng nếu giết người mà đem sự sung sướng cho người, tòa án thường tha bỗng những ông lang giết người cho người khỏi đau đớn đủ ba vạn sáu ngàn ngày.


TUỆ KHÔNG:
Ông lang không phải là nhà tu hành. Tòa án của nhà tu không ở trong lòng người mà ở mấy trang đầu mấy cuốn giáo lý… ở nguyên lý hiếu sinh…


QUANG:
Hiếu sinh! Hiếu sinh! Hiếu là ham. Sinh là sống! Một cuộc sống là một vì tinh tú. Pháp lý phòng thủ cho vì tinh tú ấy! Nhưng sống cho ra sống kia chứ! Còn sống mà sống như côn trùng…


THU:
(Từ nãy giờ ngồi dựa ghế, lim dim hai con mắt, nghe anh em tranh luận. Bỗng nói thong thả). Anh Quang chui vào cái rọ của chú Tuệ rồi! Chú ấy khôn lắm – chú chăng cái ná để cho anh chú lững thững chui vào… Này nhá, chính vì tránh khổ mà người ta tu hành… Đại đức Tuệ Không tự chú chú đã có lý rồi.


QUANG:
Chú Tuệ chú ấy cứ nói yếu lý, yếu lý… yếu lý là cái sản phẩm của lòng từ bi – yếu lý là hàm số của tình thương người… Vì thương người mà làm yếu lý – có ai làm yếu lý để thương người đâu.


TUỆ KHÔNG:
A di đà Phật! Vậy sao anh cứ giữ mãi cái bản cửu chương của anh? Từ ngày có ông trăng mà lấy bà trời… có phải bây giờ mới có một người khổ đâu anh? Bao nhiêu chuyện nhân sinh chép trong sử, dã sử, kể cả hoang sử huyền sử chỉ là một phần nhỏ nhất trong cái dung tích nước mắt và máu – sâu và rộng như bao nhiêu đại dương… Sách vở và văn chương chỉ là một thứ lợi khí hữu hạn. Thị giác, thính giác, kể cả vị giác… chỉ là những lợi khí hữu hạn – làm sao đo lường được kích thước những đại dương nước mắt chan hòa trong đời sống… Em có đem sung sướng cho chị Linh – mà em không dám làm là lẽ cố nhiên – cũng chỉ…


QUANG:
Phải, phải. Chú định nói gì tôi đã biết! Cái khổ lớn của chúng sinh cũng như một thứ kính vạn hoa đủ thứ màu máu và màu nước mắt: quay một vòng, kính hiện ra một vạn thứ đau thương… Quay một vòng nữa…


TUỆ KHÔNG:
Em làm gì được cho chị Linh bây giờ…?


QUANG:
Chú bào chữa cho sự thiếu can đảm của chú bằng một thứ lý thuyết… Phật Tổ cũng dạy cái dũng nữa kia đấy em ạ. Chú sợ mang tiếng giết người với chính mình, chú sợ đường tu hành của chú dài ra…(bỗng giận). Có phải cho tiền bố thí mới là nhân đạo đâu… có phải trọng sự hiếu sinh thì mới là nhân đạo đâu… Có cái đáng gọi là sự sống, có cái không đáng gọi là sự sống: cái đau xót… Chú nằm gọn trong một số giáo điều…


TUỆ KHÔNG:
(ứa nước mắt) Cái dũng chẳng làm gì nổi tính chất vũ phu của dây oan nghiệt. Chúng ta là những đơn vị sống… (ngần ngại). Cho đến lập ngôn mà anh cũng làm như làm thính… (thở dài). Làm sao bây giờ? Lại thăm chị Linh thì chị Linh đòi chết. Không lại thăm chị ấy thì không được. Còn anh Quang thì ảnh nói chuyện tu hành cũng như người ta tham khảo bản cửu chương… vậy…


(Quang nằm dựa trên đi-văng, Tuệ Không dựa vào ghế dài. Hai người mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Còn Thu thì rón rén đi ra…)

Sân khấu tối dần

Đèn phóng quang chiếu riêng

THU:
(Ăn mặc trịnh trọng, nhiều màu trắng. Người ta tưởng như có tang, nét mặt buồn vô hạn… giọng nói thấp và ấm, thê thê, buồn lắm – như một tâm hồn rất mệt mỏi).



Thưa quý bà và quý ông,



Sau khi xảy ra mọi việc, tôi lợi dụng sự quen biết của chồng tôi và Trung tá Lộc là sĩ quan cao cấp ở đó, tôi lại nhà giam quân y thăm chị Linh, lấy cớ là thăm một người bạn bị bắt. Tôi xưng danh, rồi nói chuyện với người đàn bà đau khổ ấy.



Nhìn kỹ nét mặt, tôi thấy chiến tranh đã tàn phá cơ thể và tâm hồn người đàn bà ấy nhiều lắm. Cứ như vậy, cứ kiểu ấy, con người ấy cũng sắp chết, chết sớm lúc nào hết đau đớn lúc ấy – đã không có hy vọng gì sống, huống gì người sống lại chỉ muốn chết, nhất định chết… Tôi định làm cái việc mà chồng tôi và Đại đức Tuyên úy Tuệ Không không dám làm. Tôi đưa cho chị Linh uống bốn viên Orthédrine để lấy lại sức mạnh và sự sáng suốt trong chốc lát, rồi mời chị uống một ly cà phê sữa. Trong khi nói chuyện, tôi đã gợi hết tất cả những kỷ niệm tươi đẹp và ấm áp ngày xưa, giữa Đại đức Tuệ Không và chị Linh – vì tôi đã hiểu rõ chuyện éo le cao quý ấy – bản ý là mời một người vào cõi chết trong khung cảnh tình cảm êm ái để cho người sắp thành người thiên cổ êm ái đi, dịu dàng đi, đi trong thoải mái… Mặt chị Linh tươi lần… có cả một nụ cười – một nụ cười vội vàng của con người vội vàng sống vội vàng lấy vài… sát na… Ấy, thưa quý đồng bào, tôi cho rằng đem cái chết êm ái cho người sắp chết và nhất định chết, còn nhân đạo bằng vạn cái đấng cao xanh kia tạo cái kiếp sống này cho những tấm thân phận của con người – bất kỳ là kiếp sống gì: kiếp sống vàng son hay kiếp thân trâu ngựa…



Đến ly cà phê thứ hai… trong ly cà phê tôi định để một liều Cyanure – chỉ cần một giây đồng hồ là chị Linh thoát được… cõi sống. Nhưng rồi… tôi vẫn không đủ sức làm cái việc mà lý trí đã cho là… nhân đạo nhất! Tôi bèn đứng dậy chào… và lúng túng… ra về. Ra đến cửa, tôi nghe một tiếng nặng lắm: tiếng một cơ thể rơi vào một góc tường… Chị Linh đã gieo mình tự tử…? Chị Linh nằm xuống đó rồi, máu chan hòa, trên môi vẫn còn nụ cười sung sướng được trước đó mấy phút! Chị Linh đã chết! Tôi đoán chừng là giữa lúc cõi tâm tư nhiều kỷ niệm êm dịu nhất thì chị lựa chọn… đúng lúc để quyên sinh… đem theo bao nhiêu hình ảnh đẹp tôi gợi ra: tôi cũng là một thứ opérateur đương cho hình ảnh và ánh sáng hiện ra trong phòng tối… Chị đã quên đi trong chốc lát thực tại bi đát của chính mình. Trong lúc quên ấy, chị gieo mình. Trong một thoáng, người đàn bà ấy đã lựa chọn… đúng lúc!



Thưa quý bà quý ông, tôi cũng xin nói thêm là chồng tôi sẽ xin đổi làm giáo sư toán học tại Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Còn Đại đức Trung úy Tuyên úy Tuệ Không thì sau khi chị Linh chết, làm lễ cầu siêu hai đêm liền cho người không còn nữa.



Nhà tu hành đã bị đau, sốt ly bì suốt ba ngày đêm. Hết bệnh, em chồng tôi sẽ nhường áo Tuyên úy cho một Đại đức khác rồi tạm xin ra trụ trì một ngôi chùa ở Nha Trang.



Riêng tôi đối với chính mình, tôi không băn khoăn gì, vì mình đã cố ý làm một việc nhân đạo: những người nghiêm khắc với tôi hẳn là những người sống ngoài không khí tinh thần và tình cảm của câu chuyện và không chứng kiến cảnh của ba người – nhất là những chứng kiến con người tên là Trần Thị Linh.



Nói vậy chứ ai ngăn được dư luận! Tôi có cặp kính màu của riêng tôi…!

Màn hạ

_______________

Cùng một tác giả

Đã in:
Sẽ in:



[1]Đoạn mất này, gần như tương ứng với Màn 2. - talawas
Nguồn: Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in Đăng Quang, 734a Phan Thanh Giản – Sài Gòn. Giấy phép số 481 TBTTCH/BC3/XB Sài Gòn ngày 22 tháng 2 năm 1967, ngoài những bản thường in thêm 100 bản đẹp dành riêng cho tác giả, nhà xuất bản và thân hữu. ThÆ° từ, liên lạc về Nxb xin gá»­i cho Từ Mẫn, bÆ°u Ä‘iện xin đề tên cô Cao Ngọc Thanh. Giá 120 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.