Chuột, người và hạnh phúc…
Trong những tác phẩm của John Steinbeck mà tôi đã đọc như:
Tortilla Flat, Des souris et des hommes, En un combat douteux, Les raisins de la colère, v.v. có cuốn
Des souris et des hommes là ngộ nghĩnh.
Nói ngộ nghĩnh vì nhiều lẽ: thứ nhất, Steinbeck viết cuốn ấy đã lâu lắm, tính từ ngày nó ra đời cho đến ngày Steinbeck được giải Nobel, có đến hai ba mươi năm trời – ấy thế mà lại chính nhờ nó vì nó mà tác giả nó được giải Nobel. Nói rằng tuyệt đối vì nó nhờ nó thì không đúng, nhưng nó là cái lẽ cho người ta có cớ nhìn toàn diện sự nghiệp văn chương của Steinbeck để tặng giải Nobel – không có cuốn sách xa xưa ấy cho người ta đem trở ra thanh thiên bạch nhật thì chưa chắc!
Thứ hai: câu chuyện của cuốn tiểu thuyết thật không có gì là ly kỳ – ly kỳ theo quan niệm người Á Đông về sự ly kỳ. Thực ra thì cũng có một xác chết – một viên đạn bắn ra – lại một xác chết nữa… và có một nỗi thương tâm, một niềm chua chát làm ai oán và chua chát những mối tình anh với em, tình người với tình người… Tuy thế, vẫn không ly kỳ như ta thường cho là ly kỳ… Chuyện chỉ là chuyện hai chàng làm công, làm công cũng như phu đồn điền cao su Á Đông. Họ đi tìm việc. Tìm việc, thì có việc. Nhưng bỗng có một người đàn bà hiện ra. Có đàn bà thì hay có một mối tình vẩn vơ… có đàn bà mà lại có tình nữa thì lại hay có án mạng: người đàn bà chết. Đã có một cái tử thi thì có công lý xen vào để trị tác giả của cái chết: công lý của trời đất hay công lý của con người thì cũng vậy! Tác giả của sự chết phải chết. Nhưng thật là bi đát: cái người cầm cân nẩy mực công lý đây chẳng phải trời đất mà cũng chẳng phải là ai xa lạ: lại là người bạn của người giết người. Bạn thân thiết như anh ruột. Bi đát hơn nữa là đây không có chuyện cố sát: đây chỉ là chuyện ngộ sát. Ngộ sát vì kẻ sát nhân là một người nông dân đần độn, suốt đời không có tham vọng lớn: đần độn đến nỗi dại dột – nói một cách khác như người bình dân Việt Nam thường nói: ngu như heo. Ngu như heo nhưng bản chất lại rất hiền lương, tuyệt đối tính bản thiện – hiền đến đần độn, như tôi đã nói. Đã đần độn lại có tật: thấy cái gì mướt mướt dịu dịu cũng sờ cũng bóp. Thường ngày thì anh ta chỉ sờ và bóp chuột con cho chuột con chết, sờ và bóp thỏ con cho thỏ con chết… Hôm đó – hỡi định mệnh! – lại sờ tóc sờ gáy đàn bà và bóp…. Người đàn bà đau quá la lên, anh ta phải lấy bàn tay to lớn bịt miệng người đàn bà cho người đàn bà đừng la lên… Mở tay ra: ôi định mệnh – người đàn bà đã chết rồi! Thôi, hỡi trời, người bạn anh ta mới nghĩ rằng: thôi thà mình bắn nó cho nó chết còn hơn là để cho thiên hạ treo cổ nó! Thế là bạn bắn bạn! Thế là hơn, thế cũng hơn, thế vẫn hơn!
Thứ ba: suốt cả cuốn truyện có một điểm tâm lý căn bản: hai chàng nông dân ấy chỉ có một cái mơ ước vặt, rất vặt: rất vặt đối với thế nhân chúng ta, nhưng lại là một ước mơ tuyệt đối
lớn với hai chàng: là hai chàng muốn có – xin bạn đọc nhớ cho điều ấy: là hai chàng muốn có một khoảnh vườn riêng – như ở đất Thủ Đức, Biên Hòa của chúng ta chẳng hạn – trồng năm ba cây đu đủ, nuôi năm ba con thỏ, con dê… vậy thôi. Nhưng là của riêng mình – xin nói lại: của riêng mình. Khỏi phải đi làm công làm chi, cho vất vả, cho lam lũ, cho bị người có tiền đàn áp và hành hạ mình!
Không được: có cái chết can thiệp vào rồi: mộng con – cũng như mộng con của Tản Đà – vỡ! Giấc mộng con ấy thực hiện được là hai chàng sẽ có
hạnh phúc lớn. Hạnh phúc của hai chàng không to lớn và chỉ hạn chế trong một khoảnh vườn rất nhỏ, nhỏ lắm – mà thôi, mà thôi. Ấy thế mà hạnh phúc ấy không thành! Mộng vỡ…
Hạnh phúc lớn hay nhỏ của cá nhân không thực hiện được. Vậy thôi!
Thì ra, hai ba chục năm xưa, khi cuốn
Des souris et des hommes ra đời, không ai hiểu thâm ý của John Steinbeck. Ngày sau, thiên hạ đọc
Les raisins de la colère, À l’est d’Eden, v.v. thấy kích thước lớn của John Steinbeck, mới đọc lại
Des souris et des hommes, mới thấy là tác phẩm con con ấy – cỡ nhỏ, dày hơn trăm trang thôi, đặt một vấn đề lớn nhất của loài người, của mỗi người, của cá nhân:
hạnh phúc.
Vậy chứ vấn đề ấy, John Steinbeck đặt ra như thế nào – chán gì triết gia, luân lý gia, tiểu thuyết gia… đã đặt rồi! Từ ngày bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, con người đã nói chuyện
hạnh phúc. Ngày nay người ta sống trong thời nguyên tử, con người lại cũng vẫn nói chuyện
hạnh phúc…
Có phải đợi cho có John Steinbeck, mới đặt vấn đề hạnh phúc đâu! Cùng với vấn đề hạnh phúc có vấn đề
định mệnh – nói một cách khác:
hạnh phúc một cá nhân là hàm số của định mệnh riêng của cá nhân đó. Nói một cách khác: mỗi cá nhân nằm mơ giấc chiêm bao hạnh phúc hàm số kích thước riêng của giấc mơ riêng của riêng kích thước chủ quan của mình – và mỗi cỡ hạnh phúc đều theo cỡ định mệnh riêng của con người riêng để mà còn hay để mà mất. Chỉ có riêng tư: chẳng có chung – dù là giữa hai người – mà thôi cũng gọi được là chung rồi…
Hạnh phúc là gì?
Quan niệm về hạnh phúc thay đổi từ từng cá nhân, tùy từng lớp người, tùy từng thế hệ – tùy từng dân tộc, từng địa phương. Nó phức tạp lắm: có thể nói có bao nhiêu mặt người khác nhau là có bấy nhiêu quan niệm về hạnh phúc. Harpagon có quan niệm của Harpagon về hạnh phúc: một cái rương nhỏ trong đó tiền chồng lên tiền, tiền chất theo tiền… Ngô Đình Diệm có quan niệm của Ngô Đình Diệm về hạnh phúc, một cái ghế tổng thống… Thân sinh ra cố tổng thống Kennedy cũng có quan niệm về hạnh phúc: con cái trở nên nhân vật lịch sử… v.v. Và trong
Des souris et des hommes, George và Lennie – George là anh chàng cao lớn và có óc minh mẫn, còn Lennie là anh chàng đần và lành… và sẽ chết – cũng có quan niệm về hạnh phúc của hai chàng: một lều tranh, vài mẫu đất, một số cây vú sữa, một số thỏ, một số dê… Nhiều là mấy chục, ít là dăm ba…
Nói một cách khác: trên cái
thang xã hội, người ở trên cao chót vót có mơ ước của người nơi cao chót vót: mơ ước thành hình thì hạnh phúc thành hình…, còn người ở dưới thấp nhất có giấc mộng con của người thấp nhất:
mộng thành
thực thì hạnh phúc có… Vậy thôi. Chứ không phải là ai cũng mơ ước lên cõi Thiên Đường – và phải tới Thiên Đường mới là hạnh phúc. Nói một cách khác, hạnh phúc là sự mơ ước có kích thước nhất định của một cá nhân trong một vũ trụ vô cùng và một nhân sinh hữu hạn. Nói một cách khác nữa:
hạnh phúc trước hết là cảm giác tự mãn trong một không gian không hoàn mỹ – hay là
hạnh phúc là trồng một loài hoa đẹp trên một mảnh đất xấu – hay hạnh phúc là
sự tìm yêu những gì không trọn vẹn trong một trần gian không trọn vẹn… Ba câu tôi vừa nói đó, ba ý tưởng tôi vừa ghi đó, tôi trích trong bài "Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh" của Đặng Tiến đăng trong
Tạp chí Văn số 37 ra trong tháng 7 năm nay - Đặng Tiến là một nhà văn trẻ, bài ông viết là một trong một số bài văn
hay, thỉnh thoảng mới có trong văn học hiện đại.
Ấy thế thôi đấy! Thế mà
hạnh phúc không phải là một thứ có thể
có trên trái đất – trong nhân sinh. Con heo nái có được, con chó ghẻ có được, cục kim cương to lớn mấy cũng có được, ghế tổng thống cũng chẳng phải là giấc mơ lớn vì đã có người có được – thế mà hạnh phúc thì
không có. Steinbeck "nói" vậy. Chàng "nói" rằng loài người có cái án chung thân: án
không có hạnh phúc – dù là hạnh phúc cực vi cực nhỏ…
Ấy, xin nói lại, chỉ có thế thôi, chỉ có vậy thôi, mà hạnh phúc lớn, hạnh phúc nhỏ, hạnh phúc có kích thước hay hạnh phúc vặt – là một thực thể nhân sinh mà
con người không bao giờ thực hiện được!
Mỗi con người, lại cũng xin nói lại, là một sinh vật bị cái án chung thân là không bao giờ có
hạnh phúc – hễ
muốn là không được, dù ông bà, anh tôi, chúng nó… là ai, là anh hùng hào kiệt hay là phàm phu tục tử. Dù cái muốn đó chỉ là một cái muốn rất vặt – hễ xây một giấc mộng là giấc mộng sẽ có cái số phận một giấc mộng mà thôi: mộng không bao giờ là thực, dù là một nhỏ, mộng vơ mộng vẩn của một người bé nhỏ nhất mơ ước một cái bé nhỏ nhất trong không thời gian!
Có lẽ muốn có hạnh phúc con người phải ngắm cái thân phận của mình mà nghĩ rằng:
hạnh phúc là ở chỗ đừng muốn, đừng xây mộng… Và nếu nói vậy, tôi sẽ rơi vào một vài yếu lý căn bản của Phật giáo: hạnh phúc là hiện thân của một thứ tham vọng – lòng dục. Nói một cách khác: muốn có hạnh phúc, phải diệt dục, đừng tham…
John Steinbeck không làm mặt triết nhân bàn chuyện siêu hình, không làm mặt luân lý gia đem mấy cuốn giáo khoa thư luân lý ra dạy con người ta trau dồi vệ sinh về tinh thần, không làm mặt ông Cò quận Ba nói rằng ai mà thế này ai mà thế kia thì sẽ bị nhốt…
John Steinbeck than thở mà thôi. Và John Steinbeck viết một luận án lớn về hạnh phúc bằng cách kể một câu chuyện ông ta thấy. Thấy sao nói vậy – rồi tự chuyện nó
nói lấy ý triết nhân trong văn
duy nhiên. Xin nói lại: nó
nói…
Ba chục năm sau, lời than thở của John vọng trong không thời gian. Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho rằng đó là một nhà văn lớn bàn một chuyện rất lớn trong cuốn sách rất nhỏ – bèn đưa hết sự nghiệp của ông lên thảm xanh, rồi tặng giải Nobel cho ông.
Bất kỳ là ai: không ai có hạnh phúc – trong cái cõi nhân sinh hữu hạn này. Không có, vì có…
định mệnh. Ở Âu châu thì từ ba, bốn ngàn năm xưa, tổ tiên những dân tộc Hy - La khai sinh cho cái thế lực phi lý cầm cân nẩy mực độc quyền vẽ tranh vân cẩu, độc quyền gây cuộc bể dâu… là…
Định mệnh viết hoa – Fatalité. Eschyle, Sophocle, v.v. dựng nó trong những vở kịch bất hủ… Mãi đến Euripide,
con người mới phản ứng lại
Định mệnh. Rồi bên Âu châu,
thiên thần (les dieux) mất vị trí để nhường chỗ cho
Thượng-Đế-chỉ-có-một. Thần thoại (mythologic) mất chỗ và Chúa chiếm chỗ. Văn học Hy - La nhường chỗ cho văn học Công giáo… Tuy nhiên,
Định mệnh vẫn không nhượng bộ…
Song song với thời Hy - La, ở Á Đông, Ông Trời – thiên mệnh của Nho giáo – nắm nhân sinh trong tay mình: quyền sinh sát, quyền tác oai tác
phúc – phúc là
hạnh phúc ấy – ở trong tay đấng cao vun vút hay đổi tính như con nít: hóa nhi là con Tạo. Con Tạo cũng đổi tính đổi nết, ác và đùa với
người, như mọi thằng cu… con hĩm vậy.
Thế nhưng theo John Steinbeck thì
Định mệnh hiện ra dưới
hình bóng nào và
chân dung ra sao? Thực ra thì với mỗi cá nhân,
định mệnh hiện ra dưới một hình thức – nói một cách khác, có bao nhiêu mặt người là có bấy nhiêu
hình thức định mệnh… chân dung định mệnh… Trong sách
Des souris et des hommes, tuyệt đối John không nói tới chuyện
định mệnh – cũng như chẳng hề bàn tới
hạnh phúc. Nhưng chúng ta cũng đều đã thấy: đâu có bí hiểm đến nỗi không dùng thông minh mà lãnh hội được ý của Steinbeck!
Đó,
định mệnh ở đó: trước, sau, bên chúng ta: định mệnh của Napoléon là tuyết trắng xứ Nga rộng mênh mông xa vun vút – định mệnh của Tây Thi là Cô Tô đài – định mệnh của Hitler là bao nhiêu chiến thuyền đồng minh bắt đầu thấp thoáng… để đổ bộ – định mệnh của mười năm dân tộc Việt Nam mới rồi là Ngô Đình Diệm – định mệnh của Ngô Đình Diệm là Trần Lệ Xuân – định mệnh của chàng Lennie trong
Des souris et des hommes là người đàn bà vợ một nhân vật – định mệnh của chàng George là Lennie gây sự cô đơn trong đời George… từ đây.
Định mệnh là hàm số của một bài toán siêu hình không giải đáp được – là
đáp số của một bài toán đại số có một hay nhiều
ẩn số – là tất cả những gì cụ thể hay trừu tượng, bất kỳ kích thước làm sao và bao lăm, hiện ra chắn ngang đường hạnh phúc của con người trong những trường hợp nhất định… - hạnh phúc có hạn trong một nhân sinh hữu hạn, trong một không thời gian không "trọn vẹn". Vì vậy, định mệnh của
con người cá nhân hay tập thể là một thực thể (entité) siêu hình: tổng hợp nó lại thành một nhất trí thì lúc nào nó cũng có trong thời gian (omniéternel), chỗ nào cũng có mặt (omniprésent), vạn năng (omnivalent) – phân tích nó ra thành "bụi" định mệnh thì nó bám sát lấy mỗi
cá nhân dưới bao nhiêu hình thức khác nhau…
Chẳng hạn như ở trong
Des souris et des hommes thì định mệnh của anh chàng vợ chết là Lennie, định mệnh của Lennie là người đàn bà quyến rũ, định mệnh của cả cặp George – Lennie đương nằm chiêm bao một mảnh vườn và một mái nhà tranh… là chính Lennie, và định mệnh của Lennie là chính… Lennie – chính mình. Xin nhớ cho điều này:
chính mình! Xin nói lại: định mệnh của mình ở trong mình, chứ không ở đâu xa… Nhà Phật nói:
nghiệp: nghiệp là một con đỉa, bám lấy mình không nhả…
Mỗi người mang định mệnh trong đời mình, trong cơ thể mình… như mang một cái
ung thư hiện hữu (existant) và thiết yếu (nécessaire) – kể cả là
tự hữu (immanent): không bỏ nó được, không rứt ra được… cho đến ngày buông xuôi hai tay về chín suối…
Định mệnh cũng như đỉa: bám rồi, không nhả ra nữa. George và Lennie đã đến cái trại của một ông già – mang theo với họ định mệnh của họ.
Des souris et des hommes của John Steinbeck không nói ra như thế: nhưng ai cũng thấy thế, cảm thấy thế… Trong văn học duy nhiên, tác giả có nói gì đâu:
văn và
truyện nói lấy – tất cả cố tình vắng mặt để cho truyện
nói, để cho
giọng văn,
tứ văn,
ý văn,
thể văn,
nhạc tính của văn chương
nói lấy: Steinbeck nói định mệnh. Nhà Phật nói:
nghiệp – xin nói lại.
Té ra là thế!
Té ra là thế!
Định mệnh là gì? Ngày xưa, ở cổ Hy - La, người ta gọi là
Fatalité – từ thời Hạ Thượng Chu Xuân Thu Chiến quốc,
định mệnh được khai sinh với cái tên là
Thiên mệnh… Người bình dân gọi đùa là hóa nhi, là con Tạo – như tôi đã nói. Từ đó
định mệnh bám như đỉa mỗi con người cá nhân…
Và Phật giáo nói đến
nghiệp…
Mỗi quá trình "định mệnh" khởi điểm bằng
vô minh hiện ra trong
như rồi chấm dứt quá trình bằng
lão, bệnh, tử trong cái dây dài thập nhị nhân duyên trong mỗi chủ quan tính của con người. Nói một cách khác, mỗi chủ quan tính của riêng mỗi con người cá nhân chứa một "định mệnh" có sẵn…
Vì vậy, chủ quan của mình mang "định mệnh" của chính mình và gây "định mệnh" cho kẻ khác – thêm vào đó những bất trắc của nhiên giới mà con người không chinh phục được toàn diện và không tính toán để lường được… Vì vậy cho nên, mỗi người đã gây "định mệnh" cho chính mình – lại còn gặp "định mệnh" từ ngoài tới…
Không ai thoát được "định mệnh" – không ai thoát được
thân phận!
Ôi
nghiệp!
Vậy chứ làm sao thoát được "định mệnh"? Thoát được "định mệnh" để
tự do tạo
hạnh phúc? Đó lại là một vấn đề khác – mà cũng không ở trong thẩm quyền của John Steinbeck. Mà chính John cũng từ chối cái thẩm quyền ấy…
John chỉ là tiểu thuyết gia: đã là tiểu thuyết gia thì John có một thiên chức khác – ngày nay người ta hay nói:
sứ mạng xã hội và lịch sử.
Ở đời, ai có thiên chức nấy. Không nên, không thể, giẫm chân lên nhau. Mà nếu có ai tưởng là phải giẫm lên nhau và giẫm lên nhau được – thì là tưởng sai mất rồi!
John được giải văn chương là đáng lắm: một cuốn tiểu thuyết chờ hàng hai ba chục năm mới lên để lấy vị trí xứng đáng của mình – thật cũng là chuyện ngộ nghĩnh trong văn nghệ sử vậy!
Cách đây mười tám năm, tôi đã đọc
Des souris et des hommes, tôi đã thấy là hay lắm – Nhưng hay là hay ở phương diện văn chương
duy nhiên theo thẩm mỹ quan tôi hồi đó.
Cách đây mấy năm, tôi được tin là John Steinbeck được giải Nobel – mà tin tức văn học thế giới thì cho biết rằng "khởi điểm" của giải Nobel ấy là cuốn
Des souris et des hommes.
Tôi bèn đem nó ra, thong thả đọc, thong thả "thưởng ngoạn" nó hai lần nữa – đủ ba lần.
Và vỡ lẽ.
Thì ra cuốn tiểu thuyết ấy là bản cáo trạng đưa
Trời đất ra vành móng ngựa – đồng thời là một lời than thở cho vấn đề hạnh phúc của con người – cùng một lúc nhìn gương soi mặt mình, soi mặt chúng sinh, hỏi rằng chúng sinh không bao giờ có
hạnh phúc à, và do bản án ấy, định mệnh đã phán quyết rằng đó là một bản án
chung thân ư. George và Lennie đi tìm một thứ
hạnh phúc thấp nhất, hèn nhất –
định mệnh đã từ chối. Thấp mức ấy, hèn mức ấy mà còn không làm sao có được trong nhân sinh, thế thì làm sao có được
Thiên Đường, là hạnh phúc tối cao, tối thượng? Hẳn là John Stenibeck đã nghĩ đến áo cà sa và thánh đường…
Nhưng chàng sợ đi xa quá "hành trình" của một
nhà tiểu thuyết. Vả lại một người trí thức nào
sáng suốt mà lại không chứa một chút nghi ngờ trong tâm tư – chẳng phải nghi ngờ gì về ý chí lộng lẫy của thánh hiền, nhưng nghi ngờ một chút về ý chí và kích thước của…
chính con người mà thôi!
Phải vậy chăng?
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền
Năm 1957, tôi được đọc cuốn
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền. Tôi tự mình nói với mình: đây là một cuốn tiểu thuyết
lớn của thời đại. Tôi bị ngay sự ám ảnh viết một bài về cuốn tiểu thuyết ấy. Nhưng có một trường hợp xảy ra làm tôi không viết: là tôi bệnh hoạn – văn chương viết không thoải mái. Đã không thoải mái tôi lại chứa những mặc cảm thiếu tự do: chẳng biết viết thế nào cho qua được mắt… chính quyền văn hóa lúc bây giờ! Sẵn trớn, tôi nghĩ: thôi, để đó, một ngày kia sẽ viết – coi nào, nơi cuốn sách ấy, cái
hay có
bền không, hay là thời gian sẽ tàn nhẫn… với sách. Đối với văn thơ, lịch sử thường phũ phàng – nhất là ngày nay, nhịp lịch sử dồn dập như nhịp máy…
Tôi bỏ lửng ý tưởng ấy chín mười năm trời…
Mới rồi, Thanh Tâm Tuyền cho tái bản. Tôi đọc lại – lòng hơi nao nao, sợ từ bấy giờ đến nay có hàng mười năm… Mình ngày nay và mình mười năm xưa, không biết ý thưởng ngoạn thay đổi sa sao: hoặc là mỹ quan của mình đã hết tinh vi, thông minh không đón được cái
hay của văn chương nữa, hoặc là sách đã hết đi giá trị thời đại của nó rồi…!
Không!
Bếp lửa ngày trước và ngày nay, đối với tôi, vẫn
hay vậy.
Vậy thì tôi phải chứng minh rằng
Bếp lửa là một cuốn tiểu thuyết
lớn – kẻo sẽ mang tiếng là nói không có sách mách không có chứng…
Và trước hết tôi phải xin nói ngay rằng, đối với tôi, một cuốn tiểu thuyết phải là một
văn nghệ phẩm đã, phải khác tờ truyền đơn – nghĩa là phải có hai điều kiện:
hành văn phải đặc biệt hay độc đáo, và
kỹ thuật phải theo đó mà xuất sắc – nhiên hậu mới nói đến
truyện. Tôi chưa từng thấy có cuốn tiểu thuyết nào,
truyện hay, viết dở mà lại thành
nghệ phẩm được – nhưng truyện thường thường mà
văn hay và
kiến trúc giỏi thì có thể thành
nghệ phẩm được và truyện nhờ văn mà hay thêm nhiều. Hình như gần hết đều đồng ý với tôi về điểm ấy.
Và xin nói thêm một ý nữa: giữa thế kỷ XX,
văn phẩm có giá trị thì nhiều, nhưng văn phẩm xuất chúng, đối với riêng tôi, chỉ có ba. Cuốn thứ nhất là cuốn
Trại Tân Bồi của Hoàng Công Khanh; cuốn thứ hai là cuốn
Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; tiểu thuyết của một nhà văn đất Bắc tôi đã đọc ở Đà Lạt cách đây bảy năm – bỗng dưng tôi nhận được một gói, gói cuốn ấy gửi cho tôi, tôi chẳng hiểu ai gửi, đọc xong rồi đốt đi, vì hồi ấy tôi sợ chính quyền Ngô Đình Diệm thường hay ngờ bóng ngờ gió… vì không được phép đọc đồ lạ ở chốn này. Cuốn tiểu thuyết ấy có một điểm đặc biệt là không hề đề cao chủ nghĩa và chính quyền… Còn "truyện" thì nào có gì là ly kỳ đâu: lịch sử tâm hồn và công tác của một cán bộ
thượng, vậy thôi! Thế mà nhìn toàn diện, đó là một
hòn ngọc văn chương. Cuốn tiểu thuyết ấy, tôi cho là phải năm năm tháng tháng ngày ngày mới có được một cuốn… Cuốn thứ ba là cuốn
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền.
Văn của Tuyền là văn riêng của Tuyền: chẳng biết là chàng
ăn dâu của ai và nhả tơ nào thì tôi không biết, nhưng văn chương mới, thoải mái, không vất vả, mới mà không lam lũ… Tôi không thể trích nhiều ra đây, vì văn hay là hay cả
văn mạch, nhờ
văn mạch – nói một cách khác, cả văn mạch can thiệp vào: văn mạch toàn diện, văn mạch chương, văn mạch đoạn, tạo cho nó một đặc tính, một
nhạc tính riêng. Câu trên xa làm cho câu chỗ này hay; câu này hay là nhờ câu dưới xa nữa, câu giữa hay là nhờ hai câu trên dưới hai bên… văn hay là chuyện
toàn diện chứ cũng phải chuyện một vài nét
riêng tư. Ủa, thì cảnh cũng vậy đấy: một mái tranh không là chi chi, một mái tranh và vài ngọn lá vàng và màu hoàng hôn… tổng hợp lại với một đám mây sắp chiều… thế là thành
phong cảnh hữu tình.
Đấy, đoạn này vẫn chưa ra sao – nhưng vài đoạn nữa, đến đoạn nào đó, thì toàn chương một, chương hai… chờ đợi chương chót nữa là tác phẩm thành
nghệ phẩm rồi vậy.
Chuyện
văn mạch là thế đấy! Cần gì phải nói đến vậy mới rõ ý về giá trị của
văn mạch và rõ ý về quan trọng và kỹ thuật
viết và
kiến trúc trong một văn phẩm, nhỉ!
*
Chẳng hạn như chỗ này chỗ kia Tuyền viết những câu:
"Chuyến xe nhỏ đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó… Ngoài trời tối và gió… Tiếng chuông nhà thờ chụp xuống… Tôi mang cả luồng gió vào trong nhà… Tôi nhìn Thanh và mi mắt nàng hơi khép xuống nằng nặng… Từ đấy không ai nói với ai một lời. Thanh cứ hát nhỏ như cho mọi người nghe lần cuối. Hàng phố lại bé trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga. Tôi còn nghe thấy tiếng hát ấy ở trên tai.
Trở về mái nhà
Xưa
Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô
…Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về… Chiều xuống thấp mãi gần mặt nước…"
Đó là những câu văn tôi trích ra, lẻ loi và rời rạc. Để nó ra cho nó cô đơn thì có thể là những câu… nhảm mà thôi…
Tây quá và Tây quá hay là
mới quá và
mới quá - sống sượng…
Nhưng bạn đọc cứ đặt nó vào vị trí của nó, vào
văn mạch riêng và văn mạch chung của
Bếp lửa – bạn đọc sẽ thấy toàn diện
Bếp lửa là một cuốn tiểu thuyết rất
hay, rất
vững, rất
chân, rất
thoải mái – đi một hơi: có hình có bóng có màu, ngắn, dửng dưng đi một mạch… gợi những ấn tượng lạ lắm và nao nao lắm trong tâm tư người đọc – người đọc và người viết cùng làm một – buồn man mác, buồn vơ vẩn, buồn vất vả, buồn một cách rất
trí thức tiểu tư sản, buồn như Tâm là người xưng
tôi trong truyện… (Cái giai cấp trí thức này hay bị mắng lắm đó trời ơi – vả lại đó là giai cấp của tôi mà thật tôi không mến chút nào).
*
Luôn tiện nói chuyện
kỹ thuật văn chương, tôi phải mở một dấu ngoặc… lớn. Trong những câu văn lẻ loi của Tuyền tôi trích trên đó, có câu này:
"…Hàng phố lại lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát.
Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi còn nghe thấy tiếng hát ấy ở trên tai tôi.
Trở về mái nhà
Xưa
Còn lại hai người đàn ông đi chân
Về ngoại ô".
*
Cái lối viết – chẳng phải văn xuôi – chẳng phải
thơ văn xuôi (poème en prose) – chẳng phải một
bài thơ tự do… William Faulkner cũng đã áp dụng, John dos Passos cũng đã dùng, và nên kể thêm Jean René Huguenin – một nhà văn rất trẻ và có biệt tài ở Pháp mới chết năm ngoái – hình như văn của Tuyền đã vô tình (?) làm tôi nhớ văn Huguenin.
Lẽ tự nhiên, để riêng những câu văn ra cho chúng nó mồ côi, thì văn chương ngớ nga ngớ ngẩn, thiếu nhạc tính; nhưng để vào gần văn mạch
câu dài, văn mạch
đoạn, văn mạch
chương, văn mạch toàn diện… thì những câu ấy lại làm cho
bối cảnh nhạc tính của cuốn truyện lên cao, và tăng cái hay – toàn cuốn truyện đọc như đọc một
bài thơ vạm vỡ nào đó – một bài trường ca?
Nhạc tính của Tuyền làm tôi nhớ
La côte sauvage của Jean René Huguenin thuộc vào thế hệ tiểu thuyết gia
mới nhất của Pháp và đã được văn giới Pháp trầm trồ… - không may tác giả mệch bạc tuy không má hồng…
Nhưng không phải ai cũng dùng kỹ thuật ấy được. Vạn nhất Sơn Nam muốn dùng trong một lúc hứng chẳng hạn – hay Xuân Diệu dùng trong
Phấn thông vàng thì còn được – chớ Nhất Linh hay Vũ Trọng Phụng, hay Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến… chẳng hạn mà dùng thì lại e không ổn cho mà coi! Đủ biết tâm hồn nào đi với văn chương ấy, văn chương nào đi với kỹ thuật ấy – "kiến trúc" nào đi với
ý văn,
tứ văn,
thể văn… ấy – và văn chương là một chuyện
chung mọi thành tố cùng tổng hợp tạo điều hòa (harmonie) chung, nếu có ai ghép ép, lồng ép, gán ép mọi thành tố với nhau thì lại thành chuyện dơ dáng dại hình – sống sượng. Ấy, cái
đẹp nó rắc rối thế đấy – làm sao trái ý nguyên lý và "sắc lệnh" cả "luật" thẩm mỹ được nhỉ?
*
Bếp lửa có một người trẻ tuổi, cộng với một người trẻ tuổi khác, cộng thêm một người trẻ tuổi khác nữa – một sớm thấy mình lớn lên trong một nhân sinh gì mà lạ quá: có bao nhiêu kẻ đã đi, bao nhiêu kẻ ở lại trong không thời gian và ở lại giữa vạn vật, để lại cho
họ một cái gia tài không có kích thước, không còn lấy một mẩu nền nếp, không còn lấy một ý thương vương… rồi bảo
họ phải lãnh lấy trách nhiệm – lãnh trách nhiệm cũng như nối nhau mà lãnh cháo lú ở những quán cháo lú – cô hồn không ra cô hồn, người không ra người… Giữa lúc đó thì lịch sử chờ đợi ở
họ nhiều lắm – giữa lúc mà bao nhiêu giá trị văn hóa vì chiến tranh đã lật ngược lên… rồi, họ đi cũng như giẫm lên vậy: cười một mình, khóc một mình, cô đơn. Cô đơn! Với một mớ gai góc, một số
trường hợp phải vượt!
Té ra
Bếp lửa là một bản cáo trạng dựng lên để cá nhân đưa chính mình ra vành móng ngựa của chính mình – có quan tòa, có chưởng lý, mà thiếu người bào chữa – bản lý đoán lại rời rạc… Vai chính tự hỏi mình, tự tìm mình – tìm cách coi hình bóng mình ở đâu, đâu là hình bóng trung thành: tấm gương phản chiếu những kích thước khác chiều hướng của tâm hồn cá nhân của mình.
Mình là người lạ với chính mình! Và mình đương phê phán chính mình. Có một nhân vật nói rằng:
"…Mình là tội phạm và chỉ mình là đủ tư cách là quan tòa xét xử mà thôi".
Vậy chứ ai đứng ra biện hộ hở Thanh Tâm Tuyền?
Giữa lúc mình buộc tội mình và chờ… tuyên án thì mọi vấn đề mình đặt ra cho chính mình, người thanh niên trốn hết. Trốn vấn đề vì sợ phải trả lời – mà cũng chẳng muốn ai trả lời thay cho mình vì mỗi bộ mặt nghiêm trang mang màu sắc một cuốn giáo khoa thư luân lý… đều làm cho chàng dè dặt – chàng sợ. Có một nhân vật nói:
"Em không ưa anh ấy. Em không ưa cái bộ mặt nghiêm trọng, cái cử chỉ làm cao thượng, cái giọng nói làm người trên…".
Chàng thanh niên thấy mọi thứ tự đều đổ nát – bắt đầu bằng
hệ thống tinh thần làm căn bản cho hai ngàn năm lịch sử…
Giông tố nổi…
Từ xa tới vào trong lòng và từ trong lòng ra…
*
Và cùng một lúc, tác giả đặt vấn đề tin tưởng và vấn đề Thượng Đế lên thảm xanh:
"Đứa cháu độc nhất ấy nghe ở linh hồn mình từ nhỏ âm vang lời kêu gọi của Thiên Chúa và Nhiên mong rằng sẽ làm thỏa mãn khát vọng của những người sinh thành. Trong những lúc ấy tôi ngó lên ngọn đèn điện yếu mỏng chập chờn như muốn tắt".
*
Giữa lúc có một nhân vật trong sách nói rằng:
"Cầu Chúa che chở cho cái thằng sâu kiến lúc nào cũng tưởng mình lớn ngang Đức Chúa. Làm chữ thập và quỳ xuống" lại là những lúc người của thời đại thấy ngọn đèn tin tưởng… hiu hắt.
Vì có gió… và giọng nói của nhân vật chẳng phải là giọng của một người tin tưởng – mà là của một người đương vũ phu với mình và với cả nhân sinh… Giọng nói thiếu ôn tồn…
Người thanh niên muốn
lựa chọn – nhưng không được rồi, không được rồi…! Vì thời ấy là thời kháng chiến chống thực dân: ở Hà Nội, thì mình nhớp nhúa và xa lạ với chính mình và có ấn tượng như tâm hồn người ta chưa tắm – kể cả mình; còn ra hậu phương thì
"cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình".
Tất cả vấn đề là ở đó vậy. Hay nói một cách khác: tất cả vấn đề không phải là ở đó nữa!
Vậy ở đâu? Làm sao cho vơi cái
hiện hữu của chính mình trong đời sống – trong cái bãi – ôi bãi – nhân sinh đầy
hiện hữu? Thì làm quách một số cử chỉ "hiện sinh" cho nó xong đi một điểm thời gian có bắt đầu và có dứt… tạo thêm một cái
lóng nữa cho đời sống cá nhân như một cái dây dài mà lóng đã theo nhau nổ, rạn một vài chỗ ở tâm hồn, nứt một vài chỗ ở nhất trí –
sử tính (historicité) nặng thêm:
Nhà Phật nói:
Nghiệp!
Bếp lửa, trang 68, có câu này:
"Và đêm hôm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn". Tôi trong sách là một người con trai.
Hạnh trong sách là một người con gái. Chi tiết nhân sinh ấy lạnh lùng xảy ra – dửng dưng xảy ra. Như trời dửng dưng nắng. Như trời dửng dưng mưa. Một chuyện dửng dưng xảy ra – không ai ngăn chuyện dửng dưng. Trước và sau chuyện dửng dưng, không có ý con người can thiệp vào… Mà nhất là hương vị dửng dưng
ấy vọng lên, phát sinh một cách
trừu tượng từ văn, từ ý, từ lời – từ kỹ thuật
viết, từ kỹ thuật
kiến trúc… người đọc
cảm mà không thấy không đón bằng thị giác thính giác kể cả thông minh, vì thông minh thường để
hiểu mà thôi… chẳng hạn.
Chuyện văn chương
hay, nó thế: trừu tượng! Cũng như cái buồn buồn nản nản ấm ấm: người ta đọc Sagan thì thấy có một cái gì len vào tâm tư. Cũng như cái
phi lý dửng dưng trong nhân sinh, người ta đọc
L’etranger thì thấy có một cái gì len vào tâm tư. Thế thôi: không có đơn vị đo lường nào đo lường được! Người viết văn giỏi thì phản ảnh hay thể hiện được; người dở thì không. Bởi thế cho nên nói chuyện
văn nghệ, ai cũng phải dấm dớ, nói loanh quanh… nói mãi mà cổ kim đông tây không ai nói cho gọn, cho khúc chiết… Chuyện! Nếu gọn và khúc chiết được như trong phòng thí nghiệm thì lại đã chẳng là
văn nghệ!
Bếp lửa cũng vậy: người ta đừng đọc nó trong phòng thí nghiệm – kể cả người khen, kể cả người chê. Dù cho có muốn
chê Tuyền, cũng phải thừa nhận rằng Tuyền có văn tài lớn…
*
Và trang 83, trong
Bếp lửa, có ghi một chi tiết này:
"Tôi quay mặt ra đường. Tôi nhận thấy bụng Thịnh mang thai". Thịnh là một nhân vật đàn bà nữa của
Bếp lửa. Nhân vật đàn bà ấy bị một nhân vật khác là Đại yêu rồi hình như bỏ đi… thì phải – để cho người yêu có thai và sẽ chửa hoang…
Và hình như nhân vật Tâm, người xưng
tôi trong sách, định rằng nếu gặp người phụ bạc đàn bà là Đại sẽ
"đập vào mặt nó".
*
Thế là luân lý cổ truyền còn lại một chút hình bóng trong lòng người – người thanh niên thời đại vẫn còn là người cho chúng ta mến được. Chẳng phải biết
"đập vào mặt" một kẻ bất nhân thì đáng mến đâu: một
người hiện sinh nào cũng đáng mến chứ, nếu họ đáng mến!
Nhưng thế thì hơn, Thanh Tâm Tuyền không muốn để
chủ quan tính của mình vào sách làm gì, những người như thế, việc như thế, tác giả phản ảnh trưởng thành nó – chàng
lạnh lùng phản ảnh nhân sinh, rồi kệ nó, tự người tự việc, nó
nói lấy – xin nói lại: nó
nói lấy.
"Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi". Tâm nói vậy vì Tâm
"chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế".
Cũng may. Còn hình bóng quê hương – đó là
tấm ván cứu sống người thanh niên bám vào để bơi vào… bờ nhân sinh.
Cuốn
Bếp lửa là một tấm gương phản chiếu trung thành cả một thế hệ: nó có giá trị như một bức tranh do một họa sĩ tài họa ra để làm gương kim cổ: cứ mỗi khi có những cuộc chiến tranh hay một cuộc cách mạng lật đi những trang sử xanh thì lại có một thế hệ làm
nạn nhân của chính mình – mà không làm sao gỡ được: con người bất lực, với người với mình, vì người vì mình, cho người cho mình. Hòa mình với số đông thì không được, không vẹn, mà hòa mình với chính mình thì bất lực –
lịch sử thật quả là một
đại họa của con người. Nếu quả tình có Thượng Đế thì thật Thượng Đế coi người như chó rơm - không thời đại nào Lão Tử, Trang Tử và Liệt Tử có mặt như thời đại này.
Trên phương diện
nhận định, hình như con người đương sống lại một thời
Hy - La (grécolatinisme) mới – khuất phục được những
thế lực rất phi lý, cầm cân nẩy mực, vẽ tranh vân cẩu, tạo bể dâu… Con người bị bỏ lại với chính mình, bơ vơ, cô đơn. Con người bất lực – bất lực với chính mình, với tha nhân, với nhiên giới mà con người cứ tu là đã chinh phục rồi!
Thế lực phi lý ấy không ngăn được người siêu phàm Einstein đã làm mấy bài toán để cho nguyên tử lực phát sinh – để cho loài người sắp tự sát; mà cũng không ngăn được chàng Tâm trong
Bếp lửa – như cả một ngàn lẻ một chàng Tâm khác – cô đơn và hết lối thoát, bám lấy tình
máu mủ và
quê hương, như là bám lấy bọt.
Một thứ quan niệm
Hy - La mới (néo – grécolatinisme) với hình bóng một nhận định về
định mệnh mới (néo-fatalisme) gây một thứ guồng nhân sinh: chui vào rồi tù hãm! Và cái thế hệ có giá trị
nhân văn và
sáng tạo (valeur humaniste et créatrice) nhiều nhất là thế hệ thanh niên nơi đất nước này lại là mặt trận thế hệ bước vào và tù hãm nhiều nhất!
*
Người ta xem sách như ngắm tranh. Tranh đẹp thì yên lặng cảm thông với tranh rồi yên lặng trầm trồ… Những tiểu thuyết như
Bếp lửa không đòi hỏi một sự phê phán huyên náo và tưng bừng. Nó đẹp như vang lên một mẩu âm thanh, như nổi lên một màu sắc – thị giác, thính giác và tất cả cái thông minh của con người đón lấy rồi cùng với văn nghệ phẩm yên lặng trong cảm thông.
Tôi đã thưởng ngoạn
Bếp lửa như vậy – không hề đòi hỏi ở nhà sáng tác những gì chỉ có triết gia, luân lý gia, và ông Cò quận Nhất… mới làm được,
giải quyết được. Kể cả nhà chính trị!
Ấy là chưa nói rằng mỗi người trong chúng ta, ai lại chẳng phải là luân lý gia của chính chúng ta hơn một lần rồi – còn đòi nhiều ở nhà văn nghệ làm gì nữa! Tự văn chương nó đã
nói nhiều rồi.
*
Tôi nghĩ vậy trong khi đọc
Bếp lửa – cho nên tôi thấy nó hay lắm, đã làm tôi bâng khuâng rất lâu trong thời gian. Vả lại có được như vậy cũng là nhờ kỹ thuật
hành văn và
"kiến trúc" – nói một cách khác, cái
giọng của cuốn truyện. Bút pháp Tuyền nằm trong đó – nằm trong cái
giọng.
Mà bút pháp thì thật là không thế nào phân tích nổi. Nó như thế là như thế. Như thế đấy là hay chẳng hạn. Như thế kia là dở chẳng hạn. Ở Thanh Tâm Tuyền, nó
hay một cách dửng dưng – không ồn. Lặng… Kín.
*
Người ta đọc sách ngắm trăng nghe nhạc với cả tâm hồn – xin nói lại – với cả tâm hồn, chớ chẳng phải với riêng tư một quan năng nào của cơ thể, hay của tâm, của trí, của lý.
À, đọc xong sách như sách của Tuyền rồi – nếu có ai tìm xem thêm sách triết lý và luân lý riêng tư nào đó nữa, thì càng tốt.
Còn nhà văn nghệ, việc của họ có hạn, thiên chức của họ có hạn. Cái chuyện nhà văn nghệ chiếm cả vai trò triết gia và luân lý gia và quan tòa tư pháp – thì hoặc đó là một quái thai văn nghệ, hoặc đó là một nhân tài cỡ siêu nhân, thì lại phải bao nhiêu thế kỷ nữa mới có một.
Nghĩ về
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, tôi không nghĩ như nọ như kia… Và không tham…
Vấn đề giải quyết… và hướng lên trong văn thơ
Vấn đề này lôi tôi vào vòng ba giới: giới sáng tác, giới đọc sách và giới xen vào giữa là giới phê bình…
Người sáng tác thì tự mình đòi chính mình phải viết như thế này … phải viết như thế nọ… cho sách
hay – người đọc sách, trong đó có cả người của chính quyền nếu chính quyền đó là chính quyền đòi có mặt trong văn nghệ chẳng hạn, thì đòi ở người sáng tác một số nguyên tắc phải theo để thỏa mãn ý thức hệ chính thức, - còn nhà phê bình thì chiều theo đòi hỏi của thời đại, chờ ở nhà sáng tác những tiểu thuyết, những kịch phẩm, những bài thơ…
hay. Cứ dùng chữ
hay là đủ, là gọn: riêng một chữ
hay không cũng đã chứa cả một dung tích cứ nghĩ tới là nhà sáng tác đã phát… lạnh xương sống!
Số là ngày xưa, vào những năm 1948, 1949, 1950, những năm trước khi đi tù, tôi có viết một số bài
phê bình, và
khảo luận về văn nghệ. Ở đời nó vậy, hễ mới tập tành theo một
thuyết văn nghệ nào đó… thì bao giờ cũng say mê và làm mặt… nghiêm khắc (rigorisme) – mãi sau này tôi mới thấy cái… lố của chính mình, chính mình đã "ấu trĩ" trên cương vị một nhà phê bình. Nói quả tình hồi ấy có một vài bạn trẻ lại cho tôi là… đúng mới là khổ cơ chứ! Khi viết, tôi tập tành áp dụng
duy vật biện chứng pháp, và tôi đòi thiên hạ phải theo
tả chân xã hội (réalisme- soicialiste) làm khuôn thước văn nghệ. Rồi cứ mỗi cuốn tiểu thuyết ra đời, tôi lại đưa cái chủ quan của tôi ra, hướng hết mọi luận cứ về mấy nguyên tắc mà tôi mới học được, rồi phê bình rằng cuốn này không
giải quyết gì cả, cuốn nọ không đưa ra một
kết luận gì cả, tác giả không gợi một biện pháp nào cho
vấn đề đặt ra trong tác phẩm… nghĩa là, như tôi đã nói, tác giả không
giải quyết gì cả… Rồi tôi vác "khuôn vàng thước ngọc"
duy vật biện chứng pháp ra mà múa – mỗi một đều cho rằng phải thế này mới là văn nghệ, phải thế kia mới là văn nghệ… làm như nhà văn nghệ là đấng tối cao –
giải quyết hết mọi vấn đề và muốn
giải quyết là được. Rồi tôi cho rằng sách mà không
giải quyết là sách dở…
Đấy, cái bịnh "ấu trĩ" văn nghệ (infantilisme littéraire) của chính tôi là bệnh
giải quyết. Trước tôi có một người giỏi hơn tôi là Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa. Trước Trương Tửu có một người giỏi hơn Tửu là Paul Lafargue. Trước Paul Lafargue có một người, tuy là ông tổ phê bình duy vật biện chứng nhưng lại mềm dẻo hơn, là Taine: té ra những kẻ sinh sau Taine lại "bảo hoàng hơn vua" (plus royaliste que le roi) mới là hài hước!
Đến đây, tôi xin nói ngay rằng phải để những nhà
phê bình cộng sản (critique communiste) ra một bên – họ khắt khe là phải, vì ở vị trí họ, với lăng kính họ, với cái kính vạn hoa của họ, họ phải
nhìn văn nghệ thiên hạ như vậy cho hợp với ý thức hệ của họ – chúng ta không nên trách. Chớ Trương Tửu và tôi, thì việc gì mà cũng mặc áo duy vật biện chứng vào rồi thì phê phán thế này phê phán thế nọ? Chẳng qua chỉ để làm cái mặt "độc đáo", cái mặt thông thái, cái mặt "hợp thời trang" mà thôi!
Tôi phải xin nói ngay rằng tôi không kết án cái phương pháp
duy vật biện chứng trong văn nghệ, tôi không chống, trái lại, tôi còn cho nó là một tác phong phê bình có giá trị, nó phong phú hóa thông minh con người và
văn hóa tính của lịch sử. Tôi chỉ muốn nói rằng nên dùng nhưng phải dùng cho mềm dẻo, cho linh động: chúng tôi hồi đó chỉ theo một mớ
giáo điều mà thôi! Cái gì cũng do kinh tế mà phát sinh… Ừ thì văn hóa là sản phẩm của kinh tế thì tương đối đúng rồi, chứ còn có phải cái gì cũng vì kinh tế mà phát sinh đâu! Một cuốn sách ra đời: kinh tế. Một chị Năm ngả ba chú Ía gây lộn: kinh tế. Ăn cơm với mắm bò hóc: kinh tế… Mỗi mỗi cái gì cũng đều là kinh tế mà có: nhai mãi mấy cái
kinh tế và
xã hội… phải chóng mặt!
Thật ra, cái việc
giải quyết một vấn đề rắc rối đặt ra trong một cuốn tiểu thuyết, trong một kịch phẩm, cái việc gợi ra một biện pháp
luân lý - xin nói lại,
luân lý – trong một kịch phẩm đã đặt ra một vấn đề luân lý trong sách… là việc của triết gia, của luân lý gia, của mấy cuốn luân lý giáo khoa thư, của ông Cò quận Ba chẳng hạn…
Nhà tiểu thuyết phản ảnh đời sống một cách linh động: chỉ có vậy thôi. Còn nhà tiểu thuyết làm sao để
tác dụng lại đời sống, đó lại là một vấn đề khác… Sao lại bắt André Malraux phải giải quyết cả một vấn đề cách mạng Tây Ban Nha năm 1936 trong cuốn
Hy vọng (L’espoir). Sao lại bắt Hemingway phải giải quyết vấn đề nhớp nhúa của chiến tranh trong cuốn
Từ giã chiến tranh (Adieu aux Armes)… Tôi đọc hết cuốn
Bão tố (La tempête) và bộ
Sóng ngầm (Lames de fond) của Ehrenbourg, mà tôi chỉ thấy Ehrenbourg vẽ những bức bích họa (fresques)… chứ Ehrenbourg có giải quyết như những nhà luân lý, hay bắt chước ông Cò quận Ba phê phán thế này thế nọ – kể cả là thay mặt Thượng Đế để
thưởng và
phạt! Sách của Ehrenbourg chỉ là những bức bích họa phản ảnh Âu châu trong Đệ nhị Thế chiến và sau Đệ nhị Thế chiến. Nghĩa là Ehrenbourg là "họa sĩ" có tài. Vậy thôi. Vậy là được.
Đã có người đem vấn đề tinh thần nghệ phẩm ra bàn với Frédérico Fellini – mà ai cũng biết – Fellini bèn dựng Tchékov dưới mồ dậy và viện Tchékov ra để củng cố ý tưởng của mình, vì Tchékov nói rằng: chúng tôi kể chuyện hai gã ăn trộm ngựa, thì chúng tôi chỉ biết kể chuyện ăn trộm – còn chuyện nhốt chúng lại hay không, là việc của ông Cò quận Nhất hay quận Nhì… chứ!
Tôi tán thành Tchékov và Fellini. Nhưng tôi tán thành với dè dặt – nghĩa là thuyết văn nghệ hay thuyết phê bình văn nghệ gì cũng có giá trị cả, hay hay không là ở nhà phê bình có linh động hay mềm dẻo hay không. Nguyên tắc nào mà đã dựng thành giáo điều (dogme) thì cũng dở cả: áp dụng nó mà nhắm mắt lại mà áp dụng thì đều cũng là bệnh "ấu trĩ" (infantilisme): ấu trĩ cho người sáng tác cứ phải theo cho đúng
giáo điều để tác phẩm
hay (rồi hay đã không hay, lại dở, đó là trường hợp cuốn
Terres défricheés của Cholokov). Quả tình tôi dám đem cả nhà cửa vợ con ra mà cá rằng khi viết
La tempête và
Lames de fond, Ehrenbourg chưa từng theo đúng nguyên tắc
tả chân xã hội bao giờ! Muốn tỏ rằng đúng, tôi xin kể thêm chuyện sau đây để bà con "thẩm" và để chứng minh rằng tôi cũng có chút tinh đời: khi Ehrenbourg đưa bản thảo cuốn
La tempête ra giữa Hội Nhà văn Sô Viết, thì toàn diện Hội Văn nghệ mồm năm miệng mười, chúng khẩu đồng từ nói rằng không không sách Ehrenbourg… không
tả chân xã hội (réalisme socialiste) một tí nào! (Mà Hội nói thất cứ không phải Hội lầm!). Ehrenbourg bèn nói rằng: "Thưa các đồng chí, tôi đã đưa cho đồng chí Staline coi rồi, đồng chí nói rằng đó là một tác phẩm lớn!". Thế là cả Hội Văn nghệ im thin thít – và từ đó cuốn
La tempête thành sách thần tượng… Mà
La tempête lại hay thật! Người viết bài này đã đọc nó
ba lần – ba lần!
Tôi vừa mới nói rằng ai nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ: trước hết là ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng chỉ theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả – trong đó có chính quyền nếu chính quyền đòi quyền có mặt – chờ ở nhà sáng tác một vạn yếu lý: nào
đòi nào
buộc… làm nhà sáng tác chết cả hứng và mất cả tự do.
Bây giờ xin nói đến một tác phong đòi hỏi thứ hai – tôi chỉ xin nói vài nếp căn bản, nếp thông thường nhất… Là tác phong đòi hỏi
hướng thượng. Hướng thượng nghĩa là hướng đi lên, không đi xuống. "Bệnh" này có thể là một "bệnh" biến thể hay là hậu quả của "bệnh" thứ nhất.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu thế nào là văn nghệ "hướng lên" trong nhân sinh, trong lịch sử, trong xã hội – trong sự tiến hóa của loài người.
Vì tôi cho rằng, trước hết là chỉ có vấn đề sách
hay và
dở đã. Hoặc là nó đã xong sứ mạng lịch sử và xã hội của nó như tiểu thuyết tiền chiến của Tự Lực Văn Đoàn thì người ta không đọc nó nữa, để nó vào vị trí của nó trong thư viện. Trong trường hợp đó, không có vấn đề hay dở, mà chỉ có vấn đề giá trị thời đại. Hoặc là nó là một cuốn tiểu thuyết văn chương không hay, kỹ thuật bố cục không hấp dẫn, thì người ta không đọc nó và trả nó về cho… tác giả nó. Trong trường hợp đó, người ta đặt vấn đề
hay và
dở – và đó là sách dở, dĩ nhiên.
Hoặc là nó là một cuốn tiểu thuyết
văn chương độc đáo,
kỹ thuật mới – thì nếu nó phản ảnh tâm trạng của thời đại một cách trung thành, thì phải cho nó là
hay chứ! Hay là chúng ta lại vác mấy nguyên tắc "giải quyết" và "hướng lên" ra mà tuyên án thế này hay thế nọ?
Những bàn tay nhớp (Les mains sales) của Jean Paul Satre,
Những kẻ tử vô địa táng (Morts sans sépulture) của Jean Paul Satre,
Những miệng ăn hại (Les bouches inutiles) của Simone de Beauvoir,
Trò kháng chiến (Drôle de jeu) của Roger Vaillant… là tiểu thuyết và kịch phẩm chứa
hướng gì? Không thể nào nói rằng đó là những sách có
hướng lên được! Ấy thế mà chúng hay vô cùng! Thôi như cuốn
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền mà tôi cho là một cuốn tiểu thuyết lớn của giữa thế kỷ XX, thì không thể nào đem những nguyên tắc
hướng lên, hướng xuống hay
giải quyết ra để quy định giá trị được. Nó hay, nó có giá trị: vậy là đủ. Còn nó hay ra sao, giá trị nó ở đâu, đó lại là một vấn đề khác rồi!
Ấy là chưa nói rằng, nếu cứ nói mãi chuyện
hướng này với
hướng nọ, thì còn có sách gì hướng thượng hơn là
truyện của tiền nhân chúng ta: truyện nào cũng dạy siêng năng để đậu thám hoa, để lấy con nhà cành vàng lá ngọc… - còn có
truyện gì… hướng
xuống – xuống rất thấp nữa là khác – hơn là
Đoạn trường tân thanh: nếu nó có hướng lên thì những nhà chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… lại đã chẳng mất thì giờ đưa Nguyễn Du ra tòa án văn học lịch sử – để đến nỗi sân khấu văn học ồn ào sôi nổi lên một dạo!
Vì vậy, chuyện hướng lên và hướng xuống thật chỉ là một vấn đề tương đối – ấy là chưa nói rằng cũng một cuốn tiểu thuyết hay một kịch phẩm, v.v. nhà phê bình – cũng như chính quyền văn học, cũng như độc giả – muốn nói nó là
hướng gì cũng được: đó là tùy ở lăng kính của mỗi người, và cũng còn tùy ở lòng thương hay lòng ghét rất… chủ quan của mỗi người.
Tôi còn nhớ cách đây mười mấy năm khi cuốn
Les mandarins của Simone de Beauvoir được giải Goncourt, và được văn học thế giới trầm trồ, Jacques Laurent đã viết một bài rất dài, rất tàn nhẫn để dội lòng ghen ghét nhớp nhúa lên cuốn truyện – nào ai cấm! Nào! Thế thì, trong trường hợp đó, đặt vấn đề
hướng ra sao?
Cách đây mười mấy năm, khi viết một số bài phê bình, tôi cũng đã có cái tác phong thứ hai ấy – một tác phong thái độ văn nghệ làm cho nhà phê bình thì làm mặt quan tòa cầm cân nẩy mực, phán thế này, phán thế nọ… làm cho nhà sáng tác thì đôi khi sợ phê bình hướng này hướng kia mà khiếp vía, vừa sáng tác vừa ngại – giữa lúc độc giả thì cũng ngơ ngơ ngác ngác dửng dưng vậy thôi, đọc cứ đọc, xem cứ xem, theo tiêu chuẩn riêng của họ để phê phán. Và giữa lúc ấy ai cũng say mê
Pour qui sonne le glas của Hemingway,
Les raisins de la colère của Steinbeck… mà không hiểu hai cuốn đó đã theo
hướng gì trong văn nghệ! Thực ra, họ cũng chẳng tìm hiểu làm gì. Hay là được! (À, xin thêm rằng hai cuốn đó đảng cộng sản không tha thứ – mà lại sẵn lòng tha thứ co Ehrenbourg không
tả chân xã hội một chút nào! Chuyện lạ!).
Nếu nói vậy thì rồi ra không có tiêu chuẩn văn nghệ gì sao? Người ta sẽ hỏi vậy.
Khá rắc rối! Loài người chia làm hai khối: tự do và cộng sản: giữa có một biên giới. Chân lý lớn vật vờ không biết ngã ở đâu! Các người làm chính trị, họ có quyền lợi của họ, họ phải tranh nhau lôi
chân lý về cho họ –
chân lý: mặt mũi ra sao, màu sắc thế nào, dung tích bao lăm, kích thước bao nhiêu… Những nhà văn nghệ bên nào phụng sự bên ấy, ai phụng sự cứ phụng sự… đã biết thế, nhưng chuyện văn nghệ là chuyện tượng trưng – chúng ta định
hướng gì cho văn nghệ? Cái chuyện hướng lên và hướng xuống chỉ là chuyện nói cho có chuyện mà nói: một khi không biết
Les raisins de la colère của Steinbeck hay
Drôle de jeu của Roger Vaillant chẳng hạn – bị người cộng sản chỉ trích – là hướng gì, thì không thể dựng mấy ý tưởng ấy thành nguyên tắc, dựng mấy nguyên tắc ấy thành giáo điều được! Nếu có bạn nào cãi tôi thì tôi lại một lần nữa bỏ văn chương chữ nghĩa cơm đùm cơm gói, hăm bốn giờ trên hăm bốn giờ, để bênh vực cho giá trị của hai cuốn
Les raisins de la colère và
Drôle de jeu… chẳng hạn. Ấy là chưa nói rằng, không bao giờ có một cuốn "văn phạm" văn nghệ nào quy định
hướng này
hướng nọ cho tiểu thuyết, cho kịch phẩm, cho thơ – trừ mấy cuốn giáo lý của đảng cộng sản họ làm ra cho người của họ, nhà sáng tác của họ, nhà phê bình của họ, dân tộc của họ… xem và theo!
Thực ra thì chỉ có vấn đề
tinh thần của nghệ phẩm mà thôi – của những tác phẩm
hay. Hay trước đã: rồi nói chuyện
tinh thần sau. Tiếng Pháp gọi là
esprit: esprit du roman, esprit d’une pièce de tragédie… Gọi là
tinh thần cũng được, gọi là
lý thuyết cũng được – đó là cái
ý thoát ra, vọng lên và tỏa ra từ nghệ phẩm.
Người đọc đọc xong sách, bị
vướng một cách ám ảnh bởi một cái ý gì đó: một cái hình gì đó, một cái bóng gì đó, một cái lẽ gì đó – có thể đó là một âm thanh ám ảnh thính giác, một màu sắc ám ảnh thị giác, một ý tưởng ám ảnh thông minh – một tiếng kêu thuốc, một lời than thở, một cảnh đau lòng – mà cũng rất có thể là một niềm vui gây hăng hái… Nhất là nó
ám ảnh… ám ảnh…
Tôi xin viện chứng cớ để củng cố cái "thuyết" của tôi: tôi thì tôi đề cao cái
hay trước, rồi tôi đề cập tới cái mà tôi gọi là
tinh thần hay cái ý thuyết của tác phẩm sau.
Này nhé.
Đọc xong
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, chúng ta thấy khí hậu sĩ phu tín đồ của Trang Tử, Liệt Tử thiệt là đẹp – một thứ đẹp kín đáo, xa, trừu tượng, đem người gần lại, đem người thân mật hơn với cổ nhân. Dù có ai ghét giai cấp sĩ phu cũng phải thấy phát sinh trong lòng một niềm tôn kính xa xôi – xa xôi lẫn nhớ, lẫn tiếc, tiếc thương những gì đã dứt trong thời gian.
Đọc xong
Cô gái giang hồ có lễ độ (La putain respectueuse) của Jean Paul Satre, chúng ta thấy thương cho cả một dân tộc chỉ vì khác màu da với màu trắng mà bị hành hạ… và chúng ta buồn quá, buồn quá cho một nước có cả một nền văn minh lớn, dùng ba tấc lưỡi – buồn cho cả một nền công lý, một nền tư pháp… mà ra nông nổi ấy à?
Đọc xong vở kịch
Đại úy Foster thừa nhận mình có tội ở tòa (Le capitaine Foster plaide coupable) của Roger Vaillant, chúng ta thấy thương cho dân tộc Đại Hàn – ghét cả cái lũ tư bản dân tộc làm giàu bằng chiến tranh xây tài sản trên xương máu đồng bào…
Đọc xong
Chùm nho uất hận (Les raisins de la colère) của John Steinbeck, chúng ta có thiện cảm muốn gần những người nghèo ở miền Tây Hoa Kỳ nạn nhân của máy móc…
Và đọc xong
Kháng chiến gì lạ quá (Drôle de jeu) của Roger Vaillant,
Chuông cáo phó đánh cho ai (Pour qui sonne le glas) của Hemingway, chúng ta thấy muốn cùng tranh đấu với "maquisards" của Pháp và của Tây Ban Nha… cho
tự do của loài người…
Và trở lại với văn học chúng ta thêm một lần nữa, đọc xong
Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền chúng ta thấy muốn gần cả một thế hệ thanh niên một sáng… bị ném ra giữa nhân sinh với tất cả những băn khoăn thao thức, với tất cả những lạc lõng giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội tan vỡ chung – ta là ai, người là ai, đâu đây, trước ta có ai, sau ta đương làm gì, người tiền bối và người đàn anh để lại một thứ "gia tài" tan vỡ nhớp nhúa không kèm di chúc… Lòng chúng ta buồn, lòng chúng ta giận: giận ai, buồn những nỗi niềm… nhưng buồn ai giờ đây – hay chỉ giận chính mình?
Rồi chúng ta trở qua Tây Ban Nha, đọc
Hết hy vọng (La fin de l’espoir) của Hermanos (do Jean Paul Satre đề tựa) để kêu thương với cả một dân tộc bị tàn sát vì tranh đấu cho tự do… Thương cho chàng Hermanos và giận cho những dân tộc giả điếc làm ngơ khi… thiên hạ kêu thương – buồn mửa cho sự giả dối trơ trẽn trắng trợn của những dân tộc gọi là dân chủ – và có thêm ấn tượng rằng nhà triết, nhà văn, nhà thơ… kể cả nhà viết sử cứ cao đàm hùng biện rằng
con người là có giá trị "nhân bản" lắm lắm, con người là đáng quý nhất trong vạn vật, nhưng thực ra thì
con người cũng chẳng có gì là… đáng. Ấy chẳng qua con người tự phụ đó mà thôi – mà thôi – có ra cái quái gì cái giống người – giống khỉ, giống dơi, giống cá lóc, giống kiến: kiến chết từng bầy thì
người cũng chết từng bầy, kiến cắn kiến thì người cũng cắn người, kiến cắn kiến kiến không kêu, người cắn người thì lại nói nhân đạo và diễn thuyết… Chúa Kitô vẫn thương con người nhiều, Phật Tổ vẫn dạy con người vo cho tròn quả phúc! Nhưng con người ăn ở với
mình với
người như lợn mà đòi đủ thứ: đòi hạnh phúc, đòi Thiên Đường, đòi Niết Bàn… đòi đủ, đòi không được cũng khóc như con nít vậy – khóc mà ai thương!
Vậy chứ trong những cuốn tiểu thuyết và những vở kịch tôi đã kể đó, thiên hạ đặt vấn đề
giải quyết và vấn đề
hướng lên và
hướng xuống ra sao? Đặt ra sao, đặt vào chỗ nào, đặt ở đâu cho đúng chỗ, đặt thế nào cho hợp tình, hợp cảnh – nhất là hợp với
thông minh hiểu biết của mọi người: cần phải hợp lý, đừng ép, đừng gượng, cho thoải mái dễ hiểu, đừng phiến diện, đừng chủ quan vẩn vơ…
Ấu trĩ thay, ấu trĩ cho người sáng tác, cho người đọc, cho nhà phê bình. Văn học Âu châu có bệnh ấu trĩ. Mình cũng có… bệnh ấu trĩ!
Tốt hơn là nên học bài học của thiên hạ: nên trưởng thành (maturité) – vượt giai đoạn ấu trĩ (infantilisme) vẫn hơn!
Thực ra, chỉ có sách
hay và
dở, hay hay
dở. Hễ dở thì loại đi: người sáng tác đừng sáng tác như thế như thế – vẫn không hay, kỹ thuật kém – thì người đọc khỏi phải đọc, và phê bình gia khỏi phải mỗi lúc đem khuôn vàng thước ngọc ra đòi thế này, đòi thế kia… làm nhà sáng tác hết vía!
Còn nếu
hay thì tìm xem tác giả muốn
nói gì, nói một cách khác, coi tinh thần sách (esprit de l’oeuvre) là gì, tác giả muốn
nói gì, bày
cảnh gì, phản ảnh
tình gì – tác phẩm chỉ là một lợi khí có giới hạn, không thể một lúc mà nói cả một vạn chuyện, phản ảnh cả một vạn tình vạn cảnh, chứa một vạn ý, ghi cả một vạn câu danh ngôn. Không thể
đòi nhiều quá ở nó được!
Nó gây được một niềm vui cho lòng ấm lên; nó gây được sự căm giận những bất công; nó gây được sự nôn mửa… trước những cảnh nhớp nhúa về tinh thần: bất nhân, bất nghĩa, phi đức, phi chân, phi mỹ; nó phản ảnh được máu xương gợi lòng trắc ẩn… nó giục lòng hăng hái, thúc đẩy sự nhiệt thành, v.v. Ấy là sứ mạng nó đã xong!
Sách có hay mới gây được một trạng thái tâm lý như vậy. Người viết có giỏi, viết giỏi, bố cục giỏi, mới tạo xao động trong lòng người, bất kỳ là xao động về hướng nào.
Người viết không nên cho rằng mình phải làm đủ thứ một lúc – người đọc đừng đòi nhiều – người phê bình đừng mặc áo cà sa hay áo quan tòa mà làm nhà sáng tác mất hứng thú, hết vía… Vậy là đủ. Vậy là tránh được những bệnh "ấu trĩ" trong văn nghệ: tránh cho nhau và tránh cho chính mình.
Và người viết bài tiểu luận khiêm tốn về văn nghệ này xin nói một ý cho hết ý – kẻo bị hiểu lầm. Ở đời cũng có những sách: tiểu thuyết, kịch phẩm, truyện ngắn, thơ… không có tác dụng tốt: ấy là những sáng tác tạo ra một cách chói lọi những
những, những
tình, những
cảnh… không đủ lành mạnh. Thanh thiếu niên là hạng người dễ bắt chước, dễ mơ ước, dễ lấy nhân vật trong sách làm thần tượng (mythe). Tâm hồn họ như một tờ giấy trắng – trong như pha lê: khí hậu bên ngoài dễ thấm… Cái may nhất cho thanh niên giữa tiền bán thế kỷ hai mươi là Dũng và Loan trong
Đoạn tuyệt chẳng hạn lại là những nhân vật lành mạnh vô cùng. Vạn nhất – nói ví dụ mà nghe chơi – nếu hai nhân vật ấy mà lại thiếu sức khoẻ tinh thần, thì hai cuốn
Đoạn tuyệt và
Đôi bạn đã lấp chỗ trống của bao nhiêu tâm hồn trẻ tiền bán thế kỷ XX, có tác dụng có hại của nó. Cũng may!
Gọi đó là cái may cũng được. Gọi đó là ý hướng tốt của Nhất Linh cũng được.
Nhất Linh đã chết. Xin gửi thêm một vòng hoa!
Nhưng như vậy thì hình như tôi lại đi hơi xa… vấn đề mất rồi!