© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
14.7.2008
Kiệt Tấn
Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa
 1   2   3   4   5 
 

"Je comprenais la Nausée, je la possédais."
Sartre

"Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng"
Bát nhã Tâm Kinh


A. Dẫn nhập

L’existentialisme, Thuyết hiện sinh của Sartre là triết thuyết rất thịnh hành trong thập niên 1960. Buồn nôn, phi lý là thái độ rất thường thấy trong giới trí thức trẻ vào thời kỳ này. Lúc đó, người viết mới vào lứa tuổi 20 nên không rõ Thuyết hiện sinh là cái gì cho lắm. Bây giờ, hơn 40 năm sau mới có dịp trở lại tìm hiểu cái hiện tượng “buồn nôn, phi lý”, “rong rêu sỏi đá” của các bậc đàn anh mình thời trước.


Rồi buồn nôn chợt đến

[…] Như vậy, khi nãy tôi ở trong công viên. Rễ cây marronnier lặn sâu trong đất, ngay dưới băng ghế tôi ngồi. Tôi không còn nhớ ra đó là một cái rễ cây. Các từ ngữ đã tan biến, và cùng tan biến theo nó ý nghĩa của sự vật, cách sử dụng chúng, những dấu ghi mờ nhạt mà người ta đã vạch trên mặt chúng. Tôi ngồi, người hơi cong, đầu cúi, một mình đối diện với khối vật đen đúa và gút mắc, hoàn toàn thô thiển và nó làm tôi sợ. Và rồi trong tôi chợt bừng sáng. Điều đó khiến tôi ngộp thở. Trước những ngày gần đây, chưa bao giờ tôi linh cảm "hiện hữu" muốn nói lên điều gì. Nếu có ai đó hỏi tôi hiện hữu là gì, có lẽ tôi sẽ trả lời một cách thành thật rằng nó chẳng là gì cả, nó chỉ vỏn vẹn là một hình thể trống rỗng (forme vide) ghép lên sự vật từ phía bên ngoài mà không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật. Và rồi thế đó; bất thình lình, nó có đó, sáng trưng như ban ngày: hiện hữu thình lình được vén màn. Nó đã đánh mất cái dáng vấp vô hại của thể loại trừu tượng: chính nó là cái chất bột (pâte) của sự vật, cái rễ cây này được nhồi nặn trong chất hiện hữu. Hoặc đúng hơn, cái rễ cây, hàng rào của khu vườn, băng ghế, loại cỏ mọc lơ thơ trên thảm cỏ, tất cả đều tan biến; cái đa dạng (diversité) của sự vật, tính cá biệt (individualité) của chúng chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, một lớp sơn. Lớp sơn đã tan chảy, chỉ còn lại những khối chất (masses) quái dị và mềm nhão, hỗn độn – trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu (obscène).

[…] Khoảnh khắc đó thật là phi thường. Tôi ngồi đó, bất động và lạnh cóng, đắm chìm trong một nỗi tê mê khủng khiếp. Nhưng, ngay trong lòng tê mê đó, một điều mới tinh khôi vừa chợt xuất hiện: tôi hiểu sự Buồn nôn, tôi mang nó trong người. Nói đúng ra thì tôi không tự diễn đạt các khám phá của mình. Nhưng tôi tin rằng, giờ đây, rất dễ cho tôi dựng chúng lên thành chữ. Điều cốt lõi là tính ngẫu nhiên (contingence). Tôi muốn nói, theo định nghĩa, hiện hữu không phải là điều tất định (nécessité). Hiện hữu là có đó, giản dị như vậy thôi; các thể vật hiện hữu (existants) xuất hiện, chúng để cho ta gặp gỡ, nhưng không bao giờ ta có thể diễn dịch (déduire) được chúng. (Trích La Nausée, J.P. Sartre, Gallimard xuất bản 1938)

Sartre (Jean-Paul Sartre / JPS) nổi tiếng là người có lối viết triết học vô cùng bí hiểm và tối tăm. Tác phẩm nền tảng của triết thuyết hiện sinh, L’Être et le Néant (Hữu thể và Hư vô) không có mấy ai đọc nổi và thấu triệt được hết những gì mà Sartre muốn thuyết giảng. Chẳng hạn như câu Sartre viết như sau về ý thức: "La conscience est un être pour lequel il est dans son être question de son être en tant que cet être implique un être autre que lui." (Cái gì être? Và être cái gì? Giống như là viết truyện trinh thám. Bí mật hoàn toàn). Theo sự hiểu biết thô thiển của người viết thì đại ý của câu nói "hoả mù" đó là: "Ý thức là ý thức về một cái gì đó khác hơn mình." Và cái ý này là của Husserl. Có thể là đã hoàn toàn hiểu sai ý của Sartre. (Nói khó hiểu thì bị người khác hiểu sai là điều… dễ hiểu). Có người đã diễu cợt: "Triết lý là gì ? Triết lý là nói thật rắc rối về những điều rất là giản dị." Có dụng ý gì trong cái "rắc rối" (cuộc đời) đó chăng?

Bởi lẽ đó, trước khi trình bày quan điểm của mình, người viết thấy cần lược dịch bài diễn giải bản văn trên của JPS, do Jean Vioulac (JV), một giáo sư và học giả am tường triết học Tây phương viết ra, để làm sáng tỏ những điều mà Sartre muốn diễn đạt.


Hữu thể trong trạng thái thô thiển (état brut)

La Nausée (Buồn nôn) mà Sartre viết ra trong đầu những năm 1930 vẫn còn là một trong những ví dụ thành công nhứt của thể loại "tiểu thuyết triết lý". Quyển sách được trình bày như là nhựt ký thân thiết của một người trai trẻ, Antoine Roquentin. Nó dựa trên một phần lớn đời sống của Sartre ở Le Havre, nơi mà ông được bổ nhiệm làm giáo sư trung học sau khi được nhận vào cấp thạc sĩ triết học.

Qua hành động viết lách, Roquentin cố thử tìm hiểu cái cảm giác bất ổn lan man đang làm cho mình khắc khoải, cái mà anh ta gọi là "buồn nôn". Trích đoạn trên là giải đáp cho sự bí ẩn, khoảnh khắc mà Roquentin chợt hiểu buồn nôn là gì: một kinh nghiệm hiện sinh, qua đó cái sự thật của hữu thể hiển lộ. thì ra buồn nôn là một kinh nghiệm của hữu thể trong trạng thái thô thiển (état brut), nơi đó con người đối đầu với thế giới mà không có sự trợ giúp của các điểm chuẩn (repères) quen thuộc, những chữ (mots) hoặc nghĩa (significations). Sự đóng góp có tính cách quyết định của khái niệm "ý hướng" (intentionnalité) chính ở chỗ nó chỉ cho thấy rằng các sự vật tự nó không có ý nghĩa (sens), chúng tiếp nhận một ý nghĩa từ một ý thức (conscience) nhắm vào chúng và quan sát chúng.

Như vậy, đối với một người đi dạo ngồi trong công viên, không có một cái cây nào tự nó, một cái cây bằng chính nó và bởi chính nó, và nó được người ngồi đón nhận y như vậy: thoạt tiên có một mớ dữ kiện thô thiển, những màu sắc và hình thể tiến đến với ý thức trong một luồng (flux) liên tục và không phân biệt, giữa những dữ kiện khác cũng không phân biệt như nhau. Rồi khi đó, ý thức sẽ sắp xếp các dữ kiện, phân biệt màu xanh lục của tàng lá với nền xanh lơ của bầu trời, nhưng lại nối liền nó với màu nâu sậm của thân cây và ban cho tổng hợp đó cái nghĩa (sens) "cây". [(NDT) sens: nghĩa, ý nghĩa].

Lúc đó, buồn nôn (nausée) chính là cái kinh nghiệm qua đó ý thức không thêm gì hết, không áp đặt một ý nghĩa (sens) nào hết lên thế giới, và chỉ bằng lòng đón nhận: kinh nghiệm đó cho thấy rằng hữu thể chẳng là gì khác hơn là sự hiện diện thuần túy ù lì (massive) và không nghĩa lý (insignifiante), cái "chất bột" (pâte) của sự vật có đó, giản dị như vậy, không nguyên do (cause), không lý do (raison).

Sartre định nghĩa cái đặc tánh (caractéristique) căn bản đó của hữu thể là "ngẫu nhiên" (contingence). Nó xuất phát từ tiếng la-tinh contingencia, sự "tình cờ" (hasard). Cái ý niệm triết học của "ngẫu nhiên" đối chọi với ý niệm "tất định" (nécessité): ngẫu nhiên là tất cả những gì cũng có thể khác hơn cái nó đang là (autrement qu’il n’est), tất cả những gì có thể không hiện hữu, và cũng không có lý do gì để hiện hữu (raison d’être). Như vậy, ngay từ trong yếu tính của mình, hữu thể là phi lý (absurde), và chính đó là kết luận của Roquentin trong La Nausée (Buồn nôn): "Khi nãy, tôi đã làm một kinh nghiệm về tuyệt đối (absolu): tuyệt đối hoặc phi lý". [(NDT) Absurde: phi lý, vô nghĩa]

L’Être et le Néant (Hữu thể và Hư vô) hoàn toàn đặt nền tảng trên sự phân biệt giữa hai vùng của hữu thể triệt để đối nghịch nhau, vùng của "être pour soi" (hữu thể cho nó, quy ngã) nghĩa là vùng của ý thức, và vùng "être en soi" (hữu thể tự nó, tự ngã) vốn là cái chất bột ù lì và phi lý mà ta chỉ có thể chứng kiến sự hiện diện của nó. Sartre ý niệm hoá như thế, cái điều mà buồn nôn là kinh nghiệm trực tiếp. (Jean Vioulac - trích Le Point HS. n° 17-2008)

Trích đoạn của Sartre và bài viết trên của Jean Vioulac xác định những từ ngữ thông thường và triết học sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài viết này: buồn nôn, chất bột, hình thể, khối chất, thô thiển, lớp sơn, có đó, hiện diện, hiện hữu, hữu thể, hư vô, ý thức, bản chất, ngẫu nhiên, tất định, ý hướng, phi lý, ý niệm, en soi, pour soi

Đó là những từ ngữ và ý niệm khá phổ thông trong triết học tây phương. Bài viết này cố thử làm một cuộc đối chiếu các quan niệm và ý niệm của triết học tây phương với các quan niệm và tư tưởng đông phương. Đúng hơn là với giáo lý của đạo Phật. Và chính xác hơn nữa là với những luận thuyết được đưa ra trong Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh, gọi tắt là Tâm Kinh. Để cho việc đối chiếu được dễ dàng và mạch lạc, trước hết xin dẫn lại dưới đây một vài trích đoạn bằng Hán văn của Tâm Kinh, sẽ được bàn tới trong bài này.


Bát nhã Tâm Kinh

Quán tự tại bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức […]; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới […] vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc.

Đối với các vị đã làu thông kinh Phật, người viết xin lãnh ý, không dám lạm bàn. Đối với các vị chưa có dịp làm quen với Phật pháp, quý vị có thể tìm hiểu Tâm Kinh qua những kinh sách bày biện trong các chùa hay trong các web sites về Phật giáo. Tuy nhiên, để cho người đọc bình thường có thể theo dõi việc đối chiếu và lý luận, người viết xin trình bày thêm bản dịch từ chữ Hán sang chữ Việt của Sa môn Thích Thiện Hoa, và tóm lược các khái niệm căn bản trong giáo lý nhà Phật liên hệ tới Tâm Kinh:

Ngài Quán tự tại Bồ tát, sau khi đi sâu vào Trí huệ Bát nhã rồi, ngài thấy năm uẩn đều "không" (Bát nhã) nên không còn các khổ.

Ngài gọi ông Xá lợi tử dạy rằng: "Này Xá lợi tử! Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chẳng khác với "không" (Bát nhã), "không" chẳng khác với năm uẩn; năm uẩn tức là "không", "không" tức là năm uẩn.

Này Xá lợi tử! "Tướng không" (Bát nhã) của các pháp đây, nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.

Bởi thế nên, trong "Tướng không" (Bát nhã) này, không có năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức […]; không có nhãn thức, cũng không có ý thức […] Không có "Trí" tu chứng và cũng không có đạo quả để chứng đắc.".

Giải thích các từ ngữ:

Bát nhã: Trung Hoa phiên âm chữ Phạn Prajnà, có thể dùng tạm nghĩa Trí huệ (có chỗ dùng Trí tuệ). Tiếng Anh gọi là Wisdom, tiếng Đức là Weisheit, tiếng Pháp là Sagesse.

Sắc, tức là Sắc uẩn: Các vật chất chứa nhóm lại thành ra những hình tướng, như thân thể và cảnh vật…

Tinh thần: gồm 4 uẩn: thọ, tưởng, hành, thức. Cộng với "sắc" thành ngũ uẩn.

Thọ, tức là Thọ uẩn: Sau khi tiếp xúc với cảnh rồi, sanh ra lãnh thọ (khổ, vui, buồn…)

Tưởng, tức là Tưởng uẩn: Tưởng là tưởng nhớ hình tượng của các cảnh.

Hành, tức là Hành uẩn: Hành là sự thay đổi, biến chuyển của tâm niệm.

Thức, tức là Thức uẩn: Thức là hiểu biết phân biệt.

Pháp: chỉ chung cho tất cả sự vật: tinh thần, vật chất, hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi, thánh, phàm, vân vân… Chẳng những bàn ghế là pháp, cho đến hư không cũng là pháp. Bóng trong gương, trăng dưới nước là pháp, mà lông rùa, sừng thỏ cũng là pháp, cho đến tư tưởng tâm niệm cũng là pháp. Phàm những cái gì, tự nó giữ được cái bản chất của nó, làm cho người ta biết được nó là cái gì, thì đều gọi là pháp.

Niệm: nghĩa là ý tưởng, ý nghĩ. Chánh niệm là nghĩ đúng. Vọng niệm là nghĩ sai, hoang tưởng.

Tướng: tướng của các pháp thì có hình tướng

Tánh: tánh của các pháp thì không có hình tướng

Sắc bất dị không, không bất dị sắc: Tướng của các pháp chẳng khác với Tánh của các pháp. Tánh của các pháp chẳng khác với Tướng của các pháp.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc: Tướng của các pháp tức là Tánh của các pháp. Tánh của các pháp tức là Tướng của các pháp.

Nhãn thức: cái biết của mắt, phân biệt các cảnh sắc.

Ý thức: cái biết của ý, phân biệt các pháp trần (cảnh nội tâm)

Tướng không (Bát nhã): trong Bát nhã chơn không, không có các pháp thế gian, cũng không có các pháp xuất thế gian. Trong Bát nhã Tâm Kinh, sau rốt cũng không có quả vị Phật. Tóm lại, là "không có Đặng cái gì hết cả".

Cái không trong tướng không (không tướng) đây không phải là hư không, ngoan không hay là cái không đối đãi với cái . Cũng không phải thủ tiêu hết các vật hữu hình mà nói là không. Và cũng không phải là cái không của Tiểu thừa (Thiên không).

Cái không đây tức là bản tánh thanh tịnh (bản tánh không), vì không có các hình tướng nên gọi là không tướng (tướng không). Vì nó không sanh diệt, không hư dối nên cũng được gọi là chơn không, hay thật tướng, chơn tướng, chơn tánh, chơn tâm, chơn như, vân vân…

Tóm lại Tánh của các pháp là "chơn tâm thanh tịnh sáng suốt" không có các hình tướng nên gọi là không tướng, hay Bát nhã chơn không.

Bát nhã Tâm Kinh: nội dung của bài kinh Bát nhã (gồm 260 chữ) mô tả về Không, về Không. Người nào nhận thức được rằng sự hiện hữu này là không thường còn (vô thường), không bất biến, luôn luôn thay đổi, thì đó là cái nhìn của Bát nhã.


Khuôn khổ bàn luận

Đã có rất nhiều bộ sách khảo cứu, tham luận được viết ra để diễn giải, giải thích và minh chứng Bát nhã Tâm Kinh. Bài viết này không có tham vọng lặp lại công việc đó. Tuy nhiên, nếu không có công việc tham luận và diễn giải thì khó lòng mà lãnh hội được Tâm Kinh. Đó là chướng ngại không thể nào tránh được. Bởi lẽ, đối với một người được đào tạo trong truyền thống tây phương, rất khó mà thấu triệt được và chấp nhận cái lý luận có vẻ đầy mâu thuẫn và bí hiểm của Tâm Kinh. Dù biết vậy, nhưng người viết cũng sẽ cố gắng hết sức mình để cho bài viết được mạch lạc, cũng như lập luận và dùng chữ sao cho một người bình thường cũng có thể theo dõi và hiểu được. Do đó sẽ không tránh được các đoạn dài dòng và lặp lại, hầu cho lý luận ở đoạn đó được liên tục và dễ lãnh hội. Các ý chính thường khi xen kẽ nhau, không thể nào tách rời minh bạch được, thành thử phải nhắc lại. Bài viết sẽ sử dụng nhiều ví dụ và ẩn dụ cụ thể để diễn đạt các ý niệm trừu tượng, hầu cho việc tiếp nhận các ý niệm và các lập luận được dễ dàng.

Trước tiên, người viết sẽ duyệt qua các quan điểm của Sartre và diễn giải của Jean Vioulac trong hai trích đoạn dẫn ở đầu bài. Sau đó, sẽ đem các điểm này đối chiếu với khoa học, đồng thời cũng đối chiếu với Tâm Kinh và nhãn quan của Phật giáo. Trong lúc đối chiếu, người viết sẽ đóng góp ý kiến và phát biểu quan điểm của riêng mình. Quan điểm nào cũng chỉ là một quan điểm. Nó có thể đúng, có thể sai, như mọi quan điểm khác. Nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với quan điểm của người đọc. Nó có thể được thảo luận thêm, bổ túc thêm, hoặc phản bác toàn bộ.

Cũng cần minh định là bài viết này chỉ giới hạn trong nội dung của trích đoạn La Nausée của Sartre và bài diễn giải của Jean Vioulac về quan niệm triết học của Sartre. Người viết không có tham vọng, và cũng không có đủ kiến thức để bàn về triết thuyết mà Sartre đề ra trong L’Être et le Néant. Người viết cũng không tập trung bài viết vào sự thuyết giảng giáo lý nhà Phật, bởi lẽ đó không phải là mục đích của bài viết này. Bài viết này không có tính cách khảo cứu chuyên môn. Vì vậy, sẽ có những sơ hở thiếu sót không tránh được. Bài viết được phân làm 3 tiết mục chính. Người đọc có thể tìm hiểu thêm các đề tài thảo luận qua những sách vở chuyên khoa.

Bàn luận là bàn luận trên quan điểm. Sartre và Jean Vioulac chỉ là những cái tên được nêu ra để làm qui chiếu, chớ không phải để nhắm vào. Bàn luận quan điểm. Không đả kích cá nhân. Tuy nhiên…


MỘT: Lý do hiện hữu – Ý nghĩa – Phi lý / Vọng chấp – Hý luận

Đi vào vấn đề

Sartre: Hiện hữu là có đó, giản dị như vậy thôi; các thể vật hiện hữu xuất hiện, chúng để cho ta gặp gỡ, nhưng không bao giờ ta diễn dịch được chúng.

Đoạn văn cho thấy, khi bất ngờ đối diện với sự vật, công việc đầu tiên của Sartre là cố gắng diễn dịch sự hiện hữu của nó. Bởi có cố gắng diễn dịch nên mới thấy rằng nó không thể nào diễn dịch được. Diễn dịch là nỗ lực nhằm diễn giải, giải thích. "Hiện hữu là có đó". Đây là một ghi nhận, không phải là giải thích. Nhưng vì nguyên do gì và lý do gì mà thình lình sự vật xuất hiện và có đó? Nó không có đó không được sao? Đâu có gì bắt buộc nó nhứt thiết phải có đó. Vậy mà nó vẫn ngang nhiên có đó, ù lì, câm nín. Không tìm được giải thích, Sartre ớn lạnh. Và buồn nôn.

Jean Vioulac: Kinh nghiệm đó cho thấy rằng hữu thể chẳng là gì khác hơn là sự hiện diện thuần tuý ù lì và không nghĩa lý, cái "chất bột" của sự vật nó có đó, giản dị như vậy, không nguyên do (cause), và không lý do (raison) […] Như vậy, ngay từ trong yếu tính của mình, hữu thể là phi lý (absurde).

Khi đặt vấn đề nguyên do và lý do là ta muốn giải thích cái hiện hữu của sự vật: "Nó từ đâu đến? Đến để làm gì? Và đi về đâu?" Đại để là như vậy. Những câu hỏi muôn đời. Và mỗi người đáp một cách.

Trước hết, cần minh định một điều: Khi đặt câu hỏi, khi đặt vấn đề mà không có giải đáp, có thể là đã đặt sai câu hỏi, hoặc đã ngụy tạo ra vấn đề ngay từ đầu. Triết học và siêu hình có rất nhiều vấn đề ngụy tạo. Chẳng hạn hỏi: "Tại sao (vũ trụ) khởi đầu lại có một cái gì, thay vì không có gì hết?" Đáp: "Phải có một cái gì để cho ông mới có chuyện để mà hỏi!" Cũng giống như “To be or not to be, that’s the question”, thay vì “that’s not the question”. Phải “to be” thì ông mới có “question” chớ.

“Từ đâu đến?” Theo Thiên Chúa: “Con người đến từ cát bụi, và trở về với cát bụi.” Theo đạo Phật: “Con người lẩn quẩn trong luân hồi.” Hỏi: “Cái rễ cây này từ đâu đến?” Nó đến từ hạt mầm của cây. Hỏi: “Sartre từ đâu đến?” Sartre đến từ bụng mẹ. Nếu cứ hỏi tiếp và phăng ngược trở về nguồn, trở về khởi điểm, thì ta sẽ gặp cái “Big Bang”, một trong những thuyết về sự sáng tạo của vũ trụ. Đây là một giải đáp về nguyên do của hiện hữu.

“Đến để làm gì?” Đó là chất vấn về cái lý do hiện hữu (raison d’être) của sự vật. “Cái rễ cây có đó để làm gì? Sartre có đó để làm gì?” Đó là chất vấn về cái “lẽ sống”, cái ý nghĩa của hiện hữu. Nếu có ai đó cắc cớ hỏi Sartre: “Sartre có mặt trên đời này để làm gì? Cái lẽ sống, cái lý do hiện hữu của ông là như thế nào?” Chắc chắn Sartre sẽ nhíu mày và quắc mắt: “Từ từ đã nào. Chuyện đâu còn có đó. Anh phải để cho tôi sống hết cuộc đời của tôi đã, rồi mới biết tôi hiện hữu để làm gì, mới biết cái lý do hiện hữu của tôi là cái gì chớ.” Bởi lẽ đó, cái lý do để hiện hữu đầu tiên và trước tiên chính là hiện hữu chớ chẳng là gì khác. “L’existence précède l’essence”, Sartre cũng không nói gì khác hơn. Hỏi “Để làm gì?”, hỏi lý do hiện hữu là đặt cái cày trước con trâu! Ta thường tìm kiếm một cái gì bên ngoài hiện hữu để giải thích, để minh chứng, để ban ý nghĩa cho hiện hữu. Theo quan điểm của người viết: “Ý nghĩa của đời sống, chính là đời sống. Lẽ sống của “sống”, chính là sống. Cái lý do để hiện hữu chính là hiện hữu.”

Khi hỏi Đến để làm gì?” và ban cho hiện hữu một ý nghĩa, thiết tưởng cái điều này chỉ có chính đương sự mới trả lời cho hiện hữu của mình được mà thôi. Còn như nếu trông mong vào tôn giáo, thì phải chờ đợi cho đến lúc cuộc đời ta hoàn toàn kết thúc, phải đợi đến phán xét cuối cùng của Thượng đế mới biết được. Khi đi từ cái rễ cây không lý giải được mà sang đến cái kết luận phổ quát: “Hữu thể là phi lý ngay từ trong yếu tính của nó”, Roquentin đã kết luận một cách hấp tấp, chủ quan, và cường điệu. Roquentin không phải là Thượng đế. Sartre cũng vậy.

“Đi về đâu?” Quo vadis? Cái thắc mắc và giải đáp cho thắc mắc này thuộc lãnh vực tôn giáo và siêu hình, xin miễn bàn. Một điều chắc chắn: Cuối cùng, mọi người đều đi về nghĩa địa, hoặc là giàn hoả. Không bàn chuyện siêu hình. Ở đây chỉ bàn những chuyện có hình. Dù biết rằng cái hình tướng đó chỉ là giả tướng. Có bàn, càng bàn, càng thấy nó là giả tướng.


Khoa học nói gì?

“Hữu thể có đó, không nguyên do, không lý do.” Tranh luận trong lãnh vực trừu tượng là tranh luận bất tận, và rất thường khi, lúc tạm kết, không thể nhứt quyết là ai có lý, và ai thắng ai bại rõ rệt như hai đội túc cầu trong một trận đá bóng. Bởi lẽ đó, trước hết nên bàn cãi trong lãnh vực cụ thể: khoa học. Đối với khoa học thì khi một vật có đó, là nó có nguyên do và lý do để có đó. Có điều là trong khả năng hiện tại (dụng cụ quan sát, đo lường, phương pháp khảo sát…), đôi khi ta chưa giải thích được, chưa biết được vì lý do nào mà nó có đó. Ta chưa giải thích được tại sao (pourquoi?), và như thế nào (comment?) mà nó có đó. Cái “như thế nào” còn mong có ngày biết được. Còn cái “tại sao” có lẽ ta sẽ không biết được bao giờ. Nhưng cái sự kiện ta không biết không có nghĩa là nó không có. Bằng chứng hiển nhiên: sự vật có đó. Vậy thì giải thích làm sao đây? Đáp: “Chưa giải thích được!” Và tạm đặt tên cho nó là bí ẩn (énigmes). Trong trời đất, trong cõi người, có những bí ẩn từ hàng trăm hàng ngàn năm nay, cho tới giờ vẫn còn là bí ẩn. Người ta gọi là bí ẩn chớ không gọi là phi lý. Kiên nhẫn thì gọi là bí ẩn. Hấp tấp thì la lên phi lý! Nếu tuyên bố vội vàng "Hữu thể là phi lý", thì cũng không có thể kiên nhẫn mà nhủ thầm "Hữu thể là bí ẩn". Cũng đâu có sao.

Những tình trạng "chưa giải thích được" này cũng không hiếm trong hai lãnh vực thiên văn và vật lý. Thiên văn: Trong vũ trụ người ta quan sát được những thiên thể và những hiện tượng mà tạm thời không lý giải được với những thuyết hiện có (thuyết tương đối, nhiệt động, điện từ, cơ khí lượng tử…). Vật lý: Có những hạt tử và hiện tượng nguyên tử mà khoa học, tuy rằng đã quan sát được, nhưng chưa hiểu được nguyên do và lý do xuất hiện của nó. Ngược lại, cũng có những vật chất, tuy rằng trên lý thuyết nó có, nhưng mà ta vẫn chưa quan sát được, như vật chất đen (matière noire), phản vật chất (antimatière)… Tuy nhiên, trong tinh thần khoa học thì không có gì có thể là ex nihilo, nghĩa là từ hư vô mà xuất hiện.

Nhân nói về vật chất, chính vật lý là khoa chuyên nghiên cứu về vật chất, hiện nay cũng không biết vật chất là cái quái gì hết. Hỏi các nhà vật lý đã đoạt giải Nobel: "Vật chất là gì?", các nhà bác học trứ danh này cũng ú ớ luôn. Vật chất là những hạt tử nhỏ li ti? Hay là một làn sóng? Hay là năng lượng cô đọng lại? Hay chỉ là một ảo tưởng do nhiều hiện tượng (nhiều nhân duyên) trong Trời Đất hiệp lại mà tạo ra? Một cái maya, một cái ảo tưởng, nói theo Phật ngữ. Hơn nữa, chính cái "sự thật khoa học" xưa nay được coi như là vững chắc nhứt, bây giờ cũng trở thành nghi vấn. Bởi lẽ các thuyết khoa học cũng đã "trợt vỏ chuối" nhiều phen. Trở lại cái rễ cây của Roquentin, tới khoa học cũng còn chưa biết nó là cái quái gì, mà bây giờ Sartre lại nói về cái bản chất, cái yếu tính và phán rằng "nó không có lý do để hiện hữu" thì quả thiệt là… phiêu lưu văn nghệ (hay triết lý? hoặc siêu hình?). Cái có hình còn chưa biết được, ở đó mà…

Hư vô (néant) khác với chơn không (vide). Hư vô (theo nghĩa của Sartre?) là cõi không còn gì hết, đi vào đó là biến mất tuyệt đối, "tiêu tùng" vĩnh viễn. Còn chơn không (phần nào hiểu theo nghĩa Phật giáo và Lão tử) là cõi không có giới hạn và cũng không có gì, vật chất lẫn không vật chất, nhưng lại có tiềm năng tái tạo hiện hữu (chơn không diệu hữu). Tiềm năng của chơn không nó vô biên. Một bằng chứng cụ thể: chơn không chứa được hết muôn vật, muôn loài, muôn pháp. Theo nghĩa này thì chơn không là "Mẹ của tất cả". Thí dụ: không có chơn không thì lấy gì mà chứa đựng vũ trụ? Lấy đất mà chứa sắt, phỏng đặng chăng? Ngay cả cho rằng quặng sắt "nằm trong" lòng đất đi nữa (thiệt ra thì sắt và đất trộn lẫn nhau, hoặc nằm cận kề bên nhau), thì lấy một chất khác (như không khí) mà chứa thì lại hỏi tiếp: "rồi lấy gì mà chứa?" rồi lại vân vân… vân vân…

Ngay cả Đấng Sáng tạo là Người (?) đã tạo ra vũ trụ (và muôn loài), nhưng thử hỏi Đấng Sáng tạo đứng ở đâu để mà tạo tác? Chẳng lẽ Thượng đế "vô gia cư"? Nếu cho rằng chính Đấng Sáng tạo đã tạo ra chơn không, thì cái chuyện này ai cũng có thể khoanh tay mà làm được. Mà thôi, bàn cái chuyện nầy chỉ là hý luận. "Bất khả tư nghì". Không thể nghĩ bàn.


Cho xem cái "lý do hiện hữu"!

Giờ đây, hãy rời lãnh vực "cụ thể" để đi vào lãnh vực "trừu tượng". Trước hết, tuyên bố "Hữu thể có đó là "ngẫu nhiên", do đó nó không có lý do để hiện hữu" là cướp đoạt ngay từ đầu quyền hiện hữu, quyền sống của hữu thể. Là ngăn chận ngay từ đầu, không cho nó thực hiện các dự tính qua đó nó chứng minh lý do hiện hữu của nó. Tuyên bố như vậy là mù quáng, ngớ ngẩn và độc đoán. Tuyên bố như vậy là tự phong cho mình làm một thứ "Thượng đế bỏ túi", một bạo chúa tự tung tự tác hoàn toàn trong hoang tưởng. Nó cũng giống như chận đầu một đứa nhỏ trước cổng trường, đốt bỏ cặp sách của nó rồi tuyên bố: "Học vấn là "ngẫu nhiên", không có lý do hiện hữu, hoàn toàn phi lý!" Đó là ngăn chặn ngay từ đầu không cho đứa nhỏ học hỏi trước khi ra đời và thể hiện học vấn của mình qua đời sống thực tiễn. Tất cả chỉ vì cái hoang tưởng bày đặt và nằm ở trong đầu của "Thượng đế bỏ túi"!

Kế đến ta lại tuyên bố "Hữu thể không nghĩa lý, không nguyên do, không lý do, phi lý". Đó là những phán xét mang nặng cảm tính và chủ quan. Sự vật có đó. Nhưng ta lại tuyên bố "nó không có nguyên do gì, và cũng không có lý do gì để có đó". Có thể hiểu là "lẽ ra nó không được (phép?) có đó". Nhưng nó vẫn lù lù có đó. Hai điều này nghịch lý. Chỉ một bên có thể đúng mà thôi. Vậy thì bên nào đúng? Cho dù sự vật không hề lên tiếng, nhưng sự hiện diện của nó là một bằng chứng hùng hồnhiển nhiên cho cái lý do hiện hữu của nó. Nó bất cần cái lý do mà ta ban cho hoặc không ban cho nó. "Ông tuyên bố tôi không có lý do để hiện hữu, nhưng tôi vẫn hiện hữu, ông làm gì được tôi? Ông là ai mà đòi tước đoạt quyền hiện hữu của tôi? Ông là Thượng đế chăng?"

Nếu tuyên bố "nó không có lý do để hiện hữu", thì thử hỏi ngược lại: "Sao dám chắc là nó không có lý do để hiện hữu? Cái lý do nào bắt buộc nó không được (quyền) hiện hữu? Nhân danh gì mà tước đoạt quyền hiện hữu của nó?" Nhân danh một cái tín ngưỡng siêu nhiên? Hay một cái triết thuyết siêu đẳng nào đó? Liệu có thể minh chứng được hành động "phủ nhận" hiện hữu của một sự vật, một khi nó đã có đó chăng? Và liệu có thể trả lời những nghi vấn vừa đặt ra chăng? Hay chỉ đáp ngớ ngẩn rằng: "Tại vì tôi (chủ quan) cho rằng nó không có nguyên do và lý do hiện hữu. Không có gì phải chứng minh hết. Thế thôi!"? Bởi lẽ đó, tuyên bố sự vật không có nguyên do và lý do hiện hữu là một khẳng định hàm hồ và độc đoán. Tuyên bố như vậy là "không có lý do" gì vững chắc.

Giờ đây cái rễ cây nó có đó rồi. Bỗng nhiên ta tuyên bố: "Hữu thể là phi lý, ngay từ trong yếu tính của nó!" Rồi chỉ tay vào mặt cái rễ cây mà quát lớn: "Này! Cái rễ cây lạng quạng kia! Mày là ngẫu nhiên! Mày không có lý do gì để hiện hữu. Mày là hữu thể phi lý! Vậy đừng có láng cháng ở đây. Đi chỗ khác chơi!" Được chăng? Nhưng cho dù cái rễ cây nó có riu ríu tuân lịnh đại ca mà đi chỗ khác chơi đi nữa, thì khi di tản, nó cũng bê sự hiện hữu của nó theo. Có phủ nhận cái lý do hiện hữu của nó cũng chỉ là ngớ ngẩn và vô ích. Tuy nhiên, nếu vì cái đầu óc duy lý của mình mà đòi hỏi (mà xét giấy) cái rễ cây phải trình cái lý do (giấy tờ) hiện hữu của mình thì xin hỏi lại cho rõ: "Cái lý do nầy là do ai cấp phát, và của ai chế tạo? Của Thượng đế? Của Descartes? Của Karl Marx? Hay là do Sartre chế biến và độc quyền? Ai mới là người có thẩm quyền (và tại sao có thẩm quyền?) cấp phát lý do hiện hữu? Tại sao cấp phát? Và tại sao lại cấp phát cái lý do hiện hữu đó mà không là một lý do nào khác"? Trả lới được chăng?

Bởi lẽ đó, một khi sự vật đã có đó rồi thì chính sự vật tự khẳng định một cách hùng hồn cái lý do hiện hữu của nó: Nó hiển nhiên. Nó sờ sờ ra đó. Tuy nhiên, có lẽ vì cái nguyên do và lý do hiện hữu "thực sự và tối hậu" của nó vốn quá "bí ẩn", không thể nào diễn tả được bằng ngôn ngữ con người, cho nên ta mới mờ mịt không thể nào thấu rõ được đó thôi. Vả lại, nghĩ cho cùng, nó cũng đâu có cần gì tới một cái "lý do hiện hữu" le lói do một "đỉnh cao trí tuệ" nào đó ban phát mới có thể, có quyền và được phép hiện hữu. Không lẽ nó tự ý hiện hữu trước, rồi mới làm đơn xin cái lý do hiện hữu sau, để hợp thức hoá sự có mặt của mình? Cái rễ cây có đó! Như vậy là được lắm rồi. Và tự nó, cũng là đủ lắm rồi. Chớ có vẽ rắn thêm chưn, cho dù là 1.000 cái chưn tràn trề ý nghĩa, và lai láng lý do đi nữa. Chẳng có cái vấn đề "lý do / không lý do", cũng chẳng có cái vấn đề "ý nghĩa / phi lý" lộn xộn rườm rà rắc rối gì hết ráo. Cái rễ cây có đó. Có chịu hay không chịu gì thì cũng phải rán mà chịu. Ở đó mà "lẽ ra…" (lẽ vô) cũng vô ích. Nó có đó. Vậy thôi. Chấm. Và hết.

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas