Chương X
Làng Cườm sống dậy
A. Khả Lá Vàng
Trong việc khảo về tiền sử ở Việt Nam, các nhà bác học đã tìm thấy chứng tích chủng Cổ Mã Lai (Anh-đô-nê) sống chung với chủng Mê-la-nê và chủng Négrito ở nhiều hang động, nhứt là Làng Cườm (cổ 5 ngàn năm).
Sự kiện đó ai cũng ngỡ chỉ xảy ra trong thời tiền sử Việt Nam mà thôi, nhưng hiện vẫn còn. Điều đó chứng tỏ rằng sự tồn tại của con người thật là ngoài sức tưởng tượng.
Và hiện nay, người Việt Anh-đô-nê còn sống chung với chủng Mê-la-nê y như vào cái thời tiền sử xa xôi đó, mà đây là Mê-la-nê thuần chủng với màu da đen, tóc quăn quíu, chớ không phải là Mê-la-nê đã lai giống hàng ngàn năm rồi như phụ nữ Mường đâu.
Những chủng thấp hơn về mặt nhơn thể tính, như chủng Négrito, cũng cứ tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam và ta sắp tìm lại được họ đây, và hình ảnh của Làng Cườm bỗng sống dậy, linh động hơn bao giờ cả.
Quan niệm diệt chủng, không thể thành sự thật được, như ai cũng tưởng. Người Thái Tây Âu thì đã biến thành Tàu, nhưng đó là một thứ Tàu rất là Thái, phát minh là Cấm chi, tức Kim thĩ, tức Porc doré, tức heo quay, mà không có nhóm Trung Hoa nào khác biết làm cả.
Các cổ thư Trung Hoa tả dân Việt với năm biệt sắc: Tiển phát, Văn thân, Tả nhậm, xem bên trái là bên thuận, nhuộm răng đen.
Cả năm biệt sắc ấy ta đều có, trừ biệt sắc thứ nhứt mà sự thay đổi qua các thời đại khiến nó không thành biệt sắc vĩnh cửu.
Nhưng không phải chỉ riêng có ta là có cả năm biệt sắc ấy mà tất cả dân Đông Nam Á đều có.
Thành thử muốn biết ta là hậu duệ của nhóm nào, ta cần ít lắm là một biệt sắc nữa.
Cái biệt sắc ấy, ông Lê Chí Thiệp nói là sự búi tóc mà dân Giao ở Nam Dương tử có. Nhưng một bức ảnh trong sách này lại cho thấy rằng không phải chỉ có dân Giao là búi tóc mà người Mã Lai Dravidien Nam Ấn cũng búi tóc.
Hơn thế biệt sắc búi tóc lại không dính với nhiều chi tiết khác nó củng cố mạnh thêm dây liên hệ giữa ta ngày nay và các nhóm ngày xưa có biệt sắc thứ sáu.
Ông Lê đã viết chữ Dao với tử âm
D khiến chúng tôi phải suy luận theo ông mà nói đến người
Hyas, tức người Mán, một chi của Miêu tộc đã di cư đến Bắc Việt. Nhưng chúng tôi tin rằng là ông muốn nói đến dân Giao (G) là người Giao ở sông Dương Tử. Nhưng Dao hay Giao gì cũng không thể nối kết với dân ta được, vì búi tóc thì Nam Ấn có nhóm búi tóc đã cho thấy.
Chúng tôi nghĩ rằng biệt sắc
Điêu Đề mà Tống Ngọc tả trong bài thơ Chiêu hồn khi nói đến dân Việt ở Nam Thọ Xuân mới là biệt sắc quyết định vì chỉ có họ và ta là có mà thôi, và biệt sắc đó lạ bao gồm nhiều biệt sắc khác nối kết dân Điêu Đề với dân Việt Nam hiện tại.
Vì thế mà khi tìm tài liệu, chúng tôi bám sát vào dân Điêu Đề.
Biệt sắc thứ sáu, Tàu không có nói là biệt sắc, nhưng có ghi. Đó là sự búi tóc của dân Giao ở sông Dương Tử. Nhưng chúng tôi đã bác bỏ vì Mã Lai Ấn, dân Dravidien cũng búi tóc, mà họ thì không là dân Giao.
Thế nên chúng tôi bám níu vào biệt sắc thứ sáu khác là sự
Điêu Đề nó có tánh cách quyết định nhiều hơn.
Và cũng nhắc lại những cái khoen nối kết:
- Ở Nam Sở có man di Điêu Đề (Tống Ngọc).
- Dân Giao Chỉ Điêu Đề (Xâm trán) (Từ Hải).
- Binh sĩ của Đinh Bộ Lĩnh Điêu Đề (Mã Đoan Lâm).
- Dân Âu Lạc Điêu Đề (Tư Mã Thiên).
Hiện nay ở cái địa bàn mà trước năm 1945, Tây gọi là Đông Pháp (Indochine Francaise) còn những ai Điêu Đề?
Chỉ có hai nhóm người thật nhỏ là còn giữ tục đó. Đó là nông dân Chàm sống hẻo lánh ở Bình Thuận và một thứ dân kia ở trên Trường Sơn, được quen gọi là dân Khả?
Chúng tôi sẽ chứng minh rằng Chàm là Lạc Việt. Nhưng đó là một người bà con, tuy cật ruột nhưng không thẳng dòng, nên chúng tôi theo dõi người Khả tha thiết hơn.
Cũng nên biết rằng dân Lạc Hoa Bắc, con cháu của Xy Vưu không bao giờ được tả hết, vì dưới thời Hiên Viên chưa có chữ mà trí nhớ của con người thì rất giới hạn.
Vậy người Khả không bắt buộc phải là nhóm Mã Lai đợt II, mặc dầu họ cũng Điêu Đề như người Chàm và như Việt Tống Ngọc. Chẳng những thế, lại còn có bằng chứng rằng họ thuộc đợt I.
Ta là Lạc Hoa Bắc đa số, Ngôn ngữ Khả lại giống ngôn ngữ ta hơn là ngôn ngữ Chàm (Hoa Nam) đã giống thì Khả phải là Lạc Hoa Bắc, tức Lạc đợt I.
Từ bao lâu nay, ít ai biết người Khả, mà số người biết rằng người Khả có xâm trán (Điêu Đề) lại càng ít hơn. Chỉ có một bài báo của ông Malleret là có nghiên cứu tục Điêu Đề của một nhóm kia tên là
Khả Ta Quảng Nam và chúng tôi nhớ có thấy trong một quyển sách Việt một câu rất ngắn như thế này: “Người Khả là người Mường di cư sang Lào”.
Sự hiểu biết về người Khả nghèo nàn như thế thì không dùng để chứng minh cái gì được hết, nếu không có cuộc khám phá của một ông quan cai trị người Pháp tại xứ Lào năm 1944.
Trước hết Khả không phải xưng danh xưng, mà chỉ là một danh từ Thái Lào có nghĩa là “Man di”.
Ông quan cai trị nói trên đã khám phá rằng họ là người Lạc Việt cổ thời. Dân Thái Lào mà dám gọi Việt Nam là man di, tiết lộ cho ta biết nhiều điều lạ lùng lắm, dân Thái Lào chỉ mới di cư từ đất Lào vào thế kỷ XIII tức cách đây không tới 700 năm.
Hiện nay họ kém hơn ta nhiều bực, mà thuở di cư tới, họ cũng kém hơn ta nhiều bực.
Thế mà gọi nhóm Lạc Việt đó là man di, tức nhóm ấy không có tiến, từ Tây lịch, hoặc họ đã giỏi lắm,
nhưng bị thoái hóa vì một nguyên nhơn bí mật nào đó. Cũng nên biết rằng từ dãy Trường Sơn đến xứ Lào có rất nhiều nhóm bị Lào gọi là
Khả, tức như
Mọi của ta. Trong hàng chục nhóm Khả đó, chỉ có bốn nhóm là người Lạc Việt còn thì tất cả đều là Miêu tộc hoặc Mê-la-nê.
Thế ta nên thận trọng về những thứ dân mà Lào gọi là Khả và những thứ dân không bị họ gọi là Khả, vì có nhiều nhóm như Phu Tơng là Lạc Việt một trăm phần trăm, lại không bị gọi là Khả.
Và trước khi phổ biến nhận xét về khám phá nói trên, chúng ta nên lội ngược dòng thời gian trở về hai ngàn năm trước.
Một nhà địa lý Hy Lạp là Ptolémée đã sang phương Đông hồi đầu Tây lịch kỷ nguyên bằng đường thủy, đã tả một nơi mà ông ấy gọi là Kattigara mà đa số người trong giới bác học đoán là Óc Eo nhưng nhà bác học R.A. Stein lại đối chiếu lời văn miêu tả với khung cảnh Bình Trị Thiên và thấy rằng Kattigara phù hợp với Bình Trị Thiên mà không phù hợp với Óc Eo (Tạp chí Hán học, Bắc Kinh, 1947).
Hơn thế, quyển
Thủy Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên cũng tả một sự kiện y hệt như Ptolémée, nhưng họ Lê thì đặt sự kiện ấy đích xác tại Cực Nam Nhựt Nam (tức Bình Trị Thiên).
Sự kiện ấy nói đến một cuộc
Thầm mặc giao dịch của một thứ dân kia ở đó, họ buôn bán với dân bổn xứ bằng cách thầm mặc, tức chỉ để hàng hóa rồi lánh mặt, rồi sẽ trở lại lấy tiền.
Nhưng tiền mà họ đòi hỏi phải là vàng nguyên chất và họ sành vàng cho đến đỗi họ chỉ ngửi mùi là biết nó có quả thật là nguyên chất hay không.
Trong câu chuyện ấy có ba chi tiết khiến ta phải đặc biệt chú ý tới:
Việc thầm mặc giao dịch là lối cư xử của nhơn loại thời cổ sơ chớ vào đầu Tây lịch thì không còn dân mà thầm mặc giao dịch nữa hết, và nếu còn thì hẳn phải có một lý do rất quan trọng: thứ dân đó còn cần trốn tránh tất cả mọi người.
Một dân tộc biết đòi hỏi thanh toán bằng vàng và sành xem vàng đến thế, phải là một dân tộc văn minh, nhưng lại có thái độ kém hơn thổ dân kém mở mang ở nơi đó nữa, thì thật là bí hiểm.
Thổ dân kém mở mang ở Trường Sơn gần lối đó, hiện nay được biết thuộc ba chủng: Mê-la-nê, Négrito và Albinos (sẽ thấy ở một trang sau).
Vậy thứ người đó nhứt định không thuộc ba chủng thổ dân nói trên, ba chủng ấy, cho tới năm nay vẫn chưa biết giá trị của vàng. Nhứt định họ cũng không phải là người Chàm, vì vào thuở ấy người Chàm đã ra mặt làm chủ nhơn ông ở đó không cần trốn ai cả.
Tài liệu Ptolémée và của Lệ Đạo Nguyên chỉ có bấy nhiêu đó và tưởng không dùng được vào việc nào cả.
Nhưng ta lại xuôi dòng thời gian trở về đầu thế kỷ này với cố đạo L. Cadière là người cai quản họ đạo ở Quảng Bình (Tam Tòa).
Cố đạo Cadière đã đi tìm bốn thứ người đó, nhưng không bao giờ gặp: Mê-la-nê, Négrito, Albinos và người thầm mặc giao dịch (Commerce silencieux). Loại người thứ tư, có vẻ huyễn hoặc hơn hết lại được cố đạo chú ý tới nhiều nhất vì chính người Việt Nam ở Quảng Bình đã quả quyết có thấy nhà cửa họ, và gọi họ là Quỷ lá vàng, quỷ vì họ luôn luôn biến mất, chỉ để lại nhà thôi. Còn lá vàng là như thế này: họ che chòi bằng nhánh cây tươi, ở được một thời gian ngắn, lá khô trổ vàng là họ không còn tại đó nữa.
Đó là dấu hiệu đi trốn, vì màu vàng dễ bị lộ hơn màu xanh và sợ định cư lâu ngày, có thể chạm mặt với dân khác.
Họ thoái hóa theo chủng Mê-la-nê chớ không phải nâng chủng Mê-la-nê lên nền văn minh Anh-đô-nê.
Tính cách Mông Gô Lích mà ông A. Fraisse ám chỉ đến, cho ta biết rằng người
Khả Lá Vàng khác người Mường vì người Mường thuộc Mã Lai đợt II, không có tánh cách Mông Gô Lích của chi Mã Lai đợt I.
Thế thì họ không phải là Mường di cư mà lại là Việt Nam đợt I. Nhưng cũng không phải là Việt di cư nữa vì ta sẽ thấy họ đã lập quốc và bị Chân Lạp diệt quốc.
Ở chương ngôn ngữ chúng tôi có chứng minh được rằng những danh từ Việt Nam chỉ những gì mà họ có trước khi người Tàu đến như nhà, sông, núi, tay chơn, v.v. không giống của nhóm Mã Lai này thì giống của nhóm Mã Lai khác chớ không phải là tiếng Tàu như hai giáo sư đại học Nguyễn Phương và Lê Ngọc Trụ đã nói. Tuy nhiên vẫn có lối 4 phần trăm danh từ không giống danh từ của bất kỳ nhóm Mã Lai nào hết.
Ta có thể ước đoán mà không sợ sai lầm rằng đó là danh từ của chủng Mê-la-nê, chủng mà dân Lạc Việt đã lãnh đạo từ thời Làng Cườm cho đến nay. Đó là tên những cái cây, những con thú mà chỉ có người thổ trước Mê-la-nê mới có và dân Lạc Việt đến sau, bắt buộc phải vay mượn.
Thí dụ bất kỳ cây đại thọ nào mà gỗ rắn chắc đều được người
Khả Lá Vàng và
Khả Văn Minh gọi là
Lin, mà
Lin thì không khác xa
Lim của Việt Nam bao nhiêu.
Đã bảo rằng bất kỳ thổ sản địa phương nào cũng bị các nhóm Mã Lai gọi khác hết, vì hồi họ sống chung với nhau ở bên Tàu, thì không có những thứ ấy.
Nhưng di cư tới Đông Nam Á, rồi thì mỗi nhóm học với thổ dân ở các địa bàn định cư, mà thổ dân đó thì không giống nhau. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ điển hình nhứt là danh từ
Dừa.
Việt Nam: Dừa
Cao Miên: Đôn
Thái Lào: Prao
Chàm, Mã Lai: Nyor
Còn tại sao họ bị bắt làm nô lệ, còn các nhóm thiểu số khác ở đó kém hơn thì không? Ông A. Fraisse không biết, nhưng ta có thể suy luận là dân Miên và dân Xiêm chỉ bắt dân văn minh chớ các dân kém cỏi không biết làm gì hết, mà cũng không chịu đựng được lối sống văn minh của Miên, Xiêm, thì bắt họ về họ sẽ ngồi đó, cho tới ngày họ chết vì đau ốm bởi bất phục thủy thổ, bất phục khí hậu và cách ăn ở của dân văn minh.
Trải qua lịch sử thế giới, các dân thống trị bắt nô lệ, luôn luôn bắt dân khá văn minh hoặc văn minh hơn họ mà yếu thế quân sự, chớ không bắt dân dã man bao giờ, thí dụ người Cao Miên đã bắt toàn thể thợ Môn để xây đền Angkor cho vua chúa họ vì người Môn của nước Dvaraveti văn minh rất cao, còn người Cao Miên thì không biết kỹ thuật xây cất bằng đá.
Có lẽ dưới trào đại Angkor, người Môn làm thợ, còn người Khả thì làm nông nô, vì người Khả cũng không thạo kỹ thuật xây cất bằng đá, nhưng lại rất giỏi canh nông.
Vì hôm đó là mùa lạnh họ không đi kiếm ăn được nên ông Fraisse thấy họ trồng bắp quanh làng.
Người Cao Miên hiện nay cũng đã giỏi canh nông, nhưng thuở ấy làm chủ đất Lào toàn núi non, họ chưa biết trồng trọt đáng kể, và họ chỉ giỏi nhờ học với nô lệ Khả.
Một tiết lộ khác nữa, đó là nhóm người sơn cước độc nhứt mà đàn bà đẻ “nằm bếp”, tức nằm giường, dưới giường có bếp lửa. Đích thị đó là phong tục Việt Nam, ngoài việc nhuộm răng đen, nói tiếng Việt cổ.
Tiết lộ quan trọng vào bực nhứt là người
Khả Lá Vàng cao 1m70, có sọ Mã Lai, màu da thổ chu (Ocre rouge) xâm trán, và tự xưng là Alak.
Người Việt cũng bắt chước Lào, gọi họ là
Khả, nhưng ngỡ Khả là tên dân, không dè nó chỉ có nghĩa là man di mà thôi.
Người Khả được người Pháp đặt tên theo từng nhóm, những tên này thường dựa vào địa lý, thí dụ Khả Phu Ac, Khả Nam South.
Nhưng họ tự xưng là gì, đó mới là điều quan trọng, và rất bất ngờ.
Họ không bao giờ tự xưng là Khả đâu. Mà họ tự xưng là Alak.
Ta xét một biểu đối chiếu danh từ Khả xem sao:
Chó = Acho
Cá = Aka
Vậy thì
Alak hẳn phải là Lạc.
Đích thị họ là Lạc Việt.
Ông A. Fraisse không biết gì hết về cổ sử ta nhưng ông gom góp tất cả những gì ông biết và trình ra hết một cách tạp nhạp để cho người khác lựa chọn mà dùng. Ông A. Fraisse đã nghĩ sai khi ông cho rằng vì họ có buôn bán với người Việt nên mới biết tiếng Việt. Một thứ dân trốn tránh trong rừng từ hai ngàn năm rồi, làm thế nào mà có buôn bán với ai được.
Vả lại họ nói tiếng Việt cổ tức nếu có tiếp xúc thì chỉ có tiếp xúc vào cổ thời, còn nay thì không. Mà đó là một điều vô lý hết sức. Hồi cổ thời không có đường sá, nay đường đèo Mụ Già cam nhông chạy được, sao họ lại mất liên lạc với ta?
Việc tự xưng là Lạc và việc xâm trán (Điêu Đề) của họ cũng rất hùng biện.
Tới đây, ta nên xem lại sử Tàu, sử Tàu khá giỏi, đã biết thật rõ và thật đúng nguồn gốc của nước Cao Miên.
Ta biết rằng nước Lào nay, xưa kia là nước Chân Lạp của người Cao Miên, còn nước Cao Miên ngày nay thì xưa kia là nước Phù Nam.
Vậy người Cao Miên đã lập quốc tại xứ Lào và lập ra sao, tên gì, được ai khai hóa, đều được khoa khảo cổ phối hợp với sử Tàu cho biết rất đích xác, và ta sẽ thấy ở một quyển sách khác, các ông Tây viết sử Cao Miên, Phù Nam, Chiêm Thành, hồi tiền chiến đã sai hết.
Nhưng sử Tàu còn biết nhiều hơn nữa.
Họ biết rằng trước cả Cao Miên, tức trước Tây lịch kỷ nguyên, chủ đất ở đó là một thứ dân kia lấy tên nước là
Đạo Minh. Có lẽ đó là danh từ do Tàu phiên âm theo nước ấy.
Sử Tàu tả nước Đạo Minh ấy ở Bắc nước Phù Nam, và phía Tây quận Cửu Chân. Đích thị đó là xứ Lào mà Cao Miên đã là chủ 13 thế kỷ liên tiếp.
Nhưng nước Đạo Minh đó không phải chỉ là một quốc gia thông sứ với nhà Hán, tức vào đầu Tây lịch, mà nó lại xưa hơn nhiều.
Ở cánh đồng Chum, các nhà khảo tiền sử đã đào được lưỡi rìu tay cầm, món vũ khí quan trọng vào bực nhứt, nó đánh dấu tất cả những nơi di cư của dân cổ Mã Lai từ Hoa Bắc cách đây năm ngàn năm. Đó là dân Lạc bộ Trãi.
Có thể nói rằng vì Điện Biên Phủ đất xấu nên Lạc ở đó đã bỏ, đi xuống xa hơn một tí và lập ra một quốc gia tại các đất mà vào đầu Tây lịch Cao Miên tràn tới, tức đất Lào ngày nay, nên sử nhà Hán không chép là nước Đạo Minh ở Tây Giao Chỉ, mà chép là ở Tây Cửu Chân.
Chúng tôi có cho biết rằng thổ dân Điện Biên Phủ ngày nay thuộc một chủng thấp bé, chỉ cao 1th50 thứ người bé ấy đã cho biết là những cái chum đá ở cánh đồng chum là của những ông khổng lồ làm ra, tức những người Khả Lá Vàng cao 1th70, tự xưng là Lạc.
Màu da thổ chu của
Khả Lá Vàng cắt nghĩa được tại sao ta có tên nước là
Xích Quỷ mà Nhượng Tống phủ nhận, cho là không lẽ ta lại lấy tên nước xấu quá như vậy.
Nhượng Tống không biết rằng nước Xiêm, đã tự xưng là nước
Tù Binh chính vì không hiểu danh từ
Syâm mà Cao Miên dùng để chỉ họ, thì Lạc cũng có thể tự xưng là Xích Quỷ chính vì không hiểu dạng từ mà Tàu dùng để chỉ họ hồi họ còn lập quốc ở Hoa Nam.
Người Tàu dùng tiếng
Quỷ không phải luôn luôn để chỉ con quỷ, mà để chế giễu những kẻ mà họ không trọng, thí dụ họ gọi Âu Châu là
Bạch Quỷ.
Cố đạo L. Cadière thấy ngay dây liên hệ giữa
Quỷ lá vàng và người Thầm mặc giao dịch của Ptolémée và của Lệ Đạo Nguyên.
Nhưng sau đó có một hạ sĩ quan không quân Pháp là Gorgorio và đại tá Roux vượt Trường Sơn ở lối đó và có mang được một số tài liệu về cho cố đạo.
Hai quân nhân trên đã có phúc trình tại Viện Viễn Đông bác cổ về người
Quỷ lá vàng mà họ gặp và có chụp ảnh nữa, nhưng Viện chưa kịp công bố thì Nhựt đã có hành động quân sự để lật đổ người Pháp, tài liệu của Viện mất rất nhiều, không ai tìm lại được hết, mặc dầu sau 1946, Viện đã hoạt động trở lại.
Trong khi đó thì người có bản sao về tài liệu ấy là cố đạo L. Cadière cũng bị Bắc Việt bắt cầm tù năm 1945, đến năm 1953 được phóng thích thì giấy tờ đã mất hết, thành thử không ai biết
Quỷ lá vàng là dân nào hết, cho đến năm 1949 thì sự thật mới hiện ra nhờ mớ tài liệu của một ông quan cai trị Pháp là ông A. Fraisse, quan đầu tỉnh ở Thakhek, được công bố.
Năm 1944, ông A. Fraisse tỉnh trưởng tỉnh Thakhek nghe viên chức Ai Lao cho biết trong vùng đó, trên dải núi Phu Ac có một thứ “Mọi” không chịu đầu phục, tên là “Mọi lá vàng” tiếng Lào là
Khả thong long.
Ông A. Fraisse nghĩ ngay đến
Quỷ lá vàng của cố đạo L. Cadière vì dãy núi Phu Ac nằm gần ngang vĩ tuyến với động Phong Nha ở Quảng Bình, nơi mà dân chúng có thấy chòi của
Quỷ lá vàng. Hai dân tộc sống gần nhau là Lào và Việt có thể gọi một thứ dân thiểu số có mặt ở cả hai lãnh thổ bằng một tên chung vì cái biệt sắc của dân thiểu số ấy, biệt sắc lá vàng.
Từ Quảng Bình đi Nam Lào, ngày xưa có con đường mòn vượt đèo Mụ Già, còn vào năm đó thì đường mòn ấy đã thành đường xe hơi chạy được, dân hai nơi có thể qua lại được với nhau một cách dễ dàng.
Ông A. Fraisse đã vào Trường Sơn từ hướng Tây, tức từ xứ Lào, ngược lại với đại tá Roux và hạ sĩ quan Gorgorio, và ông dùng con đường Mụ Già, thay vì leo Trường Sơn như đại tá Roux.
Nhưng cả hai đều gặp một thứ dân, đó là
Quỷ lá vàng, bằng vào ký ức của một thính giả đã nghe phúc trình tại Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội năm 1942, ông ấy đã cho biết như vậy trong tạp chí B.S.E.I. rằng đại tá Roux đã nói đến
Quỷ lá vàng, lúc thuyết trình.
Nhưng cái ký ức của một thường dân không dùng được, nên ta chỉ dùng khảo sát của nhà khoa học A. Fraisse mà thôi, bởi cả hai đều gặp
Quỷ lá vàng thì dùng một trong hai, tuy không đủ, nhưng không còn cách nào khác.
Ông A. Fraisse bèn quyết đi tìm họ, không phải để bắt họ đầu phục, mà để nghiên cứu họ. Dưới đây là kết quả của cuộc nghiên cứu của ông A. Fraisse, có lẽ cũng trùng hợp với tài liệu của hai quân nhân nói khi nãy, tài liệu mà cố đạo L. Cadière đã đánh mất trong lúc bị bắt, và Viện Viễn Đông bác cổ cũng bỏ thất lạc.
Sở dĩ họ được gọi là
lá vàng, vì họ sống lang thang, che chòi bằng nhánh cây mà ở tạm nơi nào đó, đến chừng lá các nhánh cây vàng úa thì họ bỏ chòi mà đi, bởi thực phẩm quanh họ đã hết rồi, mà
nhứt là họ sợ bị lộ tung tích, y như ở Quảng Bình.
Còn sở dĩ người Lào gọi họ là “Mọi” (Khả) còn người Việt gọi là Quỷ vì người Việt không thấy họ, chỉ gặp chòi, còn người Lào thì có thấy có biết, và ông A. Fraisse sở dĩ tìm họ được nhờ người Khả văn minh hướng dẫn vào rừng núi.
Ông A. Fraisse cho biết một chi tiết như sau, rất là quan trọng, là cái làng mà ông tới được, chỉ đông có 10 người, vậy mà có hai chủng tộc trong đó, chủng Cổ Mã Lai cao 1m70, nước da màu thổ chu (Xích Quỷ đấy, ông Nhượng Tống ơi!), chủng này lãnh đạo, còn chủng bị lãnh đạo chỉ cao 1m50, nước da đen, tóc còn khá quăn quíu, tức là đã có hợp chủng chút đỉnh với cấp lãnh đạo.
Tại sao bọn sống lang thang ấy có lập làng? Là vì ở Lào mỗi năm có nước lụt một lần và vào mùa lụt lội thì họ không đi lang thang được nữa nên họ lên núi lập làng sống tạm, qua mấy tháng lụt rồi thì họ mới đi kiếm ăn được.
Cấp lãnh đạo không ai đâu xa lạ. Họ là người Khả Lá Vàng đồng chủng với những Khả văn minh sống gần người Ai Lao, họ nói tiếng Khả. Chính người hướng dẫn và thông ngôn cho ông A. Fraisse là một người
Lá vàng đã bỏ nhóm về sống với Lào và được chúng tôi tạm gọi là
Khả văn minh, và mang về một người vợ thuộc chủng Mê-la-nê.
Năm xưa người phụ tá với cố đạo L. Cadière là cha sở P. Guingard không biết làm cách nào mà ghi được vài câu nói của người
Quỷ lá vàng và xem lại thì đó là một thứ tiếng Việt cổ sơ hơn tiếng Mường nhiều lắm. Nay ông A. Fraisse xác nhận rằng người Khả Lá Vàng nói cái thứ ngôn ngữ Việt cổ sơ đó.
Người
Khả Lá Vàng, nói tiếng Việt cổ sơ hơn người Khả văn minh nhiều lắm, tức theo thứ bực tiến bộ ngôn ngữ thì như sau:
- Việt Nam
- Mường
- Khả văn minh
- Khả lá vàng.
Chúng tôi tạm dùng danh xưng Khả văn minh, chớ thật ra
Khả Lá Vàng cũng văn minh y như Khả văn minh, chỉ có khác là họ trốn tránh trong rừng và sống với một chủng lạc hậu, theo nếp sống của chủng đó chớ không có gì lạ. Nếp sống đó là không định cư, không trồng trọt, nhưng họ
vẫn biết trồng trọt vì họ là người Lạc Việt, họ trồng bắp trong mùa nước lụt.
Tại sao họ lại theo nếp sống lang thang của cái chủng tộc mà họ lãnh đạo?
Dưới đây là giải thích của một ông quan cai trị khác, cũng là người Pháp, tên là J. Bondet de la Bernardie, ông này đã khảo sát người Khả văn minh ở Cao nguyên Bolovens, nhưng cũng biết rằng trong rừng có Khả Lá Vàng. Theo ông Bernardie thì sở dĩ họ phải sống đời sống cầm thú đó là vì họ bị người Cao Miên bắt họ làm nô lệ, người Cao Miên từ đầu kỷ nguyên K.T. đến thế kỷ XIII, còn người Xiêm người Lào thì từ thế kỷ XIII đến ngày Pháp tới nơi.
Xin nhắc rằng dân Khơ Me lập ra nước Chân Lạp, không phải tại Cao Miên ngày nay, mà ở trên Lào, nước Cao Miên ngày nay cộng với Nam Kỳ là đất của quốc gia Phù Nam.
Đến thế kỷ VI thì Chân Lạp diệt quốc Phù Nam, thiên đô xuống phương Nam, nhưng vẫn còn làm chủ đất Lào cho đến thế kỷ XIII thì dân Thái Lào tràn tới cướp đất của Cao Miên cho đến ngày nay.
Pháp tới nơi, cấm việc “buôn mọi”, Cao Miên và Xiêm cũng không còn xâm nhập vào các tiểu vương quốc Ai Lao ở đó được nữa, nhưng có nhiều nhóm Khả không hay biết, cứ tiếp tục trốn tránh mãi.
Có khác một chút là Xiêm Lào ít hà khắc hơn, và bắt nô lệ ít hơn Cao Miên nên mới có được những nhóm Khả ra mặt sống tự do trên Cao nguyên Bolovens,
Khả Lá Vàng thì trốn trên núi Phu Ac là dãy núi ít ai lên được.
Ông A. Fraisse có ở lại với họ một đêm, được họ cho ăn gà nướng và măng nấu với cua đồng, tức họ đã văn minh chớ không dã man, và chỉ có chủng bị lãnh đạo là còn kém cỏi lạc hậu mà thôi. Và cái món cua đồng nấu canh ấy đích thị là món ăn của dân tộc Việt Nam vậy, mà các dân tộc khác ở Đông Nam Á không có.
Ông quan cai trị ấy rất thạo về chủng tộc học, và mặc dầu không có mang dụng cụ theo để đo sọ, ông A. Fraisse cũng khẳng định được rằng Khả thuộc chủng Cổ Mã Lai có mang ít nhiều nhơn thể tính Mông Gô Lích y hệt như Lạc bộ Trãi cách đây 5 ngàn năm, còn người bị lãnh đạo, thuộc chủng Mê-la-nê.
Vì không có ở lâu trên núi Phu Ac được nên ông A. Fraisse không có đo sọ của họ, và khẳng định của ông chỉ dựa vào việc quan sát sọ mà thôi. Ông bảo rằng sọ của người Khả Lá Vàng có tánh cách
Brachycéphale tức tánh cách của sọ Mã Lai.
Đây mới là hình ảnh Làng Cườm trung thực, trung thực hơn nơi xã hội người Mường nhiều lắm vì trong xã hội Mường, chủng Mê-la-nê đã văn minh, nhờ cấp lãnh đạo là người Mường có đời sống sung túc và theo nông nghiệp, còn cấp lãnh đạo ở đây phải theo nếp sống của Mê-la-nê vì hoàn cảnh trốn tránh ngăn họ định cư và trồng trọt.
Việt Nam
| Mường
| Khả
|
|
|
|
Người
| Mwai
| P’nùi
|
Ăn, Nhắm
| Ang và Lam
| An
|
Gạo
| Gạo
| Chiao
|
Uống
| Uông
| Ốc
|
Nước
| Đák (M = Đ)
| Đá
|
Sông
| Không
| Hong
|
Con gái
| On kai
| Kuan gôi
|
Con trai
| On đưa (con đứa)
| Kuan trui
|
Tay
| Tay
| Tai
|
Chơn
| Chơn
| Jơng
|
Cá
| Ka
| Aka
|
Chim
| Chim
| Tiêm
|
Bông (Hoa)
| Pong
| Bươ
|
Trái
| Plái, Tlái
| Plai
|
Trâu (V.N. kim)
| Tlài
| Salu
|
Ruồi
| Ruoy
| Ruêi
|
Ngày
| Ngay
| Tngai
|
Mây
| May
| Muil
|
Mưa
| Mừa
| Mừa
|
Gió
| Gio
| Yưl
|
Sét (sấm sét)
| Set
| Krèd
|
Sao
| Jao
| Tua
|
Cù lao
| Cu lao
| K’ơlo
|
Nó
| No
| Han (Hắn)
|
Có
| Ko
| Kớt
|
Ngoài
| Ngoai
| Hòi (người Bình Định cũng nói là Hòi)
|
Đất
| Tất
| Ptès
|
Chó
| Cho
| Acho
|
Lá
| La
| Sula
|
Con
| Kon, on
| Kuan
|
Túp lều tranh
| Túp lều tranh
| Túp
|
Bố
| Bô
| Po
|
Me
| Me
| Mơ
|
Lấy
| Lế
| Lố
|
Ngựa
| Ngừa
| Mngu
|
Chết
| Kết
| Kết
|
Một
| Một
| Môy
|
Hai
| Hal
| Hal
|
Ba
| Pa
| Pa
|
Bốn
| Sươm
| Pon
|
Năm
| Kim
| Dam
|
Sáu
| Sau
| Prao
|
Bảy
| Pai
| Po
|
Tám
| Sam
| Than
|
Chín
| Chín
| Kin
|
Mười
| Mươl
| Muy, Chet (chục)
|
Nhà
| Nhà
| H’Nion (xem lại xâu H’niê = H’nia = Nhà
|
Việt Nam: Con gái muốn hái ba mươi cái bông
Mường: On kai muôn be (bẻ) pa mươi (ba mươi) pong (bông)
Khả Lá Vàng: Kuan gôi muônh pèsèb (bẻ) pè chêt (ba chục) bươ (bông ).
Việt Nam: Bà già ăn cá
Mường: Ba gia ăng ka
Khả Lá Vàng: Yơ k’rà an aka.
Việt Nam: Mẹ giết trâu (V.N. trung cổ Tlu)
Mường: Mê giêt tlu
Khả Lá Vàng: Mơ kchet salu.
Việt Nam kim: Chim ăn trái, ăn lá
Việt Nam trung cổ: Chim ăn tlái, ăn lá
Mường: Sim ăng tlái, ăng la
Khả Lá Vàng: Tiem an plái an sula.
Việt Nam: Bọn hắn chết
Mường: Bọn hán chêt
Khả Lá Vàng: K’pang hán kèt
Việt Nam: Một con trai ba ngày tới
Mường: Một on đứa pa ngai tơi.
Khả Lá Vàng: Muôi kuan trùi pè t’ngai tơl
Việt Nam: Ngựa về trong chòi
Khả Lá Vàng: M'ngu wir ho túp (Túp lều tranh).
Việt Nam: Cơm như vàng ròng
Mường: Kơm như yang rong
Khả Lá Vàng: Tiao (gạo) mui yêng rớp
Việt Nam
| Khả
|
|
|
Rét
| Dèsh
|
Rất nhiều
| Dư
|
Bèn
| Bènh
|
Nam Việt: Và (tức nó, đứa)
| Rà
|
Ngực
| K’rưk
|
Bàn chơn
| Pang jơng
|
Hông
| Nog
|
Mũi
| Mu
|
Môi
| Bươ (xin xem lại xâu chuổi: Bô, Buôi, B’bôi, Môi)
|
Óc
| H’tóc
|
Xương
| K’tương
|
Lời
| Trrôi
|
Cười
| Kat
|
Hửi (Ngửi)
| Hứt
|
Khạc
| K’hé
|
Nghe
| Sẹ
|
Cạp
| Kap
|
Chính
| Chat
|
Trẻ
| Plở
|
Già
| Krà
|
Gù
| Gô
|
Lé mắt (Lác mắt)
| Mat nhè
|
Ngồi
| Ngo
|
Muốn
| Muônh
|
Nam Việt: Vầy nè (Thế này)
| Yang nè
|
Vàng
| Yêng
|
Bạc
| Brak
|
Sải (bề dài của 2 tay dang ra)
| Lài
|
Ngày nay
| T’ngay nè
|
Hóc (Xó)
| Hôi
|
Con nhím
| Nhiêm
|
Heo cúi
| Kon Kui, Kon Kur
|
Bắn
| Pénh
|
Cành
| Kừng
|
Trăng
| Trênh
|
Chim cu
| Tiêm Kur
|
Bướm
| Bùl
|
Nhện
| Chuênh
|
Dân Lạc là chủ nước Xích Quỷ ở Hoa Nam, phía Nam nước Sở, bằng vào bài thơ Chiêu hồn của Tống Ngọc tả người
Điêu Đề.
Khả Lá Vàng là dân tộc duy nhứt mang hai dấu vết
Xích Quỷ và
Điêu Đề. Dấu vết thứ ba là họ tự xưng là Lạc, dấu vết thứ tư là tánh cách Brachycéphale của sọ của họ, dấu vết thứ năm là sự cao 1m70 mà chúng tôi đã cho thấy dân Lạc Lê cao hơn thế.
Khả Lá Vàng chỉ còn cao có 1th70 vì đã lai với Mê-la-nê rồi, chớ trước đó, họ phải cao hơn, thế nên Hiên Viên mới sợ Xy Vưu và Cửu Lê.
Ta đã biết rằng người Hoa Bắc cao lớn như Tây. Thế mà họ cho là Cửu Lê quá dữ tợn, vậy thì dân Mã Lai Hoa Bắc không nhỏ bé như dân Việt ngày nay. Sở dĩ ta bé đi, vì ta trót hợp chủng với Mê-la-nê, kẻ đã gọi ta là ông khổng lồ.
Những chứng tích phụ là ăn canh cua đồng, nói tiếng Việt tối cổ và đàn bà để nằm bếp.
Chứng tích sau đây cũng quan trọng lắm là họ bị Cao Miên bắt làm nô lệ từ đầu Tây lịch, tức từ năm họ bị Cao Miên diệt quốc tại nước Lào ngày nay để lập ra nước Chân Lạp.
Nhưng ta cũng nên kiểm soát lại:
Khâm Định Việt Sử, không biết lấy tài liệu ở đâu mà bảo rằng nước Đạo Minh ở dựa biển lớn cách Nhựt 7.000 dặm (3.500 cây số) về phía Bắc.
Tài liệu mà K.Đ. dựa theo, chắc chắn là sai vì Bắc Nhựt Nam, không bao giờ có vịnh lớn từ 10 ngàn năm nay, theo khoa địa chất học.
Theo Quan Thoại thì Đạo Minh, đọc là Tù wẫn, hơi giống Tava, và có thể đồng hóa với Dvarati, nhưng Dvarati lại ở Tây Nam Nhựt Nam chớ không phải Bắc và được Tàu gọi là Đôn Tuyên, không là Đạo Minh.
Thế nên chúng tôi loại bỏ tài liệu Khâm Định Việt Sử rất khả nghi, mà đi tìm theo nẻo khác có đủ bằng chứng cụ thể và khoa học hơn.
Vì có ở Kontum, chúng tôi biết hai nơi ở đó mà địa danh là địa danh
Khả Lá Vàng rõ ràng.
Đó là ĐĐÁK = Nước Vú (tức sửa)
ĐĐÁK Sút = Nước ong (tức mật ong)
ĐĐÁK là hình thức thứ nhì của nước. Tất cả âm Đ của Mường, Sơ Đăng, Bà Na ở Kontum đều có giá trị ngang hàng với âm N của Việt Nam. Đạ, Đák là hình thức nguyên thỉ.
Việt Nam: Nước
Mường: Đắk
Khả: Đắk
Cao Miên: Tứck
Thượng Việt: Đđáa
Tại Đđák Tô, ở các hông đồi, nước thường tự nhiên phún ra. Dân chúng kê miệng vào đó uống như uống sữa mẹ, nên nơi đó gọi là Đđák Tô, tức
Nước Vú.
Và cũng nên biết rằng trong ngôn ngữ Mường, những chữ
Dâu, Vu, Vú gì cũng đều nói
Tô hết, thí dụ :
Lá dâu họ nói là
Lá Tô,
Vú cũng là
Tô.
Chúng tôi tin rằng Đắk Tô và Đắk Sút là địa danh Khả, vì năm 1948, chúng tôi lên Kontum thì nhận thấy điều này. Người Thượng ở đó còn giữ địa danh cổ Đắk Sút, nhưng chỉ
Mật ong, thì họ nói là
Đak ung, tức họ đã bước từ
Suk sang
Ung (theo Việt), còn
Khả thì
không.
Ở chương ngôn ngữ, chúng tôi đã cho thấy rằng danh từ của các thứ dân ở Kontum và Pleiku như Bà Na, Sơ Đăng, v.v. là danh từ Việt cổ nhưng bị pha rất nhiều tiếng Miên vì về sau những nói đó trở thành thuộc địa Cao Miên. Các ông Tây đã sai lầm mà cho rằng người Bà Na, Sơ Đăng là người Miên.
Người Miên chỉ có tới số 5. Số 0 thì họ nói 5 với 1, còn người Bà Na và Sơ Đăng là thuộc địa của họ lại có tới số 10 y như Việt. Thế là dân thống trị kém hơn “Mọi” hay sao?
Ông A. Fraisse lại còn cho biết chi tiết này nữa là người Khả và người Sơ Đăng ở Kontum nói chuyện với nhau được, tức họ không xa nhau lắm, cũng như Nam Việt, Bắc Việt vậy thôi.
Mặt khác cổ sử Trung Hoa nói đến nước Đạo Minh ở đó lúc họ chưa nói đến nước Chân Lạp ở đó, mặc dầu đó là địa bàn Chân Lạp về sau. Thế nghĩa là Đạo Minh đã lập quốc rồi còn dân Khơ Me thì chưa di cư đến, chớ không làm sao mà hai dân đều lập quốc tại độc một địa bàn được.
Ta lại có truyền thuyết về đèo Mụ Già kể chuyện ngày xưa hai nước Lạc tranh chấp, rốt cuộc vua Hùng Vương mở cuộc thi chạy đua và lấy đèo Mụ Già làm biên giới.
Hai nước hòa giải theo lối đó hẳn phải là hai nước anh em và ta có thể ức đoán rằng đó là nước Văn Lang và nước Đạo Minh, chớ không phải là nước Chàm như nhiều người tưởng. Với Chàm thì chỉ có đánh để thắng hoặc thua chớ không thể hòa giải như vậy, vả lại
đèo Mụ Già không phải là biên giới Bắc Nam mà là biên giới Bắc Tây, ăn khớp với nước Đạo Minh, chớ không ăn khớp với nước Lâm Ấp.
Ta có thể suy đoán rằng cái nước Đạo Minh đó là nước của người Khả Lá Vàng, và nó ăn ra tới Kontum, bằng vào sự sống sót của hai địa danh của tỉnh Kontum, giống hệt địa danh Khả Lá Vàng.
Sau khi đã biết Thượng Việt vì sao phải mất Trung Việt, chạy lên Kontum, ta lại suy đoán rằng có lẽ Mã Lai đợt I đã dựng nước rồi ở Trung Việt, bị Mã Lai đợt II đánh đuổi, thì một mớ chạy lên Cao nguyên qua ngã đèo Mụ Già và qua nẻo Trà My Ngọc Lĩnh rồi lập quốc tại Trung Lào, lập ra nước Đạo Minh. Nhưng rồi Đạo Minh bị diệt, dân chúng bị Chân Lạp bắt làm nô lệ, những Kontum một phần của quốc gia đó thì thoát, vì dân Sơ Đăng ở núi, người Cao Miên thấy rằng đuổi theo nhọc xác lắm, nên để yên họ. Ngày nay tất cả người thiểu số ở vùng đó đều hiểu nhau dễ dàng: Khả, Sơ Đăng, Alak, Nha Hồ Nam, Oy, y hệt như Nam Việt với Bắc Việt. Dân Bà Na cũng cùng chung số phận với Sơ Đăng nhưng không thuộc vào nước trên, vì họ nói khác hơi xa dân kia một tí.
Việc gì xảy ra, khi cấp lãnh đạo chết hết? Ông A. Fraisse cũng đã chu đáo nghĩ đến điều đó. Họ bị Cao Miên bắt làm nô lệ quá nhiều rồi sau đó là Xiêm, Lào, nên họ bị thiểu số trong rừng sâu. Dân của cái làng tạm bợ mà ông A. Fraisse trải qua một đêm ở đó cho biết xưa kia họ đông trên 30 nhưng chết lần, chết mòn hết, nay chỉ còn có 10 người thôi.
Khi cấp lãnh đạo chết hết thì chỉ còn lại chủng Mê-la-nê, không còn biết trồng bắp khi nước lụt, không tìm thực phẩm được nữa. Đó là trường hợp của nhóm Khả Kim Lang, họ đâm ra nói tiếng Việt bậy bạ hết cả, chẳng còn biết là họ dùng ngôn ngữ nào nữa hết. Nhứt là họ cũng không biết cất nhà sàn theo lối người Đông Sơn như các nhà lãnh đạo của họ hiện đang biết cất để trú thân vào mùa mưa lũ. Họ sống y hệt như cầm thú.
Nhưng
Khả Lá Vàng là Lạc đợt I hay đợt II? Chúng tôi đã chứng minh rồi là họ thuộc đợt I vì tánh cách Mông Gô Lích, và ta còn tin chắc rằng họ thuộc đợt I vì danh từ Người của họ không phải là
ORANG như trong ngôn ngữ Chàm và Nam Dương mà là P’Nùi.
Các nhà khảo tiền sử lại tìm được lưỡi rìu tay cầm từ cánh đồng Chum xuống tới đó, mà vũ khí của đợt II lại chỉ là lưỡi rìu hình chữ nhựt.
Như vậy là đợt I, khi di cư tới thì đã lập ra hai quốc gia ở vùng đó nằm cạnh nhau: Văn Lang và Đạo Minh. Đạo Minh kém hơn, vì địa bàn quá xấu không tiến nhiều được như Văn Lang nên mới bị Khơ Me diệt vào cuối đời Chu. Chúng tôi sẽ đưa ra bằng chứng là Khơ Me chỉ mới tới đó vào cuối đời Chu, đó là chi tiết mà sử Tây và sử Tàu đều không biết.
Khả Lá Vàng là cái khoen nối kết người Điêu Đề của Tống Ngọc với người Mường vì ngôn ngữ Việt của họ gần Mường mà xa ta, và nhờ ngôn ngữ của họ mà ta biết chắc tiếng cổ Lạc Việt đa âm, y như tiếng Mã Lai, hay nói cho đúng ra là nhị âm, vì thật ra tiếng Mã Lai cũng chỉ có nhị âm thôi, tại các ông Tây mắc bệnh viết dính lại rồi cho là đa âm, với lại tại ảnh hưởng Aryen đã đa âm hóa thật sự một mớ danh từ Mã Lai về sau Tây lịch.
*
Chúng tôi đã cho đối chiếu danh từ
Khả Lá Vàng ở chương
Ngôn Ngữ, nhưng cũng xin cho đối chiếu thêm một số danh từ nữa ở đây giữa Việt, Khả, Mường, để cho thấy Khả cổ hơn Mường.
Việc đối chiếu Và của Nam Kỳ với
Rà của Khả Lá Vàng, cho thấy rằng Bắc Việt đã mất ngôn ngữ rất nhiều, và Nam không có sáng tác danh từ đâu. Quả thật thế, Khả, nếu có giống ai thì là giống Bắc chớ không thể giống Nam vì thời xưa làm gì có người Nam. Thế mà Nam có
Và, Khả có
Rà, tức Bắc đã đánh mất đại danh từ Và.
Bằng chứng họ là Bắc, thấy được trong danh từ Harak của họ và của Sơ Đăng mà miền Bắc biến thành Hắc (Lào), miền Nam nói theo Chàm là Lác.
Nhận xét
Những danh từ
Acho là con chó, Aka là con cá,
Sula là Lá cho ta thấy rõ tiếng Việt thượng cổ nhị âm, y hệt như Mã Lai ngữ.
Và bằng vào danh từ
Tua là ngôi sao, ta biết Khả ngữ là Việt ngữ tối cổ.
Có hai danh từ rất ngộ nghĩnh là đại danh từ ngôi thứ nhứt hồi thượng cổ, là
Ai, nơi người Khả chớ không phải là
Tôi như ngày nay. Hồi Trung cổ, theo các sách của các cố đạo thì ngôi thứ nhứt cũng không phải là
Tôi mà là
Min, hình thức ban đầu của
Mình. Tiếng ta biến đổi sâu xa mà ta không dè.
Ngôn ngữ đã cho thấy rõ họ là người Việt, cổ hơn người Mường.
Theo ông Bernardie thì người Khả không có man di chút nào hết, bằng chứng là người Lào thích vào xứ Khả để biến thành người Khả. Ông nói các nhà bác học Tây phương bảo rằng người Khả đã bị Lào hóa nhưng ông chỉ thấy người Lào bị Khả hóa mà thôi.
Những người Khả mà chúng tôi tạm gọi là Khả văn minh, tức người Khả không trốn tránh, ra mặt sống như người Ai Lao, thì lanh lợi và giỏi giang hơn người Ai Lao.
Có một điểm ly kỳ là màu da thổ chu của dân Lạc Điêu Đề ấy, mặc dầu ăn khớp với quốc hiệu Xích Quỷ, nhưng không hề thấy cổ thư Trung Hoa nào tả dân nào có màu da thổ chu hết.
Sự dang nắng chỉ làm cho con người đen da, chứ không có tô màu thổ chu lên da họ. Đó là màu tự nhiên của da người Lạc Điêu Đề. Nhưng được tả với sáu biệt sắc, tức khá đầy đủ tại sao Tàu lại bỏ quên biệt sắc thứ bảy là màu da?
Bằng như nói họ không phải là Lạc Việt Điêu Đề thì không thể nói được, các biểu đối chiếu ngôn ngữ đã quá hùng biện.
Chúng tôi xin nhắc lại điều này đã nói đến rồi ở một chương trước, là dân thổ trước ở Mỹ Châu mà Âu Mỹ gọi lầm là dân da đỏ, thật ra là da vàng. Họ chỉ trét thổ chu lên mặt vì lý do nào không rõ lắm. Ngày nay Âu Mỹ lại khám phá được rằng họ là Mã Lai di cư sang đó.
Chúng tôi có giả thuyết rằng họ trét thổ chu lên da họ, có lẽ để tưởng niệm tổ tiên họ có màu da đó mà họ để mất đi vì một cuộc hợp chủng nào không rõ. Xin chờ những khám phá mới nữa về dân da đỏ, vì người Mỹ nghiên cứu dân da đỏ chưa xong. Họ nói dân đó tô thổ chu lên da vì lý do vệ sinh và tôn giáo, nhưng không lấy gì làm chắc lắm, trong khi đang có một nhóm Mã Lai có da màu thổ chu thật sự.
B. Người Phu Tơn
Cũng cứ cái ông A. Fraisse đã khám phá ra người Khả Lá Vàng, ông này lại còn nghiên cứu một thứ người Việt nữa mà cho tới nay, ai cũng lầm, cho rằng họ là người Thái. Đó là người Phou Theng (đọc là Phu Tơn) vì ai cũng thấy họ nói tiếng Lào. (Xin đừng lầm với người Pou En ở cánh đồng Chum, thuộc chủng Mê-la-nê).
Nhưng ông A. Fraisse lại thấy khác. Người Phu Tơn mang tánh cách Anh-đô-nê lai với chủng Mông Gô Lích chớ không phải Thái, hay cổ Mã Lai thuần chủng, về nhơn thể tính, thì họ gần với Việt Nam ngày nay hơn cả người Mường nữa.
Cả hai, Khả Lá Vàng và Phu Tơn, đều có mang tánh cách Mông Gô Lích, còn người Mường thì không. Thế thì, bằng vào quan sát nhơn thể tính, Khả Lá Vàng và Phu Tơn là Lạc Hoa Bắc, đợt I, còn Mường là Lạc Hoa Nam đợt II, vì khoa đó cho biết bọn đợt II là Mã Lai thuần chủng, không có lai giống với Mông Gô Lích như đợt I.
Họ sống như công dân Ai Lao, tức lập thành làng gần Vientiane chớ không sống hẻo lánh như người Khả Bolovens, hay lẩn trốn như Khả Lá Vàng.
Họ nói tiếng Lào, tuy nhiên có ngôn ngữ riêng của họ, mà đó là Việt ngữ rất cổ. Âm
Th của Việt Nam thành âm
Kh của người Mường, nhưng nơi người Phu Tơn thì là âm
S. Thí dụ: Sua = thua, tháng = sáng, tha = sa.
Họ nhuộm răng đen, sống giữa các làng Ai Lao làm dân Ai Lao mà đàn ông luôn luôn ăn mặc theo Việt Nam.
Họ thờ thần làng, y như Việt Nam, và không bao giờ hỏa táng như người Lào. Theo truyền thuyết của họ thì xưa kia họ ở trong nước Việt Nam những vùng rừng núi, nhưng họ lại không biết tại sao tổ tiên của họ lại trôi dạt sang xứ Lào.
Về người Khả Lá Vàng, ta còn lập ra được một giả thuyết, chớ như về người Phu Tơn thì thật không thể đoán biết được một cái gì.
Y phục, ngôn ngữ, tục nhuộm răng đen và tục ăn Tết Việt, cho thấy rằng họ là người Việt. Nhưng họ trôi dạt sang Lào vì lý do gì và từ thời nào? Họ không trốn tránh lang thang, không lãnh đạo chủng Mê-la-nê trong rừng sâu, thì hẳn họ không phải ở trong trường hợp của người Khả Lá Vàng.
Vấn đề không có hai chủng tộc này cho thấy rằng những Phu Tơn thuần Việt hơn người Mường và người Khả Lá Vàng nhiều lắm. Chi tiết đó, phụ với sự kiện họ nói tiếng Việt kim thời ngày nay, cho thấy rằng họ di cư sang Lào không lâu lắm, có lẽ vào thế kỷ XIII mà chủng Thái xâm lăng Đông Nam Á, trong đó có thượng du Bắc Việt, và có thể họ là người Việt ở thượng du.
Có lẽ trên bước đường chạy loạn, vì lẽ này hay lẽ nọ, họ không về được miền xuôi nên chạy sang Lào, nhưng rồi cũng rơi vào tay Thái. Nhưng họ không chạy nữa vì họ thấy rằng dân Thái không dữ tợn mà cũng gần đồng ngôn với Việt, sở dĩ họ xâm lăng Việt chỉ vì bị Trung Hoa rượt sau lưng, họ không có đất dung thân nên cướp càn đất của dân khác, và khi được đủ đất rồi thì để yên mọi dân tộc.
Như vậy thì giả thuyết của chính chúng tôi, cho rằng khi dân Thái xâm lăng thượng du Bắc Việt thì đất đó là đất bị dân Việt bỏ hoang, không còn đúng nữa.
Mà theo suy luận thì cũng không đúng, ở thượng du và trung du, đất Thái ngày nay, có rất nhiều thung lũng rất lành và đó là đất tốt nhứt của người Thái mà họ rất sợ người Việt cướp lấy.
Như vậy thượng du và trung du không phải nơi nào cũng có sơn lam chướng khí, và chỉ có núi non, mà trái lại có những cánh đồng bằng tốt mà dân Việt Nam có thể định cư được.
Thế thì tại sao dân Bắc Việt cứ phải chịu cảnh chen chúc ở châu thổ mà không lên đó? Hẳn là họ có lên đó và họ là người Phu Tơn ngày nay.
(Theo tiếng Lào Phu Tơn có nghĩa là ở trên núi. Nhưng người Phu Tơn lại ở Vientiane, ngay tại kinh đô của họ. Có lẽ đó là họ gọi theo cổ thời và quả thứ người đó từ rừng núi chạy xuống các đồng bằng Ai Lao).
C. Chủng da đen lùn Négrito
Như đã nói, hai chủng làm chủ lãnh thổ Việt Nam trước khi chủng Cổ Mã Lai tới nơi, là chủng da đen lùn Négrito và chủng Mê-la-nê, da đen, nhưng ít lùn.
Chủng Mê-la-nê đã được nói tới khá nhiều rồi. Ở đây, chỉ còn chủng Négrito là cần xét tới.
Chủng Négrito hiện tồn tại ở Việt Nam.
Ở bài này, ta sẽ thấy những chủng quá kém cỏi như thế mà cứ còn sống sót được sau năm ngàn năm bị cướp đất thì không làm sao mà chủng của người Lạc Việt lại bị tiêu diệt, còn người Việt Nam là Tàu thuần chủng được cả.
Một ức thuyết khoa học phải cần được nghiền ngẫm rất lâu, xem nó có mâu thuẫn với cái gì không, có thể ổn được hay không, mà muốn nghiền ngẫm cần phải biết thật nhiều, chớ nghiền ngẫm suông thì không được. Và ta cần biết về ba chủng Mê-la-nê, Négrito, Albinos là vì vậy.
Chủng Négrito (da đen lùn) mà người Pháp thường đồn đại là có mặt ở Quảng Bình, khiến cố đạo L. Cadière đã lầm với
Khả Lá Vàng, chủng Négrito đó, không bao giờ có ai gặp cả.
Nhưng theo một tài liệu của một người Pháp ở Nam Vang, ông Erie Piétrantoni, ông này không phải là nhà khảo cứu, thì người lùn đen có xuất hiện nhiều lần.
Lần thứ nhứt mà người ta thấy một nhóm người đó là năm 1914, nhưng không nhớ tên ai đã thấy và thấy thật đúng tại chỗ nào.
Lần thứ nhì, sau trận bão năm 1939 thì một người lùn đen bị nước nguồn lôi cuốn, trôi dạt xuống tận một huyện ở Quảng Bình và được cho ở đó nhiều tháng rồi y đi mất vào rừng. Ông sứ ở Đồng Hới tên là Pierrot có phúc trình lên thượng cấp câu chuyện đó, nhưng có lẽ bề trên của ông không chú trọng đến học thuật nên cho tờ báo cáo vào kho giấy.
Lần thứ ba, đại úy Rossigeux đi vẽ dư đồ trên núi Phú Ắc, trái núi mà ông A. Fraisse đã gặp người
Khả Lá Vàng, đã bị một nhóm người đen lùn vây khốn. Ông ta bắn chỉ thiên một tiếng súng thế là nhóm người ấy chạy mất.
Hang Làng Cườm, vào thế kỷ XX, thiếu mất chủng Négrito này vì trong xã hội
Khả Lá Vàng không có chủng đó, có lẽ vì họ lạc hậu quá, không thể sống chung với chủng Cổ Mã Lai được như chủng Mê-la-nê. Hồi cổ thời, sở dĩ có sự kiện sống tay ba vì họ đã sống chung với chủng Mê-la-nê thì chủng Cổ Mã Lai tới, chủng Négrito đã trót được chủng Mê-la-nê chấp nhận, nên có cuộc sống tay ba.
Nhưng ông E. Pietrantoni cho biết một chi tiết đáng chú ý là cái nhóm người lùn đen mà đại úy Rossingeux đã gặp, được một người
Đồi mồi lãnh đạo. Thì ra chủng da đen lùn cứ bị chủng khác lãnh đạo mãi.
D. Chủng Đồi Mồi
Nhưng người
Đồi Mồi là ai?
Đồi mồi một cái bịnh, bịnh thiếu sắc tố, nó làm cho tóc và da con người mang màu trắng, một màu trắng bịnh hoạn (albinisme). Nếu đó là cái bịnh thì chủng nào cũng có cả. Nhưng không, sách Tân Đường Thư của Tàu chép rằng dưới thời Vũ Đức nguyên niên và thời Trịnh Quán nguyên niên (618 – 627) nước Phù Nam có sang cống nước Tàu loại người Đồi Mồi.
Tân Đường Thư cho biết rằng người Đồi Mồi sống trong hang núi ở Phù Nam, bốn bề có núi đá dựng, không ai vào đó được hết.
Như vậy thì đó là một chủng tộc rồi, chớ không còn là một vài thường dân mắc bịnh nữa.
Người Pháp dựa theo lời tả địa bàn Đồi Mồi của
Tân Đường Thư và cho rằng đó là núi Voi ở Cao Miên nay.
Thì ra chủng Đồi Mồi xưa cũng vẫn tồn tại. Một chủng như đã nói, tồn tại lâu dài không thể tưởng tượng được, đó là những chủng kém cỏi. Ai bảo dân tộc Lạc Việt bị diệt chủng là không biết gì hết về sự tồn tại của chủng Négrito ở Nam Ấn và ở Lào, và sự tồn tại của chủng Đồi Mồi.
Người Tàu không có chánh sách diệt chủng nơi xứ của dân Lạc Việt, mà nếu có cũng không làm được. Như thế thì dân Lạc Việt đồng bào của bà Trưng đi đâu mà để đất lại cho người Tàu thuần chủng rồi người Tàu này lại tự xưng là Việt Nam?
Về sử học cứ tự do xây giả thuyết, nhưng giả thuyết nào có sai cũng còn hữu lý đôi chút, chỉ có giả thuyết Nguyễn Phương là ngoài sự hữu lý.
Họ bỏ nước đi sang Lào để thành người Khả chăng? Cũng không, vì nếu thế thì tại sao người Tàu ở lưu vực sông Hồng Hà lại dùng ngôn ngữ của thứ dân chạy trốn đó? Họ hãnh diện về nền văn minh của họ trong đó ngôn ngữ là yếu tố quan trọng thì tại sao họ lại bỏ ngôn ngữ Tàu, dùng ngôn ngữ Lạc Việt?
Còn nói tiếng Việt hiện nay đích thị là tiếng Tàu như giáo sư đại học Nguyễn Phương đã nói thì chương Ngôn ngữ trong sách này đã bác bỏ quá dễ dàng và bất kỳ người thường nào cũng bác bỏ được chớ không cần tới một nhà khảo cứu nào hết.
Như đã nói, khoa chủng tộc học đã biết hết các chủng có biệt sắc rõ rệt trên thế giới, nhưng không hề biết chủng Đồi Mồi.
Nhưng vẫn không gọi họ là một chủng cũng không được vì họ không phải là dân mắc bịnh thiếu sắc tố của nhóm nào như Tân Đường Thư đã nói, mà là một dân tộc sống trong nước cổ Phù Nam, dân tộc ấy có nhỏ bao nhiêu, cũng cứ là một dân tộc, vì toàn dân đều như vậy hết.
Nếu cho rằng vì khí hậu và thực phẩm đặc biệt của một địa bàn nhỏ ở Phù Nam làm cho họ mắc bịnh, chớ họ cũng chỉ là một chủng thường nào đó, chớ không có riêng biệt gì hết, nhưng sao địa bàn núi rừng Ai Lao, khác xa với địa bàn Phù Nam, cũng làm cho họ mắc bịnh y hệt như vậy?
Đây là một điểm mù mờ mà khoa chủng tộc học còn chưa triệt thấu! Ngày nào đó, họ dụ dỗ được một người Đồi Mồi về thế giới văn minh để mà nghiên cứu thì chừng ấy mới rõ trắng đen.
Dầu sao vụ Đồi Mồi cũng nói rõ to lên rằng không thể diệt chủng được. Đồi Mồi chưa chắc là một chủng, mà chỉ là một dân tộc nhỏ xíu, thế mà từ đầu Tây lịch đến nay, họ cứ tồn tại, còn người Lạc Việt biến đi đâu?
Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
- L. Cadière : Géoraphie historique de Quang Binh d’après les annales impériales BEFEO 1902
- Les lieux historiques de Quang Binh, BEFEO, 1903
- Dr. Huard – E. Saurin Nguyễn X. Nguyên – Nguyễn Văn Đức : État actuel de la crâniologie Indochinose, Hà Nội, 1931
- L. Mallernet : Groupes ethniques de l’Indochine, Hà Nội, 1932
- J. Cuisinier : Les Mường, Géo graphie humaine et Sociologie, Paris, 1946
- R.A. Stein : Le Linyi Pékin, 1947
- Trần Văn Tốt : Introduction à l’art ancien du V.N., Saigon, 1939
- J. Bonder de la Bernadie : Dialecte Kha Bolovens, BSEI, 1949
- A. Fraisse : Les sauvages de la Nam Ông Matsumoto, BSEI, 1949