© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Năm 1944, dịch Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, nhà nho Nhượng Tống viết: “Trong bao nhiêu năm chung đụng với người Tàu, sự lẫn giống cố nhiên là có. Thế nhưng bảo chúng ta hoàn toàn là con cháu khách buôn, các lính thú ở Tàu sang đây như ý nhiều người, thì quyết là không đúng. Vì nếu như thế, sao tiếng nói của chúng ta lại khác hẳn của Tàu về tự pháp? Nếu cùng chung một giống tiếng thì nói có thể khác nhau về phương ngôn, về thổ âm, chớ không thể khác nhau về tự pháp như thế được.

Đây là ông nhà Nho, nhưng ông nhà Nho này không kém về khoa học chút nào, khi ông đưa ra luận cứ tự pháp (ý Nhượng Tống muốn nói cú pháp đó).

Điều nên chú ý là theo Nhượng Tống thì trước năm 1915, đã có người nghĩ như sử gia Nguyễn Phương rồi, nhưng họ không dám viết ra vì thiếu bằng chứng. Sử gia Nguyễn Phương dám viết nhưng bằng chứng thì chỉ là một lời khẳng định.

Bác bỏ nguồn gốc Trung Hoa xong, ta thử tìm về nguồn Mã Lai xem sao, mặc dầu chúng ta đã có chứng tích mạnh mẽ là chỉ số sọ, cổ sử Trung Hoa và khoa khảo tiền sử và các khám phá về dấu vết Mã Lai trong xã hội ta ngày nay.

Chúng tôi đã nói qua về cái khó của việc chọn danh từ để đối chiếu và cái khó trong việc chọn phương pháp.

Nhưng học các ngôn ngữ Á Đông tưởng đâu dễ như học Ăng Lê để làm thông ngôn cho Huê Kỳ, nhưng cũng khó không kém.

Chúng tôi đã mất ba tháng để biết nguồn gốc của độc một tiếng, đó là tiếng Xiêm, quốc hiệu cũ của nước Thái Lan ngày nay, vì trong tự điển Thái Lan – Anh không có tiếng đó, bất kỳ dưới hình thức biến dạng nào, Viêm, Tiêm, Tim, Siêm, Sám đều không có.

Hời hợt thì có thể nói đó là danh xưng Tiêm của Tàu mà ra. Khá hơn, có thể nói rằng đó là danh tự xưng của nước Xiêm, không biết do đâu mà ra.

Cả hai người đều nói đúng, nhưng chỉ ở giai đoạn thứ tư là giai đoạn Tàu biến âm, và giai đoạn thứ ba là giai đoạn Xiêm tự xưng.

Đó là một danh từ Mã Lai đợt II mà dân Thái không có và không hiểu vì họ là Mã Lai đợt I. Danh từ đó là Săm bu, có nghĩa là Kẻ lạ, hoặc tù binh ngoại quốc.

Trong ngôn ngữ Chàm và Cao Miên, Săm bu biến thành Syâm.

Dân ta cũng có một phần đợt II, nhưng ta không có mượn danh từ đó của đợt II, nên chỉ còn dùng danh từ đó trong một trường hợp độc nhứt để chỉ tên xưa của nước Thái Lan, và ta biến thành Xiêm.

Nhưng tại sao Thái Lan lấy quốc hiệu xấu đến thế: Nước Tù Binh?

Muốn biết tại sao dân Thái lập quốc ở Thái Lan, lại tự gọi nước của họ là Tù binh thì phải học sử của cả năm nước Chàm, Cao Miên, Pégan, Pyu và Thái Lan.

Pégan là nước của người Pégon, tức người Môn, tức tổ tiên của người Miến Điện, mà là con cháu của Khuyển Nhung thời Tây Chu bên Tàu, tức Lạc bộ Chuy.

Nước ấy khi xưa chạy dài từ Nam Miến cho đến Trung Thái Lan ngày nay, bị Phù Nam chiếm làm thuộc địa và lọt vào tay Cao Miên khi Cao Miên diệt Phù Nam.

Thuở đó dân Thái chưa xuất hiện tại Đông Nam Á.

Pyu là nước của người Pyu cũng là người Môn, cả hai thứ người ấy đều là tổ tiên của người Miến Điện ngày nay và nước của họ chạy dài từ Bắc Miến đến Bắc Thái Lan ngày nay và cũng bị Cao Miên diệt quốc.

Ngày xưa, tù binh Tàu, Việt, Cao Miên, Mã Lai đều được người Chàm chạm hình trên các đền Chàm và đều ghi bằng chữ quốc ngữ Chàm mà đọc ra thì là Syâm. Chắc chắn là Lạc Việt cũng có danh từ đó (vì ta sẽ thấy Lạc Việt và Chàm là một), nhưng vì lỡ đánh mất khi bị Tàu trực trị.

Khi Cao Miên xây cất đền Angkor thì chữ Syâm khắc ở đền Angkor với văn tự Khơme (quốc ngữ), chỉ một thứ người ăn mặc rất khác. Đó là người Thái mới xâm nhập.

Nhưng cuộc phiêu lưu chưa xong.

Đó là dân Thái xâm nhập Cao Miên, chớ không phải là giặc thật.

Họ bị Tàu lấn đất dữ quá, nên bỏ địa bàn Vân Nam và Quảng Tây di cư xuống thượng du Bắc Việt và hai nước Pégan, Pyu.

Vì không phải là giặc thật nên đám tù binh này rồi được trả tự do cho sống lẫn lộn với dân chúng ở thuộc địa Pégan và Pyu của Cao Miên nhưng vẫn cứ được Cao Miên và Môn gọi là Syâm hoài.

Rồi các đợt xâm nhập khác nối tiếp theo, càng ngày càng đông cho đến một khi kia thì họ nắm hết các then chốt xã hội và một lãnh tụ của họ thừa dịp Cao Miên lủng củng nội bộ, lập quốc càn, lập ra một nước gọi là Syâm. Họ chẳng biết Syâm là gì nên rồi họ cũng tự xưng là Syâm theo thói quen mà Môn và Cao Miên gọi họ.

Ta gọi họ là Xiêm là biến âm, còn Tàu thì gọi họ là Tiêm là phiên âm. Ta không hề bắt chước Tàu, trong trường hợp này.

Nhưng học sử của họ không, cũng chưa đủ, mà còn phải học về nghệ thuật của họ về các tượng đá của họ mà trên đó có khắc hình và khắc chữ, tốn quá nhiều công phu, mà phải biết được ngữ nguyên có độc một danh từ.

(Truyền thuyết của ta bảo rằng xưa kia nước ta tên là Xích Quỹ, Nhượng Tống phản đối, cho rằng không có lý nào mà mỹ thuật dân tộc lại lấy quốc hiệu xấu đến thế và đó là chuyện láo khoét.

Nhưng Thái đã tự xưng là Nước tù binh thì ta vẫn có thể tự xưng là Nước Xích Quỹ lắm, hơn thế, chúng tôi sẽ cho thấy lý do chánh đáng và hữu lý tại sao chúng ta lại xưng là Xích Quỹ. Cái gì cũng có thể xảy ra được cả).

Trong chương chứng tích chủng tộc, chúng tôi có viết rằng người Đại Hàn là rợ Tam Hàn đời xưa, từ Đông Bắc Trung Hoa di cư đến xứ họ ngày nay, mà rợ Tam Hàn là Lạc bộ Trãi. Người Nhựt cũng thế, tức cả hai đều là Mã Lai đợt I, và được Tàu đời Tây Chu phiên âm đúng hơn là Lai Di. Lạc chi là một danh xưng phiên âm sai của buổi đầu. Điều đó đã được khoa chủng tộc học thế giới xác nhận.

Nhưng chúng tôi đọc thấy trong quyển L’Art de la Chine, de la Corée et du Jupon của nhà xuất bản Larousse câu sau đây: “Ngôn ngữ Triều Tiên gốc ở núi Thiên San (Tây Vức) còn ngôn ngữ Nhựt Bổn thì cũng đồng loại với ngôn ngữ Triều Tiên.

Nhưng nghiên cứu ngôn ngữ Nhựt Bổn, chúng tôi thấy ngôn ngữ ấy gồm 65 phần trăm tiếng Tàu đọc sai và 35 phần trăm tiếng Mã Lai, không có tiếng Tây Vức nào trong đó hết.

Như vậy câu trong sách của nhà Larousse không làm cho chúng tôi mâu thuẫn ở chương này vì câu đó sai. Sở dĩ tiếng Tàu tràn ngập ngôn ngữ Nhựt vì người Nhựt bị xâm lăng văn hóa, như sẽ nói ở cuối chương, hay nói cho đúng, họ tự động làm Tàu kể từ đời nhà Đường về kỹ thuật, công nghệ, canh nông, hành chánh, chánh trị, tôn giáo, học thuật, mà làm một cách hẳn hoi cẩn thận đúng theo thói quen của họ, chớ không phải làm lấy lệ như dân ta vì vậy mà họ mất gần hết ngôn ngữ Mã Lai của họ. Tuy nhiên, những danh từ căn bản của họ vẫn còn là danh từ Mã Lai.

Cũng nên biết rằng ngôn ngữ Tây Vức cùng với ngôn ngữ Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã đồng gốc tổ với nhau, còn ngôn ngữ Đại Hàn và Nhựt Bổn thì nhứt định không liên hệ gì tới bốn nhóm ngôn ngữ da trắng nói trên. Sách Laousse cũng tầm phào chớ không phải luôn luôn đúng đắn.

Kể cả ngôn ngữ Hà Di (Aino) là ngôn ngữ của thổ trước da trắng ở Nhựt, đã bị Nhựt tiêu diệt, ngôn ngữ Hà Di cũng chủng liên hệ đến ngôn ngữ của các chủng da trắng phương Tây.

Nhưng hóc búa nhứt là các cổ ngữ. Chủng tộc học cho biết Cổ Ba Thục là một đại cường quốc Thái, nhưng nó đã bị tướng Tư Mã Thác của chư hầu Tần diệt mấy trăm năm trước Chúa giáng sanh, họ đã thành Tàu hết rồi, còn làm sao mà học được. Nhưng khoa chủng tộc học cho biết rằng họ là một quốc gia Thái mà Thái là Mã Lai, không học không xong.

Còn Quảng Đông là Tây Âu, Tây Âu là Thái, Thái cũng là Mã Lai, cũng chẳng bỏ Tây Âu được. Phúc Kiến là Thất Mân, là Lạc bộ Mã, tức cũng là Mã Lai, thế nên cũng phải học tiếng cổ Thất Mân, mặc dầu đã biết Quảng Đông và Phúc Kiến đều nói tiếng Tàu. Phải học, vì biết chắc họ còn giữ được lối 100 danh từ Mã Lai.

Đừng nói chi chuyện khó, ngay tiếng Thái cũng đủ điên đầu với nó. Họ ghép Phạn ngữ, Thái ngữ và Hoa ngữ để làm một danh từ thì ta còn làm sao mà đủ tĩnh trí được khi học tiếng Thái?

Ngôn ngữ Thái ở Hoa Nam và Ai Lao thì mượn quá nhiều tiếng Tàu, ngôn ngữ Thái ở Vọng Các lại bị Phạn ngữ tràn ngập. Thí dụ một khách sạn sang trọng, họ nói là Prâ-Barom-Mâhá-Ral-Châwâng. Đó là Phạn ngữ, còn dùng làm sao được? Cho đến dân Thái chánh hiệu mà nghe những danh từ Ấn Độ đọc sai đó còn chẳng hiểu gì huống chi ta chỉ tìm gốc Mã ngữ đơn giản mà thôi. Chỉ có tiếng Thái ở sông Đà mới là thuần túy, theo H. Maspéro, nhưng sách cũng lại quá ít, và đi tới nơi thì không thể được, không phải vì tốn tiền xe mà vì đó là đất chiến lược của Bắc Việt, chỉ có trời mà xâm nhập vào đó mới được.

Thế nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các ngôn ngữ của đồng bào Thượng là thứ người còn thuần túy Mã Lai. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ để chứng minh rằng đồng bào Thượng không hề là Cao Miên như các ông Tây đã nói, mà trái lại còn gần gốc Mã Lai hơn Cao Miên rất nhiều.

Học tiếng Chàm, tiếng Thượng, tiếng Thái, tiếng Môn tương đối dễ mà còn bể đầu như vậy. Học tới tiếng Mã Lai thì thật muốn hóa điên. Những ngôn ngữ Mã Lai được các nước Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á dùng làm thừa ngữ chánh thức, không thể dùng được, nên có sách nhiều cũng như không, vì ba ngôn ngữ đó bị Phạn ngữ và Á Rập ngữ tràn ngập.

Mã Lai ngữ chánh hiệu, cổ sơ, là phương ngữ của các bộ lạc ở trong rừng sâu, mà chúng tôi không có phương tiện học được.

Chỉ có người Hòa Lan là biết rõ thôi. Thế nên muốn học Mã Lai ngữ cổ sơ, phải có hai quyển tự điển Hòa - Mã và Pháp - Hòa. Thí dụ muốn biết danh từ Lá cây, Mã Lai chính hiệu nói sao, phải tra tự điển Pháp Hòa nơi chữ Fuille xem Hòa nói thế nào. Rồi lại xem tự điển Hòa Mã cổ sơ coi Mã cổ sơ dùng danh từ gì. Tìm một danh từ, mất đến 20 phút đồng hồ, có khi hai tiếng đồng hồ, vì có quá nhiều bộ lạc, mà tự điển không có in để bán, mà nằm trong đủ thứ tạp chí của Hòa Lan, rất khó tìm. Riêng Phi Luật Tân, có hơn 70 phương ngữ khác nhau.

Từ ngày họ thu hồi độc lập, ở cả ba nước đó đều chọn một phương ngữ quan trọng để làm thừa ngữ cho giáo dục và ngoại giao. Sự chọn lựa này, khác hẳn ở Ấn Độ, tức không căn cứ trên số đông người nói mà căn cứ trên cái phương ngữ nhiều khả năng nhứt, tức diễn được dễ dàng nhứt những việc trừu tượng, những cảm nghĩ tế nhị.

Ở Anh Đô Nê-xia thì phương ngữ của đảo Java được dùng làm ngôn ngữ chánh thức cho toàn quốc vì đảo ấy xưa kia chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhiều, đã lập được một nền văn minh rực rỡ với nhiều sách vở. Ngôn ngữ đó tên là Jawi.

Ở Phi Luật Tân thì phương ngữ Tagal được chọn, Tagal, kém hơn Jawi vì Phi chưa bao giờ có văn hóa cao như Java.

Nhưng đại để cũng y như Việt ngữ, là vay mượn rất nhiều của cái nước khai hóa là Ấn Độ, như ta đã vay mượn của Tàu.

Thế nên muốn tìm gốc Mã Lai của ngôn ngữ, không thể dùng JawiTagal được, mà trái lại, nên lục lạo trong các nhóm Mã Lai cổ sơ không chịu ảnh hưởng Ấn Độ.

Người Hòa Lan và người Anh họ làm tự điển cho các quốc gia Mã Lai, khoa học không thể nào tưởng tượng được. Họ không bao giờ lầm lẫn gốc tổ Mã Lai với những vay mượn của ngoại chủng, mà ngoại chủng nào họ đều có ghi rõ: Phạn, Á Rập, Trung Hoa, Ba Tư (nên nhớ rằng theo khám phá mới nhứt thì dân đi khai hóa các xứ Mã Lai, Cao Miên và Chàm, không phải là người Ấn Độ mà người Nhục Chi đang thống trị hai đại cường quốc Ba Tư và Ấn Độ trước Tây lịch mấy trăm năm).

Những vay mượn lẫn nhau trong các nhóm Mã Lai, họ không gọi là vay mượn nhưng ghi chú là: “Phương ngữ Mã Lai ở…”. Thí dụ làm tự điển Việt Nam thì danh từ Xoài không nên nói là vay mượn của Cao Miên, mà nên làm như họ: “Phương ngữ Mã Lai Khơ Me: Swai, phương ngữ Mã Lai Âu tức Thái Huai”.

Còn Muỗm của Bắc Việt là đích tập hợp vay mượn của Phạn ngữ qua trung gian Thái.

Quả thật thế, Bắc Việt nói Muỗm, Thái vừa nói Huai, vừa nói Muang.

Muỗm vay của MuangMuang là vay của Phạn ngữ Mangga. Tàu cũng vay của Phạn ngữ mà nói là Máng (quõ). Đó là Quan Thoại, chớ Quảng Đông thì nói là Moóng (quõ), tức Mang quả hoặc Mông quả.

Chỉ có ba danh từ sau đây mới là danh từ Mã Lai đợt I:

Việt Nam: Xoài
Cao Miên: Swai
Thái: Huai

Mã Lai đợt II ở Nam Dương mượn của Tamoul, Tamoul, tức Mã Lai đợt siêu I, tức Mã Lai di cư trước Mã Lai đợt I Trung Hoa. Đó là danh từ Tamoul Ămpătam, mà Tàu cũng có vay mượn và phiên âm là Am-ba-la.

Trong mấy chục quyển tự điển Âu châu Mã Lai mà chúng tôi tra cứu, họ chỉ lầm có độc một danh từ, thì kể ra sự lầm lẫn hiếm hoi như thế là vô địch rồi vậy.

Đó là danh từ Mã Lai Tẻ, họ bảo là vay mượn của Tàu, nhưng thật ra đó là gốc tổ Mã Lai đợt lưỡi rìu hình chữ nhựt ở Hoa Nam.

Quả thật thế, dưới thời Chu, người Tàu tìm được trà ở Ba Thục. Nhưng họ gọi là Đồ, là Dinh (Bắc Việt gọi là Dánh), chớ không gọi là trà.

Danh từ Quan Thoại Txã chỉ xuất hiện sau khi Tần Thỉ Hoàng đánh xuống Ngũ Lĩnh. Đó là danh từ Âu, tức Thái mà họ vay mượn tại nước Đông Âu (Nam Triết Giang), dân Âu đọc là Txà mà ngày nay hậu duệ của họ là người Quảng Đông còn đọc y hệt như vậy.

Danh từ Tẻ, là danh từ Lạc Việt bộ Mã, tức Thất Mân (Phúc Kiến) mà đa số các nước da trắng vay mượn vì họ tới Áo Môn (Phúc Kiến) trước hơn các nơi khác.

Mà Mân Việt đích thị là Mã Lai đợt II, lưỡi rìu chữ nhựt.

Người Mã Lai Nam Dương nói Tẻ thì không phải là vay mượn của Tàu, mà nói theo gốc tổ Mã Lai lưỡi rìu chữ nhựt ở Mân Việt vậy.

Xin chú ý: Trong các biểu đối chiếu ngôn ngữ Mã - Việt của chúng tôi, khi nào chúng tôi để Mã Lai đơn giản thì tức nhóm Mã Lai nào cũng nói y như thế: Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, bằng như các nơi đó nói khác nhau, chúng tôi mới ghi đích xác xuất xứ.

Thí dụ: Mã Lai: Bônga = Cái Bông (Đóa hoa).

Như vậy có nghĩa là tất cả các đảo Mã Lai đều nói y hệt như nhau.

(Nhưng bông Chămpa thì không được dùng để đối chiếu vì loại bông đó của ta gọi là bông Đại hoặc bông Sứ chớ không gọi là bông Chămpa như người Chàm vì họ là đợt II, nói khác một chút xíu).

Nếu như các địa phương Mã Lai nói khác nhau chút ít, chúng tôi sẽ ghi rõ địa phương nào nói thế nào.

Và xin nhớ rằng:

A. Đảo Célèbes là đất của Mã Lai đợt I, thế nên khi nào một danh từ mà Célèbes có thì kể như đó là danh từ đợt I, nên các nhóm khác là Java, Sumatra, Mã Lai Á, Phi Luật Tân không có, mà Việt Nam thì lại có, vì Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp.

Những biểu đối chiếu mà không có Mã Lai, Chàm và Giarai trong đó, xin quý vị chớ ngạc nhiên. Ba nhóm nói trên, chỉ là Mã Lai đợt II. Mã Lai đợt I tuy đồng ngôn với Mã Lai đợt II, vẫn có một số danh từ riêng.

Trước khi có kết quả của khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học, không hề ai biết rằng có nhóm Mã Lai đợt I cả, chỉ biết có nhóm II vì họ tự xưng là Mã Lai. Tuy nhiên, nếu các nhà ngôn ngữ như ông H. Maspéro chẳng hạn hoặc ông Cabaton chẳng hạn mà tinh ý một chút xíu, cũng biết các dân tộc sau đây thuộc Mã Lai đợt I: Thượng, Việt, Miên, Miến, Tạng, Thái, vì trong ngôn ngữ của sáu dân tộc đó, có quá nhiều danh từ của Mã Lai đợt II, nhứt là Việt Nam thì gồm đủ cả hai đợt ngôn ngữ.

Ông Cabaton là người độc nhứt trên thế giới đã biết rằng đồng bào Thượng là Mã Lai chớ không phải Cao Miên, nhưng không rõ cớ sao ông lại không biết rằng Việt Nam cũng thế, vì ngôn ngữ Thượng không khác Việt ngữ bao nhiêu.

Ông G. Cocdès đã nói một câu rất thông minh và rất bất ngờ: “Ai biết người Lạc Việt của thời hai bà Trưng dùng ngôn ngữ nào thì nguồn gốc của dân tộc Việt Nam sẽ là một vấn đề dễ giải đáp”.

Trong chương này, chúng ta tìm biết ngôn ngữ của hai bà Trưng đây. Hơn thế, ta lại biết cả ngôn ngữ của vua Hùng Vương, nó khác hơn một chút xíu.

Đã bảo khoa khảo tiền sử cho ta biết rằng ở xứ ta có hai đợt Mã Lai hỗn hợp, đợt II chính là người Nam Dương ngày nay, thế thì ta lấy tập tự vựng Việt ngữ, trừ đi các tiếng Mã Lai Nam Dương thì lòi ra ngôn ngữ của vua Hùng Vương là người của đợt I.

Mà ngôn ngữ của đợt I của vua Hùng Vương không có gì là bí hiểm. Đó là Môn ngữ, Miến ngữ, Khơ Me ngữ và Thượng Việt ngữ, Tạng ngữ, Nam Ấn ngữ.

Hai bà Trưng vừa nói Chơn (đợt I) mà cũng vừa nói Cẳng (đợt II). Nhưng vua Hùng Vương các đời 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 chẳng hạn thì không hề biết Cẳng, bởi bọn đợt II chưa tới nơi.

Người Chàm, đa số là đợt II, nên chỉ biết Cẳng mà không hề biết Chơn.

Vì gồm đến hai đợt hỗn hợp nên Việt ngữ rất giàu. Chàm cũng thế, nhưng như đã nói, đợt I của họ ở miền Bắc (Lâm Ấp) không liên lạc được nhiều với đợt II (miền Nam) vì nước họ là những cái ô ngăn cách với nhau, chỉ thống nhứt lỏng lẻo về chánh trị mà không thống nhứt về văn hóa, ngôn ngữ miền Bắc không xuống miền Nam được và khi miền Bắc bị chiếm rồi thì họ chỉ còn độc nhứt một đợt phương ngữ mà thôi là đợt II. Tuy đợt I và đợt II cũng có rất nhiều danh từ giống nhau, nhưng đồng thời cũng có nhiều danh từ khác nhau, như Chơn và Cẳng nói trên.

Nhựt Bổn cũng gồm hai đợt, nhưng họ không giàu lắm, và một cuộc hợp chủng nào không rõ, có lẽ là với Hà Di (Aino) làm họ rất nghèo âm. Khi sự nghèo túng ấy trở thành cơ hàn thì khó lòng mà giàu được. Ông Châm Vũ Nguyễn Văn Tần nói rất đúng rằng họ có hàng trăm danh từ đọc là TÔ (tô): Đấu là Tô, Mười cũng là Tô, Chim cũng là Tô, Dây mây là Tô, Cửa là Tô, Đầu là Tô, Đáp lời là Tô, thì có giàu cũng hóa nghèo xơ.

Riêng cổ ngữ Tây Âu đã làm cho chúng tôi thắc mắc vô cùng mà không sao giải đáp được.

Nước Tây Âu (Lưỡng Quảng) là nơi nương náu cuối cùng của tất cả Âu đời xưa, Ba Thục đời Chu v.v. Lạc không có chen chơn vào đó được vì họ đã quá đông dân rồi (vì thế mà đạo binh viễn chinh của Tần Thỉ Hoàng mới lọt vào ổ kiến lửa tại đó).

Thế mà không hiểu sao trong ngôn ngữ Tây Âu lại có quá nhiều danh từ Mã Lai đợt II.

Nói là họ vay mượn, thì cũng được đi; nhưng sao họ lại vay mượn cả những danh từ không cần thiết mà họ đã phải có rồi thuở mà họ còn là Cửu Lê.

Thí dụ danh từ Trời của họ là danh từ của Lạc đợt II mà Chàm và Nam Dương đang dùng, trong khi đó thì từ khi là Cửu Lê, đến lúc là Âu họ cũng văn minh y hệt như Lạc chớ không có kém, hơn chút nào hết.

Những danh từ mà họ và Việt Nam giống nhau thì rất dễ hiểu vì như đã nói trong Cửu Lê có Lạc đợt I. Nhưng mà sự hiện diện của Lạc đợt II trong đó khó quan niệm được vì họ bận tiếp đón quá nhiều dân Âu bị Tàu đánh đuổi, kể cả dân Ba Thục cũng dồn xuống đó nữa, nghĩa là bao nhiêu Âu từ Hoa Bắc tới Hoa Nam đến đổ dồn vào nước Tây Âu, không còn chỗ chen chơn. Cuộc kiểm tra dân số của Tàu nhà Hán đã cho thấy rằng họ mười lần đông hơn Cổ Việt Nam thì bọn Lạc đợt II làm thế nào mà lọt vào đó được. Bằng như nói họ vay mượn của Lạc II có địa bàn tiếp cận với họ thì không ổn vì họ mượn toàn những tiếng mà họ phải có rồi là làm sao?

Đó là điểm độc nhứt trong quyển sách này mà chúng tôi không thể cắt nghĩa được bằng ức thuyết nào cả.

Thí dụ hoa đại, hoa sứ, thì họ nói y như Chàm là Bôngga Chămpa chớ không nói như Việt Nam là Bông đại, trong khi họ còn phải nói y theo Việt Nam vì họ là Mã Lai đợt I, còn ta thì đa số là Mã Lai đợt I (?).

Nhạc sĩ Lê Thương có sống ở Lào, có viết bản nhạc lấy ngôn ngữ Thái Lào làm tên cho bản nhạc đó là: Ô đuống Chămpa. Chúng tôi có hỏi nhạc sĩ có biết tại sao mà Thái Lào không dùng danh từ Mã Lai đợt I để chỉ loài hoa ấy, mà lại dùng danh từ của Mã Lai đợt II, thì nhạc sĩ cũng chẳng biết tại sao mà có chuyện kỳ lạ như vậy, điều chắc chắn là người Thái Lào gọi hoa đó y như Chàm, là Chămpa, chớ không biết danh từ Đại hay Sứ.

Về danh từ Trời thì rất dễ hiểu. Cả hai đợt Mã Lai đều có hai danh từ Trời, tùy theo nghĩa thiêng liêng (ông Trời) hay nghĩa vật chất (vòm trời). Việt Nam đã đánh mất hết một danh từ, Thái Lào cũng thế, Nhựt Bổn cũng thế, nên ba nhóm ấy chỉ còn có một danh từ, nhưng Thái Lào khác ta vì họ lại đánh mất cái danh từ mà ta còn, còn ta thì đánh mất cái danh từ mà họ đang có.

Những chứng minh ở chương trước của chúng tôi, đã giúp chúng tôi vẽ ra ở cuối tiểu mục Đ một đổ biểu chủng tộc.

Ở đây chứng minh của chúng tôi cũng phải đi sát cái đồ biểu ấy, tức chứng minh rằng các nhóm Mã Lai: Việt, Thái, Cao Miên, Chàm, Miến Điện, Tây Âu (cổ Quảng Đông), Ba Thục (cổ Tứ Xuyên) gì cũng đều đồng ngôn ngữ với nhau và tất cả đều quy về cái gốc tổ Tây Tạng.

Không làm như vậy được ở đây, cũng không thiếu sót, vì chứng tích quan trọng bực nhứt là chỉ số sọ, cũng đã đủ rồi, nhưng thêm được chứng tích quan trọng bực nhì càng hay.

Tuy nhiên, chứng tích quan trọng này dĩ nhiên là phải bị bể vỡ từng manh mún chớ không toàn vẹn như những cái sọ, vì như đã nói, ngôn ngữ là văn hóa, không ai mượn sọ được, nhưng mượn ngôn ngữ thì được.

Nhưng đây là vay mượn nội bộ, chớ không phải vay mượn bên ngoài. Đành rằng ta có vay mượn tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng đó là vay mượn về sau kỷ nguyên Kitô, chúng tôi không kể vào, mà chỉ cứu xét về ngôn ngữ sơ khai của tổ tiên ta buổi đầu, cách đây trên hai ngàn năm thôi, ấy thế mà cũng đã có vay mượn rồi, vào thuở đó.

Vậy xin đừng ai mong hiểu được một câu chuyện của người Mã Lai, hoặc nói một câu ngắn bằng tiếng Việt mà họ hiểu được đâu. Đã bảo hiện có hơn 1.000 nhóm kim Mã Lai thì tìm thấy ngữ căn là may mắn lắm rồi đó.

Số là một chủng tộc quá lớn như chủng tộc Mã Lai thì tự nhiên vào thời thượng cổ, họ chia ra thành nhiều chi nhóm, ban đầu đồng ngôn với nhau cả, nhưng các chi ấy lại tủa ra khắp nơi (tùy theo đà phát triển của chủng tộc) để tìm sinh kế và tại các địa bàn mới, vì ảnh hưởng khí hậu, họ nói khác giọng với nhau chút ít như Bắc Việt với Nam Việt.

Mỗi địa bàn mới đó lại tự phát triển ra nữa và chung đụng với các dân khác quanh họ, vay mượn đủ thứ của người xa lạ kể cả ngôn ngữ, thành thử họ bắt đầu nói khác nhau. Thí dụ trực tiếp nhứt là người Việt miền Nam có danh từ Bưng biền vay mượn của Cao Miên, mà người Việt miền Bắc không có. Miền Bắc cũng không có danh từ Rạch chỉ phụ lưu một con sông.

Với thời gian, nhứt là với không gian, đôi khi họ vay mượn của ngoại nhân cả âm, thanh, cú pháp, văn phạm nữa, chớ đừng nói là danh từ.

Hiện nay dân thổ trước Papou chỉ đông có 70 ngàn người, thuộc chủng Mê-la-nê hết thảy, nhưng có nhiều bộ lạc nói, bộ lạc khác nghe không hiểu, phương chi dân Maori ở Tân Tây Lan, cũng thuộc chủng Mê-la-nê thì không mong hiểu được Papou, mặc dầu họ đồng gốc tổ Mê-la-nê với nhau hết.

Nhưng các nhà ngôn ngữ học biết được họ đồng gốc tổ, chính nhờ những danh từ căn bản (basic) của họ.

Các phương ngữ biến dạng theo một cái luật, và luật ấy đã được biết, dầu có bể ra từng mảnh nhỏ, ngôn ngữ ấy cũng còn truy nguyên ra được trong các thứ ngôn ngữ đồng gốc mà được thành hình về sau.

Chúng tôi xin vẽ ra một đồ biểu trừu tượng chỉ sự phân tán, và vay mượn.

Rất nhiều học giả Việt Nam chủ trương rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ hỗn hợp mượn đây một ít, kia một ít, mà không biết rằng những nơi cho mượn toàn là các nhóm cổ Mã Lai, tức không có vấn đề hỗn hợp gì hết, vì tất cả các nhóm ấy đều mượn qua mượn lại với nhau sau một giai đoạn biến khác, dài hàng ngàn năm.


Gốc tổ ban đầu A

Phân chia rồi biến giọng, tân tạo danh từ, tùy nhu cầu địa phươngVay mượn Giữa các nhóm và ngoại nhân. Ngoại nhân được ghi bằng XYSự nhìn lại nhau của vài nhóm sống sót

XY
BB = A + Đ + XC chỉ nhận được nhờ
CC = A + D + Yyếu tố A và vay mượn
DD = A + E + XY nhưng cái gốc tổ A
ĐĐ = A + F + Ycàng lâu đời càng bị
Evân vânbiến dạng rất xa nhau.
F\Thí dụ ta nói Xơi, Cao
\Miên nói Xi, Bà Na nói Sa.

Thí dụ cụ thể và trực tiếp:

Sông của nhóm ASông của nhóm BNhưng A và B nhận
TháiKhungCao MiênT’lênhau được nhờ danh
ChàmKrongSơ ĐăngTơ lêtừ Trái
MườngKhôngJêhTlêViệt Nam cổBlái
Bà NaKrông\MườngBlái
KhảHông\Cao MiênPhle
Việt NamSông\Bà NaPlây
Cao MiênStung (Phụ lưu)\Sơ ĐăngPlây
Mã LaiSôngai\TháiPho la
\KhảP’lai
\MạPlây

(Sách của các cố đạo xưa viết là Blái hoặc Tlái, người Mường ngày nay cũng nói Blái hoặc Tlái).

Đôi khi tất cả các nhóm đều nhận nhau được nhờ gốc tổ Mã Lai mà nhóm nào cũng giữ được hết thảy. Thí dụ danh từ Lê (cây).


Biểu đối chiếu số 1

Việt Nam: Lá cây
Mã Lai Célèbes: Hạalaa
Chàm: Halaa
Bà Na: Hlaa
Sơ Đăng: Hla
Giarai: Laa (Xin đừng lầm với động từ La của Giarai; chỉ có một chữ A và cũng có nghĩa là La, y hệt như Việt Nam)
Mạ: Nhla
Mường: La
Nhựt Bổn: Hạ
Triều Tiên: Hạ
Mã Lai Kedat: Kelat
Mã Lai Sembilan: S#rela
Mã Lai Johore: Ulat
Mã Lai Á: Layu (chỉ được dùng để gọi lá héo)
Cao Miên: Slat
Khả Lá Vàng: Sala
Khả Văn Minh: Là
Cổ ngữ Ba Thục: Lạ
Cổ ngữ Tây Âu: Lá (Người Quảng Đông gác Tây Âu, hiện nay nói Dịp, tức Diệp. Nhưng đồng thời họ cũng nói ).

Xin đừng ngạc nhiên mà thấy vắng mặt danh từ Thái trong biểu đối chiếu này. Thái cũng là Việt, tức Mã Lai, nhưng thuộc một chi khác, chi Âu. Tất cả các dân tộc có mặt trong biểu đối chiếu này đều thuộc ba chi Lạc, Lạc bộ Trãi. (Việt Nam, Thượng), bộ Mã (Giarai, Chàm, Nam Dương) và bộ Chuy (Tạng, Miến, Môn và Khơ Me).

Nhưng ở các biểu đối chiếu khác sẽ có Thái. Tuy nhiên, vẫn ít thời vì cái yếu tố Thái trong Việt ngữ mà ông H. Maspéro cứ nói đến mãi, thật ra là yếu nhứt trong Việt ngữ vì cái lý do giản dị là Thái thuộc chi khác.

Danh từ Thái là Bai (Mai). Nhưng không nên kể đến từ Mai, bởi đó là tiếng Tàu Mộc. Họ nói Lã Mộc thay cho lá cây, tức chi Âu mất ngôn ngữ nhiều hơn chi Lạc. Điều đó cũng dễ hiểu. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chi Âu không hề ra khỏi nước Tàu, trước thế kỷ thứ X. Hiện họ gồm:

Người Quảng Đông bị đồng hóa 99%
Người Nùng bị đồng hóa 70%
Các thứ người khác bị đồng hóa 50%

về mặt ngôn ngữ và phong tục, văn hóa.

Các đảo Mã Lai còn một danh từ nữa, đó là danh từ của nhóm Lạc Lê.

Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: Đo
Mã Lai: Đôn


*


Dân Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp nên dùng danh từ của cả ba thứ Lạc và cả danh từ của Âu tức Thái nữa.

Thí dụ điển hình nhứt là danh từ , SữaNúm Vú. Sữa là danh từ của Lạc bộ Mã, họ nói Sú Sú, ta biến thành Vú và Sữa.

Danh từ của chi Âu Nóm, ta nhập Nóm với để tạo ra Nóm Vú chỉ cục thịt nhỏ ở đầu vú.

Tóm lại, quả thật ta lượm lung tung, đầu này một ít, đầu kia một ít, nhưng chỉ lượm trong đại cộng đồng Mã Lai, chớ không hề vay mượn của chủng tộc nào khác hết.

Mà các quốc gia Mã Lai khác như Thái, Cao Miên cũng thế, chớ không riêng gì là ta. Họ cũng ghép danh từ của lu bù nhóm Mã Lai để tạo danh từ riêng của họ. Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Ma Nam của Thái, sẽ nói thật rõ ở biểu đối chiếu về các danh từ Ma.

Trong chủng Ấn Âu cũng thế, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha mượn của nhau lung tung rồi biến nghĩa, tạo danh từ riêng cho họ, thành thử trong một danh từ Đức có danh từ Nga cộng với danh từ Pháp, với danh từ Albanie, rất là ngộ nghĩnh như Nóm vú của ta. Riêng người Thái Lan thì loạn xà ngầu, họ ghép Phạn ngữ, Thái ngữ, Môn ngữ để tạo một danh từ vô cùng kỳ dị mà chỉ có các nhà bác học mới tầm nguyên được mà thôi.


Biểu số 2

Việt Nam: Cột (dây)
Mạ: Kơt
Giarai: Keet
Sơ Đăng: Kơt
Bà Na: Kơơt
Chàm: Kaat
Mã Lai: Ikat

Đây là động từ của Lạc bộ Trãi và bộ Mã, còn Lạc bộ Chuy, Cao Miên, Miến Điện thì nói là Chon.


Biểu số 3

Việt Nam: Cháu (con cháu)
Mạ: Sáu
Mường: Cau
Giarai: Côô
Sơ Đăng: Caô
Bà Na: Saô
Cao Miên: Chau
Mã Lai: Chu


Biểu số 4

Việt Nam: Chim
Bà Na: Sêêm
Sơ Đăng: Chim
Mường: Chim
Khả Lá Vàng: Tiêm
Bộ lạc Irogo Phi Luật Tân: A chêm


Biểu số 5

Việt Nam: Cò (con cò)
Mạ: Kô
Bà Na: Kook
Giarai: Koo
Mường: Ko
Mã Lai: Kua (chỉ được dùng để gọi là Cò ăn đêm)


Biểu số 6

Việt Nam: Con (cha con)
Bà Na: Koon
Sơ Đăng: Kooon
Cao Miên: Kôn
Mạ: Kon
Mường: Kon


Biểu số 7

Việt Nam: Con (con vật)
Cao Miên: Ko
Mạ: Ko
Bà Na: Ko
Sơ Đăng: Ko
Giarai: Ko
Mường: Ko

Lạc bộ Mã không có loại từ Con. Chi Âu tức Thái thì dùng loại từ Con để chỉ Người, và vì vậy, không còn loại từ Con nữa.


Biểu số 8

Thí dụ này hơi rắc rối. Trước hết nên biết rằng ta có hai danh từ để chỉ một gia súc: đó là lợn và heo. Trong rừng Cao nguyên lại có một con vật hơi giống con heo, đó là con Agouti, mà ta gọi là con Cúi. Nhưng về sau, lợn, heo cũng được ta gọi là Cúi.

Việt Nam: Cúi tức Heo, Lợn
Mường: Kuy
Cao Miên: Kui
Sơ Đăng: Cuur
Giarai: Kuai
Khả Lá Vàng: Kur

Dùng chung để chỉ lợn và Agouti


Biểu số 9

Việt Nam: Lội (Bơi lội)
Thái: Lô Y
Giarai: Loôi
Bà Na: Glôôi
Chàm: Luôy
Mã Lai Bontok (Phi): Luôy


Biểu số 10

Việt Nam: Nghe (hoặc Tai)
Giarai: T’nghĩa = Nghe
Khả: Sẽ = Nghe
Bà Na: I’nghẻ = Nghe
Chàm: Tauyô = Tai
Mã Lai Célèbes: Tngar = Nghe
Mã Lai Á: Tảlinga (Tai)
Mã Lai Á: Mảnảnga (Nghe)


Biểu số 11

Việt Nam: Chó
Mạ: So
Cao Miên: Cho
Giarai: Tsao
Khả Lá Vàng: Acho
Sơ Đăng: Coo
Bà Na: Soo
Mường: Coo
Chàm: Tho
Mã Lai Célèbes: Atho
Mã Lai Á: Asu

Người Mường lại có một danh từ nữa là Khai mà Cao Miên đã mượn. Khai của Mường có nghĩa là Chó, nhưng đồng thời cũng lại có nghĩa là Cọp.

Theo cố đạo L. Cadière thì tiếng Việt xưa cũng gọi con chócon khai, di tích còn thấy mãi cho đến ngày nay tại thôn quê hẻo lánh ở Quảng Bình, và đó là hình thức cổ sơ của danh từ Cầy.

Cầy là danh từ của đợt I, còn Chó là danh từ của đợt II. Người Mường thuộc đợt II, nhưng họ nói Chó vì chịu ảnh hưởng ta. Họ cũng nói Cầy với hình thức cổ là Xhai, nhưng lại cho nó một cái nghĩa rất sang là Cọp vì một cái luật văn phạm dưới đây.

Ta thấy Lạc Việt đợt I, tức nòng cốt của Việt Nam, có cái đặc sắc này là những danh từ vay mượn của đồng chủng, đồng bào, họ chỉ cho nó giá trị hạng nhì mà thôi.

Đừng nói chi là danh từ của chi Âu, cả danh từ của chi Lạc đợt II, cũng chỉ được ngồi ghế hạng nhì. Thí dụ Chơn. Chơn là danh từ của Hùng Vương, nên nó giữ ngôi sang trọng. Ta có thể nói “Dấu Chơn của hai bà Trưng trên chiến trường chống Mã Viện”. Nhưng ta không thể nói “Dấu Cẳng của hai bà Trưng”, vì Cẳng là danh từ của đợt II, ta nghe không sang.

Trong khi đó thì người Chàm và người Nam Dương lại cho danh từ Cẳng một địa vị thơ mộng và cao quý. Họ nói Cẳng của nàng rất đẹp. Họ nói Cẳng Trời, thay vì Chơn Trời như ta.

Ta có thể lập ra cái luật văn phạm này mà rất ít vấp ngoại lệ:

A. Khi Việt ngữ có hai từ đồng nghĩa, thì luôn luôn từ thứ hai bị lép vế, và chắc chắn từ đó là vay mượn của một nhóm Mã Lai khác.

Xơi (đợt I) sang hơn Ăn (đợt II)
Cầy (đợt I) – Chó (đợt II)
Chó (Lạc đợt I) – Chó má (chi Âu)
Ngỗng (Lạc bộ Trãi) – Ngan (Lạc bộ Chuy)
Chơn (đợt I) – Cẳng (đợt II)
Cẳng (đợt II) – Giò (Chủng Mê-la-nê)

B. Khi Việt ngữ có ba từ đồng nghĩa thì từ thứ ba có một nghĩa xấu tệ và đó là vay mượn của một chủng kém hơn hoặc của một chi khác hơn là chi Lạc.

Cầy sang hơn chó, mà chó thì sang hơn chó má, chỉ dùng để chưởi, vì Má, Mã là danh từ của chi Âu tức Thái, chớ không phải của chi Lạc, mặc dầu trong chi Âu, nó chỉ có nghĩa là chó chớ không có gì là kém cỏi hết.

Sở dĩ người Mường (đợt II) cho Cầy có một nghĩa sang trọng vì thấm nhuần cái luật đó. Họ chỉ là khách trọ của Hùng Vương, tức chỉ là Mã Lai đợt II ở trọ với Mã Lai đợt I. Họ đã phải thần phục vua Hùng Vương về mọi mặt, như ta sẽ thấy, mặc dầu thuở di cư đến cổ Việt, họ đã văn minh cao lắm. Thế nên họ tự động đưa Cầy của ta lên thật cao với cái nghĩa là Cọp.


Biểu số 12

Việt Nam: Ngày
Môn: Tngay
Cao Miên: Thngay
Jêh: Ngaai
Kơ Young: Ngaai
Sơ Đăng: Haal
Mường: Ngai
Khả Lá Vàng: T’ngai

Trên đây là danh từ của Mã Lai đợt I. Mã Lai đợt II nói Hari.

Danh từ Hari này, rất là rắc rối trong Mã Lai ngữ và Nhựt ngữ, nhưng khi nó len vào ngôn ngữ ta thì nó làm cho thiên hạ điên đầu.

Trong ngôn ngữ Mã Lai Hari có nghĩa là Vòm Trời (vật chất), là ông Trời (thiêng liêng) và cũng có nghĩa là Ngày.

Nhưng có ai tin được rằng Hari biến dạng thành Trời hay không? Chắc là không. Ấy thế mà có sự biến dạng kỳ dị đó. Chúng tôi biết được là nhờ những cái khoen nối kết của xâu chuỗi biến dạng ấy.

Dầu sao, Mã Lai đợt I vẫn giàu danh từ hơn Mã Lai đợt II, ta có Ngày lại có Trời, còn họ thì chỉ có Hari.

Trong Nhựt ngữ, Hari biến thành Hara.

Mã Lai đợt II có Langít để chỉ Vòm trời (vật chất) nhưng các nhóm Mã Lai đợt I như Cao Miên, Thái cũng đều có (nhưng Việt Nam đã đánh mất Langít. Chúng tôi nói đánh mất, mà không nói là không có, vì Cao Miên và Thái có thì ta phải đã có, và một thời nào đó).

Sẽ trở lại vấn đề này sâu hơn, trong biểu đối chiếu về danh từ Trời.


Biểu số 18

Việt Nam: Ngoài
Mường: Ngwai
Bà Na: Tơ nguải
Khả Lá Vàng: Hòi
Sơ Đăng: Rơ nghieo
Cổ ngữ Ba Thục: Ngôi

Nhiều tỉnh Trung Việt nói Ngòi tức trung gian giữa Ngoài và Hòi của Khả Lá Vàng.


Biểu số 14

Việt Nam: Người
Bà Na: Bngoai
Sơ Đăng: Bngaai
Giarai: Ngaai
Mường: Mwai, Mwal (ta biến Mwal thành Mường và Mwai thành Mọi)
Cao Miên: M'Nư
Khả Lá Vàng: R’Nui
Khả Bolooen: P’Nui
Mã Lai Phi Luật Tân: Mnui
Thái: Muang (xóm đông người, hoặc thị trấn đông người, ta cũng biến thành Mường).

Trên đây là danh từ Mã Lai đợt I, lưỡi rìu tay cầm. Còn Mã Lai đợt II thì ORANG là người, không được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam, mặc dầu đợt II cũng có mặt đông đảo ở Cổ Việt vì chính họ là tác giả trống đồng. Vì thế mà ta cũng cần biết:

Mã Lai, Chàm: ORANG
Triều Châu, một trong Thất Mân: NÁNG
Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: NÀNG

Thất Mân là Lạc bộ Mã, tức cũng là cổ Mã Lai Bách Việt đợt II. Đã nhiều lần, chúng tôi có nói đến việc tiêu cực đề kháng của người Tàu Hoa Nam, họ là Mã Lai, bị đồng hóa với Tàu, họ nói tiếng Tàu (sai giọng chút ít) nhưng mỗi nhóm còn giữ được hơn trăm danh từ Mã Lai.

Quả thật thế, Người, tiếng Tàu là Dỉl, bị dân cổ Tây Âu tức Quảng Đông, đọc sai chút ít, hóa ra Dành. Nhưng Náng thì không thể là biến dạng của Dỉl được như Dành.

Bằng vào danh từ Nàng của Hải Nam gốc Lê, ta biết được họ là Mã Lai đợt II, rất gần gũi với Thất Mân tức Lạc bộ Mã. Nhưng ông H. Maspéro cho rằng Hải Nam là Thái đen, thuộc chi Âu. Như thế là sai.

Chỉ có thể kết luận Hải Nam là nhóm Lạc Lê, nên họ mới có danh từ Nàng của Lạc.

Ta chỉ còn bí về danh từ cổ thời, không biết Triều Châu đã biến ORANG thành NÁNG hay chính Mã Lai đã biến ONÁNG thành ORANG.

Có lẽ Triều Châu và Hải Nam là thủ phạm vì chịu ảnh hưởng Tàu, họ đánh mất âm R mà xưa kia họ có, vì họ là Mã Lai, còn Tàu thì không bao giờ có âm R.

Nhưng Mã Lai đợt I lại còn một danh từ nữa để chỉ Người mà chỉ có Âu tức Thái là có dùng. Đó là danh từ Kon, được người Lào biến thành Cần.

Kon, bị Việt ngữ biến thành loại từ Con. Loại từ Con, chỉ có Thượng Việt (Mã Lai đợt I) là có, y như ta, còn Mã Lai đợt II tuyệt đối không có loại từ Con, cả Mã Lai đợt I là Thái cũng không có.

Có lẽ khi xưa, tất cả Mã Lai đợt I đều có, nhưng chi Âu đã biến nó thành Người rồi thì không thể dùng làm loại từ được nữa.


Biểu số 15

Việt Nam: Rễ (cây)
Sơ Đăng: Rễ
Bà Na: Rở
Mạ: Rỉa


Biểu số 16

Việt Nam: Khiên (tức cái mộc, cái thuẫn)
Chàm: Kheèl
Cao Miên: Khèl
Bà Na: Khèl
Sơ Đăng: Khèl
Kơyong: Khèl

Khiên, kheèl, khèl gì cũng là danh từ của Mã Lai đợt I mà Mã Lai đợt II không có. Nhưng Chàm vốn là Mã Lai đợt II lại có. Thế nghĩa là trong dân tộc Chàm cũng có hai đợt. Khoa khảo tiền sử không biết điều đó, nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu, bị khoa học chê, lại cho ta biết rõ hơn về nhiều chi tiết.

Mã Lai đợt I trong dân tộc Chàm là bọn Lạc lồi, tức dân ở quận Nhựt Nam mà nơi đó bọn đợt II, bọn Khu Liên, tức bọn đã lập ra nước Tây Đồ Di, đã nổi loạn với quan cai trị Tàu và lập ra nước Chàm thứ nhì là nước Lâm Ấp.

Như vậy, danh từ nào của Mã Lai đợt I mà Chàm có đều do Chàm miền Bắc Lâm Ấp đưa xuống miền Nam Chiêm Thành khi họ thống nhứt xứ sở của họ. Nhưng họ đưa không nhiều vì xứ sở của họ bị núi ngang làm trở ngại giao thông.


Biểu số 17

Việt Nam: Kiềng (vật 3 chơn để nấu ăn)
Giarai: Kên
Hbao: Kên
Koyong: Khiêên
Bà Na: Tkaan


Biểu số 18

Việt Nam: Kèn
Các nhóm Thái: Khèl
Khả Lá Vàng: Khèl


Biểu số 19

Việt Nam: Rảy (nước)
Mạ: Srỉ
Bà Na: Prả
Chàm: Hprai


Biểu số 20

Việt Nam: Chín (không sống)
Bà Na: Sin
Sơ Đăng: Sên
Cao Miên: Ch’eanh
Giarai: Tsêêng


Biểu số 21

Việt Nam: Con ruồi
Mạ: Ko Rhai
Môn: Ko Rui
Cao Miên: Ko Ruy
Bà Na: Ko Rooi
Kôhô: Ko Rha
Roglai: Ko Rouai
Braou: Ko Ruay
Hrê: Ko Ròi
Tampoun: Ko Roy
Biut: Ko Rhuai
Xi Tiêng: Ko Ruêi
Mường: Ko Ruuêi
Khả Lá Vàng: Kon Rruêi

Không có mặt đợt II trong biểu rất dài này, và điều này chứng tỏ rằng Thượng Việt là Mã Lai đợt I.


*


Biểu số 22

Việt Nam: Đắng
Bà Na: Tang
Sơ Đăng: Sang


Biểu số 23

Việt Nam: Ngóc (đầu)
Bà Na: Ngơk
Giarai: Ngaak


Biểu số 24

Việt Nam: Đang (làm việc)
Bà Na: Tơ đang
Giarai: Tơ đang
Chàm: Ttang
Mã Lai Célèbes: Tđang


Biểu số 25

Việt Nam: Tê (bại)
Giarai: Tom
Giarai Pleiku: Pơtơm
Bà Na: Pơtơm


Biểu số 26

Việt Nam: Cái (Lớn: sông cái, kẻ đứng đầu: thợ cái)
Sơ Đăng: Kel (Lớn)
Bà Na: Akal (Quan trọng) Kơl (Cái đầu)
Mã Lai: Laki (Đàn ông, hùng mạnh, lãnh tụ, lực lượng, đực)
Chàm: Lì cáy (Đàn ông, lãnh tụ, đực)

Danh từ này cho ta biết một sự thật ngộ nghĩnh mà nhiều người đã ngộ nhận. Là con của Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, chớ không phải cho cha và mẹ vì cái lẽ rằng mẹ ông ấy chỉ là một bà nội trợ tầm thường, không xứng đáng gọi là đại vương. Người ta ngộ nhận vì danh từ Cái trong Bố Cái Đại Vương.

Nhưng Cái là danh từ Mã Lai, có nghĩa như trên vào thời xưa: Bố Cái là ông cha hùng mạnh, ông cha thủ lãnh. Cả trong Mã ngữ ngày nay cũng thế.

Chúng tôi nói có bằng chứng. Hiện nay Mã Lai có danh từ Ibu Láki đúng nghĩa là Bố Cái, vì Ibu = Bố. Ibu Láki có nghĩa là nhà lãnh đạo.

Láki của Mã Lai biến thành Lìcáy của Chàm và Cái của Việt.

Con dại cái mang không có nghĩa là mẹ chịu trách nhiệm, mà chính là cha chịu trách nhiệm đây.

Danh từ riêng của miền Nam: “Người lại cái”, có nghĩa là người bán nữ bán nam, chắc chắn là do danh từ Chàm mà ra. Đó là Camay lagi lìcáy dịch ra từng chữ là Đàn bà mà lại còn là đàn ông.

Camay = Đàn bà
Lagi = Lại còn
Licáy = Đàn ông

Ta lười biếng, nuốt mất Càmay lagi, chỉ còn LICÁY biến thành LẠI CÁI. Một lần nữa, ta thấy Cái là đàn ông chớ không phải là đàn bà.

Từ Lagi còn thấy được ở một địa danh trong tỉnh Bình Tuy. Nơi đó xưa kia là đất của Phù Nam, rồi của Chàm, cả hai dân tộc ấy đều nói tiếng Mã Lai đợt II thì thật là không biết địa danh ấy là của ai. Nhưng nói đúng tiếng Mã Lai Nam Dương thì nó phải là Sa-Lagi. Nhưng chỉ có Sa-Lagi không thì không có nghĩa gì cả. Chắc chắn là người Việt đã nuốt mất một vài tiếng sau, như trong trường hợp trên đây, ta đã nuốt đến sáu tiếng Đàn bà mà lại còn là.

Cái địa danh trên kia có lẽ là Sa-gi đánh nhau với San La tức lại còn đánh nhau với Chân Lạp.


*


Tra các tự điển đất Bắc thì không có danh từ Lại Cái, mặc dầu có danh từ Bố Cái. Có lẽ ngày xưa ngoài ấy cũng có, nhưng dân đất Bắc đâm ra mê Tàu từ năm 1600, như đã giải thích khi nãy nên bỏ bông, trái, ghe, muỗng, lại cái, dùng hoa, quả, thuyền, thìa, bán nam bán nữ. Mặc dầu họ xa Chàm, nhưng miền Bắc là đất mà dân Mã Lai đợt II đã định cư và phục vụ vua Hùng Vương đến 500 năm, và đã mượn đến 40% danh từ của Mã Lai Nam Dương thì lẽ nào lại không có danh từ Lại Cái vào thời xưa.

Chú ý: Licáy biến thành Lại cái thì chữ Lại hoàn toàn vô nghĩa vì nó là tiếng phiên âm. Người miền Nam hiểu lầm rằng Lại = Trở thành, nên có một dạo họ nói Đàn bà lại đực, nhưng danh từ ấy không thành hình, không được ai dùng cả, mặc dầu cuộc sáng tác đó kéo dài nhiều chục năm. Thấy rõ sức mạnh của các danh từ, nó sống dai không thể tưởng tượng được. biến thành Lại một cách sai lầm đã mất nghĩa từ lâu, nhưng vẫn không ai có tài nào cho nó một nghĩa khác được nữa.

Hiện nay người miền Nam nói Đàn ông lại cái tức là nói sai. Câu đó có nghĩa là: Đàn ông – Đàn ông, tức rất vô nghĩa nếu xét theo ngữ nguyên nhưng nó cứ đứng vững được hoài, vì người ta hiểu rằng: Cái = Đàn bà.

Nếu hiểu như vậy thì Lại có nghĩa rõ ràng là trở thành và có quyền nói Đàn bà lại đực, nhưng vẫn không nói được, vì người sáng tác không được ai theo cả, có lẽ vì linh cảm cho họ nhớ cái nghĩa cũ một cách âm thầm trong thâm tâm của họ, và họ âm thầm chống đối nghĩa mới bằng cách không dùng. Còn từ Cái mang nghĩa là Giống Cái, là đàn bà, do ngữ nguyên khác, sẽ nói đến sau.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.