Thì ra Cửu Lê chỉ vượt sông Hoàng Hà rất ít, nhưng còn phần lớn thì chạy bằng đường biển. Đã bảo Mã Lai cũng vô địch về thuỷ vận mà lại.
Về hướng Tây, để sang Đông Ấn Độ, họ cũng đi bộ, có lẽ là mượn đường của một vùng đồng chủng là Ba Thục, chưa lập quốc, nhưng đã có dân.
Ta có thể tưởng tượng rằng Cửu Lê có mặt khắp Hoa Bắc và khi bị Hiên Viên đánh đuổi, bọn phương Đông của Hoa Bắc chạy bằng đường biển, bọn phương Tây chạy qua vùng Ba Thục để sang Ấn Độ, bọn phương Nam vượt sông Hoàng Hà để rồi xuống vùng Dương Tử.
Còn vấn đề họ không biết trồng trọt thì trái với thuyết của giáo sư Kim Định là họ giỏi trồng trọt, còn Hoa chủng thì còn du mục, Hoa chủng cướp văn minh nông nghiệp của họ.
Nếu không có thuyết Kim Định thì ta không còn phải thắc mắc gì, nhưng giáo sư Kim Định đã lập ra cái giả thuyết đó, và trình bày giả thuyết như là sự thật lịch sử khiến ta phải bận tâm.
Nhưng nghĩ thật sâu thì thuyết Kim Định sai.
Giáo sư Kim Định cho rằng cả vua Thần Nông cũng là Việt, mà vua Thần Nông thì có trước Hiên Viên đến tám đời vua. Nếu thế thì hai chủng tộc Hoa Việt phải có sống chung nhau khá lâu; ít lắm cũng 50 năm.
Nhưng không, nếu họ có sống chung được chừng 50 năm thì hẳn lưỡi rìu có tay cầm đã có mặt tại Hoa Bắc, vì bọn Lạc Lê hẳn phải bỏ rìu lại khi chết đường, hoặc dùng rìu làm vật tuỳ táng.
Nhưng tuyệt đối không có lưỡi rìu đá mài có tay cầm tại Hoa Bắc, và chính vì thế mà khoa khảo tiền sử mới dè dặt đến mức tối đa, nói rằng không biết họ từ đâu mà di cư đến Triều Tiên, rồi Đài Loan, rồi Cổ Việt, v.v. Cũng không hề có sọ Việt.
Ta phải hiểu thế nào đây?
Rất nhiều người chớ không riêng gì giáo sư Kim Định cứ phàn nàn khoa học hẹp hòi, vì khoa học đòi hỏi những cái mà họ không thể tìm được, nó ngăn họ lập thuyết theo ý muốn.
Nhưng một vị giáo sư đại học không được phàn nàn như người thường vì giáo sư đại học phải biết điều này là khi một dân tộc có định cư ở một nơi nào vào cổ thời thì luôn luôn họ có để dấu vết lại, sọ và vật dụng, không hề có ngoại lệ.
Như vậy sự đòi hỏi của khoa học không phải là một vụ làm khó dễ ai, và một người có văn hoá tổng quát phải chấp nhận sự đòi hỏi ấy, xem nó là chính đáng, hơn thế, là cần thiết, bằng không thì bất kỳ ai cũng lập ra được bất kỳ thuyết nào mà họ ưng ý hay sao.
Giáo sư đã lầm khi căn cứ vào Granet và Maspéro. Hai ông đó dựa trên sách vở đời Chu, thấy có sự giống nhau giữa văn hoá các “man di” và văn hoá Tàu, cho rằng có sự đồng văn vào thời cổ hơn.
Quả có sự đó thật, nhưng cổ hơn, cũng chỉ là cổ vào đời Hạ mà Hoa chủng di cư vào đất Việt, chớ vào thời Hiên Viên thì không, bởi sự va chạm ban đầu giữa hai chủng quá khốc liệt và kẻ bại trận chạy đi hết cả, không có ở lại để mà hợp văn.
Sử của giáo sư Kim Định thật là kỳ dị. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ Tần; theo các quan niệm của giáo sư.
Giáo sư cho rằng Tần là Việt. Nhưng nó nghịch hẳn với câu tục ngữ Tàu là Tần phì Việt sấu. Nhơn thể tính ấy cho biết rằng họ là hai dân tộc, lại còn chỉ rõ họ thuộc hai chủng khác nhau, một chủng ăn thịt và ăn lúa mì đến phì, một chủng ăn gạo, ăn cá nên sấu.
Nhưng khi Tần Thỉ Hoàng lên núi Thái San để chiêm ngưỡng Ngọc Hoàng Thượng Đế thì giáo sư lại cho rằng đó là Tàu cảm hoá theo văn minh Việt vì núi Thái San nằm trong đất của rợ Đông Di, mà rợ Đông Di là Việt.
Vậy Tần là ai? Tàu hay Việt?
Ở một nơi khác, giáo sư lại càng đích xác hơn. Ông nói rõ rằng Tần là Khuyển Nhung chớ không phải bất kỳ Việt nào đâu.
Mặt khác ông lại viết rằng vua nhà Tây Chu thấy mặt mày Khuyển Nhung hung tợn quá nên sợ hãi, thiên đô về Đông. Nhưng lúc thiên đô lại nhờ Khuyển Nhung hộ tống.
Đã sợ người ta đến phải thiên đô thì cứ ở lại với người ta chớ sao lại dám nhờ người ta hộ tống?
Sử Tàu có thể sai khi nói rằng Tần là Tàu. Nhưng phải vạch ra chỗ sai của giai đoạn đó rồi mới đưa cái khác vào được chớ không thể khẳng định Tần là Viêm Việt nào đó mà xong đâu. Cũng không thể khẳng định Tần là rợ Khuyển Nhung là yên vì bao nhiêu tài liệu cũ mà Tư Mã Thiên tìm được, chỉ có sử Tần là còn nguyên vẹn. Chu và Tần là Tàu 100%, không có Viêm Việt và Khuyển Nhung gì hết.
Sử Tàu có viết Tần làm Bá của rợ Khuyển Nhung sau khi thắng họ. Nhưng câu sử ấy không hề có nghĩa rằng Tần là Khuyển Nhung.
Giáo sư cũng đã hiểu rằng vua Thuấn là rợ Đông Di, theo một câu nói của Mạnh Tử. Nhưng đó là lời nói của người Tàu đời xưa, chớ vua Thuấn chỉ là người Tàu được phong di trị đất của rợ Đông Di mà thôi. Người Tần đời xưa chỉ nguồn gốc của một cá nhân không bằng chủng tộc mà bằng đất định cư.
Giáo sư lại viết: “Nhà Chu du mục”. Và theo giáo sư du mục là Tàu, còn Việt là nông nghiệp. Nhưng giáo sư lại viết: “Nhà Chu học với nhà Thương rồi lần lần cảm hoá theo văn minh Hoa Hạ”.
Vậy Chu là Tàu hay là Việt? Nếu Chu là Tàu thì Chu là Hoa Hạ, chớ không có cảm hoá theo Hoa Hạ gì hết. Bằng như Chu là Việt thì khi nhà Chu sợ Việt Khuyển Nhung hoá ra Việt thấy mặt Việt mà thất đảm thì thật khó hiểu.
Tại sao giáo sư Kim Định lại mâu thuẫn khi nói về các nhà đó, chớ không trơn tru như sử Tàu? Là vì sử Tàu viết đúng sự thật, còn giáo sư thì không, mà hễ không đúng thì dĩ nhiên phải mâu thuẫn.
Từ Phục Hy, Nữ Oa đến Tần, không có ai là Tàu, mà chỉ là Việt không mà thôi, nhưng lại không hề có sọ Việt ở Hoa Bắc suốt bao nhiêu ngàn năm Việt định cư và làm vua ở đó.
Chúng tôi xin trở lại kết luận của chúng tôi là Xy Vưu, từ một nơi kia, mà lát nữa ta sẽ biết là nơi nào, đưa dân tới Hoa Bắc, làm cổ Thiên Tử (theo
Từ Hải), ở đó chỉ mới có mấy năm thì Hoa chủ cũng xâm nhập Hoa Bắc. Cuộc xung đột xảy ra liền và Cửu Lê thua, chạy đi hết, không kịp để võ khí và sọ lại.
Cũng nên biết rằng qua 5.000 năm thì trong 10 ngàn cái sọ dễ thường chưa có một cái còn nguyên. Thế nên sọ của chiến sĩ Cửu Lê tử trận cũng vắng bóng là vì thế, họ chết không nhiều để mà còn sọ được.
Kiểm soát thứ nhì cho ta thấy thuyết về nguồn gốc người Nhật và người Chàm sai bét. Họ không từ Nam Dương hay Phi Luật Tân đến như các nhà ngôn ngữ học Âu châu nói liều. Tại sao trong ngôn ngữ của họ có chút ít yếu tố Đa Đảo thì ta sẽ biết ở chương ngôn ngữ.
Địa bàn Nam Dương, địa bàn Phi Luật Tân đều là những địa bàn 10 lần tốt hơn địa bàn Trung Việt, mà Nam Dương thì cho đến ngày nay cũng còn dư đất, thí dụ Nam Bornéo thì to bằng cả nước Việt Nam mà không có người ở, thì không có lý do nào mà di cư xuống các đảo phương Nam rồi họ lại trở lộn ngược lên để chiếm hai địa bàn xấu là địa bàn Trung Việt và Nhựt Bổn.
Kiểm soát thứ ba. Hiện nay ở Madagascar, người Hova, dân tộc thuộc cấp lãnh đạo các nhóm da đen ở Madagascar, không có đen da, và họ vác nước bằng ống tre, y hệt như người Mường.
Còn đây chỉ là cảm giác riêng của chúng tôi, không có gì làm chắc, mặc dầu trống đồng đã tìm thấy ở Tây Bá Lợi Á, là người Esquimaux có thể là Mã Lai. Chúng tôi có xem một phim tài liệu về vũ của thứ người này và so sánh với các phim khác về vũ của thổ dân Đài Loan, của người Nam Dương sơn cước, và thấy ba thứ vũ đó giống hệt nhau, kể cả một số nhạc khí mà họ dùng cũng giống nhau. Mà người Esquimaux thì rõ ràng là người da vàng và có nét Mông Cổ (Mongoloides).
Chúng tôi không tìm được sách về ngôn ngữ của dân Esquimaux nên không thể kiểm soát được sự thoáng thấy của chúng tôi, nhưng trống đồng là vết lông ngỗng rải rác trên đường di cư của Mã Lai đợt II, và có mặt ở Tây Bá Lợi Á cũng mang nhiều ý nghĩa lắm.
Kiểm soát thứ tư được đặt thành câu hỏi sau đây: Hai bọn Mã Lai ấy định cư cách nhau đến 17.000 cây số, từ Nam Dương đến Ba Thục và di cư cách nhau 2.500 năm, có đồng ngôn ngữ nhau hay không?
Có, họ đồng ngôn ngữ với nhau, như thí dụ
Lá đã cho thấy.
Tuy nhiên,, một chủng lớn như thế phải gồm nhiều phương ngữ, nên rồi các dân tộc trong chủng đó vẫn không hiểu nhau. Nhưng xét tổng quát thì bọn lưỡi rìu tay cầm giống hệt nhau, còn bọn lưỡi rìu chữ nhật cũng giống hệt nhau, nghĩa là hai nhóm lớn đó có ngôn ngữ khác nhau nhiều hơn là mỗi nhóm nhỏ trong một nhóm lớn khác nhau.
Nói như thế thì quá trừu tượng. Ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu quý vị sẽ thấy rằng Mã Lai của hai đợt đều có một số danh từ giống hệt nhau như
Lá, Cây, Cá, Trăng, Núi, Đảo, v.v., nhưng
Gió,
Mây,
Mưa, v.v. thì khác nhau.
Trong Mã Lai đợt I mỗi nhóm cũng khác nhau về một số danh từ, thí dụ Nước thì mỗi nhóm mỗi nói khác.
Trong Mã Lai đợt II cũng thế.
Nhưng sự khác nhau giữa các nhóm của một đợt, nhỏ hơn là sự khác nhau giữa hai đợt. Miến Điện hiểu Cao Miên dễ dàng, nhưng hiểu Chàm rất khó, trong khi đó thì Chàm hiểu Mã Lai Nam Dương rất dễ, mà hiểu Miến Điện rất khó, vì Cao Miên thuộc đợt I, còn Chàm và Nam Dương thuộc đợt II.
Tuy nhiên, có một nhóm có khả năng hiểu tất cả, đó là dân tộc Việt Nam, vì cả hai đợt di cư đều có ghé và có định cư tại Cổ Việt Nam. Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu đã cho thấy đúng y như vậy, trái với G. Coedès.
Thí dụ: Đợt I nói: Mẹ, Má.
Đợt II nói: Inang, Ina.
Dân Việt Nam thuở xưa vừa nói Mẹ mà vừa cũng nói Nạ (trong câu tục ngữ: Đợi Nạ thì má đã sưng).
Nhưng nên thận trọng. Trong các quốc gia gọi là Mã Lai, có 5 nơi có mặt cả hai nhóm: Đó là Chàm, Phi Luật Tân, Célèbes, Nhật và Việt, thành thử tiếng Mã Lai ở 5 nơi đó lại hỗn hợp một cách khá giống như ở Việt Nam hay Nhựt Bổn tức có cả hai thứ phương ngữ pha trộn nhau, và bằng vào số lượng danh từ của đợt I hay đợt II thì ta biết ở các nơi đó đợt nào đa số.
Thí dụ ở Cổ Việt Nam thì đợt I, đợt vua Hùng Vương, đa số, ở Chàm thì đợt II đa số.
Ta sẽ thấy chi tiết ở các chương sau và có bằng chứng chắc chắn là vua Hùng Vương và Bắc Chiêm Thành là thuộc đợt I. Dân nào thuộc đợt I hay đợt II đều có thể truy ra được, nhờ thế, và việc kiểm soát ngỡ là khó khăn lắm, lại thực hiện một cách hoàn hảo. Cả các thứ cổ ngữ Á Đông cũng học được, thế lại còn dễ kiểm soát hơn, miễn là chịu bỏ công học hỏi.
Ta có thể nói rằng cái bọn Hoa Bắc mà Tàu gọi là Lê, là Lạc, là dân Âu tức Thái, dân Khuyển Nhung mà hậu duệ là Mân, Miến Điện, Khơ Me và Tàu phiên âm là rợ Khel (Khương).
Còn toàn thể Mã Lai Hoa Nam mà Tàu gọi là Việt, chớ không là Lê, là Lạc, đều thuộc một thứ người, người Nam Dương hiện nay.
Chúng tôi đã đưa ra một bằng chứng. Tên của một viên tướng nước Sở, sau lên tới chức Lịnh Doãn, là Nậu Ô Đồ.
Nhân danh Nậu Ô Đồ được viết bằng chữ Tàu, nhưng viết theo ngôn ngữ Sở, tức phiên âm.
Sử Tàu giải thích rằng cái nhân danh Nậu Ô Đồ có nghĩa là Bú vú của cọp. Đọc theo Quan Thoại thì đó là Nậu Sú Sù, mà Nậu Sú Sù là Mâu Sú Sú của Nam Dương, tức cũng là Bú vú cọp.
Mâu = Cọp
Sú Sú = Vú, sữa
Hai thứ Mã đó khác nhau chút ít, nhưng có một số danh từ chúng lớn lao như Sú Sú đã cho ta thấy. Ta nói Vú, nói Sữa gì cũng do Sú Sú mà cải ra chớ không hề do chữ Nhũ của Tàu như nhiều học giả đã quả quyết. Sử Tàu phải phiên âm là Nậu Ô Đồ chớ không viết là Hổ Nhũ hoặc Hổ nhũ mẫn, tức Mã Lai đã có danh từ. Sú chớ không phải biến Nhũ thành Sú.
Ở chương
Ngôn ngữ tỷ hiệu ta sẽ biết danh từ nào của ta thuộc Mã Lai đợt I, danh từ nào thuộc Mã Lai đợt II.
Chúng tôi lại xin trèo đèo soi sáng nhà bác học G. Cocdès. Ông ấy rất khổ sở tự hỏi tại sao bọn Mã Lai lưỡi rìu có tay cầm đã chịu hợp chủng với Tàu rồi lại còn chạy đi đâu, mà lại chạy trước bọn thuần chủng đến 2.500 năm.
Ông G. Cocdès nói đó là một điều kỳ dị quá sức tưởng tượng, nhưng ông không thể phủ nhận bởi quả thật các cuộc khai quật ở Nhựt Bổn cho thấy rõ rệt là bọn lưỡi rìu có tay cầm ở tầng đất, ở dưới bọn lưỡi rìu hình chữ nhựt.
Ông G. Cocdès không có học cổ sử Tàu và đủ các thứ ngôn ngữ Á Đông nên ông không kiểm soát được và ông cứ nghi hoặc họ.
Bọn lưỡi rìu có tay cầm chỉ hợp chủng với Mông Cổ chớ không phải với Tần. Đối với họ, Mông Cổ là bạn, Tàu là thù. Thành thử đã hợp chủng rồi mà còn chạy đi. Vì sự hợp chủng ấy có bề ngoài gạt gẫm ta. Tánh cách Mông Gô Lích của những cái sọ của chủ nhân những lưỡi rìu tay cầm ở Làng Cườm cứ làm cho ông và nhiều người khác ngỡ là hợp chủng với Tàu, mà lại là hợp chủng tại Cổ Việt Nam nữa, trong khi đó thì cuộc hợp chủng đã xảy ra tại Hoa Bắc, mà không phải là với Tàu vì khoa khảo tiền sử nói rõ là với một nhóm Mông Gô Lích, nhưng không biết nhóm nào; mà chúng tôi thì đã trình ra đến ba nhóm rồi: nhóm Bắc Mông Gô Lích, Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích, Colani, Mansuy và Patte đều lầm.
Có người lại còn lầm tưởng rằng sọ Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ Tàu chánh hiệu nên mới nói là Tàu đã đến xứ ta hàng ngàn năm trước Mã Viện.
Vả lại không phải toàn dân Cửu Lê tức Mã Lai Hoa Bắc đều có hợp chủng với Mông Cổ, bằng chứng là ở Bắc Sơn có sọ Mã Lai thuần chủng nằm cạnh sọ Mã Lai có lai giống với Mông Gô Lích mà sọ không lai lại nhiều hơn sọ lai với một tỷ lệ là 5/1.
Và bằng chứng họ không có lai giống với Tàu lộ ra trong sự
vắng mặt lưỡi rìu tay cầm tại Hoa Bắc, không còn phải thắc mắc nữa. Họ không có để dấu vết lại, mà như vậy thì không thể có sống chung lâu ngày, không thể có hợp chủng với Tàu vào thuở đó.
Cả hai, Tàu và họ đều có lai Mông Cổ mà sọ vẫn khác nhau, vì:
Tàu = Nhục Chi + Mông Cổ
Cửu Lê = Mã Lai + Mông Cổ
Cho đến ngày nay mà Tàu Hoa Bắc còn chưa chịu đựng nổi khí hậu bán nhiệt đới của ta thì dưới thời Hiên Viên không làm sao mà có. Tàu Hoa Bắc di cư tới Cổ Việt được hết.
Đó là một sự thật nó nhảy lên mắt của mọi người, nhưng không biết tại sao mà bao nhiêu nhà bác học đều cứ cho rằng những cái sọ lai Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ lai tại chỗ, quên mất rằng thuở ấy Tàu chưa vượt sông Hoàng Hà, nên cứ đành rằng đó là Tàu Hoa Nam, mà hễ Tàu Hoa Nam thì có thể di cư được. Nhưng làm gì mà có Tàu Hoa Nam vào thuở ấy? Từ hữu ngạn Hoàng Hà đổ xuống còn là đất của chủng Mã Lai Bách Việt một trăm phần trăm, mãi cho tới đầu đời Hạ, tức hơn 1.000 năm sau biến cố Hiên Viên, mới có Tàu Hoa Nam, mà thứ Tàu Hoa Nam ấy cũng chưa chịu đựng được khí hậu Cổ Việt, cứ đọc bài thơ Chiêu Hồn của Tống Ngọc thì rõ, bài thơ ấy làm ra một ngàn năm sau cuộc di cư vào đất Kinh Nam, tức 2.000 năm sau biến cố Hiên Viên – Xy Vưu.
Tóm lại, tất cả mọi người đều không biết rằng có đến ba phụ chủng Mông Gô Lích và danh xưng Mông Gô Lích cứ bắt họ nghĩ đến Tàu, nên mới có ngộ nhận rằng sọ lai Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ lai Tàu.
Sự khó chịu của ông G. Cocdès là sự khó chịu của con nhà khoa học trước một sự kiện vô lý. Tại sao đã bằng lòng hợp chủng rồi lại bỏ đi? Mà lại đi trước bọn thuần chủng Mã Lai nữa. Nhưng các cuộc khai quật ở Nhựt Bổn đã cho thấy rõ ràng như vậy, ông không thể nói khác được.
Đây là một bài học cho ta. Hễ cái gì không hữu lý thì phải tìm tòi thêm, chớ không để vậy mà chịu hoặc kết luận liều lĩnh, vì cái lẽ dĩ nhiên là chuyện vô lý không thể đứng vững, mà phải mang những lý lẽ sâu kín nào khác mà ta chưa khám phá ra.
Nếu ông G. Cocdès còn sống, chắc ông đã tìm hiểu thêm, và đã biết sự thật.
Từ trang một đến đây, chúng tôi gọi ông G. Cocdès là Nguyên viện trưởng. Nhưng ông đã thất lộc rồi khi quyển sách này viết xong. Chúng tôi không đổi chữ Nguyên thành chữ Cố vì sự thay đổi ấy không quan trọng lại làm mất thời giờ. Vậy xin chỉ nói qua một lần ở đây thôi.
Kiểm soát thứ năm: Các nhà khảo tiền sử đều không biết cổ sử Tàu, người tóm lược là ông G. Cocdès cũng không biết, nên ông thử tìm lối giải thích lý do của hai cuộc di cư cách nhau 2.500 đó.
Ông viết rằng cả hai bọn ấy đều di cư vì tiếng kêu gọi của biển cả! Đó là một sai lầm quá thô sơ. Mặc dầu không thạo sử Tàu từ thế kỷ I sắp lên, ông phải biết đại khái, mà một cuộc Nam chinh đã cho ông thấy rõ, và ông có nói đến, đó là cuộc Nam chinh của Tần Thỉ Hoàng.
Chủng Mã Lai chạy đi chỉ vì bị Hoa tộc đánh đuổi để lấn đất, chớ không hề được ai kêu réo hết.
Ông lại giải thích tại sao họ lại di cư xuống Đông Nam Á lục địa mà ông gọi theo xưa là Đông Dương: đó là vì ở đó có những lưu vực sông phì nhiêu: Hồng Hà, Mékong, Mé Nam, Salouen, v.v.
Chớ ở phía đông Trung Hoa lại không có lưu vực sông à, mà sông còn to hơn nhiều: đó là Hoàng Hà, sông Hoài, Dương Tử Giang và Tây Giang.
Ông không biết sử Tàu, nhưng nếu ông suy luận có khoa học ông cũng biết được tại sao họ không mê biển bằng cách chạy ra hướng đông và chỉ chạy xuống phương Nam. Vì Hoa tộc đánh tràn từ trên xuống trong một mặt trận dài từ Tây sang Đông. Tây Đông gì cũng bị Tàu giựt hết rồi. Họ không hề mê sông Hoàng Hà, sông Mékong, song Mé Nam nào hết.
Kiểm soát thứ sáu: Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử gây ngộ nhận nơi giới bác học. Họ bảo bọn di cư thứ nhứt chưa biết trồng trọt, nhưng họ phải theo dõi bọn đó, chớ không được phép dừng chơn tại các lưỡi rìu đá mài có tay cầm ấy.
Bọn đó, tới các địa bàn mới, tiếp tục tiến và tự lực tiến đến thời đại đồng pha và nông nghiệp, vì người ta bắt được cái lưỡi rìu có tay cầm đó, bằng đồng pha, tại Núi Voi (Bắc Việt) với bên cạnh lưỡi rìu, đồ đất nung và dụng cụ để biến chế mễ cóc mà ăn.
Đó là sơ sót gây ngộ nhận không nhỏ.
Vua Hùng Vương, như ta sẽ thấy, thuộc bọn di cư đợt I, tức họ tiến lên rất cao, đến chế độ đồng pha
một cách tự lực, không nhờ ảnh hưởng ngoại lai như ông O. Jansé đã nói, cả hai đợt đều tự lực tiến lên.
Đó là tình hình ở Cổ Việt Nam. Còn ở Cổ Nhựt Bổn thì hơi khác.
Ở Nhựt Bổn, khoa khảo tiền sử tìm được hai giai đoạn văn minh. Giai đoạn Thượng cổ được đặt tên là giai đoạn
Thằng Văn, bọn này biết làm đồ đất nung rất là thô sơ. Đó là bọn di cư đợt I, đã tự lực tiến lên, tại địa bàn mới, nhưng chỉ tiến tới đó mà thôi, tuyệt đối không có dấu vết tiến thêm của họ.
Giai đoạn văn minh thứ nhì được đặt tên là giai đoạn
Di Sinh. Đó là nền văn minh của bọn di cư đợt II, giống hết bọn đợt II ở Cổ Việt Nam mà đồ đất nung khéo hơn nhiều, lại đã biết trồng trọt, biết kim khí.
Thế nên ở Nhựt Bổn chính bọn đợt II lãnh đạo bọn đợt I, và ngôn ngữ Nhựt Bổn giống ngôn ngữ của Mã Lai Việt Nam.
Bọn Di Sinh chiếm một vùng gần Đông Kinh ngày nay. Đó là vùng đất hoang vu cách đây 2.500 năm. Còn những vùng ở Tây Nam, gần Đại Hàn, thì đã bị bọn đợt I chiếm mất rồi. Nhưng bọn đợt II đã lập ra ở địa bàn hoang vu đó một quốc gia tên là Yumato mà Tàu phiên âm là Da Mã Đài, và chính quốc gia Yamato đã chế phục các tiểu bang của đợt 1 cho tới ngày nay.
Chỉ có một điểm khó nuốt trôi là bọn Mã Lai đợt II ở xứ Chàm lại không có trống đồng bao giờ cả, trong khi đó thì ở khắp các địa bàn Đông Nam Á bọn đợt II đều có đưa trống đồng tới. Vâng, chúng tôi đã có bằng chứng chắc chắn rằng trống đồng là phát minh của đợt II chớ không phải của đợt I, mặc dầu ở vào địa bàn định cư mới đợt I vẫn tự lực tiến đến thời đại đồng pha rồi, khi bọn đợt II tới nơi.
*
Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử cứ làm cho ta ngộ nhận nữa là bọn sau văn minh còn bọn trước lạc hậu. Họ quên mất 2.500 năm đã trải qua giữa hai cuộc di cư, và bọn trước đủ thời gian để văn minh bằng bọn sau tại các địa bàn mới khi bọn sau tới nơi.
Nếu bọn trước mà cứ lạc hậu thì nơi nào họ cũng đã bị bọn sau nuốt mất, nhưng sự thật là vua Hùng Vương thuộc đợt I cứ còn vững ngôi, tức khi hai bọn gặp nhau ở Cổ Việt, thì hợp tác với nhau ngay mà không có sự chênh lệch văn hoá, nên vua Hùng Vương mới còn giữ ngôi được.
Nhưng cắt nghĩa làm sao được khi mà các cổ thư Trung Hoa cho biết bọn sau đã có trống đồng tại Hoa Nam tức trước khi di cư, còn khoa khảo tiền sử thì lại nói bọn ấy chỉ di cư với lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt?
Có một chi tiết này mà ai cũng quên là giai đoạn kim thạch hợp dụng kéo dài rất lâu, lắm khi ba bốn trăm năm, vì kỹ thuật khai mỏ kém cỏi của thuở ấy chỉ cho phép quý tộc có vũ khí và vật dụng bằng đồng pha, còn dân chúng thì không. Các nhà khảo tiền sử tìm được trên đường di cư của bọn II, lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt rủi ro không nằm cạnh trống đồng nên kết luận phiến diện. Tuy nhiên, họ vẫn tìm được
một lần sự kiện sai lầm rằng
dân đó đang chỉ biết đồ đá rồi thình lình Tàu đưa đồ đồng tới. Nhưng đó là sai lầm của riêng ông O. Jansé, còn các nhà khảo tiền sử làm việc rộng lớn hơn thì nín thinh về điểm ấy.
Đọc sách đời Chu, ta thường thấy những câu đại khái như thế này: “Mài kim bằng đá để châm cứu”. Ta cứ ngỡ trong khoa châm cứu cây kim bắt buộc phải bằng đá mới có hiệu nghiệm nhiều.
Nhưng không, đó là dấu hiệu kim thạch hợp dụng của đời Chu. Chu đã văn minh cao lắm rồi và y sĩ của họ cũng được trọng đãi lắm rồi, thế mà giai cấp y sĩ cứ còn tiếp tục dùng kim châm cứu bằng đá mài thì biết dân Tàu đời Chu có sắm nổi vật dụng bằng kim khí hay là không.
Dân Tàu đã thế thì dân Việt có thể lại còn kém hơn, và đồ kim khí rất ít trong xã hội di cư.
Riêng ở Chàm thì tuyệt nhiên bọn sau không có trống đồng. Chúng tôi ức đoán rằng dân Chàm là dân đợt II di cư sớm hơn hết, di cư trước khi chủng tộc phát minh trống đồng, tức trước đời Tây Chu, tức ngay khi bị Sở đánh bại lần đầu trong một trận chiến mà tất cả các quốc gia Việt ở Hoa Nam đều liên kết lại để đánh quốc gia Tàu lai Việt là Sở, sẽ nói rõ ở một chương sau.
Kiểm soát thứ bảy: Ông G. Cocdès còn kết luận cả về chi tiết này nữa một cách sai lầm lớn lao quá sức: “Hình như bọn Mã Lai đợt II chỉ từ cực Nam Hoa Nam nhảy vọt xuống Mã Lai Á mà không có ghé đâu cả, nên ngôn ngữ Việt thì chỉ giống ngôn ngữ của Mã Lai đợt nhứt là Miến Điện, Môn và Khơ Me, mà không giống ngôn ngữ của đợt II”.
Sách của ông G. Cocdès ra đời năm 1962, tức sách đó là sách lớn cuối cùng, nhưng ông lại không biết gì về ngôn ngữ Môn, Khơ Me và Việt Nam hết, nên mới kết luận như trên, đó là không kể trống đồng mà ông có quyền không biết là của đợt II, vì khoa khảo tiền sử không có nói rõ trống đồng là của đợt II.
Trong Việt ngữ danh từ của Mã Lai đợt II có mặt đến 40% chớ không phải ít.
Ông G. Cocdès đã kiểm soát khoa khảo tiền sử bằng ngôn ngữ tỷ hiệu, mà đó là cái ngôn ngữ tỷ hiệu thiếu sót của ông H. Maspéro. Ông H. Maspéro viết: “Việt ngữ gồm 3 yếu tố: Thái, Môn Khơ Me ngữ, và một yếu tố thứ ba, không biết là của ai”.
Thái ngữ, Môn Khơ Me ngữ, là Mã Lai đợt I, còn yếu tố thứ ba bí mật ấy chỉ là tiếng Mã Lai đợt II của người Nam Dương mà ông H. Maspéro không biết vì ông không dè rằng tất cả đều là Mã Lai nên không buồn học tiếng Mã Lai Nam Dương.
Khi mà thành phần của Việt ngữ mà như thế thì bọn Mã Lai đợt II phải có ghé Đông Dương.
Công trình khảo tiền sử do ông G. Cocdès tóm lược được thực hiện trước khi chính người Việt Nam tìm thấy lưỡi rìu hình chữ nhựt tại Bắc Việt, trước khi người Pháp tìm thấy trống đồng ở Cao Miên nay, tức Phù Nam xưa. Trống đồng là tác phẩm của bọn đợt II mà khoa khảo tiền sử không biết.
Cực Nam Hoa Nam là Lưỡng Quảng vốn là nước Tây Âu. Vào đời đó nước Tây Âu hùng cường lắm thì không mắc chứng gì mà họ di cư ồ ạt. Bọn di cư là bọn ở trên, di cư bằng đường biển, còn đường bộ thì họ đi ngang qua Tây Âu, nhờ là đồng chủng. Vả lại Tây Âu cũng có tiếp thu một đám Lạc đông đảo vì ngôn ngữ Thái cũng đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II.
Ta có thể tưởng tượng ra tình trạng này là bao nhiêu dân Âu từ Dương Tử đổ xuống đều quy tụ tại Tây Âu, nơi nương náu cuối cùng của họ, 1.500 năm sau kia họ mới bị áp lực và di cư xuống thượng du Bắc Việt, xuống Ai Lao, còn thuở ấy thì không.
Vậy bọn Mã Lai đợt II không phải là dân ở cực Nam Hoa Nam mà di cư. Và họ có ghé nhiều nơi ở Đông Dương, trước khi đến Mã Lai Á.
Chẳng những họ có ghé, mà họ còn lập ra ở đó tới hai quốc gia quan trọng là Phù Nàm và Chiêm Thành (Lâm Ấp, như ta sẽ thấy, là nước của bọn đợt I chớ không phải Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, như các cuốn sử Tây đã viết sai).
Ta biết rõ như thế nhờ trống đồng có mặt tại trung tâm Phù Nam (gần hồ Tonlé sáp), và nhờ ngôn ngữ Chiêm Thành cho ta biết chắc là Chiêm Thành thuộc đợt II.
Tuy nhiên,, ta cũng có thể biết ngôn ngữ của Phù Nam đôi chút. Ngôn ngữ đó cũng chỉ là ngôn ngữ của đợt II, chớ không phải của Cao Miên như toàn thể các ông Tây đã nói.
Riêng về Cổ Việt thì họ cũng là một cộng đồng quan trọng, vì ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Nam Dương, mà không ai hay biết, vì không có ai học tiếng Mã Lai cả.
Tàu kiểm tra dân số thì thấy Tây Âu 10 lần đông dân hơn Đông Âu, Mân Việt, Âu Lạc. Họ hùng cường là nhờ thế, mà nhờ thế vì đó là đất quy tựu dân chạy loạn mà không di cư.
Tại sao ta biết dân Tây Âu không có di cư? Vì sự vắng bóng của danh từ Thái ở Nam Dương.
*
Dầu sao sự định thời điểm di cư của bọn Mã Lai đợt II, tức bọn Austronésiens cũng rất hữu ích cho ta để tìm biết tại sao bọn đó di cư.
Cũng nên nhớ rằng trong các cuộc khảo cứu này chất C. 14 không được dùng lần nào cả, vì chất ấy dùng cho những gì quá mới chừng hai ba ngàn năm, không dùng được thật đúng, có thể sai chạy vài ngàn năm, thì định tuổi theo phương pháp khác cũng thế thôi.
Vậy ta có thể cho thời điểm di cư là 800 năm trước Kitô kỷ nguyên chớ không phải là 500 năm.
Như vậy là dân Mã Lai đợt II bắt đầu di cư ngay từ lúc Sở đánh Nam dẹp Đông để bành trướng biên cương và cho đến năm nước U Việt bị tan rã thì cuộc di cư rầm rộ hơn bao giờ hết.
Thế thì L. Aurousseau đúng chớ không sai và không mấy khi ông ấy nói đúng được một lần, ông ấy lại bị Madrolle và giáo sư Nguyễn Phương công kích hơi nhiều với luận cứ như sau: làm thế nào mà vượt được hàng ngàn cây số hoang vu, qua bao nhiêu là đất của dân thù nghịch, và chỉ mới tới Cổ Việt làm sao tạo được một nền hành chánh có quy củ, một nền văn minh rực rỡ.
Cứ bằng vào
Xuân Thu và
Tả Truyện thì họ không có vượt đất hoang vu và thù nghịch nào mà chỉ đi qua các nước văn minh đồng chủng, các nước ấy đã hùng cường cho đến vua Sở phải ký hiệp ước thân hữu: Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu.
Và họ tới nơi là tổ chức được ngay là vì đã có bọn Mã Lai đợt đầu nằm sẵn ở đó, mà bọn ấy thì đã có vua chúa rồi, vua Hùng Vương.
Sử gia Nguyễn Phương và nhiều sử gia khác cứ tưởng rằng vua Hùng Vương là con cháu của Câu Tiễn vì L. Aurousseau đã nói thế. Nhưng truyền thuyết nói có đến 18 vua Hùng Vương, mà con cháu Câu Tiễn thì chỉ mới tới, làm sao mà có 18 đời vua được, trong thế gian đó?
Công kích ông L. Aurousseau, Madrolle và sử gia Nguyễn Phương chưa đọc sử Tàu, để biết những gì xảy ra vào thời đó, ở dưới nước Sở.
Dầu sao, có đọc sử Tàu rồi, cũng không cắt nghĩa được sự có mặt của 18 đời vua, khi một dân tộc mới đến một nơi có mấy trăm năm.
Nhưng khoa khảo tiền sử đã mở một cái gút. Sở dĩ có 18 đời vua Hùng Vương là vì có cả một đợt Mã Lai nằm sẵn đó từ 2.500 năm và nơi đó họ tiến lên từ đá mài đến đồng pha, tiến lên tự lực, không có nhờ sức của chú rể Tàu nào hết như O. Jansé đã viết liều.
Bọn sau thiểu số chỉ đưa món trống đồng tới mà thôi, chớ tổ chức thì đã có sẵn, mà họ không phá vỡ được, vì họ là thiểu số, mà cũng chẳng phá vỡ làm gì, bởi đó chỉ là tổ chức phong kiến của chủng Mã Lai, y hệt như của họ.
Đã bảo trước khi nước U Việt của Câu Tiễn bị tan rã, đã có di cư rồi. Chúng tôi đã đoán rằng Mã Lai Bách Việt di cư đi Nhựt Bổn trước khi Bách Việt biết chế tạo trống đồng.
Thế nghĩa là bọn sau, bọn đợt II, di cư thành nhiều lần, từ thời Tây Chu đến thời Đông Chu.
Ở Nhựt Bổn có ba nơi tên là Việt tiền, Việt trung, Việt hậu, có lẽ đó là đất ban đầu của Mã Lai đợt II đến nơi, làm ba lần, chớ bọn đợt I không bao giờ được gọi là Việt cả.
Ở một chương tới, chúng tôi cũng sẽ theo dõi một bọn di cư tới Việt Nam mà không phải là con cháu Câu Tiễn. Họ từ Sở, bị đẩy lùi xuống lần lần khỏi An Huy, bọn này khác hơn tất cả các bọn khác là có mang một biệt sắc mà chẳng có Việt nào có hết.
Và họ đã lập quốc tại địa bàn mới, nhưng không phải trong nước Văn Lang, và họ tồn tại đến ngày nay. Họ nói tiếng Việt cổ hơn người Mường, có nhị âm và tự xưng là Lạc.
Tới đây ta lại phải khen người Tàu đời xưa một lần nữa. Họ viết sử coi có vẻ lộn xộn lắm, nhưng thật ra là ý thức vô cùng.
Như đã nói, Lạc Hoa Bắc và Việt Hoa Nam đều là Mã Lai, nhưng Mã Lai Hoa Nam chỉ được họ gọi là Việt (trừ một nhóm nhỏ là Thất Mân mới được họ gọi là Lạc).
Tuy nhiên, họ vẫn biết rằng Lạc và Việt là một. Là một, nhưng lại cũng có khác nhau. Họ cũng biết điều thứ nhì đó nữa.
Thế nên dân ở Hoa Nam bị gọi là Việt này, Việt nọ, nhưng khi họ xuống tới Âu Lạc thì họ gọi ta ngay là Lạc Việt vì họ biết ta gồm cả hai đợt, Lạc Hoa Bắc và Việt Hoa Nam. Ngoài ta và dân Hải Nam ra, họ không gọi dân nào khác bằng danh xưng đó cả, mặc dầu ở vài địa bàn khác cũng cứ có hai đợt, có lẽ vì tại Cổ Việt và Cổ Hải Nam hai đợt ấy suýt soát nhau, còn nguyên vẹn, chưa đợt nào nuốt xong đợt nào cả, còn phân biệt được trắng đen, chứ như ở Nhựt Bổn thì đợt II đã nuốt mất đợt I xong rồi trước kỷ nguyên Tây lịch, không còn phân biệt được là có hai thứ nữa.
Nhựt Bổn lại đã lai giống với Hà Di, nên hoá lùn, nên họ không biết được nguồn gốc của Nhật nữa, tưởng đó là thứ dân nào khác mà họ gọi bằng danh xưng bâng quơ “dân lùn”, viết chữ Tàu là Oải nụy (Miền Bắc đọc là Oa Nô).
Khoa khảo tiền sử làm việc như một anh mù, họ không hề biết Hiên Viên, Hùng Vương, Câu Tiễn gì cả, nhưng chính anh mù ấy đã soi sáng truyền thuyết và cổ sử Tàu và ta.
Sử gia Nguyễn Phương biết nguyên tắc làm việc là có khai thác khoa khảo tiền sử, ông lại nhiều công phu đã đọc Colani Patte, Mansuy rất kỹ, nhưng ba nhà bác học nói trên chỉ làm việc tại Đông Pháp, thành thử không cho sử gia có được cái nhìn tổng quát mà sử gia muốn.
Sử gia dừng chơn lại nơi cái lưỡi rìu có tay cầm khá lâu, nhưng chỉ băn khoăn về những đường rạch Bắc Sơn là một chi tiết không đáng kể.
Cái nhìn tổng quát mà sử gia Nguyễn Phương đòi hỏi, không ai mà có được hết, mà người ít có hơn cả chính là người đòi hỏi.
Phải đi từng chi tiết một rồi lần dò để tới cái chỗ rộng bao la, rồi bây giờ, từ đó mới có thể nhìn tổng quát để rút ra những kết luận cần thiết, chớ chưa chi hết mà đòi hỏi một cái nhìn bao trùm thì làm thế nào thực hiện được.
Công việc mà ông G. Cocdès tóm lược lại, đã huy động mấy mươi nhà khảo tiền sử, mấy mươi nhà địa chất học, làm việc suốt mấy mươi năm ở khắp Á Đông, từ Tây Bá Lợi Á đến Nam Dương quần đảo, từ Nhựt Bổn đến Tây Vức, tức là họ đi mò chi tiết ấy như là mò trai, chớ không làm sao mà nhìn rộng được hết.
*
Về chữ Lạc rắc rối và danh xưng Lạc Việt thì ông Đào Duy Anh cũng không có tra cứu sử Tàu, và cũng cứ đoán. Ông cho rằng ta tự xưng là Lạc vì vật tổ của ta là chim Lạc. Nhưng chim Lạc được Tàu viết với bộ
Điểu chớ không bao giờ với bộ
Chuy, bộ
Trãi và bộ
Mã cả.
Hơn thế, vật tổ của dân ta lại không phải là chim như các ông Tây đã lầm. Nó là gì, rồi ta sẽ thấy.
Người Tàu biết quá rõ về Lạc từ thời Hạ, Thương, mà đến đời Hán tới chinh phục ta, họ vẫn chưa quên Lạc đó, thế nên họ thường chỉ dân ta bằng chữ Lạc bộ Trãi chớ không phải là bộ Chuyện hay bộ Mã.
Tới đây thì ta thấy cổ sử Trung Hoa sai về Xy Vưu, vì đồng thời các cổ thư của họ cho ta biết vài chi tiết sau đây, nó mâu thuẫn với cổ sử của họ.
Tự điể
n Từ Hải ghi:
Ứng Chiêu vân: “Xy Vưu cổ thiên tử”. Trịnh Huyền vân: “Xy Vưu bá thiên hạ”.
Hai nguồn sử trên đây có khác nhau, nhưng vẫn cứ là Xy Vưu làm chủ chớ không phải Tàu làm chủ Hoa Bắc cho dầu y là cổ thiên tử hay chỉ là bà của thiên hạ.
Sử Tàu thì chép rằng Xy Vưu chỉ là một trong những tù trưởng. Y là cổ thiên tử, y làm bà của toàn cõi Hoa Bắc chớ không hề là chư hầu của ai hết.
Nhưng cái ông vua của 9 dân Lê lại không có để dấu vết lại ở đó, tức họ làm chủ đất Hoa Bắc chưa bao lâu, và chỉ là dân từ nơi khác mới đến mà thôi. Có phải thế chăng? Nhưng không.
Cũng có thể là họ làm chủ Hoa Bắc từ lâu đời rồi, nhưng chỉ mới tiến lên giai đoạn lưỡi rìu tay cầm thì bị người Tàu đánh đuổi, vì người Tàu có thể có vũ khí tốt hơn.
Truyền thuyết Tàu ghi rằng Hiên Viên đã sáng tạo được vũ khí bằng đồng pha.
Nhưng họ mới đến, hay đã ở đó từ lâu mà chỉ mới có lưỡi rìu đá mài tay cầm, cũng không binh vực thuyết của giáo sư Kim Định được, vì không có sọ Mã Lai tại Hoa Bắc. Không còn lưỡi rìu vẫn phải còn sọ, nếu Mã Lai đã định cư ở đó từ nhiều đời rồi.
Có thể nào mà cho rằng Cửu Lê là bọn khác, chớ không phải bọn có lưỡi rìu tay cầm không?
Ta đã xét qua rồi cái nghi vấn đó. Tại Hoa Bắc không có sọ cổ nào khác hơn là sọ Hoa và sọ Miêu, mà Miêu thì, như khoa dân tộc học cho biết, mãi cho đến ngày nay cũng còn giỏi chăn nuôi hơn là nông nghiệp, và cũng chưa ra khỏi chế độ bộ lạc.
Dĩ nhiên là ta không kể đến những cái sọ quá thấp về chủng tộc học, sọ Mê-la-nê chẳng hạn, hoặc những cái sọ của những chủng tối cổ đã bị tiêu diệt, như sọ của người
Bắc Kinh.
Có thể nào mà người Tàu Hoa Bắc đã bị lai giống hết cả rồi với Viêm tộc hay không? Không, sự lai giống qua bảy, tám ngàn năm còn để dấu vết lại, nhưng trong sọ Hoa Bắc, khoa chủng tộc học chỉ thấy có hai yếu tố Mông Cổ và một yếu tố da trắng mà họ nghi là Nhục Chi, không có yếu tố thứ ba nào cả.
Có thể nào mà Viêm tộc là Mông Cổ hay không? Không. Vì nếu thế thì Tàu đã gọi tộc đó là
Hàn tộc, Băng giá tộc, hay gì gì tộc đó chớ không là Viêm. Và nếu thế đi nữa thì lại càng không dính dáng gì đến dân ta vì sọ của ta là sọ Mã Lai, chớ không phải sọ Mông Cổ.
Viêm tộc không bao giờ có trên đời này.
Tới đây thì ta đâm ngờ về truyền thuyết của người Tàu. Như ta đã thấy trình bày trên đây: Cửu Lê tức Mã Lai đến Hoa Bắc trước Tàu có bảy ngàn năm, bằng chứng chắc chắn là còn sọ Tàu cổ ở Hoa Bắc mà không còn sọ Cửu Lê.
Kẻ đến Hoa Bắc trước tiên phải là Hiên Viên. Như vậy những kẻ xưa hơn như Toại Nhân, Phục Hy không có mặt tại Hoa Bắc.
Nếu Toại Nhân, Phục Hy không phải là nước Nhục Chi thì cũng là Tàu lai Nhục Chi vừa xâm nhập Trung Hoa.
Truyền thuyết Tàu đã lầm lẫn địa bàn, hoặc kể lại truyền thuyết của Nhục Chi mà cứ tưởng là của họ.
Dầu sao những nhơn vật quá cổ như Toại Nhân và Phục Hy cũng không có mặt tại Hoa Bắc vì kẻ có mặt trước tiên là Hiên Viên.
Thần Nông có thể cũng chỉ là đặt chơn tới Cam Túc chớ cũng chưa vào sâu Hoa Bắc được, vì nếu Thần Nông đã vào sâu Hoa Bắc thì họ là kẻ đến trước và đã đuổi Cửu Lê trước Hiên Viên, còn đâu để cho Hiên Viên diệt, khi mà ta đồng ý về giả thuyết Cửu Lê chỉ có mặt trước Hiên Viên chỉ có vài ba năm, mà không đồng ý cũng không được vì không có sọ Mã Lai ở Hoa Bắc, Cửu Lê không để sọ lại vì không có định cư kịp ở đó nhiều năm là bị diệt ngay.
Còn giả thuyết thứ ba nữa. Có thế nào mà họ đến sau Tàu hay không?
Chắc chắn là không, vì theo những nguồn sử cổ mà
Từ Hải cho biết thì Xy Vưu là cổ thiên tử, tức hắn phải là kẻ đến trước. Kẻ đến sau mà làm cổ thiên tử được là làm luôn vì nó đã thắng. Mà như vậy thì các nguồn sử Tàu cổ đã không gọi y là cổ thiên tử mà là kim thiên tử.
Người cổ lầm lẫn địa bàn trong truyền thuyết là chuyện thường xảy ra. Thí dụ truyền thuyết về biên giới Hồ Động Đình của ta chỉ là truyền thuyết của Mã Lai đợt II. Ta đa số là Mã Lai đợt I, tức Mã Lai Hoa Bắc, thế mà ta cũng cứ xem truyền thuyết đó là của ta, chớ không dè là của dân bổ sung là người Mường, 2.500 năm sau mới xuất hiện.
Trong cuộc chứng minh Việt Nam = Mã Lai, chúng tôi có bắt được một chứng tích này là người Mã Lai ở đảo Java có kể một chuyện cổ tích y hệt như một chuyện cổ tích Mường, nhưng kỳ lạ lắm là khung cảnh mà họ tả trong chuyện là khung cảnh
núi đá vôi ở Hoà Bình trong khi đó thì đảo Java không hề có núi đá vôi (sẽ kể rõ ở chương Mường). Đó là một bằng chứng một dân tộc thiên di, đồng hoá hai địa bàn cũ và mới.
Nếu ngày nay dân Nhục Chi mà còn thì chắc chắn họ sẽ có hai nhơn vật truyền thuyết giống hệt Toại Nhân và Phục Hy.
*
Vậy sử Tàu chỉ cổ có 5.000 năm chớ không quá lâu đời với những Toại Nhân và Phục Hy như họ đã viết. Sử Tàu chỉ bắt đầu từ Hiên Viên tức Hoàng Đế mà thôi.
Đặc biệt Thần Nông trước Hiên Viên một đời, thì không phải xuất hiện tại Tây Vức hay tại Trung Hoa mà có lẽ tại Cam Túc, nơi hành lang xâm nhập mà họ gặp đất hoàng thổ để tiến lên nông nghiệp.
Ra khỏi Cam Túc, vào nội địa Hoa Bắc cổ thời là đã phải chết sống với chín thứ dân Lê dưới quyền lãnh đạo của Xy Vưu rồi.
Giữa nhiều giả thuyết dĩ nhiên chỉ có một là đúng.
- Xy Vưu chỉ mới đưa dân tới đó là bị Tàu đuổi ngay.
- Xy Vưu làm chủ đất ấy lâu đời rồi, nhưng vừa tiến lên lưỡi rìu tay cầm là bị đánh đuổi.
Ta không thể chọn giả thuyết II vì giả thuyết II vấp phải cái ngõ bí không lối ra là thiếu sọ Mã Lai ở Hoa Bắc.
Vậy chỉ còn giả thuyết thứ nhứt là đúng được là Mã Lai Cửu Lê chỉ mới đưa dân tới Hoa Bắc có vài năm, dưới quyền lãnh đạo của Xy Vưu, là Hoa tộc cũng xâm nhập Hoa Bắc.
Mã Lai từ đâu mà đến thì rồi ta sẽ thấy.
Còn Tàu thì gặp hoàng thổ hành lang tại Cam Túc lúc xâm nhập nên tiến lên nông nghiệp, tại Cam Túc (đợt Thần Nông), rồi tiến lên giai đoạn vũ khí đồng pha (đợt Hiên Viên).
Sở dĩ Hiên Viên đảo chánh Thần Nông được là nhờ vũ khí mới mà y phát minh. Nhưng y cũng biết nông nghiệp y hệt như Thần Nông.
Rồi y tiến sâu vào nội địa Hoa Bắc và đánh diệt Xy Vưu, và Cửu Lê. Vì chỉ có lưỡi rìu tay cầm bằng đá nên Cửu Lê thua chạy đi hết nên không có lưỡi rìu ấy để lại.
Trước đó Mã Lai và Mông Cổ không có diệt lẫn nhau mà hợp chủng với nhau, vì cả hai đều không có gì để phải tranh giành với nhau hết.
Tới Hiên Viên thì đã có mồi ngon. Đó là đất ở Hà Nam đối với một dân tộc vừa tiến lên nông nghiệp. Tàu thắng vì vừa có vũ khí đồng pha chớ không phải nhờ xe chỉ nam như sử Tàu đã chép.
Lại xin nói nhiều về hai loại lưỡi rìu.
Các nhà bác học Việt Nam đã đào được tại Núi Voi (Bắc Việt) và Yên Hưng (Bắc Việt) lưỡi rìu có tay cầm, nhưng không phải bằng đá mài mà
bằng đồng pha, giống hệt lưỡi rìu bằng đá mài ở cạnh đó.
Thế thì bọn Lạc bộ Trãi đã tự lực tiến lên kỹ thuật đồng pha tại Cổ Việt, chớ không hề nhờ Tàu như O. Jansé đã nói (xin xem hình). Và họ cũng đào được lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng pha tại Quỳnh Xá giống lưỡi rìu chữ nhựt đá mài ở cạnh đó.
Lưỡi rìu có tay cầm bằng đồng pha tìm được tại Núi Voi (Bắc Việt).
Lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng pha tìm được tại Quỳnh Xá (Bắc Việt).
Lưỡi rìu có tay cầm bằng đồng pha tìm được tại một kinh đô cũ của nhà Thương, có lẽ là Triều Ca, khác hẳn loạt lưỡi rìu có tay cầm cũng
bằng đồng pha của Lạc Việt.
Xin so sánh với hai lưỡi rìu y hệt như thế mà bằng đá mài, ở đoạn trước.
Ta phải kết luận sao đây?
- Chỉ có Bắc Việt, cả hai đợt di cư mới đều có hai loại lưỡi rìu bằng đồng pha, còn ở các địa bàn di cư khác thì không, kể cả ở Nhựt Bổn cũng không.
Thế nghĩa là bọn Mã Lai (Lạc di cư) văn minh nhứt tại Bắc Việt, chớ không phải tại các nơi khác.
- Lưỡi rìu chữ nhựt đồng pha là của bọn sau, tức dân của Câu Tiễn. Câu Tiễn đã làm Bá một thời ở Hoa Nam thì ông ấy không thể quá kém mà được địa vị đó. Vậy lưỡi rìu chữ nhựt bằng đồng pha, hẳn phải đã có rồi ở Cối Kê, tức có trước khi bọn đợt sau di cư xuống Cổ Việt.
- Đợt trước có phải học kỹ thuật đồng pha của đợt sau hay không? Không, vì chúng tôi đã có bằng chứng rằng vua Hùng Vương tuy không có trống đồng, vẫn đã biết nghề đồng trước khi bọn sau tới.
- Tại sao đều là dân của Câu Tiễn mà bọn di cư sang Nhựt Bổn không có lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng còn bọn xuống Văn Lang lại có? Có lẽ vì kỹ thuật tìm mỏ kém nên kim thạch hợp dụng cứ kéo dài rất lâu, đồng pha quý nên chỉ có quý tộc mới có vũ khí ấy. Bọn đi Văn Lang là quý tộc còn bọn đi Nhựt Bổn là thường dân.
- Kinh đô triều ca của vua Trụ đã tìm được và đã được thám quật năm 1943 tại An Dương (Hà Nam). Ở đó có lưỡi rìu tay cầm bằng đồng, nhưng khác hẳn lưỡi rìu tay cầm bằng đá hay bằng đồng của Mã Lai. Thế nghĩa là Hoa và Việt không có ảnh hưởng qua lại trước đó. Khoa khảo tiền sử đã cho biết đích xác cái luật này: Khi một dân tộc tiến lên từ đá mài sang đồng pha thì họ chế tạo đồ đồng pha giống hệt đồ đá mài mà họ có trước đó. Vật liệu khác, kỹ thuật khác, nhưng hình dáng thì không, mà như vậy trong hàng ngàn năm. Ở Bắc Việt lưỡi rìu tay cầm nhà Thương thì không giống lưỡi rìu tay cầm của Mã Lai chút nào.
Đã bảo đồng cóp đã kéo dài hàng ngàn năm thì không thể nói rằng vì nhà Thương xuất hiện sau Hiên Viên nên lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha của họ đã biến dạng. Hơn thế, không hề có lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài ở Trung Hoa dưới thời Hiên Viên và sau thời Hiên Viên.
Tại chưa đào thấy chăng? Có thể, nhưng công việc khảo tiền sử ở Tàu có thể nói là đã làm xong trước thời Mao Trạch Đông thì cũng khó lòng mà cho rằng chưa kịp tìm thấy.
Cái tay cầm của lưỡi rìu thì nhiều chủng tộc ở phương trời khác cũng đã có nghĩ đến, có chế tạo, chớ không phải là biệt sắc độc nhứt của Mã Lai đợt I hay của Tàu. Như vậy trong trường hợp này thì không thể cho là Việt đã cóp của Tàu hay Tàu đã cóp của Việt mà chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dĩ nhiên là trong sự trùng hợp đó hai bên không thể nào chế tạo giống hệt nhau được.
Ở Bắc Việt ta tiến từ đá mài lên đồng pha mà cứ giữ nguyên hình dáng cũ, còn nhà Thương thì dùng vũ khí hình dáng khác, mặc dầu cũng có tay cầm.
Đồ gốm Mã Lai ở Cổ Việt Nam cũng khéo không kém đồ gốm của Tàu, nhưng cũng lại khác hẳn. Không có lấy một yếu tố Mã Lai nào cả trong đồ gốm Ngưỡng Thiền, An Dương và Long Sơn, ba trung tâm đồ gốm cổ của Trung Hoa mà giáo sư Kim Định có ám chỉ đến, có ý muốn gán cho ta nhưng không thành công.
Vì kỹ thuật ấn loát và làm bản kẽm của chúng tôi kém, nên xin mời quý vị so sánh hai loại đồ gốm ấy bằng cách đọc hai quyển sách
L’Art de la Chine của nhà xuất bản Larousse và
Introduction à l’art ancien du Viet Nam của ông Trần Văn Tốt, Sài Gòn, 1967, mà chúng tôi không trích đầy đủ hình ảnh ở đây được.
Thuyết “Lịnh ông, cồng bà” của giáo sư Kim Định thì gián tiếp nói đến cuộc hợp chủng Hoa Việt ở Hoa Bắc. Nhưng nếu không có thuyết đó mà chỉ có thuyết
Tàu cướp văn minh Việt ở Hoa Bắc, ta vẫn phải hiểu là có hợp chủng bởi một nền văn minh phải học lâu lắm mới tiêm nhiễm được, chớ không phải chỉ thoáng thấy trong trận Trác Lộc là cóp được ngay. Mà muốn học lâu, phải có sống chung lâu, phải có hợp chủng.
Nhưng sọ Tàu Hoa Bắc lại không mang yếu tố Mã Lai, cũng không có yếu tố nào khác hơn là một yếu tố da trắng bị tình nghi là Nhục Chi. Yếu tố đó không phải là Viêm vì theo định nghĩa của giáo sư thì Viêm là Lửa, là Nóng (và quả đúng như vậy).
Nhưng dân Nhục Chi lại không phải là dân xứ nóng. Ở Hoa Bắc cũng thế. Không ở đâu mà có một chủng tên là Viêm hết, hoặc mang ý nghĩa là dân xứ nóng hết để rồi tràn tới Hoa Bắc và bị Tàu gọi là Viêm tộc.
Hoạ chăng là có ta, dân Việt Nam. Nhưng phiền lắm là ta lại từ bên Tàu, tận Hoa Bắc mà sang đây.
Ở đây cần giải thích rõ vấn đề. Khi một quốc gia bị xâm lăng, chắc chỉ có một số người là chạy đi, chớ không phải tất cả đều chạy đi. Đó là tình trạng đã xảy ra ở Hoa Nam mà một số Mã Lai quá lớn lao ở lại để lai giống và bị đồng hoá.
Nhưng ở đây sao Cửu Lê phải chạy đi hết? Vì đây là lần đầu tiên mà Tàu thấy dân lạ, Mã Lai cũng thế. Như vậy thì phải một còn một mất, có ai muốn ở cũng không ở được, nhưng thật ra thì không có ai muốn ở cả, vì lạ lùng nó làm cho kẻ thua khó chịu. Kẻ thắng đã tàn sát cũng chính vì khó chịu và bỡ ngỡ, mà càng bị tàn sát thì kẻ thua lại càng có lý do để chạy đi hết, không như ở Hoa Nam mà họ đã có dịp trông thấy nhau từ đời Hiên Viên đến đời nhà Hạ.
Dân Mã Lai hiếu chiến và dữ tợn có tiếng trên thế giới mà hiện nay sự kiện ấy còn thấy được nơi các nhóm Cổ Mã Lai ở Phi Luật Tân. Còn các vua Tàu thì không có phải là vua hiền vua thánh gì hết như sử họ đã chép đâu. Cả đôi bên đều dữ tợn, và lần chạm mặt đầu tiên họ phải tàn sát nhau khốc liệt lắm. Như thế thì bọn thua không thể nào ở lại được, bất cứ vì lẽ nào.
(Và như vậy thì cái thuyết Nho giáo có nghĩa là Nhu, là Hiền lương, là của Việt tộc dùng để chống lại tính cường bạo của Hoa tộc, của giáo sư Kim Định, không đúng, vì ai cũng cường bạo cả vào thời cổ sơ và lần theo năm tháng hễ ai tiến lên thì bớt hung hãn, ai còn chậm tiến thì còn dữ tợn, không có vấn đề chủng tộc ở đây nữa và Nho giáo có phải là của Việt hay không thì còn ngờ lắm, vì không có chứng tích, và không nên dựa vào sự phỏng đoán của hai ông Granet và Maspéro về một nền văn hoá chung của Á Đông vào cổ thời.
Sự thật thì chỉ có chi Âu, tức người Thái, mà cũng chỉ là người Thái Lưỡng Quảng là có văn hoá giống văn hoá Tàu cổ thời, còn Thái Vân Nam, Khơ Me, Miến Điện và người Nam Dương thì hoàn toàn không, mà sở dĩ có sự kiện đó là vì Thái Lưỡng Quảng đã sống gần Tàu quá lâu đời, tuy đã lập quốc riêng nhưng vẫn luôn luôn tiếp xúc với Tàu, còn người Mã Lai mà ta gọi là Thượng Việt thì chẳng hề giống Tàu ở một điểm lớn nhỏ nào cả. H. Maspéro không so sánh các dân khác, và không nên tổng quát hoá những gì mà hai thầy trò Granet và Maspéro đã nói).
Xin trở lại chuyện Hiên Viên tàn sát và Mã Lai chạy đi hết.
Hiên Viên có lý do tàn sát, còn Mã Lai thì có lý do chạy đi hết, vì một là Hiên Viên đã quá mạnh tay, hai là phong tục khác lạ của đôi bên, chỉ mới chạm trán lần đầu tiên, kẻ thua thấy rằng không thể ở lại với một thứ dân kỳ dị là dân Tàu.
Trong khi đó thì Việt Hoa Nam cũng đồng chủng với Lạc Hoa Bắc, thì lại ít chạy đi hơn Trung Hoa vượt sông Hoàng Ha dưới đời nhà Hạ. Tại sao thế? Là tại từ Hiên Viên đến đời nhà Hạ, Tàu và Việt đã đủ thời giờ quen biết với nhau chút ít.
Hiên Viên sống trước nhà Hạ thì nhà Hạ phải ít dữ tợn hơn. Đó là một cái luật: Kim hơn Cổ. Tần Thỉ Hoàng đốt sách là bậy. Nhưng không phải là không có lý do vì các nhà nho chủ trương cổ hơn kim, hoá ra ngăn bước tiến của dân tộc họ.
Hạ thì ít dã man hơn Hiên Viên, họ không đánh Việt, mà chỉ xin tới ở trọ. Hai lý do đó, Tàu đã hiền hơn, phong tục đôi bên đã được biết nhau, Việt không quá bỡ ngỡ nữa nên ít chống đối hơn.
Nhưng vẫn còn một điểm cần giải thích rõ. Lạc bộ Trãi có ở lại Sơn Đông và bị gọi là Đông Di. Nhưng làm sao không có sọ Mã Lai tại Sơn Đông?
Tỉnh Sơn Đông rất đặc biệt. Đó là một Cao nguyên được bình nguyên mỏng vây quanh. Khi Tàu Đông thiên thì Đông Di rút lên Cao nguyên với ảo tưởng thoát được. Không dè họ không bao giờ thoát được cả vì rồi Tàu lại xung phong lên Cao nguyên. Thế nên ở Hoa Bắc có một tỉnh độc nhứt mà sọ Hoa mang yếu tố Việt, đó là tỉnh Sơn Đông.
Nhưng đừng vì đó mà cho rằng Khổng Tử là “Việt gian”, hợp tác với Tàu. Đến đời Khổng Tử thì Đông Di đã bị Hoa hoá sâu đậm rồi mà Khổng Tử lại là người Tàu gốc ở nước Tống (Bắc Hà Nam) chớ không phải là người Đông Di.
Cũng đừng cho rằng đạo Nho là của Việt, vì đạo Nho đã có trước khi Khổng Tử chào đời, mà là có ở đâu ấy, ở An Ấp, ở đất Cảo, chớ không phải ở xứ của rợ Đông Di.
Giáo sư Kim Định chỉ biết rằng ta là Việt, mà không dè rằng Môn, Khơ Me, dân Nam Dương cũng là Việt, nên khi ông thấy ta tiêm nhiễm đạo Nho, ông kết luận rằng đạo ấy phải là của ta, không dè rằng hàng trăm nhóm Việt khác, chẳng có ai biết Nho là cái quái gì cả.
Nếu khen Nho vì nó hay, tốt ở chỗ nào đó, thì cứ khen, cứ theo, không cần phải cố nói đó là của ta. Nếu nó là của ta đi nữa mà nó không hay, ta cũng chẳng theo làm gì. Bằng như nó là của Tàu, ta cứ mượn, người Tàu họ giấu nghề làm miến Song thần, nhưng không bao giờ họ giấu đạo Nho, mà trái lại họ bắt ta học ngất ngư cái đạo đó.
*
Cũng nên nói sơ qua về thổ dân châu Mỹ mà một nhóm đã thiết lập ra một nền văn minh rất lớn là nhóm Mayar. Mayar là phiên âm của Tây Ban Nha, chớ thật ra thì họ tự xưng là Mã-Y-A, và họ cũng là Mã Lai.
Trước kia người ta ngỡ họ ở Tây Bá Lợi Á di cư sang Mỹ qua eo biển Béring. Nhưng vừa đây người ta khám phá ra rằng da họ không có đỏ, và họ thuộc da vàng và có lẽ di cư từ Trung Thái Bình Dương.
Đó là ức thuyết, nhưng chúng tôi lại biết chắc rằng ức thuyết đó đúng 100 phần trăm.
Quả thật thế, họ có ngôn ngữ giống hệt ngôn ngữ của Mã Lai Nam Dương. Mà như vậy thì họ di cư sang Mỹ Châu không lâu, lối 2.500 năm nay mà thôi.
Ta có phương pháp biết những sự thật lịch sử nhờ một cái luật ngôn ngữ. Thí dụ bọn Mã Lai đợt I biết lúa gạo khác địa bàn với bọn Mã Lai đợt II, nên chi danh từ đó của hai nhóm ấy khác nhau, vì đó là danh từ sáng tác về sau chớ không còn là danh từ gốc tổ nữa, mà hai nơi ở xa nhau, phải sáng tác khác nhau.
Thế mà người Mayar gọi lúa là Padi, y hệt như người Nam Dương (Pháp vay mượn của thổ dân châu Mỹ và biến thành Paddy), thế nghĩa là họ cùng nhau sáng tác rồi mới di cư và hai người đó là một.
Người Mayar cũng thờ mặt trời y như người Đông Sơn, và họ hoàn toàn không biết con ngựa thuở họ bị Tây Ban Nha chinh phục, tức họ không từ phía Bắc mà di cư, vì ở phương Bắc Mông Cổ nuôi ngựa rất nhiều.
Chỉ còn một chi tiết chưa thể biết là họ di cư từ Hoa Nam sau khi nước Việt tan rã, hay từ Nam Dương, vì danh từ Paddy đã được sáng tác tại Hoa Nam đến Nam Dương thì họ đã có danh từ ấy rồi, và đây là bằng chứng:
Mường: Pơ Đuông
| Chàm: Pơ Đai
|
Giarai: Pơ Đai Nam
| Dương: Pa Đi
|
Danh từ Pơ Đuông của người Mường, nay đã mất Pơ vì ảnh hưởng độc âm của Việt Nam, và thêm dấu sắc thành Đuống (sông Đuống) vì ảnh hưởng đa thanh của Việt Nam.
Người Mường trước khi di cư đến Cổ Việt đã biết lúa gạo rồi vì họ là Mã Lai đợt II, chớ không phải đợt I như con cháu trực tiếp của Hùng Vương.
Đó là một địa bàn định cư nữa của Mã Lai đợt II mà khoa khảo tiền sử không biết mà chỉ có khoa dân tộc học là biết nhờ chúng tôi đối chiếu đồ vật của người da đỏ và người Nam Dương.
Nhưng các nhà ngôn ngữ học nên tìm tòi thêm khi mà chúng tôi gợi ý về danh từ Padi này.