© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.9.2007
Richard Pipes
Chủ nghĩa cộng sản
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6 
 
V. Thế giới thứ ba

Mỗi nước cộng sản, mỗi đảng cộng sản đếu có lịch sử của mình, có những đặc trưng khu vực và địa phương của mình, nhưng bao giờ cũng có thể nhận thấy rằng bằng cách này hay cách khác họ đều đi theo khuôn mẫu được hình thành ở Moskva vào tháng 11 năm 1917. Có mối liên hệ thân thuộc như thế là vì các đảng này có chung một mã di truyền cộng sản [1] .

Cái mối liên hệ thân thuộc, được nhắc tới trong đoạn trích dẫn bên trên, là do tại tất cả các nước đó, chủ nghĩa cộng sản đều xuất hiện nhờ một trong hai con đường: hoặc là do quân đội Liên Xô áp đặt (Đông Âu) hoặc nhờ vào sự trợ giúp của Liên Xô, đấy là các nước với nền văn hoá chính trị (thiếu truyền thống tư hữu và tinh thần thượng tôn pháp luật, di sản của chế độ chuyên chế v.v…) cũng như cấu trúc xã hội (tuyệt đại đa số là nông dân, giai cấp trung lưu chưa phát triển) tương tự như nước Nga trước năm 1917. Mặc dù về lí luận, chủ thuyết cộng sản được xây dựng cho các xã hội công nghiệp tiên tiến, trên thực tế nó lại chỉ bén rễ trong các nước nông nghiệp lạc hậu. Và vì thế, ở những nước này, nó phải đi theo một khuôn mẫu sẵn có.

Từ thực đơn của chủ nghĩa Marx-Lenin, các nước này đã chọn những mục sau:
Có ý kiến cho rằng nghèo đói sinh ra cộng sản. Trên thực tế vấn đề hoàn toàn ngược lại: các nước nghèo không lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Chưa ở đâu có chuyện đa số người nghèo, thậm chí đa số nói chung ủng hộ việc chuyển giao quyền lực cho cộng sản. Nói đúng ra, các nước nghèo không đủ khả năng chống lại những vụ cưỡng đoạt quyền lực của cộng sản vì các nước này không có các thiết chế đủ sức ngăn chặn những kẻ độc tài háo danh, như các nước giầu có và tiến bộ hơn. Không có các thiết chế bảo đảm cho sự giầu có, đặc biệt là quyền tư hữu và thượng tôn pháp luật, các nước này sẽ nằm mãi trong tình trạng đói nghèo và dễ bị những nhà cầm quyền độc tài cả phía tả lẫn phía hữu khuynh đảo. Nói như lời một nhà nghiên cứu chế độ ở Campuchia, một trong những chế độ cộng sản cực đoan nhất mà ta đã biết, thì “việc thiếu vắng các cơ cấu đủ sức liên kết dân chúng, cộng với việc những người cầm quyền thường xuyên thay đổi đã tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực một cách thái quá [2] ”. Như vậy là các tác nhân đó, mà trước hết là tình trạng vô luật pháp, đã kìm hãm đất nước trong vòng nghèo đói, đã tạo điều kiện cho các vụ đảo chính của cộng sản.

Các tác nhân nói trên còn tạo ra những hậu quả khác nữa. Từ xa xưa, tại phương Đông việc không tồn tại quyền tư hữu ruộng đất có nghĩa là chỉ có một cách làm giầu duy nhất, đấy là được người cầm quyền ưu ái. (Các chức vụ trong bộ máy nhà nước không được coi là cống hiến mà là phương tiện làm giầu). Dĩ nhiên là vì vậy mà có chân trong chính quyền cộng sản, một chính quyền nắm trong tay toàn bộ quyền lực và tài nguyên, được coi là phương tiện chủ yếu để bảo đảm cho mình vị trí xã hội cũng như sự sung túc (điều này, dĩ nhiên là đúng với cả nước Nga nữa).

Trong buổi bình minh của thế kỉ XX, những người cộng sản ở châu Âu không thể hiểu được vì sao chủ nghĩa tư bản không sụp đổ, theo như dự đoán của Marx và Engels. Những người xét lại đã giải quyết được vấn đề bằng cách công nhận rằng ở đây Marx và Engels đã có sự lầm lẫn. Nhưng những người cộng sản chính thống lại không chấp nhận như thế, vì lí thuyết của họ được coi là khoa học, không chấp nhận bất kì sự lệch lạc hoặc ngoại lệ nào, nó chỉ có thể tồn tại như một toàn thể bất khả phân mà thôi.

Đối diện với vấn đề như thế, Lenin đã sử dụng tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc của nhà kinh tế học người Anh tên là J. A. Hobson, trong đó việc xâm chiếm thuộc địa được lí giải như là kết quả của việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và sử dụng tư bản. Lenin phát triển luận điểm này trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (1916-1917), trong đó ông ta chứng minh rằng các nước thuộc địa đóng vai trò quan trọng trong việc cứu chủ nghĩa tư bản vì nó giúp giữ cho nền kinh tế bệnh hoạn đứng vững và tạo điều kiện cho các nhà tư bản mua chuộc công nhân. Vì vậy cuộc tấn công vào lãnh địa của các cường quốc sẽ là một phần quan trọng của chiến lược cách mạng đương thời.

Khó khăn là ở chỗ, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa Á, Phi và Mĩ Latinh có rất ít hoặc hoàn toàn không có nền công nghiệp và cũng không thể có giai cấp công nhân công nghiệp. Do hoàn cảnh khó khăn như thế cho nên khi cần thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong những nước không có cơ sở công nghiệp, Lenin đã sử dụng cương lĩnh do ông ta đề ra cho Đại hội II Quốc tế Cộng sản với những tiền đề sau đây: 1. các nước này có điều kiện tiến thẳng từ chế độ “phong kiến” lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. 2. trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, những người cộng sản hoạt động tại các nước đó có thể liên kết (tạm thời, dĩ nhiên) với “giai cấp tư sản dân tộc”.

Tư tưởng của Lenin đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số đoàn đại biếu Quốc tế Cộng sản, đối với họ thì tư sản dân tộc cũng đáng ghét chẳng khác gì bọn đế quốc nước ngoài. Nhưng Lenin kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cuối cùng Quốc tế thông qua phương châm gọi là các cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc”, trong đó những người cộng sản, vừa bảo vệ quan điểm riêng của mình vừa liên kết với các lực luợng chống đế quốc khác để tiến hành cuộc đấu tranh vì sự nghiệp chung của dân tộc.

Trên thực tế chính sách này luôn gặp thất bại: không những không lợi dụng được những nguời theo chủ nghĩa quốc gia mà chính những người cộng sản lại rơi vào hoàn cảnh bị người ta lợi dụng.

Trong các năm 1918-1919 quân đội đồng minh chiếm đóng vùng Tây Anatolia và thành phố Constantinople, thủ đô của đế chế Ottoman, một đồng minh của nước Đức bại trận trong Chiến tranh Thế giới I. Phong trào do Mustafa Kemal Pasa (Atatürk) lãnh đạo xiển dương mục đích giải phóng dân tộc. Năm 1920 Kemal đề nghị Moskva hợp tác trong cuộc đấu tranh chống các nước chiếm đóng. Moskva tỏ ý sẵn sàng và năm 1921 đã kí với ông ta Hiệp ước hữu nghị, các bên cam kết tiến hành đấu tranh chống “chủ nghĩa đế quốc”. Moskva, theo đúng tinh thần của Quốc tế, lại tiến hành song song việc hợp tác này với các hoạt động lật đổ. Những tài liệu vừa được giải mật từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô chứng tỏ rằng Moskva đã bí mật chuẩn bị âm mưu lật đổ phe quốc gia ngay trong thời kì tình cảm của hai bên vẫn còn nồng thắm. Bản chỉ thị do Lenin soạn vào năm 1920 có đoạn viết:

Chớ có tin bọn theo Kemal; không được chuyển khí giới cho họ; tăng cường tuyên truyền về Liên Xô cho người Thổ Nhĩ Kì và chuẩn bị một đảng theo đường lối Xôviết mạnh và có khả năng giành chiến thắng ở Thổ Nhĩ Kì. [3]

Về phần mình, Kemal rất phấn khởi khi nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô và đã có ý định xây dựng nhà nước độc đảng theo mô hình của Liên Xô nhưng dứt khoát không chấp nhận sự tồn tại của cộng sản trên đất nước Thổ Nhĩ Kì. Phái viên của Quốc tế Cộng sản và những kẻ đồng loã với ông ta đã bị giết sau khi Đảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kì được thành lập vừa đúng hai tháng, chắc chắn có bàn tay của những người theo Kemal trong vụ sát hại này.

Tại Trung Quốc, chính sách của Liên Xô còn chịu tổn thất nặng nề hơn rất nhiều. Quốc tế Cộng sản đánh giá rất cao vai trò của Trung Quốc và nước này cũng tạo cho người ta nhiều hi vọng không kém. Các nước châu Âu và Nhật Bản đã tìm mọi cách để bóc lột đất nước đông dân nhất thế giới này. Việc bóc lột như thế là miếng đất màu mỡ cho tinh thần bài ngoại: lòng căm thù người ngoại quốc thỉnh thoảng lại bùng phát thành những cuộc bạo động. Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng, cầm quyền ở Trung Quốc sau các năm 1911-1912, rất khâm phục Liên Xô vì nước này đã rũ bỏ được ách nô dịch ngoại quốc về kinh tế và chính trị. Tuy vẫn là nước nông nghiệp, Trung Quốc đã có đội ngũ công nhân, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ ở Thượng Hải. Lenin đặt rất nhiều hi vọng vào Trung Quốc, ông ta từng nói với các nhà ngoại giao đến từ Bắc Kinh rằng cuối cùng thì cách mạng Trung Quốc sẽ lật đổ chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Tưởng Giới Thạch, người được đưa lên lãnh đạo Quốc dân Đảng trong những năm 1920, cũng rất thán phục Liên Xô và đã nhiệt tình chào đón các đoàn “cố vấn” từ Moskva đang tràn vào Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập theo lệnh từ Moskva vào năm 1921, gồm phần lớn là những người có học và sinh viên, vẫn giữ được tính độc lập như Quốc tế Cộng sản đòi hỏi, nhưng từ năm 1923 trở đi nhiều đảng viên đã ra nhập Quốc dân Đảng. Họ làm như thế là theo chỉ đạo về việc thành lập mặt trận phản đế của Moskva. Đề nghị của Moskva về việc cung cấp cho Quốc dân Đảng các cố vấn kinh tế và quân sự cũng nhằm mục đích đó. Tuy nhiên giữa hai bên đã tích tụ nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là từ năm 1925, tức là sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế và quyền lực tập trung vào tay Tưởng Giới Thạch. Tháng 4 năm 1927 Tưởng Giới Thạch khai trừ tất cả đảng viên cộng sản, rồi sau đó thủ tiêu hàng ngàn người.

Sau những sự kiện như thế, Stalin dứt khoát kết luận rằng thuần hoá chủ nghĩa dân tộc trong các nước thuộc thế giới thứ ba và lái hoạt động của nó theo hướng có lợi cho chủ nghĩa cộng sản là việc làm vô ích. Tại Hội nghị IV, Quốc tế Cộng sản đã đoạn tuyệt với đường lối ủng hộ “giai cấp tư sản dân tộc”. Từ đấy cho đến ngày Stalin chết, tức là trong vòng 25 năm Liên Xô đã giảm hẳn hoạt động trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Liên Xô chấm dứt hợp tác với “giai cấp tư sản” thế giới thứ ba, coi nó là “tay sai” của các nước đế quốc và giữ quan điểm như thế ngay cả khi các nước này đã giành được độc lập. Cuốn Bách khoa Toàn thư Lớn của Liên Xô xuất bản năm 1953 thậm chí còn gọi Mahatma Gandhi là “gián điệp của đế quốc Anh”. Trong khi đó Liên Xô lại coi các đảng cộng sản, cả công khai lẫn bí mật, cả đảng lớn lẫn đảng nhỏ, là chỗ dựa của mình. Năm 1948 theo lời xúi bẩy của Moskva, cộng sản tại một loạt nước Đông Nam Á như Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, Philipnne đã vùng dậy, nhưng tất cả đều bị đàn áp. Cộng sản chỉ thành công ở Đông Dương (Việt Nam), năm 1954 quân du kích địa phương đã đuổi được quân đội Pháp ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Khi Stalin còn sống, chính sách đối ngoại của Liên Xô tập trung chủ yếu vào việc tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự và gây chia rẽ giữa các siêu cường.

Nhìn bên ngoài thì chiến thắng của cộng sản Trung Quốc vào năm 1949 và việc họ chiếm được toàn bộ đại lục là chiến thắng vô cùng to lớn của chủ nghĩa cộng sản. Chỉ bằng một cú như thế phong trào cộng sản đã lôi kéo vào hàng ngũ của mình một nửa tỉ người, tức là tăng gần gấp đôi số người sống dưới chính thể cộng sản. Nhưng hoá ra đây là một chiến thắng rất đáng ngờ; cái giá phải trả là sự thống nhất của chính phong trào cộng sản: Chẳng bao lâu sau nước Trung Hoa đỏ đã đi theo con đường riêng, tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng cho phong trào. Một lần nữa tinh thần dân tộc đã thắng lòng trung thành với quyền lợi giai cấp.

Tháng 10 năm 1927 những người cộng sản còn sống sót sau vụ đàn áp của Tưởng Giới Thạch đã rút lui về vùng nông thôn hẻo lánh. Mao Trạch Đông, một trong những lãnh tụ cộng sản còn lại, đã ẩn mình suốt hai mươi năm sau đó để chuyên tâm vào việc xây dựng lực lượng du kích. Năm 1931 cộng sản tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Xôviết Trung Hoa. Cả lúc đó, cũng như trong Chiến tranh Thế giới II về sau, Stalin chưa bao giờ công khai phát biểu ủng hộ nước cộng hoà này. Ông ta quan tâm đến quyền lợi của Liên Xô ở vùng Viễn đông hơn là việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tức là Liên Xô cần một nước Trung Hoa mạnh, đủ sức ngăn chặn được sự bành trướng của Nhật Bản. Quốc dân Đảng có vẻ phù hợp với vai trò này hơn và vì vậy Stalin quyết định ủng hộ về vật chất cho Tưởng Giới Thạch. Sau này Stalin buộc phải sử dụng kinh nghiệm quan hệ với Đảng Cộng sản Nam Tư; năm 1948 dưới sự lãnh đạo của Josip Broz Tito đảng này đã không chịu thực hiện các chỉ thị và sau đó thì đoạn tuyệt hoàn toàn với Moskva. Sợ rằng Trung Quốc sẽ là một “Nam Tư” mới, Stalin mới thuyết phục Mao Trạch Đông thoả hiệp với Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông phớt lờ lời khuyên này và tiếp tục chỉ huy đội quân nông dân tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm giành quyền lực trên toàn cõi Trung Hoa.

Stalin tiếp tục bảo trợ Mao ngay cả sau khi ông này đã làm chủ hoàn toàn Trung Quốc. Mao cần sự trợ giúp của Liên Xô cả về kinh tế lẫn quân sự đến mức ông ta phải đè nén lòng kiêu hãnh của mình trong một thời gian dài, buộc phải công nhận vai trò lãnh đạo của Liên Xô cũng như coi Liên Xô là hình mẫu đáng phải theo. Thái độ của Mao chỉ thay đổi sau khi Khrushchev lên cầm quyền vì ông ta cho rằng những người kế nhiệm Stalin đã phản bội sự nghiệp chung. Năm 1959 quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đã gần đi đến chỗ tan vỡ chủ yếu là vì Moskva từ chối cung cấp công nghệ hạt nhân cho Bắc Kinh. Năm sau, Khrushchev đơn phương rút hết các chuyên gia về nước.

Chẳng bao lâu sau Mao đã tự sáng tác ra phiên bản chủ nghĩa Marx độc đáo của chính mình. Theo lời một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này thì “những giá trị chủ yếu” mà tư tưởng Mao bảo vệ là “hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Marx”, điều đó chỉ chứng tỏ “sự uyển chuyển vô bờ bến của học bất kì học thuyết nào miễn là nó có giá trị lịch sử [4] ”. Về tất cả mọi vấn đề Mao đều cho Marx “trồng cây chuối” tất. Ông ta không dựa vào giai cấp công nhân công nghiệp, không coi họ là động lực của cách mạng mà lại phong cho nông dân vai trò đó: ông ta khẳng định rằng vai trò cách mạng không thuộc về châu Âu (trong đó có Nga) mà thuộc về nhân dân các nước Á, Phi và Mĩ Latinh. Ông ta cũng bác bỏ luận điểm của Marx nói rằng “không phải ý thức quyết định đời sống mà là đời sống quyết định ý thức [5] ”, nghĩa là tư tưởng và tình cảm của con người phụ thuộc vào điều kiện vật chất của họ. Ngược lại, Mao khẳng định rằng hành vi của con người là do tư tưởng mà ra: chủ nghĩa Marx coi “yếu tố khách quan” giữ vai trò quan trọng thì Mao lại cho rằng đấy là khái niệm “tư sản”. Yếu tố khách quan không thể cản trở quần chúng một khi họ đã quyết tâm. Kiến thức chứa đựng mầm mống của cái ác vì nó làm cho người ta dao động, đọc nhiều là có hại. Không phải sự thay đổi các điều kiện kinh tế và xã hội mà chính sự thay đổi “thượng tầng” văn hoá và tri thức sẽ cho phép hình thành xã hội mới và con người mới. Đây là chủ nghĩa xét lại đặc biệt: nếu chủ nghĩa xét lại phương Tây, xuất hiện sau Eduard Bernstein, cố gắng làm cái việc sửa chữa chủ nghĩa Marx, làm cho nó phù hợp với hiện thực thì chủ nghĩa xét lại của Mao lại cho rằng tốt nhất là đừng để ý đến hiện thực.

Việc đưa ra những tư tưởng phi chính thống như thế đã dẫn đến mâu thuẫn với Moskva. Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua đường lối hoà hoãn với phương Tây và tuyên bố rằng chiến tranh không còn là điều kiện cần trong cuộc đấu tranh vì lí tưởng cộng sản trên toàn thế giới nữa, vì chính thế giới đang tiến về phía chủ nghĩa cộng sản mà không một lực lượng nào có thể cản trở được. Mao không chấp nhận đường lối này, ông ta cho rằng Liên Xô đã có tên lửa xuyên lục địa, đủ sức thực hiện chiến lược tiến công đối với phương Tây. Giống như Lenin, Mao cho rằng chiến tranh là tất yếu. Ông ta bác bỏ học thuyết của Khrushchev, theo đó chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng bằng con đường nghị trường mà không phải dùng vũ lực. Mao đề cao bạo lực. (“Chiến tranh là hình thức đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn cao nhất”, “Súng đẻ ra chính quyền.”) [6]

Mao cũng bác bỏ luận điểm cho rằng vũ khí hạt nhân đã đặt dấu chấm hết cho việc coi chiến tranh là một hành động chính trị. Ông ta còn chế nhạo vũ khí nguyên tử và gọi nó là “con hổ giấy mà bọn phản động dùng để doạ dẫm nhân dân. Cỏ vẻ khủng khiếp, nhưng trên thực tế chẳng có gì khủng khiếp hết [7] ”. Ông ta còn coi chính sách kí thoả ước về việc kiểm soát vũ khí, bắt đầu từ năm 1968, là phản bội; ông ta cũng rất bất mãn với quan điểm cho rằng chiến tranh nhiệt hạch sẽ tiêu diệt sự sống trên trái đất. Ông ta từng viết với một thái độ vô tâm đáng kinh ngạc như sau:

Trong trường hợp xấu nhất, một nửa nhân loại sẽ bị tiêu diệt, chỉ còn một nửa sống sót, nhưng chủ nghĩa đế quốc sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và cả thế giới sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa; sau mấy năm sẽ lại có hai tỉ bảy người, mà có thể còn nhiều hơn nữa kia. [8]

Trung thành với đường lối của Stalin, Mao bác bỏ chiến lược ủng hộ các chế độ được thiết lập tại các thuộc địa cũ như chính phủ Neru ở Ấn Độ hay Naser ở Ai-Cập.

Nhưng nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, từng bùng phát thành vụ đụng độ quân sự trên biên giới Xô-Trung, vẫn không phải là những bất đồng về đường lối chiến lược và chiến thuật mà là vấn đề bá quyền trong phong trào cộng sản quốc tế. Moskva luôn khẳng định rằng họ đương nhiên là lãnh tụ của phong trào, việc này đã được chính thức ghi trong điều lệ Quốc tế Cộng sản từ năm 1920 và họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Năm 1956, phát biểu vo ở Warszawa, Khrushchev cho biết rằng Stalin đã nói với Mao là Moskva phải có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề liên quan đến phong trào cộng sản quốc tế. Từ năm 1956 trở đi Mao không chấp nhận luật chơi đó vì cho rằng, như đã nói bên trên, những người kế nhiệm Stalin là những kẻ phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông ta tự coi mình chẳng những ngang hàng mà còn vượt trội hơn những người cầm quyền ở Moskva. Thậm chí ngay cả khi chưa nắm được trọn quyền lực ở Trung Quốc ông ta cũng đã tự đưa mình vào hàng ngũ tác gia của học thuyết Mác-xít, dành cho các nước ngoài phương Tây, nơi các cuộc cách mạng sẽ do nông dân thực hiện. Năm 1945, một trong những đồ đệ của ông ta đã khẳng định: “Thành tựu vĩ đại nhất của Mao Trạch Đông là đã cải biến chủ nghĩa Marx, một học thuyết của phương Tây và gắn cho nó hình thức của châu Á”, nhằm động viên một khối lượng quần chúng to lớn, những người cũng sống trong các điều kiện như nhân dân Trung Quốc. Sau này, trong nỗ lực đẩy Liên Xô ra khỏi châu Phi, Bắc Kinh còn viện đến cả yếu tố sắc tộc và nói rằng người Nga là dân “da trắng” cho nên không thể hiểu được dân phương Đông và châu Phi. Ở Trung Quốc, Mao được coi là nhà tiên tri. Năm 1966 Trung Quốc cho xuất bản cuốn sách dưới nhan đề: Ánh sáng tư tưởng Mao Trạch Đông toả khắp hoàn cầu. Như vậy là “cuộc tranh luận về chiến lược cách mạng lúc ban đầu đã trở thành mầm mống cho cuộc đấu tranh giành quyền lực trong phong trào cộng sản quốc tế [9] ”. Đụng độ Xô-Trung đã cho người ta thấy cái khuyết tật căn bản và không thể nào sửa chữa được của phong trào cộng sản quốc tế. Nó cho thấy rằng cộng sản các nước sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo của Moskva khi họ chưa tìm được chỗ dựa vững chắc ở trong nước, khi họ còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ về kinh tế và quân sự của Moskva. Nhưng trong hoàn cảnh như thế họ vẫn là những kẻ bất lực, những kẻ đứng bên lề đời sống của đất nước. Còn khi họ đã có chỗ dựa ở trong nước, như Nam Tư và Trung Quốc, khi họ trở thành lực lượng chính trị độc lập, nghĩa là có giá trị đối với phong trào cộng sản quốc tế thì họ không còn thích nghe theo chỉ đạo của người Nga hay công nhận quyền lợi của Liên Xô là tối thượng nữa. Kết quả là xảy ra mâu thuẫn: cộng sản các nước càng thành công, càng trở thành lực lượng độc lập thì Moskva càng khó điều khiển hơn. Moskva buộc phải quyết định giữa bảo vệ quyền lợi của mình hay bảo vệ quyền lợi của phong trào cộng sản quốc tế. Nếu ban lãnh đạo Liên Xô thực sự muốn khuyếch trương chủ nghĩa cộng sản thì nó phải từ bỏ vai trò lãnh đạo và lí luận cho rằng quyền lợi của Liên Xô và quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản chỉ là một. Nhưng như thế, phong trào sẽ tan ra thành từng mảnh và bị các lực li tâm khống chế, kết quả là sẽ đánh mất chủ nghĩa tập trung cứng rắn, nghĩa là mất cái mà Lenin coi là thành tựu quan trọng nhất của chế độ.

Chiến lược ủng hộ các lực lượng chống đế quốc thuộc thế giới thứ ba mà những người kế nhiệm Stalin sử dụng trong những năm 1950 có vẻ dễ trở thành hiện thực hơn là ba mươi năm trước, vì sau Chiến tranh Thế giới II các nước đế quốc đã trao độc lập cho phần lớn các nước thuộc địa của mình. Trong số đó có các nước đông dân như Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập. Đứng đầu các nước này là các nhà chính trị chưa có kinh nghiệm, những người thường cảm thấy thiếu thốn trong lĩnh vực tài chính; họ coi độc lập chính trị chỉ là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới độc lập thực sự mà muốn thế thì phải có độc lập về kinh tế. Họ ngưỡng mộ Liên Xô vì nước này đã thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và nắm trong tay sức mạnh đáng kể về mặt công nghiệp; họ muốn bắt chước và nồng nhiệt chào đón các chuyên gia cũng như sự trợ giúp đến từ Moskva. Trong một số trường hợp, các nhà độc tài háo danh còn coi Liên Xô là sự bảo đảm cho quyền lực của mình: tuyên bố là nước “xã hội chủ nghĩa” để đổi lấy sự trợ giúp về tình báo và quân sự của khối cộng sản nhằm chống lại các kẻ thù bên trong và bên ngoài.

Từ năm 1956 Moskva tiến hành những hoạt động tích cực trong thế giới thứ ba nhằm tạo ra một liên minh, bài phương Tây và đặc biệt là Mĩ, bao trùm một nửa dân số thế giới. Họ đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Ở Ấn Độ họ đã tài trợ cho một nhà máy gang thép cực kì lớn, được xây dựng dưới dự lãnh đạo của các kĩ sư Liên Xô; họ còn xây dựng các nhà máy điện, nhà máy làm bánh mì nữa. Ở Ai Cập họ đã giúp xây dựng đập thuỷ điện Asuan, tạo điều kiện cho việc điều tiết mực nước sông Nile. Đấy là những việc làm trái ngược hẳn với thái độ “vụ lợi” của các nước tư bản phương Tây. Moskva còn vũ trang cho Ai Cập trong cuộc chiến tranh chống lại Israel, vũ tranh cho Ethiopia chống lại Somalia. Trong mọi trường hợp sự giúp đỡ bao giờ cũng đi kèm với các “cố vấn” Liên Xô và đấy chính là cách mà Moskva thiết lập sự hiện diện của mình trên khắp thế giới. Trợ giúp sinh ra phụ thuộc về kinh tế và đấy cũng là con đường dẫn tới phụ thuộc về chính trị.

Nhưng cuối cùng chính sách đầy tham vọng và tốn kém đó cũng chỉ mang về những kết quả cực kì khiêm tốn. Liên Xô không có đủ nguồn lực kinh tế để có thể đóng được vai trò phù hợp với chính sách mới của nó đối với các nước thuộc thế giới thứ ba. Moskva lao vào hết nước này đến nước khác, từ Trung Cận Đông tới châu Phi, hòng chiếm lĩnh chân không quyền lực; giành cho các nước này sự trợ giúp cả về kinh tế lẫn quân sự để rồi phải đối mặt với sự phát triển không lường trước được của các sự kiện dẫn đến việc thủ tiêu nước đồng minh, hay đồng minh suy nghĩ lại và thay đổi thái độ. Có ai đó đã nói rằng không thể mua được các thủ lĩnh thuộc thế giới thứ ba, chỉ có thể vay tạm được họ mà thôi.

Hoạt động của Moskva trong thế giới thứ ba đã gây ra hậu quả quan trọng là nó đã làm cho phương Tây lo ngại và làm cho chiến tranh lạnh càng căng thẳng thêm. Những người Marxist-Leninist coi học thuyết của mình là khoa học, họ cố gắng phân tích kinh nghiệm của mình và học hỏi qua những sai lầm, không chỉ trong cách hiểu mục đích cuối cùng, mà theo họ là không thể hồ nghi, mà còn trong chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho mục đích cuối cùng nữa. Lenin đã học được từ Marx rằng để chống lại phản cách mạng thì phải đàn áp một cách không thương xót toàn bộ cơ cấu mang tính thiết chế của chủ nghĩa tư bản. Sau khi đánh giá chủ nghĩa xét lại của những người kế nhiệm Stalin, Mao đi đến kết luận rằng phá bỏ thiết chế vẫn chưa đủ, cần phải cải tạo chính con người nữa. Dĩ nhiên là chủ nghĩa Marx luôn luôn coi việc cải tạo con người là mục đích tối thượng và cuối cùng. Nhưng Mao lại quyết định rằng đấy là việc phải làm ngay, ông ta đã buộc cả hệ thống quản lí của mình phải biến cái mục đích ấy thành hiện thực.

Trung cộng đã thiết lập chế độ toàn trị gần giống với mô hình Xôviết. Ban đầu Mao đã sao chép chính sách kinh tế của Stalin, ông ta cũng tiến hành tập thể hoá nông nghiệp và thực hiện kế hoạch công nghiệp hoá ngũ niên. Dĩ nhiên là có những khác biệt. Một trong những khác biệt đó là: nền chuyên chế Xôviết, hậu duệ của chế độ Sa hoàng, không quan tâm đến việc thần dân của họ nghĩ gì, miễn là họ tỏ vẻ nhất trí và giả làm tín đồ là được; Trung cộng kiên quyết đạt cho bằng được sự thống nhất cả về tri thức lẫn tinh thần của toàn thể nhân dân. Cội nguồn của quan điểm như thế là từ Khổng giáo, một triết thuyết nhấn mạnh đến sự hoàn thiện và đòi hỏi rằng cơ sở của chế độ cai trị là đạo đức chứ không phải là sự ép buộc. Nhưng quan điểm đó lại xuất phát trực tiếp từ những lo lắng của Mao rằng nếu không cải tổ hoàn toàn trí óc của các thần dân để họ có thể nắm vững được học thuyết của Marx, của Lenin và của chính ông ta thì Trung Quốc cũng sẽ có số phận giống như Liên Xô, nghĩa là sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại và sẽ đi chệch khỏi con đường chân chính.

Lí luận của Mao đã mở đường cho những thí nghiệm không thể tưởng tượng nổi, tất cả đều thất bại với giá phải trả là sự bình yên của nhân dân và sinh mạng của không biết bao nhiêu nạn nhân. Các công dân Trung Quốc, đặc biệt là những người lao động trí óc, bị nghi là có tư tưởng lạc hậu hay chống đối, đều phải học tập “cải tạo” một cách có hệ thống, thường là trong các trại tập trung, nơi họ phải trải qua quá trình gọi là “tẩy não”. Đấy chính là sự chế nhạo những người có tư duy, nhằm bẻ gẫy tinh thần họ.

Các tiền đề lí luận như thế cũng là nguyên nhân của chính sách đại nhảy vọt, khởi đầu vào năm 1958. Mong muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc đã tìm được con đường thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tốt hơn và nhanh chóng hơn người Nga, Mao tuyên bố rằng Trung Quốc dự định vượt Anh về sản lượng than và thép trong vòng năm năm. Để làm điều đó, hơn nửa tỉ người bị lùa vào các “công xã nhân dân”, nơi người ta vừa làm nông nghiệp vừa tham gia sản xuất công nghiệp trong những điều kiện sản xuất gia đình cực kì thô sơ. Kế hoạch này, một thí dụ điển hình của việc Mao sẵn sàng bỏ qua hiện thực kinh tế, được xây dựng trên cơ sở của cái định luật được trình bày trong Trước tác của Mao Chủ Tịch (thường gọi là Cuốn sách đỏ của Mao và là tác phẩm duy nhất lưu hành ở Trung Quốc lúc đó). Định luật này nói rằng nhân dân Trung Quốc là một tờ giấy trắng (tabula rasa).

Bên cạnh những đặc điểm khác, 600 triệu nhân dân Trung Quốc còn có đặc điểm là ‘nghèo và chưa bị vấy bẩn’. Tưởng như đấy là xấu, nhưng trên thực tế đấy lại là tốt. Vì nghèo nên muốn thay đổi, muốn hành động, muốn làm cách mạng. Còn trên một tờ giấy sạch, chưa một vết nhơ nào, ta có thể viết những chữ tượng hình đẹp nhất và rõ ràng nhất, có thể vẽ những bức tranh đẹp nhất và rực rỡ nhất. [10]

Người ta đã nói về một dân tộc có lịch sử dựng nước hàng ngàn năm như thế đấy.

Khi người ta đã quyết tâm thì không khó khăn nào có thể cản trở được: một trong những khẩu hiệu của đại nhảy vọt nói rằng “Chúng ta sẽ buộc mặt trời mặt trăng đổi chỗ cho nhau; chúng ta sẽ tạo ra những vì sao mới và vùng đất mới cho con người”. Như vậy nghĩa là chủ nghĩa Marx, vốn được xây dựng như một học thuyết hoàn toàn duy vật, nhưng nhờ cố gắng của một nhà độc tài tự nhận là Mác-xít ở Trung Quốc đã biến thành lí thuyết của chủ nghĩa duy tâm không tưởng, buộc hiện thực phải khuất phục ý chí của con người.

Đại nhảy vọt đã làm cho hoạt động kinh tế gặp rối loạn đến mức người ta phải từ bỏ chính sách này. Riêng số người chết đủ làm ta kinh hoàng. Sau khi Mao chết, các nhà nhân khẩu học Mĩ mới có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu của Trung Quốc và họ khẳng định rằng ít nhất đã có 30 triệu người bị chết vì đói, thế mà lúc đó thế giới không hề hay biết [11] . Thất bại không làm Mao nản chí, lòng ham mê làm những việc vĩ đại của ông ta đã trở thành bệnh hoạn. Năm 1966, cảm thấy ngày càng bị cô lập, Mao đã khởi động một chiến dịch mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử nhằm chống lại những người lao động trí óc và các quan chức của Đảng mà ông ta sợ là có khả năng đưa Trung Quốc vào con đường phản bội như Liên Xô. Thanh niên thành phố được huy động vào các đội Hồng Vệ binh để tiến hành cái gọi là Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản, nhưng đúng hơn phải gọi là cuộc phản cách mạng tai hại về văn hoá. Việc một nhà cầm quyền vừa bị bệnh vĩ cuồng, vừa muốn khuấy động tinh thần cách mạng của dân chúng đã làm ngưng đọng hẳn đời sống văn hoá của quốc gia quả là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Trong suốt mấy năm Trung Quốc, một trong những nền văn minh lâu đời nhất, đã bị những đội quân man rợ phá hoại vì chúng được dạy rằng bất cứ thứ gì nằm ngoài sự hiểu biết của chúng đều đáng bị đập tan cả. Vào lúc cao trào của chiến dịch, các trường học bị đóng cửa, tất cả sách vở, trừ sách giáo khoa và trước tác của Mao, đều bị tịch thu. Nhạc phương Tây cũng bị cấm. Hồng Vệ binh bắt các trí thức, nhiều người bị đấu tố, bị tra tấn, thậm chí bị giết. Hàng ngàn cán bộ Đảng cũng bị hành hạ như thế. Vụ tấn công vào tri thức như thế chỉ chấm dứt sau cái chết của Mao vào năm 1976. Hậu quả là cả một thế hệ không chỉ thất học mà còn bị què quặt cả về đạo đức lẫn tâm lí.

Mặc dù ở Trung Quốc bất kì người nào dám lên tiếng phê phán đại nhảy vọt hoặc Đại Cách mạng Văn hoá đều có thể bị bỏ tù, ở phương Tây lại có một số trí thức bày tỏ cảm tình với sự dã man của Mao và cố gắng tìm sự thông thái trong những cuốn sách vô vị của ông ta.

Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao đã đặt dấu chấm hết cho những thí nghiệm man rợ đó. Năm 1979 ông ta bắt đầu cuộc cải cách chính trị theo đường lối của thị trường tự do, làm sống lại ước muốn kinh doanh. Kể từ đó Trung Quốc, về tư tưởng và hình thức cai trị thì vẫn là nhà nước cộng sản, nhưng đã chuyển sang con đường tư hữu hoá nghĩa là về thực chất đã từ bỏ một trong những nguyên tắc chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản: bãi bỏ tư hữu.

Các phong trào và các chế độ cách mạng luôn luôn có xu hướng ngày càng trở thành cấp tiến, ngày càng tàn nhẫn hơn. Chuyện đó diễn ra là do đáng lẽ sau khi gặp một số thất bại các nhà lãnh đạo phải xem xét lại các tiền đề biện hộ cho sự tồn tại của mình thì họ lại tiến hành thực thi các ý tưởng của mình bằng những biện pháp cứng rắn hơn, vì tin rằng nguyên nhân của thất bại là do thiếu kiên quyết. Cuối cùng, sau bao nhiêu cố gắng mà kết quả vẫn chỉ là con số không thì chế độ bước vào đoạn mệt mỏi, thế hệ kế tục các cha-già-khai-quốc trở thành những kẻ tự mãn và sẵn sàng hưởng thụ, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra sau khi chế độ đã trải qua những hình thức phi nhân nhất.

Nếu bản chất của chế độ Quốc xã thể hiện rõ nhất trong Holocaust thì chế độ Khmer Đỏ (1975-1978), hiện thân của chủ nghĩa cộng sản dưới dạng thuần khiết nhất, cho thấy rõ hình hài của nó sau khi đã được đưa đến mức độ hoàn thiện. Các lãnh tụ của nó, trên đường đi đến mục đích của mình là thành lập một xã hội công bằng thực sự đầu tiên trên thế giới, đã không dừng lại trước bất cứ trở lực nào. Để hoàn tất nhiệm vụ này họ sẵn sàng giết người, nếu cần thì bao nhiêu người cũng giết. Đấy là biểu hiện của tính kiêu ngạo vốn là bản chất của hệ tư tưởng cộng sản, biểu hiện của niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhóm tinh hoa trí thức đi theo chủ nghĩa Marx và không chấp nhận bất cứ giới hạn nào trong việc sử dụng vũ lực để cải tạo xã hội. Kết quả là sự tàn phá chưa từng có.

Các lãnh tụ Khmer Đỏ từng du học ở Paris, từng làm quen với quan niệm của Rousseau về “con người tự nhiên” cũng như của Frantz Fanon và Jean-Paul Sartre về sử dụng bạo lực trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân (“Cần phải giết”, Sartre viết. “Lật đổ thằng Tây nghĩa là kết liễu cùng một lúc cả kẻ áp bức lẫn người bị áp bức”.) Sau khi trở về vùng núi Đông Bắc Campuchia họ đã thành lập ra các đơn vị vũ trang gắn bó với nhau bằng kỉ luật sắt, binh lính phần lớn là thanh thiếu niên mù chữ hoặc gần như mù chữ, con cái các gia đình nông dân nghèo khổ nhất. Binh lính, thường mới mười bốn mười lăm tuổi, bị nhồi sọ liên tục lòng thù hận đối với tất cả những người không giống họ, nhất là với người thành thị và người thiểu số gốc Việt. Để giáo dục “cái thú sát sinh tức là ham muốn đánh nhau” người ta đã cho chúng làm quen dần, giống như binh lính SS, bằng cách bắt phải hành hạ và giết các con vật.

Đầu năm 1975 là thời kì hoàng kim của họ, đấy là lúc Khmer Đỏ lật đổ được chế độ Lon Nol do Mĩ dựng lên và chiếm được thủ đô Phnom Pênh. Đa số dân chúng không có khái niệm gì về tương lai đang chờ đợi họ vì Khơ-Me đỏ vẫn tuyên truyền rằng sẽ tha cho tất cả những người từng phục vụ chế độ cũ và sẽ thực thi việc đoàn kết tất cả các giai cấp để chống lại “bọn đế quốc” và địa chủ. Nhưng vừa chiếm được Phnom Penh là quân Khmer Đỏ lập tức thực hiện chiến dịch đàn áp dự dội nhất. Coi thành phố là sào huyệt của mọi thứ tội lỗi – “Thành phố là hắc điếm của bọn phản bội và lừa đảo”, Fanon đã nói như thế - Khmer Đỏ hạ lệnh cho tất cả mọi người (2,5 triệu dân) phải rời bỏ thủ đô và các trung tâm đô thị khác. Người tản cư, về các vùng nông thôn, chỉ được mang theo những gì họ có thể vác trên vai. Sau một tuần tất cả các thành phố Campuchia đã trở thành chỗ không người. Bốn triệu người, tức là 60 phần trăm dân số đã lâm vào cảnh lưu đầy, phải sống trong những điều kiện cực kì khó khăn, lao động nặng nhọc và đói khát. Tất cả các trường trung học và đại học đều đóng cửa.

Tiếp đó là những vụ thảm sát. Dù khâm phục và học tập Mao trong nhiều lĩnh vực, nhưng Pol Pot không để mất thì giờ cho việc “cải tạo” mà lập tức tiến hành thủ tiêu những người mà hắn cho là kẻ thù thực sự hay kẻ thù tiềm năng của chế độ mới: tất cả các công chức và quân nhân của chế độ cũ, các điền chủ, giáo viên, nhà buôn, tu sĩ Phật giáo và ngay cả các công nhân có tay nghề. Những người thuộc các thành phần như thế bị coi là công dân loại hai và bị tước hết mọi quyền lợi, kể cả quyền được phát lương thực; họ bị mang đi hành quyết hoặc phải lao động khổ sai và chết vì kiệt sức. Số nạn nhân có thể chiếm đến hơn hai phần ba dân số cả nước. Họ thường xuyên bị bắt, bị hỏi cung và tra tấn cho đến khi phải vu cáo những người khác rồi bị giết. Có những trường hợp toàn bộ gia đình, kể cả trẻ em, cùng bị hành quyết vì Pol Pot cho rằng tư tưởng đối địch và tình cảm lạc hậu là do địa vị xã hội, học vấn hoặc nghề nghiệp của người ta mà ra, đấy là “các loại vi trùng độc hại” sẽ gây ra bệnh dịch. Đảng viên bị nghi là có khả năng nhiễm bệnh cũng bị thủ tiêu. Quân Việt Nam sau khi đánh đuổi được bè lũ Pol Pot đã phát hiện được hàng núi đầu lâu của các nạn nhân của Khmer Đỏ.

Nông dân cũng không được yên thân, họ bị dồn vào các “hợp tác xã” được xây dựng theo mô hình Trung Quốc. Nhà nước thu tất cả lương thực thực phẩm do các công xã như thế sản xuất rồi chất vào kho, như thời các Pharaoh Ai Cập, và phân phối lại theo ý mình. Trật tự truyền thống làng quê bị phá vỡ, lương thực thiếu hụt, nạn đói xảy ra trên diện rộng sau các vụ hạn hán vào năm 1978-1979.

Số người bị giết ngày một nhiều thêm. Người ta bị giết chỉ vì đi làm muộn, vì phàn nàn về khẩu phần ăn, vì phê phán chính phủ hay quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Sự dã man có thể so sánh với tội ác của bọn Quốc xã. Tại biên giới với Việt Nam:

Lính Khmer Đỏ có thể bắt phụ nữ Việt Nam, hiếp rồi sau đó tống nòng súng hay báng súng vào cửa mình họ. Chúng rạch bụng phụ nữ có chửa, lôi đứa con ra rồi dùng nó để đập vào mặt người phụ nữ đang hấp hối. Bọn thanh niên còn tìm thú vui bằng cách cắt vú những phụ nữ Việt Nam có thân hình đồ sộ. [12]

Có tin nói rằng có những trường hợp chúng bắt trẻ con giết chính cha mẹ mình.

Theo các số liệu có thể tin cậy được thì dân số Campuchia trước khi quân Khmer Đỏ chiếm được chính quyền là 7,5 triệu người, đến khi Việt Nam đánh đuổi được Khmer Đỏ vào cuối năm 1978 dân số nước này đã giảm xuống chỉ còn 5,8 triệu người. Nếu để phát triển tự nhiên thì sau bốn năm số dân đáng lẽ phải là hơn 8 triệu [13] . Nói cách khác chế độ Pol Pot đã làm thiệt mạng khoảng 2 triệu người, tức là hơn một phần tư dân số cả nước. Nạn nhân chủ yếu là những thành phần có học và có tay nghề cao. Cuộc thí nghiệm đen tối này được gọi là “tai hoạ gần như vô tiền khoáng hậu của nhân loại, nó có thể xảy ra là vì các lí thuyết gia đã áp đặt kế hoạch khổng lồ của mình cho dân tộc Khmer [14] ”.

Cần phải nói rằng trên khắp thế giới đã không có một cuộc biểu tình phản đối nào và Liên Hợp Quốc cũng không đưa ra nghị quyết lên án nào. Thế giới đã tỏ ra bình thản vì người ta cho rằng các tội ác đó được thực hiện nhân danh các mục đích cao cả.

Chế độ theo đường lối Mác-xít của Salvador Allende ở Chile trong những năm 1970-1973 là một trường hợp đặc biệt, tức là người ta định thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản trong một nước dân chủ và bằng những biện pháp dân chủ.

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nắm quyền ở Chile trong suốt những năm 1960, lãnh tụ của họ, ông Eduardo Frei Montalva, đã thực hiện chính sách cấp tiến trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội. Cụ thể là Frei đã tiến hành cải cách ruộng đất, trưng mua ruộng của các điền chủ lớn. Frei cũng quốc hữu hoá phần lớn ngành công nghiệp khai thác mỏ. Các biện pháp này đã dẫn đến kết quả là xã hội bị chia rẽ, phái hữu cho rằng các biện pháp đã đi quá xa trong khi phái tả lại cho rằng chưa đủ. Chính phủ Frei còn bị nạn lạm phát làm mất lòng dân thêm, trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1970, lạm phát đã là 37 phần trăm.

Trong cuộc bầu cử năm đó, ba ứng viên Tổng thống nhận được số phiều gần như bằng nhau. Bác sĩ Salvador Allende, người theo quan điểm Mác-xít, đại diện cho Đảng Thống nhất Dân tộc, Liên minh Cộng sản và Xã hội nhận được nhiều phiếu nhất (36,3 phần trăm). Người thứ hai, ứng viên bảo thủ, nhận được 34,9 phần trăm phiếu bầu. Vì không ứng viên nào giành được đa số nên vấn đề được đưa ra giải quyết tại Quốc hội. Trong hai tháng sau đó Allende đã kí thoả thuận với Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo để đảng này ủng hộ ông với điều kiện là ông chấp nhận tuân thủ Hiến pháp Chile, trong đó có việc tôn trọng pháp luật và bảo đảm đa nguyên chính trị. Sau khi đưa điều đó vào Luật về việc bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội Chile đồng ý để Allende giữ chức Tổng thống.

Như vậy là khởi kì thuỷ “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội” do Allende lựa chọn đã có những rào chắn, cản trở việc thực hiện các cải cách cấp tiến của những người xã hội và cộng sản đã bầu cho ông ta. Tuy là người hâm mộ Fidel Castro, nhưng có lẽ Allende chỉ là một người mộng mơ lí tưởng chứ không phải là một nhà cách mạng cuồng tín. Trong khi đó những người theo trường phái giáo điều ủng hộ ông ta quyết tâm thiết lập “chuyên chính vô sản” theo mô hình Liên Xô lại cứ cố đẩy ông sang phía tả mỗi khi ông gặp thất bại, làm cho ông càng ngày càng trở thành cấp tiến hơn. Allende cho rằng có thể đạt được các mục tiêu xã hội chủ nghĩa bằng các biện pháp hoá bình với điều kiện là những cuộc cải cách đang được tiến hành sẽ càng ngày càng được nhiều người ủng hộ hơn. Đảng Cộng sản ủng hộ chiến lược này vì họ tin rằng ở Chile họ có thể đạt được mục tiêu bằng con đường hoà bình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần là vì các sắc luật xã hội chủ nghĩa do Allende ban hành đã làm cho đa số dân chúng càng ngày càng xa lánh ông, phần khác là vì các sắc luật đó đã làm cho nền kinh tế suy sụp hoàn toàn.

Trong “Chính phủ thống nhất dân tộc”, Allende giao cho những người cộng sản lãnh đạo các bộ kinh tế, những người này lập tức tiến hành quốc hữu hoá những gì còn sót lại trong ngành khai khoáng, hệ thống ngân hàng và phần lớn ngành công nghiệp chế biến. Các biện pháp này đều được thực hiện trên cơ sở các chỉ thị nhằm tránh né cơ quan lập pháp. Việc tịch thu tài sản các mỏ đồng của công ty Anaconda & Kennecott đã chặn đứng việc đầu tư của các công ty ngoại quốc. Liên Xô lập tức ra tay nghĩa hiệp bằng cách cung cấp cho Allende một khoản vay lên đến một tỷ rưỡi dollar. Một số nước khác cũng đề nghị giúp đỡ, nhưng vẫn không cứu được nền tài chính đã tan hoang của Chile. Để có tiền trang trải cho các khoản chi tiêu khác nhau, trong đó có việc nâng lương, chính phủ đành phải quay về với máy in tiền, dưới thời Frei lạm phát chưa bao giờ đạt mức độ như thế: số tiền mới được tung ra trong ba năm cầm quyền của Allende đã tăng lên đến mười lăm lần, còn lạm phát tăng lên đến 300 phần trăm chỉ trong một năm.

Cùng với quá trình quốc hữu hoá các xí nghiệp công nghiệp, chính phủ còn tiến hành tập thể hoá trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ đã tỏ ra dễ dãi trước các vụ chiếm đất, thậm chí còn khuyến khích những việc như thế. Kết quả là sản xuất lương thực giảm sút nghiêm trọng, sản lượng lúa mì giảm một nửa. Thiếu hụt lương thực trở thành trầm trọng: trước ngày chính phủ Allende sụp đổ, dự trữ bột mì của cả nước chỉ còn đủ dùng trong bốn ngày.

Các cuộc biểu tình phản đối ngày một nhiều hơn. Mạnh mẽ nhất là các chủ nhân xe tải, đây là các chủ doanh nghiệp nhỏ phản đối kế hoạch của chính phủ đưa công ty vận tải quốc doanh ra cạnh tranh với họ. Có hai cuộc đình công với 700 ngàn người tham gia đã làm ngưng trệ hoàn toàn hệ thống giao thông, rất nhiều ngành kinh tế vì thế cũng không thể hoạt động được. Trong các nước cộng sản chính cống, các hành động như thế sẽ bị coi là âm mưu phản cách mạng theo chỉ đạo của CIA và bị đàn áp. Nhưng Chile dưới quyền Allende, dù chính phủ kiểm soát đài phát thanh và phần lớn báo chí, tự do ngôn luận vẫn còn mạnh, đàn áp có thể dẫn đến bạo loạn trong toàn quốc. Các đảng đối lập vẫn hoạt động và tiếp tục chỉ trích chính phủ. Điều quan trọng là quốc hội và toà án tối cao vẫn hoạt động.

Tháng 8 năm 1973 Hạ viện thông qua nghị quyết kết luận rằng Allende vi phạm Hiến pháp bằng cách tự ý giành quyền lập pháp, coi thường pháp luật và gây cản trở tự do ngôn luận với 81 phiếu thuận và 45 phiếu chống. Toà án tối cao cũng ra phán quyết lên án Allende buộc các cơ quan tư pháp phục vụ mục đích chính trị. Vì trong Hiến pháp Chile không có điều khoản luận tội và cách chức Tổng thống (Impeachment) nên Hạ viện đã đề nghị quân đội khôi phục luật pháp quốc gia. Mười tám ngày sau, quân đội đứng đầu là tướng Augusto Pinochet đã dùng vũ lực lật đổ Allende. Nền độc tài được thành lập sau đó đã thực hiện những vụ khủng bố dã man nhắm vào những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản thua cuộc.

Cuba là nhà nước cộng sản đầu tiên và duy nhất đứng vững được ở châu Mĩ Latinh, đây là trường hợp điển hình về nền độc tài cá nhân của một chính khách có tính háo danh vô bờ bến, người đã dùng tư tưởng cộng sản để biện hộ cho tính háo danh của mình. “Về mặt lịch sử… chủ nghĩa Castro là một lãnh tụ đi tìm cho mình một phong trào, phong trào đòi quyền lực và quyền lực ấy lại khát khao có một hệ tư tưởng riêng của mình. [15]

Trái với các quan niệm vẫn thịnh hành, Cuba tiền cộng sản không phải là nước lạc hậu cũng chẳng phải là nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Mức sống của người dân đứng thứ hai ở châu Mĩ Latinh (chỉ sau Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn); dân chúng đa số đều biết đọc biết viết và sống ở thành phố. Nói rằng nền kinh tế Cuba dựa vào đường là cũng không đúng: đường, trên thực tế, là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu nhưng chỉ chiếm một phần ba, thậm chí ít hơn một phần ba, thu nhập quốc dân. Nói cách khác, Cuba không phải là nước nghèo nàn và lạc hậu, những thứ vốn được coi là tiền đề cho cách mạng cộng sản.

Cộng sản chiếm được Cuba là do các cuộc khởi nghĩa do giai cấp trung lưu nổi lên chống lại chế độ độc tài của F. Batista, vì năm 1952 ông ta đã bãi bỏ hiến pháp do chính ông ta công bố trong giai đoạn cầm quyền hợp pháp trước đó (1933-1944). Fidel Castro là con một điền chủ giầu có, sinh viên đại học luật La Habana, đã giành được quyền lực trong làn sóng phản đối đó. Là người có tư tuởng tả khuynh, nhưng phải nói rằng ông ta không phải là cộng sản: hơn thế nữa, ông ta chẳng có có tư tưởng gì, ông ta chỉ là kẻ đam mê quyền lực mà thôi. Chủ nghĩa Marx-Lenin là do Che Guevara, nhà cách mạng người Argentina, nhồi nhét cho ông ta. Cương lĩnh của Castro nhắm đến sự đoàn kết tất cả các giai cấp xung quanh ông ta, nhằm khôi phục hiến pháp 1940.

Nhưng ngay sau khi giành được quyền lực độc tài, vốn là kết quả của cuộc cách mạng toàn dân, Castro lập tức “ngả” sang phía tả. Ông ta thiết lập chính phủ độc đảng rồi thực hiện cải cách ruộng đất mang tính cấp tiến và sau khi được Liên Xô khuyến khích đã tiến hành quốc hữu hoá tất cả tài sản các công ty Mĩ trên đất Cuba, Tổng thống Eisenhower đáp trả bằng biện pháp cấm vận trao đổi thương mại. Cấm vận càng làm cho Cuba lệ thuộc vào Liên Xô hơn. Ban đầu, tuy ủng hộ Castro, nhưng Moskva vẫn tỏ ra thận trọng và dè chừng trước phản ứng của Mĩ, nhưng rồi đã bị lôi kéo vào đường lối của Cuba, nhất là sau khi Castro tuyên bố rằng Cuba là “nước xã hội chủ nghĩa”. Thất bại của vụ xâm nhập Vịnh Con Lợn do Mĩ tổ chức (tháng 4 năm 1961), rồi vụ khủng hoảng trên vùng biển Caribê (tháng 10 năm 1962) đã dẫn đến kết quả là Washington buộc phải tôn trọng chủ quyền của Cuba và hòn đảo này trở thành một phần của khối Xôviết. Trong thời gian diễn ra khủng hoảng, Fidel từng yêu cầu Liên Xô tấn công phủ đầu Mĩ bằng vũ khí nguyên tử, nhân danh chiến thắng của sự nghiệp “xã hội chủ nghĩa [16] ” trên toàn thế giới, ông ta sẵn sàng hi sinh đất nước Cuba. Moskva trở thành chỗ dựa kinh tế chủ yếu của Cuba, Liên Xô mua phần lớn số đường do Cuba sản xuất với giá cao hơn thị trường thế giới, cung cấp cho nước này dầu lửa và rất nhiều loại hàng hoá công nghiệp khác cũng như các khoản vay khá hào phóng. Theo các số liệu do Raul Castro, em trai Fidel, cung cấp thì trước khi sụp đổ Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Cuba thiết bị quân sự trị giá 10 tỉ dollar. Về kinh tế, Cuba gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô.

Đổi lại, Castro ủng hộ mọi hành động của Liên Xô trên trường quốc tế, từ vụ can thiệp vào Tiệp Khắc cho đến vụ xâm lược Afghanistan; ông ta cũng để cho Moskva đặt các trạm tình báo chuyên nghe trộm và lãnh trách nhiệm truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Trung và Nam Mĩ. Tại đại hội thành lập ở La Habana vào năm 1967, Tổ chức đoàn kết Mĩ Latinh đã ra lời kêu gọi tiến hành chiến tranh du kích tại tất cả các nước Mĩ Latinh.

Ở trong nuớc, Fidel cho áp dụng chế độ theo đúng mô hình Liên Xô. Trong vòng mười năm sau khi ông ta cầm quyền, tất cả các lĩnh vực kinh tế, trừ ngành nông nghiệp, đều bị quốc hữu hoá, chỉ một phần ba ngành nông nghiệp còn nằm trong tay các điền chủ nhỏ và trung bình. Đảng nắm độc quyền cai trị đất nước.

Công nhân bị buộc phải tham gia các tổ chức công đoàn do nhà nước quản lí, công nhân bị tước quyền thành lập các tổ chức độc lập, không được quyền đàm phán với người sử dụng lao động và không được quyền đình công. Có một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xã hội như giáo dục, bảo vệ sức khoẻ và cung cấp nhà ở, nhưng chủ yếu là do tài sản tích cóp được trong thời tiền cộng sản. Bất đồng ý kiến được giải quyết theo hai cách: cho xuất ngoại phần lớn tầng lớp trung lưu và tổ chức các toà án cách mạng cũng như các trại “cải tạo lao động” theo mô hình Liên Xô.

Mặc dù thần thánh hoá lãnh tụ là việc “thường ngày” của cộng sản nhưng phần lớn các lãnh tụ cộng sản, giống như thánh thần, lại không thích xuất đầu lộ diện. Nhưng đấy không phải là trường hợp của Castro: ông ta hiện diện khắp nơi, buộc quần chúng phải nghe ông ta thuyết phục, động viên, đe doạ nhiều giờ đồng hồ liền. Lời lẽ khoa trương của ông ta thường nhấn mạnh xu hướng bài Mĩ, ông ta coi Mĩ là cội nguồn của cái ác và là nguồn gốc của tất cả những khó khăn của Cuba.

Mức sống của dân chúng liên tục giảm dần, một phần là do sự phản đối một cách thụ động của công nhân và nông dân, một phần là do những người năng động và có học đã di cư sang Mĩ. Chế độ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô.

Những tưởng như với tình hình như thế, sau khi Liên Xô tan rã và chính phủ Yeltsin từ chối giúp đỡ thì chế độ của Castro chắc chắn sẽ cáo chung. Nhưng hoá ra ông ta đã vượt qua được. Để có thể sống còn, ông ta buộc phải nhượng bộ các nhà tư bản nước ngoài, buộc phải tạo cho họ một số điều kiện đầu tư nhất định. Đồng dollar được tự do lưu chuyển. Chế độ đã phải tìm mọi cách để phát triển ngành du lịch, chế độ không những tìm mọi cách quảng bá các bãi biển và khu nghỉ dưỡng giá rẻ mà còn quảng bá cả sắc đẹp và sự dễ dãi của các cô gái Cuba nữa. Năm 1992, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Castro còn ca ngợi cả tính ưu việt của gái điếm địa phương, ông ta tuyên bố rằng Cuba là nước có tỉ lệ người mắc bệnh AIDS thấp nhất thế giới. Nhờ những chiến dịch như thế, năm 1999 đã có 1,7 triệu du khách tới Cuba, làm cho nước này trở thành “một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất cho các sex-tour, chẳng khác gì Thái Lan [17] ”.

Nếu trong những giai đoạn đầu người ta còn thấy ở Mao, thậm chí ở cả Pol Pot, một vài lí tưởng xã hội chủ nghĩa nào đó thì tại các phần khác của thế giới thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi sự ham mê lí tưởng hoàn toàn vắng bóng. Các chính khách háo danh ở đây chỉ có những hiểu biết tối thiểu về chủ nghĩa cộng sản và lịch sử của phong trào này, họ viện đến Marx và Lenin nhằm hai mục tiêu: tìm cách làm giàu cá nhân và nhận viện trợ của khối cộng sản trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù cả bên trong lẫn bên ngoài.

Mengistu Haile Mariam của Ethiopia, kẻ vào các năm từ 1974 đến 1991 đã biến nước mình thành tay sai của Liên Xô, là thí dụ điển hình của lối hành xử bịp bợm đó. Vốn là thành viên của một nhóm sĩ quan quân đội bất mãn vì con đường hoạn lộ, tháng 9 năm 1974 thiếu tá Mengistu tham gia vào một cuộc bạo loạn lật đổ quốc vương Haile Selassie. Chính quyền rơi vào tay uỷ ban gọi là Derg, Mengistu là một nhân vật quan trọng của uỷ ban này. Chẳng bao lâu sau xung đột bùng lên ngay trong nội bộ Derg, ba tháng sau Mengistu tiến hành đảo chính quân sự và giành được quyền lực. Ông ta tuyên bố Ethiopia là nước xã hội chủ nghĩa và ngay lập tức tiến hành quốc hữu hoá các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Tháng 3 năm 1975 ông ta huỷ bỏ quyền tư hữu ruộng đất và buộc nông dân phải ra nhập các công xã được xây dựng theo thực đơn của Mao.

Năm 1976 Mengistu khởi sự cuộc “khủng bố đỏ”: rất nhiều nạn nhân, hàng ngàn người, vốn là sinh viên theo trường phái Mác-xít. Khoảng mười ngàn nhân viên các cơ quan đặc vụ của Liên Xô và Đông Đức được gửi tới để giúp tiến hành chiến dịch giết người này. Trước đó Liên Xô, bằng cách ủng hội chế độ của “chủ nghĩa xã hội khoa học” do tập đoàn quân phiệt dựng lên ờ Somalia, đã chiếm được tiền đồn ở vùng Sừng châu Phi, nay bỏ rơi nước này để chuyển sang ủng hộ Ethiopia. Năm 1977 khi quân Somalia xâm nhập Ethiopia nhằm chiếm vùng Agadena, khối cộng sản đã dành cho nước này một sự giúp đỡ to lớn, trong đó có việc gửi tới đây gần 15 ngàn lính đánh thuê Cuba. Nhờ sự trợ giúp quân sự đó mà khối cộng sản giành được ảnh hưởng đáng kể ở Ethiopia. Sự giúp đỡ của khối cộng sản đóng vai trò quyết định trong việc giáng trả cuộc xâm lược của Somalia cũng như việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở Eritrea.

Nền kinh tế vốn đã suy sụp do chính sách tập thể hoá cưỡng bức, lại còn bị những trận hạn hán liên tiếp hoành hành, kết quả là trong các năm 1984-1985 đã xảy ra nạn đói với gần một triệu người thiệt mạng. Địa vị của Mengistu lung lay ngay sau khi Đông Đức sụp đổ vào năm 1989; năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã ông ta rơi vào tình trạng cô lập hoàn toàn. Bị lật đổ ngay trong năm 1991, ông ta phải chạy sang tị nạn ở nước Zimbabwe. Thế là chấm dứt câu chuyện về “thí nghiệm Marxist-Leninist thành công nhất ở châu Phi [18] ”.

Ngoài nền độc tài quân sự tàn nhẫn bắt chước Liên Xô và Trung Quốc, nhưng được cải biến cho phù hợp với nhu cầu chính trị, thật khó tìm thấy bất cứ dấu hiệu gì của cái gọi là chủ nghĩa xã hội trong cái nước mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa này”.

Trong những năm 1970 và 1980 trong thế giới thứ ba cũng như ở châu Âu và Nhật Bản đã xuất hiện các phong trào khủng bố tấn công vào các thiết chế dân chủ và chủ nghĩa tư bản, nhân danh chủ nghĩa Marx-Lenin, Stalin hay Mao, mặc dù trên thực tế các phong trào này có nhiều điểm chung với chủ nghĩa vô chính phủ hơn.

Điển hình là Đảng Cộng sản Peru, thường được mọi người biết đến với tên “Con đường sáng”, do Abimael Guzmán Reynoso, một cựu giáo sư triết học thành lập, có nhiều trí thức trẻ tham gia. Đảng này chuyên kích động sự bất bình của người da đỏ và dùng khủng bố như là biện pháp thực hiện cương lĩnh Mao-ít của mình. Các vụ khủng bố do Đảng này thực hiện đã làm 25 ngàn người thiệt mạng và gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Peru. Năm 1992 Guzmán bị bắt, phong trào hoàn toàn tan rã.

Trong một loạt nước châu Mĩ Latinh khác, thí dụ như Columbia, “chủ nghĩa Marx” đã và vẫn là bình phong che đậy cho các băng đảng vũ trang (gọi là Lực lượng Vũ trang Cách mạng và Quân đội Giải phóng Quốc gia) chuyên khủng bố, bắt cóc, tống tiền và buôn lậu ma tuý. Theo các tài liệu hiện có, từ năm 1964 đến nay hai tổ chức này đã làm 120 ngàn người Columbia thiệt mạng và 2 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Có thể thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những nước cộng sản không chỉ trong cách thức thành lập chế độ mà cả trong những hậu quả do các chế độ ấy gây ra. Mức sống suy giảm đáng kể kéo theo nạn đói, hạn hán có vẻ như cũng có một mối liên hệ siêu nhiên nào đó với các chế độ cộng sản. Việc bãi bỏ quyền tự do và quyền công dân nhân danh công bằng bao giờ cũng kéo theo sự xuất hiện một lãnh tụ tối cao, gọi là đại nguyên soái hay leader maximo, tập trung trong tay tất cả quyền lực mà ông ta đã tước đoạt của các thần dân và được các thần dân coi là thánh sống. Cái thành quả như thế rõ ràng là trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa Marx, theo đó chủ nghĩa cộng sản là kết quả hoạt động của các lực lượng kinh tế phi cá tính và là tác nhân vun đắp một nền tự do vô bờ bến cho tất cả mọi người.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Courtois in The Balck Book of Communism, 754
[2]Francois Ponchaud in Karl D. Jackson, ed., Cambodia 1975-1978: Rendezvous with Death (Princeton, 1989), tr. 152
[3]V. I. Lenin, Những tài liệu chưa được biết đến, trang 545
[4]Leszek Kolakowski, Main Current in Marxism, vol, III (Oxford, 1978), trang 495, 521
[5]K. Marx, F. Engels, Hệ tư tưởng Đức (Toàn tập, tập 3, Moskva, 1955), trang 25
[6]Quotation from Chairman Mao Tse-tung (New York, 1968), 32-33
[7]Ibid., 77
[8]Stuart Schram, Mao Tse-tung (Harmondsworth, U. K., 1966), 291
[9]Donald S. Zargoria, The Sino-Soviet Conflict, 1956-1960 (New York, 1964), 385
[10]Quotation from Chairman Mao Tse-tung, 19-20
[11]Jasper Becker, Hungry Ghosts: China’s Secret Famine (London, 1996), p. 11
[12]Kenneth M. Quinn in Jackson, Cambodia, tr. 238
[13]Jackson, Cambodia, tr. 3
[14]Charles M. Twining in Jackson, Cambodia, tr. 110
[15]Draper, Castroism, 48-49
[16]Sergei Khrushchev, Nikita Khrushchev (University Park, Pa., 2000), 627
[17]Silvana Paternostro in The New Republic, July 10-17, 2000, 20.
[18]Peter Woodward, The Horn of Africa (London and New York, 1996), 99
Nguồn: dịch từ