© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.7.2007
Thế Uyên
Đoạn đường chiến binh
(Đoản văn)
 1   2   3   4 
 
Ông thầy tội nghiệp…

Tôi vào nghề dạy học cách đây đã lâu lắm, đến mười ba năm, và nhập nghề một cách rất giản dị, đúng “truyền thống” ngày xưa: nhà nghèo, thi rớt một năm, vậy thì đi làm thầy đồ trẻ lấy nghề gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai học tiếp khoa sau. Không hề có vấn đề chọn hay chí hướng mô phạm dứt khoát cho cuộc đời của mình…

Bằng cấp ít, tuổi cũng quá ít, không thể có chuyện xin dạy ở Sài Gòn. Vậy một buổi sáng trong một mùa khai trường, tôi nhét vài cuốn truyện vào cặp, chân đi đôi giầy vải bà ngoại cho tiền mua, mặc cái quần kaki xanh mẹ mua xôn ở chợ trời, áo sơ mi trắng mượn của bố, tôi nhảy lên xe lửa đi xuống miền Nam kiếm nơi bán chữ sinh nhai. Không hiểu vì lý do gì nữa, tôi không nam tiến xa, dừng ngay ở bên này sông Cửu Long. Có lẽ một phần vì hiệu trưởng trường trung học mang tên vị danh sĩ mù nổi danh trong lịch sử miền Nam sẵn sàng thâu nhận, một phần có lẽ vì thành phố ven sông này tôi đã từng xuống nhiều lần vì những đôi mắt đẹp không dẫn tới đâu cả.

Hiệu trưởng, một người đã đứng tuổi, trịnh trọng gọi tôi bằng “ông”, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tử tế, đã hướng dẫn những bước đầu cho tôi trong nghề. Học trò đứng xếp hàng thật ngay ngắn, im lặng chờ thầy đến, cúi chào mà đầu cứ thấp xuống như kiểu chào của người Nhật. Đó là thời đại hoàng kim cuối cùng của nền giáo dục Việt Nam – nhưng vào năm ấy, tôi đâu có ý thức được, cứ tưởng như thế là tự nhiên và mọi sự sẽ mãi mãi là như thế. Đó cũng là thời kỳ hiệu trưởng yêu cầu giáo sư không được chấm bài trên xe lửa, không được mặc áo dài tay mà lại sắn lên, và dĩ nhiên áo phải mầu trắng, những phiên họp hội đồng giáo sư hàng tháng tổ chức trịnh trọng và trang nghiêm. Đó là thời kỳ những ông thầy đồ trẻ đi dạo chơi trong thành phố mắt cứ phải nhìn lên ngọn cây để bớt phải chào đáp lễ các học trò ở rải rác lúc nào cũng sẵn lòng kính cẩn cúi chào. Nhưng dù còn ít tuổi, tôi lúc đó cũng cảm thấy nghề dạy học có một cái gì trục trặc, giả trá, bất bình thường đâu đây. Chỉ cảm thấy như thế thôi, chưa tìm hiểu, ý thức rõ được.

Sau hai niên học, tôi xin thôi để trở về Sài Gòn học tiếp rồi một lần nữa, vì sinh kế, tôi lại xin đi dạy học – lần này phải đi thật xa, một phần vì các trường gần đã hết chỗ, một phần vì trong khi mài đũng quần mấy năm ở Văn khoa, tôi đã là một sinh viên có những hoạt động mà chính quyền đương thời tha cho không bắt cũng đã là khoan hồng. Tôi phải lên tít cao nguyên xa, một xứ nổi danh bùn muôn thuở về mùa mưa và bụi mù trời về mùa nắng. Nhưng rất nhanh, lệnh nhập ngũ đã tới và tôi rời lũ học trò nửa thượng nửa kinh, rời phấn rời bảng để đi vào cuộc chiến tranh mà từ trước tới giờ tôi chỉ là kẻ đứng bên lề.

Rời quân trường với tư cách bộ binh, trong có bốn năm quân vụ, tôi bảy lần đổi KBC, thay mười hai lần đơn vị. Vào thời kỳ đó, chưa có lệnh ấn định bốn năm cho về, ai đi lính đều tin chắc phen này sẽ đi như lời thơ của một người xưa: “Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”. Bởi thế, tôi đã sống như một người lính đích thực, nghĩa là đổ mồ hôi, là lội bùn, băng rừng, khóc bạn, chôn bạn và dĩ nhiên là có cả giết người nữa – điều đó tất nhiên nếu không lính để làm gì… Những lúc rảnh rang, tôi đi nhậu nhẹt với đồng đội. Nhẹ ra thì ba giờ sáng rét cóng sờ vào nòng thép như muốn bỏng tay, đi tuần tiễu trở về, ông hạ sĩ già đã ngả một con gà không biết rõ xuất xứ cạnh mấy chai đế màu hổ phách. Và lúc đó thì thôi rũ sạch sương gió bùn lầy ở ngoài lều vải, cả bọn ngả nghiêng trong chén rượu cay, nói những thứ truyện lính tráng rất muôn thuở, nghĩa là rất tiếu lâm và trần truồng trắng trợn, để rồi tám giờ sáng ra chào cờ, đứng trước hàng quân nhìn ngọn cờ chưa lên quá nửa cột đã biến mất mà tự hỏi không hiểu sương mù sáng nay quá dày đặc hay mình quá say… Còn nặng ra thì như trường hợp có đồng đội nằm xuống hay đang tự hỏi mình chiến đấu cho ai, thì dăm ba thằng bạn cùng kéo ra thị trấn, quần áo còn dính máu và bụi hoặc tâm hồn nặng trĩu chán nản bơ vơ, vào một quán nào đó có gái hầu rượu và bia chảy như suối. Đóng cửa quán lại để tránh quân cảnh, uống cho tới tờ mờ sáng, chồng chất trên xe jeep, hát nghêu ngao như lũ cuồng mà về.

Còn gái. Tất nhiên phải có và có nhiều. Dù gái điếm hay gái nhà lành thì đều là một thứ repos du guerrier. So với nhiều bạn trong quân ngũ, tôi không hề là lính ba gai ba búa, nhưng ngả chiêu đãi viên ra bàn mà hôn trong quán rượu ồn ào và nhận chìm tất cả thân mình trong vòng tay những con gái cho thuê thân xác – có gì đáng nói về chuyện ấy nữa một khi lắm lúc lũ chúng tôi thấy phận mình nào có hơn gì, chẳng qua một thứ lê dương da vàng…

Thế rồi đến một ngày kia thời thế thay đổi, thiên hạ đếm đủ bốn năm quân vụ rồi cho tôi trở về. Về thì về. Do sự lười biếng của lính sau khi giải ngũ – phải vài ba tháng trở lên mới hoàn hồn… dân sự – guồng máy hành chính cứ quay nên một buổi sáng đẹp trời, tôi ngủ dậy chợt thấy mình lại là nhà giáo, ông thầy, nhà mô phạm ngay tại Sài Gòn. Vậy thì tôi lại lên bục cầm phấn mà chi hồ giả dã phen nữa.

Nhưng lần này rất nhanh, tôi thấy ngay là mọi sự không còn là như xưa, mọi sự đều trục trặc, hỗn loạn và giả trá. Tôi đứng trên bục mà cảm thấy đó không phải là vị trí của mình – tất cả chỉ còn là kịch, một thảm kịch.

Trước hết là về phía ông thầy, kẻ đứng trên bục gỗ mà rao giảng những điều hay lẽ phải cho lớp hậu sinh. Cuộc chiến tranh đã quá khủng khiếp, xã hội đang đi tới mức phân hoá tột cùng, tất cả với tôi là người trong cuộc. Tôi đã nhìn thấy nhiều sự thực, tôi đã ý thức được nhiều điều và đã lao mình vào cuộc tranh đấu nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Vậy làm sao bây giờ đứng trên bục này, tôi có thể giảng cho đàn em những điều hay điều thiện mà chính tôi biết là không có và lỡ mà chúng lại tin theo thì lớn lên chúng sẽ nguyền rủa tôi là tên nói láo hay nặng hơn nữa, đồ xui trẻ ăn cứt gà. Tôi nói về dân chủ ư? Dân chủ nào. Tôi nói về tiết nghĩa ư? Tiết nghĩa nào. Tôi giảng đạo đức: các em không được rượu chè trai gái nghiện hút chăng? Tôi nói dối mất: tôi đã hút thuốc như điên, uống bia như hũ chìm và… chơi gái chín phương chỉ còn để mỗi một phương lấy vợ. Giá tôi cho tôi đã làm những điều đó là sai là xấu thì còn được, đằng này tôi không hề thấy những việc đó là xấu xa – tôi đâu có định xuống tóc vào chùa hay phát nguyện vào đại chủng viện để phải tiết dục.

Suy nghĩ nhiều hơn, tôi tìm thấy một trục trặc khác nữa. Đó là vấn đề quan niệm về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của ông thầy. Ngày xưa, trên là quân dưới là đến , còn phụ đứng mãi hàng thứ ba. Ông thầy được ủy nhiệm quyền dạy dỗ cho đứa trẻ thành người. Nghĩa là ông thầy chịu trách nhiệm về cả trí dục lẫn đức dục của hậu sinh, và được uỷ đủ quyền hạn cần thiết để hoàn tất trách nhiệm của mình: học trò ghẹo gái vô lễ cách trường 30 dặm, ông thầy mà biết, mười ngày sau cũng còn gọi ra xỉ vả hay đánh đòn. Đỗ có đến tiến sĩ, làm quan có đến nhất phẩm triều đình, về thăm thầy ở làng xưa nếu cần vẫn cứ phải xuống ngựa từ đầu làng và đứng mà hầu chuyện thầy đồ trong lều tranh xơ xác. Hơn nữa, chương trình giáo dục cổ xưa cũng nhằm theo chiều hướng như thế. Được trao quyền hạn và trách nhiệm lớn như vậy, và được đãi ngộ về cả tinh thần lẫn vật chất tương xứng, nếu ông thầy ngày xưa có phải tiết dục, phải tu thân tối đa để làm mô phạm, điều đó là hợp lý. Còn bây giờ, trên bục gỗ, ông thầy hiện đại được trao quyền hạn ra rao? Tôi dạy Quốc văn đệ tứ chẳng hạn, sáu giờ một tuần với một chương trình rõ rệt phải dạy cho đủ. Học trò kém Quốc văn, lỗi tại tôi. Còn nếu chúng kém về đạo đức, điều đó làm sao tôi lãnh trách nhiệm cho được. Ai trao cho tôi việc rèn luyện đạo lý cho học trò đâu. Không cần giàu tưởng tượng cho lắm cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi nếu trước là hiệu trưởng sau là cấp Bộ biết rằng giáo sư… đã bỏ bê chương trình Quốc văn để chỉ giảng đạo đức cho học trò. Tôi đã từng dạy Công dân giáo dục để biết rằng đây chỉ là môn giảng về bổn phận và quyền hạn của người công dân – nghĩa là nhằm đào tạo một người công dân thôi và một công dân tốt là người biết tôn trọng luật đi đường (chương trình lớp đệ lục), biết đóng thuế đầy đủ, biết thi hành nghĩa vụ quân dịch, biết mình có quyền ra ứng cử và bầu cử, biết vài kiến thức về kinh tế học… Và một công dân tốt, nghĩa là làm hết những trách vụ công dân đó, không hề đương nhiên là một người tốt, có đạo lý. Một kẻ lưu mạnh, khốn nạn nhất xét theo phương diện luân lý, vẫn có thể là một công dân tốt như thường – nhất là trong xã hội hiện đại.

Đó là về quyền hạn và trách nhiệm. Còn về đãi ngộ? Có thể nói ngay là tội nghiệp ông thầy. Trước hết là về phương diện tinh thần đã. Không những ông thầy không được xã hội dành cho một kính nể nào đáng kể so với các nghề khác hiện tại, ông thầy còn bị ngáng trở trong việc giảng huấn bởi chính các phụ huynh học sinh. Trong một bài giảng nào đó, ông thầy mở rộng nói về đạo đức lễ nghĩa cho học trò nghe, thì thường thường là chương trình của mình dám sẽ bị quạt bay theo gió hết khi học trò trở về nhà, mang lời giảng ở lớp ra nói, và phụ huynh phê bình rằng: Ối dào! Nghe mấy thằng thầy của mày thì có mà đói rã họng ra! Và tôi đám đánh cá rằng ngày mai đây, nếu có học trò nào hư, hỗn láo, tôi nóng tát tai cho một cái thì ba bảy hai mốt ngày là trễ nhất tôi sẽ gặp đủ rắc rối: phụ huynh sẽ nhẹ ra thì khiếu nại với hiệu trưởng, nặng ra thì kiện tới Bộ hoặc viết bài “tố cáo hành động dã man của con chiên ghẻ trong ngành giáo dục”. Xa lắm rồi cái thời học trò hư bị thầy đánh cho mấy roi đuổi về, ngày hôm sau đương sự, sau khi bị lãnh thêm một trận ở nhà, bị bố lôi đến trường bắt xin lỗi thầy.

Còn đãi ngộ về vật chất? Giáo chức lãnh lương như mọi công chức khác – phụ cấp sư phạm có năm trăm và tám trăm không nghĩa lý gì. Nghĩa là đói rách tối đa – một giáo sư trung học bây giờ nếu có lương tâm, chỉ dạy đúng số giờ ấn định thôi không dạy tư, thì người đó và vợ con chỉ có quyền ăn cơm ngày một bữa thôi, còn quần áo thì lấy lá chuối mà che thân – vị nào không tin là tôi nói nghiêm chỉnh, tôi sẵn lòng cung cấp bản chiết tính. Còn về phía xã hội, tôi xin trình bày lần đi coi thi Tú tài năm vừa qua, tại một tỉnh nổi tiếng trong văn học của miền Nam. Chẳng gì cũng là một giám khảo, bước chân vào trường, mỗi sư giáo được cấp phát cho một chiếc chiếu ly lông nhỏ (có sự tiến bộ vì trước kia là chiếu cói) và một cái chỉ tay về phía một hành lang. Các vị giáo sư cứ việc ra tay mà quét bụi, kê các bàn ghế lại lấy chỗ mà nằm. Kỳ thi thì dài mà trường không có nước tắm – có nước rửa mặt đánh răng đã là may lắm. Chăn chiếu mùng mền phải mang theo mà dùng. Ăn cơm thì tự túc, và suốt trong kỳ thi tôi nhận thấy chín phần mười đều chỉ dám ăn cơm đĩa, những đĩa cơm rất bé bỏng. Coi thi rất dễ khát nước và tôi cùng các bạn không biết làm sao hơn là chung nhau tiền thuê lao công nấu nước cho uống. Một tỉnh văn hoá của miền Nam mà không đãi nổi các giáo sư đến tỉnh mình coi thi một ly nước trà và không cấp gì hơn một chiếc chiếu ny lông… Có thể nói trong thời gian thi cử này, chỉ có các người lính đang đi hành quân của sư đoàn 7 và các giáo sư đi coi thi Tú tài mới phải nằm đất hít bụi mà thôi… Các ông thầy tội nghiệp, bởi vì mọi sự không phải chỉ có thế: coi thi nghiêm chỉnh quá, rất dễ được học trò địa phương tiễn đưa bằng vài trái đấm hay nhẹ ra, cũng vài lời chửi tục ngay trước mặt.


*


Mọi sự đến đây quả thực tôi không còn lý do gì để tiếp tục đeo đuổi nghề giáo. Chỉ riêng cái vị trí giả tạo, nguỵ trá mà xã hội tạo ra cho ông thầy, cũng đủ làm cho tôi mất thanh thản trong tâm hồn khi đứng trên bục gỗ rồi. Đơn xin thôi việc đã được chuẩn bị nhưng với Tết Mậu Thân, chiến tranh lại lôi tôi vào cuộc lần thứ hai và lần này, với tư cách giáo chức tái ngũ, tôi được sử dụng như một thứ huấn luyện viên quân sự lưu động trong đô thị, hết Sinh viên, Thanh niên trừ gian, lại đến Nhân dân tự vệ. Để rồi một buổi sáng nọ, thượng cấp chỉ thị cho các giáo chức tái ngũ được biết sẽ được biệt phái về nhiệm sở cũ “nếu có đơn xin”.

Tôi không làm cái “đơn xin” ấy. Tôi muốn thà ở lại các đơn vị huấn luyện quân sự học đường còn hơn. Ở đây tôi thoải mái, vị trí và trách nhiệm của tôi rõ ràng. Nếu làm huấn luyện viên, tôi chỉ trách nhiệm về môn tôi phụ trách, học viên khá về môn đó càng tốt, tôi lo cho đơn vị có kỷ luật, y phục chỉnh tề, so hàng đều, trình diện tốt. Ai bất tuân thì phạt. Còn các học viên của tôi có tham nhũng ngoài đời, có làm trò ma giáo, việc đó không liên quan gì đến tôi cả. Tôi có nhậu nhẹt, chơi bời vung vít, thì đó là việc riêng của tôi, các học viên không có lý do gì thắc mắc… Hoàn toàn là những điều, những tương quan, những vị trí, trách nhiệm mà chính thực ra phải là của ngành giáo dục bây giờ mới hợp lý.

Nhưng chẳng có đơn xin thì đừng, lệnh trên vẫn cứ truyền xuống và tôi đành cởi quân phục trở về trường cũ. Làm nhà binh, không có cãi, thi hành trước khiếu nại sau. Buổi sáng ngày khai trường năm đó, trong những giáo sư đang đứng trên hành lang nhìn xuống học trò dưới sân tấp nập, tôi hẳn là ông thầy rầu rĩ nhất. Và lời giảng đầu tiên của tôi ở những lớp học sinh đã lớn dĩ nhiên là rất bất thường. Trước hết tôi tự giới thiệu như khi đi huấn luyện quân sự, nghĩa là nói tên họ, cấp bậc và môn phụ trách giảng dạy. Rồi kế đó tôi trình bày cho học sinh hiểu tôi quan niệm ra sao về tương quan giữa người đứng trên bục và những kẻ ngồi dưới. Tôi nói cho họ hiểu nhà trường chỉ giữ họ có bốn tiếng một ngày và chỉ giảng dạy về phương diện trí dục, và cũng chỉ chịu trách nhiệm chính yếu có thế. Nếu có chút nào về rèn luyện đạo lý cho con người, thì đó chỉ là kỷ luật học đường: y phục đồng phục, bảng tên, không nói chuyện trong giờ học, không hỗn láo, không làm hư hại vách tường, học cụ… Một thứ kỷ luật không nghĩa lý gì so với kỷ luật quân đội và còn thật xa mới có thể gọi những thứ kỷ luật ấy là rèn luyện đạo lý con người. Sau khi xác định rõ tôi đứng trên bục chỉ là một huấn luyện viên phụ trách môn… và chỉ chịu trách nhiệm về môn ấy (… “các em sau này hư hỏng hay thành người, có chí khí liêm khiết hay tham nhũng, lường thầy phản bạn, thì đó là do thầy mẹ các em nhiều hơn là do nhà trường – nhà trường, qua tôi và tôi qua những bài văn chương trích giảng, chỉ mang lại cho các em những hướng dẫn gián tiếp và tuỳ nghi mà thôi”…), tôi xác định về vấn đề xưng hô thầy trò (… “tôi không phải là ông thầy hiểu theo nghĩa ngày xưa bởi vì thứ ông thầy đó không còn tồn tại trong xã hội này, và giả thử có còn ông thầy đó thì tôi cũng không đủ xứng đáng để nhận…”). Tôi nói rằng tục lệ dưới cái mái trường ấn định người đứng trên bục phải gọi là thầy và các người ngồi dưới là các em thì chúng ta tuân theo tục lệ ấy… Thế thôi. Tôi không phải là ông thầy thực sự hiểu theo nghĩa cổ xưa (nghĩa là một thứ người đã bị diệt chủng từ lâu lắm rồi trong nền văn hoá Việt Nam), bởi thế một khi rời khỏi cổng trường này, mỗi người cứ việc đi mỗi ngả, hết thầy hết trò. Ai làm gì cứ việc làm, không ai có trách nhiệm gì với ai ngoài đường phố rộng lớn kia hết. Và sau cùng, để kết luận cho phần mở đầu đầu năm ấy, đã có lần tôi chua chát nói: “Ra khỏi trường, do đó, tôi cấm các em không được chào tôi bằng thầy. Tôi đâu có được xã hội này trao quyền làm thầy. Nhận là nguỵ tín, là tiếm quyền. Và giả thử ngày nào vì cớ gì tôi được phép làm thầy thực sự, thì lúc đó tôi e rằng có hơi nhiều học trò sẽ bất xứng không đáng làm học trò của tôi”.

Nói giản dị, tôi đã khước từ danh vị “thầy” bởi vì nó không có và tôi là quá ngay thẳng để nhận xằng. Tôi lui về vai trò đúng của tôi trong ngành giáo dục hiện đại: một huấn luyện viên phụ trách giảng dạy về một môn học nào đó. Tôi đành phải làm như vậy vì nếu có một nguyên tắc nào cần tôn trọng nhất trong ngành giáo huấn, thì đó là sự “chính danh” như người xưa đã nói. Tôi đành phải lui về cho rõ rệt như thế mới có thể mà mỗi ngày đứng lên bục gỗ cao, mà cất bình tâm tiếng nói lên điều gì cho lớp hậu sinh. Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều người sẽ không đồng ý với thái độ đó, nhưng làm thế nào được – tôi đâu có hề muốn như vậy.


Thực tại và văn chương

Hồi còn niên thiếu tại Hà Nội, tôi có một số bạn gái Huế quen biết qua thư từ. Nội dung của những bức thư trao đổi ấy, không cần phải đọc lại, cũng có thể đoán ngay là rất lãng mạn. Kẻ thiếu niên chưa tới hai mươi kể cho các bạn gái mình nghe sương mù mùa đông yêu ma và mộng ảo trên hồ Hoàn Kiếm, sóng bạc đầu dữ tợn của hồ Tây những hôm trời giông bão và những đàn bướm trắng bay từng đàn lớn như những bông hoa vỡ nát dưới nắng các buổi sớm những này êm ả trên con đường đi mặt nhựa còn ướt sương. Những thiếu nữ mười lăm mười bảy tả lại cuộc theo dõi nhỏ bé kiên nhẫn những nụ hoa mai vàng hiếm hoi, những búp sen mọng hồng nở dần từng chiếc hay những chiếc đèn mờ ảo thả trên sông Hương không sóng trôi ra biển vào những hôm lễ Phật… Chiến tranh đã có đó và đang tiếp diễn, cuộc kháng chiến giành độc lập ấy, chỉ xuất hiện qua vài đoạn thư của thiếu nữ có anh lớn một buổi sớm rời cố đô êm đềm ra đi theo những kẻ đang cầm súng đã mẹ thà coi như chiếc lá bay, chị thà coi như là hạt bụi, em thà coi như hơi rượu cay, để rồi chí lớn chưa về bàn tay không, thì không bao giờ nói trở lại, ba năm mẹ già cũng đừng mong [1] .

Hơn mười năm về sau, tại một tỉnh ven biển mùa nóng miền Trung trong một chuyến đi, tôi được mời ăn cơm tại gia đình một công chức cao cấp, chồng là bạn quen khi cùng làm thầy đồ trẻ tại một tỉnh nhỏ miền Tiền Giang châu thổ Cửu Long, vợ là một trong những cô bạn nữ sinh Đồng Khánh trao đổi thư từ những ngày thiếu thời đã xa vời. Đỗ chiếc jeep ở góc sân, tôi lấy khẩu colt từ thắt lưng nhét vào hộp ở xe, phủi dăm ba cái lên quần cho bay bớt bụi của miền quê vừa đi thăm một vài đoàn dân sự chiến đấu, tưởng như thế là tạm đủ tề chỉnh cho hai người bạn cũ. Nhưng thiếu phụ xuất hiện dưới hình thức tôi ít chờ đợt nhất: dáng người mảnh mai thanh tú, áo dài nội hoá vàng nhạt, tóc bới cao sau gáy và dĩ nhiên là dáng điệu dịu dàng đài các như một nàng tôn nữ thực sự của cố đô. Bữa cơm chiều diễn ra bình thường, nghĩa là với những lời xã giao, những tiếng bát đũa và những dáng điệu tha thướt của nữ chủ - làm tôi đôi lúc có cảm tưởng rằng giá đứng lên nhìn qua cửa sổ, sẽ nhìn thấy dòng sông Hương êm đềm chứ không phải là hàng rào dây kẽm gai, vọng gác và các mũi súng đen của một trại binh ngay cạnh. Vào một lúc nào đó, nữ chủ lên tiếng bàn về văn chương tôi đã viết và bằng một giọng êm ái bề mặt như thành phố nơi sinh trưởng, nàng như trách cứ đại khái rằng văn chương chi mà ghê, đọc phát ớn, thương nhau chi mà toàn những cưỡng đoạt môi nhau, những cuồng bạo dã man chi lạ…

Trong lúc mệt nhọc vì chuyến đi và chán nản vì những điều mới nhìn thấy, tôi không còn giữ nổi lối đối thoại xã giao tẻ nhạt thường nhật, đã lên tiếng trả lời thẳng thắn. Thoạt tiên tôi nhắc lại cuộc kháng chiến kéo dài chín năm, nhắc tới cuộc chiến hiện tại với tất cả những máu lửa nước mắt hỗn loạn, tràn đầy. Những biến cố lịch sử lớn lao đã và đang xảy ra trên đất nước và tôi đã ở trong dòng lịch sử, bị lôi cuốn vào guồng máy của bạo động, của cách mạng, của xuống đường, của áp bức, của phản kháng… làm sao thế giới trong văn chương tôi lại có thể chứa đựng hoài những tà áo bay thật nhẹ và tinh khiết, những tình yêu vẩn vơ như mây chiều, thanh cao thầm lặng như giọt sương đêm. Còn thiếu phụ ngồi thật ngoan, thật lạnh hiền, người bạn gái của thiếu thời đã mất, đang ngồi như cả một thanh bình trước mặt tôi kia, đã có bao giờ phải sống hay tham dự vào cái thế giới của tôi, cái thế giới thực sự của dân tộc khổ đau này. Nàng lớn lên bên dòng sông trong, vào thời con gái giữa hoa sen hồ Tĩnh Tâm và con thuyền neo bến đợi trăng Vỹ Dạ, đi vào tình yêu và đời vợ chồng có đủ một bông hồng đỏ nói anh yêu em, một khăn tay thêu nói em yêu anh, có đủ những lá thư xanh nhẹ thơm như lá lúa non đi về, có nhẫn đính hôn vòng vào những ngón tay nhau, có đủ xe hoa chất đầy gối mộng mơ cho ngày cưới, cho thông reo cho tuần trăng mật mịn như bột làm bánh cưới… Thế giới của nàng là như thế, là thế giới thanh bình ấu thờ của tôi kéo dài như một ốc đảo nhỏ bé, bên cạnh và bên ngoài thế giới thực sự đang dữ dội, dã man, tàn bạo và vô nhân đạo – thế giới của đa số dân Việt hiện tại, thế giới mà tôi đã phải ở trong kể từ khi rời tuổi thiếu thời.

Sau cùng, tôi nói với nữ chủ nhân rằng cõi ốc đảo của nàng và những người cho tới giờ còn sống được như nàng, mong manh lắm. Mong manh không những vì chiến tranh, mà còn mong manh vì thứ văn minh Hoa Kỳ đang tràn ngập. Tôi cũng hơi chua chát thêm rằng nàng sẽ thông cảm văn chương tôi hơn sau một đêm nào đó giả thử địch tấn công tràn ngập thị xã này, chồng bị mã tấu chém bay đầu, người nhà bị tan xác vì súng cối 82, và nàng thì ôm con tìm nơi trú ẩn trong đêm lửa đạn ngụt trời, thân gái thời loạn giữa dục vọng thả lỏng của đàn ông…

Bữa ăn đến đây bắt đầu khó thở bởi vì nữ chủ nhân đã thu về ốc đảo của mình, lạnh nhạt và lịch thiệp. Tôi hiểu và hơi muốn cười bởi vì tự dưng bị doạ là chồng bị chém bay đầu, người nhà bị tan xác và mình thì dám bị cưỡng bức – dù những sự kiện giả định ấy đã được diễn tả bằng những từ ngữ cổ điển bay bướm, cũng là ngoài mức chịu đựng của một thiếu phụ như nàng… Một vài tháng sau, thị trấn đó bị pháo kích dữ dội. Căn cứ vào địa thế đã am hiểu, tôi đoán biết khu biệt thự của vợ chồng người bạn ấy đã nằm trong vùng pháo kích của địch. Một thời gian sau nữa, tình cờ một lần đọc báo thấy người chồng bị gọi nhập ngũ khoá… Thủ Đức. Tôi tự hỏi gia đình ấy có bị thương vong gì không trong đêm pháo kích và liệu người bạn có xếp bút nghiên theo việc đao cung không, hay là sau cùng lại được hoãn hay miễn dịch vĩnh viễn với lý do là người “tối cần thiết cho quốc gia” – đã có lần tôi nghĩ về sự tối cần thiết này mà thấy tiếu lâm: trong một quốc gia tổng thống thủ tướng cho đến các tổng tư lệnh tổng tham mưu trưởng… còn thay thế và thay thế luôn, tại sao lại có thể còn có những người được xếp vào loại tối cần thiết cho sự tồn vong của một quốc gia. Nhưng muốn nghĩ gì, tôi vẫn cầu mong cho gia đình người bạn vô sự lui về cố đô, bởi vì chiến tranh tàn phá quá sâu rộng, vậy một vài ốc đảo còn lại rất quí cho những người lữ hành mệt mỏi. Nhưng cầu mong thì cầu mong, nếu người bạn trai lên đường nhập ngũ để người bạn gái trở thành chinh phụ – thì nàng, với tư cách này, sẽ bắt buộc phải tham dự vào cái thế giới lớn của đất nước, sẽ biết thế nào là cuồng nộ tuyệt vọng của cả một thế hệ trẻ cầm súng qua cái hôn và vòng tay ôm của người chồng lần đầu về phép, một cái hôn và vòng tay ôm chắc chắn không thể là nhẹ như bướm đậu trên hoa mùa xuân, kiên nhẫn như đá núi và dịu dàng như gió thổi trên mặt sông êm đềm của cố đô nữa.

Đến khi đó, nàng sẽ ở trong thứ thực tại văn chương tôi và từ đó sẽ chỉ còn phê bình văn tôi viết hay hay dở, chứ không còn chê văn chương chứa đựng những chi mà ghê, toàn dã man chi lạ nữa.

Nói thế chứ không có nghĩa tôi mong người bạn cố tri hay những người khác phải khổ để “thưởng thức” văn tôi viết – bởi vì chính tôi, đâu phải vì lập dị, vì nổi loạn siêu hình kiểu một Malraux lao sang Tây Ban Nha, sang Tầu làm cách mạng hộ chiến đấu hộ những kẻ khác. Đất nước Việt Nam đâu có phải là đất nước Pháp trong thời kỳ giữa hai thế chiến, để tôi có thể “dấn thân” kiểu Sartre, cách mạng kiểu Malraux trong một chọn lựa tuỳ ý trong một tự do tương đối như thế.

Làm nhà văn Việt Nam, bất quá tôi chỉ có thứ chọn lựa của một thí sinh trước hai đề thi, chọn đề nào thì cũng phải làm bài cả. Nhưng ở đây, trong thân phận làm người Việt Nam, tôi không có thứ quyền không chọn để bỏ phòng thi ra về thơ thới hân hoan – tôi không phải là một lưu-dân-tinh-thần Pháp hay Mỹ-da-vàng-mũi-tẹt nhưng sinh trưởng trên phần đất Việt Nam. Tôi đã có dịp, có cơ hội để bước vào ốc đảo của đề thi thứ nhất, đề của an bình an thân tạm bợ và kín mít. Nhưng tôi đã không thể chọn lựa như vậy – để giờ phút này khéo léo ra thì nhà cao cửa rộng xe hơi vài chiếc, tiền gửi vài chương mục ngoại quốc, vụng về ra thì cũng chẳng đến nỗi trở thành cùng-đinh-mới của xã hội Việt Nam như hiện nay. Không nắm lấy cơ hội làm đề thứ nhất như thế ngay từ khi đoàn quân thứ nhất Hoa Kỳ đổ bộ vào bờ biển, dĩ nhiên chỉ còn đề thứ hai để làm bài – không còn chọn lựa nào khác nữa. Và dù khó nhọc, tủi nhục, tôi không có lần nào hối tiếc bởi vì vào thế giới lớn của đất nước, tôi đã được trả lại bằng một tình liên đới với dân tộc khốn khổ. Chính thứ liên đới này mới là động lực chính của đa số văn chương tôi viết, còn thực tại, nó có thể đổi thay – chiến tranh không lẽ kéo dài tới hết thế kỷ 20, chế độ thối nát hiện nay không lẽ cứ thế đứng được nguyên vẹn cho tới ngày con tôi bằng tuổi tôi lúc viết những hàng chữ này: chúng sẽ phải chấm dứt vào một ngày nào đó, và khi ấy nếu còn sống và nếu còn muốn cầm bút, tôi có thể sẽ viết về hoa lá, về tình yêu, có thể sẽ làm văn nghệ viễn mơ hay nói một cách khác, sẽ viết từ và về thứ thực tại sẽ đến với tôi khi ấy.

Còn bây giờ, lúc này, tôi đang ở trong thực tại chiến tranh và bất công xã hội, còn bị ràng buộc với thứ liên đới với phần dân tộc bị đoạ đày, thì tôi cứ tiếp tục viết như đã viết: không phải viết như một nông phu hay một người thợ, cũng phải viết cho những người ấy đọc (họ hẳn ít người hiểu được hay thích đọc văn tôi). Tôi viết ở vị trí tôi đang ở với con người tôi đang là và viết cho những người cùng ở một thành phần hay cùng chung một thực tại. Như thế, tôi viết cho tôi và cho người khác nhưng không phải cho tất cả mọi người.

Có thể rằng các nhà văn trong xã hội chủ nghĩa cộng sản chỉ viết cho người khác, cho “nhân dân cả nước”. Xin để họ theo con đường ấy bởi vì họ chẳng còn con đường nào khác. Có thể có những nhà văn ở trong thế giới nhỏ xíu như một ốc đảo an bình kín mít của Việt Nam, hoặc ở trong thứ thực tại giả tạo, nhập cảng như những lọ nước hoa fabriqué en France những đồ hộp made in USA, làm văn chương “chính thống và viễn mơ” cho những kẻ xuất thân từ tầng lớp chịu ảnh hưởng và nuôi dưỡng quá sau đậm của các ngoại bang da trắng đọc và tán dương với nhau. Xin để họ đi con đường ấy bởi vì họ không thể đi theo con đường nào khác, không nhìn thấy con đường nào khác – nền giáo dục ngoại lai đã thu nhận từ bao năm không cho phép họ nhìn thấy thực tại nào khác thứ thực tại giả tạo nhập cảng ấy, và dù có thế đi nữa, tôi không hề muốn phủ nhận họ bởi vì tôi chẳng bao giờ chủ trương vườn văn phải toàn hoa cúc vạn thọ – dù rằng họ đang nương vào sức mạnh tài chính của ngoại bang hay nương tựa quá nhiều vào phương tiện của chính quyền để phủ nhận những dòng văn chương phát xuất từ thế giới lớn của phần dân tộc khốn khó, cùng đinh… Có thể rằng trên thế gian này còn có những nhà văn viết chỉ để cho chính mình cho riêng mình – nghĩa là tác phẩm viết ra không cần ai đọc, không cần xuất bản. Xin cúi đầu ngưỡng mộ và xin kính nhi viễn chi những vị ấy vì tôi không siêu thoát, không thiên tài đến thế được. Về phần riêng, tôi lại trở về với thực tại của mình, chấp nhận thứ liên đới không thể chối bỏ, để tiếp tục cái gì đã bắt đầu: tiếp tục viết cho mình và cho người khác như thế, trong ý thức chẳng có gì là vĩnh cửu trên thế gian này.


Người chứng mệt mỏi: Phạm Duy

Một người trẻ vô danh bên phương Tây có lần nói: Bây giờ, cứ mười năm là một thế hệ. Tôi đồng ý: ít ra trên phương diện âm nhạc. Mỗi thời kỳ, đều có những âm thanh, cung bực của thời kỳ ấy, và cũng vì thế rất nhiều khi con người nghe nhạc như nghe quá khứ của chính mình. Một thế hệ trước đó và một thế hệ sau có thể nghe các cung điệu ấy, có thể thấy hay có thể không, nhưng chắc chắn không thể xúc động đến phần ký ức, đến con người đã qua sâu xa nhất của mình. Hãy để ý tới sự dị biệt trong chọn lựa băng nhạc và đĩa nhạc của một người bốn mươi và một người hai mươi bây giờ… Những bản nhạc và những người làm nhạc vượt qua được lằn mức thời gian, thật là hiếm hoi. Và ở Việt Nam, tôi mới thấy có một người thực sự là đã làm được như thế, đó là Phạm Duy.

Tôi chỉ bắt đầu biết tới nhạc Phạm Duy – tuổi thơ của âm thanh tôi – sau khi theo cha mẹ về thành. Kháng chiến đã là quá khứ, cho riêng tôi, đã là ở bên kia ranh giới, cho riêng tôi. Thầy tôi lúc đó nhận một chức vụ coi về thông tin ở Hải Phòng và tôi đã “biết” tới Phạm Duy qua một buổi hoà nhạc ngoài trời ở công viên do thầy tôi tổ chức. Đứa bé lem luốc là tôi ngồi bệt trên cỏ đã lắng nghe với mê say xuất phát từ tâm hồn của kẻ mới rời ấu thời bản “Tiếng đàn tôi” của Phạm Duy. Người hát bản, những người trong bản nhạc ấy chắc đã chết cả nhưng trong ký ức tôi, mỗi khi cần, tôi đều hình dung tổng quát được như cầm một chiếc ảnh cũ đã úa vàng lên… Và cũng tới khi đó tôi mới biết những bài ca, lời ca tôi thường hát như “ngày trở về có anh thương binh chống nạng cày bừa…” cũng là của một người làm nhạc mang tên Phạm Duy.

Vài năm sau, trở về Hà Nội, tôi đã lớn hơn và đã bắt đầu biết yêu. Những bản nhạc thời kháng chiến của Phạm Duy, tôi vẫn còn nghe đâu nghe đâu đây, nhưng đam mê nhất là những bản nhạc anh làm sau khi đã cùng toàn gia đình “về thành”. Một cô bạn gái mười sáu mặc quần áo của trường Trưng Vương đã cho tôi một bản nhạc nhỏ xíu chụp lại bản nhạc “Tiếng sáo thiên thai” của Phạm Duy, và tôi đã từng vẩn vơ ngồi hát, dò từng nốt nhạc, suốt cả buổi chiều vào giữa mùa thu, buổi chiều có gió từ ngoài sông Hồng thổi vào làm rơi những hoa sấu vàng nhỏ, như điểm ngàn sao lên mái tóc những người con gái đi học về. Trong một tâm trạng và một tuổi như vậy, khi ban Gió Nam của Phạm Duy ra Bắc, dĩ nhiên là tôi, toàn thể Hà Nội tuổi trẻ chứ không riêng gì tôi, đều vui sướng tiếp nhận.

Hà Nội có những buổi chiều đông, hơi mưa và lạnh, làm bất cứ ai có tuổi trẻ hay nuối tiếc tuổi trẻ đều muốn đi ra đường. Để đi uống một ly cà phê, nhấm nháp một ly rượu, hay chỉ để ra ven hồ Hoàn Kiếm mua một gói lạc rang nóng của ông Tầu già ngồi trước cửa bưu điện, rồi cứ thế mà hai tay đút túi quần đi lang thang trên các hè phố – tuyệt vời nhất là đi qua nhà người yêu một lần, hai lần, ba lần, ngước nhìn lên khung cửa sổ phòng nàng nhưng không mong chờ gì cả. Nàng tình cờ xuất hiện, một màu khăn quàng trên cổ và một nụ cười gió mùa đông làm cho câm nín, thì càng hay: có chất liệu để sung sướng một đêm đông hay hơn. Chỉ có khung cửa không hay hai cánh cửa đóng kín cũng vẫn được như thường. Có lạnh, có mưa nhỏ hạt, có hè phố, có lá vàng, và nếu cần, còn có những gánh cà phê dưới các vòm cầu xe lửa. Ban Gió Nam đã ra trình diễn vào những đêm Hà Nội như thế, làm sao không được hoan nghênh, làm sao không làm lòng người ghi nhớ.

Vào thời đó tôi còn quá nhỏ để nghĩ tới chuyện đến mời “nàng” đi và tiền tiêu túi của tôi mỗi tháng được cấp phát có mười đồng – đủ tiền vé một phim thường trực – trong khi giá chót của ban Gió Nam ở nhà Hát Lớn tới những hai mươi đồng. Nhưng làm sao tôi không đi cho được: một ngày không xa lắm, tôi đã đứng dừng lại trước một quán ăn khá lâu để lắng nghe Thái Thanh hát bài Khối tình Trương Chi, dịu dàng và não nuột như một tình đầu chưa có mà có vẻ như đã qua đi… Bây giờ chính người hát và người làm nhạc ấy đã ra, và Hà Nội đã vào chiều mùa đông, gió đã lạnh buốt… Tôi vay được đủ tiền, đạp xe gần muốn thở dốc đến nhà Hát Lớn, thì vé đã hết. Một đám đông đang đứng tụ họp trên thềm. Tôi muốn nghe với bất cứ giá nào, vậy hết vé không thể là một trở ngại. Cùng vài người bạn, tôi chạy sang phía hông, leo gần mười thước ống máng mà vào. Gió lạnh vừa vèo bên tai, nhảy vào hành lang, tiếng nhạc tiếng hát đã ấm, tiếng Phạm Duy đứng sau bức màn đã trầm trầm giới thiệu.

Nhiều năm về sau, tôi vẫn tiếp tục nghe nhạc Phạm Duy và chỉ nghe qua đĩa và đài phát thanh, từ Về miền Trung tới tiếng hò dài lê thê ê chề mở đầu làm tôi mơ đến Huế, đến Hẹn hò khắc khoải. Tôi không hề đi coi anh cùng ban Thăng Long trình diễn bao giờ – đã xa rồi thời kỳ leo tường leo ống máng, dù chỉ để nghe Thái Thanh hay để ngắm trộm người yêu. Tôi chỉ gặp anh khi đã lớn, đã bắt đầu viết những bài văn đầu tiên. Một buổi tối, Duy Lam và Phan Lạc Tuyên, kẻ đã viết mẩu văn giới thiệu cho truyện ngắn đầu tiên của tôi, dẫn tôi lại đàm trường Viễn Kiến của anh Nguyễn Đức Quỳnh. Sau phần thảo luận, Phạm Duy mới tới và anh ngồi trên chiếc đi văng thấp, ôm đàn hát một bài nói về mưa và gió trong một đường phố buồn. Tôi nghe nhạc anh, nói chuyện với anh với chút e dè kính nể: anh lớn hơn tôi nhiều, anh có hào quang kháng chiến và hào quang của danh vọng nữa. Nhưng sự giao thiệp giữa anh và tôi rất giản dị và dễ hiểu – điều đầu tiên của con người Phạm Duy ngoài đời làm tôi thích, đó và sự giản dị và khiêm tốn của anh.

Tương quan bằng hữu chưa thể gọi là có vào thời kỳ này. Và tôi hầu như không gặp anh trong những năm về sau, dù vẫn nghe nhạc anh, thích thú vài bản như Ngậm ngùiVần thơ sầu rụng phổ thơ của Huy Cận và Lưu Trọng Lư. Nếu có điều cần ghi lại chăng, về thời kỳ anh hay đưa thơ người vào nhạc mình ấy, đó là lần anh tổ chức cùng Cung Trầm Tưởng và Ngy Cao Nguyên một buổi trình bày một tập nhạc phổ toàn thơ của Cung Trầm Tưởng và do Ngy Cao Nguyên minh hoạ. Lam có đưa tôi coi tập nhạc và tôi rất mong muốn được đi dự buổi trình diễn mà không sao đi được – tôi chỉ là một sinh viên loăng quăng chưa biết viết văn là cái gì. Không được đi nghe, nhưng chính những bản nhạc trong tập đó lại theo đuổi tôi nhiều nhất trong những năm về sau, như bản Tiễn em chẳng hạn, đã thành âm thanh của thời kỳ đã qua rất đẹp của tôi và Thi, thời kỳ mỗi tháng hầu như hai đứa phải tiễn nhau một lần. Một buổi tối chót Thi ở với tôi ở một tỉnh cao nguyên, ngồi nghe hoài những “lên xe tiễn em đi…”, hai đứa rủ nhau đi lang thang quanh thị trấn. Xa lộ đang mở, mùa khô đất đỏ, bụi bay theo gió lốc thật cao che khuất cả bóng trăng, đổi màu cả những bông cúc dại hai bên đường… Làm sao sau này tôi không thể nghe lại bản đó mà không nghe bằng quá khứ của chính mình.

Đó là thời kỳ của Phạm Duy của tình ca và tôi không nghĩ gì khác hơn thế về anh. Những bài ca thời kháng chiến của anh không còn âm hưởng trong tôi: tôi quá nhỏ để có thể tham dự kháng chiến, dĩ nhiên không thể có nhiều âm thanh ký ức. Khi đã lớn hơn, tôi đã hơn ngạc nhiên khi vào thăm một người bạn trong một doanh trại Sài Gòn, thấy có một biển tên đề hai chữ Phạm Duy. Người bạn – hoạ sĩ Tạ Tỵ – cho biết là anh muốn đi vào quân đội để cất tiếng hát rộng lớn hơn. Tôi hơi ngạc nhiên vì tự nghĩ anh sẽ hát những gì đây trong cái tập thể chết chóc đoạ đày này. Chỉ thắc mắc có thế thôi rồi quên đi, cho tới khi tôi ra Huế, đến chơi nhà Nguyễn Đắc Xuân, căn nhà cổ kính nhìn xuống một dòng sông nhỏ, chủ nhân đã vặn tôi nghe các bài tâm ca của Phạm Duy. Xuân có nói thu trên thuyền vào một đêm mưa, âm thanh không tốt, nhưng tôi, tôi mê say nghe đi nghe lại tất cả những bài ca thắm thiết ấy – hình như tôi đang mong chờ những cung điệu như thế từ lâu bây giờ mới gặp. Lần này, quả Phạm Duy đã có điều để nói qua tiếng hát với những kẻ cùng đinh mới của miền Nam:

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
lời tôi ca lời tôi ca xin lúa đừng lo
lời ta thay cho tiếng đạn bay…

tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
lời tôi ca lời tôi ca như suối rừng thu
lửa âm u ai đốt từ lâu
miền quê tôi khan tiếng kêu gào
lời tôi ca như nước nhiệm màu
thành mưa rơi cho dứt niềm đau
tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
trẻ bơ vơ trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
hỏi thăm em em có mẹ cha
hỏi thăm em em có ông bà
hỏi thăm em em có cửa nhà
một ngày qua em mất cả ba…

(Tiếng hát to)

Phạm Duy đã cảm thấy những gì những người cùng đinh của miền Nam đang quằn quại. Cuộc chiến tranh đã nứt nẻ vỏ chính nghĩa bề ngoài, để lộ thực chất bên trong: không là gì hơn… Vào thời kỳ này, tôi đã viết truyện dài Tiền đồn để trình bày niềm khổ tâm của người dân nói chung trong thân phận ruồi muỗi và những người lính như tôi đang biến thành thứ tốt đen sang hà cho các thế lực ngoại bang, các thế lực đang muốn người Việt vĩnh viễn coi nhau như quân thù: trắng nói ta phải giết hết tụi đỏ, đỏ nói ta phải tiêu diệt hết trắng. Bởi thế không có gì là lạ Phạm Duy đã gặp nhiều đả kích và khó khăn cho các bài tâm ca của anh chỉ vì anh đã lên tiếng:

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai
Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta…

(Kẻ thù ta với ý của Nhất Hạnh và Trụ Vũ)

Không màu cờ sắc áo, không còn màu cờ sắc áo nào nữa, hoạ chăng chỉ còn là những tiếng Giọt mưa trên lá:

giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…

Thật may là người làm nhạc như thế là một Phạm Duy có danh tiếng lớn và thời đó chưa có Toà án Mặt trận và cái mũ “phản chiến”…

Con người Phạm Duy kháng chiến đã đi vào huyền thoại của một thời đã qua, con người Phạm Duy tình ca chìm lắng xuống, nhường cho một Phạm Duy mới, gần gũi với tuổi trẻ, với dân với nước. Dĩ nhiên là Phạm Duy mới được từng lớp trẻ ngưỡng mộ, quí mến, và trong bao đêm, từ tận dòng Bến Hải xuống miền cực nam, những người trẻ đã quây quần nhau mà hát những bài tâm ca của anh, hát đến như muốn mê sảng mà lãng quên thực tại luôn. Trong thời kỳ này, nhóm Thái Độ đang hình thành cố gắng ném những mốc dấu đầu tiên tìm đường dẫn tới một xã hội mới. Quay máy mãi, đánh máy mãi cũng mệt, một đêm tôi mời Phạm Duy đến hát cho anh em nghe… Anh đã đến ngay, và trong căn phòng nhỏ tồi tàn, anh đã ôm đàn ngồi xuống đất với những người trẻ, cất tiếng hát rất to vang động cả một vùng ngõ hẹp. Mái tóc anh là mái tóc đốm bạc duy nhất trong tất cả những người hiện diện. Anh đã có hào quang kháng chiến, hào quang danh vọng, nhưng anh không trốn tránh vào những thứ ấy. Anh biết anh phải liên đới trách nhiệm với những người cùng thế hệ anh, một thế hệ đã truyền lại cho chúng tôi, những người trẻ ngồi quanh, cả một di sản.

Để lại cho em này nước non mình
để lại cho em một nước đẹp xinh
một niềm oai linh hiển hách
chỉ còn dư vang thần thánh
để lại cho em hèn kém của anh

Để lại cho em một nước phân lìa
để lại cho em một giống nòi chia
hận thù nhân danh chủ nghĩa
bạo tàn vênh vang bề thế
để lại con tim nhỏ bé của anh

Để lại cho em giọt máu dân lành
để lại cho em từng nắm mồ xanh
chập chờn bay trong bại thắng
ngọn cờ khăn sô màu trắng
để lại cho em một bãi sa trường

Để lại cho em thành phố lên đèn
bọn người tranh nhau một đám bụi đen
lệ buồn rơi trong tửu điếm
gởi người gian nan trận tuyến
để lại cho em giả dối đê hèn

Tôi quen biết rất nhiều người tranh đấu của thế hệ trước, từ địa hạt chính trị, cách mạng sang tới văn hoá, nhưng tôi chưa hề thấy ai dám nhìn nhận thực trạng như Phạm Duy. Lớp trẻ chúng tôi lớn lên để lãnh đủ cả một cuộc chiến tranh thảm khốc. Chúng tôi không hề dính dáng gì đến việc phát động ra cuộc chiến, chúng tôi không hề được hưởng lợi lộc gì trong cuộc đầu tư chiến tranh, thế mà chính chúng tôi lại lãnh đủ: từ hơi cay, dùi cui trong thành phố đến chuồng cọp ngoài hải đảo. Và chính chúng tôi cầm súng chiến đấu và chết: thế hệ đàn anh đã thu xếp cho mình “ngoài tuổi quân dịch” từ lâu… Thế mà không một người nào trong thế hệ đàn anh – ngoại trừ một vài người hiếm hoi như Nhất Linh và Phạm Duy chẳng hạn – dám công khai nhìn nhận là mình đã lầm lẫn, đã để lại cho thế hệ sau, đã “ĐỂ LẠI CHO EM” cả một gia sản thê thảm như thế. Làm sao mà thế hệ trẻ không mất niềm tin ở các tiền bối khi thế hệ trước cứ khăng khăng ca tụng “sáng dội miền Nam” hoài, làm sao mà trẻ già còn có thể bắt được cầu thông cảm qua hai thế hệ… Phải đợi cho tới khi Phạm Duy cất tiếng, chúng ta mới thấy mập mờ mỏng manh xuất hiện sự thông cảm tối cần thiết:

Nhưng em thương anh thương anh
cho tủi hờn đi xuống
nhưng em thương anh thương anh
cho niềm kiêu hãnh vươn lên
Nhưng em thương anh thương anh
cho súng phải thở dài
cho lựu đạn im tiếng
cho đường vũ khí qua tim
Nhưng em thương anh thương anh
em đón nhận gia tài
ta cùng góm sức mới
xin nhận lời tranh đấu
Nhưng em thương anh thương anh
xin nhận lời tranh đấu
đi tìm lối thoát cho nhau

(Để lại cho em, làm với Nguyễn Đắc Xuân)

Với những lời thống thiết và chí tình như thế của một “đàn anh”, làm sao mà thế hệ sau lại không “đón nhận gia tài” một cách thông cảm, mặc dù có Trời Phật chứng giám cho tại sao chúng tôi phải lãnh cả một “gia tài” khốn khổ đến như vậy!

Trong thời gian về sau, Phạm Duy ôm đàn làm người du ca đi khắp nước mà hát. Trong niềm hy vọng sẽ làm thức tỉnh được tình người, tình Việt Nam, anh còn đi tới mức mặc áo bà ba đen đứng trước màn nhung của một nơi sang cả quyền quý mà cất tiếng nữa. Nhưng như thế chưa đủ, vì muốn:

…hát to hơn tiếng nhạc mơ hồ phòng trà
nàng danh ca vo khúc tình ca
thành vui điên hay khóc than vờ
…lời tôi vang như tiếng chuông chiều
lời tôi cao như tiếng ngọn diều
lời tôi sâu như tiếng tình yêu…

(Tiếng hát to)

anh cần phải xuất ngoại, cần phải sang tận quê hương “nước bạn đồng minh vĩ đại” mà cất tiếng nữa. Và muốn thế, anh cần phải làm một đường compromis tối thiểu với chính quyền đương thời cùng toà đại sứ liên hệ – nếu không ai cho xuất ngoại và ai chịu cho anh nhập nội.

Thời gian càng qua, giao tình giữa anh và tôi mỗi ngày một mật thiết hơn. Do đó tôi khám phá ra ở anh một Phạm Duy mà ít người biết tới: đó là con người từng trải về chính trị – dù chẳng tham dự bằng cái gì khác hơn là âm thanh cung điệu của mình. Anh đã từng sống với hết nhiệt thành của tuổi trẻ trong cách mạng mùa thu 1945, anh đã tham gia kháng chiến và ở miền Nam, anh ra vào thong thả thơ thới hân hoan biết bao nhiêu biến cố lớn nhỏ… Kinh nghiệm phong phú của một đời người trải dài qua mấy giai đoạn lớn của lịch sử. Bởi thế, tôi thường hay lắng nghe anh phê phán về biến chuyển chính trị của đất nước và đôi khi, hỏi ý kiến anh về vài cách tiến thoái trong khi tranh đấu riêng. Về điểm này, anh thường chê tôi là cực đoan quá, lý tưởng quá, “hỏng việc và vỡ mặt là cái chắc”. Nên mềm mỏng, công việc sẽ hiệu năng hơn. Tôi đồng ý, nhưng chưa làm sao theo nổi trên thực tế – tôi còn quá trẻ và dại dột.

Anh thực tế hơn tôi nhiều, anh hiểu làm người Việt Nam mà yêu nước Việt người Việt là điều rất khó. Anh hiểu sở trường của anh âm thanh cung điệu, vậy vấn đề là làm sao duy trì được tiếng nhạc tiếng hát của mình. Mọi sự khác là thứ yếu. Anh khuyên tôi nên có quan niệm như vậy trong bộ môn văn. Tôi lại đồng ý với anh nữa, nhưng một lần nữa tôi lại không sao theo được, ít nhất ở vào tuổi hiện tại, dù trên thực tế, tôi đã “hỏng việc” và suýt “vỡ mặt” – tôi còn non kém và dại dột lắm.

Những năm gần đây, anh ít còn giữ phong dáng thời tâm ca: anh làm tình ca nhiều hơn cùng nhiều loại nhạc khác nữa như Sức mấy mà buồn. Mỗi ngày hầu như anh cùng nhạc của anh có vẻ như quốc tế hoá hơn, xa dân “thân phận Việt Nam”. Dĩ nhiên là nhiều người trẻ trách cứ anh, luyến tiếc Phạm Duy xưa “của họ”. Còn tôi, tôi vẫn thích hình ảnh một Phạm Duy mặc áo bà ba đen đứng trên cát trên sỏi đá hát cho lính và người trẻ nghe hơn là một Phạm Duy mặc montagut trong ánh đèn màu made in USA. Nhưng tôi hiểu anh. Một người sáng tác trong bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, nếu không muốn sự nghiệp dừng lại, cần phải dành lại tự do của mình từ nơi những độc giả thưởng ngoạn. Viết một loại truyện, làm một loại nhạc, được hoan nghênh và có danh tiếng, người sáng tác rất dễ bị “phỗng hoá”, nghĩa là dễ muốn bảo vệ cái danh vọng đã có, cứ viết kiểu cũ giữ cung điệu cũ hoài – dù rằng mình đã biến đổi và muốn diễn tả khác đi. Chính sự “phỗng hoá” này đã là nguyên nhân của sự “chết non” của rất nhiều nhà văn Việt Nam: họ nổi tiếng trong một thời nào đó nhất định rồi sau chỉ còn là những nhắc lại nhàm chán. Muốn chống lại “phỗng hoá”, chỉ có một cách duy nhất: thay đổi lối sống của mình đến tận căn bản (hay dám sống thực con người mới cuộc đời mới của mình) và nhất là chống lại chính độc giả ngưỡng mộ mình. Phải hủy diệt để có thể tái sinh…

Nhiều khi tôi thấy có những người trẻ quá bất công với anh. Đòi hỏi thế này thế kia. Tôi thường không đồng ý với một thái độ như vậy. Nhạc Phạm Duy đã cất lên hơn hai mươi năm nay rồi, đã đóng góp vào các công trình lớn của dân tộc và hiện diện trong các khổ đau của Việt Nam với tư cách người chứng trong cuộc, người chứng tham dự. Anh phải mệt mỏi và có quyền mệt mỏi. Không ai có thể làm anh hùng cả đời được, anh hùng cái thế chọc trời khuấy nước rồi cũng có lúc muốn phong kiêm quy ẩn mà về. Mà anh về đâu? Anh trở về với tình ca hiểu theo nghĩa thật rộng: tình của hai người nam nữ với nhau, tình của con người với con người. Và nhạc của anh vẫn hay, chúng ta còn đòi hỏi gì hơn. Đòi hỏi hơn nữa, là bất công đối với Phạm Duy của chúng ta.

Có thể có nhiều người trẻ không đồng ý với tôi về quan điểm trên. Cái đó không sao. Thời gian sẽ qua, các thử thách và nhiều Mùa thu chết sẽ tới với họ, và tới khi ấy, rất có thể họ sẽ như tôi bây giờ, tôn trọng sự mệt mỏi chính đáng để Phạm Duy, và những người như Phạm Duy trong các ngành sinh hoạt khác, để yên cho họ rút về những dĩ vãng có các con đường mòn trên núi rừng Việt Bắc, những chiều mưa lạnh trên vỉa hè Hà Nội có tà áo dài len của một người thiếu nữ đập nhẹ trong gió như cánh của một loài bướm đang yêu.



[1]Thơ Thâm Tâm, bài Tống biệt hành.
Nguồn: Lá Bối in lần thứ nhất năm 1971, Sài Gòn – Việt Nam. Giấy phép số 3792 BTT/PHN ngày 9 tháng 9 năm 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.