© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.6.2007
Nhất Linh
Xóm Cầu Mới
(Bèo giạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
 
Chương IX
Buổi sáng đầu tiên ở nhà quê

Đối với Mạch thì buổi sáng này là buổi sáng đầu tiên ở nhà quê. Mạch chạy ra vườn sau, tuy còn mây trắng phủ khắp trời nhưng mưa đã tạnh hẳn. Mạch thấy không khí khác hẳn ở tỉnh, nó hin hít thở mấy cái và vì không khí trong và nhẹ quá nó có cái cảm giác như là không khí ở nhà quê có mùi (Mạch tưởng thế là vì không khí ở nhà quê có mùi thật). Mạch dừng lại ở vườn rau nhìn những lá cải xanh, nhìn những cây thìa là long lanh nước mưa, những bông hoa cải cúc vàng, và những con bướm trắng chập chờn trên hoa. Mạch lại ngắm cả những cành lá khoai lang, những mầm hành và những sợi rơm nằm dẹp trên đất. Cái gì cũng như mới mẻ, sạch sẽ. Mùi nước giải, mùi chuồng lợn đưa thoảng qua mũi, Mạch thấy là những mùi nhè nhẹ, không phải là một mùi thơm gì nhưng nó cũng cố hin hít mãi để ngửi rõ hơn và thấy là những mùi ngửi dễ chịu lắm. Mạch đi ra bờ ao chỗ có đống bèo u già đã thái nhỏ để chốc nữa nấu cho lợn ăn, Mạch không biết là bèo để làm gì nhưng thấy cái mùi thơm hăng hăng nó cúi xuống sát vào đống bèo đánh mũi ngửi. Thấy mùi bèo ngon ngon, Mạch yên trí là để cho người ăn, và chốc nữa chắc Mạch sẽ được ăn cái lá ấy.

Lúc đó Mạch mới nhớ ra là ra vườn đi giải mà vì mải ngắm nên quên bẵng đi mất. Nó đến chỗ chuồng lợn, đứng đái vào khóm thài lài, trên những bông hoa xanh biếc. Nó nghịch tưới nước giải cho trúng vào từng bông hoa một và tưới cho đủ hết các bông hoa và định bụng sáng nào cũng ra đấy đứng đái và tưới vào hoa như thế cho thích. Mạch thấy hoa thài lài xanh biếc đẹp thế mà sao nó lại không quý.

Lúc trở về qua bể nước Mạch nhìn thấy mấy cây mộc. Có bao nhiêu hoa Mạch hái tất cả. Nó trở vào buồng đưa hoa cho Siêu:

"Anh tha hồ ướp chè mạn. Chè mạn ướp sen của anh mùi nó làm sao ấy; đây này thơm lắm".

Nói đến đây Mạch mới sực nghĩ ra là mùi chè mạn sen của anh nó hơi giống mùi chuồng lợn lúc nẫy ngửi thì cũng dễ chịu nhưng không phải là một mùi thơm của nước chè. Câu nói của Mạch làm Siêu khó chịu; lần ướp chè mạn với thứ thuốc chế ra sau cùng, Siêu uống và ngẫm nghĩ cố tưởng tượng cho nó giống mùi hoa sen và thấy nó cũng hơi giống mùi hoa sen; chàng đưa cho Mạch uống thử và Mạch cũng bảo là thơm. Nhưng Siêu mang máng thấy mùi thuốc ướp vẫn có cái gì khang khác mùi hoa sen và uống vào lại thấy hơi lợm giọng. Câu nói thực thà của Mạch hôm nay làm chàng nhận ra rõ là thứ thuốc mới chế của chàng chỉ giống mùi hoa sen ở mỗi một chỗ là chàng cho nó giống mùi hoa sen.

Mùi đương đứng xếp lại chăn gối ở giường Triết chợt nhìn thấy chỗ hoa mộc Mạch đặt ở trước mặt Siêu và giật mình đến thót một cái:

"Chết tôi rồi".

Nàng hạ giọng bảo Mạch:

"Chú đã bảo đừng đụng vào những cái gì của chú, sao anh không nghe lời".

Mạch nói:

"Thế nhưng em biết thế nào cái gì là của chú, cái gì không là của chú".

"Ở đây cái gì cũng là của chú cả".

Mạch mỉm cười nói một mình:

"Phiền nhỉ".

Triết cắp sách rồi kéo áo Mạch:

"Thôi đi kẻo ở nhà cứ táy máy mãi. Đi xem ông Năm Bụng với đi xem trường học".

Chàng đưa Mạch đi tắt qua cánh đồng ra cuối phố Xóm Cầu Mới. Đến trước cửa nhà ông Năm, Triết bảo Mạch đứng lại và cả hai người nhìn vào trong. Ông Năm Bụng lúc đó ngồi ở phản giữa nhà. Triết bảo khẽ Mạch:

"Đấy ông Năm Bụng đấy".

Mạch lẩm bẩm:

"Trông ông ấy y như người".

Ông Năm Bụng thấy hai người đứng thì thầm ở trước cửa, vội hỏi to:

"Có việc gì thế cậu Triết? Cậu vào đây".

Triết và Mạch đi vào nhà.

"Thưa ông, đây là người anh họ tôi mới ở Hải Phòng về Xóm hôm qua. Tôi đưa anh ấy đi xem phố".

Ông Năm Bụng hỏi Mạch:

"Cậu đã đi học chưa?"

"Thưa ông đi học rồi".

"Thế thì tốt, cậu học lớp mấy?"

"Thưa ông lớp tư".

Mạch không thấy ông Năm Bụng có gì lạ nữa. Ông chỉ là một người mà lại là một người hiền lành nữa. Mạch định bụng sẽ đến đây luôn để nói chuyện với ông vì mới trông Mạch đã thấy thích và muốn được nghịch bộ râu xồm và rậm của ông ta.

Lúc hai người đến trường học thì vừa sắp đến giờ. Học trò đến đã đông. Mạch thấy quả tim hồi hộp như chính hôm ấy Mạch phải vào lớp học lần đầu tiên. Biết là trước sau rồi cũng phải đi học, Mạch chú ý nhìn các ông giáo xem các ông ấy ác hay hiền. Các ông giáo lúc đó đương đứng nói chuyện ở hiên. Mạch thấy một ông đứng tựa đầu vào cửa, một chân gấp lại và đặt chéo sang chân kia, một ông cho hai tay vào trong áo ba-đờ-suy vừa nói chuyện vừa mở hai vạt áo thật rộng rồi khép lại, mở ra và trong lúc đó kiễng chân trên mũi giầy đưa người ra đằng trước, rồi lại kiễng chân trên gót giầy đưa người ra đằng sau, còn ông giáo thứ ba thì đứng khoanh tay, bàn tay phải đặt ở dưới cằm có vẻ suy nghĩ, thỉnh thoảng ông lại quặt bàn tay phải xuống để xem giờ ở chiếc đồng hồ đeo tay. Mạch biết đấy là ông giáo dậy lớp nhất. Mạch thấy từng ông giáo một thì không ông nào giống ông nào, nhưng trông cả toàn thể các ông giáo ở đây cũng giống như hệt các ông giáo ở Hải Phòng. Các ông bao giờ cũng đứng tách riêng hẳn đám học trò, nghiêm trang, cười nói nhưng không bao giờ cười to thành tiếng, và cử chỉ lúc nói chuyện của các ông giáo trường nhà quê cũng không khác gì các ông giáo ở trường Mạch học trên tỉnh.

Học trò đã vào lớp hết chỉ còn một mình Mạch đứng ở giữa sân vắng. Mạch thấy chung quanh mình yên tĩnh hẳn và nghe rõ tiếng chim hót ở bụi tre cạnh trường; Mạch đưa mắt tìm xem Triết ngồi đâu nhưng không tìm thấy. Nhìn bóng các học trò ngồi yên lặng và nghe tiếng ông giáo nói vang trong lớp học, lẫn với tiếng chim ở ngoài, Mạch tự nhiên thấy hơi buồn.


*


Ở bến thuyền Xóm Cầu Mới, đồ đạc đã dọn lên để ngổn ngang trên bờ sông. Trời đã hửng nắng và gió nồm thổi man mát như trong những ngày sắp trở sang hè. Mùi chạy đi chạy lại sai bảo người khuân vác đồ đạc và Siêu thì ngồi trên cái rễ cây dưới gốc đa ung dung như người không có việc gì ra đứng ngắm trời ngắm đất. Lúc mới ra thuyền dọn đồ Siêu cũng cố hoạt động chạy đi chạy lại loăng quăng nhưng sau thấy việc gì Mùi cũng thạo và nhanh nhẹn hơn, Siêu nhận thấy mình là một người thừa và loăng quăng làm chỉ thêm vướng chân người khác, chàng nghĩ không gì tốt hơn là ngồi yên. Vả lại bao giờ cũng thế dọn nhà là một công việc mà Siêu thấy ngại hết sức. Chàng không phải ngại vì khuân vác mệt nhọc hay sợ mất đồ đạc. Nếu chỉ có một mình mình với đồ đạc thì chàng có thể dọn cả ngày không sao. Chàng ngại nhất là vì có những người đến khuân vác và những người đến xem. Chàng ngượng lắm khi thấy họ sờ hay nhìn vào cả những đồ vật lặt vặt và thân mật nhất trong nhà mình, cái chậu rửa bát, cái giỏ đựng đũa, cái bô đi giải, hay cái chiếu rách, cái nồi đồng đã méo mó.

Khó chịu nhất là đối đãi với những người khuân vác thuê. Thấy thuyền đậu ở xa bến chàng khó chịu vì những lời nói than phiền của những người đẩy xe hơn cả những người phải khó chịu đẩy xe xa thêm một quãng dài. Lúc mặc cả thuê dọn, họ đòi tám hào, chàng nhất định chỉ trả sáu hào một lúc lâu lắm rồi mới chịu, nhưng lại trả tám hào như số họ đòi, làm thế để sau họ khỏi đòi thêm nữa. Giá sáu hào chàng cũng biết đắt lắm rồi. Thế mà đến bến họ lại đòi thêm hai hào nữa. Giá không có cái mưu mẹo nói sáu hào để chịu trả tám hào thì chàng đành lòng trả họ thêm, nhưng đã chở rồi mà họ còn đòi thêm thì chàng thấy họ làm quá, bắt nạt mình một cách vô lý và chàng thấy giận ứ lên cổ, cãi nhau với họ một hồi, và sau cùng cũng phải trả cho họ thêm hai hào. Siêu thắng những tai nạn lớn trong đời như việc nhà bị phá sản, cha bỏ trốn, mẹ điên làm chàng đau khổ thật nhưng đau khổ ấy còn có lý; những việc lặt vặt vì không có lý gì cả nên làm chàng khó chịu và chàng bực mình lại khó chịu với chính mình tại sao tự nhiên lại giận uất nên được vì những việc không đâu ấy. Nhưng Siêu nghĩ không thể đổi được lòng mình chỉ có một cách là hết sức tránh không để xẩy ra. Cũng vì thế chàng ra ngồi ở gốc cây đa, đã có Mùi thì để mặc Mùi dọn nhà hộ mình.

Siêu cũng không khỏi ngạc nhiên về cách cư xử và lời ăn tiếng nói của Mùi đối với mọi người dọn đồ; ai cũng vui vẻ tươi cười và không thấy đả động gì đến việc tiền nong cả. Siêu đương ngồi thấy một người mặc áo dài vá nhiều chỗ, đầu chít khăn xếp đã rách hở cả lần giấy lót, đến gần chỗ Mùi đứng vái Mùi rồi nhìn đồ đạc cười hở cả lợi trên, miệng nói suýt xoa như người khấn Phật:

"Đồ đạc đâu mà lắm thế này. Lại có cả giường tây, ghế tàu".

Rồi Siêu thấy người ấy đến mở nắp cái bô đi giải nhìn vào trong, đặt nắp lại, mồm lẩm bẩm:

"Hẳn nồi cơm tây có khác".

Vừa nói vừa vái luôn cái bô đi giải mấy cái, làm Siêu không thể nhịn cười được. Người ấy nghe tiếng cười, quay lại nhìn thấy Siêu vội quay lại chắp tay vái Siêu mấy cái như vừa vái cái bô đi giải:

"Bẩm cậu mới về".

Tiếng hơi thân mật như quen biết chàng từ lâu và có vẻ cung kính như đã biết rõ chàng là ai. Siêu định hỏi người ấy là ai thì người ấy đã đón trước:

""Bẩm cậu, cháu đây. Bút. Để hôm nào cháu vào hát mừng cậu. Giọng hát khàn rồi; khàn khàn như tiếng vịt đực nhưng cậu muốn nghe giọng nào cháu cũng xin hát hầu cậu nghe".

Siêu nhìn để cố tìm xem bác Bút có say rượu không nhưng không sao biết được bác ta say hay không say. Mặt thì không say nhưng lời nói thì rõ ràng là lời nói một người say rượu. Mùi đến kéo áo bác Bút:

"Hát với hỏng gì. Ra khuân hộ người ta đi".

Bác Bút ngửa đầu ra đằng sau, hai vai co lên và cười hì hì ở trong cổ họng nhe cả lợi trên như có vẻ sung sướng lắm. Một lúc sau, bác ta đứng chỉ trỏ, sai Nhỡ vác cái này, bảo bác Lê vác cái khác, dặn dò cẩn thận chỉ bảo cách thức và ngăn cản trẻ con đang xem không được sờ mó như chính bác là chủ nhân hết cả đồ đạc ấy. Bác không hề dùng tay khuân vác một cái gì cả, bác vô tình thành ra làm tranh hết cả công việc của Mùi. Thấy mình không có công việc gì làm nữa, Mùi đến đứng cạnh Siêu:

"Dọn lên mới thấy là nhiều đồ đạc. Anh cũng có cái tính cẩn thận như em, cả cối giã vừng và dế nồi cũng đem đi".

Sự thực Siêu chẳng muốn đem một thứ gì hết trừ cái hòm sách và hòm đựng các chất thuốc hoá học. Chỉ có một mình không thể nào định đoạt được cái nào bỏ lại, cái nào đem đi, chàng bảo những người phu vác thuê đem hết cả không bỏ lại một cái gì cả. Như thế đỡ phải nghĩ ngợi mà lại tiện: lúc dọn xong chỉ nhìn qua một lượt cũng đủ biết chắc là không bỏ quên một thứ gì. Nhưng Siêu không nói sự thực ra; chàng chỉ mỉm cười nhận lấy lời khen của Mùi cho mình là người chi li cẩn thận. Chàng nhìn Mùi đứng ngoài nắng trán lấm tấm mồ hôi, và hai gò má đỏ hồng:

"Cô làm hộ lúc nãy chắc mệt lắm. Sao cô không ngồi vào bóng mát nghỉ một lúc đã. Giời mùa đông mà nóng như mùa hè. Cây đa cao quá thành ra bóng mát lạ".

Mùi ngồi xuống cạnh Siêu nói:

"Đằng sau lưng anh là ông Ninh Ký đương chõ mặt nhìn chúng mình. Ông ấy em vẫn gọi là cái chậu tóc tiên. Nhưng anh đừng quay mặt nhìn ngay, họ biết là mình nói đến họ".

Một lúc sau, Siêu lấy tay che miệng, quay mặt ra phía sau, vờ ho lên mấy tiếng và nhìn được mặt ông Ninh Ký mà chàng cũng thấy giống một cái chậu tóc tiên. Rồi Mùi nói chuyện về ông Ninh Ký nhưng không nói với Siêu là ông Ninh Ký có ý hỏi nàng làm vợ. Một lúc sau Siêu đã biết hết cả mọi người ở trong xóm, ở ấp cụ Án và ở làng Hàn. Cứ mỗi lần nói đến nhà nào có trẻ con đi học hay sắp đến tuổi đi học thì Mùi lại bảo chàng:

"Thong thả anh đến chơi họ".

Siêu gật gật nhưng trong trí mới nghĩ đến chỗ đó chàng cũng đã thấy phiền ngại rồi. Chàng thấy phục ông giáo Đông về cái chỗ thích đến bất cứ nhà ai và vì phục nên Siêu thấy mình ghét ông giáo Đông tệ mặc dầu chưa biết mặt ông ta. Chàng cất tiếng nói với Mùi:

"Tôi không thích ông giáo Đông, ông ấy có lắm cách lắm. Mà có một cách chính của ông ta là hình như đi lừa người. Tôi sẽ tìm ra và ông giáo Đông sẽ ngồi tù".

Mùi nhìn Siêu và lấy làm phục; Siêu đã đi học ở Hà Nội mấy năm chắc là thạo về luật lệ lắm. Có Siêu ở gần, xẩy ra chuyện gì Mùi cũng không sợ nữa. Nghe Siêu nói, Mùi cũng thấy ông giáo Đông là một người gian giảo như bà chủ Nhật Trình và đáng bỏ tù. Mùi bảo Siêu:

"Anh nên tìm được cách bỏ tù ông giáo Đông thì dân vùng này sẽ phục anh lắm và anh sẽ có vô số học trò. À, em chưa bảo anh là bên phố Phủ ông ấy cũng có nhà nữa, nhà nào đồ đạc cũng bầy biện sang trọng và người ta nói ông ấy đi hát nhà trò luôn. Tiền đâu ra lắm thế".

Rồi hai người ngồi bàn về cách thức để bỏ tù ông giáo Đông. Trước hết, Siêu giảng nghĩa cho Mùi biết về các hội buôn, cách thức lập hội, có những loại hội gì và nói nhiều hơn về các hội để dành tiền. Mùi chăm chú nghe vì lần đầu tiên có người giảng cho rành rọt về những việc mà Mùi chỉ biết lờ mờ. Bây giờ nàng đã rõ hết công việc của hội công ích để dành tiền. Mùi cũng bắt đầu thấy kinh tế học là một thứ thần diệu và người đã nghĩ ra làm việc lập hội để dành tiền phải là một người giỏi lắm.

Hai người mải nói chuyện quên hẳn việc dọn đồ đạc. Bác Bút phải đến nhắc:

"Cô Mùi, đồ đạc dọn hết rồi, không mất vỡ một cái nào cả".

Rồi bác vái cả hai người, đi về phía phố, đầu cúi xuống và nhe lợi như đương cười với những hòn sỏi, những khóm cỏ dưới chân. Siêu hỏi Mùi:

"Này sao không trả tiền bác ta".

Mùi nói:

"Không cần".

"Ở nhà quê thế tiện nhỉ. Đỡ phải mặc cả, mà nghe cãi nhau đắt rẻ đến khó chịu".

Mùi giảng giải:

"Trả bằng cách khác. Bác ta không bao giờ lấy tiền của ai cả. Khi nào nhà có giỗ tết, bác ta đến ăn cỗ, uống rượu".

"Lúc nẫy bác ta nói hát là hát gì thế?"

"Hát chèo".

Hai người cùng đứng lên để về nhà bầy biện. Mùi vừa đi vừa nói cho Siêu biết về đời bác Bút. Hai vợ chồng trước làm nghề hát chèo nhưng bị vỡ tiếng phải bỏ nghề đưa nhau đến ở cuối chợ. Hai vợ chồng bác nghèo lắm; bác Bút gái nuôi gà chăn vịt nên suốt ngày hay ở ngoài đồng cói và cũng may cho mọi người vì bác khó tính lắm, hay cà khịa cãi nhau với bất cứ một ai. Bác Bút trai thì suốt ngày đi hết nhà nọ đến nhà kia. Trước bác đi kéo xe nhưng bây giờ sức yếu phải nghỉ. Bác có đứa con trai nhưng từ khi đứa con mất thì người ta bảo bác hoá điên. Sự thực bác cũng không điên gì. Bác chỉ vui tính quá một tí thôi như là lúc nào cũng say rượu. Nhà ai có công việc thì bác đến làm giúp; bác cũng không giúp gì được nhiều vì bác không biết làm công việc gì cả nhưng bác có cái tài là ở bất cứ nhà nào từ nhà sang trọng như cụ Hường cụ Đốc cho đến nhà nghèo cùng đinh, ở đâu bác cũng đứng vào địa vị một người nhà và cư xử đúng với địa vị mình. Bác lại được cái rất lương thiện, không tơ hào của ai một tí gì. Vì vậy bác đến nhà ai cũng lọt và được người ta ưa. Quanh vùng này, bác ta đều quen và nhớ cả ngày giỗ lớn giỗ bé của từng nhà một. Bác tuy nghèo mà thành quanh năm ngày tháng được ăn cỗ và uống rượu. Ít khi lắm, nhưng nếu hôm nào buổi chiều phải ăn cơm nhà thì bác Bút gái thể nào cũng mua rượu và cả bác Bút gái hôm đó cũng uống rượu. Thế rồi hai vợ chồng say diễn trò ngay ở trước cửa nhà và trẻ con đến xem đông lắm. Mùi cười nói với Siêu:

"Em cũng đến nghe một lần. Hay và vui đáo để. Đúng đến chỗ... chỗ gì em cũng chẳng rõ, bác gái vừa hát vừa khóc mà bác khóc thật, nước mắt chẩy ròng ròng trông vừa thảm hại vừa buồn cười. Thành thử em cũng vừa cười vừa khóc theo bác ta, không nhịn được".


Chương X
Ông giáo Đông bắt ruồi

Cụ Án nghiêng người nhấc cái vung nồi cá kho dứa đặt trên cái hoả lò con nhìn vào trong nồi và hít mũi mấy cái. Lứa cá kho này cụ thấy ngon hơn mọi lần. Trong đời cụ, cụ chỉ thích nhất ăn cá kho dứa, mùa nào không có dứa tươi thì cụ nấu cá với dứa hộp và Hải đi Hà Nội mua đạn bao giờ cũng nhớ mua mấy hộp dứa biếu cụ. Độ trước khi cụ Án ông còn sống bắt cụ rời nhà quê lên ở trên tỉnh, cụ được nếm đủ các thứ sơn hào hải vị nhưng cá kho dứa cụ vẫn thấy ngon nhất. Cá kho ăn lại đỡ tốn, mỗi miếng cá bé tí cũng ăn được bao nhiêu là cơm. Vì thế hễ cứ lần nào có người biếu thì cụ lại có nồi cá kho. Biết tính cụ nên có ai biếu cụ là biếu cá và phải là cá còn tươi nguyên. Cụ tự tay kho lấy và kho xong thì cụ treo ngay trên giường cụ ngồi, vừa tầm tay với.

Cụ đậy vung nồi và tay lại cầm lấy cái que đập ruồi. Chỉ trừ lúc giã trầu ở cối, còn thì lúc nào tay cụ cũng cầm que đập ruồi. Cụ ghét và sợ ruồi lắm. Nhưng ở chung quanh chỗ cụ ngồi thì lại có đủ các thứ để nhử ruồi đến thật nhiều; ngoài nồi cá, lại có những sâu cá mắm, những chai mật ong và những quả chuối bao giờ cũng chín đen chín nát. Vì cụ bại một chân đi phải chống nạng nên ít khi cụ đi lại. Giang sơn cụ và cả đời cụ vì thế thu hẹp trong phạm vội cái giường cụ ngồi. Tất cả những thứ gì cụ cần dùng đều để ở trên giường và ở cái tủ chè cạnh giường. Chỉ trừ có số tiền cụ để dành được là cụ giấu ở chỗ khác.

Vì cụ không đi lại được nên chỉ đánh được những con ruồi ở trên giường. Để bắt ruồi chung quanh giường cụ nuôi cò ruồi, nhưng con cò không được bắt ruồi trên giường. Có con ruồi nào vừa bay đến đậu trên chiếu mà con cò định mổ thì cụ đã nhanh tay đập tranh trước; đập xong cụ hất ruồi xuống đất cho cò ăn. Lần nào con cò nhanh hơn mổ cướp của cụ một con ruồi trên chiếu là cụ lấy cán que đập ruồi đập vào đầu con cò một cái để phạt nó hỗn. Có một con cò lâu dần hiểu được chỗ đó nên không bao giờ mổ tranh ruồi của cụ; cụ thích lắm và khoe với tất cả mọi người, nhưng sau con ấy bị chó cắn chết mất.

Gian nhà cụ ngồi thành thử chia ra ba từng rõ rệt. Từng trên là cái giá treo đựng các thức ăn; từng giữa là cái giường cụ với đủ các thứ đồ dùng như ống nhổ, ống vôi, hoả lò, than củi, ấm nước, chăn gối; từng dưới cùng là cái nền nhà trống không với một con cò ung dung đi qua đi lại.

Mùa đông ít ruồi, nên con cò đứng yên lặng đầu đặt trên cánh thiu thiu ngủ dưới nắng ở chỗ bực cửa. Cụ Án đưa mắt tìm nhưng không thấy một con ruồi nào, thấy có con nhện con, cụ đập nó một cái và hất xuống đất. Con cò nghe tiếng đập, mở mắt, nghếch mỏ nhìn vào rồi lại đặt đầu trên cánh nhắm mắt ngủ. Cả cái ấp rộng, không có một tiếng động. Hai vợ chồng Hải hôm ấy sang bên Bằng thăm một người anh cả và cho cả hai đứa con đi. Bác Huệ làm vườn thì ra bới khoai ở đâu phía sông.

Cụ Án bỗng lắng tai nghe. Hình như có tiếng người gọi cổng. Tiếng gọi lần thứ hai to hơn; gọi tên bác Huệ nhưng tiếng người thì lại là tiếng người lạ, chưa từng nghe thấy lần nào. Cụ Án đã gần bẩy mươi tuổi nhưng tai cụ còn sáng lắm. Chỉ nghe tiếng gọi cũng biết được người gọi cổng là ai và ít khi cụ lầm. Lần này cụ gọi bác Huệ đến, dặn cẩn thận xem đích xác là ai và báo cụ trước rồi mới được mở cổng. Cụ nghĩ đến số bạc để dành của cụ. Nhà có súng nhưng Hải hôm nay lại đi vắng cụ cần đề phòng.

Một lúc bác Huệ vào trình:

"Bẩm cụ lớn, cậu giáo Đông ạ".

"Cậu giáo Đông nào?"

"Bẩm cụ lớn, cậu giáo Đông, con cụ trợ tá Tiên Yên. Hồi cụ lớn nhà ngồi ở phủ Tiên Yên thì cụ thân sinh ra cậu giáo làm trợ tá. Cậu ấy lúc đó còn bé nhưng con cũng còn nhớ mặt".

Sự thực bác Huệ không nhớ được mặt vì ông giáo Đông không bao giờ là con ông trợ tá Tiên Yên cả. Cụ Án hết lo ngại:

"Mời ông ấy vào".

Bác Huệ mở cổng, nhìn Đông từ đầu đến chân:

"Giá đi ngoài phố gặp cậu thì cháu quả không sao nhận ra được. Cậu nói tên ra, cháu nhớ lại rõ lắm".

Bác Huệ khép cửa rồi cuống quít đưa ông giáo Đông vào. Bác mừng lắm vì bất cứ một sự gì có liên quan đến đời bác lúc đi hầu cụ Án ở các huyện phủ cũng làm bác vui sướng như được sống cái thời vinh quang đã qua.

"Bẩm cậu, quan lớn Trợ nhà ta..."

Đông vội vàng đáp:

"Thầy tôi đã mất".

Nói thế, nét mặt Đông cũng buồn hiu như là cha mình chết thật rồi. Bác Huệ thấy câu hỏi của mình làm Đông buồn vội nói sang chuyện khác:

"Bẩm cậu, thuở bé cậu hay sang bên vườn hái lựu lắm".

"Bây giờ tôi cũng vẫn còn thích ăn lựu như thuở bé".

Đông nghĩ cần phải lấy lòng bác Huệ:

"Bác trẻ lâu nhỉ. Tôi trông bác vẫn y nguyên như ngày trước".

Vào đến nhà, Đông đi thẳng đến chỗ cụ Án ngồi, hai tay giơ ra đằng trước, tươi cười nói:

"Bác còn nhớ cháu không? Cháu trông bác vẫn thế, chỉ khác cái tóc bạc. Cháu về đây mấy tháng mà đến hôm qua mới biết bác là bác Án Tiên Yên. Cháu mừng quá vội vào thăm bác".

Cụ Án thì không nhớ lại một tí gì, cả đến ông Trợ Tiên Yên cụ cũng không nhớ là ai và nếu có ông Trợ Tiên Yên thì cụ có được nhìn mặt ông ta hay không cụ cũng không biết. Cụ mời:

"Ông ngồi đây".

Đông thân mật ngồi ngay xuống giường. Mắt chàng đưa nhìn nải chuối treo trên giá.

"Bây giờ bác còn nhiều chuối như trước nữa không?"

Đông thân mật mở cái nồi cá, nói:

"Thơm nhỉ".

"Cá kho dứa đấy".

"Cá kho dứa thì ăn ngon lắm. Cháu vẫn thích nhất cá kho dứa. Hôm nào lại, bác cho ăn nhé".

Cụ Án nhìn Đông tươi hẳn nét mặt, nói:

"Có phải không. Yến tôi ăn nhiều lần, ăn nhạt phèo mà tốn bao nhiêu là tiền... Bây giờ ông làm gì?"

Đông đưa mắt thấy bác Huệ vẫn đứng ở bực cửa:

"Thưa bác cháu dậy học".

Cụ Án rót nước chè ở cái ấm vào một cái chén đã cáu ghét.

"Nước chè mạn kinh niên đấy".

Đông nhắp một hụm nhỏ và mỉm cười. Có lẽ vì là chè mạn kinh niên nên như có mùi thiu.

Cụ Án đập một con ruồi trên áo Đông rồi gạt xuống cho con cò đứng đợi ở dưới. Đông giật mình nhìn xuống áo. Cụ Án vội nói:

"Tôi đập bao giờ cũng có ngữ chỉ vừa chết chứ không bao giờ nát con ruồi. Ông không sợ bẩn áo.

Một lúc sau lại có con ruồi đậu trên thành chén của Đông. Cụ Án giơ que rình đợi nó bay xuống chiếu để đập. Đông đưa tay hất một cái bỏ ra chiếu một con ruồi chết. Cụ Án nhìn Đông lấy làm ngạc nhiên lắm.

"Thưa bác, cách bắt ấy cũng không khó gì. Cần phải đón đầu nó, con ruồi tự khắc vào nằm trong tay mình".

Cụ Án giơ que đập thêm con ruồi một cái rồi hất xuống đất. Đông đưa mắt tìm và thấy một con ruồi đậu ở trên cái que bình vôi, giơ ngón tay búng một cái, con ruồi rơi lăn xuống chiếu. Cụ Án nhìn, mỉm cười một cách ngây thơ như đứa trẻ con:

"Hay nhỉ".

"Thưa bác, cháu mà ngồi đây một buổi chiều thì nhà này bói cũng không ra một con ruồi nào nữa".

Nhưng Đông nghĩ thầm mình đến đây không phải để búng ruồi cho cụ Án. Vẫn thấy bác người nhà cứ đứng ở bực cửa nghe chuyện, chàng tức mình lắm nhưng không nghĩ được cách nào để làm cho bác ta đi chỗ khác. Trong lúc đợi, Đông xoay câu chuyện về đạo Tin lành:

"Thưa bác, bao giờ cũng thế ở lành thì gặp hiền. Đạo Tin lành cả nước Mỹ theo, vì thế họ văn minh gấp hai nước Pháp. Cả người Tầu bây giờ cũng bỏ đạo Phật, đạo Khổng, theo đạo Tin lành, bác ạ".

Rồi Đông mở cặp rút ra mấy cuốn sách về đạo mở qua cho cụ Án xem tranh vẽ. Cụ Án nói:

"Tôi bây giờ già rồi chẳng hiểu gì cả".

Đông không cần cụ Án hiểu hay tin đạo: trông vẻ mắt cụ nhìn Đông thấy rõ là cụ đã tin mình lắm. Nhưng sao bác người nhà đứng kia lâu thế? Đông đăm đăm nhìn vào gáy bác Huệ và thầm ra lệnh:

"Đi đi! Đi đi!"

Chàng có nghiên cứu về thuật thôi miên và đã có lần làm một đứa trẻ con ngủ thiếp đi. Nhưng còn nhìn vào gáy một người và bắt người ấy đi thì chàng không dám tin là công hiệu. Bác người nhà vì thế vẫn đứng yên và Đông lại phải kéo dài câu chuyện về đạo Tin lành.

Sau cùng cụ Án bảo bác Huệ:

"Bác ra dỡ nốt chỗ khoai để chốc nữa luộc một mẻ. Cậu Ấm mợ Ấm đi về chắc là đói bụng".

Đông nhẹ hẳn người. Chàng kéo dài thêm câu chuyện về đạo một lát cho cụ Án khỏi nghi rồi chuyển sang việc để dành tiền.

"Thưa bác cháu dậy học cũng không kiếm được bao nhiêu, lại cần đi nơi này nơi khác, tốn kém quá. Nhưng không đi không được, đức Chúa Trời không cho. Cũng may ông chủ nhất công ty Công Ích để dành tiền lại là một người theo đạo Tin lành, ông ấy cho cháu giữ độc quyền cả một tỉnh này. Nhờ thế cháu được ít hoa hồng, đủ chi dùng trong lúc vì Chúa Trời phải đi đây đi đó".

Rồi chàng vừa đặt tay lên cái cặp da vừa giảng giải về cách thức để dành tiền, về lợi ích của nó và thấy cụ Án chú ý nghe. Chàng rút các giấy má của hãng Công Ích ra đưa cụ Án xem:

"Thưa bác, đây là giấy để dành tiền của cụ Hường làng Trò. Cụ muốn có cái vốn chắc chắn cho cậu con út; đưa cho cậu con thì sợ cậu tiêu mất, để dành vào công ty thì tháng tháng có lãi mà nếu mở số trúng thì vốn tăng gấp đôi gấp ba ngay".

Đông mở tờ nhật trình cũ:

"Tháng vừa rồi, báo có đăng ông Tổng Nghi Xương trúng số một trăm".

Cụ Án hỏi đột ngột:

"Báo có đăng cơ à? Trúng một trăm cơ à?"

Đông nhìn cụ Án ngẫm nghĩ không biết cụ Án hỏi thế thì việc đáng tin hay là cụ sợ trúng số nếu đăng trên báo, ai cũng biết cụ có tiền để dành. Chàng nói:

"Đăng trên báo là tuỳ ý riêng người ấy có bằng lòng không, còn hãng thì cần phải đăng báo để tỏ ra mình không có gì khuất tất. Mỗi lẫn xổ số có đủ hết các quan tây, quan ta ở tỉnh chứng kiến. Cụ Sứ Ê-đà..."

Cụ Án nhắc lại:

"Cụ Sứ Ê-đà à? Cụ ấy có về chơi đây một lần hồi còn mồ ma ông nhà tôi. Cụ ấy bắt tay tôi làm tôi ngượng quá. Cụ ấy ăn được cả mắm tép nữa".

Rồi cụ Án nói mãi về ông Sứ Ê-đà và quên cả câu chuyện để dành tiền. Đông phải đưa câu chuyện quay về việc cũ.

"Cụ Ê-đà, thưa bác, bây giờ đứng đỡ đầu cho hãng Công Ích. Đây bác xem".

Đông vừa nói vừa chỉ vào chữ tên Edouard viết ở góc giấy. Cụ Án không biết đọc chữ nhưng cũng nhìn chăm chú vào mấy chữ dưới ngón tay Đông.

"À, cụ Sứ Ê-đà đấy à? Cụ còn sống".

Cụ Án vừa nói vừa lặng yên đập một con ruồi ở vành khay mà con cò định mổ tranh.

Đông đáp:

"Vâng, cụ ấy năm nay bẩy mươi sáu. Trông cụ cũng còn hồng hào khoẻ mạnh lắm. Cụ ấy ngày nào cũng uống rượu và thỉnh thoảng lại bắt cháu hầu rượu".

Đông và cụ Án cùng ngửng đầu lên một lượt. Hải chạy vào mặt hầm hầm tức giận:

"Thưa đẻ, thế nào mà cổng ngõ lại mở tung cả ra thế kia?"

Đối với tất cả mọi người trong ấp việc quên đóng cổng là một tội to lắm.

Cụ Án nói:

"Cái bác Huệ thế thì thôi".

Rồi cụ cất tiếng gọi bác Huệ lên. Hải lúc đó mới để ý đến Đông và gật đầu chào nhưng chàng không cất tiếng vì không biết Đông là ai và không hiểu vì lẽ gì tự nhiên lại ngồi nói chuyện với cụ Án. Đông vội thu các giấy má đút vào cặp nhưng Hải cũng đã nhìn được hai chữ Công Ích ở góc giấy.

Bác Huệ lên chắp tay đứng đợi:

"Bẩm cụ Lớn gọi con".

Thấy nét mặt đầy tức giận của Hải, Đông yên trí thế nào khi bác Huệ lên Hải cũng mắng cho một trận, nhưng chàng ngạc nhiên thấy Hải cứ đứng yên, còn cụ Án chỉ nói rất ngọt ngào với bác Huệ:

"Bận sau đừng có thế nữa".

Bác Huệ cúi đầu miệng lẩm bẩm "dạ, dạ", bác chịu nhận lỗi nhưng bác không biết là lỗi gì và cả Hải cả cụ Án cũng không ai nghĩ đến chỗ chưa bảo cho Huệ biết.

Đông thấy cụ Án "mắng" thế xong, thì cả cụ và Hải đều hết tức giận. Cụ Án nói với Hải:

"Này Ấm ạ, để dành tiền hay đáo để, chỉ tiếc là nhà không có tiền để để dành".

Đông không thấy cụ Án giới thiệu mình với Hải là con ông Trợ Tiên Yên. Cụ nói thế vô tình bảo cho Hải biết chàng đến để cổ động bán phiếu. Chàng cho thế là may, vì nếu Hải hỏi lâu về ông Trợ thì sự nói dối của chàng sẽ lộ.

Đông lấy làm mừng là đã nói kịp với cụ Án những điều cần nói. Chàng biết chắc là cụ Án có tiền để dành đúng như lời bà Ký Ân đoán. Cụ lại có tính hà tiện: cá kho dứa ngon hơn yến, nước trà thiu và những quả chuối để đã đen nát đủ chứng tỏ điều đó và như thế tất cụ tham lợi. Bác Huệ mới quên đóng cổng có một lúc mà cả nhà đã xôn xao, vậy chắc cụ lúc nào cũng lo sợ kẻ cướp. Cụ lại sợ đăng tên lên báo, như thế là cụ tỏ ý muốn để dành tiền để mong trúng số. Còn tin thì chắc là cụ tin rồi, tin vì có cụ Sứ Ê-đà.

Đông định đứng lên cáo thoái thì vừa lúc đó mợ Ấm ở nhà trên đi xuống. Nàng không để ý đến Đông, cười bảo chồng:

"Cái súng hãy còn nguyên, cậu ạ".

Đông nhìn mợ Ấm và thấy nàng đẹp không kém gì Mùi; nàng đẹp một cách phúc hậu. Mới trông thoáng và chỉ nghe mợ Ấm nói một câu thôi, chàng cũng đã biết chắc là mợ Ấm ngây thơ như trẻ con, hay ngây ngô thì đúng hơn. Lúc mợ Ấm cười, mợ không há miệng, chỉ cười ở trong mũi, nghe như tiếng gù của chim bồ câu và Đông thấy tiếng cười ấy hơi giống như tiếng rên của những người đàn bà chàng được ôm trong tay. Đông lại không định bụng đi ngay nữa. Chàng nhấc chén chè và uống hết chỗ nước chè thiu một cách khoan khoái. Chàng nói với Hải, mắt vẫn không nhìn mợ Ấm:

"Nghe nói ông bắn giỏi lắm?"

Hải chưa kịp trả lời, Đông đã nghe thấy Duyên cười và cũng cười như lúc nãy. Hải đáp:

"Ở nhà quê không có việc gì thì đi săn lảm nhảm cho vui".

Mợ Ấm nói:

"Nhà tôi hay đi bắn vịt trời".

Đông thấy mợ Ấm không để ý gì đến mình; mợ Ấm nhìn chàng, rõ ràng nói chuyện với chàng nhưng vẫn coi như là chàng không có đấy hay có đấy nhưng chỉ là một người quen đã lâu lắm không cần để ý. Vì thế mợ Ấm cũng không chào hỏi gì Đông, và Đông cũng nghĩ không cần đứng lên chào. Đông nói với mợ Ấm:

"Thịt vịt trời ngon lắm, nhưng phải biết cách làm... ngon nhất là vịt trời nấu sốt cay".

Duyên ngắt lời hỏi:

"Nấu vịt trời có cần cho sả không, ông?"

"Thưa bà không. Cần phải cho rượu vang hay rượu trắng. Thế thường bà nấu vịt trời với gì?"

Mợ Ấm đáp:

"Thường thường ấy à? Thường thường thì tôi chỉ nấu vịt nhà".

Nàng lại cười và đưa mắt nhìn chồng. Đông thầm nghĩ mợ Ấm có vẻ hóm hỉnh chứ không ngây ngô như lúc nãy chàng tưởng. Chàng nhìn Hải và nói:

"Để hôm nào tôi đi Hà Nội tôi cũng lấy cây súng của tôi về đây cùng ông đi bắn vịt trời cho vui. Bắn vịt trời thì vui lắm nhưng phải cái lội bùn khổ. Có lần tôi đi bắn suýt bị sa lầy, phải gọi người đến kéo lên".

Chàng vừa nói vừa cười. Chàng không có súng nhưng có thể mượn súng của bạn. Bắn vịt trời ở vùng nhà quê này thì chẳng sợ ai khám. Có cùng đi bắn với Hải thì mới có dịp gặp vợ Hải luôn được. Bà Ký Ân nói mợ Ấm cũng có của riêng; nếu không có cách gì năng đi lại luôn thì không tài nào gặp riêng được một người đàn bà trẻ đẹp mà lại sống cấm cung như nàng.

Mợ Ấm thấy Đông nói đến sa lầy, sợ hãi bảo chồng:

"Thôi, cậu đừng đi bắn vịt trời nữa, sa lầy chết".

Hải cũng sợ hãi vì thấy Đông nói định đi bắn vịt với mình; vì thế chàng nói với vợ:

"Phải đấy, tôi không nghĩ đến sa lầy".

Cụ Án cũng chợt nghĩ đến chỗ mấy đứa con trước đều chết về tai nạn:

"Thôi Ấm cũng đừng đi săn nữa. Để đạn giữ trộm cướp còn hơn".

Đông thấy mình nói hớ một tí mà mưu mô thành hỏng cả. Chàng không bực mình vì câu nói làm mất dịp đi lại gặp mợ Ấm; thực ra nghĩ lại chàng thấy sự làm thân với Hải một người đàn ông là con và chồng hai người đàn bà có tiền, là một sự rất nguy cho công việc bán phiếu. Chàng sẽ tìm cách khác để có được cả người đàn bà, cả tiền. Chàng bực mình chỉ vì chàng đã cố tránh nói hớ mà vẫn không tránh khỏi. Trong nghề chàng một câu nói hớ có thể làm mất hàng chục bạc là thường. Chàng vác cặp đứng lên và từ lúc Hải về cho đến lúc đó, chàng mới lại nói với cụ Án:

"Thôi bác cho cháu xin phép. Hôm nào thong thả cháu lại xin đến hầu bác và ăn chuối, ăn cá kho".

Cụ Án hỏi:

"Ông giáo ở đâu?"

"Thưa bác cháu ở ngoài Xóm Cầu Mới".

Đông nhớ lại mình đã nói chuyện với cụ Án là có hai nhà, một nhà ở phố Phủ và một nhà ở Xóm Cầu Mới; trước kia cụ không để ý đến chỗ ở của mình mà bây giờ cụ lại để ý. Đông biết chắc là cụ sẽ mua phiếu.

Chàng cúi xuống búng một con ruồi ở mép khay, vất xuống và hắt tay để bắt một con ruồi đang bay. Ruồi đang bay ít khi bắt được thế mà lần này may quá, chàng hắt có một cái đã bắt ngay được nó. Chàng cười đưa cho cụ Án xem con ruồi nằm trong kẽ tay rồi lại thả cho nó bay đi. Cụ Án nhìn rồi cất tiếng cười như trẻ con bảo con trai và con dâu:

"Ông ấy giỏi hơn cò ruồi nhiều".

Đông cũng cười sung sướng, chàng sung sướng vì cái may bắt được ruồi là cái triệu chứng báo trước sẽ lấy được tiền của cụ Án. Hai vợ chồng Hải thì không cười gì cả: thấy ông bán phiếu để dành tiền lại dám gọi mẹ mình là bác, tự xưng là cháu, đòi đến ăn chuối ăn cá kho và bắt ruồi nghịch với mẹ mình, cả hai người đều ngơ ngác nhìn Đông như nhìn một con vật lạ. Đông thì tưởng họ ngơ ngác vì phục cái tài bắt ruồi bay của mình.


Chương XI
Bé giận dỗi

Sáng ngày trước khi đi câu tôm, Tý bảo Bé:

"Từ rày có thiếu tôm thì chị phải đi mua lấy. Em không đi câu ở bến Trò nữa, em tìm được một chỗ nhiều tôm lắm cơ".

Ngừng một lát, Tý lại nói:

"Với lại bác Đỗi bây giờ bác ấy khó chịu làm sao ấy".

Nghe Tý nói vậy, Bé nhẹ hẳn người và cái ý nghĩ chiều nay lại có thể đến thăm Đỗi ở bến Trò làm tim nàng thổn thức. Mới cách mặt độ hai mươi hôm mà Bé tưởng đã lâu như một năm. Nàng tức Đỗi đã có lỗi làm cho Tý ngày nào cũng đến bến Trò lại còn làm cao không thèm tìm đến cửa hàng để gặp mặt nàng. Ngày nào Bé cũng đợi và ngày nào cũng thất vọng và càng lâu ngày cái tức càng tăng. Bé định bụng nếu Đỗi đến thì sẽ đứng ngay chạy vào trong bếp, không thèm tiếp để Đỗi tức và hả giận. Bé tưởng tượng lúc Đỗi đến cửa hàng, vào ngồi ở ghế; nàng để Đỗi ngồi vào ghế hẳn hoi, lật xong bát nước chè, lúc đó nàng mới đứng lên và đi vào trong bếp, nhất định không thèm nói nửa lời và nếu Đỗi cả gan dám gọi thì nàng nhất định không đáp, đợi cho vừa đúng lúc Đỗi đi ra đến đường cái nàng lại ra hàng và hắng giọng cho Đỗi nghe thấy để Đỗi phải tức uất lên. Bé thấy trước là sẽ thích lắm nếu làm được như thế và từ ngày nghĩ ra cách ấy, mỗi buổi chiều không thấy Đỗi đến nàng lại càng tức mình hơn và càng khổ hơn.

Suốt ngày hôm ấy Bé lưỡng lự không biết có nên đến tìm Đỗi không, hay là không đi, cương quyết đợi cho Đỗi đến. Theo lý ra thì Đỗi có lỗi phải đến trước, nàng sẽ không tiếp để cho Đỗi tức rồi sau đó nàng mới đến bến Trò gặp Đỗi và xí xoá hết cả những chuyện cũ đi. Nhưng Bé thấy mình khó lòng nén được cái ý muốn đến ngay chiều hôm nay, đến để mắng Đỗi một trận cho hả tức. Đợi Đỗi đến thì lâu quá và cái tức cứ kéo dài ra mãi không biết tới bao giờ. Đến chiều Bé quả quyết là sẽ đi đến bến Trò để cự Đỗi ngay.

Bé thấy cô Mùi đã mở hộp đếm số tiền thu được trong ngày. Cô Mùi sắp về nhưng vừa lúc đó thì ông giáo Đông lại vào hàng gọi một chai bia. Mùi đứng lên, ra tiếp - khách ngồi bên bàn khăn trắng thì bao giờ cũng do Mùi tiếp - Mùi đã cố tìm và đã tìm ra cái mở bia, vì thế không phải nhờ ông giáo Đông cắn nút chai.

Nàng nghiêng cái cốc rót rượu cho khỏi có bọt để tỏ cho ông khách biết rằng nàng đã học được cách rót rượu của ông và còn nhớ rõ là ông thích uống bia không có bọt. Đông nhìn cách Mùi rót bia, gật gật như tỏ ý bằng lòng. Được một cô hàng đẹp rót rượu cho uống, Đông khoan khoái uống một hơi cạn rồi lấy tay quệt miệng một cái và đưa cốc cầm nghiêng đợi Mùi rót rượu bia. Đông sang chỉ cốt ngồi uống bia và nhìn mặt Mùi một lát. Chàng không đem cặp đi vì không định tâm nói với Mùi về ích lợi của sự để dành tiền. Đông lim dim mắt nhìn Mùi trong khi đợi Mùi rót cạn chai. Vẫn biết cái cách tay cầm cốc mà bắt cô hàng rót rượu như thế hơi trịch thượng nhưng Đông thấy làm như thế thì có vẻ đầy thân ái và Đông có cái cảm tưởng được Mùi chuốc rượu mời như một cô ả đào nào đấy. Mùi cũng nhận thấy chỗ sỗ sàng của ông khách này, đã tức lắm nhưng cũng cố điềm tĩnh rót rượu vào cốc và cố cho rượu khỏi chẩy vào tay ông khách. Đông mỉm cười thấy Mùi vừa cẩn thận rót rượu vừa há đôi môi ra giống như điệu bộ một người vú em cho trẻ con ăn bột và chàng cũng bắt chước há miệng ra. Chàng nghĩ đến cái thú được hôn vào đôi môi của Mùi mà lúc đó chàng thấy nồng nàn ân ái. Chàng đưa cốc lên mồm và uống từng ngụm nhỏ, vừa uống vừa nhìn vào đôi môi của Mùi.

"Thế nào ông giáo, độ này ông có bán được nhiều phiếu để dành tiền không. Tôi muốn để dành ít tiền".

Đông đặt ngay cốc xuống và đưa mắt nhìn Bé. Giá không có Bé ngồi đó thì tiện hơn nhưng cũng không sao vì chính Mùi hỏi trước chắc Mùi không cần giấu Bé. Đông đặt tay lên cái khay cốc và tưởng tượng như là đặt tay trên cái cặp da rồi vừa xoay mấy cái cốc trên khay vừa nói về cách thức để dành tiền. Bỗng Đông lại đưa mắt nhìn Bé một cái và để ý đến cái khăn trắng che mắt của Bé. Chàng thấy mình nói không được gẫy gọn như mọi lần. Mùi bảo:

"Thưa ông giáo, công ty có nhà hàng nào bảo đảm không?"

Đông đưa mắt nhìn Mùi, ngạc nhiên về câu hỏi có vẻ chuyên môn của cô gái nhà quê. Mùi không cười, vẻ mặt vẫn cố làm ra ngây thơ như khi hỏi về cách thức làm cho rượu bia khỏi đắng. Nàng nhất quyết muốn báo thù Đông vì cái cử chỉ khinh thị nàng. Đông hỏi lại:

"Ư ử, cô hỏi gì cơ?"

"Thưa ông giáo, tôi muốn hỏi công ty Công Ích đứng riêng hay là một chi nhánh của một nhà băng nào bên Pháp hay của nhà Địa ốc ngân hàng".

Đông lại mở to mắt hơn. Chàng không trả lời vì đối với một người con gái nhà quê mà biết đến cả nhà băng, nhà địa ốc, chi nhánh, bảo đảm thì rất không nên nói chuyện lâu vì một là nguy hiểm hai là sẽ lộ cái dốt của một ông giáo như mình ra, nhất là Mùi lại có ý dằn vào hai tiếng ông giáo. Chàng định xoay câu chuyện và nói đùa:

"Cô thông thạo nhỉ. Trước kia cô có mở nhà băng?"

Mùi cười:

"Thưa ông giáo, ông nói đùa thế chứ nhà cháu làm gì có tiền mở nhà băng. Mở một cái nhà băng ít nhất cũng phải có mười vạn bạc vốn".

Nàng không nhớ rõ Siêu đã bảo nàng số tiền vốn của Địa ốc ngân hàng là bao nhiêu nhưng nàng cũng cứ nói bừa:

"Ông xem như Địa ốc ngân hàng cũng phải đến hai mươi nhăm vạn bạc vốn, còn hãng Hôm-Be..."

Mùi ngừng lại để nhận thấy cái ngạc nhiên gần như kinh hãi trên nét mặt Đông, nhưng nàng vẫn cố nhịn không cười và tiếp theo thản nhiên như nói đến chuyện làm nhân bánh cuốn:

"Thưa ông giáo, còn hãng Hôm-Be ở Ba-Lê có nuôi mấy cái nhà băng, nhà máy đồn điền cao su thì vốn không biết bao nhiêu mà kể".

Đông không biết là có hãng Hôm-Be nhưng chàng cũng làm như có biết hãng đó. Chàng cố gượng cười:

"Cô lại biết được có cả hãng Hôm-Be".

Mùi bắt chước bà chủ Nhật Trình, đáp vắn tắt:

"Ấy thế".

Rồi nàng trở lại câu chuyện để dành tiền:

"Thưa ông giáo, số tiền vốn mà công ty Công Ích thu được của mọi người, công ty chắc phải đem khai mỏ hay buôn bán để lấy lãi, nhưng ngộ nhỡ buôn bán thua lỗ, phá sản thì bao nhiêu có ít tiền người ở vùng này đều mất hết gia tài và chết đói. Ông chắc còn nhớ vụ phá sản của hãng Pa-na-mơ".

Nghe nói đến mấy chữ phá sản Panama, chàng sợ hãi như là chính chàng cũng sắp bị phá sản. Nếu Mùi cũng đi kể với mọi người những điều nàng kể với mình thì chàng phải bỏ phủ này đi nơi khác kiếm ăn. Ngoài mặt, Đông vẫn cố làm bộ cứng và nói:

"Mấy khi đã xẩy ra. Vả lại công ty Công Ích có cụ Sứ Ê-đà đỡ đầu..."

Thấy vẻ luống cuống của Đông, Mùi biết thế đã đủ thích của nàng rồi và không muốn làm mích lòng người khách hàng của mình thái quá. Thấy Đông có vẻ tự cao thạo đời và cái gì cũng biết, nàng đã cố để cả một buổi tối hỏi Siêu về các hãng buôn, nhà băng một cách rõ ràng hơn là hôm dọn đồ đạc. Mùi lại thấy ông giáo Đông sỗ sàng cầm cốc ở tay bắt mình rót nên nàng muốn báo thù. Báo thù thế đã đủ thích, Mùi nói:

"Với lại tôi chắc công ty Công Ích lấy vốn của những người ít tiền thì chắc có nhà nước đảm bảo và bắt buộc công ty chỉ được đặt tiền vào những việc kinh doanh chắc chắn, có phải không ông giáo".

Đông tươi hẳn nét mặt; câu nói của Mùi đã làm chàng nghĩ đến sự đảm bảo của nhà nước chắc hơn là cụ sứ Edouard. Chàng nói luôn:

"Ý tôi cũng muốn nói thế khi tôi bảo là có cụ Sứ Ê-đà đảm bảo".

Nhưng chàng vẫn khó chịu tự hỏi tại sao một cô gái bán bánh cuốn lại thông thạo về những cái bí hiểm của các hội buôn lớn mà chính chàng không biết.

Bé thì không hiểu hai người nói chuyện gì. Nàng khó chịu thấy Mùi mải nói chuyện chưa về để nàng có thể sang bến Trò; ông giáo Đông cũng còn một ít rượu trong cốc cũng mải nói chuyện quên không uống cạn. Bé đâm ra tức ông giáo Đông, vì ông giáo Đông còn ngồi đấy thì cố nhiên Mùi không bỏ về được. Nàng rứt cái khăn che mắt, vứt xuống ghế để tỏ sự tức của mình và đưa mắt nhìn ông giáo Đông tưởng như làm thế thì ông giáo Đông phải bỏ đi ngay. Đông thì chú ý nhìn cái khăn trắng nằm trên ghế cũng giống như cái khăn trắng chàng tưởng là khăn của Mùi và nhặt bỏ túi hôm nọ để đem về làm kỷ niệm. Chàng sực nhận ra mùi thuốc ở khăn tay mà hôm nọ chàng cho là hơi hướng của da thịt Mùi, con gái một ông Lang, chỉ là mùi thuốc đau mắt và chiếc khăn tay chàng tưởng của Mùi chỉ là một chiếc khăn bẩn Bé dùng để che mắt đau. Chàng thấy một sự ngượng làm cả người chàng rờn rợn như bị nổi gai ốc. Đã không biết bao nhiêu lần trước khi đi ngủ, chàng đã hôn hít một chiếc khăn che mắt bẩn. Chàng đứng lên nói với Mùi:

"Thôi cô ngồi hàng, tôi phải về, có ít việc".

Đông trả tiền rồi đi thẳng về nhà, đóng cửa lại chắc chắn. Chàng lấy bao diêm rồi đến đầu giường lật cái gối lên và rón rén đưa hai ngón tay cầm nhẹ lấy góc khăn đem xuống bếp đốt. Đông thấy gai gai ở mắt như là đã bị lây đau mắt của Bé rồi. Chàng sợ cả cái mùi khét của vải đốt và thấy hơi lợm giọng. Đốt xong, Đông nhẹ hẳn người tháo cái áo gối đem giặt ngay và giặt đến ba bốn nước xà phòng. Chàng nghĩ lại giá lúc lấy trộm khăn giấu vào túi mà Bé trông thấy thì thật là suốt đời không bao giờ chàng quên được cái xấu hổ đó: nghĩ đến chỗ ấy, Đông thấy lạnh ran cả sống lưng.

Bé lấy làm ngạc nhiên rằng cái lối vứt khăn và nhìn ông giáo Đông lại có hiệu nghiệm làm ông vội vã đi ngay. Bé nghĩ thầm chắc ông ấy sợ nhìn vào mắt đau thì sẽ bị lây. Cô Mùi về rồi, nàng lấy cái khăn lụa hoa trắng mới khâu xong che lên mắt, rồi móc túi lấy cái gương con lật khăn lên soi và ngắm nghía một hồi lâu. Cái khăn lụa hoa trắng đắt tiền thật, nhưng đeo lên mắt thật là xinh và nhẹ quá. Bé lại mong cho cái khăn vải thường cũng mất để nàng có cớ mua cái khăn lụa hoa nữa thay đổi và lúc nào cũng được đeo khăn đẹp.

Tuy nhà có tôm, Bé cũng xách cái rổ đi qua phố cho khỏi ngượng. Bé thấy ai cũng nhìn mình và cho là họ nhìn cái khăn lụa mới. Ông giáo Đông đương đứng ở bực cửa, thấy Bé đi qua vội vàng quay vào nhà khép cửa lại.

Đi khỏi nhà bà Ký Ân, Bé bỗng nhiên đứng dừng lại một lúc. Quả tim nàng lại đập mạnh lên, hai tai nóng bừng và tuy không có ai, Bé cũng thấy xấu hổ như có người đương nhìn mình và biết rõ là mình có tính đĩ thoã.

Đỗi thấy Bé ở đằng xa đi lại, vội ngồi xoay lưng về phía Bé. Đỗi cũng đã từ lâu tức Bé không đến và Đỗi không hiểu vì cớ gì. Tuy ngày nào cũng có Tý đến câu tôm nhưng Đỗi không dám hỏi thăm về Bé và cứ chiều đến Tý về là Đỗi bắt đầu ngồi đợi và tức Bé. Đỗi chắc không phải Bé giận mình giẵm lên chân hôm ăn bánh, vì sau hôm đó Bé còn đến nhiều lần và hôm cuối cùng gặp đây còn cho mình xem mắt và mỉm cười với mình. Nghe Tý nói, chàng biết là Bé không ốm đau gì thế mà mua tôm cũng nhờ Tý mua hộ. Thấy tự nhiên vô cớ Bé không đến nữa, Đỗi cho là Bé đã quên mình và lại càng tức hơn. Hôm nay Bé đến giữa vào ngày Tý đi nơi khác câu tôm, Đỗi mới hiểu là Bé không đến chỉ vì Tý, và Đỗi mừng rỡ quả tim đập một cách sung sướng.

Bé thấy Đỗi ngồi quay mặt đi vội hắng giọng nhưng vẫn không thấy Đỗi nhúc nhích. Nàng bước mạnh xuống thuyền để như tỏ cho Đỗi biết là mình bực tức lắm. Đỗi quay lại cười, Bé quăng cái rổ trúng chân Đỗi:

"Cười gì, bán cho một ít tôm, mau lên người ta phải về ngay, bận lắm".

Đỗi nói:

"Tôm với tép gì. Ngồi xuống đây người ta xem mắt cho".

Bé vẫn đứng yên, quay mặt nhìn ra chỗ khác. Đỗi nhìn thấy mặt Bé giận mình, phụng phịu trông vừa đáng ghét vừa đáng yêu, chàng mỉm cười rồi giơ tay kéo mạnh tay Bé:

"Ngồi xuống đây".

Bé ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi và lật khăn che mắt lên. Nàng định mắng Đỗi nhưng không tìm ra được câu mắng nào đích đáng; chính nàng lúc đó lại thấy rõ ràng là Đỗi không có lỗi gì để mắng cả. Nhưng mặt Bé vẫn hầm hầm đầy tức giận. Đỗi nhìn lâu vào hai con mắt Bé, chớp nhanh mấy cái, mỉm cười nói:

"Ừ, mắt độ này đã khá".

Chàng lại để ý đến cái khăn lụa hoa mới và nói tiếp:

"Đẹp nhỉ. Sao lâu lắm, đằng ấy không đến?"

Bé vẫn lầm lì nét mặt, không trả lời và ngón chân nàng đặt lên một ngón chân Đỗi. Đỗi định rụt chân mình lại vì tưởng chính chàng đã vô ý chạm vào chân Bé, nhưng chàng ngạc nhiên thấy ngón chân Bé ấn mạnh vào chân mình rồi lại nhấc lên ấn xuống. Đỗi sung sướng không nói được nữa; chàng ngồi đờ ra một lúc rồi khẽ kéo ngón chân mình ra đặt lên ngón chân Bé và bạo dạn đặt hẳn cả bàn chân lên, nhè nhẹ thoa chân mình vào chân Bé. Cả hai người đều thở mạnh. Bỗng có tiếng nói ở gần. Đỗi vội đứng dậy, cúi người cầm lấy cái rổ, tay run run vừa đi ra cửa khoang thuyền vừa nói cao giọng:

"Nào, mua bao nhiêu nào?"

Bé hất cái khăn che mắt xuống và nói:

"Bán cho như mọi lần".

Đỗi định kéo cái giỏ tôm ở dưới nước lên, vội ngừng lại vì thấy người đi đường rẽ xuống bến. Đỗi nhổ sào nói:

"Bác Phát đi đâu về đấy?"

Có người khác cùng đứng ở thuyền lúc đó, cả Đỗi cả Bé đều thấy dễ chịu và đỡ ngượng. Bác Phát đi rồi, Đỗi đẩy thuyền trở lại chỗ đậu cũ; chàng đưa rổ tôm cho Bé nói:

"Hôm nay tôi bán rẻ đấy".

Nói vậy nhưng Đỗi không nghĩ gì đến việc đòi tiền Bé và Bé vội vã đi ngay. Đỗi chống cây sào, nhìn theo Bé đi. Chàng có cái cảm tưởng như Bé là vợ mình rồi.

Đỗi đặt chân lên mũi thuyền và thẫn thờ đưa chân xoa đi xoa lại trên tấm ván, mỉm cười chớp mắt một lúc.
Nguồn: Nhất Linh - Trong Tá»± lá»±c Văn Ä‘oàn. Xóm Cầu Má»›i (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Má»›i, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyá»…n Tường Thiết. Copyright © Nguyá»…n Tường Thiết. Bản Ä‘iện tá»­ đăng trên talawas do Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp.