© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
17.5.2007
Vũ Đức Phúc
Ngôn luận và sáng tác phản động của Trần Duy
 
Trong cuộc phê bình báo Văn mới đây, người ta thường nhắc tới báo Nhân văn và các tập Giai phẩm. Những khuynh hướng sai lầm của một số bài trong báo Văn thực chất cũng là những cái đuôi to hay nhỏ của Nhân vănGiai phẩm. Vì vậy cần phải trở lại phê bình triệt để báo Nhân văn và các tập Giai phẩm; trước đây ta mới phê bình một bước đầu.

Nói tới báo Nhân văn, phải nói tới Trần Duy “thư ký tòa soạn” của tờ báo. Trong giới văn nghệ của chúng ta, chắc cũng không mấy ai còn lạ gì giá trị của cuộc đời và “tác phẩm” của Trần Duy ngày trước. Nhưng trên báo Nhân văn, bỗng dưng người ta thấy Trần Duy nhảy lên làm lý luận về chính trị, về văn nghệ, rồi lại viết truyện, và tranh đả kích, thật không khác gì “ông tướng” gặp thời.

Có bạn bảo: “Một người chưa thể gọi là cầm bút ấy thì còn có ảnh hưởng gì mà nói tới”. Tôi cũng biết những người viết Nhân văn – Giai phẩm, không phải là phục lăn Trần Duy, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, nhưng sự đời là họ vẫn đứng dưới lá cờ tã của Trần Duy, Phan Khôi như thường. Điều đó có gì lạ? Anh không phục con người là một chuyện, nhưng tình cảm tư tưởng của anh giống của hắn lại là một chuyện khác. Vậy thì chúng ta hãy xem Trần Duy biện luận và viết vẽ như thế nào?


Lý luận chính trị kiểu thò lò

Báo Nhân văn số 4 (5-11-1956) có bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” của Trần Duy.

“Báo Nhân văn ra đời, tự nguyện là một trong những lực lượng tiền phong, tích cực cùng nhân dân và Đảng chiến đấu chống lại những sai lầm lệch lạc, những hủ bại trong tác phong lãnh đạo đã vi phạm đến những nguyên tắc cơ bản xây dựng Đảng, xây dựng chế độ”.

Như vậy là Trần Duy đã nói rõ mục tiêu chiến đấu của báo Nhân văn tức là “lãnh đạo”, nói rõ hơn, tức là Đảng, Chính phủ và các bộ phận lãnh đạo. Còn bọn Mỹ, Diệm và tay chân, bọn đầu cơ, những lực lượng đen tối mà Đảng và nhân dân ta còn chống lại không phải là mục tiêu chiến đấu chính của báo Nhân văn. Cố nhiên Trần Duy sẽ nói rằng “chiến đấu chống những sai lầm lệch lạc của Đảng lãnh đạo” cũng là giúp lãnh đạo ngày nay thêm mạnh mẽ để chống với kẻ thù. Nhưng thực ra, ngay từ số đầu, những bài trong báo Nhân văn hoàn toàn không có một chút gì giúp Đảng, sửa chữa sai lầm, mà phần lớn là những bài vu khống và bày đặt, bơm to vấn đề, xuyên tạc sự thật để đả kích vào Đảng và chế độ như mọi người đều biết. Đến nay, ta nghiên cứu lại các bài đó lại càng thấy điều đó rõ ràng. Cũng trong bài trên, sau khi kể lại một số “khó khăn” của báo Nhân văn (thực ra là những phản ứng chính đáng của quần chúng đối với một tờ báo đen tối lợi dụng lúc cách mạng gặp bước gay go, đả kích vào lực lượng lãnh đạo cách mạng) mà Trần Duy nói là “những kẻ đội lốt danh nghĩa công đoàn” gây ra, sau khi phản đối các bài phê bình, theo ý tôi rất đúng mực của Nguyễn Chương đăng trên báo Nhân dân, hồi tháng 9-1956, Trần Duy “Đặt vấn đề với Đảng”.

“Và do đó, chúng tôi đặt vấn đề với Đảng mặc dầu đấy mới là thái độ của những bộ phận lưng chừng của Đảng, chưa phải là của Trung ương, lại càng chưa phải là của toàn Đảng”.

Như vậy là khi công nhân phản đối báo Nhân văn thì Trần Duy cho là có kẻ “đội lốt danh nghĩa công đoàn vận động phá hoại”, trường học phản đối thì Trần Duy viết là “có kẻ đem báo Nhân văn ra gợi cho học sinh trẻ tuổi những nhận xét lệch lạc đối với báo Nhân văn”, các cơ quan, khu phố, các tỉnh phản đối, thì đó là “do cán bộ đi vận động”. Khi báo Nhân dân phản đối, Trần Duy cho “đấy mới là thái độ của bộ phận lưng chừng của Đảng”. Và nếu Trung ương Đảng phê bình thì, căn cứ vào lý thuyết trên kia của Trần Duy, Trần Duy sẽ nói là “chưa phải là của toàn Đảng”. Và nếu là toàn Đảng, toàn dân tức là cơ quan, xí nghiệp, khu phố trường học, các tỉnh có phản đối Trần Duy sẽ lộn trở lại nói là “có kẻ… vận động phá hoại”, v.v,… nghĩa là thế nào cũng có thể xuyên tạc được. Đó không phải chỉ là lý luận có hai mặt mà thôi; đó là lý luận quay tít kiểu con thò lò của Trần Duy, một thứ lý luận rất phổ biến trong báo Nhân văn và các tập Giai phẩm.

Và khi đã lý luận theo kiểu thò lò đó, thì dù Trần Duy có tuyên bố là“tin tưởng ở sự sáng suốt lãnh đạo của Đảng”, người ta cũng thấy rõ chiếc mặt nạ ngụy trang, một cách rất lộ liễu của bọn người định“đặt vấn đề với Đảng”.

Báo Nhân văn có quan niệm rất lạ về quần chúng. Khi nào cần khích người ta chống Đảng, thì nó nói “chỉ quần chúng là sáng suốt và có thể quyết định”. Khi nào quần chúng phản đối nó, thì nó lại la “đó là tại có cán bộ vận động phá hoại” làm như quần chúng là cừu cả. Vậy thì Trần Duy cứ thử đi “vận động phá hoại” trong công nhân, trường học, v.v… xem! Chắc chắn quần chúng sẽ cho người nào “vận động phá hoại” những bài học đích đáng. Và trong thực tế, quần chúng đã cho bọn “chính tị thò lò” những bài học đáng nhớ đời rồi!


Vừa đòi ăn cháo vừa đòi đái bát

Trong bài “Phấn đấu cho trăm hoa đua nở” (Nhân văn số 2), Trần Duy làm lý luận văn nghệ và khuyên Đảng nên lãnh đạo văn nghệ thế nào?

Trần Duy không bao giờ dám công khai nói trắng ra rằng không cần Đảng lãnh đạo, vì nói như vậy sẽ không lừa bịp được mọi người. Nhưng quan niệm của Trần Duy về sự lãnh đạo ấy như thế nào?

“Sau khi gắn bó người nghệ sĩ chặt chẽ hơn với thực tế để lấy tài liệu xây dựng tác phẩm, giúp cho nghệ sĩ nắm được cái chủ yếu, giúp cho nghệ sĩ những cái bí quyết bắt được cái “thần” của cuộc sống, lãnh đạo sau khi đã làm xong công việc ấy rồi thì nên dừng lại ở đấy”.

Đảng giúp đỡ văn nghệ sĩ hiểu được thực tế, “tìm tài liệu”… rồi sau đó thì thôi! Khi văn nghệ sĩ viết tác phẩm, không ai được nói gì nữa! Không ai có quyền “can thiệp thô bạo” vào tác phẩm “thiêng liêng” của Trần Duy đã viết vẽ ra. Đảng chỉ có việc “đưa tài liệu” cho Trần Duy thôi! Thật là một quan niệm “mới mẻ”, “táo bạo” về công việc của văn nghệ sĩ!

Nhưng chúng ta đều biết trong tình hình đấu tranh xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay, ngoài tối đại đa số văn nghệ sĩ là người tốt còn có một vài kẻ xấu, còn có những thứ luận điệu giáo giở ví dụ: những luận điệu chính trị kiểu thò lò của Trần Duy chúng ta không “dừng lại”, mà cứ vạch mặt nạ những luận điệu xấu xa ấy!

Trần Duy vạch ra phương pháp thực hiện trăm hoa đua nở:

“Muốn thực hiện hiệu quả chính sách trăm hoa đua nở, chúng ta còn cần những biện pháp chính quyền và tổ chức Đảng để tiến hành giáo dục quần chúng và cán bộ, nhìn nhận rõ vai trò của quần chúng trong việc giáo dục và chịu sự giáo dục của văn nghệ sĩ, trong việc làm thầy và làm học trò ở địa hạt văn học và nghệ thuật”.

Như vậy, trong việc lãnh đạo, biện pháp chính quyền và tổ chức của Đảng chỉ dùng đối với cán bộ và quần chúng nhân dân để cho họ nhận rõ vai trò làm thầy và làm học trò ở địa hạt văn học nghệ thuật! Thế còn Đảng đối với văn nghệ sĩ thế nào? Thì như trên Trần Duy đã nói chỉ có việc “đưa tài liệu” rồi “dừng lại”! Sao không nói trước hết văn nghệ sĩ phải chịu sự giáo dục của Đảng? Hai nữa sự giáo dục sao lại cần đến biện pháp chính quyến đối với đảng viên và quần chúng, còn văn nghệ sĩ không những không cần được giáo dục mà cũng hoàn toàn tự do, không cần gì đến biện pháp chính quyền?

Không phải vậy? Chúng ta đều biết nếu như văn nghệ sĩ nào không công nhận sự giáo dục của Đảng thì chỉ bơ vơ lạc lõng hoặc là bắt buộc phải đi tìm một sự “giáo dục”, một sự lãnh đạo nào khác chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, hoặc làm đầy tớ cho mấy kẻ đầu cơ sẵn tiền mà thôi!

Chưa hết! Theo Trần Duy, chính quyền và Đảng còn phải lãnh đạo bằng cách “nâng đỡ thích đáng, cụ thể về phương tiện, ấn loát, giấy má, phát hành của chính quyền và các cơ quan Đảng”. Như thế, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ nghĩa là cấp tiền, phương tiện, giúp đỡ ấn loát, gò lưng phát hành, mặc dầu đó là thứ văn nghệ chống lại Đảng, chống lại xã hội chủ nghĩa như văn nghệ trong báo Nhân văn và cái tập Giai phẩm!

Tóm lại, toàn bộ quan niệm về lãnh đạo của Đảng và chính quyền đối với văn nghệ của Trần Duy chỉ vẻn vẹn có cái việc: đưa tài liệu, cung cấp hiện tượng, cung cấp phương tiện, bán hộ tác phẩm, dạy cho mọi người biết các văn nghệ sĩ là thầy… Ngoài ra phải dừng lại, không còn việc gì nữa. Như vậy Đảng phải làm đầy tớ đồng thời phải cung cấp phương tiện cho văn nghệ sĩ để cho “trăm hoa đua nở” nghĩa là để cho những “Tiếng sáo tiền kiếp” chẳng hạn ra đời.

Một quan niệm quái gở như vậy nhưng lại núp dưới chiêu bài “dưới lá cờ của Đảng” chẳng là muốn lừa bịp trẻ con ư?

Đó là thứ quan niệm của bọn vừa đòi ăn cháo vừa đòi đá bát!


Tiếng sáo “lóc gân”

Trong truyện “Tiếng sáo truyền kiếp” (Giai phẩm mùa thu 1956, tập I), một điệu nhạc mới lạ, một nền văn nghệ gợi cảm mới, chứng minh cho lý thuyết trên đây của Trần Duy:

“Có một người thổi sáo thôn Hoàng thích chơi sáo, gặp một khách lạ đến chơi. Người này có một chiếc sáo kỳ dị. Hai người thổi sáo cho nhau nghe, tiếng sáo của khách làm cho người thôn Hoàng cảm xúc phát khóc. Người thôn Hoàng muốn được chiếc sáo của người khách lạ. Khách buồn rầu kể lại chuyện ông tổ phụ, nhà mình được trên chỉ cho đến rừng Tĩnh Tước, chặt được một đoạn trúc làm chiếc sáo ấy. Tổ phụ khách được chiếc sáo, rất yêu thổi chiếc sáo ấy vì nó sầu thảm lâm ly. Cũng vì vậy cho nên tổ phụ khách chết. Từ đó cho đến đời khách, không đời nào dám thổi chiếc sáo. Khách cho người thôn Hoàng chiếc sáo. Từ ngày được sáo, người thôn Hoàng “khao khát một điều gì hoài tiếc một cái gì mà chàng không tìm thấy ở cuộc đời thực tại”. Chàng liền đốt nhà, bỏ ra đi. Tiếng sáo của người thôn Hoàng làm cho người đá hóa kiếp thành tượng được nghe thấy sáo rừng Tĩnh Tước thổi vào vôi hồ của bức tượng lại hóa thành người con gái gặp oan nghiệt nên biến thành tượng xưa kia (Hồn người con gái này có lẽ đã chỉ cho “tổ phụ khách” đến rừng Tĩnh Tước chặt trúc làm sáo). Người con gái thành vợ người thôn Hoàng; tiếng sáo của người thôn Hoàng “thổi tan cái khí sống trong người vợ” rồi làm cho người vợ chết. Người thôn Hoàng cũng vì tiếng sáo ấy mà chết nốt… ”.

Đó là một thứ âm nhạc kỳ lạ. Chúng ta đã được nghe nhiều thi sĩ nói về âm nhạc. Người kỹ nữ trên bến Tần Dương có tiếng đàn tỳ bà làm cho:

Trong hoa, oanh ríu rít nhau
Suối tuôn róc rách chảy mau dưới gềnh…

Tiếng đàn của nàng Kiều khi nàng mới nhớn đã đa sầu đa cảm, khi gặp Kim Trọng gảy cho Kim Trọng nghe những điệu:

Trong như tiếng Hạc bay qua
Đục như nước suối mới xa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…

“Tiếng sáo Thiên Thai” của Thế Lữ thì:

Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không…

Khúc nhạc của Xuân Diệu xưa kia thì:

Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của du dương
Ngừng hơi thở lại xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương…

Người ta thích hoặc không thích các loại âm nhạc như vậy. Nhưng cùng lắm, người khó tính cũng chỉ có thể trách rằng trong các điệu nhạc đó có điệu nào đó “mơ mộng” “lãng mạn” mà thôi!

Và khi nói tới một loại âm nhạc khác hẳn như nhạc khiêu dâm của Mỹ, chúng ta cũng chỉ nói đó là âm nhạc khiêu dâm. Nhưng tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy thật là đặc biệt:

“…Tiếng sáo như lưỡi dao mỏng lùa vào xương tủy, lóc từng thớ gân một, chàng rợn người vì cảm xúc, lạnh buốt cả mười đầu ngón tay, sởn da gà, mồ hôi ở trán vã ra, chảy từng giọt”.

Nhưng điệu nhạc đó không cần đến tiếng sáo tiên rừng Tĩnh Tước mới có thể có được. Điệu nhạc đó cái máy quay điện của bọn phòng nhì vẫn dùng để tra tấn anh em tù chính trị, cái máy đó vẫn phát ra. Không cần gì phải nghe “tiếng sáo tiền kiếp”, các chiến sĩ cách mạng của ta nhiều người, khi ăn những ngọn đòn “đi tầu bay”, “đi tầu ngầm”, nghe khúc nhạc “máy quay điện” của bọn đế quốc, đã thấy như “lưỡi dao mỏng lùa vào xương tủy” “rợn người” “buốt cả mười đầu ngón tay” “sởn da gà” “mồ hôi ở trán vã ra…” .

Và cố nhiên thứ “âm nhạc” đó, thứ “văn nghệ” đó làm cho “nghẹn thở, rợn người, lạnh buốt toàn thân”; tiếng sáo “như những giọt dấm thanh đổ vào đống xương mục, đống xương lụn xuống dần, rã từng mảng, hơi bốc bay theo khói”. Tiếng sáo kiểu “máy quay điện” đó “thổi sau cái khí sống tụ trong người mình yêu”; “tiếng sáo càng thổi, người tổ phụ ta càng gầy rộc…” tiếng sáo làm chết bao nhiêu kiếp người.

Đó là “trăm hoa đua nở”, là “văn nghệ có tác dụng gợi cảm”, “văn nghệ chân thành của ngọn lửa nội tâm thôi thúc viết ra” ư? Điều đó có thể đúng với Trần Duy, nhưng đối với chúng ta, đó là âm nhạc, là văn nghệ của thần chết, kiểu Mỹ, thứ âm nhạc của bọn quen tra tấn những người làm cách mạng và bọn chuyên nghề chỉ điểm. Đó là văn nghệ suy đồi lên đến mực cao nhất của nó.

Truyện “Tiếng sáo tiền kiếp” còn đưa ra những thứ triết lý rất mới lạ như: bỏ nhân loại, đi tìm một pho tượng để cho “đỡ cô quạnh”, triết lý luyến tiếc cái đời vôi vữa đất bùn và nhiều thứ triết lý mục nát khác.

Tất cả những dẫn chứng lòe bịp về Mác, Ăng-ghen, tất cả những trò gọi là “phấn đấu cho trăm hoa đua nở” gọi là “tranh đấu cho tự do sáng tác” của Trần Duy chỉ là dẫn đến thứ văn nghệ vô nhân đạo của thần chết trên đây và những thứ triết lý mục nát khác.


Quả tim đó muốn gì?

“Truyện người khổng lồ không tim” (Giai phẩm mùa Thu 1956, tập II) ta lại thấy một “bông hoa lạ”, một khía cạnh khác về Trần Duy.

Trần Duy “Gửi những người cộng sản chân chính” truyện đó, có ý muốn giảng dạy cho những người cộng sản biết thế nào là người. Nội dung câu chuyện là Đức Ngọc Hoàng cho nặn lên một lũ “khổng lồ sức lực vô địch”, cho xuống hạ giới để “sát phạt ma vương, hổ báo, dẫy rừng, khai sông, lấp bể” mà cứu vớt loài người. Nhưng trong khi nặn số người khổng lồ đó, chỉ cốt lấy to, nhà trời hết nguyên liệu để nặn tim, cho nên trong đoàn khổng lồ có một số không tim làm cho nhân loại khổ sở “Những bản tình ca vừa chớm nở, những hoa bướm, những đôi lứa trẻ mới yêu nhau, những tình thương nỗi nhớ vừa nhen nhúm, có một số khổng lồ, không trông thấy đã xéo bừa lên, giày nát”. Ngọc hoàng gọi bọn khổng lồ về dạy bảo thế nào cũng không cải tạo được họ vì họ không có tim, sau đành phải tính đến chuyện làm một lũ người bé nhỏ nhưng có tim to cho xuống hạ giới…”.

Trần Duy đả kích những người cộng sản, cho họ là không có tim.

Những người cộng sản có sức mạnh vô địch có phải là tự trên giời rơi xuống không? Không phải. Những người cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, sở dĩ vô địch là vì gắn liền với loài người với nhân dân lao động. Sức mạnh của những người cộng sản là ở đó chứ họ không phải là thần thánh gì. Mà sở dĩ những người cộng sản được nhân dân tin theo, có sức mạnh, chính là vì họ “người” nhất, họ có tim, có óc nhất, tâm hồn họ rộng lớn hơn ai hết. Họ không phải là những con người máy họ là những con người có lý tưởng cao cả giải phóng nhân loại; mà muốn có lý tưởng giải phóng nhân loại, không có một tâm hồn rộng lớn, không có tim óc, không có lòng nhân đạo sao được?

Những người cộng sản là khổng lồ giày xéo lên tình yêu vừa nhen nhúm như Trần Duy nói ư? Một số người chủ trì báo Nhân văn như Hoàng Cầm, Lê Đạt cũng đã nói như vậy. Nhưng những người cộng sản chỉ phản đối tình yêu khi nào nó là một hành động vô nhân đạo. Khi có kẻ vì tình yêu mà phản bội cách mạng, tất nhiên người cộng sản phản đối và cố nhiên kẻ vì tình yêu mà phản cách mạng, mà lùi bước trước khó khăn là những kẻ vô nhân đạo, không tim, không óc chứ không phải là người cộng sản. Người cộng sản tán thành, ủng hộ, khuyến khích những tình yêu chân chính, nhưng họ phản đối những kẻ vô nhân đạo, sinh hoạt bừa bãi, tranh vợ, cướp chồng. Họ phản đối những cuộc tình duyên bất chính. Nếu như người cộng sản chỉ nghĩ đến tình yêu, gia đình, họ không chịu hy sinh như biết bao chiến sĩ đã hy sinh thì làm gì có cảnh tượng như ngày nay. Buồng tim, khối óc của người cộng sản rất là rộng lớn, điều đó những phần tử chỉ khư khư với cái sung sướng ích kỷ của cá nhân không thể hiểu được.

Trần Duy bôi nhọ những người cộng sản là “không tim”, vì quả tim của Trần Duy muốn những cái trái ngược với lý tưởng cộng sản – Cái luận điệu khổng lồ không tim ấy chúng ta đã nghe lâu rồi, nó là luận điệu của bọn tự xưng là “thế giới tự do” là “nhân vị” để tàn sát, bóc lột đồng bào ta.


*


Trên đây, tôi mới điểm qua một số bài viết của Trần Duy. Trong Giai phẩm – Nhân văn và cả sau này trên báo Văn, Trần Duy còn vẽ một số tranh đả kích nữa, cũng mang những nội dung phản động và xỏ xiên, lòe bịp như trong những bài viết kể trên. Ví dụ: tranh “ốc sên không cánh mà bay cao”, hoặc “một phương pháp xây dựng nghệ thuật”.

Bài viết, truyện, tranh vẽ của Trần Duy đều xoay chung quanh một chủ đề chính là bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản, và đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là những “bông hoa lạ” và “tìm tòi nghệ thuật” chăng? Không, đó chỉ là kiểu “Văn nghệ chống cộng” nhan nhản trên các báo Mỹ của “Thế giới tự do”, đó chỉ là những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4, năm 1958, số đặc biệt chống tÆ° tưởng phản Ä‘á»™ng của Nhân văn–Giai phẩm, trang 56-62. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.