Người phỏng vấn:
Anh đã đặt ra luật “lục bát thuận nghịch độc 2-trong-1”; đề nghị cho biết khởi đầu của ý tưởng này.
Pierre Bùi: Ý tưởng về thơ thuận nghịch độc đã có ở những người làm thơ Đường từ rất lâu. Trước đây tôi cũng đã… bắt chước thực hành nó với thất ngôn bát cú (sau khi tình cờ đọc được một bài của Hàn Mặc Tử, trong tạp chí
Văn trước 1975, số tưởng niệm nhà thơ này), nhưng chỉ đến 1988 mới nảy ý định áp dụng trò chơi vào lục bát.
Người phỏng vấn:
Sao gọi là “thuận nghịch độc 2-trong-1”?
Pierre Bùi: Vì một bài như thế cho phép đọc 2 chiều xuôi, ngược. Thí dụ bài này:
Canh tàn
đòi cơn ỉa mót thâu đêm
trăng hồn rọi bóng trời bên thụp ngồi
sông ngoài toả ngất mù khai
hoa như vàng xổ cứt đời nên thơ
ra rồi bảnh mắt banh mơ
về ngõ xa chừ thấy đếch mông mênh
nghe ai đứng sục tàn canh
mùa theo đi c… lõ cành buồn trơ
đọc từ phải sang trái, sẽ là:
Tàn canh
đêm thâu mót ỉa cơn đòi
ngồi thụp bên trời bóng rọi hồn trăng
khai mù ngất toả ngoài sông
thơ nên đời cứt xổ vàng như hoa
mơ banh mắt bảnh rồi ra
mênh mông đếch thấy chừ xa ngõ về
canh tàn sục đứng ai nghe
trơ buồn cành lõ c… đi theo mùa
Người phỏng vấn:
Còn có loại nào khác không?
Pierre Bùi: Tôi e là còn. Loại thứ nhì - cho phép đọc ngược bài thơ, cũng từ phải sang, nhưng không bắt đầu từ trên xuống như loại vừa rồi, mà từ dưới lên.
Người phỏng vấn:
Thí dụ?
Pierre Bùi: Bài này:
Biết răng
mau cho mệ chịu chưa nì
tau thôi thà đặng nớ ni khoan ừ
mà ri miết cũng rằng nư
là có mi chừ biết đách mô ai
chi ra rứa riết răng coi
cũng có thể đọc là
Răng biết
coi răng riết rứa ra chi
ai mô đách biết chừ mi có là
nư rằng cũng miết ri mà
ừ khoan ni nớ đặng thà thôi tau
nì chưa chịu mệ cho mau
Người phỏng vấn:
Vậy có thể có loại “3-trong-1”, nghĩa là đọc 3 cách: Một – đọc xuôi, hai – ngược từ phải sang trái, và ba – cũng từ phải sang, nhưng bắt đầu từ dưới lên, hay không?
Pierre Bùi: Tôi e là không.
Người phỏng vấn:
Tại sao?
Pierre Bùi: Vì không tránh khỏi phạm luật. Anh làm thử sẽ thấy.
Người phỏng vấn:
Cũng vui đấy, nhưng… tôi thấy trò này khó có thể gọi là thơ, phải không? Nghe giống như… “xiếc thơ” thì đúng hơn?
Pierre Bùi: Xiếc thơ? Cũng được thôi. Dù sao tôi vẫn “đăng ký tác quyền” trò này.
Người phỏng vấn:
Để làm gì? Có đáng không?
Pierre Bùi: Tôi e là đáng. Hãy hỏi trò rubic, cả triệu người chơi, thậm chí điêu luyện, song chỉ một người duy nhất được xem là tác giả - nhà kỹ sư đã thiết kế ra cái khối vuông ấy. Với các trò khác, cũng vậy thôi.
Người phỏng vấn:
Nhưng trò của anh thì có ý nghĩa gì?
Pierre Bùi: Tôi e là có. Người Việt Nam làm lục bát đã bao thế kỷ, có truyền thống, có biến thể, có cách điệu, có thể nghiệm, cũng lại đã có đủ các thương hiệu: lục bát ca dao, lục bát Nguyễn Du, lục bát Nguyễn Đình Chiểu, lục bát Tản Đà, lục bát Huy Cận, lục bát Nguyễn Bính, lục bát Bùi Giáng, lục bát Phạm Thiên Thư, lục bát Trịnh Công Sơn, thậm chí cả lục bát Bút Tre,… Nay tôi muốn “trói” nó lại, đặt vào một “góc chết”, như thế này, để từ nay có ai yêu lục bát, sẽ phải lao động nhiều hơn, không hồn nhiên như trước nữa.
Người phỏng vấn:
Chà, có nên tham vọng quá không?
Pierre Bùi: Tôi e là nên.
Người phỏng vấn:
Nhưng mà, ai sẽ quan tâm đến trò này của anh?
Pierre Bùi: Tôi sẽ ra giải thưởng. Ai làm xong một bài, cứ công bố; đọc được, tôi sẽ khao… một chầu nhậu.
Người phỏng vấn:
Đấy có phải một lời hứa không?
Pierre Bùi: Tôi e là phải.
SG, 12/2006
© 2006 talawas