© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
21.6.2004
Tưởng Bình Minh
Cảm tính mơ hồ hay đơn giản chỉ vì những món ăn ở đó có mùi vị cay chua không hợp lưỡi?
Trả lời Quốc Việt
 
Thưa anh Quốc Việt,

Cho phép tôi được trích một câu của anh trong bài Thuần tuý văn chương và nhạy cảm chính trị (talawas 17.06.2004) để làm tiêu đề cho bài viết này. Bản thân tôi cũng cảm thấy vui khi cuộc thảo luận nhân sự kiện talawas bị chặn tường lửa đã chuyển sang những nội dung thú vị khác, và chúng xem ra đều là những vấn đề cần trao đổi.

Anh đã viết: ''Cuối cùng tôi xin được đề nghị tác giả Tưởng Bình Minh dẫn ra những bài viết trên talawas đã lạm dụng khiá cạnh chính trị để chúng ta cùng phân tích và mổ xẻ. Hy vọng rằng qua đó chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn những lo âu thầm kín của những người quản lí văn hoá, cũng như dần dần tiếp cận những vấn đề được coi là nhạy cảm chính trị một cách nhạy cảm nhất.''

Xin nói ngay rằng tôi không chung hàng ngũ với '' những người quản lý văn hoá'' nào đó mà anh đã nhắc đến ở trên. Tôi chỉ là một độc giả bình thường như bao bạn đọc khác của talawas. Bản thân tôi cũng không ''ham'' lắm với những chuyện ''đao to búa lớn''. Thế nhưng tôi vẫn có thể chỉ cho anh thấy không ít ''những bài viết trên talawas đã lạm dụng khiá cạnh chính trị, cũng như dần dần tiếp cận những vấn đề được coi là nhạy cảm chính trị một cách nhạy cảm nhất''.

Và tôi cũng xin lưu ý: không có chuyện ''đấu tố chính trị '' hay ''quy kết chụp mũ '' gì ở đây. Chúng ta cần phải nhìn thấy một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, rằng: những trang websites Việt ngữ '' xuyên tạc , bôi nhọ chính sách đường lối của Nhà nước CHXHCNVN'' đều bị cơ quan quản lý văn hóa xử lý nghiêm. Đành rằng các bài đăng hoặc đăng lại trên một diễn đàn không nhất thiết phản ảnh quan điểm của BBT diễn đàn đó; nhưng cuối cùng thì họ vẫn cứ phải ''liên đới chịu trách nhiệm''. Biện pháp thường được áp dụng đối với những ''tạp chí nhạy cảm'', ''diễn đàn nhạy cảm'' có nguồn gốc từ nước ngoài không gì khác hơn là đặt tường lửa và lưu vào ''sổ đen'' để cấm con dân trong nước truy cập. Anh ''nhạy cảm chính trị''? Anh sẽ bị firewall! Đó là hiện thực đang xảy ra. ''Một người lính chết không bao giờ là người lính tốt, một vị tướng Mỹ đã từng nói như vậy. Tiếp tục con đường có thể hủy hoại chính mình thì đó là đi theo „đạo lý chết” chứ không phải „đạo lý sống”. Bản thân tôi mong muốn BBT talawas nên suy nghĩ về điều này để có được những ''chiến lược'' mềm dẻo và khôn ngoan hơn, để talawas vẫn sẽ là sân chơi của đông đảo bạn đọc yêu văn chương, mê học thuật ở ngoài và cả ở trong nước .

Tôi không có hứng để trao đổi về những vấn đề như: ''Ở Việt Nam hiện nay có dân chủ không? Nếu có dân chủ tại sao không được công khai thảo luận chính trị? Ở Việt Nam có tự do ngôn luận không? Nếu có tại sao vẫn có vài người vào tù bởi đã ''chống phá chế độ'' bằng các ấn phẩm tài liệu được xem là ''độc hại''? Tôi muốn nhấn mạnh rằng: ''Chính bởi tính ''đa phương, đa chiều'' nên nhiều vấn đề thuần tuý văn chương, học thuật đã được người ta lạm dụng và khai thác quá mức; kết quả cuối cùng là chúng đã vô tình lấn sang sân chính trị. Tôi đọc talawas mà nhiều khi cứ ngỡ mình đang đọc những trang webs bị chính quyền thẳng tay đặt tường chặn.''

*


Nói là ''không ít'' nhưng để anh Quốc Việt và bạn đọc talawas tiện tra cứu và theo dõi, tôi chỉ xin lấy một bài viết được đăng gần đây của tác giả Phan Xuân Lâm làm ví dụ (tuy rằng trong đó chẳng có tí văn chương, học thuật nào). Bài Bán sức lao động cho nước ngoài: lỗi không ở riêng ai! (talawas 10.06.2004). Chúng ta hãy thử xem ông Phan Xuân Lâm đã ''đối diện những vấn đề của hiện thực Việt Nam bằng cách đặt chúng vào những góc nhìn của thế giới bên ngoài'' như thế nào.

Xuất khẩu lao động và người đi lao động xuất khẩu? Hiện thực Việt Nam quá đi chứ. Hiện thực là tính đến tháng 11-2003, cả nước đã đưa được 74 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài (tăng gần gấp đôi so với năm 2001 và tăng 1,5 lần so với năm 2002). Trong năm 2003, lượng kiều hối do lao động xuất khẩu gởi về nước khoảng 1,5 tỷ USD. Nhiều gia đình nhờ đi lao động xuất khẩu mà thoát được nghèo. Nhưng hiện thực cũng còn là: vẫn có nhiều người đã khuynh gia bại sản; vẫn còn nhiều người lao động Việt Nam bị ức hiếp, chịu thiệt thòi ở xứ người. Vẫn còn cảnh các doanh nghiệp ào ào xuất khẩu người sang nước ngoài, nhẫn tâm ''đem con bỏ chợ'', ''sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi ''...

Quá là hiện thực Việt Nam. Và thế là tôi đọc bài viết nói trên của ông Phan Xuân Lâm.

Tôi đã khấp khởi mừng thầm khi nghe tác giả đưa ra gợi ý:

''Thay vì theo đuổi một lí tưởng không tưởng, phải chăng tốt hơn là nên nhận rõ hiện thực không thể thay đổi ấy, nhận rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó hòng suy nghĩ về những giải pháp cần thiết để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực? '' (''nó '' ở đây là vấn đề xuất khẩu lao động-NV)

Rồi tôi chợt nhớ tới mấy ''chiêu'' của ''ông nhà nước''. Ổng chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội của ổng phải tập trung đầu tư chuẩn bị nguồn, nâng cao chất lượng lao động đi xuất khẩu và tiến tới nâng dần hàm lượng lao động xuất khẩu có tri thức, ngoại ngữ, trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao. Ổng lại đặt ra cái nghị định 81/2003 NĐ-CP với nhiều chế tài để quản lý chặt chẽ hơn việc xuất khẩu lao động, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người đi lao động xuất khẩu. Mới đây ổng đã chỉ đạo ngân hàng nhà nước, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả quỹ tín dụng và công ty tài chính đều được phép cho người đi lao động ở nước ngoài vay vốn theo các hình thức tín chấp hoặc không tín chấp. Mức tín chấp vay tối đa là 20 triệu đồng. Rồi ổng đang mở các cơ sở tư vấn miễn phí cho họ. Chưa biết cái "ông nhà nước" sẽ làm ăn ra sao chứ mấy cái ''chiêu'' của ổng tốt quá đi chứ. Không biết ''tuyệt chiêu'' của Phan Xuân Lâm sẽ như thế nào nhỉ?

Đang băn khoăn một cách thú vị, tôi đột nhiên cụt hứng khi nghe ông Lâm hùng hồn:


Ông Lâm chuyển đề tài nhanh quá. Đang lao động làm thuê lại bắn sang ngay dân chủ, tự do ngôn luận với lại bầu cử... Những thân phận "bán sức lao động cho nước ngoài kia" có thể hiểu được chút gì về điều mà học giả Xuân Lâm đang nói tới không? Có cần cho họ không?

Rồi ông Lâm kết luận ngay, cũng tài tình và nhanh như khi đặt vấn đề:

''Như vậy, việc đổ lỗi cho bất kì ai trong cơ chế này là việc rất vô nghĩa. Phải thay đổi cơ chế ấy, thay đổi mô hình xã hội...''

Té ra chẳng ai có lỗi cả. Bị mụn nhọt chẳng nên xức thuốc làm gì, xức vào chắc chẳng khá hơn đâu. Tốt nhất là nên chặt luôn cả cánh tay.

Ý ông Lâm là như thế. "Bắn trâu xâu bò". Ông nào thương xót những kẻ tha hương kiếm
miếng ăn kia đâu. Chẳng qua ông lấy chuyện họ để ông nói dân chủ nhân quyền, để nói đến chuyện lật đổ nọ, thay thế kia, ''chính chị , chính em”. Buồn cười nhất khi ông Lâm dám chê ông Huy: ''Nhưng điều đáng lưu ý hơn là ông Huy không có một cố gắng nào đế quan tâm đến bản thân vấn nạn rất khó giải quyết này với tất cả những khía cạnh là những bài toán hiểm hóc của nó... ''. Nói một hồi thì ông Lâm đâm ra hoảng loạn và phán: ''Chế độ hiện nay tại Việt Nam không còn là chế độ cộng sản nữa.''

Người ta nói rằng: ''chỉ với một lời lịch sự, đừng mong tiến nhanh về trước dễ dàng. Nhưng nếu bạn có thêm một khẩu súng, mọi chuyện sẽ khác ngay''. Thế nên ngày xưa có thể dùng cán bút để xoay vần chế độ là bởi người ta dám chết, dám ra chiến trường. Còn với tác giả của Bán sức lao động cho nước ngoài: lỗi không ở riêng ai!, xem ra ông chỉ phán lấy được, cứ đao to búa lớn một cách hết sức vô trách nhiệm.

Cho tới khi đọc đến đoạn giữa của bài viết nói trên thì tôi mới thực sự ngớ người ra. Hóa ra ông Lâm đang tranh luận với "nhà hoạt động dân chủ'' Nguyễn Văn Huy nào đó bên diễn đàn Thông Luận do ông Nguyễn Gia Kiểng làm chủ biên. Thế sao ông Lâm không qua Thông Luận mà tranh luận cho nó ba mặt một lời? Theo như tôi được biết thì Thông Luận đã bị chặn tường lửa từ lâu vì những bài viết ''tràn đầy chất tự do dân chủ'' như của ông Lâm.

Thưa anh Quốc Việt,

Tôi chắc anh đã đọc talawas khá lâu. Tôi muốn hỏi anh là bao nhiêu bài đã được đăng trên đây có nội dung tương tự với bài Bán sức lao động cho nước ngoài: lỗi không ở riêng ai! của tác giả Phan Xuân Lâm? Với tôi, có vẻ như việc muốn ''yên thân'' ở một diễn đàn thuần túy văn chương, nghệ thuật hay học thuật gì gì đó chẳng phải quá dễ dàng.

*


Có ý kiến đã cho rằng: ''Trong mỗi nhà văn luôn có một nhà tư tưởng. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu phê bình, học giả,... là tìm ra được nhà tư tưởng trong mỗi nhà văn''. Mà đã tư tưởng thì bao giờ cũng đi kèm với chính trị, thế cho nên không ít tác phẩm văn học bị xem là ''có vấn đề'', là ''nhạy cảm''. Bản thân tôi hoan hô những nhà văn ''nhạy cảm'' bằng ''tác phẩm nhạy cảm''. Những ''Kiếm sắc'', những ''Tướng về hưu'' ''nhạy cảm'' quá đi chứ! Nhưng chúng vẫn có đất sống và thậm chí còn được đón nhận hết sức nồng nhiệt ở Việt Nam.

Cái đáng buồn là người ta không có tài để đủ sức nói chuyện "nhạy cảm" một cách trí tuệ như các nhà văn, hoặc với tư cách một nhà văn. Cảm nhận của tôi qua loạt bài ''Hoa thủy tiên'' đã được đăng tải trên talawas là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hình như đang bỏ bút đá người. Nhiều cái ông Thiệp nói không phải là không đúng; nhưng ông Thiệp hung hăng và cực đoan quá, chưa tương xứng với tư cách của một nhà văn. Và theo tôi loạt bài ''Hoa thủy tiên'' cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp để người ta chặn talawas. Phê bình đối thoại kiểu ''phỉ nhổ vào mặt cả một cộng đồng'' rất khó được chấp nhận.

Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nào từ talawas cho rằng đây là diễn đàn của văn chương, học thuật nhưng tôi rất hy vọng rằng nội dung chính mà nhóm chủ trương hướng tới vẫn sẽ xoay quanh hai đối tượng ấy.

Nếu vì một lý do vô tình hay hữu ý nào đó mà talawas vẫn sẽ phải chịu cảnh phong tỏa thì một độc giả như bản thân tôi cảm thấy đáng tiếc, rất đáng tiếc cho quý diễn đàn.

Hungary 19.06.2004

© 2004 talawas