© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
15.6.2004
 
Vì sao tường lửa?
Lê Văn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nhỏ Thanh, Nhược Trần, Phan Xuân Lâm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Lê Văn (Gò Vấp, TPHCM)
Bức tường tư tưởng

(Tản mạn nhân phỏng đoán sự kiện talawas bị phong toả bởi bức tường lửa)

Nhớ lại cách đây không lâu, vì lí do nạn mại dâm gia tăng, các nhà chức trách của Bộ Văn hoá – Thông tin (VHTT) dự định cấm karaoke, việc đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, và rồi lại chìm vào quên lãng. Sự việc đó tự thân nó đã nói lên nhiều điều, nhưng có lẽ nổi trội hơn cả là: sự yếu kém trong cung cách quản lí. Ở đất nước của những điều phi lí, Việt Nam, những sự việc như thế không phải là ít. Nạn chạy chức chạy quyền, mãi lộ, đạo nhạc, đạo văn, tham ô, lãng phí v.v. đã trở thành nếp, thành chuyện cơm bữa. Nó thường xuyên đến mức, hễ khi một vị lãnh đạo nào đó bị báo chí phanh phui là tham ô tài sản của nhà nước, người dân lại chợt nghĩ: chắc vị này không được lòng cấp trên. Vậy đấy, thế rồi thành lệ, mọi thứ lại rơi vào im lặng! Báo chí, dư luận, người dân không được lên tiếng, bởi vì, đã có Ðảng chỉ đạo, phải có niềm tin vào Ðảng! Thế đấy, người ta phải tin vào một điều mà họ biết chắc rằng nó phi lí, cũng giống như tin vào việc: mặt trời quay quanh trái đất vậy.

Có thể nói rằng, những mục tiêu cao đẹp mà các nhà chức trách hi vọng đang dần trở nên vô vọng. Nó vô vọng bởi họ, những nhà chức trách, đã bị phong toả bởi bức tường lửa của tư tưởng. Ai cũng hiểu rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, việc ngăn chặn một luồng thông tin nào đó là một việc làm hết sức ngớ ngẩn. Ðối với các vị ấy, cứ không quản lí được là cấm, ai nói ngược, nói trái với họ là sai là bậy, và cần phải cấm. Thế đấy, họ không hiểu rằng: sự quản lí tốt nhất là sự quản lí ít nhất.

Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao những trang web như talawas lại bị phong toả (hoặc có dấu hiệu bị phong toả)? Bởi vì, với cái tầm của họ thì talawas (và một số khác) ẩn chứa “...những cái ác và sự thù hận...” [1] .

Cần phải thấy rằng, bản thân talawas đã làm được việc: giải phẩu cho một thân xác bệnh hoạn. Con bệnh ở đây đã mắc phải tính tự phụ tựa như anh chàng AQ của Lỗ Tấn. Con bệnh này cho rằng: ta là số một, là vĩ đại, là chân lí; các người chỉ là một đám nít ranh, nói nhăng nói cuội. Ta có 4000 năm tuổi nên ta tất nhiên phải hiểu biết hơn bọn bay.

Chính tính tự phụ ấy xuất phát từ bức tường tư tưởng của chính họ, bức tường ấy mang trong nó hình ảnh của bờ tre, bờ ao, mái đình, cây đa v.v.. Ở họ, tư duy lúa nước đã bám rễ, gắn chặt, ăn sâu, đã trở thành máu thịt, thành bức tường, thành trì khó mà công phá. Chính vì thế, khi talawas đưa lưỡi dao để cứa những nhát thật sắc nhằm giải cứu con bệnh, để mổ ung nhọt ấy thì đã chạm đến nếp nghĩ của anh chàng 4000 tuổi. Ðể loại bỏ khỏi họ thứ “máu thịt” đáng chán kia, giúp họ từ một con bệnh thành một người khoẻ mạnh, điều đó đã khiến họ nổi đoá. Lẽ ra, với tinh thần cầu thị thì họ cần cảm ơn talawas. Thế nhưng, họ lại ra giọng kẻ cả, bề trên và phán: không được, chúng bay phải im lặng.

Ôi thôi! Ðó chính là nghịch lí, là nỗi đau thế sự. Cuộc đời thì luôn luôn ẩn chứa những điều như thế, người tốt bao giờ cũng bị những nỗi hàm oan, khổ tâm. Thế nhưng, sự độ lượng bao dung luôn là cần thiết, và talawas chưa bao giờ ghét bỏ bệnh nhân của mình.

Cái tâm bệnh của anh chàng ấy chính là bệnh tư tưởng. Và hẳn còn lâu lắm mới trị được, còn lâu lắm mới bình phục. Nên nhớ rằng 4000 năm tuổi đã biến hắn thành một kẻ chai lì, ngưng đọng và vô cảm. Lỗ Tấn đủ tầm tư tưởng để “bổ” một bài thuốc cho anh chàng AQ Trung Quốc, nhưng mãi đến những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, chàng AQ Trung Quốc mới kịp hồi sinh. Chính thế, loại bỏ bức tường tư tưởng, trị được tâm bệnh của họ không phải là việc làm một sớm một chiều.

“Ngày đó ngày đó sẽ không xa xôi
và chúng ta là người chiến thắng”

Hi vọng một ngày nào đó talawas sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Hi vọng một ngày nào đó căn bệnh tư tưởng sẽ được gột rửa. Một khi làm được điều đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều; và nhân từ thì không chấp vặt, phải không talawas?

*


Nguyễn Thế Hoàng Linh (nhà văn, Hà Nội)

Ông vua cởi truồng II
(truyện ngắn)

Truyện “Ông vua cởi truồng” hình như kết thúc ở đoạn vua cởi truồng đang diễu hành quanh những lời tán tụng đại loại như “cà vạt đẹp quá” thì bỗng có một đứa bé reo lên: “Ô! Ông vua cởi truồng kìa!”. Chuyện dừng trong âm vang của lặng im màu đỏ bừng.

Tiếp theo, ông vua cởi truồng ra lệnh chém đầu đứa bé can tội vu khống.

Ở môi trường văn hoá có cơ hội dễ dàng đọc những dòng thế này thì phần đông chúng ta sẽ không thể tin được trên đời tồn tại một thứ quyền lực tàn bạo và phi lí thế. Dù phi lí quanh ta cũng (không) đến nỗi (không) bịt mắt mà vẫn (không) thấy.

Cậu sinh viên đại học luật năm đầu ngồi kia vẫn không tin hở? Cá không? Nhưng trước khi cá thì đơn giản nhất, cậu thử vào google.com gõ mấy chữ “nạn nhân chiến tranh” hoặc “victims of war” rồi enter sẽ thấy ối đứa bé bị gã đao phủ chiến tranh chặt đầu. Chưa kể các đao phủ khác. Tớ không thích lấy tiền của một chú nhóc nào đó có lúc như tớ cố tin rằng những điều tồi tệ đã và đang xảy ra không xảy ra. Niềm tin vô lí ấy giúp chú thanh thản lúc nào đó nhưng trò chuyên mị dân thanh thản ấy của chú góp phần giúp cái ác, cái xấu tiếp tục xảy ra.

Thực ra đây cũng có thể là một phép thử của ông vua cởi truồng. Hắn muốn thách thức cả thời đại để đo quyền uy của mình. Hắn cửng sự thật trước mặt dư luận để xem với sự thật mà ai ai cũng nhìn thấy, họ làm được quái gì nào? Và như thế, sự thật cũng để làm quái gì nào? Khi mà ai ai cũng cố tự lừa mình theo cái mốt hắn đưa ra. Ở đây, vua cởi truồng là kẻ trung thực với bản thân nhất, hắn thừa biết là hắn cởi truồng. Bên cạnh việc chơi trò đo sự chấp nhận trơ trẽn của dân tình đến đâu, hắn muốn xem sự không chấp nhận trơ trẽn nào sẽ lộ diện. Hắn muốn biết khi hắn chém kẻ đầu tiên lên tiếng, ai sẽ lên tiếng tiếp theo. Và được bao đứa. Để hắn lập danh sách xử một thể luôn.

Đây là một mẻ lớn, một tên bắn hai chim. Hắn chỉ không ngờ kẻ khởi xướng lại là một đứa trẻ ngô nghê và không hề biết sẽ phải trả giá đắt thế nào cho tiếng nói hồn nhiên của mình. Nhưng mọi sự đã vào guồng và hắn không thể không ra lệnh chém đứa trẻ.

Thêm một điều mà hắn không ngờ là sẽ nhận được một sự phẫn nộ lớn đến thế từ phía quần chúng. Phẫn nộ sự trơ trẽn của hắn? Phẫn nộ sự ngang nhiên tiết lộ của đứa trẻ phá vỡ sự vờ yên ổn? Hay phẫn nộ sự thiếu phẫn nộ đâm hèn nhát và thua kém trẻ con lâu nay của mình? Có lẽ là một sự phẫn nộ vô thức cộng hưởng cả ba ngọn lửa ấy. Và nó dồn lên ông vua cởi truồng - nhà tạo mốt mông muội nghênh ngang cưng cửng trước mặt họ.

Vua sẽ bị phanh thây nếu ông ta không mỉm cười và cởi bộ quần áo cởi truồng ra. Lớp da cởi truồng được rũ bỏ, bên trong là một người mặc quần áo giản dị. Ông ta cất giọng trầm ấm vang xa: “Nhân lúc mọi người tụ lại đông đủ ở đây, tôi đề nghị đồng bào không để chuyện lố bịch này xảy ra một lần nữa”. Nói đoạn, ông vua vừa cởi bộ quần áo cởi truồng bế bổng đứa trẻ rồi hôn lên trán nó.

Và họ bắt đầu một ngày lao động vất vả mới.
10.06.04

*


Nhỏ Thanh (nhà thơ, Đức)

Lửa thử vàng

Dân ta có câu: Có qua hoạn nạn mới biết tấm lòng của bạn bè. Nay, nhân sự kiện talawas bị tường lửa mới thấy diễn đàn này được bạn đọc, bạn viết yêu mến như thế nào. Trong những ngày qua, rất nhiều người trong nước, ngoài nước đã lên tiếng đứng về phía các anh các chị talawas cũng như bày tỏ sự bức bối khó chịu trước những ai đó đã quyết định phong tỏa diễn đàn hết sức tự do, dân chủ này..., tôi tin rằng vào những ngày tới chắc chắn còn có rất nhiều người cũng sẽ tiếp tục lên tiếng nữa.

Cách đây ít ngày, thấy dư luận xôn xao rằng: talawas bị tường lửa rồi, lúc đầu tôi cảm thấy bất ngờ quá, nhưng sau đó khi đã bình tâm suy nghĩ, lại thấy cũng chẳng bất ngờ lắm. Tại sao lại có sự quẩn quanh như thế? Thưa rằng, một diễn đàn lớn như vậy, với một tập thể diễn giả đông đảo đủ mọi thành phần ở khắp các châu lục nhiệt tình, vô tư, thẳng thắn cùng những bài viết, bài dịch, bài sưu tầm công phu, chân thành, khoa học, được thể hiện bằng những tay nghề rất cao với ý thức hết sức xây dựng như vậy... mà bị phong tỏa thì thử hỏi ai mà chẳng bất ngờ đến sững sờ. Tiếc lắm chứ. Công phu của bao nhiêu người. Một cái mỏ tri thức lộ thiên lớn như vậy mà người ta cấm cửa không cho khai thác thì thử hỏi ai mà không xót xa. Bản thân tôi, với talawas bấy lâu nay vẫn là một chốn đi về. Một tuần có bảy ngày thì trừ chủ nhật ra, những ngày còn lại từ thứ hai đến thứ bảy ngày nào cũng phải tạt vào thăm talawas một lần để xem bạn có gì hay, có gì mới không, và thật là thú vị khi lần nào cũng có. Tôi rất thích cách ví von của nhà thơ Hải Phòng, chị Dư Thị Hoàn. Vâng, đúng vậy, cũng như chị và rất nhiều người khác, lần nào ghé vào cái quán talawas này chúng ta cũng được thưởng thức những món thật đã. Còn cái sự sau này không thấy bất ngờ nữa thì vì đây là chuyện xảy ra ở Việt Nam. Thời buổi nào thì đất nước chúng ta cũng đầy ắp những chuyện lạ đời, những nghịch cảnh, những éo le, những không đáng có, nay thêm một lần nữa thì cũng vậy mà thôi.

Trong cuộc đời người ta có nhiều điều phải quyết định. Nhưng cũng có nhiều điều quyết định rồi mới thấy là hồ đồ, vô lý... Tôi nghĩ rằng, tâm trạng của những người chủ trương phong tỏa talawas bằng tường lửa trong những ngày này cũng thế vậy mà thôi. Ở Việt Nam, những ai không muốn đọc, không muốn tìm hiểu xem talawas viết cái gì thì từ bao lâu nay đã vẫn không đọc rồi. Còn những ai là bạn bè của diễn đàn này, việc cần phải vượt qua những chướng ngại vật kiểu này hoặc thậm chí nguy hiểm hơn nữa, chẳng chóng thì chầy thế nào cũng vẫn có cách khắc phục. Và, thế là rốt cuộc talawas cần phải đến với đối tượng nào thì nó cũng vẫn cứ đến, đấy là chưa kể nhân sự kiện: “tường lửa” này, nhiều người tò mò lại loay hoay vượt tường thử vào xem trong ấy có cái gì lạ lùng lắm hay không. Vậy nên, giả sử tôi ở cương vị các vị, nếu trước đây đã âm thầm phóng hỏa thì nay cũng sẵn sàng âm thầm triệt thoái các nguồn xăng nhớt, dầu hỏa, ma dút, cùng các vật dễ cháy dễ nổ khác, hòng chung sống hòa bình với thiên hạ, chứ còn cứ tiếp tục kéo dài thêm cái việc làm vô nghĩa ấy thì cũng có được cái gì.

Lửa thử vàng gian nan thử sức, tôi tin chắc rằng qua sự kiện tường lửa này talawas lại càng lớn mạnh, càng vững như bàn thạch. Một lần nữa tôi xin gửi đến toàn thể các anh các chị trong ban biên tập diễn đàn sự cảm thông và chia sẻ chân thành.

*


Nhược Trần (nhà văn, Hà Lan)

Khi nhận được tin mạng talawas bị "tường lửa", tôi vô cùng bất bình. Từ sự bất bình chuyển sang phẫn nộ và cuối cùng là niềm thất vọng lớn lao. Với một đất nước còn nghèo nàn và lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp như Việt Nam, nhưng chính quyền vẫn cứ tiếp tục ôm khư khư cái chủ trương bưng bít thông tin. Điều đó lịch sử sẽ công minh phán xét.
talawas là một trang web điện tử đa chiều, đa dạng, chỉ thuần tuý làm chuyện văn hoá, văn học nghệ thuật. Sự kiện xảy ra trùng khớp với thời điểm có cuộc phỏng vấn ông Thứ trưởng bộ VHTT Đỗ Quý Doãn. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc phỏng vấn này, phóng viên báo Văn Nghệ lại đề cập đến talawas. Theo trực giác của tôi, đây có thể là do sự đố kỵ của một bộ phận chính thống nào đó khi họ nhận thấy tầm ảnh hưởng khá lớn đối với văn hữu, trí thức và độc giả trong nước của talawas, khi họ muốn sử dụng quyền lực sẵn có để áp đặt và bịt mồm, bịt mắt công luận. 

Chúc ban biên tập nhiều nghị lực vượt qua trở ngại này để văn hữu và bạn đọc trong nước vẫn có thể tiếp tục tiếp cận được với talawas.

*


Phan Xuân Lâm (USA)

Kính gửi talawas,

Hàng năm theo chỗ tôi biết nhà nước Việt Nam cử ra nước ngoài hàng ngàn cán bộ nhân viên để học tập, đào tạo, công tác ngắn hạn và dài hạn trong các lĩnh vực khoa học, văn hoá. Nếu như tính cả những người đi ra nước ngoài bằng con đường tự túc hoặc kể cả bất hợp pháp thì hàng năm có lẽ phải đến vài chục ngàn người. Điểm đến nói chung ở đại đa số đều là các nước tư bản tiên tiến dân chủ phương Tây chứ không phải là các nước có cùng đường lối chính trị với Việt Nam như Cuba và Bắc Triều Tiên bây giờ hoặc các nước trong khối XHCN Đông Âu như trước kia.

Thiết nghĩ, người bình dân sống ở trong nước thì chẳng quan tâm đến một diễn đàn như talawas, có đưa vào tận tay họ cũng không đọc, có đọc cũng không hiểu mô tê gì, tức là chuyện đóng hay mở talawas không có ảnh hưởng gì với số đông dân chúng. Còn đối với giới sinh viên trí thức thì như tôi đã trình bày ở trên, hàng ngàn, hàng chục ngàn người có điều kiện tiếp xúc với những tư tưởng mới mẻ và tác phong công khai dân chủ trong quá trình học hành đào tạo ở phương Tây, lại có những mối quan hệ thiết lập được sau một thời gian sống ở nước ngoài, do đó không có gì khó khăn để tiếp tục theo dõi những tranh luận công khai dân chủ như trên talawas thời gian qua.

Tôi đang làm tiến sĩ khoa học tự nhiên tại Mỹ, cũng sắp hết hạn. Ngoài việc theo dõi nhiều tờ báo trong đó có talawas tôi cũng tham gia một vài nhóm thảo luận và tôi sẽ duy trì các sinh hoạt tinh thần này khi đã về nước. Tôi rất buồn về hành động đóng cửa talawas của chính quyền Việt Nam, vì có thể nói thẳng là nó cho thấy chính quyền của một quốc gia đang hướng tới tương lai mà không có nguyên tắc nhất quán gì cả, cứ như người đẽo cày giữa đường, loay hoay làm toàn những việc mâu thuẫn nhau để đến chỗ mắc như gà mắc tóc. Lẽ ra cần lấy giới trí thức làm điểm tựa để từng bước giáo dục dân chúng thì chính quyền lại thả lỏng dân chúng và quay sang uốn nắn kiểm soát giới trí thức. Nhưng uốn nắn kiểm soát thế nào được khi hàng năm vẫn phải cử rất nhiều trí thức sang nghiên cứu đào tạo tại các quốc gia có đường lối tư tưởng ngược với Việt Nam? Nếu chống “diễn tiến hoà bình”, “chuyển lửa về quê hương” thì trước hết nhà nước Việt Nam phải chấm dứt ngay việc cử những “sứ giả hoà bình” là các sinh viên, trí thức Việt Nam đi ra nước ngoài đào tạo, vì sau một thời gian ở nước ngoài là họ tự nhiên đã trở thành những cái “nùn lửa”. Thật đúng là giật lửa ở gấu vá lên vai, cuối cùng chỉ tổ cả cái áo cháy nhanh hơn. Nếu sống đến ngày nay, không biết Marx sẽ phát biểu rằng cái gì đang giãy chết, cái gì đang tự đào mồ chôn chính nó?

Vài lời bức xúc cùng các anh chị.


© 2004 talawas



[1]Trả lời cùa Thứ trưởng Bộ VHTT trên báo Văn Nghệ