© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
14.2.2007
 
Hai lá thư của ông Nguyễn Hữu Đang
 
Nhà thơ, nhà báo Hoàng Hưng vừa chuyển cho talawas hai lá thư ông Nguyễn Hữu Đang gửi cho ông, cũng là gửi cho các đồng nghiệp ở báo Lao Động vào năm 1993 - 1994. Được sự đồng ý của Hoàng Hưng, talawas công bố toàn văn hai lá thư này để bạn đọc thấy được tinh thần kiên nhẫn, lạc quan của người cựu lãnh đạo phong trào Nhân văn-Giai phẩm trong hoàn cảnh đói nghèo cũng như tính cách nghiêm túc, cẩn trọng của một nhà báo lão thành đối với công việc viết và làm báo, khi ông ở tuổi 80, và 20 năm sau khi ra tù.
talawas
Thư số 1

Hà Nội, ngày 10-11-1993

Anh Hoàng Hưng thân mến,

Tôi gửi vào lời ân cần hỏi thăm sức khoẻ, sinh hoạt và công việc của anh và của các bạn tốt đã quan tâm đến đời sống của tôi với tình nhân ái cao quí. Một lần nữa, tôi khẳng định lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với thịnh tình của các bạn. (Xin nói rõ: tôi đã rất phấn khởi nhận được đầy đủ các món quà của các bạn mà anh em ngoài này gọi là “lộc” [1] ).

Hôm anh trở về, tôi không biết trước để đến cùng anh chia tay, tôi rất tiếc và xin anh thứ lỗi. Từ sau buổi gặp anh, tôi vẫn có ý muốn gửi vào trong ấy một cái gì làm món quà mọn tỏ mối quan hệ thân thiện giữa chúng ta, mối quan hệ mà tôi mong càng ngày càng phát triển tốt đẹp.

Các bạn hãy coi như chúng ta gặp nhau, cùng nhau nói chuyện vui vẻ, thân mật và tôi cao hứng cho các bạn nghe một bài thơ, kể cho các bạn nghe một câu chuyện yêu đương thời còn trẻ. Quà suông thế đấy!

Thơ thì tôi ít lắm nhưng cũng có sẵn một bài làm trong trại giam năm 1960 nhân nghe một người đồng cảnh ngâm mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương là bạn học với tôi hồi còn nhỏ. Tôi chép gửi vào để các bạn đọc cho biết một vài cảm nghĩ của tôi, cách đây ba mươi ba năm, về tình nhân loại vẩn đục những tội ác của chủ nghĩa Xtalin, chủ nghĩa Mao Trạch Đông, chủ nghĩa đế quốc Mỹ… chủ nghĩa phát xít đã qua hay biến dạng và những hành động duy ý chí tổn hại vô ích.

Chuyện thì có đoạn hồi ký tôi mới viết gần đây. Tôi ghi lại hoàn toàn đúng sự thật, có sai chệch chút ít thì cũng chỉ trong chi tiết nhỏ, thí dụ lời lẽ những câu đối thoại (trí nhớ không thể trung thành như máy ghi âm). Nếu các bạn thấy câu chuyện “có vẻ tiểu thuyết” thì lý do chính bản thân sự việc nó như thế, nó giống nội dung một cuốn tiểu thuyết nào đó một cách ngẫu nhiên chứ không do tôi thêu dệt. Các bạn biết đấy, sự thật nhiều khi vượt xa hư cấu hoặc trùng hợp với hư cấu.

Cũng xin bộc lộ là chính vì lý lo cái “vẻ tiểu thuyết” dễ gây nghi ngờ mà trong đoạn hồi ký này tôi đã phải bới đi hai tình tiết có thật không quan trọng:

1. Trên thực tế, trong buổi đầu tôi gặp Huyền Nhiên ở giữa đường, có cả cô em Huyền Nhiên xấp xỉ tuổi chị. Trong bài viết tôi phải loại bỏ sự thật có mặt của cô ta để khỏi giống đoạn đầu Truyện Kiều.

2. Trên thực tế, còn có một người anh họ xa của Huyền Nhiên cũng yêu Huyền Nhiên tha thiết mà không được Huyền Nhiên đáp lại. Trong bài viết tôi phải loại bỏ sự tồn tại của anh ta để khỏi giống Đoạn tuyệt của Nhất Linh có nhân vật Thân (tầm thường) bên cạnh nhân vật Dũng (xuất sắc) cho Loan so sánh, lựa chọn trong lòng.

Ngoài ra, để tránh sự phản ứng có thể sẽ có ở phía chồng và các con của Huyền Nhiên đang sống ở Sài Gòn – do câu nệ hay hẹp hòi, không muốn ai nói động đến chuyện yêu đương cũ dù là đúng đắn của người thân đã khuất, tôi gọi chệch các tên thật (… [2] ). Thế thôi.

Tôi gửi bài hồi ký vào, trước nhất để các bạn đọc cho vui, nhưng nếu anh thấy có thể đăng báo và chuyển đến tờ Lao Động mà các bạn đang góp sức đẩy mạnh, thì tôi càng hoan nghênh. Tôi vẫn có thiện cảm với tờ báo ấy. [3]

Trong trường hợp đăng được, tất nhiên tôi phục tùng quyền sửa chữa và quyết định tối hậu của Ban biên tập, nhất là việc cắt bớt thì không nên dè dặt, miễn là có chỉ rõ chỗ cắt bằng ba dấu chấm (…).

Về đầu đề, có thể dùng "Bộ vòng xơ-men" hoặc "Bộ vòng giao ước", tùy Ban biên tập chọn.

Bài hơi dài, không nhất thiết phải đăng ngay, có thể giữ lại, đăng vào số Tết có nhiều trang.

Trong trường hợp không đăng được, anh cứ tin là vẫn vui vẻ cả và anh hãy yên tâm giữ bản thảo lại làm vật lưu niệm (tôi đã viết sẵn câu đề tặng [4] ). Anh chỉ cần báo cho biết càng sớm càng tốt bằng thư gửi qua Phùng Quán (Ngõ số 10, cạnh trường Chu Văn An, đường Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội.)


*


Dưới đây là đôi nét về tình hình tôi hiện nay mà dĩ nhiên là bài Phùng Quán viết về tôi không thể nào nói rõ vì Quán đến thăm tôi đầu năm 1991, từ bấy đến nay đã gần ba năm, trong thời gian ấy người ta đã có thay đổi một phần cách đối xử với tôi cũng như với những anh em Nhân văn khác, xin báo cáo tỉ mỉ cùng các bạn quí:

1. Người ta không chính thức công bố sửa sai, phục hồi theo tinh thần Đại hội VI, cứ đối xử khác đi để ai chú ý thì ngầm hiểu như thế. Vấn đề là giữ ý thế nào đó.

2. Người ta trả lại chế độ hưu trí nhưng ấn định mức lương một cách tuỳ tiện chứ không kể cấp bậc, không tính thâm niên. Đáng lẽ, phải xếp tôi tối thiểu chuyên viên 7, nhưng chỉ xếp chuyên viên 5.

3. KGB không còn gây phiền hà hay xử sự thô bạo như trước. Ít ra, bề ngoài tôi cũng bình thường như mọi người dân lương thiện.

4. Hoạn quan, bồi bút không còn lên gân đả kích, qui chụp, chỉ thỉnh thoảng nói mơ hồ “vụ Nhân văn–Giai phẩm đã giải quyết xong rồi”.

5. Hội Nhà văn thay Hội Văn nghệ cũ nhận là cơ quan chủ quản của tôi (được coi là cán bộ biên tập của Hội đã về hưu).

Hằng năm, đến Tết có biếu quà mừng tuổi. Vào dịp kỷ niệm 40 năm xuất bản báo Văn Nghệ có mời đến chiêu đãi riêng và tặng 100.000đ. Nhân dịp anh em văn nghệ sĩ mừng thọ tôi 80 tuổi, có cử Hữu Mai đại diện đến chúc mừng và tặng quà.

6. Nhà xuất bản Văn Hoá đã ký hợp đồng ấn hành một tập hồi ký 200 trang của tôi.

7. Một số tờ báo sẵn sàng đăng bài hiền lành nhưng tôi chỉ mới hứa hẹn (trừ tờ Nghệ thuật Điện ảnh đã đăng hai bài).

8. Chưa được hưởng trợ cấp lão thành cách mạng tuy có đủ tiêu chuẩn. Vì đã phạm kỷ luật nghiêm trọng (Không cần biết việc thi hành kỷ luật đã được xét và sửa sai).

9. Chưa được phân phối một căn hộ hai phòng để có chỗ sống là phụ, có chỗ chết là chính. Đã tích cực đề nghị mà chưa được trả lời

10. Nói tóm tắt một câu thì việc sửa sai, phục hồi đối với tôi mới chỉ được thực hiện nửa vời, chiếu lệ.

Chắc chắn tôi sẽ chết trước khi được xã hội trả lại đầy đủ sự công bằng theo lương tri chứ không phải sự “công bằng” theo những nguyên tắc qui định của một tổ chức.

Song song với cách đối xử mới của người ta bước đầu như trên, tôi đã tự mình xây dựng cuộc sống chuyển hướng trên cơ sở:

1. Sức khoẻ tốt: không có bệnh mãn tính nặng, không hay ốm đau lặt vặt. Cơ thể có suy nhược theo tuổi già như tai, mắt răng, đầu gối, động tác phản ứng… đều kém đi nhưng cũng còn tạm đủ dùng ở mức trung bình. Có bốn cái khoẻ: ăn khoẻ, ngủ khoẻ, nói khoẻ, đi xe đạp khoẻ. Trong lứa tuổi tám 80, thuộc loại khá.

2. Trí tuệ minh mẫn tuy trí nhớ yếu. Việc cũ nhớ nhiều, nhớ kỹ, việc mới hay quên. Còn đủ năng lực viết lách, viết báo, thuyết trình, thảo luận.

3. Sinh hoạt hàng ngày theo nếp “ba ít”: ít vật chất, ít quan hệ, ít quan tâm. Tiêu dùng đại tiết kiệm. Thiếu sách báo, tài liệu để bồi dưỡng kiến thức. Không có đồng hồ, rađiô, tivi. Quần áo, chăn màn tạm đủ. Xe đạp tồi. Đối nhân xử thế sòng phẳng, chung sống hoà bình.

4. Tình cảm: sống với bạn bè là chính, tìm được ở những người thân tình yêu thương, quí trọng, giúp đỡ ân cần. Ngoài ra cũng có nhiều người quen biết hay không quen biết tỏ thiện cảm. Đó là niềm an ủi. Tự xét mình lương thiện, chưa bao giờ làm hại cá nhân hay xã hội. Đó là niềm tự hào.

5. Tư tưởng, về căn bản theo học thuyết Lão, Trang. Chấp nhận, phục tùng khách quan; thích ứng với môi trường; coi nhẹ các vấn đề đấu tranh cải tạo, cống hiến, công bằng xã hội, tiến hoá loài người v.v… Cụ thể về chính trị, cứ nhắm mắt theo đuổi tuyệt đại đa số quảng đại quần chúng nhân dân; làm nghĩa vụ công dân ở mức độ tối thiểu cần thiết; không cần phân biệt chủ nghĩa nào, chế độ nào, đảng phái nào. Chỉ cần hai chữ “bình yên”.

Trong hoàn cảnh tuổi già, thanh bần, đứng ngoài lề xã hội, lý do tồn tại của tôi những năm còn lại là sống để xem và thưởng thức cái xem.

6. Hoạt động tinh thần: nói thưởng thức cái xem là nói cảm nghĩ trong khi xem. Tôi tranh thủ những giờ nhàn rỗi (không xem) để viết những cảm nghĩ trong khi xem. Viết chơi như người ta chơi cây cảnh, không khẩn trương, không cố gắng xuất bản hay không xuất bản không thành vấn đề. Không cần danh, lợi hay ảnh hưởng.

7. Để dành tiền: một câu hỏi lớn day dứt là “sẽ chết ở đâu?” Bởi vậy những món tiền mà bạn bè và những người thương yêu san sẻ, giúp đỡ, tôi không dám tiêu ngay. Phải gửi ngân hàng để tích lũy, phòng xa người ta nhất định không phân phối cho một căn phòng, cùng đường phải tự lực làm một gian bán mái bám vào chái nhà ai đấy thì tôi cũng có thể góp phần mình với các nhà hảo tâm.

Tình hình tôi mọi mặt hôm nay đại thể là như thế. Không dám chắc rồi đây tôi sẽ có thêm được cái gì tốt hơn không. Dù sao tôi cũng đã quen chịu đựng số phận bất hạnh, chỉ mong khổ vừa vừa. (Tiện đây cũng xin báo cáo thêm là tôi tin có định mệnh và do đó tôi nhận thức loài người là một bầy con rối.)

Anh Hoàng Hưng ạ,

Trên kia tôi có nói về tư tưởng tôi theo học thuyết Lão, Trang song nói cho thật đúng thì là tôi hướng theo, mà lại chỉ mới hướng theo ở một vài điểm nào đấy thôi. Học thuyết ấy quá cao siêu, tôi không có đủ trình độbản lĩnh để lĩnh hội được hết và áp dụng được thoả đáng. Nói nôm na, tôi chỉ mới dựa vào quan niệm “vô vi” để kiên định thái độ “tiêu cực cầu an”, không còn sợ “tiêu cực cầu an” là hèn. Trái lại, tôi ngang nhiên khoe mình “tiêu cực cầu an” vì đó là chân lý, là con đường đi tới hạnh phúc – “tiêu cực cầu an” có lý tưởng, có lập trường vậy.

Chưa cần tìm hiểu sâu xa gì lắm, chỉ cần biết một điểm này: Lão Đam khuyên dạy người đời cái lẽ “tri túc”: Hãy tự lấy làm bằng lòng với những cái gì mình đang có. Đấy là bí quyết để sung sướng, ít ra cũng là bí quyết để tránh bấp bênh, vất vả, bảo đảm bình yên.

Tôi thật lòng muốn học đòi “tri túc” để biến cái thiếu khách quan, phàm tục thành cái đủ chủ quan tiên tử.

Chúc các bạn trong ấy vui, mạnh, thành công và “tri túc”.

Xiết chặt tay và mong gặp lại

Nguyễn Hữu Đang

Bài thơ gửi kèm thư số 1

Quán trọ hành tinh

Gửi Vũ Hoàng Chương, nhà thơ Đạo học
Nguyễn Hữu Đang

Anh “đến nhân gian lạc bến bờ
Tìm sông lưu lạc, núi bơ vơ ” (1)
Biết chăng sầu oán vùi tâm thức
Máu đẫm tay người ngập phím tơ
Bước chân lịch sử đi không vội
Tơ nhện thiên đường dệt giấc mơ
Ngày đêm vô vạn hành tinh vỡ
Lặng ngắt thinh không vũ trụ mờ

Yên Bái, 1960
N. H. Đ.

(1) Lời thơ Vũ Hoàng Chương:
Ta đến nhân gian lạc bến bờ
Tìm sông lưu lạc, núi bơ vơ” (NHĐ)


Thư số 2

Hà Nội ngày 6-6-1994

Anh Hoàng Hưng thân mến,

Tôi gửi vào lời ân cần hỏi thăm anh, gia đình anh và các bạn quí Trần Trọng Thức, Tống Văn Công, Lưu Trọng Văn, Hoàng Thoại Châu, Lê Phú Khải và tất cả nhân viên báo Lao Động trong ấy mà tôi mong sẽ có dịp được quen biết.

Tình hình tôi vẫn bình thường, nghĩa là khoẻ, tỉnh tỏ và tạm đủ no ấm. Đang tiến hành chuyển cư lên ở hẳn Hà Nội dù chưa có nhà được thuê và chưa có khẩu chính thức thường xuyên. Việc đề nghị được phân phối thuê nhà đã có triển vọng sẽ được giải quyết. Người ta hứa chắc chắn, còn mình thì cứ chờ đợi trường kỳ, chỉ mong sẽ có nhà riêng trước khi chết. Còn món trợ cấp lão thành cách mạng 140.000 đ /tháng thì người ta trả lời dứt khoát là không được hưởng vì đã “phạm kỷ luật nghiêm trọng”, muốn được hưởng thì phải xin xoá bỏ việc thi hành kỷ luật cũ đã. Chuyện khó đấy vì người ta chỉ muốn giải quyết sửa sai nửa chừng. Tại sao, anh có thể hiểu, tôi nói ra thêm phiền. Nhưng cũng không vì thế mà tôi chấp nhận. Sẽ còn khiếu nại – cũng trường kỳ như kháng chiến, như chờ đợi nhà riêng.

Nhắc lại việc tử tế mới đây:

Sau khi nhờ Phùng Quán chuyển đến anh bài “Bộ vòng xơ-men”, tôi trở về quê Thái Bình, mãi đến giáp Tết Nguyên đán mới lại lên Hà Nội. Ở quê, đầu tháng 12-1993 được tin Lao Động đã đăng hai kỳ “Bộ vòng xơ-men” tôi bèn đi tìm mượn đọc mà chẳng kiếm đâu ra [5] . Muốn mua ở thị xã, chẳng có nơi nào bán. Đành vào thư viện tỉnh đọc nhờ – phải đạp xe 12 km, không phải chuyện đùa. (Lưu ý các anh về việc phát hành. Có lẽ ít quá không đủ bán chứ không phải bán chạy, chóng hết đến thế). Rất cảm ơn các anh về sự quan tâm và cũng rất hài lòng về cả ba mặt giới thiệu, biên tậptrình bày. Riêng về bản in thì mất một từ, sai hai từ, không đáng kể. (Chỉ mong L.Đ. phấn đấu đạt tới trình độ tuyệt đối không in sai một chữ mà sách báo nước ngoài đã thực hiện được từ lâu).

Ngày 28 tháng Chạp âm lịch tôi lên Hà Nội, đến nhà Quán đúng lúc Quán vừa từ trong Nam trở ra. Quán đưa cho tôi thư của anh kèm với 500.000đ nhuận bút. Mừng lắm. Thư cho biết dư luận tốt về bài báo và tình cảm nồng hậu của anh em. Còn nhuận bút thì so với ngoài này là khá. Nhân dịp này cũng xin khẳng định rất thật thà là tôi tuy nghèo mà cũng chẳng cao đạo gì nhưng ít chú trọng tiền công trong những việc làm mà tôi thích. Các anh giúp cho như thế là quí; nhiều, ít không thành vấn đề, đừng bao giờ các anh e ngại không đáp ứng sự mong muốn của tôi mà các anh tưởng là cao trong khi sự thật lại là tôi không cầu kỳ, đòi hỏi.

Tiền nhuận bút tôi vẫn chưa dám tiêu, cứ còn phải gửi ngân hàng phòng xa rồi đây có thể phải làm túp lều để có chỗ chết như tôi đã nói với anh – biết đâu căn buồng mà người ta hứa lại chẳng là bánh vẽ? Rất tiếc là Quán đã lười không chịu đem ra cho tôi những số L.Đ. mà các anh dành cho theo tiêu chuẩn quyền tác giả. Tôi lên thủ đô muộn, báo L.Đ cũ nếu còn lại cũng khó tìm thấy, thế là lại tốn công lùng khắp nơi quen biết để xin lấy đem photocopy tặng bạn bè, việc kéo dài lai nhai đến nửa tháng mới xong. Tôi oán trách Quán thấu trời.

Sau khi “Bộ vòng xơ-men” được hoan nghênh, tôi đã có hứng viết ngay một bài định gửi đăng vào L.Đ. số Tết, nếu không kịp thì vào số Xuân. Viết về đề tài tiếu lâm để vui đùa với bạn đọc một chút vào dịp năm mới. Viết công phu tôi tin là sẽ hấp dẫn và có ích. Bài viết xong, cũng gửi cho Phùng Quán để nhờ chuyển chẳng ngờ Quán đi vắng, mình nằm ở quê đâu có biết, thành ra bài ứ đọng. Quán trở về, Quán đọc, Quán không tán thành tôi vui đùa trên báo bằng tiếu lâm vì “dù sao tiếu lâm cũng vẫn còn bị nhiều người cho là nhảm”. Quán cứ muốn tôi lúc nào cũng đúng mực, nghiêm chỉnh, thậm chí đạo mạo, theo quan niệm cũ cố nhiên.

Tuy không đồng ý hẳn với Quán, tôi cũng khiêm tốn nghe theo dè dặt, tạm hoãn gửi đăng báo, giữ lại để sửa chữa thật kỹ cho chín chắn; nếu đông đảo anh em tán thành, ủng hộ thì sẽ đăng vào số Tết cuối năm nay. Đầu đề là “Truyện tiếu lâm bên lề một hội nghị văn hoá” (Hồi ký kháng chiến). Bản thảo hoàn chỉnh, tôi sẽ chụp photocopy gửi cho anh một bản để các bạn quí cùng bình luận và góp ý kiến với tôi. Không vội, còn sáu tháng nữa để nghiên cứu và quyết định.

Ngay bây giờ, tôi gửi đến anh bài kèm đây để anh làm việc với Ban biên tập báo L.Đ. “Vật khinh, hình trọng”, chưa biết bài sẽ được đánh giá thế nào, tôi cũng màng cả năm đề nghị:

1. Nhận được là đăng ngay chứ không giữ lại để đăng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hay dịp Quốc khánh. Đăng càng sớm càng tốt.

Vì tôi không muốn bài chìm ngập trong vô số bài cùng đề tài mà tất cả các báo đều có bổn phận đóng góp vào các dịp ấy. Chừng ấy, bài báo dễ bị độc giả không chú ý hoặc coi thường, hoặc đã thưởng thức quá tải những bài khác đến chán ngấy rồi.

Tôi nghĩ thế. Nếu các anh nghĩ trái lại thì tôi đành xin thua. Các anh là Bộ Chính trị của tờ báo, tôi phải phục tùng.

2. Về mặt biên tập: Nếu không dùng toàn văn bản thảo vì thấy dài quá đối với khuôn khổ tờ báo (không muốn đăng hai, ba kỳ) thì cứ cắt bỏ thoải mái, cắt bỏ bao nhiêu cũng được. Chỗ nào tôi thích mà bị cắt bỏ tôi sẽ lấy lại trong tập sách 200 trang đã ký hợp đồng với NXB Văn Hoá. Tất nhiên những chỗ sai, hỏng đều phải sửa đổi.

Tuy vậy có một đoạn tôi xin được giữ nguyên văn. Đó là đoạn “Riêng tôi lúc ấy… sau thời điểm chào cờ hôm ấy” (trang 6). Vì đó là một thứ “tuyên ngôn độc lập cá nhân”. Các anh hãy độ lượng, thông cảm chứ đừng chê là khó tính.

3. Về đầu đề (tên bài, “tít”): Tôi giới thiệu mấy tên sách mà tôi định dùng để các anh tham khảo:

- Tên chính: “Ngày khai sinh vĩ đại”, “Ngày khai sinh lớn”, “Ngày khai sinh lừng lẫy”

- Tên phụ: ở dưới, chữ nhỏ hơn, trong ngoặc đơn: “Nhớ về Ngày Độc lập 2-9-45”

Còn tên bài báo (đầu đề, “tít”) thì có hai trường hợp:

a. Không cắt bỏ chỗ nào hoặc cắt bỏ không đáng kể:

- “Tít” chính: có thể là một trong ba tên dự kiến cho sách.

- “Tít” phụ: ở dưới, chữ nhỏ hơn, trong ngoặc đơn: “Ấn, kiếm nhà Nguyễn – Tuyên ngôn Độc lập”

b. Cắt bỏ nhiều, hết hoặc gần hết những chỗ có khoanh nét đỏ, nội dung thu gọn lại trong đề tài ấn, kiếm đơn thuần; chỉ đặt một “tít”: “Ấn, kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài “Ngày Độc lập” 2-9-45”

4. Về minh hoạ (tranh, ảnh):

Nếu L.Đ. không có ảnh tốt hơn thì có thể dùng hai hay một ảnh kèm đây.

- Ảnh màu chụp một bức tranh vẽ theo ảnh, căn bản đúng hiện thực nhưng cũng có tô điểm thêm vài ba chi tiết (hiện bày trong Viện Bảo tàng Lịch sử). Nên dùng.

- Ảnh đen trắng nhỏ đã in trên báo, chụp ảnh lúc Chính phủ Lâm thời vừa bước lên mặt lễ đài (x. tr. 6 bản thảo). Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Dương Đức Hiền, Vũ Trọng Khánh, Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang. Ảnh này dùng xong gửi trả lại tôi.

Theo ý tôi dùng một ảnh màu (toàn cảnh cuộc mít tinh) là đủ đẹp. Chân dung cụ Hồ đăng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hay Quốc khánh long trọng hơn.

- Ảnh đen trắng to chưa in trên sách, báo lần nào, mờ quá, tôi gửi đến để các anh xem cho biết. Trong ảnh, cụ Hồ đã đội mũ chứ không để đầu trần như lúc mới lên lễ đài, lúc này vẫn chưa có người che ô. Áo của ông cụ ở đây màu thẫm, có thể không phải bằng kaki (tôi không nhớ rõ). Trong ảnh, lại có hình một người đang chụp ảnh hay quay phim (Mai Trung Thứ?) là điều mà tôi chưa bao giờ nhớ được, cứ yên trí là đã không cho ai bước lên lễ đài ngoài Chính phủ Lâm thời và ông Nguyễn Lương Bằng. Phía sau người chụp ảnh hay quay phim, đứng lùi vào mé trong là Nguyễn Hữu Đang. Ảnh này xem xong cũng gửi trả lại tôi.

5. Về xã giao:

Thể nào ở cuối bài cũng ghi “Trích hồi ký sẽ do NXB Văn Hoá ấn hành năm 1995”. Đó là điều kiện tôi đã cam kết với NXB để họ đồng ý cho trích bản thảo (đã ký hợp đồng) đăng báo trước. Chú ý: ghi rõ “NXB Văn Hoá”. Chuyện có đi có lại.

Cuối cùng, tôi muốn đề ra nguyên tắc cho tất cả những bài tôi gửi đăng trên L.Đ. là:

- Không đăng thì báo cho biết ngay bằng thư gửi qua Phùng Quán (Ngõ số 10, cạnh Trường Chu Văn An, đường Thụy Khuê, HN)

- Không cần trả lại bản thảo.

- Đăng được thì báo cho biết sau khi chấp nhận bản thảo, thư cũng gửi qua Phùng Quán. Tôi cần biết sớm để kịp đón mua báo hoặc đến lĩnh báo ở 51 Hàng Bồ mà các anh dặn trước [6] .

Có đăng mà tôi không biết đủ sớm thì tôi cũng dễ mất phần như chuyến “Bộ vòng xơ-men” vừa rồi.

Xin phản ảnh với các anh một nét tồi trong sinh hoạt hằng ngày của tôi bây giờ là nếu cứ ở nhà thì không được đọc một tờ báo nào, không có một tờ báo nào để đọc.

Chúc anh mạnh khoẻ, vui vẻ, sẵn tiền, vợ đảm, con ngoan, tự do, bình đẳng.

Chào “công bằng, văn minh thật”.

Nguyễn Hữu Đang

T.B.:

1. Sau khi đã hoàn thành bản thảo hồi ký 200 trang về “Ngày Độc lập” để sòng phẳng với NXB Văn Hoá, nghĩa là từ tháng 9 mùa thu sắp tới tôi sẽ có thể viết một số bài cho L.Đ.. Tôi chỉ sợ không nắm vững nhu cầu của tờ báo (vì ở xa các anh và không có báo để theo dõi nội dung báo) chứ không sợ thiếu nhiệt tình.

2. Gần đây Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương có soạn một tài liệu chống những hoạt động phá hoại an ninh chính trị, gửi cho các đảng ủy địa phương dùng, cụ thể là để tất cả các chi bộ Đảng học tập. Đoạn cuối tài liệu có một câu qui cho Phùng Quán đã tiếp tay cho nhóm Nguyễn Hộ chắc anh đã biết rõ. Rồi đây Quán sẽ có thư kể lại đầu đuôi sự việc. Trong thư này tôi chỉ có thể khẳng định một câu là Phùng Quán oan, C.A. đã báo cáo sai và Ban TTVH T.Ư. đã thiếu xác minh thận trọng.

Mặt khác, chắc Quán sẽ đấu tranh thanh minh, nhưng cũng còn lâu mới giành được sự công bằng, và trong khi đó thì Quán mang tiếng thế nọ thế kia, rất thiệt hại. Quán đã phải tính đến nước kiện Ban TTVH T.Ư. trước toà án về tội vu cáo nếu họ không chịu sửa sai đến nơi đến chốn.

Không hiểu những người có quyền phân xử sẽ giải quyết êm thấm, hay là sẽ lờ đi, coi như chẳng có chuyện gì, hay là sẽ trấn áp người khiếu tố? Dù sao tôi cũng tin rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc, chỉ đổi mới kinh tế, chưa đổi mới chính trị.

Nhưng thôi, anh Hưng ạ, năm mươi năm qua những sự việc bất ngờ lớn trong nước, ngoài nước đã dạy cho chúng ta những bài học lớn mà kết quả là chúng ta đã biết nghĩ và sống cao hơn những chuyện đấu đá “thiệt mình mà chẳng ích gì cho ai”.

Chính tập Người đi tìm mặt [7] của anh cũng đã xa lánh những đao to búa lớn, xa lánh những Don Quichote.

3. Ban đầu tôi nghe người ta nói Hoàng Hưng mới cho ra một tập thơ như sự thách thức với cái tên ngang ngang Tôi vẽ mặt tôi (!). Phùng Quán phải đi mua với giá 7.000đ. Tôi mượn đọc. Đọc chưa kỹ, chưa hiểu lắm nhưng đã thấy có cái gì như những cảm giác siêu thực: “Đường phố 1”, “Đường phố 2”, “Đường phố 3” rồi “Sốt”:

Tôi bồng bềnh tôi nở chật không gian
Tôi nhìn tôi bay khỏi đất

Chương “Nhập môn” sẽ làm cho tôi tự ty là người ngoại đạo. Tôi tạm coi những bài trong đó là thần chú hay mật mã.

Trái lại, bài “Định mệnh” đã giúp tôi nhích lại gần thơ anh, nhất là hai câu:

Em bi phẫn ở hiền sao gặp ác
Ác ở trong hiền chứ ác ở đâu

thì tôi lấy làm tâm đắc lắm. Nếu có dịp bình luận hai câu đó, tôi sẽ viết một trăm trang sách. Càng thấm thía hơn đối với tôi là bài “Người về” mà tôi thấy đề tài và chủ đề trùng hợp – song mở rộng hơn, khơi sâu hơn – với một bức danh hoạ của Répine (Nga). Có thể nói câu:

Bước vào cửa người quen tái mặt

của anh đã được Répine minh hoạ chính xác, đầy đủ. (Anh có thể tìm xem bức tranh này trong tuyển tập tranh Répine do Liên Xô xuất bản, chú thích bằng Pháp văn, đã bán ở Hà Nội, hiện tôi đang có). Tên bức tranh là: "Những người không ai chờ đợi” nói tình huống bi thảm của những người tù đày chính trị từ Siberie trở về gia đình, bị xa lánh.

Thôi nhé, thư quá dài rồi, tôi dừng bút.

Nguyễn Hữu Đang

Tiện đây, tôi gửi tặng anh tấm ảnh để tỏ tình thân và ghi lại việc tôi đã tìm thấy mặt không vui, không buồn, không thiện không ác, như thế là như thế.

"Tuyên ngôn độc lập cá nhân" của ông Nguyễn Hữu Đang (Trích trong bài viết về lễ Tuyên ngôn Độc lập)

… Riêng tôi lúc ấy, tâm trạng không đơn giản. Bên cạnh sự kính trọng của tôi đối với nhà cách mạng lão thành ở cương vị đề xướng, thiết kế, hướng dẫn, lúc ấy tôi còn có niềm tự hào cá nhân về tư cách mình là một trong những người hưởng ứng, thi công, thực hiện, "góp gió thành bão". Từ tuổi thiếu niên, bước theo con đường của Ông Cụ, tôi đã đạt một số thành tích khiêm tốn và hy vọng sẽ làm được hơn. Đường còn dài, cuộc sống còn nhiều thử thách song tôi vẫn lạc quan. Sau mười lăm năm hoạt động xã hội, tôi đã trưởng thành! Quan tâm đến bản thân, tôi chợt nghĩ: dù tận tụy, hy sinh vì công ích đến đâu cũng không ai có thể hoàn toàn vô tư. Chủ động hay không, ai cũng thể hiện mình theo xu hướng tự nhiên, trong những điều kiện khách quan và bằng cái vốn tự có. Tham gia phong trào giải phóng dân tộc có định hướng xã hội chủ nghĩa (4), tôi đã thể hiện mình không phải như giọt nước hoà tan vào một dòng sông, mà như một nhạc công trong dàn nhạc.

Bấy lâu, thể hiện mình để chung sức đấu tranh, trước khi giành được chính quyền, tôi đã phải cùng đồng đội vượt bao gian nan, nguy hiểm để nhận lấy những kết quả hạn chế. Từ nay hẳn tôi sẽ được như con chim sổ lồng vỗ cánh bay cao. Khoảnh khắc tôi trông thấy tôi trong bước phát triển mới: thoát khỏi vòng giam hãm, uy hiếp của chế độ thực dân bạo tàn, tôi đang sống hết mình, đang phát huy ý chí và năng lực, đang học hỏi và cống hiến, đang được tin cậy và giúp đỡ trong một quần thể trùng trùng điệp điệp… Ý thức tồn tại tự do và thanh cao cùng với dân tộc độc lập, xã hội công bằng nâng con người tôi vụt lớn lên đồng thời tình cảm gắn bó với đất nước đã sinh ra và nuôi dưỡng mình cũng thu con người tôi vụt bé lại như trẻ thơ mừng mừng tủi tủi trong vòng tay mẹ hiền sau những năm gia biến.

Nếu Cách mạng thành công đưa đến cho người dân sự đổi đời thì hình ảnh viễn tưởng của sự đổi đời ở tôi đã bắt đầu hiện ra như thế trong nội tâm, sau thời điểm chào cờ hôm ấy.

(4) Chính vì có định hướng này mà cuộc đấu tranh chống xâm lược và nền thống trị ngoại bang mới được gọi là cuộc cách mạng đúng với nghĩa chính xác của hai tiếng "cách mạng" trong sử học và chính trị học (NHĐ)


© 2007 talawas



[1]Khi Hoàng Hưng từ Tp HCM ra Hà Nội, một số anh em ở báo Lao Động phía Nam đã góp tiền - số tiền không lớn - gửi ra biếu ông Nguyễn Hữu Đang và ông Phùng Cung, thông qua Phùng Quán. (Các chú thích trong bài đều của talawas.)
[2]Chỗ này xin cắt bỏ để không phiền lòng những người liên quan.
[3]Tờ báo Lao Động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1990, với quyết định của Tổng biên tập Tống Văn Công, một đảng viên cấp tiến, đã ra phụ san Lao Động Chủ Nhật do nhóm nhà báo Sài Gòn cũ (Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu…) phối hợp với nhóm nhà báo từ Hà Nội vào (Hữu Tính, Hoàng Hưng, Lưu Trọng Văn…) thực hiện, mở đầu cuộc cách tân báo chí thời đổi mới. Năm 1993, LĐCN nhập vào Lao Động, thành tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam lúc ấy.
[4]Câu đề tặng trong bản thảo là: "Thân mến tặng anh Hoàng Hưng để ghi nhớ buổi gặp nhau lần đầu ở nhà Phùng Quán. Hà Nội, 10-11-93". Khi đưa cho báo Lao Động đăng bài "Bộ vòng xơ-men", Hoàng Hưng đã cắt bỏ dòng đề tặng.
[5]Khi "Bộ vòng xơ-men" được đưa lên Ban Biên tập báo Lao Động để duyệt đăng, PA 25 của Công an đã biết ngay, họ đến đòi xem bản thảo. Tất nhiên là họ cẩn thận hơi thừa, vì đây là câu chuyện về mối tình đầu của ông Đang vào năm 1946, nhưng nội dung rất "tốt", thể hiện lòng kính yêu tôn thờ của cô người yêu ông với Cụ Hồ.
[6]Bài viết của ông Nguyễn Hữu Đang đã không đến được báo Lao Động vì phút chót, người được ông nhờ cậy là Phùng Quán đã tự động đem gửi cho một tờ báo khác có địa vị chính trị quan trọng (ý muốn cho ông được xuất hiện một cách đầy "chính thống"). Ông Đang đã phải viết một thư khác cho Hoàng Hưng để xin lỗi về việc ấy.
[7]Tập thơ của Hoàng Hưng xuất bản đầu năm 1994. Vì tập thơ này, đặc biệt là bài "Người về", PA 25 đã rày với Tổng Liên đoàn Lao động, cơ quan chủ quản của báo Lao Động, tờ báo mà Hoàng Hưng là thành viên. Nghe tin, Hoàng Hưng đã viết đơn xin từ nhiệm Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ của báo.