Trong bài viết mới với một loạt câu hỏi “có phải ai cũng biết?”,
Bùi Tín đã chất vấn tôi về nhiều vấn đề khi tôi cho rằng việc ông viết về Cải cách ruộng đất ở thời điểm này chỉ là việc “
xới lại cái cũ ai cũng biết”, vô bổ. Tất nhiên, không phải ai cũng biết những điều Bùi Tín vạch ra và có quan điểm như ông, nhưng tôi xin khẳng định một điều đã trở thành hiển nhiên rằng, tất cả những người Việt Nam có chút hiểu biết ở thời điểm này đều biết những điểm chính: ta làm CCRĐ là do Liên Xô và Trung Quốc ép; làm theo kiểu Trung Quốc, khi thấy sai là ta sửa ngay; việc sửa sai có thể nói đến nay kể cả những nước dân chủ văn minh nhất chưa có nước nào mà các nhà lãnh đạo trước những sai lầm lại xử lý nghiêm khắc như vậy: từ Tổng Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị đến uỷ viên Trung ương liên quan trực tiếp đến CCRĐ đều mất chức. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, các nguyên thủ khi tham dự APEC Hà Nội đều công nhận Việt Nam là một đất nước thân thiện, ổn định và năng động, riêng Tổng thống Bush còn nói Việt Nam là “một con hổ trẻ”; mối quan tâm lớn nhất hiện nay của mọi người Việt Nam khi vào WTO là nền kinh tế của ta như con thuyền nhỏ ra biển lớn sẽ phải như thế nào? Hiện tại ta đang mở cửa, kêu gọi đầu tư, khuyến khích kinh tế nhiều thành phần, hoàn toàn không hề có dấu hiệu xuất hiện một cuộc CCRĐ mới, vết thương CCRĐ thực sự đã liền sẹo, thì việc Bùi Tín khơi lại chuyện CCRĐ thực sự là một việc làm lạc lõng và vô bổ. Phải chăng mỗi tiến bộ của đất nước hôm nay càng chứng tỏ sự chống đối của Bùi Tín là sai nên ông buộc phải bấu víu vào những chuyện đã mốc meo lên trong quá khứ? Chúng cũng không có giá trị sử học bởi cái nhìn của Bùi Tín là không khoa học và biện chứng
như tôi đã phân tích. Ngay trong bài mới lần này, Bùi Tín cũng có nhiều ý không khoa học và biện chứng như vậy. Ông viết rằng Đảng Cộng sản Việt Nam khi sửa sai không dám thừa nhận đã “mù quáng” tuân theo cố vấn Trung Quốc làm CCRĐ. Chính Bùi Tín đã viết trong cuốn
Mặt thật: “
Theo tôi, ông Hồ không mặn mà lắm với cải cách ruộng đất. Trong việc này, ông bị sức ép của Mao, của Stalin. Ông có những tính toán riêng của mình”; Hoàng Tùng trong
Những kỷ niệm về Bác Hồ (theo
caulacbodanchuvietnam@yahoo.com, tháng 01 năm 2005) viết: “
Đại hội Đảng ta năm 1951… không nói gì đến cải cách ruộng đất… vì thế nên mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Sau thấy không thể từ chối được nữa Bác mới quyết định… Sau này có những phiên họp Bộ Chính trị tôi hay ngồi lại cùng Bác nói chuyện, có lần bác trầm ngâm nói: “Mình đã nói để kháng chiến xong đã, mới tiến hành cải cách ruộng đât, cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách ta, chứ không theo cách của họ”.
Như vậy ta đã bị ép làm CCRĐ, nghĩa là bị buộc phải làm những điều ta không thích, vậy sao có thể nói là “
mù quáng tuân theo” được? Đã “
mù quáng tuân theo” sao còn sửa sai? Còn tại sao ta phải làm? Hiển nhiên là mình muốn nhờ vả người thì buộc phải chiều người vậy thôi. Có điều ta chỉ chịu nhường điều nhỏ để mưu đồ việc lớn chứ hoàn toàn không phải trở thành nô lệ thụ động như cách nhìn của Bùi Tín. Thực tiễn những thắng lợi của hai cuộc kháng chiến cũng như vị thế của Việt Nam hôm nay đã chứng minh rõ ràng những cách ứng xử đó là đúng, Bùi Tín không thể nói ngược lại.
Bùi Tín viết: “
mục tiêu thật sự của CCRĐ không phải là chia ruộng đất cho nông dân mà là nhằm củng cố nền chuyên chính của ĐCS đối với toàn xã hội”. Với một chính quyền non trẻ, nếu CCRĐ đúng là giúp “
củng cố được nền chuyên chính” thì tốt quá, còn phê phán gì nữa? Có chế độ nào không thực hiện nền chuyên chính? Trước đây khi thay đổi vương triều, nền chuyên chính phong kiến từng diệt tận gốc rễ vương triều cũ; ngay thời hiện đại, sau mỗi cuộc chiến, phe thắng trận đều lập toà xử bên bại trận. Riêng ở ta, sau cách mạng 1945, Bảo Đại không bị xử mà còn được mời làm cố vấn; sau chiến thắng 1975 cũng không hề có chuyện tắm máu. Tiếc là cuộc CCRĐ đã xảy ra thực sự không phải “
nhằm củng cố nền chuyên chính vô sản” như ý của Bùi Tín mà thực chất theo Hoàng Tùng (tài liệu đã dẫn): “
Mục đích của họ (tức TQ) không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Đảng ta. May mà đến năm 1956 ta kịp dừng lại, nếu không thì tan nát hết”. Vì đại cục, chúng ta buộc phải bỏ qua những điều không tốt đẹp như vậy.
Bùi Tín viết: “
Có thật ai cũng biết rằng chính lãnh đạo Trung Quốc - cụ thể là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai - là kẻ đã có sáng kiến chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, rồi ép ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp phải chấp nhận ở Hội nghị Genève, theo lợi ích của riêng Trung Quốc?”. Có thể không phải ai cũng biết một cách chi tiết như vậy, nhưng chuyện Trung Quốc từng đô hộ ta một ngàn năm thì ai cũng biết. Chuyện song song với viện trợ rất nhiều cho ta, Trung Quốc cũng ép ta rất nhiều thì những người có chút hiểu biết cũng đều biết. Nhưng biết để làm gì, Bùi Tín muốn khơi sâu thù hận để phát động một cuộc chiến 1000 năm chinh phục Trung Quốc theo gương nhà Nguyên Mông và Mãn Thanh chăng? Không, chẳng có ai lại điên rồ làm như vậy. Mà trong việc ứng xử với Trung Quốc, bài học
“nhường phương Bắc” của cha ông luôn được coi trọng. Nhưng về toàn cục ta chỉ nhường cái có thể nhường, còn những cái lớn thì không thể. Riêng tôi, không chỉ biết những điều Bùi Tín viết ở trên, mà tôi còn biết hơn thế nữa. Theo
Hồi ký Trần Quỳnh: “
Vào nhà ga ăn cơm… một nửa có Phạm Văn Đồng, Trương Xuân Kiều và Hoàng Văn Lợi. Một nửa có Nguyễn Duy Trinh, Đặng Tiểu Bình và tôi. Lúc ăn cơm, Trương Xuân Kiều nói: Tôi xin chuyển đến các đồng chí ý kiến của Mao Chủ Tịch: Các đồng chí đánh 20 năm, buộc được quân Mỹ về nước, nhưng miền Nam vẫn còn chế độ Nguyễn Văn Thiệu, chứng tỏ sức của các đồng chí chỉ làm được đến đấy, cán chổi của các đồng chí ngắn, không thể quét hết địch ra khỏi miền Nam. Vì vậy từ nay giữa hai miền Nam Bắc phải cùng chung sống. Còn ở miền Bắc, các đồng chí không nên xây dựng nhiều và lớn. Kinh nghiệm của Trung Quốc xây dựng nhiều và lớn thì thất bại. Chỉ nên xây dựng ít và xây dựng nhỏ”. Thế là rõ, Trung Quốc trước sau như một muốn nước ta mãi mãi bị chia cắt và mãi duy trì một nền sản xuất nhỏ, nghĩa là không bao giờ muốn có một Việt Nam thống nhất và giàu mạnh. Nếu ĐCSVN đúng là
“tay sai” “mù quáng” “tê liệt tư duy” như ý Bùi Tín thì phải tuân theo ý trên của Trung Quốc, nhưng ngược lại ta vẫn tiến hành công cuộc thống nhất đất nước và sẵn sàng trả giá cho mục tiêu cao cả, tối thượng này. Thực chất cuộc chiến 1979 giữa ta với Trung Quốc và Khmer Đỏ là một sự trả giá. Như vậy, sự ứng xử của ta với Trung Quốc rất linh hoạt, có cứng có mềm, nhưng luôn dựa trên cơ sở làm sao cuối cùng ta có lợi. Đọc
Hồi ký của Trần Quang Cơ ta mới hiểu cái khó của công việc ngoại giao của một nước nhỏ và yếu là như thế nào, đâu phải lúc nào ta cũng có thể giữ khí phách kiểu quân tử Tàu, khí khái phong kiến kiểu hủ nho hay tính tự ái tiểu nông vặt như ý Bùi Tín! Theo Trần Quang Cơ, việc xung khắc với Trung Quốc sau 1975 cũng chính là do “
Ta không khôn ngoan duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô”. Còn tôi nói, ta hai bàn tay trắng muốn giành độc lập phải nhờ viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô là điều tất yếu, và đã nhờ người thì phải chiều người cũng là điều tất yếu, Bùi Tín không nên bẻ quẹo sang ý cho tôi nói rằng ta là nô lệ của Trung Quốc là điều tất yếu, hai ý đó hoàn toàn khác nhau. Còn với con mắt ngây thơ như Bùi Tín, cho rằng ta nên nghiêng hẳn về một phe Mỹ, thì ông cần phải biết rằng vì lợi ích, các nước lớn sẵn sàng bắt tay nhau bỏ rơi những nước nhỏ. Năm 1972, Mỹ bắt tay Trung Quốc, bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa là ví dụ cụ thể nhất. Còn hôm nay ta đã là bạn với tất cả các nước, cả Mỹ, cả Trung Quốc, cả Nga,… là một thành tựu tuyệt vời về ngoại giao chưa bao giờ có được, APEC Hà Nội vừa qua minh chứng rõ ràng nhất, Bùi Tín cần phải thừa nhận, không nên bôi đen sự thật.
Bùi Tín viết: “
Rằng ngay sau đó Đảng lại buộc nông dân phải vào hợp tác xã từ cấp thấp đến cấp cao, để 30 năm dài nghèo đói vì 95% đất nông nghiệp vào ruộng hợp tác xã không nuôi nổi nông dân bằng 5% đất còn lại cho mảnh ruộng riêng của họ”. Ở đoạn này Bùi Tín cũng lại có cái nhìn thiếu biện chứng, chỉ biết hôm nay mà không biết hôm qua, nhìn sự việc một cách tách bạch, giản đơn. Thời chống Mỹ, mọi người đều quên mình cho tiền tuyến thì nền sản xuất kế hoạch hóa, tập thể hóa rất phù hợp. Chính Helmut Schmidt, nguyên Thủ tướng CHLB Đức, khi
trả lời phỏng vấn về Trung Quốc (tôi đọc trên talawas) từng nói: “
Việc thực hiện giải pháp diễn ra dễ dàng hơn dưới các chế độ độc tài”. Chính nền sản xuất tập trung thời đó đã góp phần tạo nên sức mạnh làm nên chiến thắng. Nhưng, cũng với cái nhìn biện chứng, không có sự đúng sai cứng nhắc mà chỉ có sự phù hợp hay không mà thôi. Ở thời điểm hôm nay, thời đại phát triển nhiều mặt, muôn hình muôn vẻ, cần phải phát huy tiềm năng đa dạng của mỗi con người, thì nền sản xuất đó không còn phù hợp. Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã đạt được những thành tựu bước đầu, và đó là nội dung chính của công cuộc đổi mới.
Bùi Tín tiếp: “
Trong bài báo nói trên, tôi còn muốn nêu lên mối quan hệ giữa ĐCS với nông dân Việt Nam… từ Cải cách ruộng đất… đến việc hy sinh hàng triệu sinh mạng nông dân trai tráng trên các chiến trường A, B, C”. Trong lời giới thiệu cuốn
Cuộc tháo chạy tán loạn của Frank Snepp (theo báo
Nhân Dân ngày 19/6/06), Bùi Tín từng viết: “
Cái hạn chế của cuốn sách chính là ở chỗ đứng của tác giả - Anh ta không thể hiểu sâu sắc những nguyên nhân cơ bản của Đại thắng mùa Xuân 1975 của chúng ta. Anh ta không thể hiểu rõ tầm cao chiến lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, sự quật khởi của quần chúng nhân dân, tài thao lược của các lực lượng vũ trang nhân dân ta với khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự rất sáng tạo và độc đáo… chúng ta cùng nhau sống lại trong niềm hứng khởi luôn luôn mới với đỉnh cao chiến thắng huy hoàng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, đón chào xứng đáng kỷ niệm 10 năm toàn thắng đế quốc Mỹ xâm lược”
Quả là Bùi Tín múa bút hay thật, nhưng sao lại ngược nhau vậy? Phải chăng sau khi “giác ngộ”, ông nhận ra sự xâm lược là chính nghĩa, sự chống xâm lược là phi nghĩa và việc giành độc lập là vô bổ nên ông đã phải sám hối viết ngược lại. Cũng như ông từng ca ngợi cuộc chiến của Mỹ ở Iraq: “
đông đảo nhân dân thế giới hoà chung trong niềm hân hoan vui mừng khôn xiết... Với mọi con người tiến bộ, dân chủ, yêu hòa bình, trái đất như đẹp hơn hôm qua, cuộc sống đáng sống hơn, trái đất như sạch sẽ hơn, bầu trời như trong xanh hơn… Những cảnh nhân dân Iraq chào đón liên quân với những nụ cười rạng rỡ”. Với thực trạng Mỹ đang sa lầy, Bộ trưởng Quốc phòng phải từ chức, và gần đây một lần tôi được nghe trên tivi, Tổng thống Bush nói thực chất cuộc chiến ở Iraq là cuộc chiến vì dầu hỏa (đại ý ông nói chúng ta tiến hành cuộc chiến vì không thể để một chế độ như vậy nắm giữ một nguồn dầu hỏa lớn)… thì không biết Bùi Tín nghĩ sao về sự quen tay múa bút như trên của mình?
Thực tế, Bùi Tín cũng đã thừa nhận (trong bài tranh luận với tôi) về sự “múa bút” đó: “
Tôi viết ra những sự thật trên đây là để hạ uy tín của lãnh đạo và chế độ hiện hành ư? Tôi đã từng là một nhà báo/công chức của Đảng, viết báo chỉ để tô vẽ, ca ngợi, tung hô Đảng và chế độ… trình làng khá nhiều bài báo không đúng sự thật, đầy mỹ từ, sặc sỡ mà giả dối nhạt nhẽo”. Quả thật tôi quá ngạc nhiên khi đọc những dòng này. Một người viết có tư cách để phục vụ công tác tuyên truyền, văn phong của họ có thể có chút bay bướm, tô vẽ, nhưng tuyệt nhiên không thể viết
“không đúng sự thật”, “giả dối” như Bùi Tín. Riêng tôi đã viết trên hai mươi năm, chỉ năm gần đây tôi mới viết những dòng không phải ca ngợi mà chủ yếu là bảo vệ những điều mà tôi cho là lẽ phải trên mạng hải ngoại, ngược lại trong nước, cảm hứng sáng tác chủ yếu của tôi là phê phán và cảnh tỉnh (không phải chống đối) kiểu “
Có những con đường phẳng lỳ không dẫn đến sự sinh sôi mà sự ngưng trệ/Nơi những hạt giống được gieo là những hạt cuội” (“Con đường”, thơ, báo
Văn Nghệ); “
Chúng ta đang đi trong giới hạn không phải của lề đường mà giới hạn của những suy nghĩ” (“Dưới ánh sáng của những ngôi sao”, thơ, báo
Văn Nghệ). Bởi tôi thấy trước bao bài toán đặt ra trong cuộc sống, văn chương cảnh tỉnh cần thiết hơn văn chương ca ngợi. Dù biết rằng viết ca ngợi ở trong nước dễ thành công hơn (ngược lại viết chống đối sẽ dễ thành công hơn ở ngoài nước). Vậy đâu có ai bắt ai phải “giả dối” đâu! Phải chăng để vươn lên, Bùi Tín đã phải bẻ cong ngòi bút như vậy. Thử đọc vài dòng trước đây Bùi Tín viết về phe đối nghịch ngày xưa ta sẽ thấy giọng điệu cũng không khác gì giọng điệu ông viết về lãnh tụ, Đảng và chế độ ngày hôm nay, nó giống nhau ở điểm là đều không khoa học: “
Vậy mà CIA đã qua một tấn thảm kịch. Một tấn thảm kịch chôn vùi cái uy danh hão của nó. Liên Xô đã phá vỡ ưu thế chiến lược hạt nhân của Mỹ, Cách mạng Cuba, Cách mạng Việt Nam… bêu cái bộ mặt “chưng hửng”, “ăn hại”, “vô tích sự”, bất lực của CIA… Chúng đã buộc phải cúi đầu”; “Hơn thế nữa, những Richard Nixon, Gerald Ford, Henry Kissinger, những viên tướng Joe Smith, những đại sứ Martin, Mérillon, cho đến những Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, và một loạt tướng tá và chính khách cấp cao Mỹ-Sài Gòn mà anh ta từng chiêm ngưỡng, tin tưởng đến sùng bái – qua kiểm nghiệm khắt khe của chiến tranh của lịch sử - hiện nguyên hình là những con rối của thời cuộc, những kẻ xuẩn ngốc… Tất cả đều không đáng một đồng đôla nhỏ!” (theo báo
Nhân Dân ngày 19/6/06, bài đã dẫn). Trong chiến tranh người ta có thể viết kiểu tuyên truyền, còn sau giải phóng, giai đoạn cần rút ra bài học thì một người có tư duy khoa học không bao giờ viết vậy. Có người đi Mỹ tận mắt chứng kiến sự giàu mạnh đã rất tự hào rằng ta phải tài năng thế nào mới có thể thắng được một đối phương hùng mạnh như thế. Như vậy thật khó tìm được sự thật trong những bài viết của Bùi Tín; trước đây cần ca ngợi ông tô đỏ, bây giờ cần chống đối ông bôi đen, đâu là “
mặt thật” để tin ông đây!
Bùi Tín dẫn việc Bác Hồ “
đề nghị ghi tư tưởng Mao Trạch Đông vào Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam làm nền tảng lý luận và tư tưởng” để chứng minh ý của mình là ĐCS VN đã sùng bái Trung Quốc mù quáng. Tôi xin hỏi, Trung Quốc có chiến dịch phê phán Mao, sao vẫn thờ Mao? Cần phải biết trong chiến tranh, Mao Trạch Đông là một người tài. Vậy vận dụng những cái hay của tư tưởng Mao ở một thời kỳ nhất định là một việc làm khoa học, không có gì đáng phê phán cả. Chính thắng lợi trong chiến tranh của ta đã chứng minh điều đó. Bùi Tín cũng nhận định: “
Đông La kể ra việc tướng Giáp thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", nhưng tôi cho rằng thật ra như thế vẫn là theo tư tưởng "thí mạng", "thí quân", một dạng của "biển người". Chiến thắng Điện Biên Phủ “
chấn động địa cầu” ai cũng công nhận, là điều không cần phải bàn nữa. Còn đánh địch trong công sự vững chắc, có hỏa lực mạnh (giai đoạn này Pháp đã được Mỹ chi viện) mà không có tổn thất chắc chỉ có quân đội của Tôn Ngộ Không mà thôi. Chắc Bùi Tín có bùa phép của Tôn Ngộ Không nên mới chê tướng Giáp chăng?
Trong bài viết, Bùi Tín cũng đã kéo tướng Trần Độ và một loạt “chiến sĩ dân chủ” khác vào “phe” mình để biện hộ cho sự chống đối. Nhưng tôi thấy tướng Trần Độ cũng như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác không giống Bùi Tín, tính cách họ có điểm đáng nể, đó là họ dám chấp nhận thiệt thòi để nói lên chính kiến của mình, họ không chạy trốn, họ không bôi trắng thành đen, bôi đen thành trắng như Bùi Tín. Chính vậy, khi Trần Độ chết, ông vẫn được nhiều người tử tế “vô cùng thương tiếc”. Còn nói chung, về những mặt yếu kém của xã hội, Bùi Tín cũng như những người chống đối, những người góp ý, ngay cả bản thân tôi cũng đã viết không ít, có rất nhiều điểm đã viết ra là đúng, nhưng có một sự khác nhau là, từ thái độ chống đối hoặc xây dựng, người ta sẽ đánh giá khác nhau và đưa ra cách giải quyết khác nhau. Bùi Tín cũng như một số tác giả khác thường chỉ xoáy sâu thổi phồng những yếu kém, không đặt chúng trong toàn cục, nên ít được dư luận trong nước đồng tình rộng rãi. Tôi cũng đã trông thấy những đoàn “biểu tình” trước đài truyền hình TPHCM, thường là mấy chục cô bác nông dân, nhưng họ chỉ đả đảo ông chủ tịch xã, huyện nào đó ăn chặn đất của họ chứ họ vẫn giương cao biểu ngữ “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”! Nếu xã hội Việt Nam hiện thời chỉ thối nát như ý Bùi Tín thì nó đã tự sụp đổ từ lâu rồi, các nước đều tránh xa, chứ không tíu tít đến bỏ tiền của vào đầu tư như thế.
Cuối cùng, Bùi Tín cho biết việc ông ly khai, đưa ra những “kiến nghị” chỉ vì dân vì nước chứ “
Địa vị, danh vọng, hưởng thụ vật chất quả thật không hấp dẫn tôi như Đông La nghĩ đâu”; cho ý kiến của tôi (“
Bùi Tín đã bất mãn, tham vọng không đạt, nếu lên Tổng biên tập… thì sẽ không có chuyện quay lưng”) là ý kiến
“nói sai” “dựng đứng” “suy diễn tùy tiện”, là “núp bóng dư luận”. Kết tội Bùi Tín ở trong nước thì quá dễ, còn tôi rất hiểu talawas là diễn đàn đa chiều, không thể phê phán bất kỳ một ai một cách tùy tiện, vì một người viết tự do như tôi chẳng có thể núp bóng vào Đảng, vào chính quyền hay công an được, chỉ duy nhất dựa vào bằng chứng và lý lẽ của chính mình mà thôi. Tôi tuy không địa vị gì, nhưng là người viết có tự trọng, tham giả cả 3 lĩnh vực khoa học-văn chương nghệ thuật-chính trị xã hội, ít nhiều có học, tôi hoàn toàn không muốn mình bị cho là một kẻ chửi bậy. Tuy vậy tôi không thể đáp ứng được yêu cầu của Bùi Tín kể ra một ai đó làm việc cùng thời với ông, nói với tôi về ông, vì giữa tôi và ông cách nhau cả một thế hệ, những người như vậy đều đã trên dưới 80, đã hưu trí từ lâu, và liệu còn được mấy người, tôi chỉ có thể dựa vào dư luận chung mà thôi. Tôi đã được nghe nhiều người nói rằng: khi biết ông Hồng Vinh lên Tổng biên tập báo
Nhân Dân, Bùi Tín đi họp ở Pháp đã không quay về. Còn về nhân cách và tài năng của Bùi Tín, tôi hoàn toàn có cơ sở để viết những điều như đã viết trên talawas, tôi có thể trích dẫn rất nhiều ý cụ thể từ “dư luận” là các bài viết, chứng minh không phải “
địa vị, danh vọng, hưởng thụ vật chất không hấp dẫn” Bùi Tín; chứng minh sự “
không có tài” của Bùi Tín, chứng minh các ý tưởng của Bùi Tín không khoa học và biện chứng. Có điều độc đáo là những bài viết lại đa phần của những tác giả từ hải ngoại, do hay lang thang trên mạng tôi bắt gặp, chứ không phải trong nước. Từ những nhân vật tôi biết ít nhiều về xuất xứ như Nguyễn Minh Cần (nguyên cán bộ thành ủy Hà Nội) ở Nga và giáo sư vật lý Trần Chung Ngọc ở Mỹ đến những tên tuổi tôi không hề biết. Nguyễn Minh Cần thì đã cho ý tưởng của Bùi Tín như “
dỗ con nít” như đã dẫn
ở bài trước; còn Trần Chung Ngọc trên trang
giaodiem.com thì cho rằng Bùi Tín “
hiểu biết hời hợt về chủ thuyết Marx”. Trên mạng báo
Nhân Dân ngày 19/6/06 có bài đầy chất châm biếm: “Tại sao Thành Tín-Bất Tín-Bùi Tín không được Mỹ trọng dụng?”, tôi lược đi chất châm biếm và những lời chỉ trích nặng nề, chỉ giữ lại ý chính: “
Bùi Tín tưởng rằng (sau) biến cố phản loạn Thiên An Môn… và sự sụp đổ Sô Viết… Được Đảng và Nhà nước cử đi công tác báo chí ở Âu châu, Bùi Tín đã tự cảm nhận thời cơ và số “đế vương”… sẽ được Mỹ… ẵm về và đưa lên ngôi. Cho nên, đào tỵ và chống nhà nước Việt Nam… Bản chất Bùi Tín là phản quốc… Bùi Tín không nhìn rõ thực lực của mình… chỉ có tấm thân già “ưa nổ”, không có cán bộ đàn em trong nước và giữ chức vụ quan trọng trong Đảng… Tuy thế, Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ cũng cho Bùi Tín ra điều trần… hy vọng lấy được thêm một số tin tình báo. Nhưng UBTBQH Mỹ thất vọng là chẳng có gì mới… thế nên Mỹ đã không cho Tín đào tỵ ở Mỹ”. Cũng trên mạng
giaodiem.com, Thường Đức (Mỹ) có bài: “
Bùi Tín và chiến dịch ‘Gagner la Masse’” (4.10.2004). Đọc bài này mọi người sẽ hiểu rõ hơn ý đồ của Bùi Tín: “
Đến đầu năm 1991, tòa soạn báo Quê Mẹ của ông Võ Văn Ái mời gọi Bùi Tín để phỏng vấn… Báo Quê Mẹ hỏi: "Mười lăm năm qua đã bao lần Đảng hứa hẹn đổi thay. Nhưng coi bộ còn lâu. Ông tin rằng quần chúng còn chịu đựng nổi không?" -Bùi Tín trả lời: "Oh, nous avons encore quelques mois (Ấy, chúng ta còn vài tháng nữa). Cho nên tôi tìm cách gagner la masse (thu phục quần chúng)..." Rất rõ là Võ Văn Ái tung một câu hỏi “đểu”, vừa nhắm vào ngữ pháp, lẫn khái niệm chính trị về "la masse" của Bùi Tín. Võ Văn Ái hỏi: "Khi ông nói masse (quần chúng) là masse đảng viên hay quần chúng nói chung?" - Bùi Tín trả bài tỉnh bơ: "Cái ấy quan trọng lắm. Masse (quần chúng) ở ngoài thành một opinion public (công luận) của quần chúng thì lãnh đạo mới đếm xỉa, và phải có masse trong Đảng để thức tỉnh. Hai cái quan trọng ấy tác động lẫn nhau". Ở đây tôi thấy có chuyện lạ là, thường người ta chỉ phù thịnh chứ có ai phù suy, người ta chỉ đầu hàng phe chiến thắng chứ có ai đầu hàng phe thất bại, riêng Bùi Tín thì ngược lại. Khi ở địa vị đại tá phó Tổng biên tập báo
Nhân Dân, có lẽ ông không bao giờ ngờ có ngày ông lại phải chịu để cho Võ Văn Ái chất vấn như vậy. Thường Đức còn cho biết Bùi Tín đã thực hiện chiến dịch tạo chính nghĩa "gagner la masse" khắp mọi giới chức, từ việc lợi dụng tôn giáo: “
ngày 30-4 năm nay, tiến sĩ Trần An Bài, Cố vấn Ngoại giao Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại San Jose đã vạch trần âm mưu của ông Bùi Tín lợi dụng tôn giáo vào mục tiêu chính trị”, đã “xúc phạm đến tổ chức Giáo hội Công giáo vùng Bắc Cali”, “Hòa thượng Thích Mẫn Giác… cho biết rằng… Ông Bùi Tín xin đến thăm chùa, rồi chụp hình huyênh hoang nói rằng Hòa thượng ủng hộ ông, tức là "nói tầm bậy" (lời Hòa thượng)”; đến ca ngợi chế độ cũ: “
Bùi Tín bộc lộ một bản chất phong kiến… đê hèn hơn khi tâng bốc cố Tổng thống Diệm. Trong bài phát biểu tại cuộc họp ở Lubbock, "40 năm đảo chính chế độ Ngộ Đình Diệm 1-11-63: Cái nhìn từ Hà Nội", Bùi Tín đã phóng bút không ngần ngại: "ngay từ khi còn trẻ Ngô Đình Diệm đã tỏ ra tư chất thông minh xuất sắc… Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cách cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị"; rồi để lấy lòng sĩ quan binh lính chế độ cũ khá đông ở hải ngoại, Bùi Tín không ngần ngại viết: "
tôi xin gửi tới anh em cựu chiến binh của miền Nam trước đây những tình cảm anh em ruột thịt của một cựu chiến binh QÐND miền Bắc”! Rồi cuối cùng Thường Đức viết: “
Nhìn vào tổng thể để kết luận, chúng ta ghi nhận hành trình chính trị trong bước đường đào tị, từ "Kiến nghị của một công dân” đến các cuốn sách lần lượt xuất bản ở hải ngoại, qua chiến dịch "gagner la masse" rộng lớn từ trong nước ra tới hải ngoại, từ quần chúng Tây qua quần chúng Mỹ, Bùi Tín có thể đã "thu lượm" ("gagner") một số thành tựu về vật chất và tiền bạc, nhưng y đã phải trả giá lớn với sự nghi ngờ, xa lánh, khinh bỉ…”.
Đó là “dư luận” ở hải ngoại, còn trong nước, chính báo
Nhân Dân nơi Bùi Tín từng là phó Tổng biên tập, vào ngày 15/12/1990, cũng đưa tin, tôi chỉ trích một đoạn đánh giá về Bùi Tín, nó không chỉ là “dư luận” mà là đánh giá chính thức của nhà nước Việt Nam về ông:
“Nội dung bản kiến nghị và những câu trả lời phỏng vấn của Bùi Tín với đài BBC chứa đựng nhiều điều xuyên tạc đường lối và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta”.
TPHCM 23-12-2006
© 2006 talawas