© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.5.2006
Gérard de Nerval
Mùi hương xuân sắc
Bùi Giáng dịch
 1   2   3   4 
 
XII. Cha Dodu

Tôi sắp trả lời, tôi sắp quỳ xuống bên chân nàng, tôi sắp xin đem dâng tặng nàng ngôi nhà cậu tôi, ngôi nhà tôi có thể chuộc lại được, bởi vì bọn thừa kế chúng tôi đông, và di sản nọ thì còn công hữu; nhưng lúc đó chúng tôi đã về tới Loisy mất rồi. Bữa ăn tối đang chờ chúng tôi. Nồi “xúp” nấu hành bốc mùi hương mộc mạc. Nhiều bạn láng giềng được mời tới dự tiệc của ngày đưa tiễn buổi hội đi. Tôi bỗng nhận ra ngay một ông tiều phu già, cha Dodu đó, chính ông ngày xưa đã kể cho chúng tôi nghe giữa đêm khuya những chuyện cổ tích thật vui hoặc thật khủng khiếp. Hết làm nghề mục phu, đưa tin tức, kiểm lâm, ông lại đi chài cá, đi săn trộm thú rừng; cha Dodu, trong những giờ rỗi rảnh cũng đã từng chế tạo những chiếc xe bò hai bánh và những cái máy quáy thịt. Trong một thời gian khá lâu, ông chuyên làm cái việc đưa dẫn người Anh Cát Lợi đi du lãm vùng Ermenonville, ông dắt họ tới nơi xưa kia Rousseau từng đã tới chiêm niệm, suy tưởng, ông kể lại cho họ nghe những ngày cuối cùng của đời triết gia nọ. Chính ông xưa kia là thằng bé được vị triết gia nuôi để làm cái công việc là sắp đặt, chia loại các thứ hoa cỏ của mình, chính ông ta là kẻ đã được vị triết gia sai đi ngắt những nhánh độc cần đem về vắt nước vào ly cà phê sữa. Chủ quán La Croix d’Or không thừa nhận là sự vụ đó có thật; từ đó nảy ra những oán thù kéo dài dậm duộc. Xưa kia người ta cũng có trách cha Dodu có sở hữu một vài bí ẩn vô tội, như là: chữa lành bệnh bò cái bằng một vài tiết kinh Thánh đọc lộn ngược, hoặc bằng một câu thơ đọc theo lối nói lái, hoặc dùng bàn chân trái mà ra dấu thập giá; nhưng từ lâu ông đã thôi không giở những trò quỷ dị đó nữa - ấy là nhớ kỷ niệm, theo ông nói, nhờ kỷ niệm những buổi trò chuyện của ông Jean-Jacques Rousseau.

“A! Chú đó ư, chú bé Parisien kẻ chợ! Chú tới đây mục đích là gieo mầm hư hỏng cho gái miền này? – Tôi ấy à, cha Dodu sao lại nói kỳ cục thế? – Chú dẫn bọn con gái vào rừng những khi chó sói không lang thang trong đó? - Cha Dodu ôi, chính cha mới thật là một con sói già đấy nhé. – Ta là sói chừng nào mà ta tìm ra được cừu gái tơ; nay ta chỉ còn gặp những con dê cái mà thôi, mà dê cái thì chúng biết lối tự vệ thực là tài. Nhưng còn các chú, các chú là bọn tinh ranh quỷ quái Paris. Ông Jean-Jacques Rousseau nói thật là có lý: “Con người ta hư hỏng tính tình trong bầu không khí nhiễm độc đô thị phồn hoa.”

"Cha Dodu ơi, cha cũng biết quá rõ là con người ta thì hư hỏng khắp chốn chốn nơi nơi.”

Cha Dodu bèn cất giọng ngâm một điệu ca nhậu nhẹt; người ta cố sức ngăn ông để ông chịu dừng lại, đừng có dấn tới cái đoạn tục tĩu trong bài ca, mà ai ai cũng thuộc lòng cả. Nhưng vô ích. Ông ồ ề buông tuồng hát tuốt hết. Chúng tôi yêu cầu cô Sylvie hát, cô từ chối, bảo rằng: ở bàn ăn, không ai hát bao giờ. Tôi đã có để ý thấy anh chàng si cô, gặp đêm trước, nay được ngồi cạnh cô, phía bên trái. Hình như có cái gì đó trong khuôn mặt anh ta, khuôn mặt tròn vo, có cái gì đó trong đầu tóc rối bơ phờ, coi có vẻ quen quen. Anh ta đứng lên, tới phía sau chiếc ghế tôi ngồi, nói: “Chú không nhận ra được tôi sao, chú Parisien?” Một người đàn bà, vừa trở vào phòng lúc ăn dessert, sau khi đã loay hoay dọn tiệc cho chúng tôi, lại gần ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Cậu không nhận ra người anh em bạn sữa của cậu sao?” Nếu không có lời nhắc nhở đó, ắt tôi đã ngu ngơ lố bịch mất rồi. “A! Anh đó ư! Chàng cao tóc quăn! Tôi thốt, chính anh rồi, chính cái chàng đã kéo tôi ra khỏi cơn niết nước!” Sylvie cười rộ lên. Đó là không kể, chú ta hôn tôi và nói, không kể cái sự việc này: thuở đó, chú có một cái đồng hồ trái quít bằng bạc thật đẹp, và lúc quay về nhà, chú lo lắng cho cái đồng hồ đó nhiều hơn lo lắng cho thân chú, bởi vì cái đồng hồ đó đã ngừng chạy. Chú nói: “Con thú vậtchếết đuốốối rồi, nó không kêu tích tắc nữa, cậu sẽ ngầy ngà tôi…”

"Một con thú vật ở trong một cái đồng hồ trái quít!" Cha Dodu nói, "đó đó, người ta bày dạy cho con trẻ như rứa đó ở Paris!"

Sylvie buồn ngủ, tôi nhận thấy rằng tôi chẳng còn chiếm giữ chút gì trong trí óc nàng nữa. Tôi bị mất tích rồi. Nàng lên phòng, và trong lúc tôi hôn nàng, nàng nói: “Ngày mai, anh ghé lại chơi!”

Cha Dodu ở nán lại bàn tiệc với Sylvain và anh em bạn sữa của tôi; chúng tôi nói chuyện rất lâu, quanh một chai rượu thuốc. “Con người ta bình đẳng, cha Dodu nói giữa hai khúc ca ngâm, ta uống rượu với một gã làm bánh ngọt, cũng hệt như ta ngồi yến ẩm với một ông hoàng, bà chúa tiểu thư. – Gã làm bánh ngọt là ai ở đâu? – Hãy nhìn bên cạnh chú thì thấy! Một thằng làm bánh ngọt lại có tham vọng lập gia đình.”

Người anh bạn sữa của tôi có vẻ bối rối. Tôi đã hiểu hết mất rồi. - Thật là một định mệnh tai quái dành cho tôi: có một người anh em bạn sữa tại một vùng lẫy lừng tăm tiến bởi Rousseau – cái người đã chủ trương bãi bỏ tệ đoan kiếm người mẹ vú! – Cha Dodu nói cho tôi biết rằng sự vụ đã thành vấn đề: đám cưới Sylvie với chàng cao tóc quăn, anh chàng có ý định lập nghiệp, dựng một cửa hàng làm và bán bánh ngọt tại Dammartin. Tôi không còn biết dò hỏi chi hơn. Tôi không phải yêu sách ai cái gì nữa nữa. Qua ngày hôm sau, chiếc xe Nanteuil-le-Haudoin chở tôi về trở lại Paris.


XIII. Aurélie

Paris! - Chiếc xe đi có tới năm tiếng đồng hồ. Tôi chỉ gấp về là về tới cho kịp chiều nay. Vào khoảng tám giờ, tôi đã ngồi chững chạc trong căn phòng quen thuộc từ bao. Aurélie reo rắc nguồn tươi vui cảm hứng và vẻ kiều diễm thu hút của mình trên những câu thơ không tuyệt diệu mấy của Schiller. Trong cái xen vườn lá mộng, nàng trở nên tài tình trác tuyệt, phát tiết hết tinh anh. Lớp bốn, nàng sẽ không hiện ra sân khấu, trong thời gian đó, tôi chạy đi mua một đóa hoa tại hàng bà Prévost. Tôi bỏ vào trong đó một lá thư âu yếm, ký tên: một người không quen biết. Tôi tự nhủ: “Đó là một cái gì yên định, gắn kết cho mai sau”, - và qua ngày mai, tôi lên đường đi qua nước Đức.

Tôi qua non nước đó làm chi! Để thử gắng xếp đặt ổn đáng cho những lớp tơ tình. Nếu tôi viết một cuốn tiểu thuyết, ắt chẳng bao giờ tôi có thể làm độc giả chấp thuận một chuyện tình của một trái tim đồng thời si mê hai hồng nhan một lúc. Tôi mất Sylvie là lỗi tại tôi. Nhưng tái ngộ một ngày đã đủ làm cho tinh thần tôi phấn phát; từ nay, tôi sẽ đặt nàng riêng một cõi, như một bức tượng với một nụ cười hiền hậu bao dung, trong điện đại Hà Thánh Khiết Hiền Thanh. Cái nhìn của nàng đã cầm giữ tôi lại trước bờ hố thẳm. Tôi càng xô đuổi mãnh liệt hơn nữa, cái ý tưởng đi tìm hội kiến Aurélie, để mà tranh chấp một phút với bao nhiêu kẻ tầm thường đang yêu nàng, đã sáng chói một lúc ở bên nàng rồi rụng rơi lả tả. Một ngày nào, tôi tự nhủ, một ngày nào ta sẽ biết người thiếu nữ nọ, có hay không có, một trái tim.

Một buổi sáng, tôi đọc nhật báo thấy nói rằng Aurélie lâm bệnh. Tôi viết thư cho nàng, từ những rặng núi tại Salzbourg. Lá thư nhuốm đầy chất thần bí Nhật Nhĩ Man, thì hẳn là tôi không thể mong đợi thành công gì cho lắm, nhưng cũng không đòi hỏi được hồi âm. Tôi đặt niềm tin nơi rủi may ngẫu nhĩ và nơi những kỳ ngộ khôn dò.

Hàng tháng trôi đi. Qua những bận phiêu dạt ngược xuôi, và những giờ rảnh rỗi, tôi đã định ghi tạc trong một vở kịch thơ những ân tình của nhà hội họa Colonna đối với giai nhân Laura, nàng Laura bị cha mẹ đưa vào con đường tu khổ hạnh, nàng Laura mà họa sĩ yêu cho tới lúc chết. Có gì trong sự đó liên can tới những mối triền miên chuyên niệm của tôi. Viết xong câu thơ cuối của vở kịch, tôi chỉ còn nghĩ tới việc quay trở về Pháp.

Còn biết nói chi nữa bây giờ? Nói gì mà không là câu chuyện của bao người? Tôi đã kinh qua hết thảy mọi vần xoay xuôi ngược trong những miền thử thách mà thiên hạ gọi là kịch trường. “Tôi đã ăn vào trong mình tiếng trống chiêng, và uống vào trong mình giọng chũm chọe” như lời nói, hầu như không có nghĩa gì rõ, của những kẻ đã thụ pháp nữ thần Cérès tại Eleusis. Câu đó chắc hẳn là có nghĩa rằng: nếu cần, phải vượt qua biên giới của cái vô nghĩa và lẽ phi lý: cái lý đối với tôi, là: chinh phục và ghi tạc hình bóng lý tưởng của mộng tưởng Lý tôi.

Aurélie đã chấp nhận thủ vai chính trong vở kịch của tôi mang từ nước Đức trở về. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày nàng cho phép tôi đọc vở kịch cho nàng nghe. Những xen ân tình đều soạn sửa thể theo hồn em đó, thưa em. Tôi tưởng mình đã đọc với hết cả tâm hồn, và nhất là đọc với niềm say mê phấn chấn. Tiếp sau đó, tôi cho nàng rõ: cái người không quen biết trong hai lá thư chính là tôi. Nàng bảo: “Anh thật là điên; nhưng mai kia hãy trở lại thăm tôi nhé… Tôi chả bao giờ gặp được một kẻ biết yêu tôi.”

Ôi người phụ nữ! Em tìm kiếm tình yêu… Còn tôi, ấy vậy?

Những ngày sau đó, tôi viết những lá thư âu yếm nhất đời, những lá thư đẹp nhất mà bình sinh chắc hẳn nàng đã nhận được, có lẽ. Tôi nhận được những lá hồi âm đầy lý tính. Một phen, nàng cảm động, gọi tôi lại gần, và thú thật với tôi rằng khó mà dứt bỏ một niềm luyến ái xưa cũ hơn.

"Nếu quả thật vì tôi mà anh yêu tôi", nàng nói, "thì anh sẽ hiểu rằng tôi tôi chỉ có thể là bạn trăm năm của một kẻ duy nhất mà thôi."

Hai tháng sau, tôi nhận được một lá thư chan chứa. Tôi chạy bay tới nàng. Trong khoảng thời gian hai tháng đó, có kẻ cho tôi biết một chi tiết quý báu. Chàng trai đẹp đẽ mà tôi đã từng gặp một lần tại câu lạc bộ, chàng đó đã đầu vào kỵ binh tại Algérie.

Mùa hè năm sau, có nhiều chuyến xê dịch về Chantilly. Ban kịch sĩ cùng bọn với Aurélie trình diễn tại đó. Theo lệnh người giám đốc ban kịch, bọn kịch sĩ lưu lại Chantilly ba hôm. Tôi may mắn đã quen thân với ông giám đốc này từ trước. Ông có cách điệu của nòi, có “lửa”. Tôi theo ban kịch với danh nghĩa lãnh chúa thi nhân: tôi bàn với viên giám đốc, tôi thuyết phục ông, khuyên ông nên mở nhiều cuộc trình diễn tại SenlisDammartin. Ông ta thì có ý chọn quận Compiègne; nhưng Aurélie lại biểu đồng tình với tôi. Qua ngày hôm sau trong khi người ta lo đi điều đình với các nhà chủ cho mướn phòng, với các nhà cầm quyền địa phương, thì tôi lo thuê ngựa, và chúng tôi lên đường theo con lộ về những hồ nước Commelle để đi ăn điểm tâm tại lâu đài bà chúa Bạch. Aurélie, ăn vận theo lối nữ kỵ sĩ, với làn tóc óng ả tung bay, vượt qua rừng trông giống như một nữ chúa thời xưa, và các nông dân dừng lại nhìn, ngây ngất. Bà bá tước F… là người phụ nữ duy nhất họ được thấy, đã có cái phong độ uy nghiêm và kiều lệ tới mức đó, trong cái điệu chào phong vận thế kia… Sau bữa ăn, chúng tôi phi ngựa xuống các thôn làng na ná làng thôn Thụy Sĩ. Tại đây giòng khe Nonette đang xô sóng về cho vận động các xưởng máy cưa. Những cảnh tượng đó thân yêu xiết bao đối với tôi, nàng cũng lưu ý hân hoan, nhưng không dừng chân nán lại. Tôi đã định dẫn Aurélie vào viếng cung điện, gần hạt Orry, ngay trên nội cỏ xanh mà xưa kia tôi đã được ngắm nhìn Adrienne lần thứ nhất. Nàng chẳng có vẻ chi là kích động cả. Thế rồi, tôi kể lại hết cho nàng nghe, tôi nói cho nàng biết cội nguồn của mối tình tôi, thoáng nhìn một lần đầu tiên trong đêm tối, chiêm bao tơ tưởng mãi về sau, cuối cùng cũng được thành tựu nơi nàng đó ạ. Nàng chăm chú lắng nghe và bảo: “Anh không yêu tôi! Anh chờ nghe tôi nói: “Cô đào hát và nàng tu nữ cũng là một”; anh đi tìm một bi kịch bơ vơ, thật là như vậy, chỉ có thế thôi, nhưng xen kết thúc, anh không thể nắm được. Nó bay bổng mất rồi. Thôi, tôi không còn tin anh nữa.”

Lời nói đó là một tia chớp lóe. Những phấn kích dị thường tôi cảm thụ từ bao lâu, những mộng tưởng ước mơ kia, những giòng lệ kia, những niềm tuyệt vọng và âu yếm kia… vậy là không phải tình yêu chăng? Thế thì tình yêu là cái gì? Tình yêu ở tại đâu?

Đêm đó, Aurélie trình diễn tại Senlis. Tôi tưởng nhận thấy nàng có niềm thiên ái đối với viên giám đốc kịch trường. Ông ta tính tình thật tốt và đã giúp đỡ nàng nhiều.

Một ngày kia Aurélie nói với tôi: “Kẻ yêu tôi, chính là ông ấy.”


XIV. Tờ cuối

Như vậy đó là những ảo mộng quyến rũ lung lạc và ê hoặc trong buổi thanh xuân của đời sống. Tôi đã thử gắng ghi tạc chúng một cách không thứ tự gì lắm, nhưng nhiều tâm hồn sẽ hiểu tôi. Những ảo tưởng cứ nối đuôi nhau mà rơi rụng, giống như lớp vỏ một trái cây, và trái cây, ấy là duyệt lịch. Hương vị nó đắng chua; tuy nhiên, cũng có một chất gì chát chát làm vững mạnh thêm – xin người hãy tha thứ cái lối nói sáo hủ đó của tôi. Rousseau bảo rằng cảnh tượng thiên nhiên tồn lưu an ủi được mọi thứ. Đôi lúc tôi tìm gặp lại những cụm rừng Clarens thân thuộc, lẫn bóng trong sương mờ, ở phía Bắc Paris. Mọi thứ đó đã thay đổi xiết bao!

Ermenonville! Xứ sở mơ màng còn đủ chỗ cho những luyến ái cổ kính, cho những tình duyên thuần khiết đâm bông hồi sinh trong hoài niệm, cứ như lời Hồng Lĩnh bảo Châu Phong – Ermenonville! Ngươi đã đánh mất ngôi sao duy nhất của ngươi rồi, ngôi sao từng đã lấp lánh hai tia ngời trước con mắt của ta. Lúc xanh lúc tía, khi lục khi hồng, như vì tinh tú mê hoặc của Aldebaran ấy là Adrienne, ấy là Sylvie, ấy là hai cánh song song phiêu bồng của một tình yêu duy nhất. Một bên là lý tưởng tuyệt luân, một bên là thực tại êm đềm. Còn có nghĩa gì nữa với ta ngày nay, Ermenonville! Hỡi những cụm mây, chùm lá, và những mặt hồ và ngay cả sa mạc hoang liêu của ngươi còn nói gì với ta nữa ngày nay? Othys, Montagny, Loisy, những thôn làng lang thang lân cận, Châalis – mà thiên hạ đang trùng tu – các ngươi chẳng còn gìn giữ chút gì của quá khứ kia! Đôi lúc ta cần về viếng lại những nơi chốn nọ của tịch mịch mơ mòng. Ta buồn rầu khêu dậy trong hồn mình những dấu vết thấp thoáng tàn phai của một thời đại mà cái hồn nhiên đã thành kiểu sức; đôi lúc ta mỉm cười đọc lại trên mặt đá nham, trên sườn hông hoa cương thạch, một vài câu thơ của Roucher xưa kia đã có lần ta thấy là tuyệt diệu - hoặc những câu cách ngôn phúc thiện ở phía trên một suối nước, một giòng khe, một thạch động thờ sơn thần Pan. Những mặt hồ luống công phơi trải làn nước chết, con thiên nga không thèm ghé lội chơi. Đã qua rồi, cái thời ông hoàng Condé về đây săn bắn; với đoàn Nương Tử cao kiêu cưỡi ngựa, cái thời còi thổi gọi nhau trùng điệp với bao nhiêu tiếng vang dội lại!... Muốn tới Ermenonville, ngày nay không còn đường tới thẳng. Đôi lúc tôi về theo ngả CreilSenlis, đôi lúc theo ngả Dammartin.

Tới Dammartin, bao giờ cũng vào lúc chiều tối. Tôi mướn phòng ngủ tại khách sạn Image Saint-Jean. Thường thường người ta cho tôi mướn một căn phòng sạch sẽ, giấy cũ dán tường, một tấm họa treo trên chiếc gương soi. Ngủ ấm áp dưới tấm nhung mao, bốc mùi chim nhạn biển. Đó là loại mền thân thuộc của xứ này. Sáng hôm sau, mở cửa sổ nhìn ra, cửa sổ lòa xòa những nhành nho với tường vi thắm đóng khung, tôi đê mê nhìn một chân trời màu lục phơi trải suốt mười dặm gió dài, với những hàng bạch dương đứng trang nghiêm như những đoàn binh dàn trận. Vài thôn xóm rải rác đây đó nép mình bên những tháp chuông nhọn hoắt. Ta nhìn thấy thôn Othys trước tiên, rồi thôn Eve, thôn Ver, còn thôn Ermenonville? Nếu Ermenonville có một tháp chuông, ắt ta sẽ nhận ra được ở bên kia khu rừng, nhưng tại chốn tư tưởng triết học nọ, người ta lơ đễnh bỏ quên nhà thờ. Sau khi hít vào phổi đầy đủ khí mát thuần khiết vo ve trên cao nguyên gió hây hây bình minh, tôi vui vẻ xuống làng thôn thăm chàng bán bánh ngọt. “Coi tề! Chào chú bé bỏng Parisien!” Chúng tôi đấm thoi nhau đôi cái chịu chơi theo thói bé rồi tôi leo lên một chiếc cầu thang lai rai. Tiếng kêu mừng rỡ của hai đứa bé con bé bỏng bé chị bé em, ríu rít đón tôi. Nụ cười gái Athénienne của Sylvie làm rạng rỡ khuôn mặt kiều lệ. “Lời đâu kiều diễm…” Lòng chàng không nguôi, chàng tôi tự bảo mình tôi: “Kia là hạnh phúc, có lẽ; tuy nhiên…”

Đôi lúc tôi gọi nàng bằng tên Lolotte, và nàng thấy tôi có hơi giống Werther. Trong khi bác tóc quăn cao ráo lo dọn bữa ăn chúng tôi dẫn mấy bé con đi dạo rừng, đi dạo rú, đi dạo dưới bóng cây bồ đề còn đứng đó kiên gan thu góp nhưng mảnh tàn rơi của gạch vụn lãnh cung. Trong lúc các bé con nô giỡn tập tành bắn cung rơm, cung rạ vào cỏ mọc rạ rơm, với những mũi tên cành nhánh của cha mẹ làm cho, thì chúng tôi đọc vài bài thơ, hoặc vài trang sách mùa thu, mà ngày nay chẳng ai viết nữa.

Tôi quên nói rằng cái ban kịch cô Aurélie trình diễn một bận tại Dammartin, tôi có dẫn Sylvie đi xem, và tôi có hỏi em có nhận thấy rằng cô đào nọ rất giống một người phụ nữ mà em từng có biết một lần. “Giống ai vậy? – Em còn nhớ chứ, cô Adreinne?”

Nàng cười rộ một tiếng thật to: “Coi tề!” Rồi dường như tự trách mình chi đó, nàng ngậm ngùi buông tiếng thở dài: “Tội quá! Adrienne. Cô ấy chết tại tu viện Saint-Sulpice, vào năm 1832.”



Láng giềng đệ lục

Láng giềng khu vực xuân ba
Bốn thu bổ túc tam trùng tích ngân
Nguyệt phơi tích biệt in ngần
Lá rung mạc ngoại bé chần chờ chi
Bé Em hải diện biên thùy
Tình trong Bé Chị quyền uy ra ngoài
Trông chừng Khúc Nghệ Bé Choai
Vi từ chỉ dục vọng hoài chỉ ưng (…)
Quy lai phục niệm chưa từng
Tình trong như thể luống từng ở xa
Tót vời tình điệu kiêu sa
Vườn thơm trắng ngát hồn hoa lạc loài
Phục hồi tú cốc sơ khai
Hương trời tự nhiễm bông lài tự dưng.

Một hai năm

Tặng gà vịt một năm sương tuyết
Vịt gà xin ráo riết hai năm
Ngồi suông nhớ mãi đêm rằm
Văn thừa bích lạc nguyệt cầm tiểu man
Đêm mộng mị về hang núi lạnh
Nhìn gấu beo bên cạnh hùm thiêng
Sịch mành trở giấc u miên
Muôn vàn brigitte nằm nghiêng nghiêng cười.

Tình thứ nhất

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Và thứ hai ba bốn chín thêm mười
Bờ tang hải biển dâu xô lật úp
Bến phiêu bồng anh lật đật theo đuôi
Anh chỉ có niềm vui trong chốc lát
Và nỗi buồn cũng chốc lát như nhiên
Tình thứ nhất thoảng đi qua thấm thoát
Tới trăm năm còn thấm thoát như thường
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Hồn tan vỡ song đôi trong hơi thở
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu
Là nơi đó chốn kia anh rất rõ
Trong máu me từng khoảnh khắc sơ đầu
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Và thứ nhì cũng đệ nhất như nhiên
Bờ dâu biển phiêu bồng trôi lật đật
Bến phiêu du chớp nhoáng mộng tang điền
Bây giờ anh dại anh điên
Biên Hòa Bệnh Viện bình yên anh về
Anh chào vĩnh biệt sơn khê
Chào anh vĩnh quyết bốn bề nhà ma.

Hồng Quần

Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ từ châu quận tân toan
Từ xứ sở đắng cay thu đầu chết
Bước dã man sầu xé lá gieo vàng.

Lá sẽ đỏ từ vàng da mũi tẹt
Môi là mềm hoa mọc mật cong môi
Từ bờ cõi chia xương chua là ngọt
Trút lang thang từ nát mộng lên trời.

Mộng sẽ đỏ từ hoa đêm ghẹo chọc
Cánh thay hồng từ cánh đỏ cuồng điên
Từ thung lũng mù kêu mưa gọi móc
Tới phiêu du từ vầng nhật qua miền…

Nguồn: Tân An xuất bản tại Sài Gòn trÆ°á»›c 1975, An Tiêm xuất bản tại hải ngoại 1990. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản tiếng Pháp có thể đọc tại: http://www.site-magister.com/sylvie.htm