© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt NamTư tưởngTôn giáo
31.3.2006
Nguyễn Kim Hiền
Vài suy nghĩ về vấn đề «chính sách tôn giáo» từ góc độ khoa học xã hội
 1   2 
 
(Đóng góp với GS Đỗ Quang Hưng nhân đọc bài «Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X, thể hiện rõ hơn nữa sự đổi mới trong chính sách tôn giáo» [1] và một số xuất bản có liên quan)


C. «Nhà nước thế tục» và một số vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu lịch sử «chính sách tôn giáo»

Trước hết phải nói rằng, «Nhà nước thế tục» là một vấn đề mới đặt ra để nghiên cứu ở Việt Nam, nỗ lực của tác giả thực sự đáng hoan nghênh. Từ vài năm trở lại đây bản thân tác giả đã có một số bài viết đi sâu về Nhà nước thế tục như một giải pháp có triển vọng cho việc giải quyết «vấn đề tôn giáo». Nghiên cứu chính sách tôn giáo và mối quan hệ chính trị và tôn giáo trong lịch sử Việt Nam đương đại dưới góc độ Nhà nước thế tục sẽ đặt ra nhiều vấn đề nhận thức. Tôi xin dẫn ra ba đoạn đoạn trích lấy từ ba xuất bản của tác giả trong vòng mấy năm trở lại đây và đặt chúng vào trong một bảng phân kỳ ba mảng theo cách nhìn của tác giả (tất nhiên từ góc độ nhận thức của tôi) để tạm thời có được một cái nhìn tổng thể và từ đó tiến hành phân tích sơ bộ:


Cách mạng


Từ 1955 đến nay

Đầu những năm 2000

«Cách mạng và tôn giáo» (2003)[2]


Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam. Lý luận và thực tiễn (2005) [3]

«Nhà nước và giáo hội, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn» (2002)[4]

Vấn đề
vô thần và hữu thần
không đặt ra


Nhà nước thế tục
vô thần xã hội chủ nghĩa
hình thành

Mô hình nhà nước
thế tục bắt đầu được
tìm hiểu và đề cao
«Những người Cộng sản Việt Nam được dẫn dắt bởi học thuyết về tôn giáo của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ khi mới cầm quyền đã có định hướng đúng: vấn đề tôn giáo phải luôn đặt trong và dưới vấn đề Dân tộc, vấn đề ấy không bắt đầu từ việc có thần hay không có thần, cũng không khăng khăng đòi quyền tự do vô thần trong Hiến pháp (tôi nhấn mạnh) và thể hiện quyền ấy mà là cách mạng hay không cách mạng; không phải bầu trời huyền bí mà là mảnh đất của cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ…» (tr. 16)

«Ở Việt Nam, từ Hiến pháp đến luật pháp tôn giáo tuy không trực tiếp nói đến điều này, nhưng thực tế từ Sắc lệnh 234-SL năm 1955 mặc nhiên đã là nhà nước thế tục vô thần xã hội chủ nghĩa (tôi nhấn mạnh). Điều quan trọng là chính vì là một nhà nước phi tôn giáo, mác xít chân chính, chúng ta càng có điều kiện để khách quan, để thực hiện chính sách bình đẳng và đoàn kết giữa các tôn giáo vốn rất đa dạng. Dù rằng trong thực tiễn, cũng còn có một bộ phần quần chúng có suy nghĩ nghiêng về một tôn giáo nào đó vì nó ‘‘dân tộc’’ hơn đi nữa, thì trong đường lối cụ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam, không hề có sự phân biệt và ‘‘xếp loại’’ các tôn giáo.» (tr. 528-529)
«Mô hình quốc gia thế tục là như sau : phân lập rạch ròi xã hội dân sự với thể chế tôn giáo. Quốc gia không hành xử quyền lực tôn giáo và giáo hội không hành xử quyền lực chính trị (định chế hoá và thế tục hoá chính quyền). Đây là sự “phân công vĩ đại” của loài người. Một tiến bộ lớn» (tr. 11).
«Ngày 14/6/1955, Sắc lệnh 234/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do chính Hồ Chí Minh ký, lần đầu tiên đã thể hiện đầy đủ hơn, toàn diện hơn, tỏ rõ thái độ của Chính phủ trong vấn đề này. Thực sự đây là văn bản pháp lý đầu tiên sớm khẳng định tư (tôi bổ sung) cách Nhà nước thế tục của Việt Nam.» (tr. 14).


Rõ ràng việc tiến hành tìm hiểu các chính sách tôn giáo của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn là một chủ đề nghiên cứu rất lớn vượt quá phạm vi bài viết. Ở đây, tôi chỉ lấy lại một số quan điểm của GS Đỗ Quang Hưng trên phương diện quan hệ Chính trị và Tôn giáo ở một số thời điểm và một số giai đoạn. Nhìn chung, theo những gì tôi có được, các ý tưởng của tác giả về vấn đề này tập trung vào ba mảng quan trọng, Cách mạng, Nhà nước thế tục vô thần XHCN và Nhà nước thế tục. Có thể nói đây là cách nhìn quán xuyến các tiếp cận của tác giả về vấn đề này. Theo tôi, cách phân chia này chưa được rành mạch. Có một sự trộn lẫn giữa việc nghiên cứu lịch sử với tư cách các biến cố và sự kiện, với việc nghiên cứu lịch sử của các tư tưởng, tác giả, theo tôi, đã ưu tiên cho cách tiếp cận thứ hai. Cách tiếp cận này để lại khá nhiều khoảng trống và một số những mảng hiện thực không được làm rõ. Tôi xin trình bày một vài điểm như sau.

Cách mạng, nếu hiểu theo nghĩa hẹp (Cách mạng tháng Tám 1945) và giai đoạn xây dựng các thể chế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong hoà bình là thuộc về hai giai đoạn lịch sử khác nhau, khoảng cách giữa chúng là xấp xỉ mười năm. Vậy câu hỏi đặt ra là, từ chỗ xây dựng và khẳng định một chính sách «không bắt đầu từ việc có thần hay không có thần», «không khăng khăng đòi quyền tự do vô thần trong Hiến pháp» trong giai đoạn Cách mạng («Cách mạng và tôn giáo»), đến chỗ «mặc nhiên đã là nhà nước thế tục vô thần xã hội chủ nghĩa» (không thông qua Hiến pháp và luật pháp tôn giáo) trong giai đoạn đất nước chia hai miền (Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam), một biến đổi không thể nói là quá nhỏ, quá trình gì đã thực sự diễn ra trong khoảng thời gian này? Và làm thế nào mà, một Nhà nước thế tục vô thần XHCN có thể ra đời được khi quyền tự do vô thần không được đưa vào Hiến pháp, không chính thức được thừa nhận như là một tư tưởng thống trị xã hội? Như vậy, sự khẳng định Nhà nước vô thần XHCN ấy, phải chăng chỉ là một hiện thực hình thành một cách từ từ và âm thầm, không thông qua bất cứ một văn bản pháp lý hay một chính sách công khai nào? Còn nếu Cách mạng, được hiểu theo nghĩa rộng (từ khi du nhập chủ nghĩa Mác-Lê nin đến hiện nay), thì đặt vấn đề «vấn đề tôn giáo không bắt đầu từ việc có thần hay không có thần» lại mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm khẳng định một Nhà nước thế tục vô thần XHCN. Mặt khác, từ chỗ khẳng định một «nhà nước thế tục vô thần XHCN» không tuyên bố giữa những năm 50 ấy đến chỗ xây dựng một mô hình «nhà nước thế tục» mới [2] ngày hôm nay, thực chất những quá trình nào đang diễn ra? Và hiện nay, liệu chúng ta còn đang sống trong một «Nhà nước thế tục vô thần xã hội chủ nghĩa» nữa hay không, khi thực tế cho thấy đời sống tín ngưỡng tôn giáo ngày càng có một vị trí quan trọng không chỉ trong xã hội mà kể cả nơi quyền lực công? Không biết tác giả có đặt ra các vấn đề có tính mâu thuẫn này không?

Khi đặt ra những câu hỏi này, tôi biết rằng mình đang đề cập đến những vùng ráp ranh, mờ ảo của lịch sử, nơi đan xen các quan niệm khác nhau, thậm chí xung đột nhau, những thực tế lịch sử phức tạp không thể được giải thích đơn thuần bởi «ánh sáng» của một quan điểm tiến hoá luận một chiều, gọt dũa lịch sử cho vừa với nhãn quan của người nghiên cứu. Một người làm nghiên cứu khoa học xã hội không thể tự bó hẹp mình trong một quan điểm chính thống [3] nào đó hoặc dùng các nghiên cứu của mình để biện minh cho một quan điểm mang tính chính thống. Điều quan trọng hàng đầu đối với «anh ta» là tìm hiểu sự thực lịch sử với tất cả các chiều cạnh phức tạp làm nên nó, cụ thể ở đây là trên phương diện «chính sách tôn giáo». Việc đơn thuần tập hợp và bình luận về các văn bản nghị quyết, pháp lý hay quan điểm trên tầm vĩ mô không đủ để có thể lý giải được những điều đó, mà cần phải có một tiếp cận bổ sung, dựa trên các sự kiện, nhất là việc tìm hiểu quá trình cụ thể hoá các chính sách liên quan đến tôn giáo và các tương tác của chúng với những người dân bình thường bình thường trong đời sống hàng ngày của họ, mới cho phép chúng ta dần dần tìm ra được những lời giải đáp thích đáng cho các câu hỏi kể trên.


D. Mệnh đề 6/kiến nghị 2. Bài toán khó của việc điều chỉnh pháp lý đối với sự đa nguyên tôn giáo

1. GS Đỗ Quang Hưng đưa ra kiến nghị 2 nhằm thay thế cho MĐ 6 của bản «Dự thảo…». Theo tôi, phần thứ nhất của kiến nghị 2 này («Tiếp tục hoàn thiện luật pháp về tôn giáo, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân hài hoà với lợi ích xã hội») là một suy tưởng mang tính triết học xã hội hơn là quan điểm định hướng hành động của một cương lĩnh chính trị. Đây là một suy tưởng đáng trân trọng. Vấn đề làm sao cho «nhu cầu tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân hài hoà với lợi ích xã hội» rất nên được đưa ra để cùng suy nghĩ và thảo luận. Có thể nói, đặt vấn đề «nhu cầu tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân» là nhấn mạnh đến tính động, tính chủ quan cá nhân, tính mở. Cách tiếp cận này có thể dẫn đến những bổ sung cho các nguyên tắc nền sẵn có [4] (cụ thể là nguyên tắc nền thứ 2), vốn nhấn mạnh đến tính tĩnh tại của mối quan hệ giữa người công dân với tín ngưỡng tôn giáo của mình (người [5] tín ngưỡng tôn giáo). Tuy nhiên, chỉ tập trung vào «nhu cầu tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân», có thể tác giả đã quên mất rằng, sự chuyển dịch của một khái niệm căn bản trong hệ thống sẽ kéo theo ở những mức độ khác nhau toàn bộ các khái niệm khác (tức hai nguyên tắc nền còn lại). Cụ thể là, khi đã nói đến «nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo», thì không thể nào bỏ qua nhu cầu được tự do lựa chọn niềm tin, sự tự do lựa chọn việc không tin, và việc thiết lập các mối quan hệ mang tính chuẩn mực giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau, giữa các cộng đồng tôn giáo và cộng đồng không tôn giáo.

Phần thứ nhất của mệnh đề 2, bên cạnh sự phiến diện của nó (vì không đi kèm với sự chuyển dịch mang tính hệ thống của cả ba nguyên tắc nền), đã đưa ra một khái niệm khá mơ hồ là «lợi ích xã hội». Lợi ích xã hội là một khái niệm đủ lớn để bao chứa được đủ tất cả mọi thứ lợi ích trong xã hội, nhưng cũng đủ mơ hồ để chưa chứa đựng một cái gì cụ thể cả. Thoả mãn nhu cầu tự do tôn giáo tín ngưỡng của công dân lẽ nào lại không được coi là một lợi ích xã hội?

2. MĐ 6 («các tổ chức hợp pháp được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ») và phần thứ hai của kiến nghị 2 («trước mắt cần thể chế hoá, đảm bảo tính pháp lý để các tổ chức tôn giáo có đủ điều kiện được thừa nhận và hoạt động dưới sự bảo hộ của pháp luật») giống nhau ở một điểm là sự trùng lặp. Về nguyên tắc, nội dung «được pháp luật bảo hộ» và «hoạt động theo pháp luật» đã có mặt trong nội hàm của «các tổ chức hợp pháp» (các tổ chức hợp pháp tất nhiên phải được pháp luật bảo hộ và có nghĩa vụ hoạt động theo những tôn chỉ mà các tổ chức đó đã đề ra) không cần thiết phải nhắc lại nữa. Điểm mới của kiến nghị 2 là đi thẳng vào vấn đề lộ trình thừa nhận «các tổ chức tôn giáo có đủ điều kiện». Đáng tiếc là tác giả đã chỉ dừng lại ở đây mà không trình bày rõ lộ trình nào. Có một khoảng trống lớn giữa kiến nghị 1a (coi tổ chức tôn giáo như «những hiệp hội, ‘những tổ chức xã hội đặc biệt’») và phần thứ hai của kiến nghị 2 (về việc công nhận các tổ chức tôn giáo có đủ điều kiện). Khoảng trống đó đã khiến cho kiến nghị 1a mà tác giả đề xuất trở nên lơ lửng. Không có những ý tưởng cụ thể làm nền, kiến nghị đó tồn tại như là một ước nguyện, hơn là một tư tưởng có khả năng được áp dụng vào thực tế.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp pháp chế đối với vấn đề «tổ chức tôn giáo» bên cạnh việc chú ý đến sự chuyển dịch của toàn bộ hệ thống các nguyên tắc nền, đã được trình bày trong phần D.1 nổi lên hai điều đáng lưu ý sau đây:

a. Điều thứ nhất liên quan đến vấn đề xã hội dân sự, xã hội công dân. Hiện nay, bộ luật về Hội đang trong quá trình hoàn thiện và có kế hoạch được đưa ra thông qua tại Quốc hội trong thời gian tới đây. Bộ luật này sẽ có một vai trò và tác động gián tiếp ở mức độ nhất định đối với việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý trong lĩnh vực tôn giáo, mặc dù luật về Hội không trực tiếp điều chỉnh các tổ chức tôn giáo. Bởi, luật về Hội là bộ luật căn bản xác lập các chuẩn mực trong mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội dân sự [6] , với việc bình thường hoá việc ra đời và tồn tại của các hoạt động có tổ chức của xã hội dân sự. Mà, các tổ chức tôn giáo trên một phương diện căn bản cũng thuộc về xã hội dân sự. Việc bình thường hoá các hoạt động của xã hội dân sự này là điều kiện không thể thiếu cho việc tạo ra nền tảng cho sự tôn trọng một cách đầy đủ các chuẩn mực đạo đức mới [7] trong một xã hội hiện đại, từ đó mà mới có thể có được một xã hội công dân [8] thực thụ. Tinh thần cơ bản của xã hội đó là việc tôn trọng các quyền tự do và sự phát triển ý thức trách nhiệm của công dân, cụ thể là về phía Nhà nước, tạo điều kiện cho việc công dân đóng góp trực tiếp phần mình vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc biệt được đảm trách bởi Nhà nước, và về phía các công dân, tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng xã hội. Sự lớn lên của ý thức công dân nói chung, sự trưởng thành mạnh mẽ của một xã hội như vậy sẽ khiến cho các hoạt động vị tha, vì cộng đồng trong xã hội tăng lên, và có tác động vào việc tạo nên một thế cân bằng với những đóng góp xã hội của các tôn giáo.

b. Điều thứ hai là việc đổi mới cách nhìn nhận về sự đa dạng của các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Có thể nói, trên phương diện này Đặng Nghiêm Vạn đã có một đóng góp xác đáng khi trực diện chỉ ra: «Một thiếu sót trước đây khi xác định quan hệ Nhà nước và tổ chức tôn giáo, ta mặc nhiên dựa vào quan hệ Nhà nước với tổ chức của một tôn giáo độc thần. Do vậy, đã xảy ra tình trạng đúng mà không đủ, thậm chí là sai lầm khi áp dụng với một số tôn giáo cụ thể.» [9] Việc ra đời một Pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng (2004) bao gồm cả các tôn giáo có tổ chức giáo hội, cả các tín ngưỡng truyền thống chính là một cái mốc rất quan trọng. Trên phương diện pháp luật, xu thế đối xử một cách bình đẳng về mặt nguyên lý mang tính chất lý tưởng [10] với tất cả những hình thức tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau (và các hình thức tín tưởng khác nhau) là nội dung cơ bản của một nguyên tắc quan trọng, có thể được coi như nguyên tắc nền thứ tư, bên cạnh hệ thống ba nguyên tắc nền sẵn có (xem phần A1).

Hiển nhiên, việc xây dựng được các qui phạm luật pháp để điều chỉnh một cách có hiệu quả sự đa nguyên tôn giáo trong thực tế Việt Nam còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực khác.


Đ. Những khó khăn khi tiếp nhận một cách diễn đạt đa chủ thể mang tính áp đặt

Trong bài viết này, bản thân tôi không có ý định đóng góp trực tiếp cho bản «Dự thảo…». Đối với tôi, suy nghĩ và đóng góp vào bài «Góp ý…», trước hết là để đối thoại với tác giả, một người làm nghiên cứu khoa học về tôn giáo, đang tư vấn cho Báo cáo chính trị của Đảng CSVN, tuy nhiên trong quá trình đóng góp đó, không thể không có những bình luận đề cập đến một số nội dung của chính bản «Dự thảo…» (xem A.1) gắn với quan điểm của tác giả. Trước hết phải nói rằng, mối quan hệ Chính trị và Tôn giáo, chính sách tôn giáo, luật pháp tôn giáo là những vấn đề rất phức tạp. Bài «Góp ý…» mặc dầu ngắn nhưng không hề dễ đọc, và dễ đối thoại, bởi nó được viết cùng một lúc trên nhiều kênh khác nhau. Thực ra, việc thể hiện một bài viết trên nhiều kênh như vậy không phải là một hiện tượng ngoại lệ, nhất là trong việc xử lý một vấn đề phức tạp như thế này. Chính vì vậy, về phía tôi, một công việc tiềm ẩn đằng sau nỗ lực đối thoại, cái khả dĩ cho phép tôi có thể đưa ra được một số đề xuất để trao đổi với tác giả, là việc phân tách rõ trong bài viết đâu là ngôn ngữ của tác giả với tư cách một cá nhân bình thường [11] , đâu là ngôn ngữ của nhà khoa học [12] , đâu là ngôn ngữ của người làm tư vấn [13] và đâu là ngôn ngữ của người tự đặt mình ở cương vị trực tiếp soạn thảo «chính sách» [14] . Những sự phân biệt này chắc chắn bản thân tác giả cũng đã ít nhiều ý thức rõ khi chấp bút. Dù có phức tạp như thế nào đi chăng nữa, một khi đã phân tách được ra rõ ràng các bình diện khác nhau của diễn ngôn, các đề xuất đối thoại sẽ có nhiều cơ may để có được tính chất hợp lý tối thiểu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những phản hồi. Đối thoại sẽ chỉ gặp khó khăn, khi nào có một sự không rõ ràng trong chính quan niệm của tác giả, và trong trường hợp đó, người đọc khi muốn đưa ra các phản hồi sẽ không biết mình cần phải đứng trên cương vị nào. Dưới đây là một trong các câu văn tiêu biểu mà chủ thể của phát ngôn là một tập hợp của nhiều vai, không dễ bóc tách ra:

«Một điều khác cần suy nghĩ là, trong xu thế các tôn giáo hiện đại đều muốn trở thành ‘tôn giáo xã hội’, đạo - đời phải gắn bó hơn nữa, đồng thời Đảng và Nhà nước vẫn khẳng định quan điểm đúng đắn, tôn giáo nước ta còn tồn tại lâu dài, đồng hành với chủ nghĩa xã hội, thì rõ ràng luật pháp tôn giáo nước ta cũng phải nỗ lực hơn nữa để thể chế hoá, tạo hành lang pháp lý cho các tôn giáo được tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, văn hoá, giáo dục, y tế, từ thiện,…».

Theo cảm quan cá nhân, tôi tạm thời thực hiện một sự phân tách các bình diện của phát ngôn như sau:

  1. Nhà khoa học khẳng định: «trong xu thế các tôn giáo hiện đại đều muốn trở thành ‘tôn giáo xã hội’» (ở đây tôi không đánh giá về tính xác thực của luận điểm này).
  2. Nhà viết chính sách hô hào: «Đạo - đời phải gắn bó hơn nữa».
  3. Nhà tuyên truyền tái khẳng định: «Đảng và Nhà nước ta vẫn khẳng định quan điểm đúng đắn: Tôn giáo nước ta còn tồn tại lâu dài, đồng hành với chủ nghĩa xã hội».
  4. Nhà lãnh đạo chỉ thị: «luật pháp tôn giáo nước ta cũng phải nỗ lực hơn nữa để thể chế hoá, tạo hành lang pháp lý cho các tôn giáo được tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, văn hoá, giáo dục, y tế, từ thiện,…».
Có những người đọc xong câu này cảm thấy thoả mãn, vì từng mệnh đề dường như đều có vẻ là đúng cả. Chúng là những điều mà chúng ta thường được nghe đi nghe lại hàng ngày rồi, cần gì phải xem xét nữa, chỉ cần tin theo mà thôi. Về phía mình, sau khi đọc câu này tôi cảm thấy váng đầu, bởi khẩu khí hô hào lấn át hẳn quá trình tư duy, xu thế áp đặt quan điểm đè lên cái nhìn thực tại. Bản thân các vấn đề 2 và 3 đều đã được khẳng định trong «Dự thảo…» rồi, việc trộn thêm chúng vào câu này chỉ khiến ý chính mà tác giả muốn diễn đạt chìm hẳn đi mà thôi [15] . Sự có mặt song hành của nhiều vai trong một phát ngôn có thể là một phong cách riêng của tác giả, hoặc cần thiết cho nhu cầu đối thoại đặc thù của tác giả với một số đối tác, nhưng nó có một nhược điểm khách quan là cản trở nghiêm trọng quá trình tiếp nhận ở người đọc nói chung.



Thay lời kết

Bài «Góp ý…» của GS Đỗ Quang Hưng đã nêu ra được một số khái niệm và đề xuất rất đáng lưu ý, về nhà nước thế tục, về việc cần coi các tổ chức tôn giáo như các hiệp hội, các tổ chức xã hội đặc biệt, về việc nhìn nhận tôn giáo như một «thực thể xã hội». Đó là những vấn đề quan trọng cần được tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng phần lớn các khái niệm chính trong bài viết đã không được trình bày rõ ràng, hoặc có rõ ràng nhưng chưa gắn lắm với thực tiễn Việt Nam. Khái niệm «Nhà nước thế tục», mà tác giả đã rất có lý khi đưa ra, trong các xuất bản khác những năm gần đây, đã mở ra một hướng tiếp cận mới. Đóng góp này cần phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu lịch sử của «chính sách tôn giáo» ở Việt Nam dưới góc độ này tác giả đã chưa đưa ra được một cách nhìn tổng thể mang tính thuyết phục (xem mục C). Những kiến nghị được đề xuất hoặc chung chung (kiến nghị 1b và 1c), hoặc chưa chỉ ra hướng ứng dụng trong thực tiễn (kiến nghị 1a và 2). Rõ ràng sự lúng túng trong việc xây dựng một cách tiếp cận tổng thể hợp lý về mối quan hệ Chính trị với Tôn giáo đã để lại những hậu quả trực tiếp trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể. Ở một số chỗ, tác giả đã trộn lẫn nhiều tư cách phát ngôn khác nhau trong cùng một câu viết, khiến cho ý tưởng chính bị lu mờ, tiếp cận của nhà khoa học, người làm công tác tư vấn, bị lấn át bởi cách nhìn của nhà xây dựng chính sách và nhà lãnh đạo (mà thật ra đấy không phải là cương vị chính của tác giả) [16] . Việc trộn lẫn các cái nhìn khác nhau trong một luận điểm mà không ý thức được đầy đủ sự khác nhau về bản chất của chúng và sự tác động qua lại giữa chúng cản trở đáng kể việc duy trì và triển khai mạch tư duy khoa học. Lúc quá ư dè dặt (kiến nghị 2, xem mục A.2), khi ào ạt hô khẩu hiệu (mục Đ), các khái niệm đưa ra không thật rõ nghĩa (trừ kiến nghị 1a, xem A.3), văn phong trong bài viết này, tôi có cảm giác, của người có phần «đứng giữa hai làn nước», hơn là thái độ xốc vác tìm tòi, nhằm tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong một lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực mà chính bản thân tác giả đã nhận biết và, hiển nhiên, với cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, có trách nhiệm hàng đầu.

Như tôi đã trình bày, nhiều vấn đề đặt ra trong bản «Dự thảo…», trong bài «Góp ý…» là hết sức phức tạp, đòi hỏi các nghiên cứu rộng và sâu vượt quá tầm của một người nghiên cứu, vài suy nghĩ của tôi trên đây là một nỗ lực rất nhỏ, còn khá tản mạn và cũng mới chỉ là bước đầu, để đóng góp với GS Đỗ Quang Hưng và cũng là để tham gia vào quá trình nhận thức chung. Mong rằng trong thời gian tới, các nghiên cứu và trao đổi khoa học sẽ được tổ chức để tiếp tục những vấn đề đã được đặt ra trong lĩnh vực này. Đã đến lúc bộ môn nghiên cứu tôn giáo cần phải đặt yêu cầu tự khẳng định như một chuyên ngành nghiên cứu khoa học cơ bản, nếu muốn thực hiện được mục tiêu cung cấp những tư vấn thật sự có giá trị.

Khi bài viết này chuẩn bị được đăng, tôi đọc được bài viết mới của GS Đỗ Quang Hưng «Vài ý kiến về vấn đề tôn giáo hiện nay» vừa ra trên báo Nhân dân ngày 29-03-2006 [17] . Nối tiếp bài trước đã in trên báo Lao động tháng 2, bài này tập trung đi sâu vào việc Nhà nước cần tạo điều kiện cho sự tham gia của các tôn giáo trong các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế,… Bài viết đã đưa ra một số luận điểm rất đáng chú ý. Tôi có cảm giác dường như tác giả đã gián tiếp trao đổi với một số ý tưởng của tôi. Hy vọng một dịp nào đó được đối thoại với tác giả.
_________________

Nguyễn Kim Hiền hiện nay là nghiên cứu sinh chuyên ngành nghiên cứu tôn giáo tại Ecole Pratique des Hautes Etudes – Paris – Sorbonne, địa chỉ liên lạc nguyenkimhienvn@yahoo.fr

© 2006 talawas



[1]Bài của GS-TS Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Đỗ Quang Hưng được đăng trong mục Chính trị, báo Lao động điện tử hai ngày 21-22/2/2006. Trong bài viết này tôi gọi tắt là bản «Góp ý…».

Kỳ 1 http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(314,149891) ;
kỳ 2 http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(314,149934)
[2]Tôi gọi đó là «nhà nước thế tục trung lập» (trên phương diện ý thức hệ tôn giáo) (l’État laïc) để phân biệt với «nhà nước thế tục vô thần» (l’État athée).
[3]«Không bó hẹp trong một quan niệm chính thống nào đó», theo tôi, không có nghĩa là người nghiên cứu khoa học không có một lý tưởng, không có một quan niệm về trách nhiệm công dân, mà chính là không để mình bị phụ thuộc vào các áp lực chính trị nhất thời của một quan niệm mang tính chính thống mà hy sinh các chuẩn mực khoa học.
[4]Đặc biệt là ba nguyên tắc thuộc cấp độ 1. Xem vấn đề ba cấp độ của chuẩn mực (A1).
[5]Từ «có» (tín ngưỡng hay tôn giáo) thể hiện một mối quan hệ ít nhiều mang tính ổn định, sẵn có (với một truyền thống tôn giáo nhất định), trong khi «nhu cầu tự do tôn giáo tín ngưỡng» trước hết là một đòi hỏi bên trong cá nhân, có thể bao chứa sự tìm kiếm, thay đổi (ngay chính bản thân tôn giáo gốc của mình).
[6]Xem báo cáo « Đánh giá ban đầu về xã hội dân sự ở Việt Nam » (Dự án CIVICUS CSI-SAT) (2006) www.vids.org.vn/vn/asp/News_ Detail.asp?tabid=1&mid=821&ID=318 - 176k.
[7]Mới đây về chủ đề này, có bài «Hạnh phúc» của GS Cao Huy Thuần khơi gợi về vấn đề mối quan hệ giữa tư tưởng chính trị, tôn giáo và đạo đức xã hội. Bài được đăng lần đầu trên Tạp chí Diễn đàn số 155 zdfree.free.fr/diendan/articles/u155chthuan.html (tháng 10 năm 1955) và đăng lại trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Hanh_phuc/ (15-02-2006).
[8]Về tinh thần của xã hội công dân trong thể chế xã hội chủ nghĩa, xem bài của TS Vũ Thơ, «Vai trò của xã hội công dân đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền», Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 9/2003, tr. 12-18.
[9]«Suy nghĩ về mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam», Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 5(17)/2002, tr. 21.
[10]Cần phần biệt rõ sự đối xử bình đẳng về mặt nguyên lý và lý tưởng với sự qui phạm hoá trong các thể chế pháp lý cụ thể, thuộc về một lĩnh vực chuyên môn sâu. Những qui phạm cụ thể tất nhiên cũng lại chịu ảnh hưởng của những truyền thống và tương quan chính trị-xã hội-văn hoá hiện có. Đặng Nghiêm Vạn là một trong những người đầu tiên đưa ra được một đề xuất đáng lưu ý về việc cần đối thoại (trước hết là trong nội bộ Nhà nước) để tìm ra các giải pháp trong mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo: «Phải chăng bên cạnh những chính sách chung chung mang tính nguyên tắc, thích hợp chung cho các tôn giáo, phải có những chính sách riêng áp dụng cho từng tôn giáo phù hợp với những đặc điểm riêng biệt. Cần phải lưu tâm đến tính dân tộc và tính văn hoá trong tôn giáo, đồng thời lưu ý đến tính chính trị, trong tôn giáo.
Đó là một việc khó, nhưng có hướng đi đúng thì dần dần làm được đúng. Trong quan hệ Nhà nước và các tổ chức tôn giáo, thiết nghĩ dịp này là dịp thích hợp nhất để bàn bạc thống nhất thái độ của Nhà nước (tôi nhấn mạnh) với bản thân từng tổ chức tôn giáo. Đối với các tôn giáo không có tổ chức rõ ràng, thời có thể đề xuất những qui định cụ thể thích hợp dựa theo truyền thống, có cải tiến cho thích hợp với tình hình hiện nay.», sđd., tr.21. Đề xuất của tác giả là một trong những nỗ lực đầu tiên trên con đường này. Tuy nhiên đây mới là chính sách chứ chưa phải là pháp luật.
[11]Khi tác giả dùng những diễn đạt mang đậm tính chủ quan kiểu như «Riêng mệnh đề 6, nếu giữ lại»,…
[12]Khi tác giả đưa ra các tiêu chí rõ ràng để định nghĩa nhà nước thế tục, kiến nghị 1a, khi tác giả tiến hành phân cách văn bản ra các mệnh đề và tiến hành phân loại…
[13]Các kiến nghị 1a, 1b và 1c.
[14]Kiến nghị 2.
[15]Thậm chí vấn đề 3 còn được diễn đạt khiến cho người đọc có thể nghi ngờ tính chất ổn định trong quan điểm về tôn giáo của người cầm quyền. Bởi nếu hiện nay, «Đảng và Nhà nước vẫn (tôi nhấn mạnh) khẳng định quan điểm đúng đắn: Tôn giáo nước ta còn tồn tại lâu dài…», thì trong tương lai, biết đâu khi «Đảng và Nhà nước» không chấp nhận quan điểm đó nữa, thì các tôn giáo có thể vì thế mà suy vong? Yêu cầu «Vấn đề đạo và đời phải gắn bó hơn nữa» cũng không nên coi như một chân lý phổ quát, mà cần phải được đặt đúng vào trong các bối cảnh cụ thể (xem chú thích 7).
[16]Có lẽ trong lĩnh vực này, tác giả đã không tách biệt rõ đâu là một cái nhìn mang tính chất chỉ đạo hiện thực (hay định hướng chuẩn mực), đâu là một cái nhìn mang tính nhận thức hiện thực (bao hàm cả việc nhận thức những quá trình chỉ đạo hiện thực kể trên) và đóng góp giải pháp (hay đề xuất chuẩn mực) và đâu là một cái nhìn mang tính pháp lý (hay xây dựng chuẩn mực). Ví dụ như tác giả cho rằng «các mệnh đề trên (của bản «Dự thảo…» - tôi bổ sung) chưa phản ánh toàn diện thực trạng đời sống tôn giáo ở nước ta». Thực ra, bản «Dự thảo…» không phải là một văn bản khoa học, nó không hề đặt ra mục tiêu «phản ánh» «thực trạng của đời sống tôn giáo». Đó chính là công việc mà người nghiên cứu tôn giáo cần phải làm, và thông qua đó có thể cung cấp được các tư vấn, có cơ sở khoa học, cho các nhà chính trị. Để có một tiếp cận hợp lý, văn bản «Dự thảo…» cần được nhìn nhận với tư cách một văn bản định hướng chính trị.
[17]http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=57963