© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
27.1.2005
Trần Trung Đạo
Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa?
 
Các hệ thống truyền hình ở Mỹ thỉnh thoảng chiếu những cuốn phim tài liệu về đất nước và con người Việt Nam. Những đoạn phim đầy màu sắc với những chiếc thuyền buồm êm trôi trên mặt vịnh Hạ Long hay đoàn thuyền đánh cá sơn trên mũi tàu hai con mắt tròn xoe trông ngộ nghĩnh dễ thương, đang trở về bến cảng trong ráng trời chiều rực đỏ. Nước Thái Bình Dương màu xanh đậm và thanh bình như chính tên của biển. Tiếng đàn bầu cao vút, tiếng sáo trúc dặt dìu, điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh tình tứ. Việt Nam, quả thật là một đất nước thần tiên như Nguyễn Đình Thi khi còn sống đã hết lời ca ngợi:

„Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn“

Với người nước ngoài, Việt Nam hẳn nhiên là bức tranh đẹp tuyệt vời và thơ mộng, nhưng với tôi, những hình ảnh đó chỉ nói lên một Việt Nam lạc hậu, chậm tiến và đồng thời là những nhắc nhở về cuộc sống đầy tai họa của ngư dân Việt Nam trên biển Đông.

Những khán giả truyền hình ngồi trong căn phòng ấm cúng tiện nghi ở Mỹ, Anh, Đức sẽ không bao giờ biết được bên trong chiếc ghe buồm đang trôi trong suối nhạc êm tai kia là tiếng rên của đám dân chài cùng khổ. Phía dưới cánh buồm vá, hàng trăm mảnh đủ màu như chiếc áo của người ăn xin dưới tam cấp chùa Hương, là những con người sống một cuộc đời lam lũ, chưa bao giờ nghe ai nhắc đến hai chữ tương lai. Họ không có đủ cơm để ăn, không đủ áo để mặc, sinh ra ở hầm ghe, ăn đó, ngủ đó, cưới nhau đó, sinh con đẻ cái và lớn lên trong nghèo nàn và thất học cũng từ nơi đó.

Những khán giả truyền hình nước ngoài cũng không thể nào hiểu được đời sống của ngư dân Việt Nam trong những chiếc ghe đánh cá bắng gỗ, gắn những chiếc máy còn lại từ thuở hệ thống Liên Xô chưa tan rã, đi sớm về khuya. Những thế hệ ngư dân Việt Nam đời này qua đời khác chịu đựng bao thiên tai khắc nghiệt từ lúc mới sinh ra ra trên nước và không ít trong số họ đã chết theo dòng nước.

Những khán giả truyền hình nước ngoài cũng không biết rằng ngư dân Việt Nam còn chịu đựng một tai họa khác, chỉ có tại Việt Nam. Trong 30 năm qua, mỗi chuyến trở về của những ngư dân Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa v.v. như được chiếu trên màn ảnh truyền hình, còn là một lần sống sót, không phải sống sót từ những trận bão tố ngoài khơi, những ngọn sóng to, những cơn gió lớn..., mà sống sót từ những viên đạn không một chút xót thương của những người "vừa là đồng chí vừa là anh em" Trung Quốc. Ôi mỉa mai làm sao khi nghe những em bé học sinh Việt Nam tập hát: "Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông, sớm sớm nghe tiếng gà gáy rộn, anh nhìn em đó, em nhìn anh đây" của Đỗ Nhuận trong lúc bà con thân thuộc của các em mỗi ngày vẫn chết trong các trận đụng độ thường xuyên xảy ra dọc vùng biên giới giữa hai nước.

Những năm sau thời kỳ "đổi mới" tin tức được phổ biến rộng rãi hơn và những người chết trong vịnh Bắc Bộ còn được ghi lại dăm hàng trên mặt báo, nhưng những năm trước đó thì sao? Những tên cướp biển nói tiếng Quan Thoại trong 30 năm qua đã giết bao nhiêu ngư dân vô tội? Không ai biết. Nỗi bất hạnh của ngư dân Việt Nam đã âm thầm hòa tan vào sự chịu đựng triền miên của dân tộc Việt Nam như máu của họ đã và đang hòa tan vào nước biển Đông xanh thẳm.

Biến cố ngày 8 tháng Giêng lần nữa là một chứng tích đau lòng cho cuộc sống đầy bất hạnh của ngư dân Việt Nam và là một nhắc nhở cho mối nhục chung mà bất cứ ai còn nhận mình là người Việt Nam phải chịu đựng.

Đọc những lời tuyên bố gọi là phản đối của ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tôi có cảm tưởng ông ta đang nói về một tai nạn giao thông hay một trường hợp ngộ sát nào đó hơn là một cuộc thảm sát với 9 ngư dân bị bắn thủng ngực, tài sản bị tàn phá và 8 ngư dân khác chưa biết số phận ra sao. Đơn giản, bởi vì hơn ai hết ông Lê Dũng biết rằng việc chỉ trích nặng lời chỉ càng thêm tổn hại cho mối quan hệ về sau giữa hai nước chứ chẳng làm gì Trung Quốc được. Trong đầu óc thiên triều của giới lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam chỉ là kẻ ăn cắp bản quyền "đổi mới" của họ chứ chẳng tài ba gì để đáng được nể vì. Bằng chứng, Khổng Tuyền, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chẳng những không chối cãi việc chính hải quân Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư dân mà còn dọa sẽ đưa 8 ngư dân bị bắt ra tòa. Chính phủ Việt Nam, cuối cùng, biết đâu lại phải sang tận Bắc Kinh năn nỉ xin tha cho 8 đồng bào hiện còn đang bị giam giữ, nói chi đến chuyện bồi thường hay trừng phạt những kẻ sát nhân.

Đọc lời kể của những đồng bào may mắn chạy thoát mới biết những nhận thức chính trị và lịch sử của họ cũng nghèo nàn và tội nghiệp như chiếc ghe đánh cá họ đang dùng. Phái viên báo Thanh Niên ngày 15 tháng 1 năm 2005 viết lại lời ông Nguyễn Văn Hoàn, chủ của chiếc tàu bị tấn công: "Bất kể ngày đêm, lúc nào tàu của ông cũng treo cờ Tổ quốc và luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật khi hoạt động ngoài khơi", thế nhưng, "các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục truy sát, vừa đuổi, vừa bắn tàu của ông gần 3 giờ đồng hồ mới chịu quay trở ra". Người ngư dân chất phác xã Hòa Lộc, tỉnh Thanh Hóa kia nghĩ rằng khi treo "cờ Tổ quốc", biểu tượng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và "tuân thủ pháp luật khi hoạt động ngoài khơi" thì hải quân Trung Quốc ắt phải è dè và kính trọng. Đáng thương thật, ông ta không biết rằng chình vì "treo cờ Tổ quốc" nên chiếc ghe máy thô sơ của ông mới bị đuổi bắn suốt 3 giờ. Nói thẳng thì bảo là phản động, nhưng phải chi ông đừng treo "lá cờ tổ quốc" đó hay treo đại lá cờ Phi, cờ Thái, thậm chí cờ trắng thì biết đâu bà con ngư dân Hòa Lộc còn có cơ may sống sót.

Bác Hoàn có lẽ chưa đọc Người Trung Quốc xấu xí nên không biết Bá Dương đã nhận xét về thói xấu của người dân nước ông: "Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết." Cuộc chiến Việt - Trung đã chấm dứt hơn hai chục năm qua nhưng sự căm giận đối với Việt Nam vẫn còn hằn sâu trong lòng giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc. Những ai có dịp nghe chương trình Việt ngữ của đài Bắc Kinh trong cuộc chiến Việt Trung năm 1978, chắc còn nhớ Trung Quốc vừa kể ơn và vừa kể tội đảng Cộng Sản Việt Nam không sót một điều gì. Trong quan điểm của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả những gì Việt Nam có ngày nay, từ túi lương khô, khẩu súng trường cho đến cả "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc" cũng đều do sự hy sinh của nhân dân Trung Quốc.

Bác Hoàn cũng không có Internet nên không đọc được lời bình luận của Frank Ching, đặc phái viên báo Kinh Tế Viễn Đông để biết sự cô đơn của Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Cách đây mười năm, Frank Ching đã quan sát vai trò của quốc tế trong cuộc xung đột Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc: "Không ai trong cộng đồng thế giới muốn can dự vào việc giải quyết cuộc xung đột giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Lý do rất rõ ràng: Văn bản ngoại giao và sự công nhận (ý tác giả muốn viết đến lá thư công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa do Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng ký năm 1958) của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thể được xóa bỏ bởi một nước nhỏ như Việt Nam lại muốn chơi trò lường gạt Trung Quốc. (No one in the world community want to step in to settle the dispute between Communist Vietnam and PRC. The reason is very clear: diplomatic note and recognition by Vietnamese Communists can’t be erased by a small country like VN who has wanted to play a trick cheating China - Far Eastern Economic Review, Feb. 10, 1994). Mười năm sau, vị trí chính trị của Việt Nam trong trường bang giao quốc tế tuy mở rộng hơn, nhưng cảm tình thế giới dành cho Việt Nam cũng không khác gì mười năm trước. Mặc dù là hội viên của cả Liên Hiệp Quốc và ASEAN, hai tổ chức quốc tế uy tín nhất, nhưng không một tổ chức nào buông một câu có lợi cho Việt Nam trong vụ thảm sát vừa qua.

Người ngư dân Hòa Lộc cũng không đọc Carl Thayer để biết Trung Quốc đánh giá khả năng quân sự của Việt Nam thấp đến mức độ nào. Những hình ảnh mà ông biết về một "quân đội nhân dân anh hùng, bách chiến bách thắng" chỉ còn trong phim ảnh. Tác giả của những kịch bản đó là những cụ già đang ngồi mơ một giấc mơ độc lập tự do vẫn chưa thành hiện thực trong những khu nhà tập thể chật hẹp ở Ba Đình, Đống Đa, Thanh Trì. Sau cuộc chiến 29 ngày năm 1978, tương quan quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thay đổi và đến nay sự chênh lệch đã xa đến mức Việt Nam không còn là một đe dọa quân sự đối với Trung Quốc nữa. Bằng chứng mới nhất, mặc dù giết hàng chục người và bắt giữ hàng chục ngư dân Việt Nam khác vào sáng ngày 8 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ lên tiếng vào ngày 15 tháng 1, tức sau khi Việt Nam chính thức gởi công hàm phản đối. Nếu Việt Nam không lên tiếng có lẽ Trung Quốc cũng chẳng buồn nhắc tới làm gì. Tại sao? Có thể họ nghĩ rằng, Việt Nam lại cố nhịn nhục bỏ qua như bao nhiêu lần trước và cũng có thể họ xem việc giết dăm ba người Việt chỉ là chuyện nhỏ. Cả hai trường hợp đều chứng tỏ sự khinh thường của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Việt Nam phải làm gì để ngăn chận hiểm họa Trung Quốc?

Ba tuần qua, báo chí và đồng bào trong nước đã mạnh dạn hơn trong việc lên án hành động giết người dã man của hải quân Trung Quốc và ba tuần qua, đồng bào Việt ở hải ngoại cũng lên tiếng kết án, gởi thư phản đối Trung Quốc qua trung gian sứ quán hay lãnh sự Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Mỹ, Anh, Pháp v.v., đồng thời quy tội bất lực, không bảo vệ được sinh mạng người dân cho nhà chức trách Việt Nam. Cả hai phản ứng đều là phát xuất từ niềm tự ái dân tộc và tình cảm tự nhiên của tình nghĩa đồng bào, thế nhưng không phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chận hành động xâm lược của Trung Quốc. Thành thật mà nói, với điều kiện kinh tế, chính trị, quân sự quá khiêm nhượng, nếu không muốn nói là nghèo nàn lạc hậu của Việt Nam hiện nay, ngoài việc kết án, biểu tình, phản đối, câu trả lời vẫn là "Không làm gì ngăn chận được".

Câu hỏi tuy quan trọng, nhưng một câu hỏi khác, tôi nghĩ còn quan trọng hơn, đó là, mỗi chúng ta thật sự muốn gì cho đất nước mình? Sau gần 30 năm, người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn chưa thật sự trở thành khối đoàn kết có khả năng thay đổi vận mệnh của chính mình. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhân dân Đức đoàn kết để xây dựng một nước Đức thống nhất sau gần nửa thế kỷ phân chia, trong khi đó, người Việt Nam sống trên nước Đức, dù cùng chán ghét độc tài, cùng tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam, vẫn còn nhìn nhau bằng cặp mắt e ngại, hoài nghi. Tại sao? Phải chăng chúng ta thù ghét nhau đến thế mức không thể nhìn mặt nhau? Phải chăng dân tộc chúng ta có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm nhưng không có khả năng hóa giải nội thù? Phải chăng dân tộc Việt Nam có truyền thống bảo vệ đất nước nhưng không có khả năng xây dựng đất nước? Không, tôi không nghĩ thế. Người Việt chưa đoàn kết bởi vì chúng ta chưa cùng tắm chung trong một dòng tâm thức Việt Nam, chưa cùng chia sẻ một suy nghĩ về tương lai và chưa thấy giống nhau khi đối diện với những nhu cầu chung của đất nước. Nói vắn tắt, chúng ta chưa thật sự có một ước muốn giống nhau cho đất nước mình.

Chọn lựa duy nhất để phá vỡ những bế tắc tư tưởng trong cộng đồng dân tộc hôm nay, không phải là đi xa hơn nữa, không phải rập khuôn từ ai khác, mà là trở về. Sau bao năm chạy theo những ảo vọng, những chân trời không có thực, những ý thức hệ ngoại lai, hơn bao giờ hết, mỗi người Việt Nam phải tự thắp sáng niềm tin vào dân tộc trong lòng mình bằng một cuộc hành hương trở về với các giá trị tự chủ, nhân bản và khai phóng đã hun đúc nên dòng giống Đại Việt như người Do Thái trở về bên chân tường Wailing Wall hay trên đồi Mount Masada linh thiêng của họ.

Ngoài các giá trị tinh thần và truyền thống, tổ tiên đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng phong phú với tất cả phương tiện cần thiết để đưa đất nước Việt Nam thành một cường quốc văn minh và  hiện đại. Chúng ta có một lãnh thổ đầy ắp tài nguyên trải dài trên 3 ngàn cây số biển. Chúng ta có khối nhân lực lao động với 65 phần trăm dân số dưới 30 tuổi. Chúng ta có hàng triệu tài năng đã và đang hấp thụ các nền giáo dục khoa học kỹ thuật hiện đại khắp thế giới. Cái duy nhất chưa có đó là một cơ hội. Và cơ hội sẽ không do ai ban cho, không do ai viện trợ, nhưng chính chúng ta, chứ không ai khác, phải là những người tạo ra cơ hội cho dân tộc mình. Con đường phục hưng Việt Nam cũng không phải là độc đạo của riêng ai mà là của nhiều người, nhiều thế hệ, nói chung, của tất cả người Việt yêu nước dù đang ở đâu trên trái đất nầy. 

Nhân chuyện ngư dân Thanh Hóa và cũng trên đường về với uyên nguyên dân tộc, chúng ta hãy cùng nhau đi thăm một làng đánh cá khác, không phải Hòa Lộc, Thanh Hóa, mà là một làng nhỏ ở xã Tức Mạc, phủ Thiên Trường, Nam Định. Từ nơi đó, hơn 800 năm trước, con cháu của những ngư dân họ Trần, khởi nghiệp trên những chiếc thuyền nan, sống bằng con cá con tôm, nhưng không lâu, đã lãnh đạo đất nước để đánh bại một đạo quân Nguyên hùng mạnh gấp nhiều lần và viết nên một trong những trang sử hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.

Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ hai năm 1285, cháu nội của một ngư dân làng Tức Mạc, Nam Định, có tên là Trần Quốc Tuấn đã viết trong Hịch Tướng Sĩ: "Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm tiền nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc" (Hịch Tướng Sĩ, bản dịch của Trần Trọng Kim).

Nếu chúng ta thắp một nén hương trên bàn thờ đức Hưng Đạo Vương để xin phép ngài được thay câu "chủ nhục" thành "quốc nhục", thay "việc chọi gà" thành "việc đá banh", thay câu "nghĩ về quyền lợi riêng mà quên việc nước" bằng "nghĩ về quyền lợi Đảng mà quên việc nước", thay câu "thích rượu ngon, mê tiếng hát" bằng câu "tham ô, hủ hóa, lạm dụng của công" cho thích hợp với sinh hoạt xã hội Việt Nam ngày nay, sau đó, phổ biến đến mọi người dân, tận hang cùng ngõ hẻm, từ Bắc đến Nam, trong nước ngoài nước, trong Đảng ngoài Đảng, để học thuộc lòng và tự kiểm điểm mỗi ngày, tôi nghĩ, đó cũng là một cách hay để đánh thức lương tâm của những người lãnh đạo và cũng của những ai đang mải mê trong cuộc chơi hay còn chìm trong giấc ngủ dài.

Lịch sử đã để lại nhiều bài học đầy xương máu. Họa phương Bắc của bốn ngàn năm trước và họa phương Bắc của ngày nay, phương pháp hẳn nhiên đổi khác nhưng bản chất vẫn như xưa. Nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn muốn Việt Nam nằm trong vòng kiểm soát của họ không những về kinh tế, chính trị mà cả về văn hóa, tư tưởng như họ đã cố làm đối với tổ tiên ta ngày trước và đang làm đối với hai dân tộc Nội Mông và Tây Tạng hiện nay. Về phía Việt Nam, chính sách phát triển đất nước theo "định hướng xã hội chủ nghĩa" cũng không khác gì bao nhiêu so với chính sách bảo thủ trong bốn bức tường thành Nho Giáo thời nhà Nguyễn. Cả hai không những đều là sản phẩm của Trung Quốc mà còn chứng tỏ sự lạc hậu, lỗi thời, tự cô lập với dòng phát triển đa phương của nhân loại và không mở ra một lối thoát nào cho tương lai dân tộc. Một em học sinh lớp mẫu giáo cũng biết rằng nếu chỉ theo đuôi người khác, suốt đời sẽ chẳng bao giờ qua mặt được ai.

Hoàn cảnh xã hội mỗi thời đại tuy khác nhau nhưng trách nhiệm của người dân đối với sự an nguy của dân tộc vẫn không thay đổi. Tôi thật sự tin nếu mỗi chúng ta biết bước xuống khỏi những chiếc xe ngoại đắt tiền, vất đi những bằng tiến sĩ giấy, từ bỏ các chức vị đảng viên, bí thư, đừng mỏi cổ trông chờ sự ban ơn cứu giúp của người Mỹ, người Nga, để cùng về cầm lại mái chèo như tổ tiên đã từng làm từ ngàn năm trước, con thuyền dân tộc sẽ vượt qua sơn sóng lớn và mở đường ra biển cả mênh mông. Một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư dân Hòa Lộc, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà chính sự khiếp nhược, ươn hèn, vong thân, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết chính mình và dân tộc mình.

© 2005 talawas