© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
12.7.2008
Lê Xuân Khoa
Thông điệp chính trị Võ Văn Kiệt
 
Võ Văn Kiệt, nguyên (nay là cố) Thủ tướng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã từ biệt cõi trần được tròn một tháng. Những lời bình luận sôi nổi, tích cực hay tiêu cực, về con người và sự nghiệp của ông, cũng đã thưa dần và lắng đọng. Như vậy, công việc “cái quan luận định” từ nay có thể được tiếp nối một cách bình thản và khách quan hơn về một nhân vật đã đóng những vai trò quan trọng trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc có nhiều biến cố và nhiều thách thức nhất.

Qua dư luận trong và ngoài nước, kể cả Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và một số chính khách quốc tế, ông Võ Văn Kiệt đã được đánh giá là người cộng sản đổi mới tư duy sớm nhất khi còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là kiến trúc sư của tiến trình thay đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, và là một trong những người chủ trương và thực hiện việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước Tây phương, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN). Từ ngày về hưu, ông Kiệt đã không ngừng thúc giục chính quyền ban hành những biện pháp cởi mở về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. “Thái độ trung thực và có trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà ông dùng làm phương châm [1] đã gây cho ông nhiều trở ngại sau này trong việc phổ biến thông tin và thực hiện dự án cụ thể.

Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo cộng sản đầu tiên thực hiện hòa giải dân tộc qua việc mời trí thức, chuyên gia của chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) hợp tác tư vấn về kinh tế ngay từ những năm cuối thập kỷ 1970. Trong thời gian gần đây, ông đã nhận định về kết quả cuộc chiến tranh khốc liệt hai mươi năm là “có hàng triệu người vui nhưng cũng làm cho hàng triệu người buồn”. Ông mạnh dạn lên tiếng xác nhận lòng yêu nước của những người không cộng sản và sự cần thiết “đối thoại sòng phẳng” với những người bất đồng chính kiến. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận những chính sách sai lầm của Nhà nước sau ngày đất nước thống nhất về cải tạo công thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp, về cải tạo sĩ quan và công chức miền Nam, cưỡng bức dân đi kinh tế mới, và về hiện tượng thuyền nhân như là “những vết thương trên cơ thể đất nước, để lại những di chứng trong tâm hồn của không ít đồng bào ta”. [2]

Về mặt tiêu cực, ông bị chỉ trích là người chịu trách nhiệm, ít nhất là một phần, về những quyết định sai lầm, những chính sách độc đoán, phản dân chủ của Đảng và Nhà nước cộng sản. Cụ thể là trong thời gian ông làm Thủ tướng đã có những bản án bất công và nặng nề dành cho những trí thức tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo sư Nguyễn Đình Huy. Hành động phản dân chủ được nhắc đến nhiều nhất là việc ông Kiệt đã ký Nghị định 31/CP vào tháng Tư năm 1997 ban hành biện pháp quản chế hành chánh, thực tế là giam giữ tại gia, không xét xử, nhằm ngăn chặn hoạt động của những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ.

Tất cả những lời khen và chê trên đây đều là những nhận định có cơ sở đã được nhiều người nói đến với dẫn chứng cụ thể, không cần phải lặp lại ở đây. Lời chê trách được nói đến nhiều nhất là ông Kiệt đã chỉ dám nói lên sự thật và đưa ra những đòi hỏi chính đáng khi ông không còn nắm giữ quyền hành. Tuy nhiên điều này cũng dễ giải thích vì dưới chế độ đôc tài cộng sản, trừ những “siêu lãnh tụ” như Stalin, Mao Trạch Đông hay Kim Nhật Thành, không có một nhân vật lãnh đạo nào có toàn quyền quyết định về mọi vấn đề của đất nước. Ngay cả Hồ Chí Minh, vì đã không tự xây dựng cho mình thành một lãnh tụ độc đoán trong bộ máy Đảng và Nhà nước, cũng đã mất dần ảnh hưởng vào những năm cuối của cuộc đời. Sau Lê Duẩn và Trường Chinh, không có một Tổng Bí thư nào có đủ uy tín và đảm lược để xác định một hướng đi mới cho Việt Nam ngang tầm với Đặng Tiểu Bình hay ngay cả Giang Trạch Dân ở Trung Quốc. Trong cơ chế lãnh đạo tập thể ở Việt Nam từ những năm 1980, bất cứ một cấp lãnh đạo nào không thể hay không chịu thích ứng với những quyết định của tập thể, chắc chắn sẽ sớm bị loại ra ngoài vòng ảnh hưởng. Trường hợp Trần Xuân Bách năm 1990 và Nguyễn Cơ Thạch năm 1991 là những thí dụ cụ thể. Bởi vậy, một số biện pháp cục bộ có tính cách “xé rào” về đổi mới kinh tế của Võ Văn Kiệt trong vai trò Bí thư Thành ủy TP HCM hay một văn kiện như “Thư gửi Bộ Chính trị” năm 1995 để chuẩn bị Đại hội VIII giữa lúc ông đang làm Thủ tướng, đều đáng được coi là những hành động can đảm.

Trong “Thư gửi Bộ Chính trị”, ông Kiệt đã nhấn mạnh đến nhu cầu “phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, để lấy lại thời cơ đã mất và đuổi kịp các nước chung quanh”. Ông nói thẳng là “(nếu) rụt rè bỏ lỡ cơ hội này, sẽ là thảm họa cho đất nước”. Về phát triển kinh tế, ông chống lại chủ trương để cho kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo vì “điều này hoàn toàn không đúng”. Ông nhấn mạnh đến “một vấn đề không thể tránh né là chúng ta phải thừa nhận sự phát triển của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”. Ông phản biện lời cảnh báo về “nguy cơ chệch hướng”, khẳng định rằng nguy cơ này thật ra “đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế xã hội… Đó là tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành ‘quốc nạn’”.

Về nhu cầu cải tổ hành chánh để quản lý đất nước có hiệu lực, ông Kiệt nêu ra một loạt những vấn đề đáng lo ngại do “buông lỏng quản lý nhà nước” bao gồm “tình trạng tham nhũng, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, tình trạng móc ngoặc ở trong nước hoặc với nước ngoài trong kinh tế, tình trạng chồng chéo ách tắc trong điều hành và quản lý đất nước, rừng núi tài nguyên bị tàn phá trong thời bình, môi trường tự nhiên đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng nhiều nơi không được gìn giữ, tình trạng dân kêu oan khiếu nại...” Ông đặt nặng yêu cầu “phải đoạn tuyệt với cơ chế ‘chủ quản’ và… phải làm đúng chức năng quản lý nhà nước”. Muốn vậy, “cần tăng cường quyền lực và khả năng hoạt động hữu hiệu của các cơ quan dân cử bao gồm Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp với nội dung: chú trọng tăng cường khả năng và quyền lực lập pháp của Quốc hội; tăng cường quyền lực và khả năng giám sát của hội đồng nhân dân. Không nên nhầm lẫn coi hội đồng nhân dân là những cơ quan lập pháp địa phương dưới Quốc hội”. Từ những yêu cầu phải thừa nhận thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cải tổ bộ máy quản lý đất nước, tăng cường quyền lực của quốc hội cũng như của các hội đồng nhân dân, ông Kiệt nói rõ thêm là “phải vận dụng cơ chế kinh tế thị trường, phát huy mọi thành phần kinh tế trong xã hội và mở rộng kinh tế đối ngoại…” và thúc giục “phải tích cực phát triển hệ thống các luật pháp trong đó gấp rút nhất là Luật dân sự và Luật thương mại” .

Cuối cùng, đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng, trong cương vị của một đảng viên cộng sản nòng cốt và kỳ cựu, ông Kiệt đã nêu lên sự cần thiết phải “đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục, phát huy và bảo vệ quyền công dân để phát huy sức mạnh của cả nước”. Đặc biệt là lời phát biểu khá táo bạo: “Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc ‘dân chủ tập trung’ hoặc ‘tập trung dân chủ.’ Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức như vậy.”

Chỉ riêng mấy điểm trên đây cũng đủ cho thấy là ông Kiệt đã dám nói sự thật và đòi hỏi chính đáng trong khi ông đang làm Thủ tướng. Ông không có quyền tự ý quyết định nhưng đã dám đụng tới những “vùng cấm” của cơ chế và rõ ràng là ông đã đặt vấn đề trách nhiệm với tập thể lãnh đạo chứ không phải là tuyên bố mị dân do mệnh lệnh hay sự đồng tình của Bộ Chính trị. Rút kinh nghiệm từ những bài học Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt đã khôn khéo nhấn mạnh vào ý muốn cứu Đảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa trước những thách thức mới của phát triển quốc gia và quan hệ quốc tế. Nhưng khi tình trạng trì trệ đã kéo dài quá lâu đòi hỏi phải tranh thủ thực hiện những biện pháp đổi mới thực sự thì “con người của hành động” cũng bắt buộc phải rời bỏ các chức vụ chính thức để chỉ còn được giao cho vai trò “cố vấn” hữu danh vô thực.

Mặc dù vậy, Võ Văn Kiệt đã tuyên bố “chỉ rời nhiệm sở chứ không rời trách nhiệm” và tiếp tục công khai hóa những suy tư và đề nghị cải cách về kinh tế, chính trị và xã hội mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.

Bản “Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi nãm đổi mới” do Trung ương Đảng soạn thảo để chuẩn bị đưa ra Đại hội X của Đảng năm 2006 đã cho ông Kiệt cơ hội gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và khẳng định tầm nhìn chiến lược và những chiến thuật cụ thể trước “sứ mệnh rất nặng nề” của các nhà lãnh đạo là “lái con thuyền Việt Nam như thế nào trong dòng chảy lớn của sự phát triển thế giới trước mắt”. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta không thể chỉ đặt ra vấn đề của Việt Nam như chuyện trong nhà mà là chuyện ganh đua với thế giới để tồn tại và phát triển.” Trong phạm vi bài này, tôi sẽ không đi vào chi tiết trong bài “Đóng góp ý kiến” dài 28 trang của ông Kiệt vì chỉ tóm luợc những điểm then chốt trong tài liệu đã được phổ biến công khai đó. Tất cả những từ hay câu trong dấu ngoặc kép đều được lấy ra từ nguyên bản.


Tư duy lạc hậu và xu hướng tả khuynh

Trước hết, ông Kiệt đặt vấn đề cần phải “đổi mới trong tư duy” của lãnh đạo về một số khái niệm đã lỗi thời mà trong bản Báo cáo của Trung ương Đảng “những khái niệm đó được coi như chuyện đương nhiên, không được phân tích, phê phán, không làm sáng tỏ thêm nội hàm, mà hầu như giữ nguyên như cũ cách nhìn, cách định hình đã có trước đây rồi đưa vào hệ thống quan niệm hiện nay”. Theo ông, có một loạt khái niệm cần phải được “rà soát lại nội dung” mà điển hình là:

  1. Chủ nghĩa Mác-Lênin: cần “nghiên cứu, phân tích xem trong chủ nghĩa Mác-Lênin điều gì trước đây đúng và đến nay vẫn đúng, điều gì trước đây đúng nhưng nay không còn phù hợp nữa, điều gì ngay từ trước đã có sai sót…” Ông Kiệt nhận xét là không có đảng cộng sản nào nói rằng không đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin… nhưng mỗi đảng đi theo một con đường khác nhau, đảng này lại còn phê phán đảng kia là làm sai những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin.”

  2. Tư tưởng Hồ Chí Minh: ông Kiệt không đặt vấn đề xét lại tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng nhấn mạnh rằng “thực tế ở rất nhiều nơi và đã rất nhiều lúc chúng ta vi phạm nghiêm trọng tư tưởng của Bác Hồ: đối với công thương gia, đối với trí thức, với các thân hào nhân sĩ, đối với các công chức lưu dụng, đối với việc tôn trọng quyền tự nguyện của nông dân, đối với việc phê và tự phê trong Đảng, đối với chính sách đại đoàn kết dân tộc…”

  3. Về giai cấp công nhân, “chúng ta thường nói như một công thức rằng Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân.. . (Nhưng) giai cấp công nhân trong thực tế không biết và không có quyền được biết đội tiền phong của mình đang làm gì.”

  4. “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay vẫn được nhắc lại như cũ. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh khỏi lại sẽ phạm vào những sai lầm trong việc bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến cái công thức kể trên như một cách để nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy.”

  5. Về khái niệm “tránh chệch hướng,” ông Kiệt phê phán “thói quen độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết.” Ông đưa ra một số thí dụ để chứng minh sự chệch hướng của con đường từng được Nhà nước coi là “duy nhất đúng hướng.” Ông châm biếm: “Sau một thời gian dài, phải trả giá rất nhiều, sự đúng hướng đó đi vào ngõ cụt đến mức không có khả năng đi tiếp theo cái “đúng hướng” đó nữa thì mới tỉnh ngộ ra và mới thừa nhận rằng những điều tưởng rằng đúng hướng lại là chệch, và cái tưởng chệch lại là đúng, mà hiện nay chúng ta đang đi theo.”

  6. Về nguy cơ “diễn biến hòa bình”, ông Kiệt cũng chỉ rõ tính cách lỗi thời của khái niệm này: “Cho đến nay, tình hình thế giới thay đổi rất nhiều. Những nước phương Tây điều chỉnh chủ trương, chính sách và biện pháp của nó hàng tháng, hàng năm. Không nên dùng một khái niệm chung chung, trừu tượng như thế để lượng định những nguy cơ từ những nước phương Tây.” Ông xác tín như thế sau khi đã “trao đổi với những người bạn quốc tế, đặc biệt là một vài người bạn có lúc ở cùng cảnh ngộ với ta trong khối ASEAN, đã hoặc đang ở trên những cương vị lãnh đạo cho phép họ nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và khách quan xuất phát từ bài học kinh nghiệm của chính họ và dân tộc họ đã trải qua, trao đổi với nhiều anh chị em trí thức trong nước và ở nước ngoài có hiểu biết và nhất là có sự tha thiết muốn góp phần vào sự phát triển đất nước.” Ông khuyến cáo: “Chúng ta phải thật tỉnh táo nhìn nhận lại vấn đề này, nhất là khi chúng ta đã dõng dạc tuyên bố với thế giới: Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, muốn là đối tác tin cậy của tất cả mọi người.”

  7. Về quan hệ giữa các thành phần kinh tế, ông Kiệt chỉ trích thái độ “luôn luôn qui định kinh tế nhà nước phải là chủ đạo” vì nó mâu thuẫn với lời nói “xóa bỏ mọi sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế.” Ông nhận xét rằng “kinh tế nhà nước hiện nay rất yếu kém, nhiều khuyết tật. Một nền kinh tế nhiều thành phần mà thành phần nhiều khuyết tật nhất, kém hiệu quả nhất lại là chủ đạo.” Một lần nữa, ông chỉ trích việc “nhắc lại công thức như một thói quen để làm hài lòng những tư duy đường mòn bảo thủ, vừa muốn giữ lại cái cũ làm chỗ dựa, vừa bất lực trong việc giúp cho nền kinh tế được phát triển tối ưu.”

  8. Về những căn bệnh cố hữu là tham nhũng, quan liêu, phẩm chất sa sút của Đảng viên, ông Kiệt cảnh báo: “Đó quả là một nguy cơ lớn. Nhiều Đảng đã tan rã vì căn bệnh này.” Sau khi mổ xẻ những nguyên nhân sâu xa của căn bệnh, ông qui kết gốc rễ của nó là sự “thiếu dân chủ” trong quá trình tuyển lựa, sắp xếp nhân sự cho bộ máy của Đảng ở các cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vì “sự chọn lọc, tuyển lựa cán bộ để đưa vào các cấp ủy không công khai, minh bạch trong quá trình dân chủ thảo luận của đại hội các cấp. Vì thiếu dân chủ cho nên sự tập trung đã trở thành tập trung quan liêu, dẫn tới sự chuyên quyền, độc đoán của một số tập thể nhỏ.” Ông mô tả hệ quả của tệ nạn này là “sự bị động tùy thuộc của cấp dưới tuân theo mọi quyết đoán từ bên trên, tạo ra tâm lý lựa gió xoay chiều cốt cho được việc theo ý của trên. Sự dối trá cũng khởi nguồn từ đây. Căn bệnh hình thức phô trương, bệnh thành tích phát triển từ đây. Sự tha hoá, biến chất của không ít cán bộ, đảng viên dẫn tới sự suy yếu của tổ chức Đảng, đánh mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng.”

Sau vấn đề đổi mới tư duy là nhu cầu thay đổi “phương pháp tư duy ‘tả khuynh’, chủ quan, duy ý chí đã từng giữ vai trò chủ đạo. Chỉ khi nào phương pháp tư duy đó vấp phải những khó khăn, thất bại thì nó mới tạm thời rút lui, để luồng tư duy khách quan, giàu trí tuệ đóng vai trò chỉ đạo, sửa chữa sai lầm và khắc phục hậu quả.” Ông Kiệt chứng minh vòng lẩn quẩn sai, sửa sai, rồi lại sai từ thời mới thành lập Đảng cho đến nay, nhấn mạnh vào những kinh nghiệm đau thương thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc, những chính sách đối xử tàn tệ với mọi thành phần dân chúng miền Nam trong nhiều năm sau ngày chiến thắng, và sự phục hồi của xu hướng giáo điều “tả khuynh” chỉ ba năm sau khi bị phê phán gay gắt và bị dẹp bỏ tại Đại hội VI năm 1986. Ông kịch liệt chỉ trích những lời phát biểu như “coi chừng chệch hướng”, “đổi mới nhưng không đổi màu” và tố cáo những hành động cản trở tiến trình phát triển, thậm chí “đã xuất hiện quan điểm lo ngại Việt Nam tham gia vào ASEAN, bảo lưu ý kiến không tham gia năm 1995” rồi sau này lại “không ký hiệp ước thương mại với Mỹ tại New Zealand, không vào WTO trước Trung Quốc.”

Ông Kiệt kêu gọi Trung ương Đảng hãy “dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, phải chỉ ra được nguyên nhân và tác hại của phương pháp tư tưởng ‘tả khuynh’, giáo điều nói trên, tìm cách khắc phục nó. Đó phải là công việc không thể lẩn tránh của công tác tổng kết và lý luận.”

Tới đây, ông Kiệt nêu ra một nghịch lý trong việc hành xử của thành phần bảo thủ và đổi mới. Nhiều người bảo thủ đã mắc phải những sai lầm tả khuynh nghiêm trọng, nhưng không bị phê bình, không bị kỷ luật và vẫn giữ được quyền uy bởi vì được đánh giá là “kiên định lập trường cách mạng.” Ngược lại, những người mạnh dạn đổi mới để phát triển thì lại “rất dễ bị chụp mũ là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản. Ai bị quy kết như vậy thường khó chống đỡ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính tri. Do đó, xu hướng chung của đại đa số hiện nay là một mặt thì tuy đã nhận thức được con đường phải đi, mặt khác lại lo ngại những quy kết chệch hướng. Đó là lý do làm cho khuynh hướng bảo thủ tuy không nhiều nhưng sức hù dọa còn có ảnh hưởng. Bộ phận đổi mới, cải cách tuy chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng đông hơn, nhưng không đủ sức thu hút được đại đa số trước những sự hù dọa chệch hướng, mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.” Mặc dầu vậy, ông mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có được tính chất độc lập cao hơn nữa trong việc lựa chọn, phân tích và quyết định các vấn đề. “Trong sự lựa chọn này, sự can đảm, sự dũng cảm, thẳng thắn và kiên định là rất cần thiết.”

Trong những trang kế tiếp, ông Kiệt thảo luận về những vấn đề và những thách đố trên địa hạt phát triển kinh tế. Rốt cuộc ông vẫn thấy tình trạng yếu kém, trì trệ và những khuyết tật trong sinh họat kinh tế tài chánh của Việt Nam đều phát sinh từ nguyên nhân cơ bản là tư duy và cơ chế lỗi thời, bất cập. “Có thể nói cả bộ máy quản lý, bộ máy hoạch định chiến lược và bộ máy tham mưu của chúng ta vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn rất già cỗi về mặt cơ chế và về phương pháp tư duy. Đã có nhiều cán bộ tâm huyết lo âu đặt tên cho tình trạng đó là tình trạng ‘nhũn não.’ Đó là một nguy cơ lớn của đất nước.” Và ông Kiệt lại nhắc đến những sự hù dọa chệch hướng của chính những người đã thực sự chệch hướng vì không định hướng đúng. “Trong nguy cơ ‘nhũn não’ này, có vấn đề quan hệ giữa chính trị và khoa học. Các nhà nghiên cứu của ta hiện nay vẫn bị ám ảnh bởi thân phận không mấy tốt đẹp trước đây của những người có tư duy độc lập. Cách đối xử của lãnh đạo đối với khoa học vẫn chưa khắc phục hết tình trạng đặt hàng, viết theo những ý kiến chỉ đạo trước. Mối quan hệ đó hạn chế khả năng tìm tòi, khai phá, mà rút cuộc là có hại cho Đảng.”


Những đề nghị cụ thể về chiến lược phát triển

Trong một mục ở phần cuối của bản góp ý, ông Kiệt đưa ra ba ý kiến mà ông gọi là “gợi mở” về chiến lược phát triển bền vững gồm có: thay đổi phương thức tình báo kinh tế, hình thành một mạng lưới lobby, (có một đoạn nói về Việt kiều như một chỗ dựa quan trọng), và dọn dẹp môi trường kinh tế trong nước. Về điểm này, ông nói đến “một số hiện tượng gây ô nhiễm môi trường kinh tế, trong đó không chỉ có tình trạng tham nhũng mà còn có những trục trặc về thể chế, về luật pháp, về tập tục.

Sau hết là “Một số gợi ý về chủ trương để tham khảo” (thực chất là các đề nghị cụ thể) về các lãnh vực chính trị đối nội, đối ngoại và phát triển kinh tế. Ở đây, tôi chú trọng nhiều hơn đến lãnh vực chính trị.

Về đối nội, ông chỉ có một đề nghị duy nhất, rõ ràng nhưng ngắn gọn: Phải rèn tập cho xã hội Việt Nam thói quen của đời sống dân chủ. Có lẽ vì tình hình còn phức tạp và vấn đề còn quá nhạy cảm với những đầu óc lãnh đạo bảo thủ, ông chỉ khai triển ý “gợi mở” này trong một đoạn: “Trong đó (đời sống dân chủ) quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu… cần được mở rộng hơn nữa. Hiện nay, có nhiều vấn đề thực ra không còn đáng coi là húy kỵ nữa, nhưng vẫn là nghiêm cấm đối với giới nghiên cứu. Tại sao ở Trung Quốc có thể làm phim về thời Cách mạng văn hóa mà ở Việt Nam không thể viết chuyện, làm phim về thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản. Văn kiện công khai của Đảng đã phê phán những sai lầm đó. Sự kiêng kị này sẽ có tác hại giống như một con người không quen với sương gió, bị giam kín lâu ngày trong nhà, khi đi ra đường rất dễ bị cảm cúm. Chúng ta phải từng bước tháo gỡ những kiêng kị. Phải làm sao để cho xã hội Việt Nam có sức đề kháng cao với việc phê phán tất cả những sai trái. Những húy kị hiện nay tưởng là cách bảo vệ tốt cho hệ thống chính trị của chúng ta, thực ra nó là một cách giữ gìn có tính cách bị động, không tháo gỡ ra mà chỉ che dấu sự thật, tạo thêm ra những ung nhọt trong nội bộ.”

Về quan hệ quốc tế, có hai đề nghị trực tiếp liên quan đến vấn đề được thảo luận khá sâu và cũng được đề cập cả trong những đề nghị chiến lược về phát triển kinh tế. Trước hết là: Thay đổi chỗ dựa quốc tế, nói đúng hơn là thay đổi cách dựa trong quan hệ quốc tế. Ông Kiệt nhắc đến chỗ dựa của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp là Liên Xô và Trung Quốc. Trong chiến tranh chống Mỹ, ngoài phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam còn có thêm chỗ dựa là phong trào giải phóng dân tộc và một chỗ dựa quan trọng bất ngờ là phong trào phản chiến ở ngay các nước tư bản chủ nghĩa. Nhưng tình thế ngày nay đã đổi khác. Ông viết, “Ngày nay, khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó còn có thể tìm được một chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Chỗ dựa và cách dựa bây giờ khác đi. Bây giờ không phải đi tìm một cường quốc nào đó, mà là cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm.” Ông kể ra trường hợp Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Âu. Ông đề nghị tìm cho Việt Nam một cái thế quốc tế tối ưu cho mình, thí dụ tìm cách lôi kéo một số đại công ty ở phương Tây có tầm ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội cũng như đối ngoại của những nước mà công ty mang quốc tịch. Nhưng muốn làm được những chuyện như vậy, “cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án.”

Đề nghị thứ nhì là: Rất cần chú ý tới mối liên kết chặt chẽ với các nước khối ASEAN, vì Việt Nam chỉ có ASEAN là chỗ dựa trực tiếp. Ngoài quan hệ kinh tế, cần tạo ra lợi ích trong các quan hệ văn hóa và chính trị. Ông cho rằng khi cần Việt Nam có thể chịu thiệt một phần nào lợi ích kinh tế để kiếm những cái lợi lớn hơn. Có lẽ ông muốn nói đến những lợi ích về chủ quyền lãnh thổ, về hợp tác quân sự, an ninh trong khu vực…

Một gợi ý khác khá đặc biệt của ông Kiệt là Khai thác tiềm lực có sẵn với cách nhìn mới. Ông nói đến một nguồn tài nguyên, một “tiềm lực” rất to lớn đã có sẵn nhưng đang bị tham nhũng chiếm đoạt, cần phải “giành lại ngay cho đất nước, cho nhân dân, cho nền kinh tế, cho xã hội.” Nguồn tài nguyên này là những giá trị trí tuệ đang “bị đánh cắp một cách phi pháp.” Khác với loại tham nhũng của cải vật chất, đây là loại tham nhũng về danh tước, về những địa vị cao bằng cách chạy vạy, mua bán. Đã có rất nhiều danh vị tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ dỏm chiếm được những địa vị có ảnh hưởng. “Đưa những con người như thế vào các vị trí điều hành đất nước, điều hành những cơ quan ở cấp đầu não của quốc gia thì thật là nguy hiểm.”

Sau bài Đóng góp ý kiến gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều tháng trước Đại hội X năm 2006, cho đến trước khi ông mất, Võ Văn Kiệt còn viết và trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề bức xúc và nhạy cảm khác, hầu hết đều khai triển rộng rãi, cụ thể và táo bạo hơn những ý kiến đã phát biểu trong bài Góp ý nói trên và trong Thư gửi Bộ Chính trị mười năm trước đó. Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn chịu khó đi nhiều nơi, từ Nam ra Bắc, tiếp xúc với đủ mọi thành phần dân chúng, từ trí thức cho đến công nhân, nông dân, và nói lên những yêu cầu chính đáng của số đông thầm lặng. Mặc dù không còn ở trong chính quyền, ông đã được sự ngưỡng mộ của số đông và đã đem lại cho họ niềm hi vọng. Ông đã trở thành một điểm tựa và nguồn cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm đến vận mệnh tương lai của dân tộc. Bởi vậy, sự ra đi vĩnh viễn của ông đã là một mất mát rất lớn cho những nỗ lực xây dựng dân chủ và hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

*


Tôi đã chú ý đến Võ Văn Kiệt và có những suy nghĩ khác nhau về ông từ đầu thập kỷ 1980 khi tôi còn đang làm công việc vận động cho đồng bào tị nạn cho đến thời gian rất gần đây, trước khi ông mất. Trong những năm đầu, tôi đã coi ông Kiệt là một lãnh tụ cộng sản đã phạm phải những sai lầm độc hại về chính trị và kinh tế đối với các bộ phận dân chúng miền Nam, đày đọa hàng trăm ngàn người trong các trại tù cải tạo, hàng chục ngàn gia đình trong những vùng kinh tế mới, gây nên thảm họa thuyền nhân biển Đông kéo dài gần hai mươi năm. Sau này được biết ông sớm có tư duy đổi mới, dám sử dụng trí thức chuyên gia của chế độ cũ làm tư vấn và mở đường cho những cuộc “xé rào” trong sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, phân phối lưu thông để cứu vãn phần nào tình trạng kiệt quệ về kinh tế lúc bấy giờ, tôi vẫn thấy là ông phải chia sẻ trách nhiệm với lãnh đạo trung ương về những sai lầm tai hại của Đảng và Nhà nước từ ngày đất nước thống nhất cho đến khi bắt đầu thời kỳ đổi mới năm 1986.

Trong mười sáu năm tham dự vào bộ máy quyền lực tối cao từ 1982 đến 1997, lần lượt giữ những chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, ông Kiệt đã lập được thành tích quan trọng là ổn định đời sống kinh tế trong nước khi nạn lạm phát đã tăng tới 774 phần trăm sau cuộc chiến tranh với Trung Quốc và những biến động làm sụp đổ chế độ ở các nước Đông Âu và Liên Xô, nguồn ngoại viện duy nhất của chế độ. Về mặt đối ngoại, ông cũng đóng góp rất thành công vào việc tái lập quan hệ bình thường với Trung Quốc, vận động Mỹ bỏ cấm vận, gia nhập khối ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Những thành tích to lớn ấy sở dĩ đạt được là do tư duy đổi mới của ông Kiệt, nhưng ông vẫn chỉ chú trọng vào đổi mới kinh tế trong khi còn nhẹ nhàng chậm chạp về đổi mới chính trị. Mặc dù từ năm 1995, trong “Thư gửi Bộ Chính trị”, ông đã kêu gọi xây dựng “nhà nước pháp quyền” để mọi người có thể “sống và làm việc theo pháp luật” với sự tăng cường quyền lực lập pháp của Quốc hội và quyền lực giám sát của hội đồng nhân dân, bãi bỏ cơ chế “chủ quản” ở các ngành, ông vẫn chưa đề cập đến dân chủ đa nguyên, đa đảng. Ngay cả những quyền tự do căn bản của nhân dân, cũng phải đến thời gian gần đây mới được ông lên tiếng, như yêu cầu mở rộng quyền tự do báo chí, tự do ứng cử, đối thoại với những người bất đồng chính kiến (để tiến tới chấp nhận đảng đối lập?).

Từ sau khi rời bỏ chính quyền, ông Kiệt đã thực hiện lời nói “chỉ rời nhiệm sở chứ không rời trách nhiệm.” Ông tiếp tục tham khảo, luận bàn với các trí thức cũ, mới, trong và ngoài nước để có thể cố vấn cho Đảng và Nhà nước về những chính sách và chương trình phát triển, “đi thực tế” các nơi để tìm hiểu các vấn đề và nguyện vọng của dân chúng địa phương, khuyến khích và hỗ trợ cho những dự án có lợi ích cho xã hội. Trước những thời cơ và thách thức mới về phát triển và hội nhập toàn cầu, ông càng nóng ruột và lo âu về tình trạng suy đồi trầm trọng của Đảng cả về tổ chức lẫn khả năng và phẩm chất của đảng viên các cấp, nhất là tình trạng tham nhũng, cửa quyền đã quá sâu rộng và trở thành quốc nạn. Do đó, tiếng nói của ông càng mạnh bạo và thúc bách hơn như đã thấy rõ trong bài “Góp ý” trước Đại hội X và những bài viết hay trả lời phỏng vấn trong những thời gian gần đây. Có những dấu hiệu cho thấy ông đã bị phe “tả khuynh” tìm cách hạn chế việc phổ biến các bài viết và lời phát biểu của ông, ngăn cản việc thực thi những đề án có tính đột phá vì lợi ích lâu dài cho đất nước. Những biện pháp mạnh tay của Nhà nước đối với những công dân đòi hỏi công bằng xã hội, tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và ngay cả chống tham nhũng, đã đi ngược lại những khuyến cáo “trung thực và có trách nhiệm” của ông. Một nhà báo ở trong nước, nhận xét về bài viết của ông Kiệt vài tháng trước đây về tình cảnh bị bóc lột của công nhân và nông dân lao động, đã phát biểu: “Tôi nghĩ rằng đó là con chim báo bão mà trong hoàn cảnh nào đó người ta có thể qui chụp ông Võ văn Kiệt theo chủ nghĩa xét lại.” Có người còn lo ngại rằng nếu ông cứ tiến tới với thái độ “dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” thì có thể ông sẽ không tránh khỏi bị đối xử như các ông Trần Độ hay Hoàng Minh Chính.

Tổng kết nhận định về sự nghiệp của Võ Văn Kiệt, chúng ta thấy ông đã có những thành tích to lớn trong tiến trình đổi mới kinh tế và hội nhập với cộng đồng thế giới. Ông không chịu ngủ yên trên thành tích mà vẫn tích cực theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước. Ông cũng đã có những nỗ lực, dù còn khiêm tốn, thúc đẩy tiến trình xây dựng dân chủ, mở rộng những quyền tự do căn bản cho người dân, nhưng ông đã vấp phải những trở ngại to lớn trên địa hạt này. Dù sao, ông sẽ không bao giờ bỏ cuộc và kiên quyết tìm cách vượt qua những trở ngại đó. Đúng như nhận định của ông Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tư phê bình.” [3]

Rất tiếc là định mệnh đã không để cho ông tiếp tục phục vụ đất nước và dân tộc. Ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, cũng phát biểu rất thẳng thắn khi nghe tin ông Kiệt đã mất: “Việc ra đi của ông là một sự mất mát lớn. Ông Kiệt còn sống thì còn giúp nhiều cho đất nước bởi ông là người có kinh nghiệm, lại nhiều suy nghĩ trăn trở với tình hình đất nước, luôn thẳng thắn và không sợ ai.” [4]

Võ Văn Kiệt đã để lại một công trình dang dở. Công trình dang dở ấy của một chính tri gia giàu kinh nghiệm và nhiều trăn trở với tình hình đất nước, lại có tới năm cái “dám” trong suy nghĩ và hành động như được ca ngợi trên đây bởi hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất không còn giữ quyền lực nhưng vẫn còn quyền uy. đòi hỏi những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước phải lãnh nhận và tiếp tục thực hiện để cho quốc gia Việt Nam sớm đuổi kịp các con rồng con cọp trong khu vực, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Hơn sáu mươi năm qua, đất nước và dân tộc Việt Nam đã phải chịu quá nhiều nỗi tang thương, do những ý đồ ác độc của ngoại bang nhưng cũng do nhiều chính sách sai lầm của lãnh đạo, nhà cầm quyền hiện nay không thể tiếp tục bị chi phối bởi những tư duy đường mòn bảo thủ, hoặc bởi chủ nghĩa cơ hội của những thế lực bất chính. Đó là bức thông điệp chính trị không thành lời do Võ Văn Kiệt gửi cho tất cả những người Việt Nam có lương tâm và trách nhiệm, dù ở trong hay ngoài chính quyền. Có mấy câu thơ trong bài điếu ông Kiệt của nhà thơ Trần Việt Phương ở trong nước mà tôi cảm thấy là tác giả cũng đang chuyển thông điệp này cho thế hệ trẻ Việt Nam:

Người còn đây trong tiến trình dân tộc
Những mầm non giàu sức bật vươn lên
Những công trình dở dang cần hoàn tất

Trước lịch sử, nhà cách mạng cộng sản Sáu Dân Võ Văn Kiệt phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ về những chính sách và biện pháp sai lầm của Đảng và Nhà nước, nhất là ở miền Nam, sau khi thống nhất đất nước. Nhưng lịch sử cũng ghi nhận ông là một người yêu nước, một lãnh tụ cộng sản sớm giác ngộ nhất, có tầm nhìn chiến lược và những bước chiến thuật rất thực tế trong những giới hạn của cơ chế độc tài toàn trị vào một thời điểm nhất định trong lịch sử.

Thật ra, trong thông điệp chính trị Võ Văn Kiệt còn bao gồm một sứ mệnh quan trọng khác mà ông đã có nhiều cố gắng thực hiện nhưng chưa thành. Đó là sứ mệnh hòa giải và đoàn kết dân tộc mà tôi có nhắc đến nhưng chưa khai triển trong bài viết này. Đây là một vấn đề mà tôi đã suy nghĩ từ hai mươi năm trước để đóng góp với các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ và quốc tế về giải pháp nhân đạo cho vấn đề tị nạn và vai trò của người Việt hải ngoại trong tiến trình đổi mới kinh tế, văn hóa giáo dục và chính trị ở Việt Nam. Tôi đã viết khá nhiều về những đề tài này, nhấn mạnh đến những cơ hội và việc làm thích hợp để thực hiện mục tiêu. Tôi đã đựơc sự đồng tình và hợp tác của nhiều thân hữu thuộc mọi lớp tuổi và cũng đã giải tỏa được nhiều ngộ nhận trong số những vị đã từng chỉ trích tôi trong cộng đồng, nhất là từ ngày về hưu mười mấy năm nay.

Trong thời gian gần đây, tôi lại có nhìều cuộc trao đổi trực tiếp với ông Kiệt trong tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Có lẽ giữa hai người có một điểm tương đồng khiến chúng tôi dễ hiểu biết và tin tưởng nhau hơn. Về phần ông Kiệt, ai cũng thấy rõ là ở tuổi 85, ông không còn có ý muốn hay cơ hội trở lại chính quyền mà chỉ muốn góp ý kiến cho những người đang cầm quyền và đôn đốc công cuộc đổi mới cần thiết về mọi mặt. Ước vọng của ông là để lại những dấu ấn tốt đẹp được lịch sử ghi nhận trong sự nghiệp chính trị của ông. Về cá nhân tôi, dù còn kém tuổi ông Kiệt, cũng rõ ràng là tôi không còn có nhu cầu kiếm việc hay hoạt động kinh doanh, dù ở Mỹ hay Việt Nam. Trong tư cách của một người dạy học, làm việc nghiên cứu và hoạt động tình nguyện trong những năm cuối của cuộc đời, tôi chỉ ước mong rằng những ý kiến của tôi được nhìn nhận là những đóng góp hữu ích cho việc gia tăng sức mạnh của cộng đồng người Việt ở Mỹ và cho tiến trình xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ.

Những buổi thảo luận với ông Kiệt và trí thức trong nước về vấn đề hòa giải, phát triển, và về những dự án có thể thực hiện ở Việt Nam với sự tham gia của trí thức và chuyên gia hải ngoại sẽ được đưa vào phần cuối của cuốn sách về lịch sử tị nạn và cộng đồng hải ngoại mà tôi đang biên soạn.

Viết xong ngày 11 tháng 7 năm 2008

© 2008 talawas



[1]“Đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới”, chuẩn bị Đại hội X của Đảng CSVN năm 2006, trang mở đầu.
[2]Như trên, mục II.
[3]Nhật báo Nhân Dân, 14.6.2008
[4]VietNamNet, 13.6.2008