© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
2.5.2008
Trần Mỹ Thuận
33 năm sau khi Nam Việt Nam sụp đổ
Phạm Văn dịch
 
33 năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, miền Nam Việt Nam thất trận vẫn tiếp tục sống – trên đường phố Little Saigon ở Quận Cam và trong tâm trí hàng ngàn người tị nạn chạy trốn lực lượng cộng sản để xây dựng lại cuộc sống của họ nơi đây.

Ký ức về những gian khổ vẫn còn cay đắng đối với một số người, họ tiếp tục biểu tình trên đường phố, giương lá cờ miền Nam Việt Nam trên các cửa hiệu và cột đèn, và các chương trình hội thoại trên radio vẫn rủa xả cộng sản.

Gần đây có những dấu hiệu thay đổi thái độ trong cộng đồng có truyền thống chống cộng này, nơi có đông người gốc Việt nhất ở Hoa Kỳ.

Người Mỹ gốc Việt bắt đầu thấy cơ hội trên quê hương của họ, và ngày càng nhiều người trở lại, mở rộng quan hệ buôn bán hay lập các tổ chức nhân đạo để cải thiện đời sống của người dân ở Việt Nam – những việc khó tưởng tượng cách đây một thập niên.

Mặc dù sự thay đổi không dễ thấy, và những người liên hệ với Việt Nam thường tự chế ít xuất hiện, khuynh hướng này thật đáng kể trong một cộng đồng, nơi có bức tượng người lính miền Nam Việt Nam đứng gần toà thị chính và các cuộc biểu tình ồn ào trên đường phố chống lại những ai bị coi là có cảm tình với cộng sản vẫn xảy ra thường xuyên.

“Trong cộng đồng vẫn còn căng thẳng,” Linda Trịnh Võ nói, bà là giáo sư Đại học California, Irvine, ngành Asian American Studies (Mỹ Á Học). “Điều đó cho thấy sự phức tạp của người Mỹ gốc Việt về mặt suy nghĩ chống chính quyền Việt Nam hiện nay. Đồng thời, chúng ta phải hiểu kinh nghiệm cá nhân của họ và những đau khổ họ đã trải qua”.


Làm ăn

Bill Phạm trốn khỏi Việt Nam trên chiếc máy bay cùng với gia đình khi mới 4 tuổi. Giờ đây 37 tuổi, ông không nhớ gì về quê nhà.

Ông trở về Việt Nam lần đầu năm 2006 và thấy trẻ em đói, chân không giày, và các bà mẹ bán phở rong. Ông nói: “Tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời tôi cũng có thể như vậy”.

Bill Phạm quyết định mở rộng cơ sở năng lượng sạch ở Quận Cam sang Hà Nội, thủ đô Việt Nam, cái tên vẫn làm người tị nạn âm ỉ tức giận. Công ty sản xuất của ông thuê 80 người ở đó.

Người Mỹ gốc Việt làm ăn ở quê hương bị nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ, bị xem như kẻ phản bội giúp cho chế độ cộng sản đứng vững. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam và những vụ đàn áp tự do tôn giáo và chính trị vẫn là các vấn đề nhức nhối.

Nhưng vẫn có những dấu hiệu thay đổi, ngay cả trong các siêu thị và cửa hàng bán lẻ của các gia đình ở Little Saigon, nơi vải vóc, hàng lụa, nước mắm, đồ kỷ niệm, đậu phụng và nhạc thời trang nhập cảng từ Việt Nam trưng bày càng lúc càng nổi bật.

Trong tháng này, Bill Phạm đón một đoàn đại biểu Việt Nam tới để cố lôi kéo các doanh nghiệp kỹ thuật cao ở Quận Cam và San Jose về Việt Nam. Các buổi họp được tổ chức kín đáo, chỉ có những người được mời tham dự. Bill Phạm và các đại biểu không muốn bị chống đối.

Bill Phạm nói: “Bỏ chính trị qua một bên, bạn làm gì để giải quyết các vấn đề cho người dân Việt Nam?” Theo Bill Phạm, gia tăng các mối liên hệ thương mại với Việt Nam là con đường dẫn tới phát triển kinh tế cho đất nước. Ông tiên đoán rằng nhân quyền, giáo dục và tự do chính trị sẽ theo sau.

Khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sâu đậm hơn, các viên chức chính quyền Việt Nam vươn tay tới người Việt hải ngoại – Việt Kiều – với lời hứa hẹn khuyến khích đầu tư, hộ chiếu nhập cảnh nhiều lần và ít tệ nạn quan liêu hơn.

Theo các viên chức chính phủ Hoa Kỳ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong năm ngoái là 12,5 tỉ đô la, tăng gần 30% so với năm 2006. Người Mỹ gốc Việt trong năm qua cũng gửi khoảng 4 tỉ đô la cho thân nhân ở Việt Nam.


Không quên quá khứ

Timothy Ngô Chí Thiềng là một trong hàng trăm người tham gia biểu tình chống chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt Nam viếng thăm Dana Point hồi tháng Sáu năm ngoái.

Ông chỉ trích việc các viên chức chính quyền Việt Nam đang cố lôi kéo người sống ở nước ngoài về và không tin rằng kinh tế khá hơn sẽ mang lại dân chủ.

“Tôi hy vọng những người vội vàng về làm ăn ở Việt Nam có tinh thần trách nhiệm hơn,” ông Ngo nói. “Tôi cảm thấy họ đã quên quá khứ quá sớm”.

Ông Ngô không quên. Ông là sĩ quan 25 tuổi trong quân lực Việt Nam Cộng hoà khi trốn chạy khỏi Việt Nam trên một con thuyền nhỏ và thề không bao giờ trở lại khi cộng sản còn nắm quyền.

Rốt cuộc ông Ngô tới Quận Cam và nghe tin bạn bè và thân quyến trong quân đội bị ném vào trại “cải tạo” như tù nhân chính trị. Những người khác chết trên đường trốn khỏi Việt Nam. Ông tổ chức các cuộc phản đối để ủng hộ và đòi trả tự do cho tù nhân chính trị ở Việt Nam.

Ông nói: “Với những người bạn đã trải qua 10, 15 năm tù của tôi, tuổi trẻ của họ, một phần cuộc đời của họ đã mất vĩnh viễn”.

Timothy Ngô Chí Thiềng, phó chủ tịch Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California, thắp nến cùng hàng trăm người khác tại Westminster để kỷ niệm 33 năm Sài Gòn sụp đổ.
Năm 1998, ông Ngô bỏ lời thề và trở về Việt Nam làm việc từ thiện, và để tận mắt thấy tình hình ở đó. Nỗi tức giận của ông lại tăng lên.

Ông hy vọng có ngày chính quyền cộng sản sẽ sụp đổ. Ông nói Little Saigon là “mảnh đất cuối cùng chúng ta có để giúp những người Việt còn đang đấu tranh”.


Hàn gắn chậm

Linda Trịnh Võ nói vết thương chiến tranh trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt được hàn gắn chậm.

Bà nói: “Ðặc biệt là đối với thế hệ thứ nhất, họ vẫn gắn chặt với tình hình chính trị và kinh tế ở quê hương. Những việc đó luôn luôn định nghĩa họ là ai, là một phần lịch sử của họ”.

Những cảm xúc mạnh mẽ này đã nuôi dưỡng một phong trào ở cấp địa phương (grass-roots movement), một ước muốn cho chính quyền cộng sản thấy rằng người Mỹ gốc Việt đã phát triển mạnh nơi quê hương mới. Các nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt vận động các thành phố trên khắp nước cấm treo cờ cộng sản trong các cơ quan công quyền. Năm 2004, do sự thúc giục của cộng đồng người gốc Việt, thành phố Garden Grove đã chính thức tuyên bố là “khu vực không cộng sản”.

Người Mỹ gốc Việt còn biến đổi Nam California về nhiều mặt khác. Người tị nạn - trở thành - doanh nhân xây dựng nên Little Saigon, giờ đây rộn ràng các cửa hiệu bán lẻ, luật sư và bác sĩ gốc Việt, và nhà hàng phục vụ các món ăn cổ truyền Việt Nam.

Quận Cam là vùng đất của 10 chính trị gia người Mỹ gốc Việt, kể cả dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn, đại biểu dân cử cao nhất của người Mỹ gốc Việt.


Giúp người dân

Quỳnh Kiều bắt đầu Project Vietnam (Dự án Việt Nam) mười hai năm trước, gửi bác sĩ về các vùng nông thôn Việt Nam. Trong thập niên 1980, bà bác sĩ vùng Fountain Valley này chữa trị cho trẻ em Việt Nam tị nạn bị thiếu dinh dưỡng và tin rằng tình hình ở Việt Nam có thể tệ hại hơn.

Trong quá khứ, những nhóm như Project Vietnam bị nhìn với cặp mắt ngờ vực – bị chỉ trích là làm những việc mà chính quyền Việt Nam bỏ lơ.

Nhưng trong những năm gần đây, nhiều tổ chức ra đời để xây trường học, thư viện và bệnh viện ở Việt Nam.

Ngày nay, bà Quỳnh Kiều giúp Bộ Y tế Việt Nam lập các chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Bà nói: “Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều người bắt đầu thấy nỗi đau khổ của người dân Việt Nam và bắt đầu cởi mở hơn, và khi đó họ sẽ có thể phân biệt rõ đâu là chính quyền và đâu là giúp đỡ người dân”.


Để lại một di sản

Một số người trong thế hệ thứ nhất trốn Việt Nam đang cố gắng vật lộn để truyền lại kinh nghiệm của họ cho những người chưa bao giờ sống trong thời chiến. Đối với Tammy Trần, người sinh ra ở California, ngày 30 tháng 4 – ngày kỷ niệm Sài Gòn thất trận – là ngày cô học hỏi thêm về quá khứ của gia đình.

Tammy Trần năm nay 27 tuổi, bằng tuổi mẹ cô khi bà trốn đi bằng thuyền năm 1975.

Tammy Trần nói: “Tôi cố hình dung việc đó đối với gia đình tôi như thế nào. Tháng Tư Đen mỗi năm là ngày tưởng nhớ quá khứ, tưởng nhớ chúng ta đã mất đất nước này, cha mẹ chúng ta tới đây bằng cách nào, Việt Nam tiếp tục dưới chủ nghĩa cộng sản ra sao”.

Tammy Trần cho biết cô cảm thấy rất gắn bó với Việt Nam từ lần viếng thăm đầu tiên của mình, khi cô chứng kiến một bé gái bị hành hung trên đường phố.

“Tôi không mất những gì thế hệ trước đã mất,” Tammy Trần nói, “nhưng tôi chống chính quyền cộng sản vì những gì họ chưa làm [để giúp đỡ] cho dân tộc chúng ta”.

Tammy Trần tin rằng Việt Nam sẽ thay đổi khi nền giáo dục được phát triển hơn. Cô cũng giúp thành lập một tổ chức chống buôn người để giúp phụ nữ Việt Nam ở Đài Loan.

Cô nói: “Cuộc sống ở Việt Nam phải tốt đẹp như cuộc sống của chúng ta ở đây.”

Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: http://www.latimes.com/news/nationworld/world/la-me-saigon30apr30,1,2464299,full.story