© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
15.10.2007
Tiêu Dao Bảo Cự
Hoà giải hoà hợp dân tộc và cuộc vận động dân chủ hoá đất nước bằng phương thức diễn biến hoà bình
 
Hoà giải hoà hợp và giao lưu văn học

Đây không phải lần đầu tôi viết về hoà giải hoà hợp. Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện Nửa đời nhìn lại viết từ 1988-1992 (Nhà xuất bản Thế kỷ, Mỹ, 1994), ở phần kết “Trầm tư từ thung lũng”, dưới dạng thư gởi các bạn thân, có một câu hỏi mà nhiều người cho là khá bất ngờ so với nội dung tác phẩm:

“Gác qua bên mọi định kiến, hoà giải hoà hợp dân tộc phải chăng là một con đường tuy khó khăn nhưng là con đường duy nhất đúng trong hoàn cảnh hiện nay?”

Sau khi có ý kiến của một số nhà văn hải ngoại, như một phản hồi, tôi viết bài “Hoà giải hoà hợp và giao lưu văn học”. Bài này gần như được đăng đồng thời trên báo Thông luận (Pháp), số tháng 9-1994, báo Ngày nay (Houston, Mỹ) số 304 ngày 1-9-1994 với tựa đề “Hoà giải hoà hợp và giao lưu văn hoá” và tạp chí Thế kỷ 21 (Cali, Mỹ) số tháng 9-1994 với một tựa đề khác: “Văn học không biên cương”. Sở dĩ tôi biết rõ các số báo đó vì có người ưu ái đã chịu khó cắt gởi các bài báo này cho tôi, một điều hoàn toàn không dễ dàng vào thời điểm đó.

Những tờ báo trên thời đó là báo giấy, dĩ nhiên không được phổ biến rộng rãi như báo điện tử ngày nay. Sau đây là trích đoạn những phần then chốt của bài viết trên, hơi dài, vì để thể hiện rõ quan điểm của tôi về vấn đề một cách tương đối đầy đủ. Chính vì bài viết này, cùng một số bài khác mà tôi đã bị truy bức nhiều lần về vấn đề quan điểm.

Mặc dù dân tộc Việt Nam có một lịch sử rất lâu dài với bao nhiêu bài học quý giá nhưng có lẽ mỗi người, mỗi thế hệ chỉ có thể nhận ra được điều gì thật sâu sắc khi chính mình có một độ lùi lịch sử của chính thời đại mình. Trong những cuộc chiến gần đây của đất nước, dù ai dùng ngôn từ nào, với bất cứ lập luận nào, đứng trên bất cứ lập trường nào, những cuộc chiến đó đều mang tính nội chiến, vì người Việt đã nổ súng vào nhau trên chiến trường, đã hận thù nhau trong tim óc. Đó là một giai đoạn lịch sử phân ly và bi thảm.

Những người quốc gia đã kêu gọi cộng sản "chiêu hồi, trở về với chính nghĩa quốc gia". Những người cộng sản đã hô hào những người quốc gia "bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân". Chưa kể những người quốc gia với nhau, cộng sản với nhau, cũng đã từng đấu tranh, hận thù, truy bức, hủy diệt nhau.

Dấu mốc 30/4/75 dù quan niệm đó là "ngày chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc" hay "ngày quốc hận" thì đó cũng là một việc đã có, đã rồi và là một dấu mốc, một cơ hội lớn của dân tộc. Sau ngày đó, người cộng sản đã tuyên truyền một cách đại lượng: "Trong cuộc chiến này, người Việt Nam không có kẻ thắng người bại, chỉ có dân tộc Việt Nam chiến thắng". Dĩ nhiên câu nói đó những người quốc gia khó lòng chấp nhận. Nhưng nếu câu nói đó được thực hiện đúng tinh thần của nó, nghĩa là không có tước đoạt, truy bức, cải tạo… mà thực hiện ngay hoà giải hoà hợp dân tộc, rõ ràng dân tộc Việt Nam đã chiến thắng và đất nước đã đi lên mạnh mẽ trong 18 năm qua chứ không phải vẫn còn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Câu nói đó không được thực hiện, dân tộc Việt Nam chỉ là kẻ chiến bại và chỉ có nhân dân Việt Nam là đau khổ.

Có lẽ nhận thức như thế nên đến nay nhiều người Việt Nam đau lòng vì số phận dân tộc mình, dù là quốc gia hay cộng sản hay thuộc bất cứ thành phần nào, đã nghĩ và nói đến hoà giải hoà hợp dân tộc. Muộn còn hơn không. Muộn nhưng vẫn vô cùng cần thiết.


Hoà giải hoà hợp dân tộc chỉ có thể được thực hiện khi đó là niềm thôi thúc, là sự nghiệp của cả dân tộc chứ không phải chỉ là vấn đề của một số cá nhân. Nếu nhiều người cộng sản còn nghĩ rằng: Ta đang nắm quyền lực (và quyền lợi), tội gì phải hoà giải hoà hợp với ai, lơ mơ sẽ bị lật đổ. Nếu nhiều người quốc gia ở nước ngoài còn nghĩ: Ta đang giàu có, sống thoải mái, đâu có thể hạ mình xin nói chuyện hay về nước để lọt vào vòng kềm toả của bọn cộng sản độc tài. Nếu nhiều người khác còn nghĩ: Ta chỉ cần yên ổn làm ăn sinh sống, dại gì dính vào những chuyện chính trị… Nếu đa số người Việt Nam còn nghĩ như thế, rõ ràng khó có hoà giải hoà hợp dân tộc.

Nhưng nếu đối với nhiều người, đất nước nghèo đói là niềm đau, nỗi nhục của mọi người Việt Nam; sự phân ly, hận thù là vết thương, căn bệnh nặng nề của cả dân tộc; thiếu dân chủ tự do là sự phản tiến hoá, bầu khí ngột ngạt nhiễm độc của toàn xã hội… Đó vẫn còn là cơ may cho hoà giải hoà hợp dân tộc.

Khó khăn và trở ngại lớn nhất là nếu toàn bộ hay một bộ phận chủ chốt những người đang cầm quyền không muốn hoà giải hoà hợp, hay họ chỉ làm theo những điều kiện mà họ bắt buộc người khác phải chấp nhận.

Thực ra chưa có quyền lực chính trị, quyền lực thế gian nào là vĩnh viễn, bất khả chiến bại. Ý chí của một người phát huy đến mức cao nhất cũng rất mãnh liệt và tác động đến toàn xã hội, đè nặng lên số phận hàng triệu người. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, một mình họ không đủ, sau lưng họ còn là cả một tập đoàn. Nhưng một tập đoàn không thể mạnh hơn một dân tộc, mạnh hơn cả nhân loại. Vậy thì tại sao đa số người cùng chung một nguyện vọng, một ý chí lại sợ hãi, bất lực trước một tập đoàn.

Những người cầm quyền thường lộng hành và chế ngự nhân dân bằng cách dùng bạo lực gây ra nỗi sợ. Muốn chống lại cái ác, mỗi người bằng cách nào đó của mình, phải vượt qua nỗi sợ để làm một cái gì đó. Ý chí của đám đông lương thiện, nếu được thể hiện và tập hợp lại, dù dưới hình thức bất bạo động, nhất định sẽ gây sức ép, chuyển hoá và buộc thiểu số phải chấp nhận hoà giải hoà hợp, dù thiểu số đang nắm quyền lực, được tổ chức và trang bị bằng bất cứ vũ khí nào. Đó là hoà giải hoà hợp đi đôi với việc chống lại cái ác bằng những phương tiện hoà bình,

Nhận thức đó nhất định mở ra nhiều con đường mà văn học có thể là một trong những con đường đầu tiên.

Văn học trong những hoàn cảnh bi thảm của lịch sử không chỉ mô tả, phản ánh số phận bị đày đoạ của con người, hàng triệu người, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong nỗi đau mà còn khơi gợi khả năng chống lại cái ác.

Chính trị chi phối tất cả nên dù không thích ta cũng không thể từ chối chính trị. Trong những hoàn cảnh lịch sử đó, văn học đích thực có thể không hề có những vấn đề chính trị, người viết vẫn bị thôi thúc bởi một điều gì khác hơn, vượt lên trên chính trị. Viết một tác phẩm văn học đích thực không phải hay không chỉ là một hành động chính trị mặc dù tác dụng đầu tiên của nó đôi khi có thể là tác dụng chính trị. Chính trị của tác phẩm văn học cũng không phải chỉ là chính trị thời sự mà là một thứ chính trị mang tính lâu dài. Và tác phẩm văn học đích thực nhất định phải chuyên chở cái gì rộng hơn, sâu xa hơn, tinh tế hơn trong mọi ngõ ngách tâm hồn và số phận con người.

Văn học tự bản thân không biên cương không gian và thời gian nên dễ vượt qua mọi rào cản, ràng buộc, hạn chế của những thế lực cầm quyền và của cả lòng người. Giao lưu văn học là một giao lưu chiều sâu đưa con người lại gần nhau, xoá dần những dị biệt. Hiện nay, ở trong nước người ta đã chính thức nói đến văn học Việt Nam hải ngoại là một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt Nam. Tác phẩm bị cấm ở trong nước bắt đâu xuất hiện ở nước ngoài. Văn học Việt Nam hải ngoại bằng nhiều cách đang tìm về với độc giả trong nước. Nghĩa là đã đến lúc văn học Việt Nam trước hết phải dành cho mọi người Việt Nam, không phân biệt vì bất cứ lý do gì. Sự giao lưu này nhất định sẽ mang lại một cái gì tích cực trên con đường hoà giải hoà hợp dân tộc.

Việc trao đổi bước đầu vừa qua chung quanh tác phẩm Nửa đời nhìn lại phải chăng là một dấu hiệu đáng mừng không phải chỉ cho riêng tác giả mà là cho tình hình chung khi những khái niệm về "quốc gia - cộng sản, kẻ thù, đối cực" đã được hoá giải một cách nhẹ nhàng và những người đã từng ở trong thế đối nghịch nhau lại có thể nói với nhau, về nhau một cách hết sức mở lòng và thân ái.

Tôi vẫn nhớ những giọt lệ chảy dài trên má mình lúc còn bé đọc Tâm hồn cao thượng của E.D. Amicis và cả về sau mỗi khi đọc lại. Tôi vẫn không sao quên được cảm giác đau đớn lạ lùng khi ở trong tù thời sinh viên đọc Giờ thứ 25 của C. V. Gheorghiu mà tác phẩm chảy dạt dào trong tôi như một cơn nước lũ. Bây giờ và chắc cả về sau này nữa, tôi vẫn ứa nuớc mắt khi đọc một trang sách, xem một cảnh phim cảm động, không sao cầm giữ và cũng không muốn cầm giữ. Điều gì đó của phận người đã rung lên trong tôi như một sợi tơ đàn tạo nên hoà điệu. Đằng sau những giọt nước mắt là cái gì sâu xa hơn giúp tôi đi suốt cuộc làm người một cách mạnh mẽ, tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Tôi hiểu như thế nên khi viết về một tác phẩm, tôi ước ao và mong chờ một điều gì đó tương tự nơi người đọc tác phẩm của mình, những người đọc "có tâm hồn" và tự do đối với bất cứ tù ngục tinh thần và cụ thể nào.

Tôi tin tưởng giao lưu văn học sẽ tạo nên sự đồng cảm và nối kết có vẻ mong manh nhưng lại hết sức bền vững và có khả năng công phá được cả những bức tường sắt thép, kẽm gai hay những rào cản của hận thù và ý thức hệ.

Hoà giải hoà hợp với người cộng sản và bất cứ thành phần cực đoan nào, trên thế mạnh của dân tộc

Đó là những dòng tôi viết từ 13 năm trước. Mới đây, trong bài “Nan đề nào? Nan đề cho ai?” (đăng trên nhiều trang web như talawas, Thông luận, Cánh én, Diễn đàn, Đối thoại…) tôi có dịp đặt lại vấn đề này:

Khi đã nói hoà giải hoà hợp dân tộc, nghĩa là vấn đề được đặt ra giữa mọi thành phần dân tộc. Không thể nói đến vấn đề này nếu không chấp nhận thế đứng của 3 triệu người Việt ở nước ngoài cũng như 3 triệu đảng viên cộng sản.

Vấn đề gây trở ngại lâu nay là sự khác biệt trong quan điểm có chấp nhận hoà giải hoà hợp hay không, hoà giải hoà hợp với ai, như thế nào?

Nếu có người đã kinh qua cuộc chiến, bây giờ vẫn chống cộng đến cùng, ở nước ngoài nói rằng không chấp nhận hoà giải hoà hợp với người cộng sản trong mọi trường hợp, chỉ về nước sau khi đã quét sạch những người cộng sản cuối cùng thì e rằng những người đó suốt đời sẽ phải sống ly hương.

Nếu chính quyền cộng sản chỉ hoà giải hoà hợp trên thế mạnh, vì họ đang cầm quyền, buộc các thành phần khác phải chấp nhận mọi điều kiện của mình thì đó không phải là hoà giải hoà hợp, không có kết quả tốt và dĩ nhiên không tạo được sức mạnh dân tộc cần có.

Nhà cầm quyền có thế mạnh nhưng không phải là mạnh nhất và vĩnh viễn. Dân tộc đoàn kết mới là thế lực mạnh nhất và trường tồn. Như thế chỉ khi đại khối dân tộc có được hoà giải hoà hợp, tạo ra sức mạnh áp đảo thì nhà cầm quyền không còn ở trên thế mạnh nữa, lúc đó sẽ có hoà hợp hoà giải thực sự.”

Cùng với đoạn viết về những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do trong bài trên, quan điểm của tôi về hoà giải hoà hợp dân tộc là nhất quán từ trước đến nay. Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh, tôi xem hoà giải hoà hợp dân tộc là phương thức tối ưu sau chiến tranh để lấy lại, củng cố và phát huy sức mạnh dân tộc trên đường phát triển, trong đó văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt vì sự thẩm thấu, tạo đồng cảm và sức lan toả của mình. Công việc này có nhiều trở lực vì có một số thành phần, trong đó quan trọng nhất là một số người cầm quyền, vì quyền lực và quyền lợi, không chấp nhận hay không có thực tâm. Tuy nhiên nếu đa số những thành phần còn lại trong đại khối dân tộc, kể cả những người cộng sản thức tỉnh, có được hoà giải hoà hợp, tạo nên sức mạnh tuyệt đối, thiểu số cầm quyền này buộc phải khuất phục. Sự diễn đạt quan điểm trong cả hai bài trên như thế có lẽ đã khá rõ ràng.

Trong bài viết “Hoà giải hoà hợp dân tộc, ước vọng và cạm bẫy” (talawas ngày 1-9-2007) Định Nguyên có đặt câu hỏi về quan điểm của tôi: “Có hai loại hoà hợp hoà giải dân tộc: trá hình và thật sự. Không hiểu ông Tiêu Dao Bảo Cự nói đến loại hoà hợp hoà giải dân tộc nào, loại cùng nhau quy phục dưới trướng chính quyền cộng sản Việt Nam hay loại bình đẳng dân tộc? Và loại nào thì chính quyền cộng sản Việt Nam “được thêm rất đông đồng minh trong khi người chống cộng lại thêm thù bớt bạn?”

Tôi có thể trả lời: Đó là loại thứ ba, hoà giải hoà hợp với người cộng sản và bất cứ thành phần cực đoan nào, trên thế mạnh của dân tộc. Và như tôi đã phân tích, dân tộc phải tạo được sức mạnh tuyệt đối đó trên cơ sở hoà giải hoà hợp với nhau giữa các thành phần trong đại khối dân tộc. Nếu những người chống cộng ở nước ngoài còn công kích nhau, nếu những người đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước còn phỉ báng nhau, nếu những người thành tâm với đất nước vẫn còn bị nghi ngờ khi phát biểu chính kiến của mình, nếu đa số nhân dân vẫn còn thờ ơ với dân chủ, vẫn còn mải lo kiếm sống, làm giàu, hưởng thụ…, dân tộc vẫn còn thiếu sức mạnh để có thể chiến thắng cái ác.

Có người nói chỉ cần hoà giải giữa những người cộng sản với nhân dân chứ giữa nhân dân với nhau không có vấn đề gì cần phải hoà giải. Thực tế không phải như vậy. Ngay những người chống cộng ở nước ngoài cũng đã phê phán, công kích nhau kịch liệt khi bất đồng. Hiện tượng biểu tình chống Viet Weekly hay chuyện liên quan đến Trịnh Hội, Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa qua nói lên điều gì? Bao nhiêu tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở hải ngoại mấy chục năm rồi có thống nhất được không dù ai cũng thấy việc đó cần thiết? Ngay giữa nội bộ những người đấu tranh cho dân chủ trong nước hay giữa trong và ngoài nước đã có bao nhiêu lần lời qua tiếng lại đưa đến chia rẽ… Rồi đối với những người dân bình thường: Vấn đề về nước thăm thân nhân, đầu tư làm ăn kinh tế, làm từ thiện… cũng có nhiều ý kiến trái ngược, đưa đến phê phán, chỉ trích. Ý kiến của những người đọc bài trên mạng, với lập trường thân cộng và chống cộng đối nghịch, tranh luận hay phê phán lẫn nhau là một hiện tượng xảy ra trên mọi trang web (không thể đổ thừa hết mọi chuyện cho công an mạng)… Vậy thì nhân dân có cần hoà giải hoà hợp với nhau không trước khi nói đến đấu tranh với chế độ độc tài toàn trị?

Ca sĩ trong nước ra hát ở nước ngoài hay ca sĩ ở nước ngoài về trình diễn trong nước có gì đáng phê phán? Tình hình trong nước, ngoài vấn đề tham nhũng, dân oan, phụ nữ lấy chồng ngoại..., những vết nhơ của chế độ, thể hiện sự sai lầm của chính sách, dĩ nhiên cần phải tiếp tục phê phán nhưng còn có gì khác đáng thấy, đáng nghe, đáng bàn, đáng nghiền ngẫm nữa không? Có phải toàn bộ trí thức và những người cầm bút trong 600 tờ báo trong nước đều là những kẻ hèn nhát khi không đề cập đến vấn đề dân oan hay những vấn đề chính trị khác? Hoàn cảnh sống, làm việc của họ như thế nào và họ đã làm được gì cho dân, cho nước? (Nên nhớ rằng các tờ báo lớn trong nước có số lượng xấp xỉ nửa triệu bản in mỗi ngày, chưa kể báo điện tử, tác động rất lớn đến nhận thức nhân dân và dân Việt Nam rất thích đọc báo, kể cả giới lao động bình dân. Báo chí trong nước luôn bị kềm kẹp gắt gao nhưng không phải lúc nào họ cũng làm theo chỉ đạo.) Trước áp lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế, chính quyền thả hai người tù chính trị nhưng lại ngang nhiên bắt thêm 20 người khác, sự kiện này nói lên điều gì?... Cần phải nhìn tình hình toàn cục một cách tỉnh táo, thực tế để đánh giá chứ không thể nói theo cảm xúc hay tư tưởng cục bộ, phiến diện được.

Những cạm bẫy về hoà giải hoà hợp với cộng sản mà Định Nguyên phân tích là đúng, có thực tiễn lịch sử, trong vấn đề này, người “quốc gia” đã thua nhưng dân tộc Việt Nam không thể thua cộng sản. Trước mắt, trong một giai đoạn nào đó, dân tộc có thể thua cộng sản nhưng về lâu về dài nhất định dân tộc sẽ thắng. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã thắng tất cả mọi thế lực ngoại bang xâm lược, đã đồng hoá, Việt hoá tất cả mọi chủ thuyết và tư tưởng ngoại lai nên trong tương lai, và ngay cả hiện nay, cộng sản nếu không đồng hành cùng dân tộc, nhất định sẽ bị dân tộc gạt ra ngoài dòng sống của mình.


Cách mạng màu và diễn biến hoà bình

Quan niệm trên có ảo tưởng không, mức độ khả thi như thế nào và có chỉ ra con đường thực sự đúng đắn không? Ta thử đối chiếu với thực tế và những con đường khác.

Có thể dùng bạo lực vũ trang để lật đổ chính quyền cộng sản hiện nay không? Câu trả lời ngay có thể được đa số đồng tình là không. Trong trường hợp giả dụ có thể làm được, đa số cũng không chấp nhận giải pháp này vì nó đưa đến đổ máu, hận thù mà nhân dân Việt Nam đã quá chán ngán. Còn ai mơ mộng hão huyền rằng sẽ có một thế lực ngoại bang nào đó giúp làm việc này thì đó chỉ là điều vớ vẩn, nếu không phải dùng một từ nặng nề là ngu xuẩn.

Còn bạo lực quần chúng theo kiểu “cách mạng màu” ở các nước Đông Âu? Vấn đề này nhiều người đang nghiên cứu và tranh luận, kể cả nhà cầm quyền. Nói bạo lực quần chúng nghĩa là phải có số đông có ý thức, hành động phản kháng và được tổ chức. Hãy xem xét kỹ lực lượng gọi là quần chúng ở Việt Nam hiện nay. Trong các tầng lớp lao động nghèo đói bị áp bức, chỉ có những người gọi là “dân oan” có nhiều khả năng nổi dậy vì họ phẫn uất và không còn gì để mất. Tuy nhiên dù với tiếng vang gây nên qua những cuộc biểu tình khiếu kiện, trước mắt, họ cũng chỉ là con số nhỏ trong hơn 80 triệu dân. Rõ ràng “dân oan” là một vấn đề chính trị, nhưng khi đi khiếu kiện, dù dưới hình thức biểu tình, đa số trong họ bức xúc về vấn đề dân sinh chứ không phải dân chủ (dĩ nhiên cũng có người ý thức về công bằng, dân chủ), nếu được đáp ứng đòi hỏi, họ sẽ từ bỏ đấu tranh để trở về lo cuộc sống đời thường là mục đích chính khi khiếu kiện. Mặt khác, nhà cầm quyền cũng thấy đây là nguy cơ nên sẽ bằng nhiều cách ra sức gỡ ngòi nổ, trong đó việc chính là cô lập, đàn áp những người có ý định và khả năng tập hợp quần chúng, đồng thời cố gắng đáp ứng yêu cầu của người khiếu kiện. Do đó khi có người nói “trong giai đoạn đầu đừng chính trị hoá vấn đề dân oan” là một cách nói về chiến thuật vận động quần chúng “từ dân sinh đến dân chủ, từ tự phát đến tự giác” để từng bước giành thắng lợi chứ không phải không hiểu khía cạnh chính trị trong vấn đề “dân oan”.

Dân oan, rộng ra là nông dân và những người lao động khác, trong cơn lốc kinh tế thị trường, với sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng, cộng với sự tham ô hà hiếp của một số quan chức nhà nước xấu xa, rất có khả năng trở thành ngòi nổ và động lực cho những bất ổn lâu dài. Nếu chính quyền không có thực tâm hay không có khả năng giải quyết, tình hình này sẽ là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Hơn ai hết, những người cộng sản hiểu rõ rằng “có áp bức tất có đấu tranh”. Chính quyền muốn tồn tại, nhất định phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Khi làm được như thế, chính quyền đã thực sự chuyển hướng về phía dân chủ. Trong tình hình hiện nay, cả hai khả năng đều có thể tồn tại trong thời gian dài, khó có đột biến.

Giả dụ cuộc cách mạng màu có thể xảy ra, cái giá phải trả cho dân tộc chắc chắn là khá đắt, ít nhất là sự xáo trộn trong hàng chục năm, chưa kể máu vẫn có thể đổ. Tình hình Việt Nam khác với các nước Đông Âu là do cuộc chiến tranh mang mầu sắc nội chiến kéo dài quá lâu nên đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều hận thù giữa các thành phần dân tộc và Đảng Cộng sản bắt rễ rất sâu rộng trong quần chúng, có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và đàn áp “phản cách mạng”, không thể một sớm một chiều bị cô lập và mất đi sức mạnh.

Con đường “cách mạng màu” như thế vẫn còn là một dấu hỏi lớn, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy và khó ai có thể có câu trả lời chính xác, trong khi đó hoà giải hoà hợp dân tộc kết hợp với vận động dân chủ hoá đất nước cũng rất khó khăn và lâu dài nhưng chắc chắn đó là con đường an toàn nhất cho dân tộc. Con đường, nghĩa là phương tiện đi đến đích, đồng thời cũng là một phương thức đấu tranh. Có thể gọi đây là một cách “diễn biến hoà bình” trong đó mọi người, mọi hoàn cảnh đều có thể làm được điều gì đó, ít hay nhiều, cho đại sự. Không thể có chuyện “vô vi nhi vô bất vi” hay “bất chiến tự nhiên thành” như Nguyễn Trọng Văn đã nêu lên để phê phán trong bài “Trí thức làm dáng” (Diễn Đàn online ngày 3-9-2007). Tình hình sẽ chuyển biến, lịch sử sẽ đi theo con đường riêng của mình nhưng chắc chắn sự thức tỉnh và tác động của từng người dân, nhất là những người trong bộ máy cầm quyền, sẽ làm cho nó nhanh lên hay tốt hơn.

Người Việt ở nước ngoài tại sao không “diễn biến hoà bình” đối với những “văn công Việt cộng” ra ngoài trình diễn, những du học sinh (nhất là con em các quan chức) và ngay cả nhân viên các toà đại sứ Việt Nam…, làm cho họ hiểu thế nào là dân chủ, đa nguyên? Với nghị quyết 36, tại sao không “tương kế tựu kế” ồ ạt về nước để tìm hiểu tình hình tại chỗ, tuyên truyền người dân trong nước về giá trị của tự do, nhân quyền, xây dựng cơ sở làm ăn kinh tế để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị sau này? Đây là những việc người Việt hải ngoại hoàn toàn có thể làm được, có hiệu quả thực tế mà không cần nhờ đến sức mạnh ngoại lai nào. Nhà nước dĩ nhiên đã dùng đủ mọi cách để có thể lôi kéo, tuyên truyền khuyến dụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chấp nhận, thực hiện chủ trương, chính sách của mình. Đó cũng là một dạng “diễn biến hoà bình”, chưa kể kiểu “tự diễn biến” của một số phần tử cấp tiến trong đảng. Vậy thì cứ “diễn biến hoà bình lẫn nhau”, để đôi bên cùng thắng theo kiểu “win-win” trong kinh doanh, cho đến lúc tình hình chuyển biến và cuối cùng nhân dân thực sự là kẻ thắng.

Mặt khác cần phải cảnh giác trước những lời kêu gọi hi sinh cá nhân cho tập thể, hi sinh thiểu số cho đa số, hi sinh hiện tại cho tương lai. Mới nghe, tưởng chừng những lời kêu gọi này và sự thực hiện chúng là rất cao cả nhưng thực chất chúng rất phi nhân và độc ác. Bao nhiêu cuộc cách mạng với lý tưởng ngời sáng ban đầu đã tắm máu nhân dân để lên ngôi thống trị, bao nhiêu vị tướng đã “công thành” nhờ “vạn cốt khô”. Trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, cực đoan, thí dụ để chống lại tội ác man rợ hay đày đoạ phi nhân, mà sự hi sinh trở thành tự nguyện đích thực, còn ngoài ra, không có gì đáng quý hơn sinh mạng và hạnh phúc của cá nhân, của bất cứ tập thể nhỏ lớn nào, trong giây phút này, ngày hôm nay. Trong rất nhiều trường hợp, những tuyên truyền nhồi sọ, những lời kêu gọi hoa mỹ thúc đẩy người khác hi sinh, rút cục chỉ là sự lừa bịp thâm hiểm của những kẻ đầu cơ tội ác. Lịch sử Việt Nam và thế giới trong quá khứ và hiện tại đã cho thấy rõ điều đó.

Dĩ nhiên, hạnh phúc cá nhân cũng như tự do, dân chủ, nhân quyền, phồn vinh của một dân tộc không phải từ trên trời rơi xuống mà là thành quả của các cuộc đấu tranh lâu dài. Ai nói rằng mọi chuyện sẽ đâu vào đó, cái gì phải tới sẽ tới, không cần phải làm gì cả chỉ là một thái độ nguỵ tín và né tránh đấu tranh. Tuy nhiên đấu tranh bằng những phương tiện hoà bình, từ chối bạo lực, để khỏi gây tổn thất cho con người là phương thức tối ưu mà con người có thể chọn lựa, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Lâu nay, những người cộng sản hay nói đến nguy cơ “diễn biến hoà bình” nhưng phải chăng diễn biến hoà bình chính là phương thức tốt nhất để đạt đến sự đồng thuận, hoà giải hoà hợp từ nhiều phía. Diễn biến hoà bình lẫn nhau nhất định tốt hơn đối kháng hay đấu tranh bằng bạo lực.

Ở Việt Nam, đối với những người đã trải qua cuộc chiến, nay đã lớn tuổi, điều đáng giá nhất có thể làm là thực hiện hoà giải hoà hợp dân tộc để giảm bớt sự thù hận và phân ly đã làm suy yếu dân tộc, phần còn lại là trách nhiệm của thế hệ trẻ đang lên. Mỗi thế hệ có sứ mạng riêng của mình trong lịch sử và những người trẻ hiện nay, chiếm hơn 2/3 dân số, không bị chi phối bởi quá khứ chiến tranh, có đủ tri thức và nhiệt huyết sẽ biết mình phải làm gì cho đất nước. Dĩ nhiên những người trẻ cũng phải giải quyết vấn đề hoà giải hoà hợp, tuy ở mức độ nhẹ hơn, vì khác biệt, mâu thuẫn vốn là bản chất của cuộc sống, đồng thời vẫn cần học hỏi kinh nghiệm của những người lớn tuổi trong những thành công cũng như thất bại của họ. Lịch sử không bao giờ đứt quãng mà luôn là một sự tiếp nối không ngừng.


Đột biến hay tiệm tiến

Ai cũng mong muốn tình hình nhanh chóng trở nên tốt đẹp hơn, dân chủ hơn nhưng thực tế cho thấy tình hình đã rất tiệm tiến. Từ 20 năm nay, khi diễn đạt những tình cảm và tư tưởng của mình, một số người bạn của tôi đã bộc lộ sự bức xúc, sốt ruột, mong những điều dân chủ trong sáng sớm được thực hiện.

Bùi Minh Quốc năm 1988 với bài thơ “Những ngày thường đã cháy lên” đã từng bày tỏ:

Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi những thằng đểu còn trong Đảng


Con xin nói
với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản

Mẹ chẳng phải đảng viên


Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng máu ứa
Chính mẹ chứ không ai - mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.


Năm 1993 Bùi Minh Quốc cũng đã “một mình một phiếu” viết thư gởi Quốc hội yêu cầu bỏ điều 4 của Hiến pháp trong khi còn rất ít người dám đề cập vấn đề này.

Cùng thời gian trên, Hà Sĩ Phu phân tích những nghịch lý của chủ nghĩa xã hội, kêu gọi “dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ” rồi sau đó là “chia tay ý thức hệ”. Tôi nghĩ trong một số bài viết gần đây, Hà Sĩ Phu khi tự nhận tư thế “người quan sát” chỉ là một cách nói khiêm tốn và nhấn mạnh sự khách quan trong nhận định chứ không phải chọn lựa thái độ bàng quan, đứng bên lề một cách vô trách nhiệm. Đứng bên lề cớ gì phải nặng lòng, lao tâm khổ tứ và chịu nhiều trù dập đến thế trong bao nhiêu năm.

Mai Thái Lĩnh là một trong những người đặt vấn đề “tách Đảng ra khỏi quyền lực” sớm nhất và hiện nay đang cùng với Hà Sĩ Phu nghiên cứu gợi ý về con đường dân chủ xã hội như một lối thoát tốt nhất cho tình hình.

Bản thân tôi, trong một lần góp ý cho Đại hội Đảng năm 1996, đã nêu hàng loạt vấn đề về đa nguyên đa đảng, hoà giải hoà hợp dân tộc, chống thần thánh hoá lãnh tụ và yêu cầu thực hiện trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng trong “Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam”.

Trong nước, đó là những ý kiến táo bạo được đưa ra công khai, với tên và địa chỉ rõ ràng, gần như sớm nhất nên đã bị coi là “cầm đèn chạy trước ô tô” và chịu nhiều trù dập, bị quy các tội danh như “xâm phạm an ninh quốc gia, xung kích chống cộng, phản động, cơ hội chính trị”, thậm chí “phản bội tổ quốc”. Rõ ràng chúng tôi là những người “sốt ruột”, không muốn “tiệm tiến” chút nào nhưng không thể duy ý chí, bi quan hay lạc quan không có cơ sở mà bắt buộc phải chấp nhận tính chất tiệm tiến của thực tiễn. Nhận thức về tiệm tiến không phải là chờ thời mà chính là đánh giá thực chất với đầu óc lý trí lạnh lùng dù con tim nóng bỏng. Đã có nhiều trường hợp cho thấy người chủ trương “trường kỳ kháng chiến” (không phải muốn tiệm tiến mà vì thực tiễn của tình hình) là người chiến thắng, đến trước trong khi người chủ trương “tốc chiến tốc thắng” lại thất bại, không về được đích mình mong muốn.

Với tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, với tình hình dân trí hiện nay, có lẽ khó lòng có đột biến. Dân trí ở đây không phải chỉ là trình độ học vấn mà bao gồm toàn diện trình độ văn hoá, ý thức chính trị, ý thức về dân chủ và nhận thức về khả năng định đoạt số phận mình. Nhân dân như thế nào thì chính phủ và cả đất nước như thế ấy. Ai có thể làm khác hơn? Nếu có người, có lực lượng nào đó có thể thúc đẩy tình hình trở nên tốt đẹp nhanh hơn, dĩ nhiên nhân dân sẽ hoan nghênh nhưng rõ ràng không phải những lời hô hào suông, dù hùng hồn đến mấy, có thể mang lại kết quả.

Muốn có “cách mạng màu”, dù là cam, nhung, hay hoa hồng, nhất thiết phải có những điều kiện rất quan trọng không thể thiếu: Lực lượng quần chúng hàng vạn, hàng triệu người bất mãn và dám xuống đường đấu tranh. Tổ chức chính trị với mạng lưới cán bộ nòng cốt đông đảo tại chỗ được đào tạo chu đáo, biết kỹ thuật vận động quần chúng, biết nắm bắt thời cơ và dũng cảm dấn thân, đi đầu lãnh đạo quần chúng. Nhà cầm quyền hoàn toàn mất chính nghĩa và không còn chỗ dựa trong quần chúng… Tình hình hiện nay đã đáp ứng được những điều kiện này chưa?

Không có hình thức đấu tranh cho dân chủ nào là vô ích nhưng không nên ảo tưởng hay tạo ra những tình huống có khi bất lợi cho tình hình, trái ngược với lòng mong mỏi của mọi người, kể cả của chính những người trong cuộc.

Riêng cá nhân người viết bài này, tôi chỉ là một người cầm bút tự do, không tham gia tổ chức nào, không hoạt động chính trị chuyên nghiệp, mà với tư cách một người Việt Nam yêu nước, không thoả hiệp với cái ác và bất cứ chủ trương nào làm tổn thương đến con người, thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình dù những điều nói ra có thể đúng hay chưa đúng cần tranh luận, có thể làm vừa lòng hay không vừa lòng phe này, tổ chức khác nhưng không vì thế mà bẻ cong ngòi bút.

Trên một bình diện khác, về mặt tâm trạng, tôi có rất nhiều đồng cảm với một nhà thơ là người lính của Quân đội Việt Nam Cộng hoà miền Nam, có bố là sĩ quan Quân đội Nhân dân miền Bắc:


Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu


Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy


Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bệnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt


(Nguyễn Bắc Sơn, “Chuyện hai bố con tôi”)

Đây là tâm trạng của con người lạc quan trong ý nghĩa của kiếp nhân sinh, vượt lên trên bình diện thời cuộc và cả lịch sử, không phải là chủ nghĩa thất bại. Còn dĩ nhiên đối với những người dấn thân trong cuộc đấu tranh cho những điều tốt đẹp, điều quan trọng là phải thành công và khi thành công tất sẽ thành nhân. “Không thành công thì thành nhân” hay “chớ đem thành bại luận anh hùng”cũng là những điều đẹp đẽ nhưng đó cũng lại chính là bi kịch của lịch sử.

Đà Lạt tháng 10-2007

© 2007 talawas