© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.9.2007
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 3
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nghĩ lai rai – Bảy

1. Cái gì có mặt trên đời cũng đều có cái lý do riêng của nó để hiện diện. Phán rằng nó phi lý hoá ra chẳng phải tại vì mình ngu muội nên không thấy được cái lý do hiện diện của nó hay sao ?

2. Người ta thường lầm tưởng cái tên gọi chính là đồ vật. Không ai có thể no thân ấm cật với hai tiếng “cơm áo”. Sự lừa đảo này đã và đang được áp dụng triệt để dài dài trên sân khấu chính trị. Vậy mà vẫn có khối người tiếp tục bị lừa gạt dài dài. Có khi bị lừa gạt hết sức trắng trợn mà vẫn cứ rên sướng hù hù. Hiểu không nổi!

3. Khởi đầu, người ta dùng sự phân tích làm phương pháp để tìm hiểu sự thật. Khi tưởng rằng mình đã hiểu, người ta lại lầm tưởng phương pháp đó là chân chính và cái tìm được đúng là chân lý. Nhưng khi xét kỹ lại thì cái tìm được chỉ là kết quả của phương pháp sử dụng. Bởi lẽ nếu sử dụng một phương pháp khác người ta sẽ tìm được một kết quả khác hẳn. Và cái mà người ta tưởng là đã giải thích được, đã thấu đáo được, nghĩ cho cùng nó cũng chỉ là một sự diễn giải / interprétation, như mọi diễn giải chủ quan và cá nhân khác mà thôi. Chẳng có cái nào là chân lý hay... cẳng lý gì hết ráo.

4. Thượng đế lấy hình ảnh mình để tạo ra con người hay con người lấy hình ảnh mình để tạo ra Thượng đế? Thử để ý mà xem: Chúa Trời ở Âu châu thì làm bằng gỗ trắng, Chúa Trời ở Phi châu thì làm bằng gỗ đen. Chừng nào thì mấy ông Cắc Chú lấy gỗ vàng mà tạc tượng Chúa Trời đây?

5. Bần tăng có một cô bạn gái học chung tại Vĩnh Long từ đệ thất lên tới lớp đệ tứ. Sau đó bần tăng rời bỏ Vĩnh Long sang Mỹ Tho, lên Sài Gòn, kế đến xuất ngoại du học bên Canada. Rồi tiếp theo là chiến tranh đằng đẵng 20 năm trên quê hương. Rồi bặt tin nhau. Rồi vượt biên năm 1975. Cho tới năm 2005, bần tăng trở về quê hương và ghé thăm Vĩnh Long, thấy cô bạn xưa vẫn còn một mình lẻ bóng. Khi ôn lại tuổi trẻ, cho tới lúc ra đời, yêu đương, cưới hỏi, cô bạn yêu dấu vẫn trưng ra độc nhứt câu trả lời như cái ngày còn mài đũng quần ở trung học: “Hoàn cảnh chưa cho phép!”

Gần đây nhứt, một cô bạn hảo tâm ở Pháp đã ân cần lo hết mọi thủ tục cho cô bạn lẻ bóng của mình sang Pháp chơi: xin sổ thông hành, xin visa, làm giấy bảo lãnh, đổi ngoại tệ, book vé máy bay Air France khứ hồi. Chỉ cần bước chưn ra khỏi nhà là sẽ tới Paris ngay trong vòng mười sáu tiếng. Ấy vậy mà cô bạn thân yêu vẫn án binh bất động. Hỏi tại sao, vẫn được cô bạn đơn chiếc trả lời bằng cái bài học thuộc lòng đã quá date từ trước thời giải phóng: “Hoàn cảnh chưa cho phép!” Bần tăng bèn hỏi cà rỡn: “Cô đã làm đơn xin phép hoàn cảnh chưa?” Được đáp: “Anh hỏi gì mà kỳ dzậy!” Xong lại lui về hậu trường tử thủ chờ hoàn cảnh cấp giấy phép xuất ngoại. Quả thiệt là: “Chờ anh (hoàn cảnh) em quá sức chờ / Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”!

6. Ca dao cũ: “Chị kia bới tóc đuôi / Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?”

Ca dao mới: “Chị kia bới tóc đuôi chồn / Nắm đuôi chị lại hỏi…” (A di đà Phật, bần tăng xin nhường cho bà con ta làm tiếp cho hết câu thơ tám chữ và bà con ta hãy rán mà chịu cho mấy bà nữ quyền đục cho phù mỏ! Không còn một cái răng nào để mà húp cháo!)

7. Một dạo nọ, liên tiếp cả tháng trời, hễ cứ nhắm mắt ngủ là bần tăng nằm chiêm bao thấy đàn bà ở truồng. Cả người gầy ốm xanh xao. Quá lo sợ, bần tăng đi khám bác sĩ tâm lý. Sau khi lắng nghe tự sự, bác sĩ bèn làm trắc nghiệm.

Bác sĩ vẽ một cái hình chữ nhựt đưa ra hỏi: “Anh nhìn thấy gì?” Bần tăng: “Tôi thấy một người đàn bà ở truồng nằm trên cái giường hình chữ nhựt”. Bác sĩ vẽ một cái hình vuông: “Anh nhìn thấy gì?” Đáp: “Tôi thấy một người đàn bà ở truồng nằm trên cái giường hình vuông”. Bác sĩ vẽ một hình tròn: “Anh nhìn thấy gì?” Đáp: “Tôi thấy một người đàn bà ở truồng nằm trên cái giường hình tròn”. Bác sĩ gật gù kết luận: “Anh bị ám ảnh tình dục nặng. Nhìn cái gì anh cũng đều nghĩ tới chuyện dâm dục”. Bần tăng phản đối: “Tôi mà nghĩ tới chuyện dâm dục? Chỉ có bác sĩ khoái vẽ hình tục tĩu thì có!"

8. Khi đẻ con, mọi con thú mẹ đều liếm con mình cho sạch sẽ và úm con mình trong lòng cho nó đủ ấm. Chỉ ở cõi người mới có hiện tượng người mẹ đẻ con xong bèn bỏ vô tủ đá mà... đông lạnh.

9. Không có thời gian nào khác hơn là thời gian hiện tại. Dĩ vãng và tương lai cũng nằm trong hiện tại. Dĩ vãng cô đọng lại thành hiện tại. Và từ hiện tại phát xuất ra tương lai. Người ta chỉ có một cách sống duy nhứt: sống trong hiện tại. Kỳ dư, tất cả các lối sống khác đều là hoang tưởng.

Chẳng hạn ngày 23 tháng chạp vốn là ngày đưa ông Táo về Trời mà vẫn có nhiều người lớn và nhiều đấng con nít ke “hoang tưởng” là mình đang ăn tết! Thiệt ra, chỉ khi nào ngày mùng một tháng giêng trở thành hiện tại thì người ta mới có thể ăn tết được thực sự mà thôi.

10. Tự do được thể hiện bằng sự lựa chọn. Sự lựa chọn phát xuất và dựa trên hoàn cảnhđiều kiện. Nhưng than ôi! Cái hoàn cảnh đó và cái điều kiện đó thường khi lại không do mình lựa chọn. Vậy mà con người vẫn khoái nghĩ rằng mình có tự do tuyệt đối: cái gì cũng tự mình lựa chọn và do mình quyết định hết cả.

Tự do tuyệt đối? Một ảo tưởng tuyệt đối! “Tự do tuyệt đối” là một dạng thức ích kỷ trá hình. Nó cho thấy một ý thức tự do còn ấu trĩ. Giống hệt như đứa con nít muốn ăn thì ăn, không muốn ăn thì nhả, trái ý thì khóc, vòi vĩnh không được thì lăn ra nằm vạ, tự (do) biên tự (do) diễn mình ên. Khi lớn lên, nếu không chịu ý thức thì sẽ cứ tiếp tục diễn tuồng con nít dài dài. Hơn thế nữa, lại còn le lói khoái nghĩ rằng mình có “tự do tuyệt đối” để (hiu hiu) có cảm tưởng rằng mình “muốn làm gì đó thì cứ làm”. Mình là một loại Thượng Đế “bỏ túi”. Ngon lành chưa?

“Thì qua khoái nghĩ vậy cho nó le lói với bà con mà em Hai! Thắc mắc với qua mà làm chi!”


Nghĩ lai rai - Tám

1. Phép mầu có thiệt! Sự tiến hoá trên địa cầu đã làm xuất hiện hai loài có vú biết bay: loài dơi và nữ tiếp viên hàng không. Loài thứ hai xinh đẹp như tiên và vô cùng hấp dẫn, nhưng không phải vì biết bay đâu nhé!

2. Nếu viết: “Đứa nhỏ âu yếm bú vú mẹsờ vú mẹ” ắt sẽ được ngợi khen là viết gợi cảm (muốn rớt nước mắt). Còn như viết: “Người chồng âu yếm bú vú vợsờ vú vợ” thì bảo đảm sẽ bị chửi liền là viết nhảm nhí. Nhảm nhí? Thì cũng chỉ là cái chuyện ấy và cũng ngần ấy động tác mà thôi. Có đấng ông chồng nào dám hiên ngang vỗ ngực chối phắt là “Em chả! Em chả!” không? Kể cả bà xã nữa. Từ ngàn xưa cho đến những nay, thằng đàn ông vẫn muôn đời là đứa con nít... chưa dứt sữa! Ô kê Sa Lem (Sao anh làm em mệt)?

3. Lỡ bước sang ngang cũ: “Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em hái, mẹ già em thương”.

Lỡ bước sang ngang mới: “Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn, thịt gà xé phay”.

4. “Đất nước ta hễ bước xuống phố là gặp anh hùng!” Cứ chạm mặt anh hùng theo kiểu này tối ngày thì chắc chắn sẽ có chầu bị thằng anh hùng nó đục cho phù mỏ. Và hơn thế nữa: Bảo đảm đồng bào ta sẽ đói nhăn răng dài dài để mà vô cùng le lói và hãnh diện về cái đất nước vô địch anh hùng “Chống Mẽo kíu nước” của mình. “Ta thà chết chớ không hề lui!". Cứ nhất quyết như vậy thì bảo đảm sẽ chết nhăn răng là cái chắc, có gì mà phải ngạc nhiên? Dĩ nhiên chết nhưng mà là chết một cách anh hùng: Một anh hùng chết thẳng cẳng! Hách cái mặt lên trời cao mà hãnh diện là quá đúng! “Bộ không sợ bị trời đánh hả cha nội”?

5. Cảnh: Phòng mạch của một bác sĩ đông khách. Để tiến hành công tác khám bịnh nhanh chóng, các bịnh nhân đều bắt buộc phải cởi truồng sẵn sàng. Nữ một bên, nam một bên, hai phòng chờ riêng biệt. Bên nam, ông thứ nhứt mở miệng than: “Tui chỉ đứt có chút xíu ở đầu ngón tay mà bác sĩ bắt tui phải cởi truồng. Thiệt là kỳ cục!” Ông thứ nhì: “Còn tui đây thì sao? Tui chỉ đổ ghèn có một con mắt mà bác sĩ cũng bắt tui phải cởi truồng. Cái đó mới thiệt là kỳ cục!” Ông thứ ba: “Ối! Hai ông mà nhằm nhò gì! Tui chỉ tới đây để phát có một cái thơ bảo đảm mà cũng bị bác sĩ bắt phải cởi truồng đây thì sao!”

6. Điểm văn chương nước ta. Khi nói về quê hương chỉ thấy phe ta ca tụng “Quê hương nghèo đói”. “Quê hương lửa khói”. Khi nói về bà mẹ chỉ thấy ca tụng “Mẹ già còm cõi, áo rách vá vai” Sao không thấy ca ngợi “Mẹ ta bận áo sạch, trồng đủ răng và ngồi ăn hủ tíu tôm cua một cách ngon lành”? Ca ngợi cái đó thử coi, có chết thằng Tây nào đâu mà sợ? Sao dân tộc ta vẫn thích ca ngợi hoài những thứ “không khá”? Vẫn hát hoài hoài cái bài lô xíttơry: “Ối cuộc đời đéo khá!... Vì đời đéo khá nên nói rõ ràng cuộc đời đéo khá!...”

7. Thêm nữa, khi nói về các cô gái thì các nghệ sĩ cứ ca tụng “Dáng em gầy gầy, gầy tay năm ngón, tóc xoã vai gầy, môi gầy nức nở, vân vân” Được lắm! Thì cứ để các em có da có thịt phây phây, có đôi vú thơm lủng lẳng, có cái gò mông núng nính vô cùng gợi cảm đó cho bần tăng. Bần tăng xin muôn tạ ơn lòng. Ối các em phây phây sao mà nó mát da mát thịt đến thế! Như cái máy lạnh tốt bụng mở rỉ rả làm dịu mát cả một trưa hè nắng gắt... củ kiệu. Maria hỡi! Linh hồn con ớn lạnh!

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. “Rờ mềm mềm, bóp êm êm... Rờ một cái muốn rờ thêm. Hè về! Hè về!... Khắp nơi hè về! Hè về!...”

8. Nghệ sĩ mù Văn Vỹ bây giờ đã bỏ nghề đờn vọng cổ chuyển qua nghề chạy hông-đa ôm: Từ ngày giải phóng vô, cha nội sáng mắt ra rồi!

9. Một bạo chúa muốn trở thành bạo chúa phải có vô số đồng loã. Nhiều khi chính các nạn nhân là đồng loã của bạo chúa chớ chẳng ai khác. Gẫm lại, có phải đôi khi chính chúng ta mài búa cho đao phủ để hắn chém đầu mình cho ngọt? Rồi trách sao mà thằng đao phủ nó lại quá nhẫn tâm! Dầu cho có rụng xuống đất một cái “bịch” và lăn lông lốc, cái đầu rơi vẫn cứ tiếp tục còn ngu... can không nổi!

10. Kiều: “Rằng nghe nổi tiếng cầm đài / Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”

Lẩy Kiều: “Rằng nghe nổi tiếng cầm đồ / Nước non bao hiệp cố vô tiệm vàng”


Nghĩ lai rai - Chín

1. Nhiều người có ảo tưởng rằng mình nắm được sự thật lịch sử. Thiệt ra, cùng lắm là chỉ nắm bắt được một số sự kiện (coi như) có thật (chắc không?) qua các tài liệu (thiệt hay giả?) Còn những gì xảy ra trong đầu, trong tâm lý đã dẫn tới hành động của các diễn viên lịch sử, ai dám hiên ngang vỗ ngực rằng ta đây “rành hết sáu câu vọng cổ”? Bộ ngon lành lắm hả cha nội? Sao mỗi lần mở miệng ra là cứ hiu hiu cho rằng ta đây phun ra “sự thật lịch sử” một chăm phần chăm? Vả lại, “sự thật lịch sử” là cái đếch gì? Đâu ai đó định nghĩa thử coi?

2. Ca dao cổ truyền: “Đi đâu cho thiếp theo cùng / Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”

Ca dao cách tân: “Đi đâu cho thiếp theo cùng / Đói no thiếp chịu, vô mùng... thiếp cũng vô”

3. Đố vui để chọc: Trong muôn loài có vú, tại sao chỉ có loài người, khi làm tình, con đực lại sờ vú con cái? “Thứ đồ mắc dịch!” Đố bà con ta chớ loài gays có sờ vú người phối ngẫu khi làm tình hay không? Ai rành cái vụ này xin làm ơn gỡ rối tơ lòng cho bà con ta hết théc méc.

4. Trong thế giới ngày hôm nay, tình cảm càng lúc càng được liệt vào hàng yếu hèn, khiếp nhược, cần phải loại bỏ vì nó đưa ta vào thế yếu và gây xáo trộn trong mọi tổ chức.

Người hùng bi dờ là phải “chì”, rất chì, phải dửng dưng, phải vô cảm, phải biết trơ trơ đạp lên hết đầu mọi người để tiến tới thành công cá nhân của mình. Thành công trở thành một thứ Tôn giáo siêu việt của mọi người trong xã hội chúng ta ngày hôm nay. Phải thành công bằng bất cứ giá nào mới xứng đáng là một tín đồ ngoan đạo của Tôn giáo Thành công. Nếu cần, bắt cả vợ con đi làm đĩ nơi quyền thế để bắc cầu thành công cho cá nhân mình.

Ngay trong lãnh vực yêu đương nam nữ cũng vậy. Phải gạt bỏ hết mọi tình cảm để nắm phần chủ động, ngõ hầu đè bẹp đối phương. Lên giường “đục đẽo” thì cứ tha hồ, nhưng còn “tình cảm” thì nhứt định là không. Không có tình cảm lãng mạn lãng miết gì hết ráo! Ngay cả trái mít của bà Hồ Xuân Hương cũng phom phom tuyên bố: “Nếu em có tươm nhựa là cũng chỉ để tươm nhựa chơi vậy thôi. Em không có sướng khoái hoặc rung động chi chi hết. Bọn đực rựa macho chớ có “hiểu lầm tai hại”! Làm tình với em thì cũng y chang như là làm tình với một trái mít lỏng bỏng nhựa mít vô cảm mà thôi!” Và cuối cùng trái mít cũng hạ anh macho đo ván dài dài... dài dài... Một cách lạnh lùng và tỉnh táo. “Và người đàn bà trong tôi sung sướng reo cười”! Như một serial killer! Do đó, phải nhớ thảo trước di chúc của mình để lại cho đời trước khi lên giường “xơi trái mít (đặc)” vô cảm, phớt tỉnh Ăng lê, cù mãi chả chịu cười.

5. Nhân loại đã trải qua hai lần thảm họa. Thảm họa thứ nhứt: Có thằng làm tài khôn chế ra cái đồng hồ.

Thảm họa thứ hai: Cái thằng làm tài khôn tuyên bố “Thời giờ là tiền bạc

Sau hai lần đại họa ấy thì con người không ai còn có thời giờ được nữa. Kết quả: rất nhiều người bị bức xúc, đứt nút, bất túc, tai biến mạch máu não, đứng tim, đái đường đái xá! Để tiết kiệm thời giờ.

6. Một buổi chiều nọ, thằng lỏi Joseph đội da cu trên đầu tất tả chạy ào vô nhà, hào hển nói với ba nó: “Ba... ơi! Ba... ơi!... Bữa nay con... con... không đi xe buýt... Con chạy theo... theo... xe buýt để về... về... nhà... Con tiết kiệm... tiết kiệm... được một đồng...” Thằng cha của Joseph bèn xáng liền cho thằng nhỏ một bạt tai thấy 36 ngọn đèn: “Đồ ngu! Sao mầy không chạy theo xe taxi? Chạy theo xe taxi thì mày tiết kiệm được tới 20 đồng. Sao mà mày ngu quá vậy?”

7. Thơ TTKH: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi / Thở dài những lúc thấy tôi vui”

Nhái thơ TTKH: “Nàng ấy thường hay vuốt củ tui / Thở dài khi thấy củ... đen thui”

8. Rất nhiều người trong chúng ta muốn thay đổi đời sống theo ý mình (để đạt tới hạnh phúc riêng tư?) Nhưng rất ít người làm cho đời sống thay đổi theo ý mình được.

Bần tăng trộm nghĩ: “Nếu không thay đổi được đời sống thì tốt hơn ta nên thay đổi cách nhìn của mình về đời sống”. Thay đổi cách nhìn đời sống hầu như lúc nào cũng dễ dàng hơn và khôn ngoan hơn là tốn hao sức lực để cố gắng thay đổi đời sống và thất bại ê chề. Từ xưa đến nay, đời sống có đó không phải để chìu ý mình đâu. Vả lại, cho dù có thay đổi được đời sống theo ý mình đi chăng nữa thì cũng chưa chắc gì đã tốt cho mình và tốt cho mọi người khác. Tham vọng là cái đáng cho ta dè dặt và cẩn trọng. Tham vọng thường phát sinh từ lòng ích kỷ chỉ nhằm phục vụ cho mình. Nào có hay ho tốt lành gì đâu!

9. Giữ thể diện cho khỏi mất mặt bầu cua: “Dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cành cạch”.

10. “Các ngõ đường của Đấng Cứu Thế không thể nào bước vô được”. Ê! Ê! Tui đang kiếm đường để đi ra mà chưa được đây cha nội!


Nghĩ lai rai - Mười

1. Đàn bà chỉ thích nghe những gì mà nàng muốn nghe. Rồi trách sao mình cứ bị thằng đực rựa bất lương nó nói dóc, nó lường gạt ái tình, làm rách nát, tơi tả, tiêu tùng cả một đời huê!

2. Thơ Bà Huyện Thanh Quan, Chiều hôm nhớ nhà: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn / Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn / Gát mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn”

Nhái thơ Bà Huyện: “Trời chiều bảng lảng bến Hàm Dương / Bún ốc rao vang khắp phố phường / Gát mái xe lôi ngồi tréo ngoảy / Gõ sừng vợ cắm thấy thêm thương!”

3. Trân trọng: “Mời bác xơi cơm”. Khoát tay: “Cám ơn bác! Nhà cháu xơi zồi”. Đ.m.! Đói chết mẹ mà còn bày đặt xĩ ziện!

4. Cũng như muôn loài, con người là con đẻ của trái đất. Con người thuộc về trái đất chớ không phải trái đất thuộc về con người. Từ xưa đến nay, cũng bởi con người (và Kinh Thánh) cho rằng “trái đất thuộc về con người” nên con người tàn phá trái đất không thể tưởng tượng nổi: tha hồ mà khai thác, tha hồ mà “quậy”, tha hồ mà xả rác, tha hồ mà gây ô nhiễm... Bây giờ đứng trước những vấn đề nan giải bèn ngửa cổ lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng mà than rằng: “Than ôi! Trời đã hại Sa Vệ!” Xong Sở Bá Vương Hạng Võ xuống một câu vọng cổ thiệt mùi rồi rút gươm ra mà cắt lấy đầu mình giao cho ông Đình Trưởng lái đò để đem đi nộp cho Lưu Bang mà lãnh thưởng 1000 cây – tha hồ mà đi bia ôm và bao gái. Có chết cũng quả thiệt là đáng kiếp. Understand? Comprendo?

5. Bữa nọ, một đấng đực rựa tới phòng mạch hỏi bác sĩ tâm lý: “Thưa bác sĩ, mấy lúc gần đây, ngồi trong công viên, khi có đàn ông tới ngồi gần, em cảm thấy trong người em rạo rực. Em sợ mình sa ngã, bác sĩ khuyên em phải làm sao?” Bác sĩ: “Thì những lúc đó anh đứng dậy mà bỏ chạy cho thiệt lẹ”. Đấng đực rựa cắn móng tay đỏ mặt ỏn ẻn: “Thưa bác sĩ, nhưng lúc đó em mặc váy bó sát thì làm sao mà chạy lẹ cho được?”

6. Kể từ lúc con người biết bày đặt đúc ra tiền đồng và in ra tiền giấy, con người trở nên nghiện nặng: nghiện tiền. Nghiện chết bỏ!

Người nghiện ngập tìm đủ mọi cách để thu hoạch cho thiệt nhiều “ma túy” và trở nên giàu có hầu le lói với bà con. Khi đã giàu có rồi thì đứa giàu bèn tung “ma túy” ra cho những đứa nghèo để bọn nó tập tành chích choác và phục vụ ông chủ hết mình. Cho tới lúc bọn này trở nên nghiện nặng và chạy theo ma túy y chang như ông chủ của mình vậy. Dần dà, tất cả nhân loại đều lây nhau mà nghiện ngập: nghiện tiền! Rồi giành giựt ma túy với nhau, gây ra chiến tranh triền miên. Mút mùa lệ thủy!

Mọi cuộc tranh chấp của con người, với bất cứ lý do “cao đẹp” nào, chung qui cũng nhằm để tranh giành tiền tài và quyền lực. Mọi lý do “cao đẹp” trưng ra cũng chỉ nhằm “ con mắt” thiên hạ mà thôi.

7. Ni cô của bần tăng có một đứa em gái ngoại họ rất ham thành Phật. Quanh năm nó ăn chay trường và đóng cửa gõ mõ năn nỉ Thánh Thần cho mình mau mau được lên Thiên đàng.

Năm nọ, ở một tỉnh lẻ bên Pháp có một thằng cà chớn tự xưng mình là vị Cứu tinh Của Nhân loại, và tiên đoán rằng ngày 10 tháng Mười năm đó sẽ là ngày tận thế, toàn thể nhân loại sẽ hui nhị tì. Xong rút vô một cơ ngơi (!) lớn với 20 tử đệ để mà tử thủ và cầu nguyện. Có đứa sợ tận thế thì mình sẽ chết nhăn răng nên lén uống thuốc chuột chết trước để rút ngắn thời gian chờ đợi Thần Chết. Bần tăng lấy làm ngạc nhiên mà rằng: “Quái! Bề gì tới lúc tận thế thì cũng chết, mắc mớ gì mà phải uống thuốc chuột chết trước? Bộ gấp lắm hả?”

Đứa em gái ngoại họ bèn lên tiếng giải đáp théc méc: “Tại anh không biết đó chớ! Chết trước thì sẽ lên Thiên đàng sớm hơn mọi người để giành chỗ tốt”! À za thế! Người ta đi lên Thiên đàng cũng như là đi coi hát cải lương hoặc đi coi xi nê cà la ma. Cần phải vô rạp sớm sủa để giành được chỗ tốt.

Chịu thua em gái! Vêry krềzi! Thiệt là «ẻn phu la tết»!

8. Nhân loại có cái «đỉnh (cứt) cao trí tuệ» gần đây đã thực hiện được nhiều bước tiến nhảy vọt trong lãnh vực sinh học: con người tráo đổi gán ghép lung tung các genes của nhiều sinh vật khác nhau để sáng chế ra những giống mới. Con người đã sáng chế ra được con cá dạ quang, ban đêm tự phát sáng để thấy đường mà lội đi cua đào khỏi cần mang theo đèn bấm. Con người cũng đã sáng chế ra được con gà không có lông (người tình không chân lông?) để lúc nào muốn nấu cà ri chỉ cần bắc nước sôi lên luộc cà và khoai tây rồi mời ngài gà cồ bước vô nồi đậy nắp lại, khỏi mất công vặt lông rửa cẳng. Con người lại còn sáng chế ra được một loại dưa hấu vuông vức sáu mặt ngõ hầu tiết kiệm được nhiều chỗ trống trên xe hàng lúc chuyên chở, đỡ tốn xăng nhớt và bớt hao bạc cắc, lại tránh được bọn du thủ du thực ló mòi đá cá lăn dưa.

Bần tăng đang thấp thỏm lo sợ rồi đây các bà nữ quyền sẽ âm mưu lén lút sáng chế (và tối chế) những thằng đực rựa có cái đầu vuông vức y chang như nhau, hầu cho các bà chụp cái nón macho vuông vức may sẵn lên đầu thằng đực rựa được dễ dàng và lúc nào cũng vừa vặn khít khao, khỏi cần phải thử trước!

9. Điểm mặt "Chúa tể muôn loài" (muôn lòi?): Thuyết tương đối của ông Ễnh-Tai đã cho phép con người chế tạo (bày đặt ra) bom nguyên tử. Khi hay tin trái bom nguyên tử đầu tiên của loài người liệng xuống Hiroshima tiêu diệt liền ngay tại chỗ 100 000 người, ông Ễnh-Tai đã giậm cẳng kêu trời: "Trời hỡi! Phải dè như vậy tui đã đi làm thợ ống nước!"

10. Vẫn ông Ễnh-Tai: Sau vụ liệng bom xuống Hiroshima, khi được một nhà báo hỏi rằng sau thế chiến nguyên tử thứ ba, loài người sẽ đánh nhau bằng vũ khí gì? Ông Ễnh-Tai trả lời cái rụp: "Bằng cái nạng dàn thun!"

Sập tiệm là cái chắc!

© 2007 talawas