Tủ sách talawas7.7.2007
Y Uyên
Chiếc xương lá mục
(táºp truyện ngắn)
Ước muốn nhỏ nhoi của Hà
Tối nay mặc dù có nhiều dấu hiệu báo trước một trận mưa lớn, Danh vẫn đến đàn ở nhà chị em cô Mùi. Thằng Tuất – em Mùi – mang ghế ra sân cho Danh ngồi, ngửng nhìn trời nói:
"Trời sắp mưa mất".
"Tối nay chắc không đàn lâu được".
Danh vừa nói vừa quay về phía cửa ra vào đếm thầm trong bụng xem có bao nhiêu đàn bà con gái ở trong nhà.
Tuất hỏi:
"Chừng nào anh đi cao nguyên?"
Danh đáp không chú ý đến lời mình:
"Phải chờ chị Mùi về mới biết".
Tuất cười tinh quái như một thói quen:
"Thế ra tối nay anh đến không phải để đàn cho em hát?"
"Không hẳn thế, tớ vừa đến vay tiền vừa hát. Mà lần này tớ sẽ đàn những bản biệt ly nổi tiếng nhất. Những bài ca ca trước khi mình đi ít ra cũng phải bày tỏ được phần nào sự lưu luyến nơi này.
"Anh mà lưu luyến nỗi gì. Anh khoái chí thì có".
"Cái đó đã hẳn. Nhưng người ta còn vuốt mắt được cho kẻ thù khi chết thì tôi dù mong sớm đi khỏi ngày nào tốt ngày ấy, vẫn buồn chút ít khi lên đường được chớ. Buồn chút ít cho chuyến đi của mình có duyên một chút, có mất gì đâu?"
Thằng Tuất nghe nói gật gật cái đầu, ngồi chống hai tay lên mặt ghế, hai vai nhô ra phía trước trông mỏng manh, gầy gò. Đôi chân cà khêu dang ra hai bên thành ghế, đẩy tới đẩy lui như hai cái mái chèo. Danh ngửa mặt lên hít hít chút không khí thoang thoảng hơi nước làm gợn gai ốc của da thịt. Giọng Danh đắn đo:
"Này, này cậu Tuất, cậu có thấy chị Mùi nhắc nhở đến việc gì của tớ không?"
"Không. Từ chiều tới giờ chị ấy có vẻ buồn".
"Buồn chuyện gì thế cậu?"
"Ai biết được".
Mặt Danh lộ vẻ băn khoăn. Những ngón tay bấu víu hờ hững trên dây đàn. Một lát, Danh chợt nói to:
"Tớ đệm cho cậu nhé?"
Thằng Tuất giật thẳng người lên, hai chân rơi cái "bịch" trên mặt xi măng.
"Ô-kê".
Ở trong nhà, cô đỡ tự nhiên cũng giật thẳng người lên như bị ợ. Hai tay cô vuốt tới tấp lên ngực. Cô nhăn mặt bảo Nga:
"Thằng phải gió lại sắp giở trò rồi đấy".
Nga miết một đường vài gấp trên bàn máy, cười yên lặng. Khuôn mặt nhỏ, dài như nhoà với màu mái tóc búi gọn sau lưng. Dường như mấy lời nói của mình quá trống trải. Cô đỡ quay sang phía mấy cô học may:
"Sắp kéo đi rồi mà còn đàn với địch. Rõ chướng".
Nga hỏi:
"Cậu ấy đi đâu thế?"
Cô đỡ quay lại:
"Bộ cô không rõ chuyện hắn ta sắp đi sao?"
Một cô học may chen vào:
"Ai còn lạ gì anh ấy lên cao nguyên gẩy đàn mướn ở mấy tiệm nước".
Cô đỡ quay lại:
"Ai chẳng biết thế. Nhưng có nhiều thứ cao nguyên lắm. Vậy hắn sẽ lên cao nguyên Đà Lạt, cao nguyên Ban Mê Thuột hay cao nguyên Bảo Lộc? Với lại gẩy đàn thì gẩy cho một tiệm nước chứ lại sao cho mấy tiệm?"
"Thế cô Tuyết Lan Sương trước kia dễ chỉ hát ở một phòng trà?"
"Gẩy đàn khác, hát khác, hắn ta khác, con tôi khác, sao cái cô này ví von lạ vậy?"
"Cô Tuyết Lan Sương trước kia là ca sĩ, anh Danh bây giờ cũng là ca sĩ, có khác gì nhau đâu?"
"Thôi, thôi, tôi biết cô lý sự giỏi rồi".
Cô đỡ vừa nói lại vừa quay sang phía Nga và lại thấy nụ cười yên lặng của nàng. Với vẻ bực bội, cô đứng dậy đi ra cửa sau nhìn xuống con đường sỏi ngăn nhà của khu vườn nhỏ. Ít lâu nay, cô thấy dường như chuyện gì dính đến tên Danh cũng làm cô khó chịu. Cô cũng nhớ rằng Danh vẫn thường chê bai mấy đoàn hát cải lương mà cô thuộc tên cả những đào kép phụ, những bọn lâu la chạy cờ. Cô cũng nhớ ngày Tuyết Lan Sương chưa đi lấy chồng, ngày cô tay còn tay ví tay kẹp dù theo con đến các phòng trà ca nhạc, cô đã nghe thấy một người bạn Danh ngồi ở dưới hàng khán giả hét lên khi thanh lý yểu điệu tới gần mi-crô, khẽ nghiêng đầu chào khán giả. "Nụ cười của em không tưởng quá em ôi!" Sau tiếng hét này, cô đã được nghe liền tức thì một trận cười cải cách nổi lên rung cả phòng.
Cô xuống con đường sỏi dạo những bước nhè nhẹ và thở những hơi dài từ tốn như để cơn giận nguôi dần. Chợt cô dừng lại bên hàng rào, nhìn vào trong vườn. Bên trong, một bóng người vừa ra khỏi vùng tối rậm của giàn dưa tây, đi về phía cổng vườn. Tới gốc cây bưởi, bóng đó dừng lại một lát rồi đi vòng xung quanh gốc cây như nghe ngóng, rình rập. Cô đỡ ngạc nhiên đứng sát lại hàng rào nhìn cho rõ. Bỗng cô cười phá lên làm bóng người trong vườn giật mình, ngơ ngác.
"Tối mò mò như thế này, cô Hà vào vườn làm gì thế?"
"Vào giả làm ma đấy chị ạ".
Hà vừa đáp vừa bước ra đường.
"Sao trông cô ngơ ngẩn như người thất tình?"
"Chị chỉ nói bậy. Em đang tìm cái này".
"Cái gì thế cô?"
"Cái… này…, chị hỏi làm gì?"
Sau câu nói lúng túng, ngộ nghĩnh. Hà cười như con nít. Thấy Hà như muốn nói điều gì song ngần ngại, cô đỡ chép miệng:
"Các cô mới nhớn, cô nào cũng có vẻ khó hiểu".
Hà một tay nắm bàn tay cô đỡ, một tay vuốt trên mặt cái nhẫn:
"Khó hiểu như thế nào hả chị?"
"Cô này hỏi rõ vớ vẩn. Khó hiểu như việc cô vào vườn một mình ban đêm". Dứt lời cô cười đắc thắng: "Hết là trẻ con rồi, cô ơi".
Hà cãi:
"Vào vườn ban đêm mới càng là trẻ con".
Hà bỏ tay cô đỡ, ngước mặt lên toan giải thích. Cô đỡ vô tình quay đi. Hà len lén thở dài.
Có tiếng Mùi gắt Nga ở trong nhà, cô đỡ nói:
"Cái cô này hễ về đến nhà là ăn hiếp chị".
"Từ chiều tới giờ chị ấy hay gây gổ lắm".
Hà vừa nói vừa theo cô đỡ vào nhà. Mùi đang ngồi trước một ly nước. Cạnh nàng, Nga ngồi đọc báo.
"Tôi đã bảo chị im đi cho tôi nhờ. Dễ chị sợ hàng xóm người ta không biết chị đọc báo?"
"Trong này đọc báo, ngoài kia đàn hát, có khác gì?"
Nga nói lần chần, mặt khuất sau tờ báo.
"Chị nói ngang như vậy không sợ người ta cười cho à?"
"Ai cười hở mười cái răng".
Mọi người cười lên ồn ồn. Nga đứng dậy cầm tờ báo, lững thững vào trong giường.
Ở ngoài sân Danh chợt lắng tai nghe ngóng.
"Ở trong nhà hình như có điều gì vui lắm?" Giọng Danh vui lây.
Thằng Tuất để nguyên cái mồm há hốc vì hát dở dang nhìn Danh rồi bực tức:
"Sao kỳ vậy anh?"
"Kể cũng hơi kỳ. Lúc cô Mùi về, trông cô ấy không được vui. Sao bây giờ trong nhà lại nhộn lên thế?"
Danh băn khoăn ra mặt. Dường như không khí trong nhà lúc này liên quan mật thiết đến việc ra đi của anh. Anh nhớ một lần ngồi ở quán lão Hợp đã có những lời không được đàng hoàng cho lắm về chị em Mùi. Anh đã không ngần ngại tiết lộ với mấy người ngồi đó: Ông cụ sinh ra chị em cô Mùi trước kia vốn là một nhà nho thất bại. Sau này ông xoay theo nghề cách mạng thì bị tử nạn vì một rủi ro nghề nghiệp. Trước khi chết ông có dặn các con phải trau dồi võ nghệ để đền nợ nước, trả thù nhà. Vì vậy bây giờ cô Mùi cũng như cô Nga đều là những tay võ nghệ siêu quần. Với bàn tay ba mươi tuổi của cô Nga và bàn tay hai mươi bảy tuổi của cô Mùi, hai cô có thể bóp vỡ gạch như ta bóp bánh tráng. Hôm đó Danh hãnh diện nhiều về cách diễn tả câu chuyện của mình. Anh thấy những lời nói ấy làm mình mới hẳn lên, nhưng sau đó, tối tối xách đàn lại nhìn thấy chị em Mùi, lương tâm Danh bị âm ỉ gậm nhấm đến nỗi nhiều lúc Danh hội hộp bâng quơ. Tới bây giờ, khi việc ra đi của Danh hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào "bàn tay bóp gạch như ta bóp bánh tránh" của Mùi thì cái lương tâm kia lại càng hoạt động tích cực.
Giữa lúc bước đường tương lai của Danh đang cằn nhằn cái việc làm dĩ vãng của Danh như vậy, Danh chợt thấy Hà từ trong nhà bước ra. Danh dừng lại nép người trong khoảng nửa sáng nửa tối giữa cửa ra vào và cửa sổ. Dường như Hà đang hướng về Danh. Danh vốn có cảm tình với Hà vì nàng không ngổ ngáo như Tuất, không có bộ mặt hiền lành nhưng soi mói của Nga, cũng không có tánh bất thường, hay gay gắt gỏng của Mùi. Danh nói:
"Cô Hà đứng như một nhà trinh sát".
Hà cười như một giọng nói vui:
"Tôi đang trinh sát anh đấy".
Vừa nói Hà vừa đi lại chỗ Danh. Trong vạt ánh sáng từ trong nhà toả ra, dáng Hà trông thật gọn, thật xinh.
Danh nghĩ thầm: "Nhà này chỉ có mình cô bé này đúng hiệu thiếu nữ".
Hà lại gần Danh tò mò ngắm Danh như ngắm một hiện tượng lạ. Danh hỏi:
"Chắc hôm nay tôi trông kỳ lắm?"
"Không, không, có gì kỳ đâu".
Hà thoáng một lát lúng túng.
"Sao cô ngó tôi kỹ thế?"
"Ngó như thế có gì là kỹ. Tính tôi vẫn cẩn thận nên nhìn hơi cẩn thận một chút".
Hà khôi hài để giấu một lỡ lầm. Chợt Hà tiếp, khiến Danh hơi ngơ ngác:
"Anh Danh sắp đi có khác, đàn lâm ly vô chừng".
Danh đáp nhũn nhặn theo thói quen:
"Cô quá khen. Trong thiên hạ thiếu gì kẻ lỗi lạc hơn tôi".
Hà cắn môi giấu một nụ cười vì Danh vừa gợi lại một không khí kiếm hiệp. Như chợt nhớ tới ý định của mình, Hà tiếp:
"Anh đi kể cũng hơi buồn".
Danh cảm động nhưng khôi hài:
"Kể cũng buồn thật. Suốt ngày suốt tháng phải sống trong cảnh chim kêu vượn hú".
Hà như chợt bắt được ý, nói như reo:
"Chim kêu có gì đáng buồn?"
Danh vô tình cười:
"Chim kêu không, chưa chắc có gì đáng buồn. Nhưng chim kêu bên tiếng vượn hú thì buồn chết người được".
"Nói vui vậy thôi, chứ trên ấy làm gì đến nỗi buồn cho lắm. Với lại sống gần cây cỏ núi rừng cũng là một cái thú. Suốt ngày được nghe chim chóc ca hót".
Hà nói vội vã, bối rối như sợ Danh chuyển sang chuyện khác. Danh bật một sợi dây đàn, cười:
"Cô này mơ mộng quá".
Nghe Danh nói, Hà im bặt.
Một lát sau, Hà quay vào nhà, Danh gọi giật lại:
"Cô Hà, cô Hà".
Hà khó chịu quay lại hỏi xẵng:
"Gì thế?"
Danh chấp chới nhấc cây đàn lên như muốn đứng dậy, giọng khẩn thiết:
"Tôi muốn nhờ cô một việc".
Hà nhìn Danh ngờ vực:
"Nhờ gì thế anh?"
"Thì cô hãy thong thả cho tôi nói đã nào".
Danh vừa nói vừa thể thọt lại gần Hà. Hà khó chịu vì vẻ đau khổ của Danh và càng khó chịu hơn khi liếc vào trong nhà, thấy chị Nga nhìn ra bằng con mắt dò xét. Danh cố cười để giảm bớt tính chất quan trọng của những lời sắp nói nhưng hai mép lại kéo sang hai bên trông có vẻ cay đắng.
Hà ái ngại đi lảng ra chỗ thằng Tuất, Danh thể thọt theo sau.
"Cô Hà, cô làm ơn cho biết cô Mùi có nhắc gì đến chuyện tôi muốn vay cô ấy ít tiền không?"
"Không?"
"Thế cô cũng không nghe cô Nga nói gì tới sao?"
"Anh vay chị Mùi thì chị Nga chị ấy nói tới làm gì".
"Thế mà tôi cứ tưởng… cứ tưởng… cô ấy cản cô Mùi không cho tôi vay".
"Cái đó tôi tôi không biết. Nhưng anh cứ yên tâm. Nếu chị Mùi có tiền, chị ấy sẽ giúp anh".
"Điều đó tôi cũng rõ. Vì vậy tôi vẫn nói cô Mùi là người duy nhất có thể giúp tôi. Nhưng sao đã mấy ngày rồi vẫn chưa thấy cô ấy đả động gì tới tôi? Có lúc tôi tưởng cô ấy quên…"
"Chuyện của anh là chuyện người lớn, chị ấy quên sao được. Chắc chị ấy kẹt hay mắc tính chuyện gì khác nên chưa trả lời anh đấy thôi".
Trước những lời thản nhiên nhưng quả quyết của Hà, Danh có vẻ tìm lại được hy vọng. Anh nhìn Hà như nhìn một người bạn thân rồi nói:
"Không nói chắc cô cũng biết: đây là dịp thuận tiện nhứt để tôi ra đi chứ đã hơn một tuần lễ tôi bị bó tay vì mấy trăm bạc".
Thấy Hà không có dấu hiệu nào tỏ ra lơ đãng, Danh tiếp:
"Tôi không còn muốn ở nhà để lâu lâu, có một người bạn về chơi, mời ra tiệm lão Hợi bao một ly sữa đá và mấy liều Ruby để mình lại trả lời "Từ ngày các cậu đi tới giờ, ở nhà chẳng có gì thay đổi quan trọng". Vậy cô làm ơn vào hỏi giùm cô Mùi xem có thể giúp được tôi không thì cho tôi biết cho đỡ nóng ruột".
"Để tôi vào hỏi chị ấy xem".
Hà nói xong, vào nhà. Còn Danh ngồi lên ghế, ngước mắt nhìn trời. Một vai anh bị lệch hẳn xuống khiến thằng Tuất tưởng cánh tay ở vai bên kia của anh sẽ giơ cao lên như một người bị sa lầy.
Thế là Hà đã không nói được với cô đỡ cũng như với Danh về con chim lạc vào vườn đêm qua. Hà muốn kêu lên cho họ nghe nỗi vui sướng của mình, "Ngoài kia có con chim lạc vào vườn" nhưng Hà đã không kêu được. Hà đã không bắt được dịp nào thuận tiện cả. Người nào cũng vô tình từ chối Hà. Hà đã tưởng có thể nói những lời đó với Danh vì Danh vốn kiểu cách, có thể nói hoặc nghe những câu văn chương, khách sáo khiến người khác phải cau mày khó chịu. Danh chắc sẽ không chế nhạo hoặc sửng sốt khi nghe Hà nói: "Ngoài kia có con chim lạc vào vườn". Nhưng sự thực đã ngược lại khiến Hà nản lòng khi nghe Danh nói: "Cô này mơ mộng quá". Hà đã toan bảo: "Đến anh là người lãng mạn đến èo ặt ra mà còn chê tôi thì thật hết đường". Hà hối hận vì đã không đạt được ý định còn bị Danh mau mắn lợi dụng một cách tự nhiên bằng cách nhờ Hà hỏi giùm món tiền vay chị Mùi. Hà bỗng dưng vướng vào một chuyện không làm Hà thích thú. Con chim lạc như đã bay ra khỏi vườn của Hà.
Hà bước vào nhà trong những bộ mặt nghiêm trang suy nghĩ của mọi người thì bật cười. Chỉ vì chị Mùi không vui mà tự dưng mọi người chịu một ảnh hưởng lớn thế, Hà tự nhiên cảm phục và thèm muốn uy quyền của chị. Dường như chỗ nào có mặt chị, chỗ đó linh động hẳn lên. Chị ưa nói chuyện "xài sang, xài cho nói biết", có lúc Hà đã ngạc nhiên vì tài khéo léo của chị. Mặc dù gia đình Hà không được dư dật cho lắm, chị vẫn biết thu vén để có một kiểu tóc mới, một hàng áo hợp thời trang… Không riêng gì Hà, nhiều người bạn gái khác cũng phục sự lịch duyệt của chị. Nó thường thấy chị có nhiều thứ để "chán" lắm. Chị "chán" uốn tóc ở tiệm của chú Ngướn vì chú thiếu nhiều kiểu thời trang ở Ba-lê, chị "chán" ăn ở tiệm X vì bọn bồi bàn thiếu sạch sẽ và lễ độ, chị "chán" thác Cam Ly, "chán" hồ Than thở vì không được tu bổ cho đẹp mắt du khách… Chị đã cố gắng và vội vã trải qua những thứ mà mọi người ham thích để rồi được thong thả nói một lời thật gọn nhưng hàm chứa nhiều hãnh diện: "Chán". Không may cho chị, có một điều mấy năm nay chị chưa thể "chán" được, đó là chuyện anh Khang. Có lẽ vì anh không phải là thứ chị có thể "xài cho nó biết" nên chị vẫn một lòng giữ nguyên sự ngưỡng mộ lúc đầu. Có chăng, chị chỉ thấy "buồn" kể từ một năm nay và nỗi buồn đó như lại có hình có dạng và chiều nay khi anh Minh gửi thư về. Hiện giờ Hà vẫn chưa được đọc lá thư đó.
Hà nhìn chị Mùi ngồi yên lặng trước mặt cô đỡ, tay cầm bao thư, không hiểu trong đó anh Minh đã nói gì về anh Khang? Hà đoán chỉ có chuyện đó có thể khiến chị Mùi quạu quọ gắt gỏng cả buổi chiều. Hà thấy cô đỡ như cũng tò mò về lá thư đó. Mắt cô thỉnh thoảng lại ngó hai bàn tay chị Mùi đặt êm ả trên bàn.
Chợt cô lấy giọng thản nhiên hỏi:
"Thư nào đấy, đọc lên nghe được không?"
Những ngón tay chị Mùi động đậy nhè nhẹ, không tỏ được dấu hiệu bằng lòng hay từ chối. Một lát như chợt nghe tiếng cô đỡ, chị ngẩng lên bàn tay bỏ rời lá thư.
"Của thằng Minh gởi về hồi chiều".
Cô đỡ cầm lên như là để đọc những chữ ngoài phong bì. Sau khi ngắm nghía tỉ mỉ bao thư vẫn thấy Mùi im lặng, cô nói:
"Chữ cậu Minh thiệt xinh, mềm như chữ con gái". Rồi cô cười lớn và nhìn vơ váo khắp mặt người trong nhà: "Thế mà tính tình cậu ấy lại cứng cỏi lạ thường. Ngày còn ở nhà, cậu ấy vẫn thường nói thuở bé cậu ghét giống mèo ra sao, lớn lên cậu khinh những người yếu đuối lãng mạn làm vậy". Vừa nói cô đỡ vừa ngó ra chỗ Danh ngồi.
Hà cười theo:
"Thế còn chị, chị ghét giống gì nhất?"
"Tôi ấy à? Tuy là đàn bà, cũng giống như cậu Minh, cũng như mọi người. Mến những việc làm can trường, xông xáo, ghét những việc làm thong thả, dễ dàng".
Như không thích kiểu nói xoi móc của cô đỡ, Mùi bảo cô:
"Lúc nào về chị nhớ mang giùm lá thư này về cho ông Nhị để mai em khỏi mất công sang báo tin cho ông ấy".
"Cậu Minh có chuyện gì với ông Nhị thế?"
"Chị đọc chắc biết. Thư này chẳng có gì quan trọng".
Nghe chị nói, Hà hơi ngạc nhiên. Lá thư này không có gì quan trọng sao chị buồn suốt cả buổi chiều? Hà vội bảo cô đỡ:
"Chị để em đọc cho".
Rồi Hà đón bao thư trên tay cô đỡ, rút ra một tờ giấy nhỏ.
"Chị Mùi,
Tháng này em không về được, chừng nào lãnh lương em sẽ gởi về ngay cho chị. Chị nói giúp với bà Hai là ngay sau khi về đơn vị, anh Sinh bị ốm nên không có thư về cho bà, bây giờ anh ấy đã khỏi, bảo bà ấy cứ an tâm. Còn về việc ông Nhị nhờ tìm giúp địa chỉ của người cháu, em đã cố gắng nhưng chưa kết quả. Dường như anh ta đã thuyên chuyển sang một đơn vị mới, cùng đơn vị với anh Khang.
Chị Mùi giục Hà gửi gấp cho em mấy cuốn sách Việt văn đã nói ở thư trước.
Em"
Hà đọc xong. Cô đỡ hỏi Mùi:
"Trong thư có thấy nói tới Khang. Khang nào thế? Có phải…"
"Chị hỏi rõ vớ vẩn".
Môi dưới cô đỡ trễ nải xệ xuống một chút vì một nụ cười nhỏ, biểu lộ một chút duyên thừa.
"Bây giờ cậu Khang ở đâu?"
"Em đâu có biết".
"Cậu đó không viết thư luôn cho cô hay sao?"
"Mười tháng nay rồi mới thấy lá thư này nhắc đến tên anh ấy. Mà nhắc cũng như không".
"Sao cô không viết thư cho cậu ta?"
"Viết làm gì hở chị?"
Cô đỡ bâng khuâng ra mặt. Hai gò má cô trông mốc và khô hơn bao giờ. Những nét nhăn gãy vụn trên cổ tự nhiên sâu lại và trở nên gần nhau hơn khi Mùi buông thõng:
"Đàn ông bây giờ!"
Cô đỡ nghĩ đến những người đàn ông phụ tình đầy rẫy trong tuồng cải lương.
"Đàn ông tự cổ chí kim vẫn hay phụ bạc, ăn ở thiếu chung thuỷ".
Sau câu tán thành, cô đỡ và Mùi cùng im lặng như suy ngẫm về sự việc "dong ngày xưa, đàn ông bây giờ".
Hà toan hỏi giúp Danh nhưng kinh nghiệm đã cho Hà biết lúc chị Mùi buồn đừng nên quấy phá, chị có thể từ chối, không cho Danh vay tiền nếu Hà bộp chộp hỏi ngay lúc này. Hà ái ngại nhìn ra ngoài sân, chỉ thấy tấm áo sơ-mi trắng của Danh và những tiếng đàn rời rạc, âm thầm. Hà không muốn buồn, Hà muốn kẻ cho mọi người nghe chuyện con chim lạc.
Hôm qua mưa tầm tã từ chiều đến khuya mới tạnh. Lúc Hà tỉnh dậy thấy trăng sáng vằng vặc trên con đường sỏi thì trời đã hoàn toàn êm ả. Hà trở mình xoay người vào trong toan tiếp tục giấc ngủ, chợt nghe tiếng chim hót ở ngoài vườn. Tiếng hót thong thả và mau tắt, có lúc gần như ở cây bưởi sát hàng rào, có lúc vọng từ xa xa ở cuối vườn. Đây là lần đầu tiên Hà nghe có tiếng chim hót trong đêm, lại vào một đêm xấu trời, Hà chắc đó là một con nhái quạt, một con chim hồi nhỏ Hà thường thấy cái đuôi ngoe ngoảy trong lúc nhảy nhót trên cành cây. Hà yên lặng nghe mình bắt được một niềm vui không đâu. Một niềm vui như từ xa mang lại khả nghi, giá kêu được một tiếng mừng rỡ để gọi chị Nga, chị Mùi dậy chắc sẽ vui hơn. Hà muốn nói to: "Chị ơi, có con chim lạc vào vườn", nhưng Hà biết mình vô lý.
Hà trở dậy lén lén chui ra màn, mở cửa băng qua đường sỏi vào vườn. Vào một đêm khác, chắc Hà sẽ chẳng kỳ khôi như thế và chẳng bao giờ để tiếng chim kêu quyến rũ được mình. Hà nghĩ thầm. Cây bưởi sát hàng rào lá ướt lóng lánh, cành cây đen sậm, ánh trăng soi rõ những vũng nước tràn vô lối trên cỏ tạo thành những đường sáng loáng. Hà lắng nghe có tiếng chim chuyền cành. Tuyệt nhiên không. Hà chắc con chim đã thấy mình từ trong bóng tối cành lá nên im tiếng hót hoặc đã âm thầm bay đi. Giữa lúc Hà đang phân vân, chợt một tiếng "vù" ngang đầu và một lát sau từ giàn dưa cuối vườn lại vang lên điệp khúc vui nhưng lạc lõng. Hà tự nhiên thấy mình và chim có một liên lạc bâng quơ. Tối nay Hà lại ra vườn thấy con chim lạc vẫn còn quanh quẩn trong đó, Hà bâng khuâng và lại muốn kể chuyện với mọi người.
Bầu trời tự dưng tối sầm lại. Mây đen kéo đến mịt mùng. Danh ngừng đàn kêu to:
"Mưa mất".
Thằng Tuất đứng nhỏm dậy đưa mấy điếu thuốc cho Danh:
"Còn mấy điếu, anh cầm lấy hút nốt".
Danh lật đật bước vào trong nhà từ biệt chị em Mùi. Thấy cô đỡ hấp tấp bước ra, Danh luống cuống. Cô đỡ giữ chìa khoá cổng xóm, nếu cô về, ai mở cổng cho Danh?
Thấy cô đã tới cổng, Danh vội cất tiếng gọi:
"Cô đỡ, cô đỡ".
Cô đỡ khó chịu dừng lại:
"Cái gì thế?"
Danh chạy lại gần:
"Ngày mai tôi đi sớm, chắc không đến chào cô kịp, vậy tiện đây…"
Danh ngập ngừng không biết nói sao. Biết nói sao nữa. Cô đỡ sau một lát như đắn đo:
"Tôi cũng chúc cậu đi được thuận buồm xuôi gió".
Dứt lời, cô cười thành tiếng gượng gạo. Còn Danh thì thầm:
"Cô làm ơn chờ tôi một chút cho tôi về với".
Rồi Danh bước vào cửa nói lớn:
"Mai tôi đi sớm. Tiện đây tôi xin có lời chào tất cả các cô".
Mùi cười:
"Chúng tôi cũng không biết chúc cậu thế nào khác với câu chúc của cô đỡ vừa rồi".
Danh lúng túng muốn tìm một câu nữa để nói. Cuộc chia tay hơi có vẻ cấp bách nhưng cô đỡ kêu lên ở ngoài:
"Mưa lớn rồi, cậu Danh".
Mùi giục:
"Thôi cậu về kẻo mưa".
Danh vùng quay ra nhưng vẫn nói vọng lại:
"Các cô ở nhà mạnh giỏi nhé".
Khi hai người đã ra tới ngoài đầu ngõ, Mùi vươn vai ngáp lớn:
"Thế là nhờ cái khoá mà hai người hoà nhau. Như vậy cậu Danh ra đi cũng được thêm phấn khởi".
Căn nhà trở nên yên tĩnh hơn bao giờ. Bỗng mọi người im lặng lung linh trên tường vôi. Tiếng máy khâu của chị Nga xành xạch từng chập đều đều. Mấy cô học may như muốn ngồi sát gần nhau, cắm cúi khâu. Hà buông màn ngủ.
Khi qua cửa sổ, Hà dừng lại một lát nhìn ra ngoài vườn. Một tia chớp lóe lên soi sáng những cành cây ủ rũ. Nằm trên giường, nhớ lại những việc vụn vặt xảy ra từ chập tối tới giờ, Hà thở dài âm thầm và thiếp ngủ trong sự âm thầm ấy. Khi Hà chợt tỉnh dậy vì một tiếng gọi bên tai thì căn nhà vẫn còn chong đèn, tiếng máy khâu của chị Nga vẫn chạy đều đặn. Hà lắng nghe tiếng một cô học may nói:
"Cô này chưa ngủ đã mơ".
Tiếng chị Mùi nói tiếp:
"Chắc lúc nãy nói chuyện chim chóc nên con bé nó kêu "Chị ơi, chị ơi, có con chim lạc vào vườn".
Hà nén thở xem còn ai nói gì nữa không nhưng chỉ thấy vài tiếng súng nổ vu vơ từ xa vọng lại.
Nguồn: Chiếc xÆ°Æ¡ng lá mục. Táºp truyện ngắn của Y Uyên, mẫu bìa của Duy Thanh, chân dung Y Uyên, được vẽ bởi Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn số 33, tháng 1 năm 1971. Ấn hà nh lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngà y 10 tháng 1 năm 1971. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện. Gia đình tác giả giữ bản quyá»n.