T. Vấn
Sá»± việc “Bà i há»c khó thuá»™c†của Hà Văn Thuỳ trên tuần báo Việt Weekly và vấn Ä‘á» sá» dụng bà i trên các trang mạng Ä‘iện tá»
1. Trong mấy ngày vừa qua, dư luận người Việt ở Mỹ, nhất là khu vực Little Saigon, đang lên cơn sốt với sự kiện một số cá nhân và hội đoàn tôn giáo, văn hoá, cộng đồng đưa ra một “
Bản lên tiếng” nhằm buộc tội tuần báo
Việt Weekly, một tờ báo khổ tabloid phát hành ở khu vực Nam Cali và toà soạn nằm trong thành phố Garden Grove, có quan điểm và lập trường thiên cộng, vì “đã đăng tải những bài báo công khai miệt thị lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng của người Việt yêu chuộng Tự do, Dân chủ, công khai ca tụng tên tội đồ Hồ Chí Minh, đề cao chính quyền cộng sản và cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, bôi bác lý tưởng và chính nghĩa của người Việt quốc gia, ca ngợi hành động man rợ của bọn khủng bố trong vụ 9/11 v.v... Ngoài ra, báo này còn công khai bịa đặt tin tức để hạ thấp giá trị lịch sử tấm hình chụp linh mục Nguyễn Văn Lý bị bạo quyền cộng sản Việt Nam bịt miệng trước phiên tòa tại Huế ngày 30-3-2007.”
Sự việc nổ bùng là do, trước hết, một bài viết được đăng trên
Việt Weekly số 22, Vol.5, tuần lễ từ 24 đến 30-05-2007 nhan đề “
Bài học khó thuộc” của tác giả Hà Văn Thuỳ. Theo cáo buộc của “Bản lên tiếng”, bài viết này có nội dung nhằm “tôn sùng Hồ chí Minh”, “Miệt thị lá cờ biểu tượng cho tinh thần Tự Do của tập thể người Việt tị nạn cộng sản”, “Ca ngợi bầu cử kiểu cộng sản độc tài: ‘Đảng cử, dân bầu’”, “Đề cao hành động phản bội Hiệp định Paris”, “Bài Mỹ, miệt thị các chính quyền quốc gia”, “Vinh danh khủng bố, chống dân tộc Hoa Kỳ”. Kèm theo những lời cáo buộc này là các đoạn trích trong bài viết của tác giả Hà Văn Thuỳ.
Ngoài ra, “Bản lên tiếng” còn buộc
Việt Weekly tội “bịa đặt tin tức để hạ thấp giá trị lịch sử của tấm hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an Việt cộng bịt miệng trong phiên toà xử ngài hôm 30-3-2007” khi tờ báo này, trong một bài viết của tác giả Dốc Thượng biện minh cho việc không đăng bức hình “Bịt miệng” như sau:
“…
Việt Weekly đã chọn không đăng tấm hình đó, bởi vì, khi họp báo tại Hà Nội, và phải trả lời câu hỏi về đề tài này, ông đại sứ Michael Marine đã khẳng định rằng những hành động gây náo động của cha Lý như thế nếu xảy ra tại một toà án Mỹ, cũng sẽ phải chịu những đàn áp vũ lực để tái lập trật tự. Mặc dầu ông mong muốn nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng tiếng nói trong tinh thần dân chủ và tự do ngôn luận của cha Lý, nhưng ông cũng không ủng hộ hành động của cha Lý tại toà án.
Việt Weekly đã có mặt tại cuộc họp báo đó, và đã nghe ông Marine nói những điều đó,
Việt Weekly không thể đăng tải bức hình đó của cha Lý như biểu tượng của sự bức hại tự do ngôn luận, được, bởi vì nó bất cân xứng. Đăng bức hình đó trong ý nghĩa đó là đi ngược lại với lương tri của nhà báo…”
“Bản lên tiếng” cho rằng
Việt Weekly đã bịa đặt “điều gọi là lời khẳng định của đại sứ Michael Marine trong cuộc họp báo ở Hà Nội”, vì theo lời một viên chức trong cơ quan giao tế công cộng của toà đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội thì, “Trong cuộc họp báo ngày 25 tháng Tư, ngài Đại sứ KHÔNG được hỏi về điều đó và vì thế không bình luận về phiên tòa xử cha Lý, hoặc cách hành xử của cha tại đây.”
Theo báo
Người Việt Online ngày 14-06-2007 thì: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cộng đồng phản ứng và phản đối tuần báo
Việt Weekly, trong đó nặng nề nhất là bài “Bài học khó thuộc” của tác giả Hà Văn Thuỳ.”
Ngày 14-06-2007, trong số báo
Việt Weekly 25-5, tác giả
Dốc Thượng với bài “
Sự trong sáng và minh bạch của Việt Weekly trong vai trò truyền thông” đã trả lời những lời cáo buộc của “Bản lên tiếng” về nội dung bài viết “Bài học khó thuộc” của Hà Văn Thuỳ với luận cứ “Một trong những chủ trương báo chí của
Việt Weekly tạo diễn đàn đa chiều. Có nghĩa là sẵn sàng đăng tải phát biểu của nhiều khuynh hướng khác nhau.” và
“… nội dung xuất hiện trên tờ báo
Việt Weekly trong tinh thần tự do ngôn luận, rất đa dạng vì nó chuyên chở rất nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau. Người đọc sẽ không ngạc nhiên khi có những bài viết phản ánh quan điểm của cả hai phe thân và chống Việt Nam. Trong trường hợp về bài viết của ông Hà Văn Thuỳ, ông ta đại diện cho phe thân Việt Nam để tranh luận với
giáo sư Keith Taylor, một người chủ trương bênh vực chính sách của Hoa Kỳ và chính nghĩa của Việt Nam Cộng hoà trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nếu như ngôn ngữ của ông Hà Văn Thuỳ có quá đáng, khó nghe, ca tụng Hồ Chí Minh như một thánh nhân, miệt thị lý tưởng tự do của nước Mỹ, thì chính những điều đó đã làm mất đi sức thuyết phục của bài viết đối với độc giả tại hải ngoại. Hơn nữa, độc giả cũng được nghe lập luận của tiến sĩ Keith Taylor, phản bác những quan điểm coi thường Việt Nam Cộng hoà, rất phổ biến trong giới sử gia Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Được nghe tiếng nói từ cả hai phía, những độc giả yêu chuộng tự do sẽ nhận ra ngay, tiếng nói nào thành thật và hữu lý và phù hợp với quan niệm sống của họ. Và sự tin tưởng vào tiếng nói thành thật đó càng vững chắc hơn nữa, khi họ hiểu luôn những phản biện được đưa ra từ phía đối nghịch.
Vì không hiểu hoặc vì cố tình không hiểu chủ trương của
Việt Weekly, các tác giả của ‘Bản lên tiếng’ đã chọn 6 đoạn có những câu và từ ngữ thân Việt Nam và miệt thị Mỹ của tác giả Hà Văn Thuỳ, rồi từ đó đi ngay đến kết luận rằng
Việt Weekly thân cộng. Đây là một kết luận vội vã, một gán ghép không thể chấp nhận được. Bởi vì Hà Văn Thuỳ không đại diện cho
Việt Weekly. Ông ta đại diện cho chính ông ta trên một diễn đàn có nhiều ý kiến đối nghịch lẫn nhau. Dùng chữ nghĩa của Hà Văn Thuỳ, rồi gán tội cho
Việt Weekly là hành động chỉ nhằm gây kích động quần chúng cho những mục đích riêng.”
Về “tội danh” bịa đặt tin tức (theo “Bản lên tiếng”) thì ông Dốc Thượng giải thích rằng có 2 cuộc họp báo của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ngày 06-04-2007 và 25-04-2007. Cuộc họp báo ngày 06-04-2007, Đại sứ Marine đã có trả lời về bức hình cha Lý bị bịt miệng và báo
Việt Weekly có lưu trữ phần ghi âm câu phát biểu ấy. Còn “Bản lên tiếng” lại căn cứ vào câu trả lời KHÔNG của toà đại sứ liên quan đến cuộc họp báo ngày 25-04-2007 để kết tội
Việt Weekly.
2. Thực ra, bài viết “
Bài học khó thuộc” xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn talawas, chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía”, ngày 19-05-2005. Đúng hai năm sau, ngày 24-05-2007, bài viết lại một lần nữa xuất hiện trên tờ
Việt Weekly và gây nên một biến cố chính trị (?), mà theo một số người am tường sinh hoạt khu Sài Gòn Nhỏ, thì “sẽ hứa hẹn nổ lớn không thua vụ Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh ở khu Bolsa”. Theo sự hiểu biết của tôi, tác giả Hà Văn Thuỳ là một cán bộ văn hoá của tỉnh Kiên Giang đã về hưu năm 2001 (Xem: tác phẩm
Tự Bạch – Hà Văn Thuỳ – Tủ sách talawas ngày 22-06-2006). Ông đích danh là người từng cộng tác với chế độ hiện nay tại Việt Nam (chứ không phải là Việt cộng nằm vùng như một số người ở hải ngoại đã lầm tưởng). Theo như bài trả lời của ông Dốc Thượng (dẫn ở trên) và cả trong lá thư tòa soạn của số báo mới nhất, xem ông Hà Văn Thuỳ như là “một diễn giả trong hàng ngàn diễn giả trên diễn đàn
Việt Weekly”, thì người đọc (tôi) có cảm tưởng chính ông Hà Văn Thuỳ đã gởi bài đến
Việt Weekly để bày tỏ quan điểm của mình. Nếu đúng là thế thì hết sức thú vị với câu chuyện một cựu cán bộ văn hoá cộng sản minh nhiên viết bài “tôn sùng Hồ chí Minh”, “Miệt thị lá cờ biểu tượng cho tinh thần Tự do của tập thể người Việt tị nạn cộng sản”, “Ca ngợi bầu cử kiểu cộng sản độc tài: ‘Đảng cử, dân bầu’”, “miệt thị các chính quyền quốc gia”, “Vinh danh khủng bố, chống dân tộc Hoa Kỳ” đăng trên một tờ báo nằm ngay giữa trái tim của Sài Gòn Nhỏ, thủ đô của người Việt tị nạn. Nhưng khoảng cách thời gian 2 năm, kể từ ngày bài viết xuất hiện lần đầu trên diễn đàn talawas với lần xuất hiện mới đây trên báo giấy
Việt Weekly (
Việt Weekly Online không cho lên mạng bài này) và sự kiện tác giả hiện sinh sống ở Việt Nam khiến tôi phải đặt câu hỏi: ông Hà Văn Thuỳ đích thân gởi bài đến
Việt Weekly hay
Việt Weekly tự ý lấy bài của ông Thuỳ trên talawas đem về đăng trên báo (giấy) của mình? Và nếu
Việt Weekly tự ý lấy bài trên talawas đem về đăng (không hề hỏi qua ban biên tập talawas và tác giả), một bài viết cũ đã 2 năm với nội dung mang nhiều điểm dễ gây tranh cãi như thế, thì với mục đích gì? Hẳn là không phải để lấp cho đầy trang báo (!)
Hai năm trước, ngày 19-05-2005, khi ông Thuỳ chọn diễn đàn talawas để phản bác lại ý kiến của giáo sư người Mỹ Keith W. Taylor về cuộc chiến tranh Việt Nam trong bài “
Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh như thế nào” (bản chuyển ngữ tiếng Việt của ông Bùi Văn Phú) cũng đăng trên diễn đàn này trước đó, ngày 30-04-2005, là một lựa chọn đúng về nơi chốn và thời điểm. Đúng nơi là vì bài của ông Taylor và ông Thuỳ ở cùng một cơ quan truyền thông (talawas), ở cùng một chuyên mục mang tên: Chiến tranh nhìn từ nhiều phía. Cái tên tự nó đã cho thấy tính cách đa dạng, đa chiều trong cách nhìn cuộc chiến. Mặt khác, talawas là một sân chơi quốc tế, độc lập, sòng phẳng, công bằng và nghiêm túc. Bất cứ ai không đồng quan điểm với ông Thuỳ đều có cơ hội phản bác, nói lên quan điểm của mình. Đúng thời điểm là vì ông Hà văn Thuỳ viết “Bài học khó thuộc” sau khi đọc bài của ông Taylor. Nói cách khác, đó là cuộc tranh luận của hai người đứng ở hai phía rạch ròi, không mập mờ, không “nằm vùng”.
Nhưng khi “Bài học khó thuộc” xuất hiện trên
Việt Weekly thì không còn là đúng nơi và đúng lúc nữa.
Việt Weekly chỉ đăng bài này trên báo giấy, không cho bài lên mạng của
Việt Weekly online. Và tờ
Việt Weekly lại được phát hành ngay trung tâm thủ đô người Việt tị nạn. Sự kiện đó cho thấy số người đọc (bài viết) bị giới hạn ở khu vực Nam Cali. Thời điểm thì cách bài viết của ông Taylor tới 2 năm. Mà người đọc báo
Việt Weekly lại không được tòa soạn dẫn giải đầu đuôi câu chuyện. Do đó, việc đăng tải bài viết của ông Thuỳ bị “Bản lên tiếng” coi là một cử chỉ khiêu khích, nhục mạ cộng đồng tị nạn Việt Nam, theo tôi, không có gì oan uổng, mặc dù tờ báo này cố tự biện hộ:
“Độc giả tại hải ngoại là những người sống trong xã hội tự do đã khá lâu, họ có một tập quán tư duy độc lập rất cao, không dễ dàng bị dụ dỗ tuyên truyền bởi những luận điệu không hữu lý và đi ngược lại với trào lưu của thế giới. Tự do ngôn luận là một điều mà nhiều người đòi hỏi nên có ở Việt Nam, thì không lý do gì chúng ta lại sợ hãi một môi trường tự do ngôn luận như thế tại hải ngoại. Lẽ ra chúng ta nên kiến tạo một xã hội đề cao quyền tự do ngôn luận hơn là đè nén nó.”
Sự thiếu thẳng thắn trong khi đăng bài viết của ông Thuỳ và sự mập mờ trong cách giải thích nguyên nhân sự xuất hiện bài viết này của toà soạn
Việt Weekly khiến nhiều độc giả tưởng rằng tác giả là người sinh sống tại Mỹ, là “Việt cộng nằm vùng”, “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, cho nên mới có những bài viết xuất hiện trên nhiều diễn đàn hải ngoại cho rằng ông Hà Văn Thuỳ “mục hạ vô nhân”, dùng những “luận cứ ngu xuẩn” tuyên truyền cho cộng sản ngay giữa lòng cộng đồng người Việt chống cộng hải ngoại.
Dựa vào một nguồn tin rất uy tín và thẩm quyền, tôi xác quyết, ông Hà Văn Thuỳ không hề gởi bài viết của ông đến
Việt Weekly. Từ đó nảy sinh vấn đề trách nhiệm của Việt Weekly với cá nhân tác giả Hà Văn Thuỳ, khi cơ quan truyền thông này tự ý đem bài viết nói trên từ trang mạng talawas, đăng lại trên báo mình, không có sự tham khảo ý kiến trước với ban biên tập talawas hay với chính tác giả, cũng không có một sự dẫn giải về nguồn gốc bài viết hay nhân thân của tác giả. Ngay từ căn bản, tạm gác qua vấn đề tác quyền (tôi sẽ bàn đến ở phần sau của bài viết này), tuần báo
Việt Weekly đã tạo nên một hoàn cảnh rất thiếu công bằng với tác giả Hà Văn Thuỳ. Dư luận có quyền không đồng ý với những luận điểm ông Hà Văn Thuỳ nêu lên trong bài viết của mình, nhưng không có quyền phê phán con người ông Hà Văn Thuỳ. Ông là một (cựu) cán bộ văn hoá của chính quyền cộng sản Việt Nam, viết bài bênh vực chế độ ấy và phản bác những bên đối nghịch, đó là chuyện bình thường. Chính tuần báo
Việt Weekly, với sự nhập nhằng thiếu lương thiện, đã khiến dư luận cộng đồng hải ngoại tưởng tác giả Hà Văn Thuỳ là người “phe ta”, nay “phản thùng”, công khai ca ngợi “tên tội đồ dân tộc”, “phỉ báng phe quốc gia” ngay giữa lòng thủ đô tị nạn.
Theo tôi, ngoài những vấn đề riêng của tự thân tuần báo
Việt Weekly với cộng đồng người Việt hải ngoại, những người chủ trương tờ báo này còn có một trách nhiệm tinh thần và luân lý nghiêm trọng với tác giả Hà Văn Thuỳ.
3. Việc tự ý sử dụng những bài viết được đăng trên các trang mạng điện tử, không hỏi qua người phụ trách trang chủ, không hỏi qua ý kiến tác giả, là một việc làm không mới và không cá biệt. Trong thế giới ảo, người ta mặc nhiên coi sự việc ấy là bình thường. Một bài viết vừa mới xuất hiện trên một trang mạng nào đó, nếu có một giá trị nhất định và phù hợp với nhu cầu thời sự, lập tức lại xuất hiện tràn lan trên nhiều trang mạng khác nhau, cá nhân cũng như hội đoàn. Chỉ bằng một thao tác sơ đẳng và đơn giản – cắt dán – thế là những trang mạng ấy có một bài viết mới. Trang chủ đăng bài viết ấy lần đầu tiên không biết đã đành, chính tác giả của bài viết cũng không bao giờ được biết tới, nếu ông (bà) ta không tình cờ nhìn thấy trong khi đi dạo trên mạng, hoặc thỉnh thoảng “google” cái bút danh của mình xem hiện nay nó có mặt ở những nơi đâu. Công bằng mà nói, cũng có những trang mạng ghi xuất xứ bài viết vừa “nhặt” về, nhưng cũng có nhiều trang không “bận tâm” đến điều đó, tỉnh bơ làm như đó là của mình, thậm chí còn áp dụng kỹ thuật bảo vệ bài để không người đọc nào có thể đem về để dành trong máy đọc dần.
Việc làm đó tất nhiên là không nên khuyến khích. Nếu như người ta chỉ cần gởi đến trang chủ bài viết một điện thư xin phép được sử dụng lại, hay nhờ nhắn qua tác giả thì hẳn sẽ đẹp đẽ biết bao. Người viết nào cũng muốn những tâm tư gởi gắm trong bài viết của mình đến với nhiều người và được nhiều người chia sẻ, thậm chí phản bác. Mặt khác, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chung cho những mục tiêu dân chủ toàn diện hiện nay, việc tiếp tay phổ biến những tác phẩm có tác dụng tích cực đến tiến trình ấy là cần thiết. Nhưng mỗi người viết đều muốn dành quyền lựa chọn nơi tác phẩm của mình xuất hiện và muốn được biết những tác phẩm của mình sẽ xuất hiện ở những đâu.
Những trang mạng điện tử (ở hải ngoại) phần lớn đều không có lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận mà họat động. Do đó, hầu như không có vấn đề nhuận bút cho những tác giả viết bài trên mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tác giả không có tác quyền trên tác phẩm của mình. Vấn đề này cần đặt ra một cách nghiêm túc với những phương tiện truyền thông “chính thống” (báo giấy) khi họ sử dụng những tác phẩm trên mạng. Khi một tờ báo giấy được in ra và phát hành đến tay người đọc, dù là bán hay biếu, đều là một hoạt động nhằm đem đến phần thưởng vật chất (tiền) cho người thực hiện tờ báo ấy (ở đây, tôi loại trừ những tạp chí văn học thuần tuý thường không đem lại lợi nhuận cho người thực hiện). Nguồn lợi nhuận ấy phần lớn đến từ các thân chủ quảng cáo. Báo càng có những tác phẩm giá trị, càng có nhiều người đọc, đưa đến có nhiều thân chủ quảng cáo, người thực hiện tờ báo càng có nhiều lợi nhuận. Vì thế, theo một lẽ công bằng tối thiểu, người thực hiện báo giấy (muốn sử dụng tài liệu trên mạng) phải hỏi ý kiến trang chủ tác phẩm, lẫn tác giả. Và khi báo in xong, nhất thiết phải gởi đến tác giả một ấn bản để ông (bà) ta nhìn thấy tác phẩm của mình đã được trình bày như thế nào, có cắt sửa gì không. Cuối cùng, nếu có thể được, người thực hiện tờ báo nên nghĩ đến tiền nhuận bút cho tác giả. Hãy tưởng tượng người làm báo giấy hôm nay, nếu họ lấy bài trên mạng thì công việc thật dễ dàng. Bài viết đã đánh máy sẵn, tha hồ lựa chọn và cắt, dán, “nhặt” về, lay-out bài, thế là xong. Những công việc khó khăn, cực khổ thì tác giả và người phụ trách trang chủ đã làm hết rồi.
Những điều sơ đẳng đó, nhiều tờ báo giấy phát hành ở những thành phố lớn đông đảo người Việt đã không làm, trong đó, tờ
Việt Weekly là một điển hình. Tôi có trong tay tờ báo (giấy)
Việt Weekly (do một người bạn ở Nam Cali gởi cho) số 20, Vol. 5, từ ngày 10-05 đến 16-05-2007. Ở trang 7, là bài “
Việt Nam, con người từ những bóng ma (kỳ 2)” của Nam Dao, đã đăng trên talawas, chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” ngày 28-04-2005. Trang 8, là bài “
Quá khứ một thế hệ” của T. Vấn, đã đăng trên talawas, cũng chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía”, ngày 22-11-2004. Trang 9, là bài “
Báo chí, đạo đức & tự do cá nhân” của Đoàn Tiểu Long, đã đăng trên talawas, chuyên mục “Đời sống hiện đại”, ngày 05-04-2005. Trang 10, là bài “
Những người đi tìm tổ quốc” của Trần Trung Đạo, đã đăng trên talawas, chuyên mục “Chính trị Việt Nam”, ngày 24-03-2006. Trang 32, là bài “
Phát triển và dân chủ” của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs, bản chuyển ngữ tiếng Việt của Nguyên Trường, đã đăng trên talawas, chuyên mục “Điểm nóng”, ngày 12-09-2005. Hai bài “Việt Nam, con người từ những bóng ma” và “Những người đi tìm tổ quốc” vì khá dài nên bị phân ra làm nhiều trang để chen vào những phần quảng cáo. Trong số những bài viết có gốc từ talawas nói trên, chỉ có bài “Quá khứ một thế hệ” được cho lên
Việt Weekly Online (cơ may duy nhất mà các tác giả ở xa có thể “lần dấu” đứa con tinh thần của mình).
[1] Tất cả các bài nói trên đều không ghi xuất xứ, thời gian hay lời toà soạn. Dựa vào trường hợp cá nhân của mình (và trường hợp ông Hà Văn Thuỳ), tôi không tin các tác giả khác (và ban biên tập talawas) nêu tên ở trên được toà soạn
Việt Weekly hỏi ý kiến trước khi đăng.
Đó mới chỉ là thí dụ ở một số báo mới đây của
Việt Weekly mà đã như thế, những số báo khác như thế nào thì chúng ta có thể nhắm mắt tưởng tượng cũng không đến nỗi sai nhiều. Tôi còn được biết nhiều trường hợp khác tương tự, ở những tờ báo (giấy) khác, báo biếu và báo bán, ở những thành phố đông đảo người Việt khắp nơi trên thế giới (Mỹ, Úc, Canada v.v…)
Nhưng không phải tất cả báo chí hải ngoại đều như vậy. Có tờ báo rất trân trọng, khi đọc được bài viết thích hợp, đã tìm cách liên lạc với người phụ trách trang chủ và tác giả, để xin phép được sử dụng lại. Trên đầu bài viết ấy, luôn có đôi lời từ Toà soạn, với nội dung đại ý đã được sự cho phép của… và vắn tắt mục đích của tờ báo khi sử dụng lại bài viết vừa xuất hiện trên mạng. Sau đó, đã gởi báo đến tác giả, kèm theo những lời cám ơn cùng với lời mời cộng tác. Thiết tưởng, đó là cung cách văn minh giữa những người cầm bút với nhau. Nhưng, số những tờ báo hiểu biết như thế không nhiều.
4. Sự việc “Bài học khó thuộc” của Hà Văn Thuỳ và tờ báo
Việt Weekly, xét về khía cạnh “thiếu văn minh” và vô trách nhiệm trong việc sử dụng bài của các tác giả trong cung cách làm việc mà tờ báo này tiến hành bấy lâu nay, là một điển hình rõ nét nhất, bộc lộ những tác hại xấu nhất, trong đó, vô tình tác giả bài viết trở thành nạn nhân mà không có một cơ hội nào để tự vệ. Những ngày tới, với dư luận đang sôi sục vì những quan điểm của tuần báo
Việt Weekly, hẳn là “nạn nhân” Hà Văn Thuỳ sẽ còn bị “văng miểng” thêm nữa.
Liệu, nhân vụ việc rất điển hình này, đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề tác quyền của trang mạng chủ và tác giả bài viết trên mạng một cách rốt ráo và sòng phẳng chưa?
17-06-2007
© 2007 talawas
[1]Kẻ viết bài này cũng đã từng được/bị
Việt Weekly lấy vài bài trên talawas về đăng trên báo (giấy), cũng một cung cách sử dụng bài bất kể thời điểm bài viết được ra đời mà không hề có một chú thích về xuất xứ hay thời gian. Tôi sống ở một nơi khỉ ho cò gáy của nước Mỹ, nơi ấy, không có sạp báo, tiệm sách Việt ngữ để “dạo xem”. Sở dĩ biết được tin tức nói trên là nhờ bạn bè sống ở nơi phồn hoa đô hội, “gió tanh mưa máu” Cali cho biết. Họ ngạc nhiên tại sao tôi lại gởi bài cho
Việt Weekly. Có người thắc mắc, giận dữ tại sao tôi lại có thể viết một bài như “Trở về hay ra đi” về nhạc sĩ Phạm Duy, đăng trên
Việt Weekly hồi đầu năm 2007, sau khi nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về sinh sống hẳn ở Việt Nam, đã có những lời tuyên bố khó hiểu liên quan đến chế độ hiện nay, đến cộng đồng người Việt hải ngoại mà ông đã từng là một thành viên gần 30 năm. Tôi phải cất công giải thích cho các bạn tôi biết rằng, bài viết này tôi cho phổ biến trên talawas từ hồi tháng 3 năm 2005, lúc ấy, nhạc sĩ Phạm Duy chưa chính thức về ở hẳn Việt Nam và nhất là, lúc ấy ông chưa có những lời tuyên bố “rất khó nghe”,và
Việt Weekly, do một chủ đích nào đó của riêng tờ báo, đã tự ý lấy trên talawas đem về đăng, không ghi chú xuất xứ, thời điểm, và nhất là, không “bận tâm” đến người viết bài, liệu anh ta có còn muốn giữ nguyên những quan điểm của mình sau bao nhiêu những đổi thay, những biến cố gây xôn xao cả một cộng đồng người Việt hải ngoại hay không.