© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
20.9.2006
Huỳnh Phan
Trao đổi với TTL
 
Xin cám ơn TTL đã đọc và đóng góp ý kiến cho bài “Chúng tôi ‘bị động’ tham gia cuộc chiến” của tôi. Nhân đây xin được làm rõ đôi điều.


1.

Theo TTL: tôi đã quá bất công với Trần Trung Đạo khi viết Cũng với cách nhìn như trên thì rõ ràng việc đào xới lại quá khứ để kết án hoặc chứng minh rằng phe này hay phe kia là chính nghĩa (hay chính nghĩa hơn) sẽ không bao giờ đi đến kết quả mà chỉ làm rộng thêm hố ngăn cách mà chúng ta đang muốn san bằng.” Để làm rõ hơn ý này, tôi xin lưu ý các từ được in đậm ở trên và xin mượn hình ảnh các anh mù sờ voi. Các anh mù tuỳ theo vị trí và độ nhạy cảm của bàn tay mình mà mỗi người “thấy” con voi theo những cách khác nhau và rõ ràng ai trong họ cũng có cách “thấy” đúng cả. Chúng ta cũng thế, nhìn lại quá khứ mỗi người thấy chính nghĩa theo góc độ riêng của cá nhân và ai cũng có phần đúng của mình. Do đó, cũng như các anh mù, nếu ai cũng cho rằng mình đúng hay đúng hơn thì chỉ dẫn đến bất hoà, hiềm khích, thậm chí đấu đá lẫn nhau chứ chẳng bao giờ đi đến cách nhìn thống nhất y như thực tế. Vì thế đào xới quá khứ để chứng minh phe nào chính nghĩa hay chính nghĩa hơn chắc chắn sẽ không đi tới đâu như cảnh các anh mù kia thôi.

Khi viết như trên tôi không hề có ý phản đối việc đào xới lại quá khứ nói chung. Rõ ràng khi đào xới lại quá khứ mà tất cả những người tham gia đều có đầu óc cởi mở, không bị tâm lí “yêu nên tốt, ghét nên xấu” chi phối… để cùng nhau rút ra những điều gần với sự thật hơn đưa tới sự đồng thuận cao hơn, hiểu biết nhau hơn thì đó là một việc hoàn toàn thích đáng (giống như các anh mù nhận thức rõ mình không sáng để biết phối hợp các cách “thấy” của nhau thành một cách “thấy” tổng thể gần với thực tế hơn). Thực tế cho thấy điều này không dễ thực hiện. Tôi tán đồng với Trần Trung Đại là “Tuổi trẻ Việt Nam phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan từ nhiều phía về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam” nhưng cũng rất tiếc là những bài viết của anh hay kiểu như anh, mặc dù rất thành tâm theo cảm nhận của tôi, hình như không nằm trong trường hợp này.

Khi viết như trên tôi cũng không hề ảo tưởng rằng những người “quốc gia” (đang ở nước ngoài) sẽ ngừng việc ca ngợi sự cao đẹp của “chính nghĩa quốc gia” và ngừng bêu riếu người cộng sản là bọn quỷ đỏ khát máu, vô nhân… Người ta không dễ dàng từ bỏ những cái mình đã theo đuổi nhiều năm, thậm chí bằng cả máu và nước mắt của mình, hơn nữa kinh nghiệm cũng cho thấy các “được mất” cá nhân chi phối tư tưởng, tình cảm con người hơn các “được mất” lớn hơn như tôi đã có nêu trong bài viết. Tôi càng không hề mơ màng rằng mình có thể làm cho những người cầm quyền trong nước giảm đi việc tô hồng về chiến thắng, về chính nghĩa của họ và bôi đen những người “quốc gia” là bọn nguỵ, ôm chân đế quốc, có nợ máu với nhân dân… Thực tế lịch sử cho thấy bất cứ kẻ cầm quyền nào đều cũng ít nhiều uốn nắn lịch sử theo quan điểm của mình để cũng cố cho triều đại /chế độ của họ. Trong hoàn cảnh và môi trường sống như vậy, tuổi trẻ cả ở trong nước lẫn ngoài nước nói chung chỉ được tiếp cận với các thông tin một chiều (các em ở nước ngoài hay có phương tiện kĩ thuật có thể tiếp cận với thông tin đa dạng hơn). Khi bị kích động các em rất dễ trở nên đối đầu với nhau (thậm chí rất kịch liệt) như ta thường thấy trên một số diễn đàn. Điều này, có lẽ tất cả những ai có lòng với đất nước đều không muốn thấy xảy ra. Do đó, điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết là chúng ta (cả hai phía – trên diễn đàn talawas này) “khi lòng còn nặng về một phía thì cố dừng lại việc rao giảng cho thế hệ trẻ những điều mình cho là chân lí về cuộc chiến” bởi vì các rao giảng ấy thường khó gần với sự thật do những hạn chế như tôi đã cố gắng phân tích. Trong môi trường sống của mình các em đã nghe quá đủ các chân lí một chiều rồi, khi có dịp vào diễn đàn này (một trong số rất ít các diễn đàn đứng đắn - theo ý tôi) mong rằng không bị nghe tiếp những sự thật chỉ “một nửa” mà sẽ tìm được những điều gần với sư thật hơn. Điều kiện lịch sử đất nước và hoàn cảnh cá nhân đã làm thế hệ chúng ta quay mặt đấu đá lẫn nhau trong chiến tranh và thù hận nhau cho tới giờ này, xin đừng góp phần tạo thêm các hiểu lầm khiến các thế hệ đi sau phạm cùng một sai lầm như chúng ta đã mắc phải.

Không biết mong mỏi như thế có là quá bất công với Trần Trung Đạo và những người viết ở đây hay không?


2.

TTL cũng cho rằng lối so sánh với cuộc chiến thời Trịnh Nguyễn trong bài viết là không chuẩn xác. Thật ra bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng. Tuy nhiên, nếu đặt trong văn cảnh và lưu ý tới từ in đậm “… Cuộc chiến vừa qua cũng như cuộc chiến thời Trịnh Nguyễn,dù bên này hay bên kia có được xem là chính nghĩa hay chính nghĩa hơn, đều đã làm đất nước điêu linh, nhân dân thống khổ. Lịch sử có thể sẽ có một phán xét khách quan hơn sau này, và dù cho phán xét đó là như thế nào sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đối với những người đã tham gia cuộc chiến vừa qua và cũng ảnh hưởng rất ít tới con cháu của họ...” thì có lẽ lối so sánh đó cũng không đến nổi quá xa thực tế. Ngoài ra, cũng lưu ý thêm là tuổi trẻ trong cũng như ngoài nước hiện nay (cũng như thế hệ chúng ta khi xưa) nói chung quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống trước mắt, họ không để ý lắm đến các hận thù quá khứ của các thế hệ đi trước (có thể ngoại trừ những em ở nước ngoài sống trong môi trường chống cộng quá khích) và tệ lí lịch trong nước như TTL có đề cập cũng đã không còn nặng nề như những năm đầu sau 30/04/75 (trừ khi muốn vào Đảng hay muốn nắm các chức vụ cao).

Hi vọng tôi đã làm rõ hơn các ý kiến mình trong bài viết.

© 2006 talawas