© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
16.7.2004
Nguyễn-võ Thu-hương
Quên và nhớ: Người Việt trên thế giới, chúng ta là ai?
 
Còn non năm nữa là đủ 30 năm sau cuộc chiến. Thế giới đang trong một cuộc chiến khác. Trên những diễn đàn công cộng ở Mỹ và trên thế giới, sau 3 thập kỷ cố công quên lãng, người ta bắt đầu nhớ về cuộc chiến ở Việt Nam. Trí nhớ đang được mang ra rọi chiếu trên địa hình Trung Ðông đó chính là lịch sử của chúng ta.

Vậy chúng ta là ai ở thời điểm này? Và chúng ta có điều gì để nói?


Quên và nhớ

Trong 3 thập kỷ qua, tiếng nói người Việt Nam có quá khứ Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến đã bị xóa sổ ở trên chính Việt Nam, và tại Mỹ (cũng như những nước định cư khác ở phương Tây).

Ở Việt Nam, nhà nước chiến thắng đã bôi xóa cả một xã hội cũ bằng bạo lực: đàn áp, phân biệt đối xử, trại cải tạo, vân vân. Và chưa bao giờ trong suốt 30 năm, nhà nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản cho phép người dân Việt Nam có khoảng trống hay diễn đàn công cộng đánh giá lại lịch sử ngăn cách, nhớ lại những kinh nghiệm đau thương—nhất là của người Miền Nam, để tiến đến sự hòa hợp hòa giải nào đó với nhau và với quá khứ của nhau. Cái mà nhà nước cho phép gần đây là kinh tế thị trường và sự thăng tiến của những giai cấp trung và thượng lưu mới, bao gồm những phần tử đặc quyền đặc lợi làm ăn trong kinh tế tư bản xuyên quốc gia và ngay cả những thành phần giai cấp Miền Nam cũ đã từng bị đàn áp.

Ngoài Việt Nam, trong thời chiến, cả hai phe tả và hữu ở phương Tây đều không thật sự nhìn thấy những người thuộc Miền Nam. Ðối với họ chỉ có hai phía trong cuộc chiến: Cánh tả thì chỉ thấy Ðế Quốc Mỹ một phía và phía kia là Nhân Dân Việt Nam oai hùng chống ngoại xâm; cánh hữu thì chỉ thấy Thế Giới Tự Do một phía và phía kia là Miền Bắc Cộng Sản áp bức độc tài. Não trạng của Chiến Tranh Lạnh không cho phép họ thấy có rất nhiều thành phần, phe phái, và nhất là con người ở Miền Nam với nguyện vọng cuả họ. Trong tầm nhìn Chiến Tranh Lạnh, người Miền Nam Việt Nam là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống cộng sản. Người Mỹ hậu chiến chỉ nhận ra những di dân Việt nam trong não trạng này. Ngoài ra thì lịch sử đặc thù của cộng đồng di dân đã bị bôi xóa và sáp nhập vào xã hội không cân bằng giữa “dòng chính” và thiểu số, giữa da trắng và da màu. Không nói, chúng ta ai cũng từng trải qua những kinh nghiệm bị bôi xóa như thế trên đất Mỹ.

Quá khứ bị thủ tiêu, trí nhớ bị bôi xóa thì bắt buộc nó sẽ trở về với tất cả độ phẫn uất của nó. Lịch sử biến thành ám ảnh quá khứ. Xuống đường, dựng tượng đài kỷ niệm, trưng màu cờ, viết nghị quyết thành phố, hay tham dự bầu cử đều là những hình thức viết sự hiện diện của người di dân gốc Việt và lịch sử của họ vào những diễn đàn công cộng. Chúng ta đòi hỏi phải được nhận diện, nhìn nhận, và công nhận. Ðây là nguyện vọng hết sức chính đáng. Tôi rất cảm phục những người đi vận động ghi danh cử tri, đi sinh hoạt tranh đấu cho quyền lợi của những thành nhân trong cộng đồng cùng với những cộng đồng da màu khác. Tôi đã từng phấn khởi đi bầu cho một thế hệ người di dân gốc Việt vào những vị trí lãnh đạo dân cử.

Như thế chúng ta đã bắt đầu lớn mạnh và tiếng nói chúng ta bắt đầu được nghe. Ðã đến lúc chúng ta thử xét lại xem tiếng nói bắt đầu lớn mạnh đó nói lên điều gì, và cái quá khứ mà chúng ta viết lại giữa những khoảng trống của sự bôi xóa đó sẽ cho phép chúng ta có tầm nhìn về chỗ đứng của mình như thế nào.

Chúng ta biết rõ hơn ai hết nỗi đau của quá khứ không chỉ đến từ những biến cố lịch sử, mà còn từ chính vì bị bôi xóa lịch sử. Vậy chúng ta có nên bôi xóa mọi câu chuyện có thể kể về quá khứ để chỉ có một cốt truyện thuần nhất trong ngôn ngữ của Chiến Tranh Lạnh về Cộng Sản và Tự Do không?

Quá khứ của chúng ta có phải thuần nhất là quá khứ ủng hộ cường quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh chống độc tài không? Chúng ta sẽ làm sao với những mảnh vụn ký ức không ăn khớp với cốt truyện này? Tôi còn nhớ thời còn nhỏ ở Miền Nam, mỗi khi báo chí chửi Kissinger, Thiệu, và nhà nước là dân chúng đổ ra sạp mua, ngay cả những tờ chừa trắng với hàng chữ “Tự Ý Ðục Bỏ.” Tôi còn nhớ những bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn hát đầu làng cuối xóm. Tôi còn nhớ những đảng phái chính trị đối lập chửi nhau với chính quyền như cơm bữa. Tất cả những thái độ đó của người dân Miền Nam là ngu xuẩn chăng? Nhưng họ đã hiện hữu, những thái độ chính trị đó đã hiện hữu. Người dân Huế thì nhớ hố chôn tập thể của phía Việt Cộng đào vào Tết Mậu Thân. Em họ tôi thì nhớ thời đánh tư sản mại bản lúc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc khi nhà nước phong tỏa từng khu phố, nửa khuya cưỡng bức từng gia đình đi vùng kinh tế mới. Dượng tôi thì nhớ 17 năm ở tù cải tạo. Người quen gia đình tôi thì không vào thang máy được vì cảm giác chòng chành gợi nhớ cảnh trên ghe lúc chồng và con bị hải tặc giết và bà ta bị hiếp. Còn nữa. Những người tôi biết sau này ở Hà Nội còn nhớ mặt đất rung chuyển và trời như sập theo bom Mỹ trải thảm hồi đợt Christmas Bombing 1972. Và những người dân ở Mỹ Lai thì nhớ họ hay gia đình bị lính Mỹ bắn xô xuống hố. Chưa hết. Còn trí nhớ về số tấn bom Mỹ thả ở Campuchia trong chiến dịch Breakfast, Lunch, Snack, Dinner, hay chiến dịch Vòng Sáng với 247 ngàn 465 tấn bom thả từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1973. Còn số phi vụ. Còn số người chết. Chúng ta kể chuyện nào và bôi xóa chuyện nào? Chôn thây nào, và quật mồ ai?

Nếu dựng dậy lịch sử, thì chúng ta hãy can đảm cho tất cả những bóng ma quá khứ trở về mặt đất. Có ít nhất 3 triệu bóng ma như thế sẽ đi quanh tượng đài kỷ niệm mới dựng ở Westminster. Hãy bắt tay vào việc chiêu hồn đi để cuối cùng ta có thể theo chân Nguyễn Du làm văn điếu thập loại chúng sinh thay vì chỉ điếu những vết đau của riêng mình và bôi xóa vết đau của người khác.

Ðó là quá khứ. Còn hiện tại thì cốt truyện còn thừa lại thời Chiến Tranh Lạnh này còn bất lực hơn nữa. Chúng ta chống chính quyền Việt Nam đàn áp dân Thượng Du Trung Phần là đúng. Nhưng chúng ta có thật nghĩ rằng một nhà nước không cộng sản sẽ tự động mang đến bình đẳng cho các dân tộc thiểu số tại Việt Nam? Chúng ta quên rằng nhà nước theo định nghĩa là sự tập trung và độc quyền bạo lực. Chúng ta quên rằng chủ nghĩa quốc gia dân tộc là một chủ nghĩa đẫm máu trong lịch sử cho dù nó có công chống thực dân. Chúng ta chống nghèo đói bất công tại Việt Nam là đúng. Nhưng có thật chúng ta nghĩ rằng một nhà nước không cộng sản sẽ tự động kềm chế tư bản liên quốc gia để nhân công được nâng cao đời sống thay vì lo lợi nhuận cho các công ty? Tất cả những điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự tranh đấu, cho dù nhà nước cầm quyền là “cộng sản” hay “quốc gia.” Cốt truyện đơn độc được “nhớ” không chỉ bất công với quá khứ mà còn giới hạn tầm nhìn của chúng ta ở hiện tại và trói tay chúng ta xây dựng tương lai. Nó không cho ta có khả năng nhìn những người có trí nhớ khác hơn mình cũng là con người với tất cả sự chính đáng của phương vị làm người được hình thành trọn vẹn trong chiều quá khứ hiện tại tương lai.


Làm người hay làm người Việt?

Gần đây, khi trả lời về ám ảnh quá khứ và nghị quyết ‘Vùng Phi Cộng Sản’ tại hai thành phố Garden Grove và Westminster [1] , một viên chức địa phương dân cử gốc Việt đã khẳng định lý do chúng ta chống cộng là vì vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hiện nay chứ không phải vì hận thù quá khứ. Ðồng ý với ông dân cử là tầm với của quá khứ là hậu quả của chính trị hiện tại: chính trị chính đáng của di dân da màu cần xác định lịch sử mình bị bôi xóa, và cả chính trị kiếm phiếu năm bầu cử. Nhưng nếu quả thật đúng như ông nói vấn đề là nhân quyền thì chúng ta đang nghĩ đến sự định hình cho chúng ta bằng những giá trị nhân bản phổ quát như tự do, và nhân quyền.

Con đường này có vẻ xán lạn vì nó cho phép chúng ta phê phán thực trạng xã hội tại Việt Nam không phải từ vị trí của phe bại trận, hay của dân lưu vong, mà từ địa vị của con người phổ quát. Chúng ta không phải vật lộn mãi với nhà nước Việt Nam xem ai mang tính Việt Nam hơn ai. Tính phổ quát của những giá trị nhân bản không cho phép ta khoanh vùng chính trị lại ở biên giới Việt Nam hay dân tộc Việt Nam.

Nhưng khi giơ cao những giá trị nhân bản phổ quát như tự do và nhân quyền, chúng ta không thể chỉ trích và phê phán nhà nước Việt Nam mà im lặng hay tệ hơn nửa, thỏa hiệp, và ủng hộ nhà nước Mỹ chà đạp nhân và dân quyền. Sao chúng ta không dùng giá trị tự do để có thái độ chính trị tại Mỹ hay trên thế giới?

Có thể nào câu trả lời lại là chúng ta sử dụng tự do, nhân quyền một cách tùy tiện và cho quyền lợi riêng mà không hề có ý tôn trọng tính phổ quát của nó? Có nghĩa là vỗ ngực xưng tự do chỉ để chà đạp lên tự do của người khác, cũng giống như Bush giương cờ tự do ở Iraq trong khi năm qua đã gia tăng gần gấp 3 lần số tù nhân trong trại Abu Graib của Sadam Hussein lúc Mỹ vừa chiến thắng vào năm ngoái?

Vậy không lẽ nếu làm người Việt thì ta không thể làm người định hình bằng giá trị nhân bản phổ quát?

Chúng ta không cần chọn một. Chúng ta có thể được cả hai. Chúng ta có thể xác định mình bằng lịch sử đặc thù của mình để nâng cao tính phổ quát của một loại chủ nghĩa nhân bản.

Hãy nói chuyện về lịch sử của chúng ta. Chúng ta được hưởng qui chế tị nạn nhờ vào thỏa ước về người tị nạn được hình thành vào thời điểm của giá trị nhân bản phổ quát sau Thế Chiến Thứ Hai. Trước qui chế tị nạn năm 1951, thỏa ước nhân quyền ký tại Genève năm 1949 là một trong số kết quả luật pháp quốc tế bảo vệ quyền con người trước bạo lực, nhất là bạo lực của nhà nước. Một nhà nước khác phải chấp nhận người tị nạn nếu họ bị nhà nước của họ đàn áp, sát hại. Nhà nước phải theo qui định đối đãi nhân đạo với tù binh trong một cuộc chiến. Là những người được sự bảo vệ của những qui chế quốc tế về nhân quyền, không lẽ chúng ta không có gì để nói khi nhà nước Mỹ dùng Guantanamo Bay làm trại giam bôi xóa những phạm trù làm người được qui chế này bảo vệ?

Ðêm tưởng nhớ Tháng Tư Ðen vừa qua ở tượng đài chiến sĩ tại Westminster có hoạt cảnh “Ai Trở Về Xứ Việt” với nhà tù khổng lồ biểu tượng thực trạng xã hội Việt Nam. Tại sao ta không dùng ngay cả sự tưởng tượng đó về kinh nghiệm và lịch sử của chúng ta để lên tiếng về quần đảo ngục tù tại Mỹ với gần 2 triệu tù nhân gồm 7% số đàn ông trưởng thành, một tỷ lệ cao hàng đầu trong lịch sử của xã hội loài người? Sao ta không dùng trí nhớ lịch sử di dân để lên tiếng về số mấy mươi ngàn tù nhân trong hệ thống trại tù của sở INS Mỹ dành cho người di dân? Tại sao chúng ta không dùng trí nhớ về độc tài và trí nhớ của người ngoại quốc trên đất Mỹ để lên tiếng về Patriot Act tướt đoạt nhân và dân quyền của những người không có quốc tịch và cả những công dân tại Mỹ?

Lạ lùng hơn nữa, tại sao trí nhớ chiến tranh không cho phép chúng ta nói được điều gì ngoại trừ ủng hộ chiến tranh Mỹ tại Afghanistan và Iraq? Không lẽ tù nhân Afghan và Iraqi bị chà đạp nhân phẩm và hành hình đến chết không có gì giống số phận của tù nhân cải tạo Việt Nam? Có thể nào nó không giống vì tù Việt Nam có mức độ vi phạm nhân quyền nhẹ hơn chăng? Vì cai ngục Việt Nam không hàng loạt toe toét đứng chụp ảnh đang hành hình tù nhân để khoe bạn?

Cũng không phải cộng đồng Việt di dân không thể tìm ra được lối ứng xử đa dạng. Trong những suy tư, trăn trở được ghi lại bằng số lượng văn chương nghệ thuật khổng lồ trong suốt 30 năm của người Việt trên khắp thế giới, chúng ta đã từng ghi nhớ nhiều câu chuyện khác nhau về quá khứ, phức tạp, buồn vui. Trong những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) do chính người Việt tổ chức, cử chỉ xoa dịu nổi đau của nhau chính là sự nhìn nhận hậu quả của đàn áp, của nghèo đói bất công, của những biến cố lịch sử. Có thể chăng chúng ta mang những thái độ chừng mực và nhân bản này vào tầm nhìn chính trị? Chúng ta có thể gay gắt chỉ trích bất cứ nhà nước nào đàn áp, gây ra bất công, nghèo đói. Nhưng chúng ta không cần phải khóa trái cửa tự nhốt mình trong một giọng kể về mối tương quan với nhà nước đó, với một quá khứ đơn thuần—ai không ‘chống cộng’ tất mang ký hiệu của kẻ thù, của kẻ phản bội, hoặc ai không ủng hộ chính sách của nhà cầm quyền ở Việt Nam hay ở Mỹ tất phản quốc.

Tuần trước, ông Bộ Trưởng Nội Vụ Do Thái khai quật một hình ảnh trong trí nhớ của ông ta. Nhìn những người đàn bà trong trại tị nạn Palestine ở Gaza bới móc trên những căn nhà bị lính Do Thái vừa san bằng trong một chiến dịch đẫm máu, ông ta nhớ lại hình ảnh người bà của ông ta cũng đã lang thang trên đống gạch vụn như thế thời Ðức Quốc Xã. Lập tức, ông ta bị phản đối, bị dọa nạt bởi những người Do Thái muốn giữ căn cước mình được đóng dấu bằng cốt truyện độc quyền nạn nhân lịch sử. Ở giây phút đó, ông Bộ Trưởng đã định hình cho mình vừa là người Do Thái với trí nhớ lịch sử, vừa là một người nhân bản. Rất tiếc ông đã phải im lặng sau đó vì áp lực của những người Do Thái theo định nghĩa đơn độc và bít kín, phủ nhận nhân phẩm của người khác.

Hy vọng chúng ta có cơ hội can đảm lâu hơn một phút giây như thế. Ðể chúng ta có thể vừa làm người có trí nhớ gồm nhiều câu chuyện quá khứ Việt, vừa có thể làm người.


(Những người cùng kí tên cho bài viết này: Nguyễn-võ Thu-hương, giáo sư tại University of California, Los Angeles; Ông Như-Ngọc, sinh viên tiến sĩ University of California, Irvine; Đặng Thơ-Thơ, tạp chí Hợp Lưu; Nguyễn Thành Việt, giáo sư tại University of Southern California)

© 2004 talawas


[1]Chú thích của talawas: Cuối tháng 4.2004, Hội đồng dân cử của hai thành phố Garden Grove và Westminster (Orange County, California) đã ra một nghị quyết về “Vùng Phi Cộng Sản” với nội dung chính là không đồng ý cho các viên chứ c của nhà nước cộng sản Việt Nam chính thức đi qua hay thăm viếng các thành phố này. Xin xem thêm các bài:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_II04/07_vhd_thuyreed.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_II04/06_vtnguyen.htm