© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phíaNghệ thuậtMĩ thuật
28.6.2007
Christian Gapp
Chất độc ngọt ngào của sự diễn dịch
Trần Kh. dịch
 
Lời người dịch: Khi đọc được bài viết dưới đây đăng trên website của Hiệp hội Nhiếp ảnh Đức (Deutsche Gesellschaft für Photographie e.V.), tôi hơi bị giật mình. Linh tính mách bảo rằng tôi đã phạm một lỗi trong bài dịch có tên "Những đứa trẻ khóc lóc đang nhìn bạn" đăng trên talawas ngày 16.06.2007. Quả đúng như thế, khi xem lại bản dịch tôi bắt gặp những dòng sau: "Chính điều này đã xảy ra với tấm ảnh được chụp bởi Nick Út - một nhiếp ảnh gia người Việt Nam làm việc cho hãng thông tấn AP - vào ngày mồng 8 tháng 6 năm 1972, lúc quân đội Mỹ đang dội bom Napalm tại Trảng Bàng." So sánh lại với bản tiếng Đức thì thấy rõ ràng việc... "giặc lái" Mỹ xuất hiện ở đây là do tôi (diễn dịch) thêm vào, một cách vô thức, chứ tác giả bài báo Ronald Düker chỉ nói đến một cuộc dội bom Napalm chung chung mà không hề nêu đích danh Mỹ hay là Việt. Đây chẳng phải là chuyện ác ý hay là lòng căm thù (đế quốc) Mỹ còn rơi rớt lại trong tôi, 32 năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Tôi cũng không rõ là có thể giải thích "lỗi dịch" này bằng cái "ký ức tập thể" đôi lúc lầm lạc mà tác giả của bài viết dưới đây đã phân tích hay không. Chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, những nỗi kinh hoàng rơi xuống đầu thường dân vô tội trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua - "rơi" ở đây xin hiểu theo nghĩa đen và "vật rơi" là những đạn pháo, bom bi, bom napalm, chất độc màu da cam... được thả hoặc bắn đi từ những con ma, thần sấm, pháo đài bay... một thời gầm rú điên cuồng trên bầu trời nước Việt - trước hơn hết vẫn bị tôi gắn liền với hình ảnh của những phi công và những chiếc máy bay đến từ nước Mỹ. Hình ảnh của Không lực Việt Nam Cộng hoà (có thể rất oai hùng trong mắt một số cô gái miền Nam hồi ấy nhưng) hầu như rất mờ nhạt trong tôi, cho dù tôi cũng có đôi ba lần được chiêm ngưỡng dung nhan người hùng không quân Nguyễn Cao Kỳ, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên báo chí Sài Gòn thuở ấy.

Những thành kiến đầy cảm tính của tôi dĩ nhiên là không biện hộ được cho một câu dịch không trung thực. Và đấy cũng là lý do của bài dịch này gởi đến bạn đọc talawas, như một lời xin lỗi.
Cuối tháng tư vừa rồi Michael Ebert, giảng viên khoa nhiếp ảnh báo chí của trường Cao đẳng Gelsenkirchen (CHLB Đức), đã tổ chức cho các sinh viên của ông một buổi hội thảo đáng chú ý: Tại gallery Meerkatz ở thành phố Königswinter, một số bức ảnh của Henri Huet, nhiếp ảnh viên hãng thông tấn AP tử nạn vào năm 1971, đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm ngắn ngày. Ngày khai mạc triển lãm có sự hiện diện của hai nhiếp ảnh gia đã từng đoạt giải Pulitzer: Horst Faas, người cũng đã trúng giải Salomon năm 2005 của Hiệp hội Nhiếp ảnh Đức [1] , và Nick Út, người đoạt giải World Press Photo năm 1972 [2] . Trước khi cuộc triển lãm được chính thức khai mạc, hai nhiếp ảnh gia này đã thảo luận với các sinh viên bộ môn nhiếp ảnh báo chí và giảng viên Michael Ebert của họ.


Horst Faas và Nick Út (Ảnh: Anna Zaremba)
Các "thánh tượng" của bộ môn nhiếp ảnh - những thứ đã trở thành một bộ phận của ký ức tập thể - truyền đi thông điệp gì? Những nhiếp ảnh gia đã chụp hoặc công bố những "thánh tượng" ấy tường thuật cho chúng ta điều gì? Và thật ra cụm từ "ý thức tập thể" có ý nghĩa gì? Suy cho kỹ thì có lẽ nó cũng không chứa đựng cái gì sâu xa hơn điều này: Khi người ta nghĩ đến một sự kiện nhất định, thì số đông - bao gồm những con người của nhiều thế hệ - cũng lập tức hồi tưởng đến một hình ảnh nhất định nào đó. Nhưng cụm từ này không nhất thiết bao hàm ý nghĩa là sự kiện ấy được diễn dịch một cách đồng nhất có tính tập thể. Thế nhưng chính điều này lại vẫn thường hay được giả định, có nghĩa là người ta luôn cho rằng - với mỗi "thánh tượng" - mặc nhiên tồn tại một cách diễn dịch dứt khoát và vĩnh viễn đúng.


Tấm ảnh đã mang về cho Nick Út giải Pulitzer và World Press Photo 1972 (Ảnh: AP)
"Ông đã chụp được tấm hình khiến cho cuộc chiến tranh Việt Nam được kết thúc!" Nick Út phải bật cười khi kể lại rằng ông đã phải nghe không biết bao nhiêu lần cái kiểu người ta bày tỏ sự tôn sùng đối với ông như thế. Ông biết rằng điều này không đúng. Hơn ai hết ông là người biết rõ tấm hình ấy đã được chụp trong hoàn cảnh chung nào, đấy có lẽ là tấm ảnh nổi tiếng nhất trong số tất cả những ảnh chiến tranh từng được chụp: Trảng Bàng, tháng sáu năm 1972. Không quân Nam Việt Nam quyết định dội bom cái quận nhỏ nằm cạnh con đường có tầm quan trọng chiến lược mang tên Quốc lộ 1 - lúc ấy đang bị quân Việt cộng chiếm đóng. Không quân Việt Nam Cộng hoà đã được huấn luyện nhiều năm bởi không lực Hoa Kỳ. Nhưng thời gian từ lúc có quyết định cho đến lúc phi vụ được thi hành kéo dài khá lâu. "Máy bay vẫn lui tới tấn công nhiều đợt, nhưng trong thời gian đó, hẳn là Việt cộng đã rút khỏi địa điểm này từ lâu rồi", Horst Faas đã kể lại như thế tại Königswinter. Và các phóng viên cũng mau chóng ngửi ra được là Trảng Bàng đã trở thành một điểm nóng. Cho nên cuộc tấn công bằng bom Napalm diễn ra sau đấy bởi 2 máy bay thuộc không lực Nam Việt Nam đã được ghi lại rõ bằng nhiều tư liệu - bằng nhiếp ảnh cũng như quay phim. Lúc Horst Faas nhìn thấy tấm hình của đứa bé gái trần truồng và bị phỏng trong văn phòng hãng thông tấn AP một thời gian ngắn sau đó, ông ta biết ngay rằng đây là một tấm ảnh đặc biệt. Tại Königswinter, ông còn nhớ và kể rằng, lúc đó ông ý thức rõ là hình ảnh trần truồng của trẻ con đúng ra là điều cấm kỵ đối với hãng Associated Press. Nhưng tấm ảnh này thì khác. Những lý lẽ thông thường không có hiệu lực ở đây. Ông tìm mọi cách để làm "mềm" tấm ảnh khi nó được in ra, khiến cho chỗ kín của cô bé không bị hiện ra quá rõ. Bức hình được truyền đi ngay tức thì và chỉ vài ngày sau thì nó đã xuất hiện trên mặt báo. Nick Út đã nhận được giải Pulitzer cho tấm ảnh của ông. Nó cũng đã trở thành "Bức ảnh báo chí của năm" tại cuộc thi World Press Photo năm 1972.

Nick Út trở về văn phòng AP của mình rất trễ, vì trước đó ông phải lo đem cô bé bị phỏng nặng Kim Phúc vào nhà thương. Cũng nhờ tấm thẻ nhà báo của ông mà Kim Phúc được chữa trị ngay tức thì và sống sót. Hiện nay bà sinh sống tại Canada và là Sứ giả Thiện chí của tổ chức Unesco [3] . Bà và Nick Út trở thành bạn và hiện vẫn liên lạc với nhau thường xuyên. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nick di tản sang Hoa Kỳ và sống tại Los Angeles. Hiện nay ông vẫn tiếp tục làm nhiếp ảnh gia cho hãng thông tấn AP, chủ yếu tại Hollywood.


Nick Út đeo một dây chuyền mang một tấm thẻ nhận diện, trên đấy là chân dung của ông thời còn là nhiếp ảnh gia của AP tại Việt Nam (Ảnh: Michael Ebert)
Mặc dù tấm ảnh này và lịch sử hình thành của nó đã được ghi lại rõ bởi nhiều tư liệu [4] và các nhân vật có liên quan hiện vẫn còn sống, nhưng trong cái "ký ức tập thể" vẫn thường nẩy sinh trở đi trở lại những lối diễn dịch thật kỳ quặc. Lối diễn dịch được ưa thích nhất là: Trảng Bàng đã bị tấn công bởi không lực Mỹ và tấm hình này đã góp phần chấm dứt cuộc chiến. Chẳng hạn như người ta đọc được trong cuốn sách xuất bản kèm với bộ phim truyền hình có tên "100 năm", được sản xuất vào năm 1999 bởi Guido Knopp: "Ngày 27 tháng giêng năm 1973 Hoa Kỳ và Bắc Việt ký kết hiệp định ngưng chiến - đấy cũng là kết quả mang lại bởi tấm hình." Knopp cũng trưng ra một người Mỹ tên John Plummer, người đã kể lại trên truyền hình Canada đầu thập niên 90 rằng ông ta chính là người chịu trách nhiệm cho cuộc dội bom hôm ấy. Ông bảo rằng tấm hình này đã đẩy ông vào tình trạng khủng hoảng tinh thần và khiến ông trở thành một kẻ nghiện rượu. Năm 1996 Plummer đã có một cuộc gặp gỡ với Kim Phúc. Không lâu sau đó thì người ta có nhiều lý do xác đáng để nghi ngờ rằng những lời thú nhận của Plummer chỉ là điều bịa đặt. Vậy mà 3 năm sau, Knopp vẫn sử dụng lại câu chuyện tha lỗi trên truyền hình đầy xúc động và ăn khách này mà không hề đả động tí gì đến những ngờ vực chính đáng được nêu ra quanh câu chuyện.

Ngày hôm nay, bà Kim Phúc lấy làm bực mình về chuyện bà đã gặp gỡ Plummer, Nick Út kể lại như thế. Đối với ông và Horst Faas thì Plummer chỉ đơn giản là một kẻ nói dối. Từ năm 1972, những cuộc tấn công chiến thuật từ trên không đã không còn được thực hiện bởi không lực Hoa Kỳ. Ngoài ra những nhân chứng có mặt tại chỗ chỉ nhìn thấy 2 chiếc máy bay của Nam Việt Nam và họ đã chụp hình cũng như quay phim, cho nên thật đáng ngạc nhiên khi câu chuyện của Plummer vẫn được xem là câu chuyện thật trong nhiều năm. Thật ra tấm ảnh cũng chẳng góp phần làm cho những can thiệp quân sự trực tiếp của người Mỹ tại Việt Nam phải chấm dứt. Vào thời điểm tấm ảnh được chụp, phần lớn những đội quân tác chiến Mỹ đã được rút về nước. Cùng với sự rút lui từng bước của người Mỹ thì sự quan tâm của công luận cũng giảm bớt. Chính vào năm tấm hình được chụp, tờ tạp chí (ảnh) LIFE gặp khó khăn và rốt cuộc phải đình bản.


(Ảnh: Eddie Adams - AP)
Trên tấm hình của Nick Út ta chỉ thấy toàn người Việt Nam. Binh lính Việt Nam, nạn nhân Việt Nam - được chụp bởi một nhiếp ảnh gia Việt Nam. Tấm ảnh này có một số điểm chung dễ nhận ra với một "thánh tượng" lớn khác của cuộc chiến tranh Việt Nam, đấy là tấm ảnh phô bày cảnh một Việt cộng bị trói và bắn chết bởi Nguyễn Ngọc Loan, cảnh sát trưởng thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ. Tấm hình chụp cảnh hành quyết này - đồng thời cũng được quay phim bởi một nhóm phóng viên truyền hình - đã làm cho nhiếp ảnh gia Mỹ Eddie Adams nổi tiếng, ông này cũng làm việc cho AP. Trên tấm ảnh này người ta cũng không nhìn thấy một người Mỹ nào cả, không trong tư cách tác nhân mà cũng không là nạn nhân. Hai tấm ảnh này là những tư liệu nhiếp ảnh nổi bật nhất của chiến tranh Việt Nam, đã trở thành một bộ phận của ký ức tập thể. Điều oái ăm là cả hai tấm hình đều không thể hiện cái khía cạnh quan trọng gắn liền với chiến tranh Việt Nam: Vai trò của người Mỹ. Cả hai chỉ phô bày những bùng nổ đầy tính bạo lực giữa người Việt với nhau. Khuynh hướng muốn thu gọn lại thành chỉ còn một tội phạm chính trong những cuộc tranh chấp bạo động, ở trường hợp chiến tranh Viêt Nam thì đấy chính là người Mỹ, xem chừng có thể làm cho ta không nhận rõ được nhiều nguyên nhân và sự kiện có tính cục bộ tại một vùng đất nhất định. Cũng thế, nhiếu người xem hình chẳng buồn phân biệt cái họ thấy cụ thể với những điều đã được diễn dịch thêm vào sau đó.

(Ảnh: Horst Faas - AP)
Ta có thể nêu thêm một thí dụ có tính thời sự về cái hiệu ứng này, lần này là với một bức ảnh của Horst Faas chụp vào năm 1964. Tấm ảnh này đã được đem ra phân tích mới đây trên website của tạp chí Stern, trong loạt bài "Bức ảnh và lịch sử của nó" [5] . Trên tấm hình là cảnh một người đàn ông Việt Nam ôm một đứa bé bị thương nặng hoặc đã chết, ngước nhìn một số binh lính đang ngồi trên xe tăng. Tác giả Philipp Gülland của loạt bài này viết rằng đấy là một nhóm lính bộ binh Mỹ. Vào năm 1972 thì hầu như phần lớn lục quân Mỹ đã rút về nước, nhưng năm 1964 thì bộ binh Mỹ chưa đặt chân đến Việt Nam. Ngoài ra người ta có thể nhận rõ những người lính trên hình không phải là người Mỹ. Thêm một trường hợp người ta nhìn thấy lính Mỹ trên một tấm ảnh chiến tranh Việt Nam, những người lính Mỹ hoàn toàn không có mặt trên hình. Sự diễn dịch đã đánh bại sự kiện hiển nhiên.


Giải World Press Photo 2007 (Ảnh: Spencer Platt)
Khả năng phân biệt được giữa cái có thể nhìn thấy và cái được diễn dịch là điểm quan trọng nhất của cái mà người ta thường hay đòi hỏi có tên là "thẩm quyền nhiếp ảnh" hoặc "thẩm quyền truyền thông". Thí dụ của bức ảnh chụp tại Trảng Bàng chứng minh một cách đau đớn rằng ngay cả những người chuyên nghiệp trong lãnh vực truyền thông cũng không nắm vững cái khả năng phân biệt cơ bản này. Và những chuyện tương tự như thế không chỉ xảy ra với những bức ảnh có tính lịch sử được chụp ở Việt Nam. Đây là một hiện tượng phổ biến và đầy tính thời sự. Chẳng hạn như trường hợp "Bức ảnh báo chí của năm" của giải World Press Photo vừa rồi, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Spencer Platt. Tấm ảnh phô bày một nhóm phụ nữ Lebanon ăn mặc rất sexy, ngồi trong xe hơi mui trần màu đỏ chạy ngang qua một khu phố đổ nát vì bom đạn của thành phố Beirut. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, một cơn bão phẫn nộ đã bùng lên phản đối "những tên nhà giàu nhâng nháo đạo Chúa", "những du khách chiến tranh" hoặc vì sao lại đi trao giải cho một bức ảnh "như thế". Và lời giải thích của ban giám khảo, rằng sở dĩ tấm hình này đã được chọn vì nó đã chỉ ra được tính phức tạp và mâu thuẫn của cuộc sống thực, cũng vẫn không làm giảm được làn sóng công phẫn. Phải đợi đến khi người ta tìm ra được và phỏng vấn đích thân những người trong hình thì hoá ra đấy không phải là những "du khách chiến tranh" giàu có mà chỉ là những cư dân của Beirut, họ đã mướn một chiếc xe hơi chạy về khu phố của mình để xem lại tình trạng những căn hộ mà họ buộc phải tạm rời bỏ lúc cuộc tấn công bắt đầu. [6]


Nick Út và các sinh viên (Ảnh: Daniel Gamert)
Bằng việc có thể trao đổi và thảo luận trực tiếp với Nick Út và Horst Faas, giảng viên Michael Ebert đã cho các cô cậu sinh viên của ông một cơ hội độc đáo để phát triển cái trực cảm cho những câu chuyện ẩn đằng sau những tấm hình. Đấy chính là sự truyền đạt "thẩm quyền nhiếp ảnh" thực thụ. Và hy vọng là điều này sẽ còn được tiếp tục.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas




[1]Xem: (http://www.dgph.de/preise/salomonpreis/salomonpreis2005.html)
[2]Xem: (http://www.worldpressphoto.org/index.php?option=com_photogallery
&task=view&id=177&Itemid=115&bandwidth=high
)
[3]Xem http://portal.unesco.org/en/ev.php-URL_ID=8323&URL_DO=DO_TOPIC&URL_SECTION=201.html
[4]Có thể xem thêm ảnh và bài viêt khá công phu (bằng tiếng Đức) của Giáo sư Sử học Gerhard Paul (Đại học Flensburg - Đức) liên quan đến đề tài này tại địa chỉ: http://www.zeithistorische-forschungen.de/site/40208413/default.aspx (ND)
[5]Xem: http://www.stern.de/unterhaltung/fotografie/589555.html?nv=sb
[6]Xem: http://www.heise.de/tp/r4/artikel/24/24716/1.html
Nguồn: Ná»™i san tháng 6/2007 của Hiệp há»™i Nhiếp ảnh Đức (DGPh intern Juni 2007 - Deutsche Gesellschaft für Photographie e.V.): http://www.dgph.de/intern/2007-06/faas_ut.html