© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Kết luận

Ý thức tự quyết - Thư gửi Nietzsche

Chúng ta phải là những kẻ phá hoại
(Nietzsche,Votonté de Puissance, cuốn II, tr. 375)

1.

Nha Trang, tháng 6, 1964

Nietzsche,

Buổi trưa hôm nay, gió thổi quá mạnh. Ngoài cửa sổ, cây rung chuyển ầm lên như những tiếng sóng biển dưới kia. Đôi lúc đứng trên đồi cao này trông xuống biển, tôi chợt thấy quang cảnh dưới kia giống như vùng Portofino mà người đã từng sống trong những ngày cô đơn nhất của đời người.

Nietzsche thân quí, tôi tin rằng người vẫn còn sống, sống hơn bao giờ cả. Tôi tin rằng người đã trở lại trần gian này, trở lại như tất cả sự vật của vũ trụ này. Tất cả mọi sự đều trở lại, một sự trở về vĩnh cửu, như ngày xưa người vẫn từng khám phá vào những lúc tâm thức người bừng sáng lên như một vì tinh tú rực ngời trên kia. Tôi tin rằng hiện nay người đang bước lang thang trên một bến bờ xa lạ nào đó, mà mọi người xung quanh không nhận ra nét mặt bi tráng của người, một vẻ mặt đầy phẫn nộ đau đớn, với đôi mắt sâu thẳm hơn cả những đại dương sâu nhất; người đang buồn khổ bước đi trong những vỉa hè bơ vơ nhất của cuộc đời chỉ đưa mắt ngó nhìn sự vật xung quanh mà không còn muốn mở miệng nói lên một lời nào nữa; người không còn muốn nói nữa, người chỉ muốn im lặng trong nỗi lòng quằn quại của thiên tài, bởi vì tất cả mọi ngôn ngữ của loài người đã bị lở loét; mỗi một lời nói, dù là một lời nói cao đẹp nhất, chỉ là một viên đạn bắn thêm vào thân thể ngất ngư của nhân loại.

Ngày xưa, người ta từng kêu la đầy chua xót:

“Nhưng tại sao tôi phải nói khi mà không còn ai nghe tôi nữa? Thôi thì hãy để cho tôi la hét vào tất cả những phương trời gió loạn: Các người đang trở nên nhỏ bé, càng lúc càng trở nên nhỏ bé hơn lên, hỡi các ngài nhỏ bé kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự tại an nhàn kia! Rồi đây thì các người sẽ bị tiêu diệt do quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người, do quá nhiều sự kiêng dè bé nhỏ của các người, do quá nhiều sự an mệnh nhỏ bé của các người. Đất của các người quá dễ dãi, quá nhân nhượng. Nhưng muốn cho một cây có thể trở thành cao lớn VĨ ĐẠI thì cây ấy phải đâm rễ mạnh sâu vào những tảng đá cứng rắn” (Also sprach Zarathustra, phần thứ 3).

Trên nửa thế kỷ trước, người đã hét lên những lời nói đầy đau đớn trên; thế kỷ XX này càng già đi thì lời hét trên càng trở nên tru tréo vang ầm lên như tiếng rống của sư tử ở giữa sa mạc thiêu đốt này.

Hỡi Nietzsche, những dòng chữ này được viết ra đang lúc ngoài kia gió đang rú lên từng trận kinh hồn, và lắng hồn sâu trong tiếng gió, tôi vụt nghe tiếng người thét lên lanh lảnh: “Các người đang trở nên nhỏ bé… Càng lúc càng trở nên nhỏ bé, hỡi các người nhỏ bé kia!...”

Thế giới đang muốn bốc lửa, nước Việt Nam đã bốc lửa cháy từ bao nhiêu năm nay, hỡi ngọn lửa kia, hãy bốc cháy mạnh thêm lên nữa, hãy cháy bùng lên và thiêu đốt hết tất cả những con người nhỏ bé ở mặt đất này. Những cây nào mọc trong đất mềm thì phải trốc gốc. Cuồng phong ơi, hãy thổi tơi bời lên đi, hỡi cuồng phong, hãy thổi tung gốc tất cả những cây nhỏ bé bám trong đất bùn tanh hôi; những cây nào không chịu đựng sức gió thì những cây ấy đáng chết, đáng tiêu ma đi cho rồi đời. Chỉ những cây nào sống được thì mới đáng sống, chỉ những cây nào đâm rễ vào đá cứng không hề bị lay chuyển thì mới đáng sống!

Hỡi anh em của tôi, hãy trở nên cứng rắn”.
(Zarathustra, phần III, tr. 326)

Chiến tranh đang bùng nổ khắp thế giới. Chúng tôi đang ca hát chờ đợi chiến tranh và tàn nhẫn nhất là chúng tôi đang CA TỤNG CHIẾN TRANH.

Hãy lạnh lùng

Hãy tàn nhẫn

Hãy vô nhân đạo

Hãy cứng rắn

Hãy ca tụng chiến tranh

Hãy hung dữ

Hỡi nhân loại, hãy giết nhau đi, hãy bắn nhau đi; hỡi chiến tranh, hãy tiêu diệt cả nhân loại nhỏ bé này đi, hãy giết cho đến người tận cùng, để tạo lại một nhân loại mới cho trái đất, một Ý THỨC MỚI cho trần gian này.

Chiến tranh thiêng liêng.

Chiến tranh là cần thiết.

Bởi vì chiến tranh đã góp sức vào VIỆC SÁNG TẠO LẠI THẾ GIỚI NÀY và VIỆC THAI SINH MỘT CHỦNG LOẠI MỚI Ở TRẦN GIAN NÀY.

Chiến tranh góp sức vào VIỆC PHÁ HỦY TẬN GỐC RỄ TẤT CẢ NHỮNG GIÁ TRỊ Ở MẶT ĐẤT NÀY.

Loài người phải bị tiêu diệt! Nhân loại phải bị tiêu diệt cho đến NGƯỜI cuối cùng.

Chữ NGƯỜI là một chữ dơ bẩn, hôi thúi.

Chữ NGƯỜI gợi lên những gì lở lói đê tiện nhất ở mặt đất này; mỗi khi các anh nghe nói lên tiếng NGƯỜI, các anh hãy móc súng ra và bắn tung vào tiếng NGƯỜI ấy cho bắn tung ra từng mảnh! Phải nói như thế, phải không Nietzsche?

Hỡi Nietzsche, lắng hồn vào sâu trong tiếng gào thét của cuồng phong, tôi đã nghe Nietzsche kêu gọi những gì? Nietzsche đã nói gì với tôi?

“Ta chúc ngươi đau khổ dằn vặt, ta chúc người bị bỏ rơi, ta chúc ngươi đau bệnh, ta chúc ngươi bị đối đãi tồi tệ, ta chúc ngươi bị nhục nhã và ta chúc ngươi không còn xa lạ với việc tự khinh bỉ mình cho đến tận cùng, và hành hạ ngờ vực chính bản thân ngươi: ta không thương xót ngươi bởi vì ta chỉ muốn được một việc duy nhất, việc ấy là thử xem ngươi hôm nay có chứng tỏ rằng ngươi có xứng đáng hay không – có đủ sức đứng vững hay không”. (Der Wille zur Macht, 1887, 910)

Cảm ơn Nietzsche, tôi đã nghe rồi.

Nghe thôi, cũng chưa đủ.

Tôi đã thấy rồi.

Cũng chưa đủ.

Tôi đã nghe, thấy và cảm.

Hãy còn chưa đủ.

Tôi phải nghe, thấy, ngửi, cảm, hiểu, và quăng trọn thể xác và tâm hồn vào trong sự đau khổ dằn vặt, trong cơn đau bệnh trong khi bị người đời đối đãi tồi tệ, bị nhục nhã và sự khinh bỉ cho đến tận cùng và tự hành hạ ngờ vực chính bản thân.

Tôi phải chịu trải qua những nỗi đau đớn lớn lao nhất ở đời này trong từng giây phút.

Tôi phải chịu đau khổ với tất cả thể xác và tinh thần của mình. Nếu tôi chịu tất cả những nỗi khổ trên mà vẫn còn đủ sức đứng vững thì tôi mới xứng đáng sống. Còn chịu không nổi thì hãy chết đi cho rồi.

Không thương hại

Không thương người

Không đạo đức luân lý

Không than thở

Không vị tha

Không bác ái

Không công bình

Không bình đẳng

Không dân chủ

Không bi quan

Không lạc quan

Không triết lý

Không hệ thống

Không ý thức hệ

Không cải thiện xã hội hay cải thiện nhân loại.

Tất cả những thứ trên là những đức tính bé nhỏ của tất cả những con người bé nhỏ, tất cả những đức tính bé nhỏ trên được thoát ra từ sự YẾU ĐUỐI HÈN NHÁT CỦA CON NGƯỜI.

Con người càng yếu đuối, càng tồi tệ, càng hèn nhát, càng nhu nhược, càng suy đồi thì con người lại càng ca tụng lòng thương hại, lòng thương người, đạo đức, luân lý, than thở, vị tha, bác ái, công bình, bình đẳng, dân chủ, bi quan, lạc quan, triết lý, hệ thống, ý thức hệ, cải thiện xã hội hay cải thiện nhân loại.

Không.

Tôi không muốn để các người bé nhỏ lường gạt.

Tôi không muốn để con người nhỏ bé của chính tôi lường gạt tôi.

Và nhất là tôi không bao giờ quên một điều kiện tối thượng của sự đạt đạo:

KHÔNG TRUNG THÀNH

Nghĩa là phải PHẢN BỘI.

Nghĩa là trò phải phản thầy. Đó là điều kiện duy nhất của sự đạt đạo.

Mỗi một bậc thầy chỉ có một người đồ đệ và người đồ đệ ấy phải trở thành phản bội thầy, không trung thành với thầy, bởi vì chính người đồ đệ ấy cũng có sứ mạng là làm thầy”. (Vermischte Meinungen und Sprüche, 357)


2.

Bây giờ, trời đã tối đen, trời càng về đêm thì gió càng lặng xuống.

Bây giờ thì mọi sự đã trở về im lặng.

Tiếng gió đã ngừng. Sư tử đã hết gầm. Sư tử đã biến thành trẻ thơ.

Hỡi Nietzsche, người đã biến thành trẻ thơ và TRẺ THƠ ĐANG NỞ NỤ CƯỜI HỒN NHIÊN.

Người ta chỉ nhớ Nietzsche là một con sư tử tàn bạo, người ta quên rằng, sau khi làm sư tử, Nietzsche lại trở thành một đứa trẻ thơ.

Tại sao một con sư tử phải trở thành trẻ thơ? Vì trẻ thơ là sự hồn nhiên và sự quên lãng, là một sự bắt đầu mới, là một trò chơi, là một bánh xe tự xoay chuyển, là một hành động đầu tiên, là một tiếng chấp nhận thiêng liêng” (Also sprach Zarathustra, phần nhứt).

Đêm đã đến rồi.

Và Nietzsche ơi, người đã thầm thì với tôi những gì?

Đêm đã đến rồi, bây giờ tất cả những suối nước đang nói rì rào ầm ĩ hơn và tâm hồn tôi cũng là một suối nước”.

Tôi đã nghe rõ những lời thầm thì huyền diệu của Nietzsche.

Người hãy nói tiếp đi.

Đêm đã đến rồi, bây giờ chỉ có tất cả bài ca của những người yêu thương là tỉnh thức thôi. Và tâm hồn tôi cũng là một bài ca của kẻ yêu thương”.

Tôi đã nghe rồi.

Thì thầm nữa đi, Nietzsche ơi!

Có một cái gì chao động rung rẩy trong lòng tôi, nó muốn lên tiếng. Sự thèm khát tình thương tràn đầy lòng tôi; lòng tôi nói lên ngôn ngữ của tình thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).

À, tôi đã hiểu ra rồi.

Tôi đã để ý đến sự khác thường từ trưa đến bây giờ.

Lúc trưa thì gió thổi loạn ầm lên và tôi đã nghe tiếng sư tử thét lên vào buổi trưa nóng cháy ấy; bây giờ đã đến đêm tối thì tôi không còn nghe tiếng gió rú nữa; khi đêm đã đến rồi, tôi không còn nghe tiếng sư tử gầm thét nữa, mà tôi chỉ nghe tiếng suối reo vui tươi và tôi chỉ nghe những bài ca du dương của những kẻ yêu thương.

Tâm hồn tôi cũng là một suối nước” (Also sprach Zarathustra, phần hai).

Tâm hồn tôi cũng là một bài ca của một kẻ yêu thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).

Lòng tôi nói lên ngôn ngữ của tình thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).

Đó là ba câu nói cao siêu nhất của Nietzsch.

Hỡi Nietzsche, tư tưởng của người đã đi một vòng tròn, quay theo một vòng tròn của trái đất.

Tư tưởng của người đã đi từ Bình Minh (Die Morgenröte) đến tuyệt đỉnh là Buổi Trưa bốc lửa rồi đến Hoàng hôn của những thần tượng (“Die Götzen Dämmerung”) rồi đến Đêm Tối rồi đến Khuya, rồi lại bình minh, rồi đến trưa, tối, cứ như thế quay tròn ngày đêm theo trái đất.

Ngôn ngữ của bình minh là ngôn ngữ của sự tỉnh thức.

Ngôn ngữ của buổi trưa là của sự chổi dậy sôi sục.

Ngôn ngữ của buổi hoàng hôn là ngôn ngữ của sự đưa ma những thần tượng.

Ngôn ngữ của đêm tối là ngôn ngữ của tình thương, của ruối reo, của những bài hát tình yêu.

Hỡi Nietzsche, tư tưởng của người đã quay tròn theo tiết điệu trời đất, sáng, trưa, đêm, ngày, rồi sáng, trưa, đêm, ngày, từ xuân, hạ, thu, đông, cứ quay tròn triền miên, SỰ TRỞ VỀ VĨNH CỬU, Le Retour Eternel,

Chính sự Trở Về Vĩnh Cửu ấy đã giết Thượng đế.

Và THƯỢNG ĐẾ ĐÃ CHẾT.

Dass Gott tot ist!

“Ta dạy đạo siêu nhân cho các người. Con người là một sinh vật phải được thắng, được vượt qua” (Ich lehre euch den Übermenschen. Der Mensch ist etwas, das überwunden werden soll).

Và Siêu nhân là gì?

Siêu nhân là vượt lên trên cả Thiện và Ác “Jenseits von Gut und Böse”

Siêu nhân là kẻ Giác Ngộ

Siêu nhân là Hành Động Thuần Tuý

Siêu nhân là Siêu Thoát

Siêu nhân là Tự Do

Siêu nhân là Trẻ Thơ

Siêu nhân là hiện thân của Bất nhị, Không hai

Siêu nhân là Tình thương không đối tượng.

Siêu nhân là vượt lên trên Người; vượt lên trên người là vượt lên trên sự phân chia đối đãi giữa Thiện và Ác của con người, là vượt lên trên Hành động có mục đích của con người, là siêu thoát ra ngoài Ngã và Vô ngã để bay đến chân trời không (Sunyata), là Tự do để chấm dứt hoàn toàn tất cả những vọng tưởng, những “biến kế sở chấp” (Vikalpa; sarva-kalpanàksayo hi nirvanam), là Trẻ thơ, nghĩa là Bất nhị (Advaya), tức là Tình Thương không có đối tượng (Karuna); và sự Trở Về Vĩnh Cửu (Retour Eternel) của Nietzsche có khác gì vòng nhân quả của đức Phật? Phải chăng Nietzsche cũng đã nhận như thế trong quyển Der Wille zur Macht (Volonté de Puissance, cuốn II, tr. 14)?

Và Nietzsche, Siêu nhân của Nietzsche hoàn toàn giống Bodhisattva trong Phật giáo (mà Coomaraswamy cũng nhận ra như thế khi nói về Nietzsche; cf. Coomaraswamy, Comsmopolitan View of Nietzsche, trong the Dance of Shiva, tr. 140- 148).

Và không ai lấy làm lạ khi thấy Nietzsche hết sức ca tụng Phật giáo (Volonté de Puissance, traduction de G. Bianquis, tập I, trang 157, 159-161, 179; tập II, trang 14-28, 30, 39, 98, 169), đang khi Nietzsche quyết liệt hạ bệ tất cả những thần tượng khác.

Và nếu ngày xưa Nietzsche thường ca ngợi chiến tranh, ca tụng sự tàn nhẫn cứng rắn hay hô hào lòng thù ghét, hay chửi rủa lòng trắc ẩn, mắng chửi lòng vị tha, vân vân, đó chẳng qua chỉ là những phương tiện tối hậu mà Nietzsche dùng để làm “thuốc độc để trừ thuốc độc” “dùng gai để nhổ gai” mà đưa con người đến bờ giác ngộ như những vị Thiền sư thường đánh đập những đồ đệ một cách tàn nhẫn, vì đó chỉ là một hành động cần thiết để đưa dẫn môn đệ đến Ngộ (Satori).

Tất nhiên, không phải tất cả sự đánh đập đều là cần thiết, cũng như không phải tất cả những thuốc độc đều có thể trị lại thuốc độc hay tất cả gai đều có thể nhổ gai.

Nietzsche thừa hiểu điều trên, cũng như những vị Thiền sư cũng thừa hiểu như vậy.

Rốt ráo rồi thì Nietzsche cũng phải nói:

Lòng tôi nói lên ngôn ngữ của Tình Thương”

Và không phải Nietzsche chỉ biết có hét, gầm la hay mắng chửi thôi, ngoài những cử chỉ thịnh nộ ấy, Nietzsche còn biết nhảy múa vui tươi và biết ca hát véo von như chim non đầu xuân, như suối reo về đêm. Nietzsche ơi, phải chăng Nietzsche cũng đã từng tha thiết van nài một lần cuối trong đời

Hãy hát cho tôi nghe một bài ca mới” (Thư Nietzsche gửi cho Gast, từ Turin, ngày 4 tháng 1 năm 1889).

Bài ca mới ấy là Ý THỨC MỚI, là tiếng hát trong vút của Siêu nhân vượt lên trên những khuôn mòn nhỏ bé của loài người.


3.

Đêm đã về khuya.

Tất cả đều lặng lẽ.

Tôi nghe tiếng chân ai bước xa xa dưới thung lũng kia, cùng với tiếng gió nhẹ vèo theo. Phải chăng Nietzsche đang âm thầm bước đi dưới kia. Tôi tin rằng Nietzsche đã trở về trần gian này, Nietzsche trở về mãi mãi trên mặt đất này, trở về để nhìn thấy những con người bé nhỏ đang đi vào hố tiêu diệt.

Hỡi Nietzsche. Nietzsche đã nghĩ gì khi trông thấy rằng những con người nhỏ bé tàn nhẫn, vô nhân đạo, cứng rắn, ca tụng chiến tranh, hung dữ, không thương hại, không thương người, không đạo đức luân lý, không vị tha, bác ái, vân vân…

Họ làm tất cả những thứ trên và họ hãnh diện cho rằng làm như vậy mới là theo Nietzsche.

Họ có biết đâu rằng có hai bảng giá trị:
  1. Bảng giá trị của hạng người nhỏ bé;
  2. Bảng giá trị của hạng Siêu nhân.
Giá trị của Siêu nhân là giá trị vượt lên trên mọi giá trị, một thứ giá trị không giá trị, nghĩa là Vô giá, tức là vượt ngoài ý thức con người.

Siêu nhân tàn nhẫn mà không tàn nhẫn, cứng rắn mà không cứng rắn, vô nhân đạo mà không vô nhân đạo, ca tụng chiến tranh mà không ca tụng chiến tranh, bởi vì Siêu nhân đã vượt lên trên Thiện và Ác; và mỗi hành động của Siêu nhân là Hành động Thuần Tuý không mục đích, không đối tượng, thoát ra từ Ý Thức Mới, hay Ý Thức Vũ Trụ, hoà nhịp với Tiết Điệu Thiên Nhiên.

Còn hạng người bé nhỏ mà tàn nhẫn thì đúng là tàn nhẫn, cứng rắn là cứng rắn, vô nhân đạo là vô nhân đạo, ca tụng chiến tranh là ca tụng chiến tranh. Hạng người bé nhỏ làm bất cứ điều gì đi nữa thì điều đó vẫn bé nhỏ. Ông Trời của hạng người bé nhỏ cũng vẫn là ông Trời của hạng người nhỏ bé.

Lòng ái quốc bé nhỏ

Sự hạnh phúc bé nhỏ

Tình thương bé nhỏ

Đạo đức, luân lý bé nhỏ

Lòng vị tha bé nhỏ

Lòng bác ái bé nhỏ

Dân chủ bé nhỏ

Công bình bé nhỏ

Bình đẳng bé nhỏ

vân vân…

Loài Siêu nhân chưa ngự trị trần gian này và con người càng lúc càng trở nên bé nhỏ.


4.

Tôi không tin rằng Nietzsche đã điên. Tôi tin rằng Nietzsche đã giác ngộ và là một Bodhisattva đã sinh ra tại Tây phương. Nietzsche đã đi vào im lặng tuyệt đối. Và con người nhỏ bé đã tưởng rằng sự im lặng tuyệt đối ấy là sự điên loạn.

Nietzsche là một Siêu nhân cô đơn giữa những con người bé nhỏ.

Đầu năm 1889 tại Turin, Nietzsche thấy một người phu xe đánh đập con ngựa một cách tàn nhẫn, Nietzsche đã vụt chạy đến quàng tay ôm vào ngựa mà hôn, rồi té quị ngất đi; người ta chở Nietzsche về phòng, lúc Nietzsche tỉnh lại, Nietzsche viết những hàng chữ khó hiểu gửi cho những người bạn thân (Walter Kaufmann, The Portable Nietzsche, trang 684).

Đọc những dòng chữ khó hiểu trong những bức thư ấy, người ta cho rằng Nietzsche điên.

Hỡi Nietzsche, suốt đời người vẫn cô đơn và bị ngộ nhận.

Hỡi Nietzsche, người ta cho rằng người trở nên điên, nhưng đâu biết rằng chính lúc người chạy lại ôm ngựa và té quị là lúc người đã đạt đến Đại Ngộ, té quị bất tỉnh là vì ánh sáng chân lý ào ào tràn ngập vào tâm thức bừng sáng của người.

Người đã giác ngộ hoàn toàn vào giây phút thiêng liêng ấy, và chính lúc ấy Siêu nhân hoàn toàn là đứa con nít ngây thơ mở mắt nhìn đời trong màu ánh sáng mới lạ của buổi khai thiên lập địa.

“Hãy ca cho tôi nghe một bài hát mới”.

Đó là câu cuối cùng và huyền diệu nhất mà người đã thốt ra khi bước vào cõi im lặng huyền bí, đó là tiếng chấp nhận thiêng liêng của một tâm hồn siêu thoát.

Hỡi Nietzsche, thế giới này đang chuyển động vì người đang trở về lại trên mặt đất này.

Có ai hát lên cho Nietzsche nghe bài hát mới chưa?


5.

Phải phá hoại tất cả mọi sự! Nietzsche đã nói thế, phải không Nietzsche? Đó là sức mạnh duy nhất của kẻ sáng tạo, của những con người siêu đẳng.

Không hối tiếc, không thương hại, không động lòng.

Phải lạnh lùng, sáng suốt, lầm lì, trơ trơ, cô đơn.

Làm chủ, làm thầy, chứ không làm nô lệ. Nhất định không tham gia để phục tùng. Lãnh đạo hoặc là bỏ đi trong cô đơn độc đạo.

Biết vâng lời, nhưng chỉ vâng lời Ý Chí Mãnh liệt của mình. Không nhập vào đám đông mà chỉ im lặng, chối từ quyết liệt những bầy, lũ, nhóm, đảng phái. Không nhập vào một đảng nào cả hay một hệ thống ý thức nào cả. Mỉm cười khinh miệt tất cả mọi sự. Luôn luôn ngạo mạn.

Cuồng bạo say sưa. Chết trong đam mê phẫn nộ hơn là sống lờ mờ trong mực thước. Lao cả thể xác và tâm hồn vào đam mê cuồng dại nhưng vẫn làm chủ ý chí bốc lửa. Ồn ào nhất khi im lặng, và im lặng nhất khi ồn ào.

Đôi mắt luôn luôn hừng hực lửa thiêng. Đi tìm nguy hiểm.

Sống cực đoan, sống hết mình, sống tận cùng.

Cười ngất ngây trong đau khổ. Không biết tình cảm.

Khạc nhổ vào những lời khen, những lời tâng bốc đề cao. Lòng luôn luôn tràn đầy nước biển. Không tìm
thanh bình.

Phải tàn nhẫn với tất cả những con người bé nhỏ.

Không làm hoà, không khiêm nhường, không lễ phép. Gây xáo trộn khắp nơi, gây thù ghét oán hờn khắp nơi.

Khoái lạc cuồng nộ của kẻ sáng tạo. Không lãng mạn.

Nhảy xuống tận hố sâu để tự thử thách, luôn luôn ngây ngất!

Khinh thường tất cả mọi quyển sách của nhân loại.

Bỏ đọc sách, xa lánh tất cả những thi sĩ, văn sĩ, học giả.

Độc tài tàn bạo với chính bản thân, với chính cuộc đời mình. Chống lại tất cả mọi chủ nghĩa.

Siêu nhân là tiêu chuẩn, là mục đích, là vấn đề sống hay chết. Chịu khó. Chịu khó. Kiên nhẫn như Hy mã lạp sơn. Đi tìm chướng ngại để vượt lên. Ca tụng bản năng huyền bí. Đạp đổ luân lý. Đi ngược lại thiên hạ. Người ta làm Đông thì mình làm Tây, người ta nói phải mình nói sai. Người ta nói “ừ” ta nói “không”!

Từ bỏ bản ngã. Tiêu diệt bản ngã để giải thoát. Nếu cần có thành kiến, cứ đeo dính vào thành kiến, không lung lay, không đầu hàng. Chống trí thức. Chảy tràn ngập khắp nơi như sông vỡ bờ. Phải hơi điên điên gàn gàn và hoàn toàn lập dị.

Muốn sống làm sao thì sống, miễn đạt đến Siêu Nhân, bỏ rơi hết mọi lý luận chặt chẽ. Chống lý trí. Rất ít nói.

Không cần suy tư có hợp lý hay không. Bất chấp.

Không có chân lý, chính mình là chân lý, chỉ có mình mới là chân lý, tất cả những chân lý khác đều là ảo tưởng. Cầu mong bị sét đánh. Mong chịu thêm nhiều đau khổ nữa.

Suốt đời, phải thường xuyên khinh bỉ chính bản thân và tư tưởng mình. Không sợ hãi. Luôn luôn kiêu ngạo. Phải chiến thắng đau khổ. Vươn lên, vượt lên, bay lên.

Sau khi đã phá hoại đến cùng cực, đã la hét đập đánh mắng chửi điên cuồng, sau khi đã làm ầm lên khắp hang cùng ngõ hẻm, đã bới tung lên đầy hỗn loạn ngổn ngang, đã làm náo động khắp nơi thì bắt đầu rút lui về sa mạc và đi múc nước để tưới cỏ. Hoặc vào nhà thương điên. Đi vào im lặng.

Chào Dyonysos Philosophos

PHẠM CÔNG THIỆN

- Hết -
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.