© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
16.6.2006
Nguyễn Kiến Giang
Công bằng xã hội và kinh tế
(Thử phân tích về lý luận)
 1   2 
 
Bài này viết cho cuộc hội thảo “Công bằng xã hội và kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối năm 1992. Cùng với bài này (đưa vào kỷ yếu nhưng không được công bố), tôi có một bài phát biểu tại hội trường chỉ dành để nói về việc xóa bỏ ngay lập tức những doanh nghiệp của các cơ quan đảng, nhà nước, nhất là các ngành tư pháp, công an và quân đội, coi những doanh nghiệp đó là một trong những nguyên nhân đưa tới hỗn loạn kinh tế và tình trạng thoái hóa biến chất của một số khá lớn cán bộ đảng viên. Tôi còn nhớ, cũng tại cuộc thảo luận này, Lê Hồng Tâm ca ngợi tinh thần dũng cảm của những người dám “vượt biên” để chọn tự do.
Vài lời nói đầu

Công bằng xã hội không phải là một vấn đề mới. Nó không ngừng được đặt ra trong toàn bộ lịch sử loài người. Những tiếng kêu về tình trạng bất công xã hội cất lên ở mọi thời đại và ở mọi mơi. Nhưng chưa bao giờ vấn đề công bằng xã hội được đặt ra gay gắt như hiện nay, khi những tiền đề vật chất và tinh thần đang dần dần xuất hiện, cho phép giải quyết vấn đề công bằng xã hội một cách có hiệu quả hơn, nhưng cũng lại là khi những bất công đạt tới những trình độ và qui mô chưa từng thấy, nếu xét trên bình diện toàn thể loài người.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây, nơi có mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao nhất, chưa có nước nào giải quyết được vấn đề này một cách căn bản, và ở đó chắc chắn vấn đề này sẽ dẫn tới những chuyển động lớn trong tương lai không xa. Ở các nước “thế giới thứ ba” (thuật ngữ này hiện đã lỗi thời), trừ một số ít nước đã trở thành những “nước công nghiệp mới” - NICs, nói chung đại đa số dân cư đang quằn quại trong giọng kìm của những bất công xã hội quá lớn (mà ngay ở những “nước công nghiệp mới”, tình hình về mặt này tuy có khá hơn nhưng vẫn còn là vấn đề xã hội phải quan tâm. Và đáng chú ý hơn, ở các nước từng xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề công bằng xã hội cũng gay gắt không kém, nếu không nói là gay gắt hơn. Một thời gian dài, chúng ta tưởng rằng với chủ nghĩa xã hội, không bao lâu (vài ba thập kỷ) lý tưởng công bằng xã hội sẽ được thực hiện. Nhưng thực tế không phải như vậy. Cái gì đã xảy ra? Những sai lầm trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, hay những sai lầm của chính các học thuyết đã có về chủ nghĩa xã hội? (Những cuộc cải cách và đổi mới ở một số nước xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc và Việt Nam, đã và đang mang lại những kết quả đầu tiên đáng mừng, nhưng nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo, thì về thực chất, đó không phải là cái gì khác ngoài việc vận dụng một số nguyên tắc và phương pháp của kinh tế tư bản chủ nghĩa, hay được coi là “tư bản chủ nghĩa”, xa lạ với những nguyên tắc và phương pháp của học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Một mặt khác, chính trong tiến trình cải cách và đổi mới, vấn đề công bằng xã hội lại hiện ra dưới những vẻ mới, vì những bất công xã hội lại xuất hiện theo những lối khác.

Cho đến nay, trên thế giớí chưa có được một khuôn mẫu tương đối trọn vẹn nào của công bằng xã hội cả. Chúng ta buộc phải tìm tòi và suy nghĩ lại gần như từ đầu về vấn đề này. Và trước khi bàn tới những giải pháp cụ thể cho tình hình cụ thể của đất nước ta hôm nay, việc cần thiết đầu tiên phải làm chính là suy nghĩ về vấn đề này về mặt lý luận. Tiểu luận này may ra có thể gợi lên một số ý nào đó về vấn đề này.

Công bằng xã hội không chỉ thể hiện trong đời sống kinh tế của xã hội. Là một trong những lý tưởng lâu đời nhất, nó đã trở thành một thứ “vật chuẩn”, hay ít ra, một định hướng cho tất cả các mặt đời sống xã hội và con người. Nhưng do sự hạn chế của đề tài nghiên cứu, tiểu luận này chủ yếu bàn về mối quan hệ của công bằng xã hội và kinh tế. Và như đã nói, cũng chỉ xin dừng lại ở những phân tích lý luận.


*


Công bằng xã hội [1] là một trong những lý tưởng xã hội sâu xa và bền vững nhất của con người, không biết từ bao giờ nhưng chắc đã có từ thời rất xa xưa (trong tư tưởng cổ đại phương Đông và phương Tây cách đây khoảng bốn nghìn năm, đã thấy xuất hiện ý niệm đó). Nhưng công bằng xã hội là thế nào thì chưa hề có một định nghĩa thật rõ ràng và thống nhất. Nó là một ý niệm trừu tượng, và giống như mọi ý niệm trừu tượng khác (như linh hồn, tự do, v.v...), nó được hiểu theo những lối rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Ý niệm công bằng xã hội có phần chắc là đã xuất hiện khi trong xã hội đã có những hiện tượng bất công (về địa vị xã hội, về sở hữu, thu nhập...). Và nếu như vậy, thì ý niệm đó bắt nguồn từ quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác và mở rộng ra, giữa cá nhân và xã hội. Công bằng xã hội là một quan hệ (giống như trong kinh tế chính trị học, giá trị là một quan hệ).

Trước những bất công xã hội, có hai cách lý giải. Cách lý giải thứ nhất nhằm biện minh cho những bất công đó, đã đặt cá nhân xuống dưới cộng đồng, tập thể, coi địa vị và quyền lợi của mỗi cá nhân là do cộng đồng, tập thể xếp đặt, mỗi cá nhân phải chấp nhận chỗ đứng của mình, lo việc của mình và an phận. Platon với tác phẩm Cộng hòa của ông là đại diện cho xu hướng này. Trong khi đó, học trò của ông, Aristote, lại quan niệm khác: “Đời sống xã hội được duy trì bằng sự công bằng”, mà theo ông, công bằng trước hết là bình đẳng. Nhưng trong xã hội cổ đại Hy Lạp, một xã hội điển hình của chế độ chiếm hữu nô lệ, bình đẳng giữa các cá nhân là bình đẳng công dân, và bình đẳng giữa các công dân là bình đẳng giữa những người tự do (vì nô lệ không phải là công dân, do đó, không phải là những người tự do). Công bằng được mở rộng thêm nội dung: không phải chỉ là bình đẳng mà còn là tự do của các công dân trong những quan hệ với nhau. Vì thế, Aristote cho rằng “con người hành động theo sự lựa chon tự do một cách tự nguyện”. Như vậy, trong quan niệm của ông, công bằng là sự phù hợp của bình đẳng và tự do. Công bằng chỉ có ở nơi nào con người có bình đẳng, ngang với có tự do. Nhưng trong cách trình bày của ông, bình đẳng vẫn là giá trị cao nhất và bao trùm, vì nó cho phép con người nắm được những gì cần thiết để được tự do. (Xem “Dân chủ và Công bằng xã hội” của B. G. Kapustin, tạp chí Polis (Nghiên cứu chính trị) Moskva, số 1-2, 1992, tr. 88).

Nhưng về sau, khi bàn tới công bằng xã hội, người ta thấy từ nguồn gốc chung ở Aristote nảy sinh ra hai quan niệm khác nhau. Sự phụ thuộc giữa tự do và bình đẳng được thay thế bằng sự đối lập của chúng: đã tự do thì không có bình đẳng, mà đã bình đẳng thì mất tự do. Chủ nghĩa tự do (libéralisme) đặt tự do lên trên tất cả. Dưới dạng cổ điển của nó, quan hệ giữa tự do và bình đẳng bị phá vỡ với chủ trương “tự do là hàng đầu”. Về sau, dưới dạng hiện đại của nó, tự do và bình đẳng được đặt vào mối quan hệ với nhau, bình đẳng không bị phủ định nữa, nhưng tự do vẫn ở vị trí ưu tiên, vì nó vừa là mục tiêu của bình đẳng, vừa là cơ sở của bình đẳng.

Song song với chủ nghĩa tự do, những trào lưu lấy bình đẳng làm giá trị cao nhất cũng xuất hiện và phát triển. Người ta thường gộp chung những trào lưu này vào một khái niệm: chủ nghĩa bình đẳng (égalitarisme), nhưng thật ra, giữa những trào lưu này có những khác biệt rất lớn. Về đại thể, thấy có ba trào lưu chính:

Trừ chủ nghĩa bình quân (còn gọi là “chủ nghĩa cộng sản thô thiển” được thực hiện dưới dạng “công xã nhân dân” của Mao và “chủ nghĩa cộng sản kiểu Pol Pot”, hai trào lưu còn lại về thực chất là hai nhánh của chủ nghĩa xã hội, đều nhằm những mục tiêu giống nhau nhưng đi bằng những con đường khác nhau. Chủ nghĩa xã hội, nói chung, tuy cũng có nói tới tự do, nhưng đặt nó xuống dưới bình đẳng, và coi bình đẳng vừa là mục tiêu vừa là cơ sở của tự do.

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do khác nhau về căn bản ở điểm xuất phát khi bàn tới công bằng xã hội. Chủ nghĩa tự do xuất phát từ cá nhân, còn chủ nghĩa xã hội xuất phát từ xã hội. Một bên chủ trương giải quyết vấn đề công bằng xã hội bằng cách phát huy đến cùng tự do cá nhân, mà trong lĩnh vực đời sống kinh tế, nó lấy sở hữu tư nhân và kinh doanh tư nhân làm cơ sở. Một bên khác giải quyết vấn đề đó bằng những biện pháp điều tiết của toàn xã hội đối với lợi ích của cá nhân và những hoạt động của cá nhân mà cơ sở (đồng thời cũng là mục tiêu) là sở hữu xã hội và sự kiểm soát xã hội. Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội-dân chủ dần dần tách khỏi nhau và đối lập quyết liệt với nhau, và như sau này chúng ta sẽ thấy, chủ nghĩa xã hội-dân chủ biến thành một dấu gạch nối giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội.


*


Hãy đi sâu một chút vào sự khác nhau này.

Chủ nghĩa Mác (với tư cách một trường phái của chủ nghĩa xã hội gọi là “chủ nghĩa xã hội khoa học”), do quan niệm duy vật của mình, coi sản xuất vật chất là nền tảng của tất cả các mặt đời sống xã hội, coi kinh tế là cơ sở hạ tằng của xã hội. Vì thế, khi bàn tới công bằng xã hội, chủ nghĩa Mác trước hết và gần như chỉ bàn về công bằng xã hội trong lĩnh vực kinh tế. Trong Công bằng xã hội và Pháp quyền (Moskva, 1977), G. V. Malcev đã trình bày khá đầy đủ và trung thành những quan niệm của chủ nghĩa Mác về công bằng xã hội mà chúng tôi xin tóm lược sau đây.

Mác đi từ “trao đổi hàng hóa” để xem xét vấn đề công bằng xã hội. Trong sự trao đổi này, ông phát hiện ra rằng, dưới cái vỏ tự do và bình đẳng, ẩn giấu những quan hệ nô dịch và bất bình đẳng, tập trung rõ nhất ở sự trao đổi sức lao động (mua và bán sức lao động). ở đây sự trao đổi về thực chất diễn ra giữa người có sở hữu và người không có sở hữu. Đó là một sự trao đổi không ngang giá. Người bán sức lao động không thu lại được toàn bộ giá trị do mình tạo ra. Người mua sức lao động thì thu được một giá trị lớn hơn giá trị bỏ ra, do sức lao động tạo nên. Giá trị lớn hơn ấy được Mác gọi là giá trị thặng dư và việc chiếm hữu nó được gọi là bóc lột. Như vậy, trong xã hội hình thành ra những kẻ bóc lột và những kẻ bị bóc lột, kết quả là không có bình đẳng xã hội và không có tự do của người bị bóc lột. Sự trao đổi “đúng là thực hiện bình đẳng và tự do, nhưng trên thực tế hóa ra không bình đẳng và không tự do”, nghĩa là không có công bằng xã hội. Cách giải quyết thật đơn giản: xóa bỏ những cơ sở làm cho trao đổi trở thành không ngang giá, và trước hết là xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân. Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân, lao động của mỗi người sẽ trở thành lao động xã hội trực tiếp, mỗi người cống hiến cho xã hội sức lao động bao nhiêu và như thế nào, sẽ hưởng thụ bấy nhiêu và như thế nấy. Đó là nội dung của khẩu hiệu “làm theo năng lực, hưởng theo lao độngõ. Và khi trình độ sản xuất xã hội phát triển cao đến mức sản phẩm xã hội thừa thãi, thì công bằng xã hội lúc đó sẽ là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Chiếc chìa khóa đi tìm để giải quyết những bất công xã hội và để thiết lập công bằng xã hội, thế là đã tìm thấy: xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân và tất cả những quan hệ kinh tế gắn với nó hàng hóa, tiền tệ, thị trường, v.v...) và trên cơ sở đó, cùng với điều đó là thiết lập chế độ công hữu, thiết lập hệ thống kế hoạch hóa và chỉ huy mọi hoạt động kinh tế, từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng.

Kết quả như thế nào, tưởng đã rõ. Đã có rất nhiều người phân tích sự phá sản của kiểu chủ nghĩa xã hội này, không cần phải nói thêm. Nếu có điều gì cần nhấn mạnh trong khuôn khổ bài này, thì đó là: không thể đạt tới công bằng xã hội bằng sự triệt tiêu cá nhân và những lợi ích cá nhân. Cá nhân tồn tại với tư cách chủ thể của mọi quá trình kinh tế, và tất cả các quá trình ấy đều bị phá vỡ khi không lấy cá nhân và lợi ích cá nhân làm mục tiêu và cơ sở. Và đây là điều cần đặc biệt chú ý: cá nhân chỉ có thể tồn tại trên cơ sở sở hữu của nó. Sở hữu cá nhân (trong các quá trình kinh tế, cá nhân hoạt động với tư cách tư nhân trong mối quan hệ với những yếu tố công cộng, cũng là một trong những nền tảng trọng yếu và tất yếu để xã hội tồn tại như xã hội, vì thế sở hữu cá nhân cũng đồng thời là sở hữu tư nhân) luôn luôn là động lực mạnh mẽ nhất, có hiệu quả nhất của mọi hoạt động kinh tế diễn ra trong xã hội. Nó là cơ sở của lợi ích cá nhân, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của những hoạt động đó. Kinh nghiệm thực tiễn chứng tỏ rằng “khuyến khích sự quan tâm lợi ích vật chất của cá nhân” mà không đụng tới vấn đề sở hữu cá nhân, thì kết quả sẽ rất hạn chế nếu không nói là thất bại. Bởi vì “khuyến khích lợi ích cá nhân” trên cơ sở chế độ công hữu (nhà nước hay tập thể) thì chính chế độ công hữu sẽ bị phá vỡ, và tuy còn tồn tại về hình thức, nó đã biến thành sở hữu tư nhân trong thực tế, một thứ sở hữu tư nhân không bị kiểm soát và chỉ mang tính chất tiêu cực (phá hoại) mà không có chút tính chất tích cực (bảo vệ, bồi đắp, phát triển) nào. Và cuối cùng, chẳng những không có bình đẳng mà còn hình thành những bất bình đẳng còn tệ hại hơn, chẳng những không có công bằng xã hội mà càng cách xa với nó hơn. Tôi không nói rằng sở hữu tư nhân là tất cả những gì cần có cho mọi hoạt động kinh tế của xã hội, cũng không cho rằng nó có thể tồn tại mà không chịu một sự kiểm soát nào của xã hội, tôi chỉ nói rằng sở hữu tư nhân là một trong những nền tảng tất yếu cho mọi hoạt động kinh tế của cá nhân với tư cách chủ thể của những hoạt động đó. Những hiện tượng chiếm hữu tư nhân quá mức, có tính lũng đoạn, phải bị hạn chế và loại bỏ, vì chúng đi ngược lại không những với lợi ích xã hội mà cả với lợi ích cá nhân. (Còn sở hữu tư nhân ở dưới hình thức nào - cá thể, hợp tác, liên kết - thì đó lại là chuyện khác) [2] .


*


Xin nói sang trào lưu xã hội - dân chủ với những giải pháp của nó về công bằng xã hội. Không đi sâu vào lịch sử phát triển (cũng rất phức tạp) của trào lưu ấy, tôi chỉ bàn tới đường hướng chủ yếu của nó trong lĩnh vực này. Như đã biết, trào lưu xã hội - dân chủ cùng có nguồn gốc với chủ nghĩa xã hội và, ít ra trong thời gian đầu, nó cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Điều đó có nghĩa là trào lưu xã hội - dân chủ cũng lấy việc xóa bỏ chế độ tư hữu làm mục tiêu cuối cùng của mình, coi như điều kiện quyết định để đạt tới công bằng xã hội. Nhưng trong sự phát triển của nó, trào lưu này dần dần kết tụ chung quanh mấy điểm có tính cương lĩnh sau đây:

Ở các nước do các đảng xã hội - dân chủ cầm quyền (như Thụy Điển, Tây Đức thời chính phủ Brandt, Pháp thời Mitterand...), những luận điểm ấy được thực hiện theo những cách khác nhau, nhưng có những nét chung giống nhau:

Về chính trị, các đảng này chủ trương thực hiện triệt để và hoàn thiện chế độ dân chủ hiện có, chống lại sự thiết lập chế độ chuyên chính, vì theo họ, chủ nghĩa xã hội không thể được xây dựng trái với ý chí người ta. Như giáo sư P. Monson, Trường đại học Gutenborg ở Thụy Điển, một trong những nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội - dân chủ Thụy Điển nói trong bài “Hai con đường đi tới chủ nghĩa xã hội - hai ngõ cụt chăng?”: “Nếu tiến hành những cải cách xã hội chủ nghĩa mà không có sự ủng hộ tích cực, hay dù chỉ là thụ động, của đa số dân cư, thì chuyên chính là không thể tránh khỏi, mà chuyên chính thì rất xa với chủ nghĩa xã hội, giống như chủ nghĩa phát-xít vậy” (Tạp chí Polis, số 1-2, 1992, tr. 25).

Về kinh tế, họ chủ trương điều chỉnh, “hợp lý hóa” nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, bằng cách đó mà rút ra được phần giá trị gia tăng càng nhiều càng tốt và hướng phần đó vào việc tăng thu nhập cho những người lao động không có sở hữu, vào xây dựng và mở rộng khu vực phục vụ xã hội. Trên thực tế, các chính phủ xã hội - dân chủ sử dụng hệ thống thuế thu nhập để nắm trong tay một bộ phận lớn thu nhập quốc dân (ở Thụy Điển tới 60-70%, ở Pháp tới khoảng 50%) và ném vào những chi phí phục vụ xã hội (trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp gia đình, giáo dục, y tế...) để cải thiện và nâng cao mức sống của người lao động, làm cho mức sống của các tầng lớp dân cư không quá chênh lệch. Trong khi đó, họ vẫn để chế độ sở hữu tư nhân tồn tại một cách hợp pháp, và trong trường hợp quốc hữu hóa sở hữu tư nhân (như ở Pháp đã làm vào đầu những năm 80, sau khi Đảng xã hội lên cầm quyền), thì nhà nước phải bồi thường trên cơ sở thỏa thuận với nhau. Tất nhiên, nền kinh tế các nước đó chưa phải là xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng không còn là tư bản chủ nghĩa thuần túy nữa. Felix G. Rohatin gọi đó là “chủ nghĩa tư bản xã hội - dân chủ về căn bản” (capitalisme foncièrement social-democrate, xem tạp chí Le débat, janvier-février 1992, Paris, tr. 182).

Phải thừa nhận rằng những biện pháp ấy lúc đầu (riêng ở Thụy Điển, “lúc đầu” này kéo dài tới khoảng 60 năm) đã thu hẹp phần nào những bất công xã hội, đưa lại một không khí “hòa bình xã hội” tương đối ổn định. Có thể coi “mô hình Thụy Điển” là tiêu biểu cho những thành tựu của trào lưu xã hội - dân chủ.

Nhưng, trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của trào lưu này giảm sút đáng kể (Đảng xã hội - dân chủ Thụy Điển mất địa vị cầm quyền, Đảng xã hội Pháp cũng đang gặp nguy cơ mất địa vị đó...). Người ta bắt đầu nói tới sự “bế tắc” của những giải pháp xã hội - dân chủ. Ta hãy nghe sự phân tích của P. Monson về vấn đề này. Theo ông, những người xã hội - dân chủ phương Tây đang đụng phải những vấn đề nghiêm trọng. Chiến lược cơ bản nhằm thực hiện quan niệm về chủ nghĩa xã hội của họ đã “đi tới chỗ mâu thuẫn không thể điều hòa với hiện thực”. Vì mấy lý do: trước hết, chiến lược đó chỉ có thể thực hiện với điều kiện kinh tế tư bản chủ nghĩa hoạt động thành công. Còn khi xảy ra những khó khăn nghiêm trọng (suy sụp vì sản xuất thừa, dẫn tới chỗ thu hẹp những khả năng sử dụng giá trị tăng thêm...) thì họ lại phải ủng hộ giai cấp tư sản nước mình. Điều đó có nghĩa là bảo đảm mức gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp một cách bất lợi cho những người lao động làm thuê. Kết quả là các khu vực kinh tế mũi nhọn có thể thu được siêu lợi nhuận. Tình hình đó đã xảy ra ở phương Tây, khi xuất hiện những “tư bản tự do” với mục đích thực hiện lợi nhuận ngày càng cao. Một bộ phận ngày càng tăng của những tư bản đó được đưa vào lĩnh vực phi sản xuất, như mua bất động sản, mua các tác phẩm nghệ thuật, đầu cơ chứng khoán, cổ phiếu hoặc du lịch ra nước ngoài. Đại bộ phận các khoản siêu lợi nhuận thu được không bỏ vào lĩnh vực sản xuất nữa. Và bây giờ, vào những năm 90 này, lại xảy ra tình hình “kinh doanh đầu cơ” bị phá sản, một số ngân hàng thương mại lớn bị tổn thất nặng nề. Những người dân bình thường thì đụng phải những hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Trong khi giới cầm quyền ở một số nước phương Tây đang phải thay đổi giải pháp, thì ở những nước do họ cầm quyền, những người xã hội - dân chủ vẫn cứ dùng chiến lược kinh tế cũ. “Vấn đề chủ yếu đối với phái xã hội - dân chủ phương Tây trong giai đoạn này là quan niệm của họ về con đường đi tới chủ nghĩa xã hội - tức là phát triển khu vực xã hội hóa, kể cả y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội,v.v..., cũng như phân phối ngang nhau những phúc lợi đó, không kể tới các mức thu nhập. Tất cả những điều đó dẫn tới mâu thuẫn chủ yếu với đời sống hiện thực, bởi vì để tài trợ cho khu vực xã hội hoá và nâng cao chất lượng phục vụ xã hội, thì phải làm cho kinh tế tư bản chủ nghĩa hoạt động không có trở ngại. Nhưng điều đó có nghĩa là những người xã hội - dân chủ phải giảm bớt khu vực xã hội hóa của nền kinh tế, mà khu vực này lại có ý nghĩa then chốt đối với toàn bộ chiến lược xã hội - dân chủ về chủ nghĩa xã hội” (bài đã dẫn, tr. 25).

Và thế là trào lưu xã hội - dân chủ đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn: vừa phải hứa hẹn không giảm bớt những chi tiêu của nhà nước cho những trợ cấp xã hội, vừa phải “hợp lý hóa” khu vực nhà nước để nó hoạt động tốt hơn nhưng với những chi phí ít hơn. Rốt cuộc, nhân danh chủ nghĩa xã hội trong tương lai, họ lại phải hy sinh những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa vì những mục tiêu cụ thể. Những biện pháp do họ đề xướng trong lĩnh vực kinh tế và công bằng xã hội hiện nay về căn bản không khác gì những biện pháp do chủ nghĩa tự do mới (néolibéralisme) đưa ra.

Tất nhiên, những người xã hội dân chủ chưa mất hết niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Họ không coi chủ nghĩa xã hội như một “phương thức sản xuất” riêng biệt nữa, mà theo họ, chủ nghĩa xã hội đã tồn tại ở mức độ này hay mức độ khác. Không phải ở khắp nơi và không phải ở mức đầy đủ, mà là dưới dạng những yếu tố và những thể chế nhất định. Đối với họ chủ nghĩa xã hội là “đoàn kết”, là “chăm lo tới người nghèo khổ”, là “những khả năng ngang nhau”, là “sự tồn tại có nhân tính”, là “nghĩ tới nhau”. Vẫn trích lời G. Monson: “Một không tưởng như vậy có thể được thực hiện, nhưng không phải ngay lập tức mà từng bước, và ý nghĩa sâu xa của nguyên tắc xã hội - dân chủ (sự vận động là tất cả, mục tiêu không là gì hết) chính là nằm ở đó” (như trên, tr. 31).

Nhưng dù với niềm tin và quan niệm đó, G. Monson vẫn nhận ra rằng: “Hiện nay những quan niệm về chủ nghĩa xã hội mà chúng ta được biết đã đi vào ngõ cụt. Điều đó là rõ ràng không chỉ đối với những người cộng sản mà đối với cả những người xã hội-dân chủ... Hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới đã tỏ ra mạnh hơn, bền vững hơn và có sức sống hơn những gì mà hầu hết các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội đã hình dung. Những nhà lý luận mới của thế kỷ sắp tới hẳn phải chú ý tới thực tế đó hết sức nghiêm chỉnh; họ phải tính đến tất cả những thành tựu của nền văn minh tư bản chủ nghĩa và trước hết là sự tôn trọng của nó đối với các quyền cá nhân”. Ông hy vọng: “Chủ nghĩa xã hội tương lai ở một mức độ lớn phải dựa vào hệ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, hệ tư tưởng này là cơ sở của sự phát triển xã hội, là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống của mọi nước văn minh. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội lý luận tương lai phải tìm cho được cán cân đúng đắn giữa các nhân tố tập thể và cá nhân. Chỉ có đi theo con đường đó, chủ nghĩa xã hội mới trở thành sức mạnh hiện thực của thời đại mới” (như trên, tr. 33).

Đây quả là một thách đố nan giải đối với những người theo chủ nghĩa xã hội, dù là cộng sản hay xã hội - dân chủ. Bởi vì, như đã thấy, vấn đề không nằm ở “phần ngọn”, tức là ở sự điều chỉnh những kết quả do sản xuất xã hội đem lại, mà là ở “phần gốc”, tức là ở chủ thể của toàn bộ các quá trình trình kinh tế của xã hội, từ sản xuất, lưu thông đến phân phối, tiêu dùng.


*


Sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới một vài nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa xuất hiện từ giữa thế kỷ XX, dưới góc độ công bằng xã hội. Được nhắc tới nhiều nhất là Schumpeter với tác phẩm chủ yếu của ông Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ (1942). Ông là một người có những thiện cảm tự nhiên với “thời đại anh hùng của chủ nghĩa tư bản bành trướng”, nhưng lại nhìn thấy chủ nghĩa tư bản như đang cáo chung để nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội một cách không thể tránh khỏi (xem Burkitt, Kinh tế chính trị học cấp tiến, New York University Press, 1984, tr. 147). Điểm xuất phát của ông là nghịch lý này: chính thành công của chủ nghĩa tư bản đang phá hủy nó. Tại sao?

Vì:

  1. Những thành tựu của chủ nghĩa tư bản về phát triển năng lực sản xuất tạo ra một mức sống cao hơn cho tất cả các giai cấp, trong khi chức năng kinh tế của nó tuy không phải lỗi thời nhưng có xu hướng teo lại và dẫn tới quan liêu hóa. Vai trò điều hành của chủ tư bản giảm đi và thậm chí mất đi, thay vào đó là vai trò của những người quản lý.

  2. Hoạt động của nhà tư bản về căn bản mang tính chất “hợp lý” nhường chỗ cho sự phục tùng “trên - dưới” được thể chế hóa trong các đơn vị sản xuất, vì theo ông, không có một hệ thống xã hội nào có thể hoạt động hiệu quả mà chỉ dựa vào hệ thống tiếp xúc tự do của các bên ngang nhau về pháp lý, trong đó mỗi bên lại chỉ tuân theo lợi ích riêng của mình.

  3. Chủ nghĩa tư bản tạo ra một hệ thống chính trị và một cấu trúc giai cấp khi thì dung dưỡng, khi thì đối địch với những thể chế căn bản của kinh doanh tư nhân. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước với chính sách thuế và những chính sách kinh tế khác có thể dẫn tới chỗ làm cho giới kinh doanh tư bản chủ nghĩa không thể thu được lợi nhuận tối đa nữa, khi mà các thông số kinh tế quan trọng nhất (giá cả, tiền công và lợi tức) do những chính khách được bầu cử hay các quan chức quyết định. Chủ nghĩa xã hội là không thể tránh khỏi vì tư liệu sản xuất và những quyết định sản xuất cái gì, như thế nào, cũng như sự phân phối, đều do uy quyền công cộng kiểm soát mà không phải là do các công ty tư nhân nữa. Đối với ông, lạm phát chính là một nhân tố thúc đẩy quá trình chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, vì đấu tranh chống lạm phát không còn là công việc tư nhân của các nhà tư bản nữa, mà được tập trung vào tay uy quyền công cộng, tức nhà nước.
Schumpeter giống Mác ở một điểm căn bản: ông coi quá trình kinh tế tư bản chủ nghĩa là quá trình xã hội hóa tự nó. Nhưng quá trình đó không thể tự nó dẫn tới chủ nghĩa xã hội, mà phải có một hành vi quyết định để đạt tới chủ nghĩa xã hội. Nhưng khác với Mác, ông không coi hành vi đó phải là một cuộc cách mạng, ông đề xướng một chiến lược xã hội hóa dần dần trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Trong quá trình đó, những người xã hội chủ nghĩa chiếm lấy quyền kiểm soát chính trị đối với các cơ quan nhà nước tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn duy trì các xí nghiệp nhỏ và vừa của tư bản tư nhân do chưa chuẩn bị được đầy đủ về thể chế cũng như về tâm lý, song có thể quốc hữu hóa những xí nghiệp lớn, trước hết là các ngân hàng, các công ty bảo hiểm... Cái mới mà Schumpeter mang lại cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa là vai trò của uy quyền công cộng (nhà nước) trong sự quá độ sang chủ nghĩa xã hội. Nhưng đúng như Burkitt nhận xét, Schumpeter không thấy rõ rằng chủ nghĩa tư bản với chế độ sở hữu tư nhân của nó đã tỏ ra bền vững hơn ông tưởng nhiều, nó mạnh lên bất chấp sự xuất hiện của nhiều xu hướng mà ông đã nhìn thấy. Những can thiệp của nhà nước về kinh tế đúng là đã tăng lên, nhưng vẫn bị hạn chế khá lớn, trong khi cạnh tranh vẫn giữ được ảnh hưởng to lớn của nó. Sau chiến tranh, Galbraith tiếp tục phát triển những tư tưởng của Schumpeter, đề xướng thuyết hội tụ của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng như đã thấy, thực tế không diễn ra như ông quan niệm.

Người trực tiếp bàn tới công bằng xã hội và gây một ảnh hưởng khá rộng về mặt tư tưởng sau chiến tranh là John Rawls, tác giả A Theory of Justice (Một lý luận về công bằng), xuất bản năm 1972. Theo ông, một xã hội công bằng là một xã hội xác định được những giới hạn và những bối cảnh cho các cá nhân nỗ lực hoạt động, đồng thời đem lại cho họ một nền tảng quyền hạn, một cơ hội có hiệu quả nhất. Ông cho rằng tất cả những bất công xã hội đều bắt nguồn từ những cơ chế xã hội bất công. Nhưng khác với những người chủ trương triệt để phá bỏ những cơ chế tư bản chủ nghĩa hiện có, như những người mác-xít chẳng hạn, Rawls chủ trương một phương thức ôn hòa, dựa vào những cơ sở và những điều kiện hiện có để thực hiện công bằng xã hội từng bước. Nói chung, ông không đụng tới những nền tảng sản xuất của xã hội, mà chủ yếu bàn về những tiêu chuẩn phân phối của cải xã hội. Ông đưa ra ba nguyên tắc sau đây:

  1. Mỗi người có một hoạt động với quyền bình đẳng đối với sự tự do rộng rãi nhất, giống như sự tự do dành cho mọi người.

  2. Không một bất công nào là đúng cả, trừ phi nó có lợi cho những cá nhân bất hạnh nhất, tức là những bất công có thể đem lại lợi thế cho mọi người.

  3. Nếu có những bất công nào đó, thì đó chỉ là những bất công bắt nguồn từ những vị trí và công việc khác nhau trong xã hôi, nhưng những vị trí và công việc ấy phải để cho mọi người có thể đạt tới bằng sự tranh đua của tất cả mọi người trên cơ sở năng lực của họ (xem Burkitt, Kinh tế chính trị học cấp tiến, tr. 142).
Nói cách khác, kinh tế tư bản chủ nghĩa về căn bản không bị đụng chạm tới, chỉ có điều là nó mở ra những cơ may đồng đều để cho mỗi người có thể đạt tới những điều kiện tự do lớn nhất và sử dụng có hiệu quả nhất những năng lực của mình. Ông quan tâm tới các cơ chế chính trị của xã hội hơn là tới các cơ chế kinh tế. Ông không giải đáp câu hỏi: làm thế nào bảo đảm được một “xã hội có trật tự tốt đẹp” (well-orderred society) với sự phân phối công bằng về “của cải xã hội (social goods), trong khi vẫn giữ lại những bất công xã hội trong cơ chế kinh tế của nó. Và ở đây cũng giống như ở Schumpeter, vai trò của chính trị được thổi phồng quá mức có thể có. Theo quan niệm của Rawls, nhiều lắm cũng chỉ đi tới một “nhà nước phúc lợi” (welfare state) để mang lại những bảo đảm xã hội nào đó cho những người nghèo khổ và bất hạnh, mang lại những “cơ may đồng đều” cho mọi công dân (chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục). Nhưng tất cả những điều đó đều không thể dẫn tới chỗ thực hiện những mong muốn của ông là tự do và phát huy năng lực của mỗi người một cách có hiệu quả nhất. Có thể nói, về cơ bản, triển vọng của các xu hướng này không hứa hẹn gì nhiều hơn xu hướng xã hội - dân chủ.

Cuối cùng, cần nhắc tới cái mà G. Monson gọi là “chủ nghĩa xã hội cách mạng. Những người thuộc trào lưu này là không thuần nhất: vô chính phủ, “cộng sản tự do”, “cộng sản châu Âu” v.v... Họ phê phán cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa xã hội - dân chủ. Nhiều người trong số họ tự nhận là mác-xít, hay lêninít, nhưng không hề là stalinit. Họ chủ trương đấu tranh cho một nền dân chủ công nhân, cho báo chí, văn hóa và khoa học tự do hơn. Nhưng họ không đưa ra được một tư tưởng gì thật nhất quán và có sức thuyết phục, cũng không có lực lượng chính trị nào làm hậu thuẫn. Vị trí chính trị của họ chỉ giới hạn vào những quan sát, phân tích và bình luận. Những kết luận và dề nghị của họ thường mang tính không tưởng. G. Monson nhận xét: “Không loại bỏ rằng cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội của họ có thể được thực hiện trong một trăm năm nữa, chẳng hạn, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, họ không trả lời được phải làm gì” (bài đã dẫn, tr. 26).



[1]Theo tôi, nên dùng từ “công lý” thay cho “công bằng”, vì từ thứ nhất bao hàm một nội dung rộng hơn từ thứ hai. Nhưng từ “công bằng” đã được dùng rộng rãi, nên vẫn có thể dùng nó, với cách hiểu rộng hơn, nhất là đừng lầm lẫn với từ “bình đẳng”.
[2]Nhân đây, cũng xin nói tới một sự ngộ nhận khá phổ biến cho rằng ở phương Đông không có sở hữu tư nhân, mà chỉ sở hữu công cộng. Ở một khía cạnh nào đó, có thể cho là như vậy. Nhưng sở hữu công cộng ở phương Đông không phải là chế độ sở hữu duy nhất, và nó cũng không phải là chỗ dựa để nhà nước tổ chức thành khu vực kinh tế nhà nước như trong “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Ruộng đất công nói chung được chia theo những cách khác nhau cho mọi người dân và, trong thời hạn được chia, người dân được quyền sử dụng phần ruộng đất theo ý mình. Trong sách Mạnh tử, có nói về phép “tỉnh điền” rằng: một “tỉnh” là một vùng đất vuông mỗi chiều một dặm, rộng khoảng chín trăm mẫu, chia thành chín khu, khu nằm giữa là công điền, tám khu chung quanh chia cho tám gia đình (mỗi gia đình một trăm mẫu) làm tư điền, tám gia đình này chung sức nhau làm giúp công điền, còn tư điền thì của gia đình nào gia đình ấy làm. Như vậy, qua trường hợp có tính ước lệ này, sở hữu công cộng ở phương Đông không lại bỏ yếu tố tư nhân một cách triệt để, có thể coi đó là sở hữu nửa tư nhân. Đó là cơ sở để sở hữu tư nhân hình thành và phát triển sau này. Tất nhiên, sở hữu tư nhân ở phương Đông không mang tính chất thuần túy như ở Tây Âu. Nhưng điều đáng nói ở đây là ngay ở phương Đông, lợi ích tư nhân từ xưa đã là một động lực hoạt động kinh tế của người ta. Tuy rằng động lực ấy không nạnh như ở Tây Âu, nó cũng đã phát huy được tác dụng phần nào. Và hướng đi tới của nó là sở hữu tư nhân mà không phải quay về sở hữu công cộng. Phải nói thêm điều này vì có một số người cho rằng chủ nghĩa xã hội phù hợp với truyền thống phương Đông, điều đó thật ra chỉ đúng một nửa và đó là nửa thuộc về quá khứ.
Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.