Tủ sách talawas14.1.2006
Nhã Ca
Giải khăn sô cho Huế
Hồi ký (1969) 14 kì
Chương 5
Người ở Từ Đàm về kể chuyện
Bốn ngày liền, tôi nằm dưới hầm tối và trong bốn ngày, tôi đã phải nhịn ăn hết hai. Sáng hôm nay, đứa em gái bò lên khỏi hầm lục lọi đâu được khúc bánh tét đã mốc meo. Nó bò xuống, lột lá và cứ đút từ miệng người này cắn một miếng tới miệng người khác.
Tôi đã chán ngán tuyệt vọng lắm rồi. Trước đó vài tiếng đồng hồ, tôi có cảm tưởng cứ nhịn đói như thế này cho tới lúc mệt lả, thiếp đi, rồi đi vào một giấc ngủ vĩnh viễn thì thật là sung sướng. Dù sao cũng sung sướng hơn cõi sống mà chúng tôi đang hứng chịu. Nhưng khi nghe mùi thơm của nếp, mùi mốc của lá, và miếng bánh tét đưa đến gần, miệng tôi bỗng mở ra toác hoác, một niềm sung sướng đến hoan lạc, một hạnh phúc chất ngất khi miếng bánh đã nằm trong miệng.
Nước miếng trào ra và cứ quấn quít ve vãn quanh mùi nếp mịn và thơm ngát đến lịm người.
Không, cái chết thật là tàn nhẫn, không làm cho người ta sung sướng như tôi tưởng. Mặc kệ những tiếng nổ ình ình bên ngoài, mặc kệ tiếng đào xới ngay trên đất, như trên đầu mình, mặc kệ cái ám ảnh anh lính giải phóng trẻ tuổi gác trước cổng nhà luôn luôn đưa mũi súng nhắm quanh sẵn sàng nhả đạn. Miếng bánh trong miệng tôi như một hạnh phúc tuyệt đối mà chỉ có người may mắn nhất, hy hữu nhất, mới được bắt gặp trong đời mình một lần. Miếng bánh càng nhỏ đi, nước miếng trong miệng càng tưới chảy và không dừng được hoan lạc, ham hố, tôi nhai ngấu nghiến. Lúc đó, tôi tỉnh lại đôi chút, tôi nói như rên lên:
"Còn miếng mô nữa không, cho tui miếng nữa."
Cô em gái còn miếng bánh chót định đưa lên miệng, nghe tiếng nói của tôi liền ngừng lại:
"Anh ăn đi."
Tôi nhìn thấy đôi mắt nó hết sức buồn rầu qua ánh nến thắp tít trong góc hầm.
"Ăn đi chứ."
Tôi không kịp đưa tay ra lấy mà chỉ há miệng. Một miếng bánh nữa, một hạnh phúc tuyệt vời nữa tới. Tôi thật sung sướng quá, hai lần hạnh phúc tới chỉ cách nhau trong giây phút.
Lúc này thì tôi tỉnh người lại rồi. Tôi vươn vai, mới biết là xương sống mình nhức mỏi một cách kỳ lạ. Nhưng cùng lúc đó tôi bỗng nghe thấy tiếng đàn hát vọng xuống. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt và có cả tiếng ngâm thơ nữa.
"Ai đó hỉ?"
Em gái tôi thì thầm:
"Ôn Võ Thành Minh đó."
Võ Thành Minh, con người trào lưu cũ, của thời Phan Bội Châu, Kỳ ngoại hầu Cường Ðể, còn lưu lạc lại giữa thời đại này để chịu chung số phận với thành phố, đã làm gì vậy? Hình như hôm qua, em gái tôi cũng đã thì thầm kể cho cả nhà đang ở dưới hầm nghe về nhân vật kỳ lạ này, nhưng tôi đói lả, tôi có nghe gì đâu. Tiếng đàn lúc này nổi lên thật rõ dù tiếng đại bác vẫn ầm ầm nổ khắp nơi và mọi người trong hầm ôm chặt lấy nhau. Con em gái tôi đeo cứng ở một bên vai tôi và run lập cập:
"Kêu con Trúc xuống chớ má."
Má tôi lắc đầu:
"Kệ nó, ai mà nói nổi."
Tiếng hát tiếng đàn, tiếng ngâm thơ ngưng bặt sau một vài tiếng nổ gần đến nỗi như ngay trên mái nhà, trên đầu mình. Nhiều tiếng hô lớn:
"Xuống hầm."
Ðám người trong hầm nhích chật lại, vài người trườn xuống. Má tôi hỏi nhỏ:
"Con Trúc có đó không?"
Tiếng con Trúc trả lời:
"Con đây nì má."
Tôi nghe tiếng Trúc thì thầm với con Oanh:
"Thằng đó chạy núp trong nhà mình, chắc nó tìm chị."
Con Oanh làm thinh. Tôi đoán con Trúc ám chỉ tên lính Việt cộng gác ở trước nhà. Mỗi lần đại bác câu tới, hắn thường núp trong nhà chớ ít khi xuống hố cá nhân như đồng đội. Ngay khu nhà này có một tổ ba người coi gác và hình như hắn là tổ trưởng. Một người nào đó gắt:
"Khỉ, đừng xì xầm nữa."
Mọi người im lặng, nín thở, những giây phút căng thẳng tột cùng này, chúng tôi đã chịu đựng rất nhiều giờ qua.
Tôi biết ông Minh không xuống hầm chúng tôi. Tôi đoán ông đang núp ở một hầm nào khác. Có tiếng đàn bà khóc. Trúc thì thầm:
"Bà giáo sư Lê Văn Hảo đó. Anh nì, bà nói với em ông chồng bà biết có đánh nhau, trước Tết dặn bà mua mấy tạ gạo để sẵn."
Oanh gắt:
"Kệ mụ, cứ khóc trù trù. Răng ông chồng đi cổ động la hét cho quân giải phóng mà để vợ con chết sợ trong hầm ni rứa. Nghe nói thêm ghét."
Nhưng tôi không ác như Oanh, tiếng khóc của người đàn bà làm tôi càng thương hại. Mấy ngày tôi không dám ra khỏi hầm, sợ mấy anh lính giải phóng biết tôi núp trong hầm này. Kệ, ai bảo tôi hèn thì bảo, tôi lo lấy mạng sống của tôi trước đã.
Tuy kẹt cứng dưới hầm, nhưng chuyện xảy ra trên mặt đất tôi đều được hai cô em gái tường thuật đầy đủ. Nhà bên bác Bảy đã sập, trường tiểu học bỏ không, lính Xây dựng Nông thôn về canh gác mấy bữa Tết đã quăng súng mà chạy. Ở ngã ba nào có cờ giải phóng treo. Ông thợ may già trong xóm bị giết, xác vùi nông trong khu đất trường tiểu học Cộng đồng.
Bà Hảo, vợ ông giáo sư đang vang danh với cuộc giải phóng cố đô Huế, vẫn cả ngày khóc lóc, đi đứng không vững, đeo lấy áo ông Võ Thành Minh. Cả đến lũ con, bà cũng không đủ sức săn sóc nữa. Bao nhiêu hào hùng, bao nhiêu gan dạ, can đảm trong một người đàn bà đã bị ông chồng hút hết rồi chăng. Dù nghĩ vậy, tôi cũng không giận bà.
Khi tiếng súng thưa bớt, tôi lại nghe tiếng đánh máy chữ trên miệng hầm lóc cóc. Chắc mấy anh bộ đội vớ được máy chữ, làm ra điều quan trọng, đánh tờ trình hoặc báo cáo chăng? Không phải, tôi nghe tiếng người già ho húng hắng, rồi tiếng ông Minh gọi:
"Con Oanh mô rồi, lên đây ông nhờ chút mi."
Oanh chui lên khỏi miệng hầm, má tôi kéo lại:
"Ðừng có lên."
Nhưng con bé cứng đầu:
"Hết bắn rồi mà mạ sợ chi."
Nói xong nó đã khuất dạng. Tôi ló đầu lên theo. Má tôi ghì đầu tôi lại:
"Tui lạy anh, anh chui xuống cho."
Nhưng tôi vẫn cứ ló đầu ra khỏi miệng hầm. Bốn ngày, tôi đâu nhìn thấy mặt trời. Tôi thèm một chút không khí bên ngoài, và ao ước được nhìn thấy một ngọn lá cây lay động để còn biết được mình chưa bị cách biệt với sự sống, với cỏ cây, với mọi hơi thở. Dù ao ước vậy, tôi vẫn chả trông thấy gì hết, căn nhà thờ tối lù mù, một ngọn nến nhỏ bị che khuất sau một cái cột lớn. Oanh, cô em của tôi đã bò tới tận góc nhà, nơi ngọn nến lung lay sáng.
Tôi phải dụi mắt hai ba lần mới nhìn quen được mọi vật trong khu nhà thờ. Ông Võ Thành Minh đang ngồi trên một cái ghế bông, trước mặt là một cái ghế thấp kê bàn máy đánh chữ. Ông không đánh máy mà có vẻ ngồi ngẫm nghĩ. Oanh ghé sát mặt đọc gì trên tờ giấy. Tôi cố nhìn ra phía cửa sổ, nhưng không thấy gì hết. Cánh cửa sổ đóng kín mít. Tôi muốn bò lên ghê lắm nhưng tay má tôi vẫn túm lấy vai áo sẵn sàng kéo tôi trở vào.
Có tiếng la thét ở ngoài. Tiếng đập cửa khẩn cấp. Lúc này không đợi má tôi kéo nữa, người tôi chui xuống hầm rất nhanh, rồi chui vào cái kẹt riêng dành cho tôi. Có cái ngách nhỏ này, nếu họ rọi đèn pin xuống hầm cũng khó kiếm thấy tôi. Má tôi nhất định bắt tôi trốn, không để họ trông thấy.
Có tiếng mở cửa ở bên trên, nhiều tiếng chân vào nhà. Con Oanh chui xuống, nó lết lại phía tôi, thì thầm:
"Họ vô đầy nhà."
"Họ có hố cá nhân, vô mần chi?"
"Hết bắn rồi, họ vô nhà lục soát."
Oanh nói chưa hết câu thì tiếng chân đã đi tới miệng hầm. Một ánh đèn pin chiếu xuống, Oanh vói dúi tôi vào vách, kéo mép chiếu trải hầm che lại rồi ngồi tựa lưng vào. Tiếng người ở trên hầm vọng xuống:
"Lên hết trên nhà để kiểm soát."
Tiếng ông Võ Thành Minh hết sức bình tĩnh:
"Cả nhà lên hết đi. Toàn đàn bà con nít mà sợ chi. Lẹ lên đi."
Má tôi chui ra trước, rồi trẻ con, người lớn, bà già đều lên theo. Oanh lên cuối cùng, ánh đèn pin quét qua quét lại mấy lượt. Tim tôi như ngừng đập. Tiếng người trên hầm dõng dạc:
"Còn ai nữa, lên hết đi."
Giọng má tôi run run:
"Dạ hết rồi."
Tiếng ông Võ Thành Minh:
"Không tin mấy anh cứ xuống mà soát. Sợ hơn thì bắn vào một loạt đạn cho ăn chắc."
Tôi lạnh cả người, tay chân cố giữ mà vẫn run lập cập. Nhỡ nó bắn vào thật thì làm sao. Tôi muốn kêu thét lên nhưng tay tôi đã tự bịt kín lấy miệng mình.
"Má ơi, má ơi."
Tiếng kêu thầm trong đầu tôi đầy rẫy tuyệt vọng. Nhưng tiếng cười trên miệng hầm đã giúp tôi yên tâm đôi chút:
"Thôi, đứng sắp hàng lại đi. Anh em ai đó mở giùm cửa sổ cho sáng."
Tôi thở phào, nhưng ngực còn nặng như bị đè bởi tảng đá nghìn cân. Chưa thoát đâu. Tôi nép sát vào ngách hầm. Hơi đất lạnh ngấm vào người tôi buốt giá. Tiếng nhiều người trên nhà lao xao.
"Ðàn bà con nít hết hả. Bà ni răng khóc dữ rứa?"
"Dạ, tui bị lạc mất chồng tui."
"Ði họp hả?"
"Dạ chồng tui là ông giáo sư Hảo."
Giọng ông Võ Thành Minh:
"Chồng chị ni đi lập mặt trận Liên Minh Dân Tộc hay Hòa Bình hòa biếc chi đó mà không chịu đi đón vợ con. Các đồng chí có gặp thì nhắn ông ta về rước vợ rước con để vinh nhục cùng chịu chớ. Ông ham làm cách mệnh chi mà vợ con chết sống không biết rứa."
Giọng tên tổ trưởng nói có vẻ dịu hơn trước:
"A. Vậy ra gia đình này là của giải phóng rồi. Ðồng chí cả mà. Vậy có gì giúp đỡ cho quân giải phóng không?"
"Còn gì, chúng tôi đã đói từ mấy hôm nay rồi."
"Còn gạo không?"
"Các ông tìm mà lấy."
Tiếng một người khác nói:
"Báo cáo đồng chí tổ trưởng, ở góc kia hai bao gạo còn nguyên."
"Anh ghi có mượn ở nhà này hai bao gạo. Ghi vào sổ về sau trả lại và tuyên dương công trạng với mặt trận."
Im lặng vài giây, tôi nghe giọng quen thuộc đó nói tiếp:
"Còn hai cô này phải đi họp, chiều nay hai giờ họp ở Chùa nghe. Ðàn ông xóm này phải đi học tập hết rồi, phụ nữ cũng nên học tập đường lối của mặt trận."
"Chúng nó sợ quá rút gân rồi mần răng đi."
"À, còn cụ. Xin mời cụ đi gặp cấp chỉ huy chúng tôi."
"Cấp chỉ huy mô?"
"Cấp chỉ huy vùng này. Tôi chỉ là tổ trưởng của nhóm ba anh em chúng tôi canh gác quanh khu vực nhà này."
"Rứa hỉ!"
"Cụ đi với chúng tôi. Xin cụ mang theo mười lăm lon gạo."
"Ðem gạo mần chi rứa?"
"Ðem gạo để ăn. Học tập trong ba hôm rồi về."
"Cái chi mà phải học với tập?"
"Lấy cái bị hay cái túi mà đựng gạo. Ðem theo dư ra càng tốt."
"Họp chi mới được chớ?"
"Học tập, đã nói là học tập mà. Mời ông đi theo."
"Tao không đi."
Giọng chắc nịch bất ngờ của ông Minh làm tôi chưng hửng. Chắc từ hôm quân giải phóng tới Huế tới giờ chưa ai dám nói một câu như thế. Tôi thầm lo cho tính mệnh ông. Thấy không ai để ý đến chiếc hầm này nữa, tôi rời khỏi cái ngách nhỏ, ngồi tựa vào thành hầm. Tôi không nhìn rõ mặt tên tổ trưởng nhưng tôi nghe được tiếng hắn cười gằn:
"Ông làm chi cho địch?"
"Ðịch nào?"
"Mỹ Ngụy."
Giọng ông Võ Thành Minh ngạo nghễ:
"Nói gì tầm bậy vậy! Tao mà theo Mỹ, mi về hỏi ông Hồ Chí Minh nhà mi đã dám nói với tao giọng đó chưa. Tao không đi nghe không. Muốn mời tao họp phải có giấy Hồ chủ tịch chớ cái mặt trận giải phóng của tụi bây mà ăn nhằm gì. Tụi bây biết tao là ai không?"
Có lẽ tên tổ trưởng nể ông già gân thật, tôi không nghe hắn nói thêm gì hết. Một giọng khác đỡ lời:
"Bác đi theo chúng cháu tới gặp cấp chỉ huy. Gần đây là bộ chỉ huy mà bác."
"Không đi, muốn nói gì thì kêu cấp chỉ huy của bay lại. Tao ở đây, đây là nhà thờ cụ Phan, tui bây lạ chi mà không biết. Tao sẽ tuyệt thực, xuống ngồi dưới cầu Bến Ngự phản đối lối giải phóng của tụi bay. Tao chống cả Mỹ, cả cộng sản."
Tôi đợi một lúc mới nghe giọng ông nói tiếp:
"Còn bà Hảo, có nhắn chi cho chồng thì nhắn. Nên nhắn hắn về mang đi mà hưởng vinh quang nghe."
Tiếng người đàn bà khóc sụt sùi. Tiếng mấy người giải phóng chào và tiếng chân đi ra. Oanh và Trúc chui xuống hầm trước. Nó ghé sát tai tôi:
"Sợ không?"
Tôi không trả lời, dĩ nhiên là chúng đã đoán được tôi sợ hay không rồi. Dù tôi đã nghe hết cuộc đối đáp ở trên nhưng tôi vẫn cứ bắt Oanh kể lại. Trúc cười nhỏ nói có tên giải phóng mê chị Oanh, hắn nhìn chị chằm chằm. Mấy ngày rồi mà hắn lơ không bắt chị Oanh đi học tập. Việt cộng mà cũng biết mê gái rứa tề.
Trúc cười. Má tôi mắng:
"Ðồ con quỷ sứ. Mi cười chi rứa? Chết tới nơi mà không lo."
Như sực nhớ tới hoàn cảnh, Trúc nín bặt. Oanh kể cho tôi nghe chuyện ông Minh. Nó nói:
"Khi em lên em thấy ôn thắp đèn đánh máy. Ôn viết thư gửi ông Hồ Chí Minh, gửi tổng thống Mỹ, yêu cầu ngưng chiến. Ôn viết : Nhà thờ Phan tiên sinh ngày... tháng... năm... Khi tôi viết thư này gửi tới các ông thì trên đầu tôi máy bay rền rĩ, súng đạn gầm thét long trời lở đất, thành phố Huế chìm trong tiếng khóc than oán hận... Ôn viết rồi ôn xé, ôn đọc cho em nghe, ôn nói ôn kêu gọi cả thế giới nữa..."
"Lúc bình thường không kêu gọi, bây chừ gọi ai nghe..."
Oanh tin tưởng:
"Ê, đừng nói bậy. Ôn định kêu gọi thanh niên sinh viên xuống cầu ngồi tuyệt thực phản đối nữa."
"Phản đối ai?"
"Thì phản đối chiến tranh là vô nhân đạo, là tàn ác, không có chính nghĩa nào ở chiến tranh hết."
Câu nói của cô em gái thật bình dị, ngớ ngẩn như làm tim tôi thắt lại. Mấy hôm nay thành phố có bao nhiêu người chết, bao nhiêu kẻ bị thương. Xác chết sình thúi trong nhà, phơi ngoài đường không ai chôn cất. Rồi những người đi học tập đợt đầu chưa thấy ai về hết. Họ còn sống hay đã chết rồi? Tôi nghĩ mà thương cho ông già thổi sáo bên bờ hồ Genève ngày nào. Ông phản đối việc chia da chẻ thịt cắt đất nước Việt Nam. Nhưng rồi chỉ một mình ông, tiếng kêu trở nên nhỏ bé. Bây giờ tiếng kêu ấy lại cất lên còn yếu ớt thêm biết bao nhiêu nữa!
Một lúc sau tôi lại nghe tiếng lóc cóc đánh máy. Suốt cả ngày, mặc bom đạn, mặc đói khát, ông vẫn cứ ngồi bên bàn máy đánh chữ với ngọn nến mù mờ. Buổi chiều có mấy thanh niên chạy tới trú ẩn, ông cùng với họ đào hầm.
Tiếng cuốc đất thình thịch, tiếng máy bay liệng trên bầu trời. Khi tiếng máy bay vừa đi xa thì lại tiếng đại bác câu tới.
Cứ mỗi lần nghe có tiếng máy bay nào bay tới gần là súng trường, súng tiểu liên, đại liên lại bắn như mưa lên bầu trời. Các anh giải phóng núp ở hố cá nhân kháo nhau là hạ được nhiều máy bay lắm, nhưng kỳ thực tôi chả nghe tiếng động nào gần khu vực tôi ở để có thể tưởng ra có một chiếc máy bay rớt.
Buổi tối, mặc bên ngoài súng bắn như mưa, súng lớn nhỏ nhắm bắn máy bay, mặc trời mưa tí tách lạnh buốt, mặc bom đạn, mặc hỏa châu, ông Minh gọi hết thanh niên lên nhà, ngồi đánh đờn và ca hát. Tôi mặc má tôi năn nỉ khóc lóc cũng chui lên khỏi hầm nhập bọn. Ông Minh thật giỏi, không biết ông thổi được nồi cơm từ lúc nào. Ăn cơm với nước mắm kho mặn mà sao ngon thế, tưởng cả đời mình chưa có bữa cơm nào ngon hơn. Giọng ông Minh vẫn tin tưởng:
"Mình cứ kêu gọi hòa bình, cứ kêu gọi thế giới. Ngày mai tao viết thư gửi nữa. Tao tổ chức tuyệt thực phản đối Mỹ, phản đối Việt cộng, đứa nào dám theo không?"
Mọi người ngồi nhìn nhau, nửa muốn hưởng ứng vì thấy giọng ông đầy hăng hái, nửa muốn phì cười vì đầy tính chất mỉa mai khôi hài. Còn tôi, lúc đó chỉ muốn được yên thân, quốc gia hay cộng sản lúc này chả có tý nghĩa lý gì hết nếu tôi không sống được.
Cả thành phố Huế đang dẫy chết, đang kêu than. Cả thành phố bụi mù bom đạn. Vậy mà những buổi học tập của các anh giải phóng, theo lời các em tôi kể lại thì không còn màn trình diễn nào khôi hài tài tình hơn. Học tập về đường lối đảng, về hòa bình trong lúc bên ngoài sân, sau vườn đầy tiếng kể tội, tiếng hô giết bỏ, thủ tiêu, tiếng rú não nùng của người dân vô tội. Hắn làm công chức? Hắn làm bồi sở Mỹ. Tội nặng chất ngất mây xanh. Giết. Một loạt súng, những xác người dãy dụa với bao nhiêu tội lỗi mà không hiểu, không nhắm mắt được.
Thấy chúng tôi tần ngần nhìn nhau, ông Minh lại nói:
"Tụi bây không đi, tao đi một mình. Tao đi đánh lại cái đơn."
Nhưng rồi ông chưa đánh đơn lại vội. Ông lại bày trò ca hát, đánh đờn. Sợ mà tới khi chết cũng chết. Cứ ca hát, ngâm thơ cho đỡ sợ hãi.
Rồi ông lại đề nghị:
"Ðứa nào có ống sáo không? Tao thổi lại bài hồi xưa tao thổi bên bờ hồ Lơ Man ở hội nghị Giơ Neo."
Chả có anh nào dám mò đi lấy ống sáo cho ông thổi. Cả bọn ngồi sát góc tường dày nhất sát miệng hầm để nhỡ có gì thì chui xuống hầm cho nhanh. Trời bên ngoài mưa rả rích, chúng tôi ngồi sát nhau mà vẫn thấy lạnh run.
Ðại bác vẫn câu lên đều đều. Có tiếng anh chàng giải phóng trẻ tuổi hỏi vọng vào:
"Sao không chui xuống hầm mà đàn hát ồn ào thế? Ðịch nó biết nó thả bom xuống đó."
Chỉ có ông Minh dám trả lời:
"Cả thành phố chỗ nào mà chẳng có bom đạn. Chú em có muốn sống mấy phút cuối cho vui thì quăng súng đi, vô đây ca hát chơi."
Anh chàng giải phóng bên ngoài im bặt. Mấy sinh viên kể chuyện thì thầm về anh chàng này, cho biết mấy hôm nay hắn có vẻ trầm tư lắm. Chắc hắn đã nhìn thấy cảnh máu đổ thịt rơi và động lòng chăng. Ông Minh cười:
"Con người cộng sản làm gì có tình cảm. Chúng nó chỉ có mục đích là thắng, diệt, tiến tới. Tao ở với chúng nó lâu rồi tao biết."
Ông nói thêm:
"Phải nhìn nhận chúng nó tổ chức giỏi nhưng về mặt tình cảm thì bết lắm."
"Vậy ông là người quốc gia rồi."
"Tao không ủng hộ Mỹ, tao không chịu cộng sản. Tao chống lung tung hết."
"Ông chống một mình."
Dưới ánh nến, khuôn mặt ông Minh rắn chắc lại và nổi lên nhiều đường nhăn, ông nhìn về phía bệ thờ cụ Phan. Tiếng súng bên ngoài lại nổ. Họ tấn công chăng? Ðánh nhau chăng? Thà đánh nhau khốc liệt đi để hoặc chúng tôi sống hoặc chết. Cứ ngồi dưới hầm, nghe các em nghe mạ tôi kể lại những người chết bên ngoài tôi như ngồi trên đống lửa đỏ. Tôi cũng không cần biết sự trốn tránh chui nhủi như thế này có hèn không nữa.
Có tiếng động ở cửa hầm, bà Hảo lại bò ra nhìn ông Minh, khóc:
"Ôn ơi, đêm ni coi bộ dễ sợ quá."
Một giọng thì thầm bên tai tôi:
"Không biết ông giáo sư của chúng ta lúc này đang làm gì. Chắc đang họp cách mệnh với cách miệng."
"Ông mà bắt được mày chắc ông chả nhớ tình thầy trò nữa đâu."
Ông Minh dỗ cho người đàn bà đi xuống hầm. Tôi lần mò ra tới cửa nhìn ra ngoài bóng đêm. Bóng đêm nặng nề dầy đặc những bí mật, những đe dọa chết chóc, u uất tử khí. Nhưng tôi cũng hình dung ra được ở góc nào là cái bể nước, ở góc nào là hàng chè tàu, góc nào là khóm mía. Những lá cây đen bóng lung linh như kêu gọi tôi tưởng tượng đến đủ thứ. Giá lúc này tôi được hòa mình vào bầu trời đêm, được đứng trước sân ngẩng mặt lên trời hứng những giọt mưa đầu xuân mát rượi, ngọt lịm. Giá tôi được đi dạo trong khu vườn rộng này một mình như những tối mới trước Tết đây, dạo trong vườn và ngửa mặt nhìn bầu trời đen để tưởng tượng ra khuôn mặt người yêu.
Có tiếng động ở ngoài vườn. Tiếng chân người di chuyển. Chắc các anh giải phóng đang liên lạc với nhau. Khu vườn đất mịn màng trải đầy lá cây khô còn đâu nữa. Tất cả đã bị đào xới thành những hầm hố, hoặc bị cày nát từ lâu vì những mảnh đạn. Một thân cây nào đó trong vườn gẫy mắc qua mắt tôi. Cây vú sữa, cây mãng cầu hay cây nhãn lồng gì đó. Tôi đoán ra sự không còn nguyên vẹn của khu vườn, và ao ước một buổi sáng còn sống để đi ra vườn, đi ra cổng nhìn con đường, nhà cửa quen thuộc.
"Ngày mai tao không thể ở nhà được nữa. Người chết nhiều rồi, tao phải đi tải thương, đi cứu trợ. Tụi bây đi với tao hí."
Tôi không nghe tiếng một cậu nào trả lời hết. Có mấy thanh niên ở trong nhà này, nhờ sự bướng bỉnh cứng rắn của ông Minh mà chưa bị họ bắt đi. Tôi nghĩ tại vùng này vẫn còn ở trong sự kiểm soát của họ, sinh mạng người dân còn chặt trong tay họ, họ chưa ra tay đó thôi. Em tôi kể: họ đem rất nhiều người ở xóm khác về rồi tuyên án thủ tiêu, xử tử ngay tại đây. Những xác chết được vùi lấp vội vàng không có một tấm chiếu để gói.
Ðã đến giờ cú rúc. Tôi đi lùi lại. Ông Minh nói thôi giải tán rồi thổi phựt ngọn đèn. Các thanh niên sinh viên khác về hầm ngủ. Chỉ có ông Minh không chịu ngủ hầm. Tôi thận trọng bò vào hầm, bò qua má tôi, các em tôi rồi nhiều chân người khác nữa mới tới cái ngách hầm, nơi trú ẩn mà đối với tôi lúc này là an toàn nhất. Tôi vừa mệt mỏi, vừa chán nản nên đặt mình xuống là ngủ ngay.
Sáng ngày ra, tôi nghe tiếng lao xao trên miệng hầm. Mọi người đã ra ngoài hầm hết. Tôi định chui ra nhưng má tôi la: Khoan đã. Trúc chui vào báo cho tôi biết từ sáng tới giờ không thấy đại bác câu tới nữa. Quân giải phóng cũng rút lên phía nghĩa địa, chỉ còn một số canh giữ từ dưới cầu lên khỏi dốc thôi.
Ông Minh nói chuyện rất lớn giọng:
"Chắc chúng nó đi tập hợp gì đó."
Một lúc sau Trúc xới cho tôi một bát cơm và dặn đừng có lên. Bên kia trường học, mấy thanh niên bị họ bắt lên trên đó hết rồi. Tôi hỏi mấy thanh niên sinh viên bên kia hầm thì sao. Trúc cho biết họ đã tản mát hết, ông Minh đã lo sẵn chỗ núp cho họ. Tôi nghĩ tới tiếng đàn tiếng hát giữa trưa, giữa đêm. Mấy anh giải phóng gác ở bên ngoài biết tê đi là bên trong nhà thờ có thanh niên trú ẩn. Nhưng tôi cũng chẳng lo lắng lâu hơn nữa vì tôi nghe thấy tiếng lợn kêu và tiếng mọi người lao xao. Một con lợn bị giết. Bữa cơm trưa này chắc sẽ có món ăn ngon. Giữa lúc này mà có một miếng thịt lợn thì thật là may mắn, món ăn cao lương mỹ vị sang trọng quá chừng.
Tôi nhấp nhỏm ở miệng hầm:
"Má, ai mần thịt heo rứa?"
"Khỉ, vô trong đi."
"Thịt heo há má?"
"Bên nhà chị Tính, ôn Tôn mần heo đó. Chút nữa chia một ít kho để dành ăn."
Tôi reo như trẻ con:
"Má nhớ lấy phần ít mỡ kho mặn nghe má."
"Thôi khỉ, vô đi, chết đến nơi mà không lo, ăn với uống."
Tuy nói vậy nhưng má tôi cũng lần mò sang nhà bên cạnh để chia một phần thịt heo. Trưa hôm đó tôi nằm dưới hầm ngửi mùi thịt kho thơm phức muốn ngạt cả mũi. Tôi quên hết mọi khổ ải, mọi lo sợ. Cứ thế này chắc sắp yên ổn rồi. Từ sáng tới giờ thỉnh thoảng có vài tiếng đại bác câu rất xa, như ở phía Trúc Lâm, Tây Thiên gì đó. Xa lắm mà.
Nồi thịt như thấm mặn thật lâu, sự chờ đợi làm tôi bồn chồn cả ruột gan nhưng cũng làm cho tôi thêm phần sung sướng. Trúc hích tôi:
"Anh ngửi mùi thịt mê chưa? Em nghĩ tới lúc miếng thịt... ngon lắm hỉ?"
Tôi chưa kịp phát biểu ý kiến thì Oanh thò đầu vào:
"Ê, họ về đông lắm. Họ đào thêm hầm hố và chia giữ các ngã đường, các vườn."
Trúc trầm ngâm:
"Sáng họ rút rồi mà."
"Họ mang theo nhiều súng đạn lắm. Có cả xe bò chở đạn nữa. Ðậu ngoài ngõ mình a tề."
Rồi giọng nó run run:
"Dễ sợ lắm anh ơi, khi hồi em chui qua nhà ông Tôn coi chia thịt heo với má, thấy có con chó tha khúc tay hay chân chi của trẻ con, nó gặm thịt sống. Thấy rứa em sợ thịt heo quá trời."
Trúc kêu lên:
"Dễ sợ." Rồi nó co người lại: "Rứa mà chị cứ chạy qua ôn Tôn được."
"Mô có. Tao sợ quá tao nhảy lùi lại. Nghe tiếng động, tên lính giải phóng canh ở ngoài chạy vô bồng súng định bắn. Tao sợ quá la lên. Hắn thấy con chó đang nằm gặm xương, hằm hè nhìn, hắn nhăn răng cười rồi hỏi có muốn qua bên đó tui dẹp đường cho. Tao sợ quá làm thinh. Hắn nói: Cô đừng sợ, chắc con chó tha ở đâu đến đó. Rồi hắn cầm đá liệng con chó cong đuôi chạy mất, cái khúc thịt đó còn ở nơi bụi đó, dễ sợ quá chừng."
"Hắn noái chi với chị nữa khôn?"
"Hắn nhìn chị. Chị vừa sợ vừa dị. Dị òm rứa thê. Rồi hắn noái: Cô sợ tui lắm hả? Tao phải noái: Dạ sợ chi mà sợ. Không biết mần răng hắn cũng mần thinh luôn. Rồi lủi đi ra cửa lại. Tao chạy một mạch vô nhà. Khi hồi má bắt tao xắt thịt heo để kho, tao buồn mửa mấy lần."
Oanh vừa nói vừa đưa tay che miệng muốn oẹ. Mùi thịt kho vẫn bay vào quyện lấy mũi tôi, hết sức hấp dẫn. Câu chuyện của Oanh chả làm tôi gớm sợ mùi thịt kho chút nào. Ðã lâu rồi, không ngày nào tôi được ăn no, có ngày nhịn đói nữa.
Oanh cầm tay tôi nói:
"Anh nghe cho coi, họ đào hầm đó."
Tôi nghe tiếng cuốc đất, tiếng chân người đi lại. Tiếng mệ Khái nói đóng hết cửa ngõ. Tôi nghĩ thầm, đóng kín cửa để che người nhưng đâu có che mùi thịt kho. Dám mấy anh giải phóng vào thăm vì mùi thịt kho lắm. Tôi cũng không nghe tiếng ông Minh nữa. Em tôi cho biết ông đã tải cái bị gạo leo xe đạp đi từ hồi sáng rồi. Chúng nói ông đi phát gạo. Một lúc có tiếng người ở ngoài vọng vào:
"Các mẹ giải phóng làm ơn tắt giùm bếp, sợ khói máy bay nó biết nó bắn."
Má tôi cũng là mẹ giải phóng rồi đó. Bếp tắt cái rụp nhưng mùi thịt kho đâu có tắt nổi. Tôi tưởng tượng ra nhiều cái miệng đang nuốt nước bọt xuống cổ. Tôi lại ló đầu ra:
"Má, chín thịt rồi chớ má?"
"Khỉ, vô đi. Ðể cho nó thấm chút đã nào. Con Trúc mô rồi, ra lấy nồi cơm nguội khi hôm ra đây hâm lại mà ăn."
Trúc vừa dợm dậy thì có tiếng hô to ở bên ngoài:
"Xuống hầm hết, máy bay tới."
Khi tiếng hô vừa mới gióng lên tôi vẫn thấy bầu trời êm tịnh, vậy mà liền đó đã có tiếng máy bay ào tới, phút chốc đã ở trên đầu rồi lượn vòng. Chỉ mấy phút sau rốc két bắn xuống như mưa. Mọi người tràn xuống hầm hết. Một con chó mực mắt xanh lè cứ hầm hè muốn chui xuống hầm. Mệ Khái phải cầm con dao liệng kêu cái kẻng, con chó mới chịu chạy ra lối khác.
Tiếng rốc két bắn như mưa, đạn như đang trút xuống đầu chúng tôi vậy. Chúng tôi ôm chặt nhau, người này sát vào người kia như tìm thêm ở nhau chút nương tựa. Có tiếng sụp đổ phía trước, phía sau, có tiếng kêu khóc ở nhà bên cạnh, tiếng hô của các anh giải phóng, cả tiếng thét lên như bị cắt họng nữa. Lúc nẫy, con heo bị chọc tiết cũng kêu lên bi thảm như thế, sao tôi chả thấy gì cả.
Ầm một tiếng. Có nhiều miếng ngói lở, rồi tiếng bụi cát rơi rào rào. Tiếng hô, tiếng gọi nhau của mấy anh giải phóng ở ngoài vườn. Tôi nghĩ chắc họ có nhiều người bị thương lắm. Một lát sau, tiếng súng dưới đất bắn trả kịch liệt. Tiếng đạn từ trên trời trút xuống cấp bách hơn. Tôi chìm đi, tai ù, ngực như nghẹt thở và cứ nằm bẹp dí ở góc hầm, tay chân không còn cất lên được nữa.
Ðộ hai phút sau thì tiếng súng trên trời thưa dần mà máy bay cũng đi mất, chỉ còn tiếng súng dưới đất bắn lên thì vẫn đì đẹt nổ thêm vài phút nữa, cho tới khi có lệnh truyền:
"Ngưng."
Tiếng ngưng đi từ góc vườn này qua góc vườn khác, vang vang trên mặt đất và tiếng súng cũng tắt dần, dồn về vài tiếng lẻ trước khi ngưng hẳn. Má tôi dặn không được đứa nào trồi lên miệng hầm hết. Có tiếng đấm cửa:
"Có ai trong nhà ra công tác giùm."
Tôi đoán chắc lại bắt đi khiêng xác chết, xác bị thương. Má tôi ra dấu cho mọi người im lặng. Nhưng không được, cánh cửa bị báng súng dọng mở toang, nhiều tiếng chân đi vô nhà:
"Tất cả lên khỏi hầm hết."
Má tôi lên trước, rồi tới mấy bà già, mấy chị đàn bà ôm con. Trúc ở lại với tôi, còn Oanh cực chẳng đã phải chuồi lên. Một bà già đưa cho nó đứa nhỏ mới đầy năm, mẹ nó đã chết từ hôm tiếng súng đầu tiên nổ. Oanh bọc kín đứa nhỏ trong tấm khăn bông, run rẩy lên khỏi miệng hầm. Tôi nghe tiếng đàn ông hỏi:
"Ai không có con dại?"
Hình như vài chị đàn bà phải đi. Có tiếng anh chàng giải phóng trẻ tuổi vẫn gác ngoài ngõ nói:
"Cô này mới đẻ dậy, đang yếu."
Vậy là thoát được rồi. Hú hồn cho con Oanh. Một lát sau tôi thấy nó bế đứa nhỏ xuống, tay chân nó vẫn như còn run rẩy. Tôi đỡ đứa bé cho nó và mừng thầm là đứa nhỏ đã ngoan ngoãn không khóc. Tôi nào ngờ nó thiếu sữa, đói lả, không còn sức để khóc nữa. Bởi lẽ ấy, đêm đêm, nhiều khi tôi nghe tiếng trẻ khóc nhỏ, yếu ớt như tiếng mèo kêu.
Tôi hỏi Oanh:
"Chúng nó bắt những ai?"
Giọng tôi hỏi thật nhỏ, nhưng Oanh đưa tay ra dấu ngăn tôi lại. Tiếng chân đi ra khỏi nhà. Vừa lúc đó, tôi nghe như có tiếng xe đạp đỗ ở ngoài sân, rồi giọng ông Minh vào gần dần:
"Răng? Ở nhà có ai bị chi không? Tao lo quá."
Tiếng người đàn bà vợ ông giáo sư Hảo khóc thút thít. Tiếng má tôi tường thuật lại chuyện nhà. Giọng ông Minh vẫn rổn rảng:
"Coi, xuống hầm hết đi, máy bay tới chừ đó. Các nơi nát hết rồi. Chắc quân bên này đang dàn trận vào thành phố."
Tôi lắng tai nghe. Giọng ông Minh hơi nhỏ xuống:
"Tởm lắm. Tao đi từ dưới đường lên đây mà gặp đầy xác chết. Tụi họ không rứa bây. Chết trong hố, chết bên cạnh tường, chết nằm sấp mặt xuống đường. Tao đi từ ngoài ngõ vô đây mà thấy đầy máu. Tao cứ kêu trời: Ôi thôi, xong rồi, ở nhà còn chi nữa. Khi vô nhà, thấy tụi nó đi ra theo lối sau vườn. Răng, không có ai bị thương chớ?"
Tôi ló đầu lên, hỏi:
"Ôn, tình hình bên ngoài ra răng?"
"Tao gặp bọn chỉ huy của chúng nó rồi."
Ông cười, móc ra cái giấy:
"Nó rủ tao ghê lắm, nhưng tao bảo tao chống lung tung hết. Tao không sợ bên nào. Mục đích của tao lúc này là đi cứu thương, đi phát gạo, cứu được ai thì cứu. Cái thằng chỉ huy vùng ni, nó có vẻ khôn lanh lắm. Nó cấp cho tao cái giấy đi đường, đi trong vùng họ kiểm soát lúc mô cũng được. Ðây nì..."
Ông đưa cái giấy về phía tôi. Nhưng má tôi đã nạt:
"Thằng ni thiệt, xuống dưới nớ ngồi không mi? Thôi ôn ơi, hay ho chi giấy tờ quỉ nớ mà khoe. Có nó thêm mệt."
Ông Minh cười đôn hậu:
"Tau đã noái tau là người quốc tế mà. Cộng sản cũng không làm chi được tau, tụi bây thấy khôn?"
Tôi tò mò muốn đọc tờ giấy đó lắm nhưng má tôi đã nhìn tôi gằm gằm. Sợ bà buồn tôi vội chui xuống hầm. Oanh lại thò đầu lên:
"Ôn mần rằng mà tải thương đó ôn?"
"Tau đặt họ lên xe đạp đẩy đi. Nhà thương bỏ hoang rồi, tau đưa đại họ vô mấy trạm cứu thương bắt băng bó. À này Oanh, mi tìm cho tau mấy thằng sinh viên y khoa. Quanh mấy nhà này, tau biết tụi nó trốn thiếu chi. Mi đi liên lạc dùm hỉ?"
"Ông nội con cũng không dám. Ra ngoài cho bị đạn chết hả?"
"Con ni nhát quá, thôi để tau lo."
Tiếng má tôi bỗng la lên thảng thốt:
"Thôi rồi..."
"Chi rứa?"
"Thôi rồi, chết rồi..."
Giọng Oanh hốt hoảng:
"Chi rứa má?"
"Trách thịt kho..."
Tôi không dằn được, tranh với Oanh thò đầu lên khỏi miệng hầm:
"Răng má?"
"Ðổ bể hết rồi, còn chi nữa..."
Tôi nhìn lại phía bếp dầu, ngay trên trần nhà, một mảng ngói bị vỡ, trách thịt bằng đất cũng vỡ, những miếng thịt trộn lẫn với gạch cát nằm lăn lóc. Từ nãy giờ mãi căng thẳng vì nhiều biến cố dồn dập, tôi cũng quên mất hẳn nồi thịt kho. Ðến bây giờ thì thôi hết rồi. Thấy mấy mẹ con tôi tiếc ngẩn ngơ, ông Minh cười:
"Ôi, tiếc chi mấy chút đó. Tau có hái về mấy trái su đây nì. Tau lên thấu trên rẫy chớ chơi mô."
"Ôn lên thấu trên đó. Trời, trên đó ra răng ôn?"
"Thì ai vẫn ở yên nhà đó. Họ đóng hẳn trong nhà dân à nghe. Có mấy cái nhà dưới độn bỏ không, tau thấy mấy dàn su ngon quá. Tau hái được nhiều lắm, phát hết rồi, còn mấy trái đứa mô lấy thì lấy."
Oanh reo lên:
"Ðẹp quá. Trái su đẹp quá."
Tôi chả thấy trái su đẹp đẽ gì. Nồi thịt đã vỡ, nhưng mùi thịt kho vẫn còn phảng phất. Tôi nuốt nước miếng và buồn bã chui xuống.
"Anh tiếc nồi thịt lắm hả?"
"Ờ."
"Em thì chỉ thích yên cho rồi. Mấy bữa, họ nói chỉ ở chơi với dân một tuần lễ, răng họ ở lâu rứa?"
"Ai biết đâu đó, con nhỏ này thật tin người."
Oanh lại nói tiếp:
"Mấy ngày đầu, mấy cô cán bộ tập xe đạp vui quá, mà họ chả biết chi hết anh hí, đồng đội của họ chết rần rần mà họ cứ giỡn hớt vui chơi như không. Mấy hôm đầu, mấy cô nói với em sẽ tổ chức văn nghệ liên hoan nữa, rồi họ tổ chức chi mô!"
"Bắn nhau như mưa rứa mà liên hoan chi."
"Mà họ xử tử người ghê quá anh. Em thấy họ bắn hai học sinh hay sinh viên chi đó trong vườn bác Bốn tề. Ðể em kể cho nghe. Chính cái tổ trong vườn mình bắn chứ ai. Em nghe cái thằng nhỏ nhỏ ngoài cổng hay nhìn em đó, nó noái có xử thì để cấp chỉ huy hay tòa án nhân dân xử, đừng có thủ tiêu. Mấy tên kia nói đồng chí chỉ có tinh thần chủ bại. Rồi họ bắn. Trời ơi, em nhắm mắt."
Oanh nói gì thì nói, tôi vẫn còn tiếc nồi thịt kho. Gần tuần lễ ăn kham khổ bữa đói bữa no, bao tử tôi như đã teo lại. Tôi nằm mọp xuống chiếu miệng sùi bọt mép. Cơn đói lại kéo tới hành hạ làm tôi khổ sở điêu đứng. Con gái nhịn đói thật tài, Oanh và Trúc bữa ăn bữa không mà vẫn tỉnh như sáo sậu. Còn tôi sắp phải thiếp đi rồi đây.