Tư tưởng thực hiện một xã hội chủ nghĩa không Cộng sản [1]
Danh từ Cách mạng Xã hội không Cộng sản chỉ xuất hiện từ 1964. Do tình thế bế tắc lúc bấy giờ, trước một cuộc nội chiến tương tàn, không lối thoát, nhiều trí thức thất vọng với cả hai phía. Một phía, chủ thuyết Mác-Lê với thuyết duy vật đã tỏ ra lỗi thời. Những kinh nghiệm quá khứ cho thấy chủ nghĩa đó quá bạo tàn và khắc nghiệt, bằng vào những gì đã xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nội bộ các nước này chia rẽ, như trường hợp Liên Xô và Trung Quốc. Về kinh tế, các nước phe XHCN đều rơi vào tình trạng lạc hậu, thụt lùi. Phía kia, chế độ tư bản duy trì cơ cấu bóc lột, chỉ là chuyển từ hình thức thực dân cũ sang thực dân mới. Tư bản Mỹ duy trì tình trạng chiến tranh ở VN mà nguy cơ là chắc chắn không thể thắng được. Vì cả hai phía đều đầy nhược điểm, nhiều trí thức không chấp nhận cả hai khối Tự do và Cộng sản và cho rằng có thể có một đường lối thứ ba. Họ tin rằng có thể thực hiện một cuộc cách mạng xã hội bên ngoài đường lối Cộng sản.
Theo Lý Chánh Trung, các nước Á, Phi và Châu Mỹ La Tinh chỉ có thể thoát khỏi tình trạng tủi nhục của sự lệ thuộc, đói rách, thối nát, bất ổn khi nào có can đảm thay đổi toàn diện những cơ cấu mục nát do chế độ thực dân để lại, dám thắt lưng buộc bụng, tạo dựng những cơ sở vững chắc, hầu có thể tự mình giải quyết những vấn đề của mình, nghĩa là phải phá bỏ cơ cấu bạo động bóc lột do thực dân để lại. Trong lời mở đầu cuốn
Cách mạng và đạo đức, ông viết: “Tại các nước chậm tiến, cách mạng xã hội là một vấn đề sanh tử, một vấn đề danh dự.”
[2]
Tại miền Nam, thay vì làm cách mạng xã hội, người ta chống Cộng. Nhưng thật ra, chỉ có một cách chống Cộng hữu hiệu nhất là làm cách mạng xã hội. Nhà cầm quyền và các đảng phái đều chỉ biết chống Cộng, nhưng lại duy trì cơ cấu thối nát thay vì làm cách mạng cơ cấu.
Không thể tin tưởng vào những giải pháp quân sự hay sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Người Mỹ không có chọn lựa nào khác là phải có một chiến thắng quân sự, nhưng chưa đạt được gì, vì vậy sẽ phải leo thang chiến tranh, đổ thêm quân, thêm chiến cụ. Tình thế sau này cho thấy người Mỹ càng lún sâu vào chiến tranh VN mà không có lối thoát. Phía chính quyền và các tướng lãnh miền Nam cũng chỉ có một con đường là tiến hành chiến tranh cùng với Mỹ. Họ để cho thôn quê bị tàn phá, thành thị xáo trộn, mất chủ quyền, đảng phái chia rẽ, phân hóa hoặc làm bù nhìn. Chính quyền tỏ ra yếu ớt, bất lực không giải quyết được những nan đề xã hội đặt ra. Vì vậy, miền Nam chỉ còn một lối thoát là làm cách mạng xã hội không Cộng sản. “Muốn có một chính quyền mạnh, vừa phải đối phó với Cộng sản, vừa phải độc lập cả với Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải được lòng dân và dựa vào dân. Muốn có hậu thuẫn trong dân chúng, phải làm Cách mạng Xã hội.”
[3]
Nhưng ai có thể làm cuộc Cách mạng xã hội đó? Các tầng lớp lãnh đạo, giai cấp thống trị quan liêu dựa vào thế lực ngoại quốc, thành phần trung gian cấu kết với tư bản ngoại quốc đều không thể. Chỉ có thể kỳ vọng vào giới trí thức trẻ, giới chuyên viên, giới sinh viên học sinh miền Nam, những người chưa biến thành lớp trưởng giả thành thị, chưa bị thoái hóa, để đảm nhận vai trò lịch sử đó.
Nhiều người đã tự hỏi Cách mạng xã hội không Cộng sản là lý tưởng hay ảo tưởng. Liệu có phải mục đích đặt ra là lý tưởng, nhưng cách thực hiện có thể là ảo tưởng? Ðã có khá nhiều khuynh hướng chia rẽ nhau về làm thế nào để làm cách mạng xã hội. Tôi dám gọi hiện tượng sinh viên tham gia các công tác xã hội là giai đoạn của một ý thức mới, ý thức của người trẻ trước hiện tình đất nước, dân tộc.
[4] Có hăng say, có lý tưởng, có va chạm thực tế để nhìn tận mặt thực trạng xã hội VN. Và họ, những thanh niên đó, là một thế hệ trí thức mới. Không thể phủ nhận được điều đó. Vấn đề đặt ra là có nên chủ trương phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, trước khi làm cuộc cách mạng xã hội? Và phải chăng các phong trào trên chỉ là một ảo tưởng của giới trí thức trẻ? Chẳng hạn, khi thanh niên thời ấy lao vào các công tác hè, Du ca thì đó có phải là một ảo tưởng Cách mạng không? Họ có ảo tưởng làm cách mạng xã hội, trong khi thực sự họ đang phục vụ cho một thể chế, một guồng máy chính quyền không phải là cách mạng? Phải chăng, trước hết, họ phải làm cuộc cách mạng giải phóng, phải có chủ quyền thì mới có thể nói đến làm cách mạng xã hội được?
Dù sao, quan điểm của giới trí thức thiên tả cũng giúp soi sáng một lối ra cho Việt Nam. Ngoài giải pháp quân sự, còn có một con đường thứ ba để có thể thoát khỏi guồng máy chiến tranh đã nghiền nát bao nhiêu thế hệ thanh niên vào cái chết vô ích. Người ta không thể đánh nhau mãi. Phải tìm một giải pháp mới. Phần đông giới trí thức Việt Nam ở Âu châu, do chịu ảnh hưởng của thành phần thứ ba này, chủ trương một lập trường trung lập (Position neutraliste), không Cộng sản (non communiste).
Vào năm 1968, Liên đoàn Sinh viên và Thợ thuyền ở Paris tuyên bố:
“Le peuple Vietnamien ne veut pas la paix que les communistes voudraient lui imposer. Il veut la paix dans la dignité humaine. Il veut, en même temps, une profonde révolution sociale pour assurer l’avenir de la République Vietnamienne.”
(Tạm dịch: “Người dân Việt không muốn có một nền hòa bình do người Cộng sản muốn áp đặt. Họ muốn có một nền hòa bình trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Ðồng thời, họ muốn có một cuộc cách mạng xã hội sâu rộng để bảo đảm tương lai nền Cộng hòa của Việt Nam.”)
Quyết nghị trên đã được khoảng 500 sinh viên có mặt ở Mutualité đồng ý. Trên những tấm pancartes, người ta đọc thấy những câu như “Révolution sociale, oui, communisme, non.” [Cách mạng Xã hội, đồng ý, chủ nghĩa cộng sản, không].
C. Trí thức thiên tả và ảo tưởng trí thức
Người trí thức thiên tả có khuynh hướng dễ rơi vào chỗ chỉ nói suông mà không làm, sợ dấn thân, sợ dính vào những hành động cụ thể vì đụng chạm đến quyền lợi tinh thần hay vật chất mà họ đang thừa hưởng. Người trí thức khuynh tả cũng như mọi người. Có một cái đầu và một cái bụng. Chính cái bụng nuôi cái đầu. Cái đầu có thể lên tiếng, nhưng dạ dày không lên tiếng. Quyết định cuối thường thuộc về cái bụng. Người trí thức chùn bước, nói mà không làm, nói mà sợ, mà run. Tệ hơn nữa, họ đi tới chỗ giả vờ, hai mặt, nói một đằng làm một nẻo. Ðó là những người trí thức salon, trí thức phòng trà. Nhẹ thì cũng rơi vào ảo tưởng trí thức, ảo tưởng chính trị. Nhờ thứ ảo tưởng này, họ vẫn ăn no, mặc đẹp, vẫn hưởng thụ thành quả của chính sự bóc lột mà họ đòi hủy bỏ. Ðồng thời họ tạo được một thứ lương tâm yên ổn như thể đã làm xong, đã chu toàn công việc. Ðó là thái độ “rửa tay của Pilate”, của những người có bàn tay sạch. Ảo tưởng của trí thức khuynh tả là họ kết án chiến tranh, nhưng vô tình, họ vẫn thừa hưởng tất cả những gì mà cuộc chiến đó đem lại cho họ. Ðể chứng minh, xin trích dẫn một vài đoạn trong một số bài hát (năm 1965):
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo…
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Ở một chỗ khác:
Khoác áo mầu đen mặc mầu dân tộc
Chiếc áo mầu đen nhuộm mầu đấu tranh
Mầu đen mầu tối ám, vùng lên để chiến thắng?
Dẹp tan mầu son, mầu phấn điếm đàng…
Và cũng chính cái người nghệ sĩ ấy:
Vì giống nòi, tôi giết, phải giết.
Giết vạn người, giết vạn người…
Vì lý tưởng tôi phải giết, phải giết.
Giết triệu người, giết triệu người
Thậm chí:
Vì nhân loại tôi phải giết, phải giết
Giết trọn loài người, giết trọn loài người…
Cũng cùng thời điểm đó, cũng cùng một nhạc sĩ ấy, từ 1965 đến 1968, chúng ta được nghe những bài hát như của một văn công cổ động thanh niên đi lính: “Một Hai Ba chúng ta đi lính cả làng”, “Chiến sĩ gương mẫu, “Mừng ngày sinh chiến hữu”, “Nông thôn quật khởi”, “Tay súng tay cầy”, “Khoác áo mầu đen”. Ở cùng một thời điểm sáng tác từ 1965 đến 1968, làm thế nào mà một nghệ sĩ hàng đầu ở Việt Nam, một trí thức miền Nam có thể sáng tác nên những bản nhạc ngược chiều, trái khoáy đến vô lý như thế? Chỗ nào là chân thật, chỗ nào là ngụy tín? Tôi không thể trả lời thay cho tác giả được? Chỉ thấy ngao ngán và thất vọng.
Tình hình chiến sự đã đến hồi quyết liệt. Lòng người dao động. Viễn ảnh một cuộc thua trận gần kề. Nhiều trí thức nghĩ đến giải pháp hòa hợp, hòa giải, để dân tộc được sống trong hòa bình. Nhưng đây chỉ là một ảo tưởng, vì miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ không đủ cân sức để có thể nói chuyện với phía bên kia. Có người trông vào hòa giải như một thứ giấy triển hạn, kéo dài một niềm hy vọng đã không còn hy vọng nữa.
Rất nhiều trong số trí thức trẻ quyết định chọn lựa những con đường khác nhau mà họ cho là lý tưởng, thích hợp. Xin trích dẫn bằng một vài chứng từ.
Biên giới ngày 8-1-1967.
Thưa G.S…
Ðêm nay một đêm gió bấc lạnh căm miền rừng núi Châu Ðốc. Tôi, một kẻ vừa rời bỏ cái thành phố Sài Gòn hoa lệ-tủi nhục đầy dẫy phi lý, vừa giã từ một đời sống học trò, mê ngủ, ngây thơ và chán chường, viết bức thư tâm sự nầy đến G.S trong khi chờ sáng để lên đường theo kháng chiến… Qua nhiều tháng băn khoăn, khắc khoải, qua những điều mắt thấy, tai nghe bằng kinh nghiệm sống bản thân và nhất là qua những thôi thúc, châm ngòi bởi những “Nhận Ðịnh”, khai phá dưới hình thức văn chương của G.S và một vài tác giả cách mạng khác, tôi đã đi đến một quyết định cuối cùng dứt khoát, cầm súng về với quần chúng đông đảo đang làm lịch sử, đào thoát một day dứt, một bế tắc nội tâm và cũng là để chứng tỏ câu nói của GS với người Mỹ: ‘VN không phải là Phi Luật tân, còn người VN cuối cùng là còn chiến đấu’.
Và thưa bây giờ, tôi một thanh niên hai mươi tuổi, cái tuổi của thế hệ mà G.S đang góp phần đào tạo chỉ đạo, đã mạnh dạn đứng hẳn về một bên, và nó mong mỏi rằng cái bên mà nó chọn lựa không làm thất vọng và trái ý G.S. Riêng nó, nó cũng tin tưởng sắt đá rằng chỉ có đó là con đường duy nhất, là một giải pháp xác thực, cần thiết cho những kẻ đang mang xứ mạng, trách nhiệm trước một dân tộc thống khổ nghèo dốt của họ.
Mặc dù gần đây trong quyển NÐ4 (Nhận định 4)
, G.S có đề cập đến giải pháp: ‘Xã hội chủ nghĩa không Cộng sản’. Nếu tôi không hiểu ngầm ý rằng có lẽ G.S ngụy trang trước nhiều kẻ thù đang hướng mũi dùi vào G.S thì tôi có quyền phạm thượng kết luận rằng với điều ấy, G.S đã gây một huyễn diệu mong đợi, chờ thời vận cho những người, nhất là S.V.H.S (sinh viên học sinh)
đang còn hoang mang trước ngã ba đường…
Rồi một ngày thanh bình nào đó không biết, tôi có còn được gặp G.S không? Ðể được đọc bài của G.S… để có một kết luận cho vấn đề nếu cần. Với bom đạn hiện đại của đối phương, khốc liệt và dồi dào, việc cá nhân tôi tái ngộ G.S là một chuyện hi hữu, nhưng đứa đang viết thư này đây, một phân tử li ti, 1/25 triệu có thể sẽ tiêu tro như gần 50 chục ngàn kháng chiến quân, theo ước lượng của Mỹ, đã tiêu tro trong năm 1966, nhưng nhất định cuộc làm lịch sử vĩ đại của dân tộc không bao giờ dừng bước, hay đầu hàng. Mạng sống quý giá thật, người ta chỉ có nó một lần thôi. Nhưng thật là đốn mạt hèn nhát, nếu người ta không dám hy sinh nó cho danh dự dân tộc, cho xã hội tiến bộ, cho một quần chúng nghèo dốt, bị thống trị, áp bức. Hai ngàn năm lịch sử Việt đã chứng minh điều đó.
Thú thật với G.S, tôi chưa từng bị một cán bộ C.S nào tuyên truyền cả. Việc cầm súng là do tôi tự quyết định và tự tìm đường đến mật khu. Có bị tuyên truyền chăng là hơn 10 năm nay tôi bị nhồi sọ, nghe, đọc không biết bao nhiêu bao nhiêu là chiêu bài Chống Cộng của thứ chính trị Văn Hóa ở cái miền Nam gọi là tự do này…
Cuối thư, xin G.S xí xóa cho nếu kẻ hậu sinh nầy đã múa rìu qua mắt thợ.,
Kính chào Giáo sư.
Trường Kháng. Lê P.Ð [5]
.
Chẳng hiểu người học sinh lớp đệ nhất viết lá thư này, nay có còn sống không? Nếu còn sống thì anh đã nghĩ gì? Và điều anh nghĩ có khác với 40 năm trước không?
Ở ngoài miền Trung, có những người như anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Ðắc Xuân, đã bỏ thành ra bưng. Hay như Ngô Kha chết trong tù. Không hiểu họ đã chọn lựa hay bắt buộc phải chọn lựa ra vùng kháng chiến? Gọi họ là khuynh tả chỉ là một cách nói. Trên thực tế, họ đã chọn lựa theo phía bên kia, tức là chọn lựa con đường võ lực, dùng chiến tranh như một giải pháp tối hậu và cuối cùng của miền Nam. Họ đã chọn lựa Cộng sản, đứng về phía Cộng sản, đối lập với phía Quốc gia.
[6]
Ở Sài Gòn, cũng có một số trí thức quyết định đứng về phía Cộng sản, nghĩa là có tiếp xúc và đồng thời có người đã ra vào khu, nhưng vẫn ở lại thành phố, hoặc có thẻ đảng viên đảng Cộng sản. Ðối với nhóm này, khi họ đã chọn lựa đứng về phía Cộng sản thì chữ trí thức khuynh tả hoặc thành phần thứ ba phải được hiểu chỉ với nghĩa tương đối.
Sau đây là danh sách một số nhà trí thức thuộc thành phần thứ ba, có vai trò, hoặc đã có vai trò, hoặc có thể chỉ cốt ẩn nấp qua thời, hoặc như một chọn lựa bất đắc dĩ, hoặc đã thay đổi lập trường, hoặc nay đã bị thất sủng, hoặc tự chọn lựa rút lui ra ngoài, hoặc vẫn còn phục vụ cho chính quyền Cộng sản: Cao Thị Quế Hương, Chân Tín, Hồ Ngọc Nhuận, Huỳnh Công Minh, Huỳnh Liên, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Giáp, Lê Văn Nuôi, Lê Văn Thới, Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Ngô Bá Thành, Ngô Công Ðức, Nguyễn Duy Thông, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Long, Phạm Biểu Tâm, Phan Khắc Từ, Thích Minh Châu, Tôn Thất Dương Kỵ, Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Triệu Quốc Mạnh, Trịnh Ðình Thảo, Trương Bá Cần, Võ Ðình Cường, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Ðình Ðầu, Trần Hữu Quảng, Võ Thị Bạch Tuyết và Vương Ðình Bích.
[7]
Trong số những người trên, sau này, một số đã ký vào “Bức thư gửi những người bạn phương Tây”
[8] , để biện hộ cho chính quyền Cộng sản bằng những lời mở đầu sau đây:
“Nous, intellectuels de l’ancien Sud Viet Nam, profondémment indignés par la bruyante campagne de calomnie et de dénigrement menée dans certains pays occidentaux contre la République socialiste du Viet Nam, notre patrie, estimons de notre devoir de publier la présente lettre.”
[9]
(Tạm dịch: “Chúng tôi, những người trí thức của miền Nam trước đây lấy làm rất bất nhẫn khi thấy khi thấy một chiến dịch vu khống và dèm pha do một số nước Tây Phương chống lại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước của chúng tôi, chúng tôi thấy có bổn phận phải phổ biến lá thư sau đây.”)
Kể từ 1970, mọi chuyện không còn như cũ nữa. Trong người trí thức, có nhiều chuyển hướng chính trị, nhiều băn khoăn, lo lắng, nhiều toan tính, tìm lối thoát cách này cách khác, chẳng hạn như tìm đường ra ngoại quốc, tìm đường vào khu, tìm đến một giải pháp nhằm tháo gỡ tình hình đen tối của miền Nam qua các phong trào hòa hợp, hòa giải, phong trào Hòa bình cho Việt Nam. Trong khi đó, binh lính, sĩ quan mất đi niềm tự hào vốn có: Ðánh là thắng, đánh là đạt chiến công, đánh là Việt cộng bỏ chạy. Một số chính khách xôi thịt vẫn tìm cách vơ vét vào chuyến tàu chót. Tất cả như chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra, ôm hy vọng mong manh, ảo tưởng về người Mỹ, về sức mạnh quân sự, coi đó là lối thoát duy nhất.
5. Kết luận
Có thể nói, trong suốt 20 năm, 1954-1975, trí thức miền Nam thiếu một nhà lãnh đạo khả tín, thiếu một hòn đá theo tinh thần của Mounier, được đặt đúng chỗ để có thể chuyển hướng cả một dòng sông. Tìm đâu cũng không thấy. Ðiều này cho thấy khoảng trống trong lãnh đạo miền Nam. Có thể trách người Mỹ trực tiếp nhúng tay vào tình hình chính trị, quân sự của miền Nam. Có thể trách người Mỹ trực tiếp là nguyên cớ cho sự sụp đổ miền Nam Việt Nam. Nhưng chính miền Nam không đưa ra được một gương mặt chính trị nào có tầm mức, có khả năng chuyển đổi tình thế. Không hề có. Trong nhiều tình huống, nhiều trí thức đã được dùng như những lá bài khác nhau, và cuối cùng cũng không đạt được kết quả mong muốn. Cụ Phan Khắc Sửu là Tổng trưởng Canh nông trong danh sách nội các đầu tiên của chính phủ Ngô Ðình Diệm vào ngày 5-7-1954. Hơn hai tháng sau, trong lần cải tổ nội các, tên Phan Khắc Sửu đã không thấy nữa. Phải đợi đến vụ Trí thức Caravelle, người ta mới lại thấy tên cụ trong danh sách 18 người. Rồi đi tù. Ngày 8-9-64, cụ có tên cùng với danh sách 16 người trong Thượng Hội đồng Quốc gia. Ngày 27-9-64 làm chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc gia. Rồi được Hội đồng Quân lực bổ nhiệm làm Quốc trưởng. Nhưng cuối cùng, cả cụ Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát đều rút lui. Tất cả những thời kỳ tham chính của cụ cộng lại không biết có đủ một năm không? Trách nhiệm và những chức vụ cụ nắm giữ nay còn mai mất, tạm thời, vá víu, như thể một thứ đấm bóp thời cuộc. Tương tự, ta có thể suy ra trường hợp của các trí thức khác, như cụ Trần Văn Hương và ông Phan Huy Quát. Cứ bấy nhiêu nhân vật được dùng đi dùng lại, được xào nấu như gia vị cho bất cứ món ăn nào. Người vẫn chừng đó với những khuôn mặt cũ, nhưng tình thế thì mới và đòi hỏi nhân sự mới. Không có người hay người không đủ khả năng gánh vác thời cuộc. Ðó là đặc điểm thứ nhất của giới trí thức lãnh đạo miền Nam.
Ðặc điểm thứ hai là giới trí thức ấy không đủ tầm vóc nên dễ dẫn đến hoang tưởng, thiếu thực tế. Các trí thức thành phần thứ ba đưa ra một giải pháp Cách mạng Xã hội không Cộng sản trong tình huống lúc bấy giờ là một điều khó thực hiện được. Cộng sản một bên, Mỹ một bên với một chính quyền dựa hoàn toàn vào Mỹ. Liệu họ có thể dựa vào điều kiện khách quan nào, dựa vào nhà lãnh đạo nào để có thể có điều kiện thực hiện một cuộc Cách mạng cho người nghèo? Một cuộc cách mạng không Cộng sản? Lý Chánh Trung đã trả lời về vấn đề này cho nhà báo Pháp khi được hỏi về sách lược của các nhóm thành phần thứ ba. Ông nói:
“La troisième force, C’était une grande aspiration plutôt qu’une force réelle. Seules quelques centaines de personnes étaient organisés. Ces groupuscules étaient ouverts à tous les vents, à toutes les influences. Ils n’avaient aucune idéologie précise”.
[10]
(Tạm dịch: “Lực lượng (hay thành phần) thứ ba cuối cùng chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế, họ không có một ý thức hệ chính xác nào.”)
Có lẽ điều mà họ mong muốn chỉ là thay thế lá bài của chính quyền Sài Gòn với Nguyễn Văn Thiệu và từ đó, họ sẽ là đại diện để có thể nói chuyện với phía bên kia.
[11]
“Et cette dernière raison explique pourquoi certains Vietnamiens pensent que Thiệu ne constituent pas la dernière carte Américaine dans le Sud. Cette dernière carte, c’est la Troisième Force et les Américains seront sans doute amenés à la jouer, sans doute mal ou trop tard.”
[12]
(“Tạm dịch: Và nguyên nhân cuối cùng giải thích tại sao một số người Việt Nam cho rằng Thiệu không phải là lá bài cuối cùng của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lá bài cuối cùng, chính là lực lượng thứ ba mà chắc người Mỹ muốn sử dụng, chắc chắn đã quá muộn hoặc sẽ có kết quả không hay.”)
Những giải pháp Trần Văn Hương, rồi Dương Văn Minh vào phút chót của miền Nam trước ngày 30 tháng 4 cho thấy rõ thêm điều đó. Một thứ giải pháp không giải pháp, một thứ hy vọng của sự tuyệt vọng.
Dương Văn Minh, Tổng thống bốn mươi giờ còn lại của miền Nam làm công việc bất đắc dĩ là cúi xuống nhặt cái chính quyền Sài Gòn cũ nằm lẫn lộn trong đống rác thành phố, lẫn lộn quân trang, quân dụng, lẫn lộn xe tăng, thiết giáp, mũ nón, lẫn lộn hào quang và tủi nhục, với lon chậu, với huân chương do những người bỏ chạy để lại, để rồi giao cái chính quyền ấy cho những người Cộng sản.
Người viết một lần nữa trích dẫn câu nói của Mounier: “Ðôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho những kẻ cứng đầu, và một hòn đá, đặt đúng chỗ, có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”
Buồn thay, trí thức miền Nam cuối cùng vẫn thiếu một hòn đá, thứ hòn đá có sức chuyển hướng cả lịch sử miền Nam. Ðiều đó thực sự đã không xảy ra.
Nhưng, như đã trình bày ở phần đầu bài viết, trong mỗi tình huống của thời cuộc liên quan đến vận mệnh dân tộc, đất nước, người trí thức miền Nam vẫn có tiếng nói của họ, như trong các cao trào đòi hỏi thực thi dân chủ, đòi hỏi công bằng trong phạm vi tôn giáo trong suốt 9 năm Ðệ nhất Cộng hòa thời ông Ngô Ðình Diệm. Sau đó, các trí thức miền Nam, đặc biệt là trí thức Phật giáo, đã đưa ra giải pháp hòa giải, hòa hợp dân tộc, tiến tới hòa bình và chấm dứt chiến tranh giữa hai miền. Các trí thức thiên tả hay thành phần thứ ba thì đưa ra một số giải pháp như thực hiện một một cuộc Cách mạng xã hội không Cộng sản.
Cho dù rõ ràng là những đòi hỏi đó, hay những phong trào đó, đã đi đến chung cuộc là sự thắng lợi của miền Bắc, kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai miền vào ngày 30 tháng 4, cho dù chịu cả thất bại quân sự và chính trị đi nữa, thì những giá trị đó, những lý tưởng mà họ nhân danh để đòi hỏi vẫn là những giá trị bất biến và cần thiết cho một đất nước Việt Nam sau này. Nhìn theo viễn tượng đường dài, ngay trong tình huống của sự thất vọng thua cuộc đi nữa, họ vẫn trở thành nhân chứng của một giai đoạn và trở thành kẻ tố cáo, kẻ tiên tri cho giai đoạn sau 30 tháng 4, bởi vì, cho đến bây giờ, những khát vọng tự do và dân chủ, những khát vọng xóa bỏ bất cứ thứ độc tài cá nhân, đảng trị, hay toàn trị, những khát vọng về công bình xã hội, những khát vọng về một cuộc cách mạng xã hội cho người nghèo, vì người nghèo, thiết nghĩ, vẫn còn là một khát vọng của đất nước Việt Nam chúng ta. Do vậy, trí thức miền Nam, với những cao trào chính trị, những cuộc đấu tranh đòi tự do, bình đẳng, tìm về dân tộc..., thay vì là một thất bại, sau 30 tháng 4, bỗng nhiên trở thành một thực chứng, một đòi hỏi cần thiết.
© 2005 talawas
[1]Có nhiều khuynh hướng khác nhau về một cuộc Cách mạng không cộng sản như nhóm của thầy Nhất Hạnh với trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, nhóm của Mỹ với phong trào Học đường mới v.v... [
Trích Chủ nghĩa xã hội không Cộng sản, thời Mỹ Ngụy: Nội dung và ảnh hưởng, Nguyễn Trọng Văn. In lại trong Hồ sơ về tạp chí Hành Trình, nxb Nam Sơn, 2000): trg 222. 2000]. Bài viết này chỉ tập trung vào đường lối của nhóm
Hành trình mà thôi.
[2]Cách mạng đạo đức.
[3]Như trên, trang 103.
[4]Ðiều đáng buồn là không phải tất cả tầng lớp thanh niên trí thức đều có tinh thần dấn thân và nhập cuộc. Ngược lại, một số không nhỏ thuộc thành phần được ưu đãi, dư giả, theo đòi nếp sống hưởng thụ, sống lấy được, chơi lấy được, thu vén lấy được bằng bất cứ giá nào... Hậu quả là họ đánh mất hết ý thức về dân tộc, về đất nước, về tình tự con người. (Ý của tác giả Nguyễn Văn Lục).
[5]Trích trong
Hồ Sơ về tạp chí Hành Trình, nxb Nam Sơn, không ghi số trang, 2000.
[6]Chúng ta tôn trọng những chọn lựa của họ. Nhưng cũng yêu cầu họ tôn trọng chọn lựa của những người quyết định ở lại. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không tôn trọng nguyên tắc này. Trong bài viết, “Về chính sách của Hà Nội và thái độ của một số nhà văn miền Bắc”, tôi đã nêu ra trường hợp ông HPNT như sau: “Ông nổi tiếng ở miền Trung một thời về những hoạt động chính trị có tính cách khuấy động, sau đó bỏ đi bưng. Chúng tôi tôn trọng sự chọn lựa của ông, cũng không ít người đã làm như thế. Tỉ như Vũ Hạnh, Thanh Nghị, Sơn Nam, Lữ Phương. Chỉ có điều, tình cờ tôi đã đọc một cuốn ký viết về những giai đoạn ông đi theo bộ đội. Những điều ông viết cũng chẳng đáng gì cho tôi quan tâm, vì đã có hằng trăm, hay đội ngũ các nhà văn miền Bắc đã đều nghĩ và viết cùng một cách như ông. Nhưng xin nhắc nhở ông, giữa cái đạo lý chiến tranh và đạo lý con người, trong ứng xử, dù đối với kẻ thù, không cùng quan điểm lập trường, vẫn có những cái tối thiểu cần tôn trọng, ít nhất, ông cũng là một trí thức đào tạo ở miền Nam. Cũng có bà con, anh em là “lính Ngụy”. Không lẽ ông quên họ sao? Trong cuốn ký, chốc lát, thái độ của ông trở thành hung hãn côn đồ. Ông xách mé gọi người lính Cộng hòa là thằng lính Ngụy, thằng Diệm, thằng Thiệu. Những người Cộng sản thứ thiệt gọi như vậy còn nghe được. Nhưng ông thì không được”. Trên Net Cố Ðô, (mục Văn học-Thi ca, số ra ngày 21-6-2005), ông để cho một phóng viên tên Nguyễn Xuân Hoàng hỏi những câu cò mồi, có tính cách xuyên tạc các phong trào trí thức tranh đấu ở miền Nam.
- Thứ nhất, ông tự phong cho mình nhãn hiệu: Tôi sinh ra là để làm báo. Ông làm báo Sinh Viên Huế tổng cộng phỏng có được một năm? Hay là báo đảng? Ông cũng quên không nhắc gì tới tờ Lập trường.
- Thứ hai, ông ôm tất cả công đầu cho công việc tranh đấu thực thi dân chủ ở miền Nam là của Phong trào tranh đấu đô thị. Không một chữ đến biến cố tranh đấu Phật giáo miền Trung.
- Thứ ba, trong những thành phần tham gia phong trào đó, ông chỉ nhắc đến giới sinh viên, thợ thuyền, xích lô, giáo giới, tiểu thương mà không nhắc nhở gì đến thành phần Phật tử, vốn là ngòi nổ của những phong trào ấy. Xích lô thì không biết ở Huế có bao nhiêu người? Nói đến thành phần xích lô là chỉ để nịnh chính quyền.
- Thứ tư, ông lại mắc vào cái tội dùng chữ để mạ lỵ những người không cùng một chiến tuyến với ông. Ông gọi là bọn “ác ôn”. Tôi nghĩ ngày nay, ít ai còn dám gọi những từ xách mé như thế nữa. Ông gọi như thế thì nay tôi nên gọi ông là gì?
[7]Trích dẫn theo danh sách của Alain Ruscio, trong cuốn
Vivre au Viet Nam (Éditions Sociales, 1981): trg 229.
[8]“Lettre aux amis d’Occident”, ngày 28 tháng 6 năm 1979.
[9]Những người kí tên vào thư gồm: Hồ ÐắcAn, Trương Bá Cần, Võ Ðình Cường, HT Thích Minh Châu, Kim Cương, Lý Quý Chung, Trần Văn Du, Ngô Công Ðức, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Hữu Hạnh, Vũ Hạnh, Trần Vinh Hiển, Tôn Thất Dương Kỵ, Bùi thị Lãng, Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Nguyễn Long, Phạm Hoàng Hộ, Châu Tâm Luân, Ni sư Huỳnh Liên, Huỳnh Công Minh, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Vinh Mỹ, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Quang Nhạc, Chu Phạm Ngọc Sơn, Phạm Biểu Tâm, bà Ngô Bá Thành, Trần Kim Thạch, Lê Văn Thới, Ngô Văn, Lý Chánh Trung, Ðinh Xáng. Trích lại trong
Vivre au Viet Nam, trg 229.
[10]Trích trong
Vivre au Viet Nam, trg 178.
[11]Trên thực tế, chẳng ai đếm xỉa đến lá bài đó cả. Cuối cùng, sau 30-4, những người như Ngô Công Ðức, Lý Quí Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Binh, Trương Lộc, Phan Bá, Hoàng Ngọc Biên co cụm lại quanh tờ
Tin Sáng. Số phận của tờ này ra sao thì ai cũng biết.
[12]Trích J.C.Pomonti,
La rage d’ être Vietnamien (Seuil, 1974): trg 241.