© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.1.2005
Joseph E. Stiglitz
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
16 kỳ
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 

5. Phê phán định lí Lange-Lerner-Taylor: Các khuyến khích

Trong hai chương trước chúng ta hỏi ở mức độ nào các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi cho chúng ta biết về sự lựa chọn giữa các hệ thống kinh tế khả dĩ, đặc biệt sự lựa chọn giữa các thị trường và chính phủ. Câu trả lời là phủ định: Chúng ta không có các định lí tổng quát đảm bảo tính hiệu quả (ngay cả hiệu quả bị ràng buộc) của các nền kinh tế thị trường; chúng ta có các định lí tổng quát khẳng định rằng, về nguyên lí, có những can thiệp cải thiện phúc lợi của chính phủ.

Chúng ta cũng lưu ý rằng ở mức độ rộng lớn các định lí này không giải quyết các vấn đề cốt yếu được quan tâm - thí dụ, tính hiệu quả của thị trường trong xử lí thông tin hoặc trong lựa chọn đúng người lao động, đúng nhà quản lí hoặc đúng các khoản đầu tư. Khi chúng ta xem kĩ hơn các vấn đề đó, thị trường đã không cải thiện được điểm số của nó: Chúng ta đã nhận diện nhiều vấn đề chủ chốt cùng với cách các nền kinh tế thị trường thực hiện các chức năng đó. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng những thảo luận này bỏ sót nhiều thuộc tính chủ yếu của các nền kinh tế thị trường. Các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đổi mới sáng tạo hoặc ra quyết định trong tình trạng bất trắc không được đề cập thoả đáng. Các cơ chế tiến hoá của các nền kinh tế thị trường không được đụng đến. Và quan điểm về cạnh tranh- ứng xử chấp nhận giá - thậm chí không tiến gần sự thâu tóm một số ưu điểm quan trọng nhất của quá trình cạnh tranh. Chúng ta sẽ quay lại các vấn đề này muộn hơn. Hiện tại tôi chỉ muốn cảnh cáo trước đừng vội xét đoán vấn đề mà tôi rút cuộc quan tâm tới ở đây, vai trò của thị trường, trên cơ sở các kết quả phủ định nhận được cho đến giờ.

Bây giờ tôi muốn chuyển sự chú ý sang nền tảng thứ hai về sự so sánh truyền thống các hệ thống lựa chọn khả dĩ, định lí Lange-Lerner-Taylor về sự tương đương của các nền kinh tế thị trường (cạnh tranh) và chủ nghĩa xã hội thị trường. Như tôi đã gợi ý trước đây, kết quả rõ ràng là sai: nó dựa trên một mô hình không đầy đủ hoặc không chính xác của chủ nghĩa xã hội thị trường, và một mô hình không đầy đủ hoặc không chính xác của các thị trường. Như chúng ta sẽ thấy, hai khiếm khuyết đan xen mật thiết với nhau.

Như trong phần lớn của cuốn sách này, tôi muốn tách ra khỏi các vấn đề của chính trị kinh tế học. Đấy, không nghi ngờ gì, là một sai lầm: Trong cố thử xác định sự cân đối giữa khu vực công cộng và tư nhân, các vấn đề chính trị kinh tế học trở thành rất quan trọng. Nhưng đủ để nói về những quan tâm hẹp của kinh tế học.

Trong cuốn sách này tôi lập luận rằng mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường (và mô hình Arrow-Debreu về nền kinh tế cạnh tranh, mà nó dựa vào) có năm sai lầm cốt yếu. Chủ nghĩa xã hội thị trường đã

  1. đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề khuyến khích,
  2. đánh giá thấp khó khăn để đưa một hệ thống "định giá đầy đủ" vào hoạt động, và do đó đã đánh giá thấp vai trò của các cơ chế phân bổ phi giá cả trong nội bộ nền kinh tế,
  3. đánh giá thấp khó khăn của phân bổ vốn,
  4. đánh giá sai vai trò và chức năng của phi tập trung hoá và cạnh tranh,
  5. đơn giản bỏ qua vai trò của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế.

Không phải riêng chủ nghĩa xã hội thị trường mắc những sai lầm này, như tôi đã nhấn mạnh: Mỗi lời buộc tội này đều có thể được chĩa vào - theo phán xét thẳng thắn của tôi - mô hình tân cổ điển chuẩn của nền kinh tế, anh em sinh đôi của mô hình xã hội chủ nghĩa thị trường. Chương này được giành cho sai lầm đầu tiên, và các chương tiếp theo lần lượt đề cập đến các vấn đề còn lại.


Các vấn đề khuyến khích

Có lẽ lỗi lầm quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội thị trường là nó đã đánh giá thấp tầm quan trọng của các khuyến khích. Trong chủ nghĩa xã hội thị trường các nhà quản lí (giống như những người lao động khác trong nền kinh tế) đơn giản làm cái mà họ được cho là phải làm. Tất nhiên, trong mô hình của nền kinh tế như được trình bày, các nhà quản lí có việc làm khá tầm thường; họ - không có ý lăng mạ - chẳng hơn mấy so với các kĩ sư quèn. Họ thực hiện một số bài toán tối ưu, lệ thuộc vào một số ràng buộc. Đã chẳng có các nhân tố phán quyết và giải pháp sáng tạo nào mà các nhà quản lí lấy làm hãnh diện.

Như chúng ta đã nhắc đến trước đây, những phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường, ở mức độ rộng, cũng chính là những phê phán đối với hệ thuyết tân cổ điển. Điều này cũng đúng ở đây: Những khuyến khích (trừ trong ý nghĩa rất hạn chế sẽ được giải thích dưới đây) không đóng vai trò gì trong lí thuyết tân cổ điển. Một công nhân được trả tiền để làm công việc được hợp đồng; nếu không thực hiện công việc, không được nhận tiền. Không có vấn đề giám sát, để biết chắc liệu công nhân có hoặc không thực hiện công việc. Do đó những người sử dụng lao động không phải lo tạo động cơ thúc đẩy công nhân: Có một giá cho một công việc, và chấm hết. Thật ra, chúng ta nói về giá cả và lợi nhuận tạo khuyến khích cho các hãng để sản xuất, nhưng lớp rộng hơn của các vấn đề khuyến khích - về các hãng có khuyến khích để duy trì uy tín, để sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao và thoả mãn khách hàng của mình - không nảy sinh. Có một giá cho mỗi chất lượng của mặt hàng. Giá cho xí nghiệp biết thị trường đánh giá mỗi chất lượng ra sao; những người mua không có vấn đề về xác định chất lượng, và các xí nghiệp tạo ra chất lượng mà họ đã thoả thuận để sản xuất.

Rõ ràng là hệ thuyết này bỏ sót nhiều vấn đề kinh tế quan trọng và lí thú nhất. Các xí nghiệp phải tạo động cơ thúc đẩy công nhân của họ. Những người cho vay lo về việc trả nợ của người vay. Những người chủ lo về việc các nhà quản lí tiến hành những hành động đúng đắn. Điều đáng quan tâm không phải là mức độ cố gắng mà là việc chấp nhận rủi ro thích hợp. Những người chủ lo rằng liệu các nhà quản lí chấp nhận quá ít hoặc quá nhiều rủi ro; những người cho vay lo về những người vay tiền quá liều, lấy quá nhiều rủi ro, và như vậy làm cho ít có khả năng họ sẽ trả được khoản vay. Tầm quan trọng của việc sau phải được nhấn mạnh đặc biệt: Vì trong nhiều trường hợp chẳng khó hơn để ra một quyết định so với quyết định khác. Cái chính không phải là "nỗ lực" mà là "rủi ro", và những khó khăn của việc theo dõi, liệu rủi ro thích hợp có được chấp nhận hay không, là kinh khủng hơn nhiều so với theo dõi nỗ lực.

Hệ thuyết chuẩn đi lạc lối ở ba điểm riêng biệt. Thứ nhất, nó giả thiết rằng các biến số đáng quan tâm có thể quan sát được một cách hoàn hảo và không tốn kém. Người sử dụng lao động không tốn kém mà có thể biết chắc mức cố gắng và trả tiền công tuỳ thuộc vào người lao động được hợp đồng cho mức cố gắng ấy.

Thứ hai, việc ra quyết định chẳng đóng vai trò nào trong hệ thuyết chuẩn. Có thể chỉ thị cho nhân viên: Làm việc này tuỳ theo A, làm việc nọ tuỳ theo B, và người sử dụng lao động có thể theo dõi liệu điều ngẫu nhiên A xảy ra, và liệu nhân viên đã tuân theo hợp đồng. Ngược lại, trong thực tế nhân viên có thông tin mà người chủ không có, thông tin quan trọng để xác định phải tiến hành hoạt động nào, và thường rất khó đối với người sử dụng lao động để biết liệu nhân viên đã hành động "đúng".
Thứ ba, việc thực thi hợp đồng thường tốn kém. Người vay tiền có thể không trả được nợ. Một xí nghiệp có thể đầu tư, trên cơ sở cam kết của xí nghiệp khác mua sản phẩm của nó, và xí nghiệp thứ hai có thể thất hứa.

Từng vấn đề này gây ra những vấn đề khuyến khích. Các cá nhân có quyền tuỳ ý về mức nỗ lực mà họ thực hiện, về các hành động mà họ làm trong các điều kiện khác nhau, về liệu họ có "thực hiện" các điều khoản của một thoả thuận. Vấn đề của các khuyến khích kinh tế là thiết kế các cơ cấu giám sát và thưởng ra sao để "sắp xếp đúng" các khuyến khích. Đây là một vấn đề thậm chí chẳng bao giờ được đề cập trong khuôn khổ Arrow-Debreu nhưng trở thành một mối quan tâm chính của kinh tế học thông tin mới. Những khó khăn về giám sát trực tiếp, những khó khăn về thiết kế các sơ đồ đền bù dựa vào cái có thể quan sát được, và những khó khăn về thiết kế các hợp đồng tự thực thi hoặc có thể thực thi thông qua các hệ thống pháp lí với chi phí phải chăng, đều là những quan tâm chính của kinh tế học thông tin.

Sự thiếu sót để tạo các khuyến khích thường được coi là lí do chính của sự thất bại của hệ thống Xô Viết, và là sai lầm căn bản của tư tưởng chủ nghĩa xã hội thị trường. Việc này đã đưa nhiều nhà bình luận đi đến gợi ý rằng tất cả cái cần là phục hồi lại hệ thống thị trường, với quyền sở hữu tư nhân; điều này sẽ lập tức phục hồi các khuyến khích, và phục hồi nền kinh tế lành mạnh. Tôi tin lập luận này là sai căn bản: Nó đánh giá quá vai trò của khuyến khích tài chính, và đánh giá thấp các vấn đề kiểm soát các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp công cộng và tư nhân đều mắc phải.

Phải công nhận rằng, các doanh nghiệp nhà nước đối mặt với các vấn đề khuyến khích ở cả mức tổ chức (dưới dạng ràng buộc ngân sách mềm) lẫn ở mức riêng lẻ (dưới dạng các ràng buộc về các sơ đồ đền bù có thể chấp nhận cũng như về an toàn việc làm, do những lo ngại về sự công bằng gây ra); các vấn đề này khác những cái mà xí nghiệp tư nhân đối mặt. Tuy vậy, ở mức quản lí - ở mức mà hầu hết các quyết định được đưa ra, và xem ra then chốt trong việc xác định thành tích tổ chức - các vấn đề khuyến khích nảy sinh trong các doanh nghiệp lớn và giải pháp (thí dụ, trả lương khích lệ) xem ra ít khác biệt giữa các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu công cộng hoặc tư nhân.

Phần còn lại của chương chia ra năm đoạn: Đoạn thứ nhất lập luận rằng các cổ đông có sự kiểm soát hạn chế lên các nhà quản lí của họ, như thế các nhà quản lí có quyền tự trị đáng kể. Đoạn hai lập luận rằng các khuyến khích tài chính đóng một vai trò hạn chế hơn nhiều so với lí thuyết cổ truyền gợi ý. Đoạn ba lập luận rằng nhiều khía cạnh của ứng xử công ti có thể được hiểu tốt nhất như hệ quả của sự kiểm soát hạn chế của các cổ đông lên những người quản lí xí nghiệp mà các cổ đông được coi "là chủ". Đoạn bốn lập luận rằng các ngân hàng có thể đóng vai trò tích cực hơn nhiều trong cai quản so với lí thuyết truyền thống gợi ý. Đoạn thứ năm thử đưa ra một số gợi ý cho cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia.


Quyền tuỳ ý quản lí và kiểm soát

Trước đây, ở chương 2, tôi đã nhắc đến tầm quan trọng của các hậu quả của sự tách rời giữa chủ sở hữu và kiểm soát gắn với các công ti hiện đại. Văn khoa sớm hơn về quản lí tư bản chủ nghĩa, nảy sinh từ công trình trước đây của Knight (1921) và Berle và Means (1932) (xem cả Marris 1964; Baumol 1959; March và Simon 1958), bị gạt bỏ do được coi là không có nền tảng lí thuyết: Nếu các xí nghiệp không tối đa hoá thị giá cổ phiếu, thì đơn giản chúng bị thôn tính bởi kẻ khác. Như chúng ta đã nhắc tới trước đây, sự công nhận ở đầu các năm 1970 rằng thông tin là đắt đỏ, và các chi phí thông tin trao cho các nhà quả lí quyền tự ý đáng kể, tạo ra sự khởi đầu của các nền tảng lí thuyết bị thiếu. Bây giờ chúng ta hiểu kĩ hơn vì sao mỗi cơ chế kiểm soát được dẫn ra lại hoạt động kém thế: [1]

  1. Quản lí như hàng hoá công cộng. Việc quản lí của bất kể doanh nghiệp nào giống như một hàng hoá công cộng. Tất cả những người nắm giữ một loại chứng khoán nào đó được lợi nếu lợi tức của chứng khoán đó tăng lên. Vì vậy không có khuyến khích đối với các chủ vốn cổ phần nhỏ để giám sát những người điều hành doanh nghiệp. Thậm chí các cổ đông lớn của một hãng điển hình cũng chỉ có tỉ lệ cổ phần nhỏ, và vì vậy có các khuyến khích không đủ - mặc dù tiền vốn của họ đủ lớn, sự khác biệt giữa mức giám sát "tối ưu" và mức giám sát thực tế có thể là tương đối nhỏ.

  2. Bỏ phiếu như một hàng hoá công cộng. Cơ chế bỏ phiếu biểu quyết, theo cùng một cách, bị các vấn đề "ăn không" thông thường ("nghịch lí bỏ phiếu"): Bất kể cổ đông nhỏ nào không những không bõ để được thông tin, mà cũng chẳng bõ để bỏ phiếu (về các vấn đề cần uỷ quyền biểu quyết), nếu có bất kể chi phí nào cho việc biểu quyết. Trong khi chúng ta giải quyết nghịch lí bỏ phiếu này trong các cuộc bầu cử quốc gia bằng cách thử khắc sâu vào tâm trí con em chúng ta "trách nhiệm đạo đức" đi bỏ phiếu, ít nhất đến bây giờ, chẳng có mấy chú ý đến "trách nhiệm đạo đức" trong bỏ phiếu bầu các thành viên hội đồng quản trị.

  3. Sự không thoả đáng của cơ chế thôn tính. Nổi bật nhất có lẽ là các kết quả về tính không thoả đáng của cơ chế thôn tính. Một mặt, các nhà đầu tư dường như có những khuyến khích hạn chế để có thông tin về các hãng được quản lí tồi, nhằm thôn tính chúng: Trong thực tiễn, các hãng đi thôn tính các hãng khác không có lợi ích đi làm như vậy (xem, thí dụ, Jarrell, Brickley, và Netter 1988), và trong các thị trường thôn tính cạnh tranh chúng ta không kì vọng thấy chúng được lợi. [2] Nếu có nhiều hơn một người đấu giá, giá hỏi mua sẽ được nâng lên "kịch" giá trị thị trường. Có thể cần chi phí lớn để tìm ra các hãng được định giá thấp, nhưng một khi đã biết chắc là một hãng được định giá thấp, thì việc xác định mức nó được định giá thấp có thể tương đối không tốn kém. Nếu bỏ thầu tiết lộ sự thực rằng người đấu thầu biết hãng được định giá thấp, thì bất kì ai bỏ tiền ra tìm các hãng được định giá thấp sẽ không có lời trên khoản đầu tư đó. Đây là một trường hợp cực đoan, thế nhưng nó minh hoạ nguyên lí chung rằng tiền lời riêng cho đầu tư vào thông tin loại này có thể thấp hơn nhiều so với khoản lời của xã hội. [3]

Mặt khác, các cổ đông thiểu số của một hãng được định giá thấp (có lẽ được quản lí tồi) chẳng có khuyến khích để bán nó cho ai đấy, người, mà họ tin, sẽ làm tăng giá trị của nó: Bằng cách tiếp tục nắm giữ cổ phần của mình, họ sẽ cũng được hưởng lợi. Lí do duy nhất để họ phải bán là nếu họ tin rằng hãng đi thôn tính sẽ làm giảm giá trị thị trường của nó (đồng thời có lẽ nó tăng hiệu quả, vì nó chuyển của cải của hãng bị thôn tính sang túi riêng của họ). Đây lại đúng là một biểu hiện nữa của vấn đề ăn-không mà tôi nhắc tới trước đây (xem Grossman và Hart 1980, 1988). [4]


Vai trò yếu ớt của các khuyến khích truyền thống

Nếu "các ông chủ" không thể hoặc không giám sát các nhà quản lí của họ, lựa chọn khả dĩ tự nhiên là cung cấp cho họ sự đền bù tài chính được thiết kế để làm cho quyền lợi của họ trùng nhau. Một số tài liệu lí thuyết gần đây mô tả các cách theo đó các khuyến khích "năng lực cao" có thể được cung cấp cho người lao động, bằng cách để cho họ nhận toàn bộ giá trị đầu ra của hãng, đồng thời với các nhà quản lí nộp một khoản phí cố định lớn. [5] Thực tế những nhà quản trị trở thành các ông chủ ở khía cạnh họ nhận toàn bộ thu nhập thặng dư. Có các giả thiết chặt chẽ làm cơ sở cho những phân tích này, như mỗi cá nhân là bàng quan với rủi ro [6] và có đủ vốn để trả khoản phí cố định này. [7] Khi không ưa rủi ro, các hợp đồng tối ưu có thể cần đến những khuyến khích năng lực thấp, phụ thuộc vào độ lớn của rủi ro (xem, thí dụ, Stiglitz 1975b).

Lương của hầu hết nhân viên không phụ thuộc nhiều vào thành tích. Một phần nhỏ nhân viên nhận được một phần đáng kể thu nhập của họ như kết quả của khoán sản phẩm. Có nhiều loại lí do cho điều này: Các chi phí về đo lường cố gắng và đầu ra, những khó khăn để biết chắc chất lượng của đầu ra và nỗ lực, các nhân tố ngẫu nhiên trong quan hệ giữa nỗ lực và đầu ra (đến mức thậm chí giả như đầu ra có thể đo lường được hoàn hảo, nó sẽ chỉ cung cấp một chỉ số không hoàn hảo về nỗ lực), và những khó khăn trong điều chỉnh mức lương khoán theo sự thay đổi công nghệ. Hơn thế nữa số lượng lớn các mục tiêu hoặc đầu ra (thí dụ, nhân viên huấn luyện và giám sát các nhân viên khác), và sự thực, là lương khoán hướng sự chú ý vào các hoạt động được thưởng và khỏi các hoạt động khác, ngụ ý rằng lương khoán có thể không có hiệu lực để bảo đảm các nhân viên ứng xử theo cách tối đa hoá lợi nhuận của hãng. [8]

Tôi quan tâm, tuy vậy, đến việc ra quyết định quản lí nhiều hơn đến các nhân viên. Trong thực tiễn những khuyến khích tài chính của ban quản trị trong các doanh nghiệp lớn tỏ ra rất yếu: Ban quản trị điển hình nhận ít hơn 0,3% của sự gia tăng lợi nhuận mà hoạt động của nó thu được cho hãng (Jensen và Murphy 1990). Điều này dường như có thể gây ngạc nhiên, căn cứ vào vai trò quan trọng của các quyền chọn cổ phiếu (stock option) có vẻ như một phần của đền bù quản lí. Quyền chọn cổ phiếu được minh chứng là tạo các khuyến khích mạnh: Nếu hãng hoạt động tốt, nhà quản lí sẽ được thưởng. Nhưng trong khi quyền chọn cổ phiếu dành để thưởng ban quản trị vì thành tích tốt, điển hình khi hãng trải qua giai đoạn xấu, các dạng đền bù khác lại tăng, cho nên tổng đền bù vẫn tương đối không nhạy cảm với thành tích của hãng.

Có các lí do khác để nghi ngờ luận điểm rằng quyền chọn được thiết kế để tạo khuyến khích cho ban quản trị. Các quyền chọn cổ phiếu trội hẳn như các phương tiện thưởng các nhà quản trị: Có các phương pháp lựa chọn khả dĩ có những ưu điểm rõ ràng về thuế và rủi ro. Trong một cuộc họp vài năm trước của các giám đốc nhân sự của các công ti lớn, ở đó vấn đề thiết kế các sơ đồ đền bù cho các nhà quản trị được thảo luận, tôi đã hỏi liệu họ áp dụng các quyền chọn cổ phiếu bởi vì (1) họ không biết các nhược điểm về thuế - một chê trách ngầm định nặng về năng lực của họ; hoặc (2) họ định lừa bịp các cổ đông, những người nghĩ rằng phát thưởng bằng cổ phần cũng giống như in tiền (chẳng tốn gì cho công ti): các cổ đông không nhận thức được các hậu quả của sự loãng giá (cổ phiếu). Trong khi việc sau có vẻ giống như tính bất lương, có thể vẽ cho nó một bộ mặt tốt hơn: Ban quản trị coi trách nhiệm của họ là tối đa hoá giá trị cổ phần, và nếu thị trường phản ánh sự dốt nát của cổ đông điển hình [9] , thì ban quản lí coi trách nhiệm của mình là lợi dụng sự dốt nát của thị trường. Câu trả lời mà tôi nhận được (trừ một trường hợp) là: (1) thực vậy họ đã không biết về các hệ quả thuế, (2) nhưng ngay cả bây giờ khi họ đã biết các hệ quả xấu về thuế, họ cũng không thay đổi sơ đồ đền bù của mình, vì họ tin là vẫn đáng lợi dụng các cổ đông không am hiểu. [10]

Giải thích về vai trò yếu kém của các khuyến khích truyền thống

Trong danh mục những giải thích về sự thất bại của việc dựa vào các sơ đồ khuyến khích truyền thống được nêu ở trên, tôi muốn nhấn mạnh một lí do - sự khó khăn để biết chắc cả đầu vào lẫn đầu ra của một cá nhân. Điều đó đặc biệt đúng với các nhà quản lí và những người khác dính đến ra quyết định. Quyết định quan trọng được tập thể đưa ra, vì các lí do hiển nhiên: mỗi cá nhân có thông tin hạn chế, và những sai sót của tổ chức chắc được giảm nếu nhiều hơn một người được kéo vào các quyết định quan trọng (xem chương 9). Khi tập thể lấy quyết định, sẽ rất khó, nếu không nói là không thể, phân trách nhiệm khi thất bại, hoặc thành công về nội dung đó. Thực vậy, nhiều, nếu không phải là hầu hết, cá nhân bỏ rất nhiều công sức để gây khó khăn cho việc qui lỗi. Họ sắp đặt để những người khác được hỏi ý kiến một cách phù hợp, và họ rất thận trọng trong hành văn trên giấy tờ. Truyền đạt bằng lời tuỳ thuộc rất nhiều vào sự diễn đạt lại - nếu lời khuyên tỏ ra sai, thì nói rằng lời khuyên đã không được hiểu đúng và không được tuân theo đầy đủ. Khi các cá nhân đặt bút lên giấy, để lại bút tích, họ thận trọng đến mức đọc lên nó khó hiểu như một lời sấm tiên tri Delphic.

Các khuyến khích trong mô hình Arrow-Debreu và lí thuyết chung về khuyến khích

Trong mô hình Arrow-Debreu các cá nhân đều nhận lương khoán sản phẩm, họ nhận một khoản cố định cho mỗi đơn vị họ làm ra. Lí thuyết về khuyến khích gợi ý rằng chỉ dưới các điều kiện rất hạn chế đây mới là dạng tối ưu của khuyến khích. Các sơ đồ đền bù thường phức tạp hơn, dẫn đến, thí dụ, phần thưởng phi tuyến. Hệ thuyết chuẩn không cung cấp giải thích về điều này, trong khi hệ thuyết thông tin mới thì có.

Ngoài mối quan hệ giữa lương và thành tích, hợp đồng lao động thường bao gồm các điều khoản khác khá phức tạp. Thí dụ, thường xuyên có những hạn chế về nhân viên nhận làm việc ngoài. Nếu giả như phần mà các cá nhân nhận được cho mỗi đơn vị đầu ra đúng bằng giá trị (biên) của đầu ra, thì các hãng sẽ chẳng quan tâm đến số lượng đầu ra của bất kể ai là bao nhiêu. Các hãng vì thế không áp đặt những hạn chế như vậy, hệt như họ chẳng có lí do gì để lo về nỗ lực của cá nhân, và do đó không quan tâm đến tạo động cơ khuyến khích họ.

Những quan sát này có hai hàm ý: (1) các cá nhân, tại biên, dường như không nhận khoản lợi biên xứng với giá trị biên mà họ đóng góp. (2) Các "hệ thống kiểm soát" mà nền kinh tế sử dụng là phức tạp hơn chỉ thuần tuý các hệ thống giá cả, và chắc chắn phức tạp hơn các hệ thống giá "tuyến tính". [11] Chúng kéo theo những hạn chế định lượng, được dùng như các cơ chế kiểm soát gián tiếp khi các cơ chế kiểm soát/khuyến khích trực tiếp là tốn kém hoặc khó thực hiện. [12] Có các thí dụ khác về cái có thể coi như những hạn chế định lượng: Hãy xét một tình huống ở nơi, vì tính kinh tế theo phạm vi, các cá nhân có nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, nhưng nhiễu gắn với đo thành tích trong các nhiệm vụ khác nhau là khác nhau. Lí thuyết chung về khuyến khích lập luận rằng với các nhân viên không ưa rủi ro, các khuyến khích mạnh hơn phải được đưa ra cho thành tích của các nhiệm vụ được đo chính xác hơn. Nhưng hệ quả là các nhân viên sẽ hướng chú ý tới các nhiệm vụ này. Như một kết quả, có thể nên hạn chế số nhiệm vụ phân cho mỗi cá nhân- bỏ các khoản lợi có được từ tính kinh tế theo phạm vi. [13]

Các khuyến khích và cạnh tranh

Theo một nghĩa nào đó mô hình Arrow-Debreu và định lí Lange-Lerner-Taylor không chỉ không đề cập đến các vấn đề khuyến khích chủ yếu đối mặt với nền kinh tế, chúng gây ấn tượng sai về mối quan hệ giữa cạnh tranh (ít nhất loại đặc biệt của cạnh tranh được gọi là "cạnh tranh hoàn hảo") và các khuyến khích, một điểm mà tôi sẽ quay lại ở chương 7. Cạnh tranh, ở dạng tranh đua - trong đó phần thưởng phụ thuộc vào thành tích tương đối - có thể và hi vọng đóng một vai trò quan trọng trong tạo các khuyến khích, nhưng đây là một triển vọng khá khác về cạnh tranh so với cái mà hệ thuyết truyền thống cung cấp.


Chứng cớ về và các hệ quả của quyền tự trị quản lí

Sự thực rằng các cuộc thôn tính và các "cơ chế kiểm soát" khác, như cổ đông biểu quyết chỉ tạo kiểm soát hạn chế lên các nhà quản lí, gây ra vấn đề bởi vì, như bây giờ chúng ta đã hiểu, quyền lợi của các nhà quản lí và các cổ đông có thể khác nhau - thí dụ, các nhà quản lí có thể dành hết năng lực của mình và nguồn lực của hãng cho việc nâng cao bản thân họ và cho việc thăng tiến sự nghiệp và thúc đẩy quyền lợi riêng [14] của họ (xem, thí dụ, Hannaway 1989; Milgrom và Robert 1988; Shleifer và Vishny 1989; Edlin và Stiglitz 1992). Như tôi đã chỉ ra, những sự khác biệt này không thể và không dễ hoặc chẳng bao giờ được hiệu chỉnh hoàn toàn bằng các sơ đồ đền bù.

Có nhiều loại hậu quả của sự phân kì này. Sự thực rằng các nhà quản lí chiếm đoạt một phần nhỏ các khoản lời đối với nỗ lực của họ gợi ý rằng họ sẽ có quá ít nỗ lực. [15] Nhưng, như tôi đã nhắc tới trước đây, có lẽ quan trọng hơn nhiều là những méo mó trong ra quyết định. Trong những hoàn cảnh nào đó các nhà quản lí có thể có khuyến khích để lấy quá nhiều rủi ro, trong tiến hành nỗ lực khá mới nào đó. Xét cho cùng, họ đánh bạc bằng tiền của người khác. Nếu họ thành công, họ có thể được danh tiếng, và kiến thức đặc biệt thu được nhờ đó sẽ tạo cơ hội để họ mặc cả tiền công cao hơn. Nếu nỗ lực thất bại, ít nhất các chi phí tài chính chủ yếu do người khác chịu. Trong các hoàn cảnh khác (và có quan điểm chung rằng đây là trường hợp phổ biến hơn) các nhà quản lí có khuyến khích để lấy quá ít rủi ro. Trong khi các cổ đông có thể là rất đa dạng, và như thế là bàng quan với rủi ro, các nhà quản lí có khoản cược lớn trong hãng. Ngay cả nếu sơ đồ đền bù "chính thống" tạo một khoản thưởng lớn cho thành tích đặc biệt - tính phi tuyến trong sơ đồ trả lương, nếu đủ lớn, sẽ gây ra ứng xử liều - các nhà quản lí lo rằng nếu đề án thất bại, thì sự nghiệp của họ với hãng sẽ bị huỷ hoại, và tính hấp dẫn của họ đối với những người ngoài sẽ giảm sút. Nỗi lo âu này nhiều hơn sự bù đắp hứa hẹn về khoản trả cao hơn nếu đề án rất thành công.

Trong nhiều trường hợp có thể khó để biết chắc liệu một nhà quản lí làm tốt công việc hay không. Những người đứng ngoài chắc sẽ xem thành tích tương đối (như được nhắc tới trước đây). Nếu một hãng làm tồi, nhưng tất cả các hãng khác trong cùng một ngành cũng làm tồi, thì nhà quản lí sẽ không bị trách. Điều này tạo một khuyến khích mạnh để các hãng tiến hành các hoạt động giống nhau: Làm cái mà các hãng khác làm đảm bảo rằng mình không thể làm quá tồi so với hãng khác. [16] Ngành ngân hàng cho một thí dụ cụ thể về điều này trong các năm 1970 và 1980. Trong các năm 1970 nhiều ngân hàng đã cho Mĩ Latin vay các khoản lớn, nhiều hơn mức thận trọng (dựa theo các lí thuyết về đa dạng hoá, và kinh nghiệm lịch sử liên quan đến vỡ nợ chính phủ). Khi vào đầu các năm 1980 các hậu quả đã hiển nhiên - khi nhiều nước mắc nợ lớn không có khả năng trả nợ - ít, nếu có, nhà quản lí ngân hàng nào bị "phạt". Sự thực rằng không riêng một ai đưa ra phân bổ đầu tư tồi đã làm cho nó dường như là một sai lầm "vừa phải", và vì vậy lỗi lầm không bị trừng phạt.

Trong khi những méo mó này xem ra có vẻ hiển nhiên, có một dải rộng những méo mó tinh tế hơn. [17] Tiền công của các nhà quản lí phụ thuộc một phần vào vị thế mặc cả của họ đối với những người chủ: Họ có thể được thay thế dễ ra sao (thí dụ, bởi hội đồng quản trị). [18] Điều đó phụ thuộc vào cả mức độ kiến thức đặc thù cần để điều hành công ti lẫn mức độ có sự khác biệt trong thông tin về công ti giữa các nhà quản lí hiện thời và những người ngoài. Kiến thức đặc thù cần thiết càng lớn, và sự bất đối xứng thông tin càng lớn, thì ban quản lí càng bám chắc và vị thế mặc cả của nó càng mạnh. Nhưng những biến số này phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của ban quản lí. Chúng tạo, thí dụ, động cơ cho hãng tiến hành các đề án (đầu tư) mà giá trị của chúng là khó phán xét đối với người ngoài. Vì vậy, do bản chất của chúng, rất khó định lượng mức mà các quyết định đầu tư bị méo mó.

Những lập luận lí thuyết rằng các hãng với quyền sở hữu phân tán không được quản lí tốt - hoặc ít nhất được quản lí theo quyền lợi của các cổ đông - được ủng hộ bởi một số bằng chứng thực tiễn, mặc dù trong trường hợp của những méo mó được thảo luận ở đoạn trên, nhận được chứng cớ chi tiết tỏ ra rất khó. Tuy vậy, có hai loại ứng xử mà sự khác biệt dường như có tư liệu khá.

Thôn tính

Tôi đã lưu ý những quan sát về quyền tuỳ ý quản lí gắn với sự đam mê thôn tính của các năm 1980, Ross Johnson của RJR-Nabisco có lẽ cung cấp một thí dụ kinh điển. Bằng chứng vượt quá những giai thoại này: Bản thân phong trào thôn tính có vẻ hơi bí ẩn, vì các hãng đi thôn tính có vẻ chẳng kiếm được mấy, do họ phải cạnh tranh với các hãng khác, và quá trình đấu giá đẩy giá lên "kịch trần". Nghiên cứu của Morck, Shleifer và Vishny (1989), chứng tỏ rằng ảnh của nhà quản lí trong báo cáo thường niên càng lớn, thì khả năng thôn tính càng lớn, ủng hộ lí thuyết ngạo mạn: Không phải sự phán xét kinh doanh mà chính cái tôi của nhà quản lí là cái thúc đẩy phần nhiều hoạt động thôn tính. Có vẻ là khả năng của các cuộc thôn tính làm giảm giá trị sẽ giảm đi khi số cổ phần của hãng, được sở hữu bởi ban quản lí và các nhóm lợi ích có quyền kiểm soát lớn, tăng lên.

Các nghịch lí thuế

Trong các năm gần đây các nhà kinh tế học về thuế đã cung cấp thêm bằng chứng về các hệ quả của sự tách rời quyền sở hữu và kiểm soát, về tính phi hiệu quả gắn với quyền tự trị quản lí: Họ đã nhận diện một số lượng lớn các nghịch lí thuế, các trường hợp trong đó các hãng đóng thuế nhiều hơn nhiều mức họ phải đóng. Điều quan trọng về các nghịch lí thuế là, đánh thuế là một trong vài vũ đài trong đó chúng ta những nhà kinh tế học tầm thường có thể đánh giá tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Ít người trong chúng ta có những khả năng kĩ thuật để biết liệu GM có thật sự hiệu quả trong sản xuất xe hơi không. Thực ra, thành tích tương đối của nó, thí dụ, so với Toyota và Nissan, gợi ý rằng không. Thế nhưng các nhà lãnh đạo của GM sẽ nêu những khác biệt về nhân công và vốn giữa hãng của họ và các hãng Nhật, lập luận rằng, căn cứ vào môi trường mà họ hoạt động, họ thật sự hoàn toàn có hiệu quả như họ có thể. Nhưng cơ cấu thuế là tương đối dễ đối với bất kể ai trong chúng ta để hiểu: Đó là một "công nghệ" được chứa đựng có lẽ trong ít hơn một trăm cuốn sách về các luật, các qui tắc, và qui định. Các nguyên tắc thậm chí còn dễ hiểu hơn. Chúng ta có thể giải thích thậm chí cho các sinh viên vì sao, cho đến 1986, ở Hoa Kì, đã chẳng bao giờ có lợi cho các hãng đi chia tiền của cho các cổ đông ở dạng cổ tức; luôn tốt hơn là đi mua lại cổ phần hoặc tiến hành các hoạt động khác để các cổ đông nhận được tiền từ công ti ở dạng lãi vốn. Sự thực rằng các hãng vẫn tiếp tục chia cổ tức được gọi là nghịch lí cổ tức (Stiglitz 1973b), và trong khi rất nhiều bài báo đã được viết ra thử thanh minh cho nghịch lí thuế, chẳng bài nào thoả mãn cả. Thực vậy điểm mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, ít nhất trong thảo luận với các quan chức ở các công ti bị giữ chặt [19] , dường như có sự nhận biết những bất lợi của chia cổ tức, và họ tin cậy vào chúng ít hơn nhiều. Các công ti do công chúng nắm giữ quan tâm nhiều hơn đến cảm nhận lành mạnh mà việc chia cổ tức đều đặn dường như tạo ra, so với vấn đề căn bản hơn là tối thiểu hoá các nghĩa vụ thuế. Các thị trường không hoàn toàn ngu: Chúng học từ từ, và, như Shoven và Bagwell (1989) đã chỉ ra, đã có sự tăng lên rõ ràng về tỉ lệ ngân quĩ được chia từ khu vực công ti sang cho khu vực hộ gia đình theo các cách có lợi về thuế trong mười lăm năm sau khi biết đến nghịch lí cổ tức.

Những dị thường khác về thuế ủng hộ quan điểm rằng các công ti do công chúng nắm thường đặt hình thức - vẻ ngoài của lợi nhuận- lên trên thực chất: Việc dùng phương pháp kế toán FIFO thay LIFO [20] , trong khi làm tăng giá trị chiết khấu hiện tại của các nghĩa vụ thuế, nó làm tăng thu nhập tiền mặt ngắn hạn của hãng. Như thế nhiều hãng do công chúng nắm tiếp tục dùng qui ước kế toán này, ngay cả khi các chi phí để làm vậy tăng lên rất nhiều khi tỉ lệ lạm phát tăng.

Với cùng lí do, có lẽ, nhiều hãng do công chúng nắm không khấu hao nhanh, điều làm giảm giá trị chiết khấu hiện tại của các nghĩa vụ thuế, tuy nó làm giảm thu nhập được báo cáo trong ngắn hạn. Đáng chú ý về một số dị thường này là, hãng có thể "thành thật thú nhận" - nó có thể báo cáo cho các cổ đông về lợi nhuận "thực" sẽ là bao nhiêu theo các phương pháp kế toán khả dĩ khác nhau, và giải thích rằng nó dùng tập quán kế toán cụ thể chỉ để làm giảm các nghĩa vụ thuế.

Một thí dụ khác là việc sử dụng quyền chọn cổ phiếu để thưởng các nhà quản trị. Như đã được nhắc tới, các hãng cho là họ sử dụng quyền chọn cổ phiếu bởi vì nó tạo các khuyến khích tốt: Nếu các nhà lãnh đạo thành công trong việc làm tăng giá trị của công ti, họ được hưởng lợi. Thế mà các sơ đồ này không được thiết kế tốt. Cái mà hãng muốn làm là thưởng các nhà điều hành do họ làm tốt hơn thị trường. Trong chừng mực khoản lợi chỉ thuần tuý phản ánh một đợt phồn thịnh bột phát trong thị trường cổ phiếu, thì nhà điều hành không được thưởng. Theo cùng lẽ như thế các sơ đồ này gây rủi ro lên nhà điều hành: Khi thị trường cổ phiếu xuống, các nhà điều hành bị phạt, ngay cả dẫu cho sự suy sụp là ngoài vòng kiểm soát của họ. Các nhà điều hành phải được thưởng trên cơ sở thành tích tương đối. [21]

Những thảo luận phổ biến thường nhắc đến thuận lợi về thuế của quyền chọn cổ phiếu, vì khoản lợi bị đánh thuế với các điều kiện có lợi của lãi vốn. Thế nhưng những phân tích như vậy đã không tính đến nghĩa vụ thuế của công ti.

Có thể đạt được các tác động khuyến khích của quyền chọn cổ phiếu (hoặc tốt hơn, các tác động khuyến khích của các khoản lợi tương đối về giá trị cổ phiếu) bằng cách gắn tiền lương với thành tích (tương đối), mà không dùng quyền chọn cổ phiếu một cách tường minh, đồng thời tiết kiệm về thuế, trên cơ sở kết hợp thuế cá nhân và thuế công ti. [22] Việc không nhận ra điều này một cách rộng rãi ở các công ti do công chúng nắm, phản ánh sự tách rời của quyền sở hữu và kiểm soát. Các nhà quản lí trong các công ti chỉ có các cổ đông nhỏ phân tán, rõ ràng, lừa gạt làm cho các cổ đông nghĩ rằng quyền chọn cổ phiếu là "rẻ hơn": Phát hành thêm cổ phiếu hầu như không tốn kém như in tiền vậy. Chỉ dần dần các cổ đông mới hiểu về chi phí to lớn do loãng giá trị vốn của họ trong công ti.

Hình như tính phi hiệu quả về thuế, bất luận dạng của nó là gì, thường chắc xuất hiện hơn khi có sự tách rời của quyền sở hữu và kiểm soát.


Các cơ chế kiểm soát khả dĩ khác

Ba phân đoạn trước đã lập luận rằng các nhà quản lí có quyền tự trị đáng kể, rằng các sơ đồ đền bù chỉ cung cấp một công cụ hữu hiệu một phần để sắp xếp các khuyến khích, và rằng kết quả là các hãng thường có vẻ không hành động vì lợi ích của các cổ đông. Thực ra có các cấu trúc "cai quản" lựa chọn khả dĩ khác - bên cạnh những thứ được nhấn mạnh trong văn khoa truyền thống - những cơ cấu hạn chế quyền tự trị của ban quản lí và làm cho việc các nhà quản lí hành động khá hiệu quả có khả năng hơn, và có các cơ chế lựa chọn để khiến các nhân viên hành xử vì lợi ích của hãng.

Các ngân hàng và cai quản công ti

Trong khi các cơ chế truyền thống, nhằm đảm bảo rằng các nhà quản lí không chỉ hành động vì lợi ích riêng của họ, chỉ có hiệu quả hạn chế, một cơ chế kiểm soát khả dĩ khác -các ngân hàng- có thể có hiệu quả. Triển vọng này có vẻ đáng ngạc nhiên. Xét cho cùng, các ngân hàng không có sự kiểm soát "danh nghĩa". Ở Hoa Kì các ngân hàng thậm chí còn bị ngăn khỏi có các đại diện trong hội đồng quản trị, và nếu có vai trò quá tích cực trong các công ti, chúng có thể mất địa vị ưu tiên trong trường hợp phá sản. Nhưng các ngân hàng có một quyền lực mà các cổ đông không có: Chúng có quyền đòi lại tiền (ở cuối kì của khoản vay), và nếu công ti không trả được, chúng có các quyền (hạn chế) để tiếp quản công ti.

Vì rủi ro hạn chế của ngân hàng, có ít đa dạng hoá hơn - trong khi một công ti có thể có hàng triệu cổ đông, nó chỉ có một số lượng hạn chế người cho vay. Tương đối ít người cho vay chính này hành động hợp tác với nhau. Chúng "lần lượt" làm ngân hàng đầu mối và chịu trách nhiệm giám sát khoản vay. Sự thực rằng có ít người cho vay đối với riêng một hãng có nghĩa rằng vấn đề ăn không giảm bớt, và sự thực rằng cũng số hạn chế các ngân hàng ấy tương tác lặp đi lặp lại nhiều lần trong các hoạt động cho vay có nghĩa rằng những dàn xếp hợp tác (có thể nói ứng xử thông đồng) có thể duy trì, càng làm giảm tầm quan trọng của vấn đề ăn không trong giám sát (Stiglitz 1985b).

(Sự thực rằng nhiều ngân hàng lớn, với sự đa dạng rộng rãi về sở hữu, cho cùng một hãng vay thoạt nhìn có vẻ nghịch lí. Chẳng có lợi mấy từ sự đa dạng hoá này, và có cái gì đó bị mất - do các khuyến khích giám sát sút giảm, với các lợi ích nào đó của việc giám sát bởi bất kể một người cho vay nào dồn cho những người cho vay khác. Nhưng căn cứ vào ứng xử hợp tác, khoản tổn thất này là hạn chế. Một giải thích khả dĩ do lí thuyết giám sát đồng đẳng (ngang hàng) cung cấp [Arnott và Stiglitz 1991; Stiglitz 1990c]. Câu hỏi chuẩn trong lí thuyết giám sát là ai giám sát các giám sát viên. Một giải pháp hiển nhiên là giám sát đồng đẳng: Các giám sát viên hoặc các nhân viên hoặc những người cho vay, thí dụ, giám sát lẫn nhau. Những người ngang hàng thường có nhiều thông tin, đơn thuần như sản phẩm phụ của các hoạt động khác của họ; hệt như học hỏi có thể là một sản phẩm chung tương đối ít tốn kém của sản xuất, việc giám sát cũng có thể như vậy. Nhưng để cho giám sát ngang hàng có hiệu quả, những người ngang hàng phải có khuyến khích để giám sát. Khi nhiều ngân hàng bị "phơi ra" cho rủi ro cho vay, ngay cả khi một ngân hàng làm đầu mối, các ngân hàng khác có lợi ích thích đáng để "giám sát giám sát viên").

Triển vọng này - tầm quan trọng của các ngân hàng như một cơ chế kiểm soát - đầu tiên được Berle (1926) thảo luận. Nó được hồi sinh, trong khung cảnh lí thuyết thông tin, bởi Stiglitz (1985b) và đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng khi các nhà kinh tế học xem xét kĩ hơn thành công của Nhật Bản nơi các ngân hàng dường như đóng một vai trò nổi bật.

Vượt quá các khuyến khích tài chính

Sự thực rằng các khuyến khích kinh tế trực tiếp dường như hạn chế đến như vậy đối với hầu hết các nhà điều hành đã dẫn Simon (1991) và Akerlof (1991) đến chỗ gợi ý rằng phải nhìn quá các khuyến khích kinh tế để hiểu ứng xử của nhà quản lí, rằng thành công của hãng đòi hỏi sự "đồng nhất hoá" các mục tiêu của cá nhân và của hãng, rằng các cá nhân chấp nhận thành công của hãng như mục tiêu của mình.

Tầm quan trọng của những động cơ phi kinh tế này ra sao còn là một vấn đề tranh luận. Trong những ngày đầu của Liên Xô, có lẽ đúng là các khuyến khích phi kinh tế này đã đóng một vai trò quan trọng. Trong một số trường hợp chúng tỏ ra mạnh đến mức có thể về cơ bản thay thế các khuyến khích kinh tế. Tương tự, trong thời chiến, các động cơ phi kinh tế đóng vai trò quan trọng trong kêu gọi mức nỗ lực phi thường. Nhưng về dài hạn, các động cơ phi kinh tế, bản thân chúng, xem ra không đủ. Thế nhưng điều này không được dẫn chúng ta đến kết luận rằng chúng không thể đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy nhân viên, như cái bổ sung, chứ không phải cái thay thế, cho các khuyến khích tài chính.


Những gợi ý cho các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây

Tầm quan trọng của các vấn đề "kiểm soát" này trở thành tâm điểm thảo luận ở các nền kinh tế hậu xã hội chủ nghĩa về phải tổ chức các hệ thống tài chính của họ ra sao: Liệu họ nên theo mô hình Nhật, Đức hay Mĩ? Và họ phải tiến hành tư nhân hoá ra sao? Thiếu tập trung của cải hàm ý rằng vấn đề "quản lí như hàng hoá công cộng" chắc sẽ nảy sinh bất luận các nước này tiến hành tư nhân hoá ra sao. Nhưng một vài kiến nghị (được thảo luận trong một chương sau) bao hàm "chủ nghĩa tư bản nhân dân" - quyền sở hữu cổ phần tản mác, rộng rãi, trong đó các vấn đề về kiểm soát chắc sẽ đặc biệt gay gắt. Trong khi có lẽ có thể "giải" bài toán này bằng xổ số ngẫu nhiên, hiến mỗi hãng lớn cho một cá nhân riêng biệt, một "lời giải' như vậy sẽ khó có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Căn cứ vào sự tách rời không thể tránh khỏi của quyền sở hữu và kiểm soát, câu hỏi cần đặt ra là, vấn đề "kiểm soát" có thể được đề cập ra sao? Ở đây việc thiết kế hệ thống tài chính chắc sẽ là quan trọng (xem chương 12).

Thành công suốt mười hai năm qua của Trung Quốc, và đặc biệt ở các tỉnh phía nam, gợi ý rằng quyền sở hữu (tài sản tư nhân) là ít quan trọng, và rằng có các cơ cấu cai quản khác có thể có hiệu quả, ít nhất ở tầm ngắn hạn. Tăng trưởng đã dựa trên các doanh nghiệp được sở hữu bởi làng xã, hương trấn, các xí nghiệp nhà nước khác, các cơ quan nhà nước khác nhau, và vân vân. Có sự cai quản chia sẻ (shared governace). Các nhà quản lí có quyền rộng rãi, và việc giám sát được tiến hành bởi những người có quyền lợi (stakeholder) khác nhau, không chỉ bởi "những người chủ" danh nghĩa (mà bản thân chúng hầu hết là các tổ chức công cộng) mà bởi các bộ công nghiệp và các phòng tài chính địa phương những tổ chức phụ thuộc vào thành công của các doanh nghiệp này để có thu nhập.


Những sự khác biệt giữa các doanh nghiệp công và tư

Trong chương này, chúng ta đã đi luẩn quẩn: Chúng ta bắt đầu lập luận rằng một trong những lí do then chốt của sự thất bại của chủ nghĩa xã hội thị trường là nó đánh giá thấp tầm quan trọng của các khuyến khích. Sau đó chúng ta chỉ ra rằng mô hình Arrow-Debreu cũng thế. Nhưng sau đó chúng ta lại đi tiếp và lập luận rằng có lẽ, rốt cuộc, các khuyến khích là ít quan trọng hơn với tư cách là một phê phán của chủ nghĩa xã hội thị trường so với những thảo luận phổ biến gợi ý vì hai lí do: Thứ nhất, dưới chủ nghĩa tư bản, ở mức quản lí, các khuyến khích là yếu. Thứ hai, các doanh nghiệp công cộng có thể cung cấp cho các nhà quản lí các khuyến khích như nhau như các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa với sở hữu cổ phần tản mác cung cấp cho các nhà quản lí của họ.

Cả hai hệ thống có thể gặp các vấn đề. Nhưng liệu các khuyến khích có cho cái nhìn thấu hiểu vào những sự khác biệt cốt yếu? Cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn ở mức tương đối không thoả mãn. Các cuộc thảo luận tập trung vào hai vấn đề:

Đầu tiên là vấn đề về khả năng của chủ nghĩa xã hội thị trường mô phỏng một nền kinh tế thị trường. Có một số người nhấn mạnh vai trò của thị trường cổ phiếu trong tạo các khuyến khích. Không phải là (như tôi đã giải thích) các nhà quản lí được trả bằng quyền chọn cổ phiếu, mà thay vào đó là thị trường cổ phiếu cung cấp thông tin mà bằng cách khác không có được để đánh giá thành tích quản lí. Thị trường nhìn ra phía trước và cung cấp sự đánh giá tốt nhất về sự thay đổi trong giá trị kì vọng chiết khấu hiện thời của công ti. Tôi thấy lí lẽ này không có sức thuyết phục vì ba lí do. Thứ nhất, đơn giản có quá nhiều nhiễu trên thị trường cổ phiếu. Giá thị trường của cổ phiếu bị tác động bởi một loạt những cân nhắc, chỉ một vài trong số đó có quan hệ trực tiếp với các hành động của nhà quản lí. Và vì sao chúng ta phải tin rằng những phán xét của các nhà đầu tư không am hiểu (nha sĩ ở Peoria, Illinois, hoặc người bán xe hơi đã về hưu ở Florida) là những phán xét tin cậy nhất liên quan đến triển vọng tương lai của các hãng? [23] Bằng chứng liên quan đến sự tin cậy thực tế tương đối thấp của các hãng tư bản vào giá trị thị trường cổ phiếu được nhắc tới ở trên, và sự thất bại của họ trong các nỗ lực thiết kế các sơ đồ đền bù nhằm chiết xuất nhiều "thông tin" hơn về những đóng góp của các nhà quản lí (bằng cách xem xét thành tích tương đối), gợi ý rằng trong các nền kinh tế thị trường thông tin này không thực nằm ở trung tâm của việc thiết kế các sơ đồ đền bù. Thứ hai, hầu hết các công ti không được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và chẳng có bằng chứng nào là các công ti này bị thiệt hại lớn (ở khía cạnh thiết kế các sơ đồ khuyến khích quản lí) như một hệ quả. Thứ ba, nhiều nhất, thì thông tin cổ phiếu có thể là quan trọng đối với lương của các nhà quản trị chóp bu của các công ti lớn. Hầu hết các nhà quản trị quản lí các đơn vị con, mà giá trị của nó không được cung cấp bởi thị trường cổ phiếu. Có những cách khác, tin cậy hơn, để đánh giá đóng góp của các nhà quản lí.
Vấn đề thứ hai tập trung vào động cơ của những người kiểm soát công ti để thực hiện các cơ cấu khuyến khích. Ở đây đôi khi được lập luận rằng những người điều hành các doanh nghiệp công cộng đơn giản không có động cơ để quan tâm đến hiệu quả kinh tế và như thế không có khuyến khích để thiết kế, thực hiện các cơ chế khuyến khích thích hợp. Lại một lần nữa, tôi thấy lí lẽ này không thuyết phục. Động cơ - và lòng mong muốn - của chủ tịch Petrofina, BP, hoặc Texaco để thực hiện các cơ cấu khuyến khích hình như không khác nhau nhiều. Một phần của lí do là các hãng này ở trong một môi trường cạnh tranh nơi tính hiệu quả của doanh nghiệp tương đối dễ đánh giá. Không phải sở hữu là cái cốt yếu lắm mà là sự tồn tại của cạnh tranh.

Chắc hẳn, có mối quan hệ giữa hai cái: Nhiều doanh nghiệp nhà nước ở trong các lĩnh vực cạnh tranh hạn chế. Hãy xét những độc quyền tự nhiên như viễn thông. Có bằng chứng ở đây là cạnh tranh thúc đẩy hiệu quả. Mở cửa cạnh tranh trong những phần nhất định của ngành điện thoại Mĩ, mọi người tin rằng, đã có những tác động đáng kể lên tính hiệu quả của ngành công nghiệp này, tái khẳng định rằng cái có thể là quan trọng không phải là quyền sở hữu mà là cạnh tranh.

Các doanh nghiệp nhà nước có thể đối mặt với các môi trường kinh tế khác với các doanh nghiệp tư nhân. Muộn hơn tôi sẽ thảo luận những hệ quả của các "ràng buộc ngân sách mềm". Các doanh nghiệp nhà nước có thể bị áp lực để theo đuổi các mục tiêu phi kinh tế, như công ăn việc làm địa phương. Các doanh nghiệp nhà nước có thể phải chịu các ràng buộc công chức trong các chính sách việc làm của họ. Tất cả những thứ này có thể có tác động xấu đến tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Có thể khó đối với chính phủ đi cam kết cho phép các doanh nghiệp nhà nước hoạt động giả như chúng là các doanh nghiệp tư nhân; tức là, có thể khó cam kết để cho phép cạnh tranh, để làm cứng ràng buộc ngân sách, để không bắt các doanh nghiệp chịu áp lực chính trị, để không bắt nó theo các đòi hỏi công chức. Những vấn đề cam kết này - những cái có thể được xem như các "vấn đề chính trị kinh tế học" hoặc các "vấn đề khuyến khích khu vực công cộng" - hình như gần hơn với cốt lõi của sự khác biệt giữa các thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường hơn là những khác biệt trong những khuyến khích quản lí.

Có đôi chút mỉa mai trong tranh luận mới đây này. Thông điệp trung tâm của định lí Lange-Lerner-Taylor là quyền sở hữu không quan trọng: Có thể có những ưu điểm của hệ thống giá mà không có những bất lợi gắn với quyền sở hữu tư nhân. Phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường, qua việc chỉ ra sự thất bại của chủ nghĩa xã hội thị trường để nhận ra tầm quan trọng của các khuyến khích, đã không nhận ra sự sáng suốt cơ bản này. Các khuyến khích là quan trọng. Thiết kế các cơ cấu khuyến khích là khó. Nhưng câu hỏi vẫn nguyên đấy, liệu quyền sở hữu có quan trọng cho thiết kế các cơ cấu khuyến khích?

© 2005 talawas


[1]Xem Stiglitz (1982d, 1985b).
[2]Xem Stiglitz (1972a, 1975a).
[3]Đặc biệt, phân tích kể trên giả thiết cạnh tranh "Bertrand" quyết liệt, với các nhà thầu giống hệt nhau bàng quan với thông tin và rủi ro. Dưới các điều kiện tổng quát hơn, với số nhà thầu hạn chế, các nhà thầu sẽ bỏ thầu ít hơn giá trị đầy đủ. Sự thực rằng chúng ta thấy các giá trị cao như vậy được hỏi mua có thể là một sự phản ánh nhiều hơn về tính phi lí của các nhà thầu, khi họ bị say mê trong quá trình đấu giá (bao gồm cả sự ngạo mạn của các chuyên gia thôn tính), hơn là về khả năng của cơ chế đấu thầu để bòn rút tiền thuê đầy đủ.
Vấn đề tổng quát liên quan đến sự khác nhau giữa khoản lời riêng và khoản lời xã hội đối với việc thu thập thông tin được thảo luận, thí dụ, bởi Hirshleifer (1971) và Stiglitz (1975c, 1985c).
[4]Về các vấn đề khác với cơ chế thôn tính, xem Stiglitz (1972a). Cho đến nay có một văn khoa lớn phân tích khi nào và dưới các điều kiện nào thì việc thôn tính có thể áp đặt kỉ luật một phần nào đó lên các nhà quản lí. Văn khoa là quá rộng để có thể đưa ra tổng quan ở đây. Là đủ để nói rằng cơ chế thôn tính áp đặt kỉ luật nào đó, song là hạn chế.
Thí dụ gây ấn tượng nhất về các hãng được "định giá thấp" nhưng không bị thôn tính là các quĩ tương tế đóng (khép kín). Có thời gian, đặc biệt trong các năm 1970, các hãng này đã bán với một chiết khấu rõ ràng từ giá trị của các cổ phần cơ bản. Do đó đã có một chính sách đơn giản để tăng giá trị thị trường - mua hãng và phân chia cổ phần. Thế mà điều này đã không xảy ra.
[5]Các sơ đồ như vậy có đặc tính là mỗi cá nhân nhận được đầy đủ giá trị biên của đóng góp của mình.
[6]Như trong mọi hợp đồng thuê, "người thuê" chịu mọi rủi ro dư ra.
[7]Việc đi vay không giải quyết được các vấn đề đại lí. Nhiều nhất, nó dịch chuyển chúng sang người cho vay. Xem, thí dụ, Stiglitz and Weiss (1981).
[8]Xem, thí dụ, Stiglitz (1975b).
[9]Các nghịch lí thuế khác, được thảo luận dưới đây, cung cấp thêm bằng chứng cho điều này.
[10]Xem Stiglitz (1987e).
[11]Thảo luận của tôi ở chương 3 đã gợi ý một khía cạnh của điều này, vượt quá tính phi tuyến của các sơ đồ đền bù. Ở đó tôi đã lưu ý rằng nỗ lực có thể được tăng cường bằng trợ cấp những bổ sung đối với nỗ lực và đánh thuế các khoản trợ cấp. Các hãng có thể có khả năng sùng các công cụ tương tự. Các chủ đất có thể tăng cường nỗ lực của các tá điền ăn chia hoa lợi của mình (làm tăng phần lời dự kiến của chủ đất) bằng cách cung cấp phân bón (cái có thể làm tăng lợi tức biên đối với nỗ lực) hoặc cung cấp tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường (điều có thể dẫn tá điền đến mua nhiều đầu vào hơn, và đến lượt nó điều đó lại có thể tăng cường nỗ lực). Như thế các mối quan tâm đến các khuyến khích có thể dẫn đến sự "liên kết đan xen" giữa các thị trường. Mặc dù điểm này được đưa ra đầu tiên trong bối cảnh của các nước kém phát triển (Braverman and Stiglitz 1982, 1986), nó cung cấp một phần cơ sở hợp lí cho những sự kiềm chế dọc trong các nền kinh tế công nghiệp.
[12]Đây là chủ đề chính của cuốn sách sắp tới của tôi với Richard Arnott.
[13]Điểm chung rằng, lương khoán sản phẩm (ngay cả được chọn một cách tối ưu) hướng sự chú ý theo cách riêng, không nhất thiết phù hợp với lợi ích của hãng, được nhắc tới trong những thảo luận sớm hơn về lương khoán, cả ở mức lí thuyết (thí dụ, Stiglitz 1975b) lẫn mức thi hành thực tiễn. Các nhân viên sẽ không có khuyến khích để huấn luyện các nhân viên mới. Trừ khi chất lượng có thể được đo chính xác, và lương khoán phản ánh chính xác sự khác biệt chất lượng này, thì có thể có thiên lệch hướng tới sản xuất chất lượng thấp. Về những thảo luận gần đây hơn, xem Holmstrom and Milgrom (1991), và về một ứng dụng lí thú vào thiết kế các hệ thống giáo dục, xem Hanaway (1992).
[14]Thực vậy, khi có một tập không đầy đủ của các thị trường rủi ro, sẽ không có sự thống nhất giữa các cổ đông liên quan đến các mục tiêu nào hãng phải theo đuổi (xem, thí dụ, Grossman àn Stiglitz 1980b). Khi có một tập đầy đủ của các thị trường kì hạn và rủi ro, không chỉ sẽ có sự nhất trí về mục tiêu nào hãng phải theo đuổi - tối đa hoá giá trị thị trường - mà cũng không có sự mơ hồ về điều đó đòi hỏi gì (xem Stiglitz 1970, 1972a, 1972b). Khi các điều kiện này không thoả mãn, phán xét của ban quản trị về hoạt động nào sẽ tối đa hoá "giá trị thị trường tầm dài hạn" là cần thiết, và điều này tạo phạm vi to lớn cho quyền tuỳ ý của ban quản trị, làm cho khó để biết chắc liệu các hoạt động đó được tiến hành vì các mục tiêu riêng hay của tổ chức.
[15]Đây là điểm được đưa ra trong văn khoa sớm nhất về người chủ-người đại lí, thí dụ, Stiglitz (1974) ở nơi đã chỉ ra rằng một nhà quản lí giống một tá điền: Nhà quản lí chỉ nhận được một phần nhỏ của đầu ra do nỗ lực của mình.
[16]Xem Nalebuff and Stiglitz (1983b).
[17]Xem Edlin and Stiglitz (1992).
[18]Các lập luận tương tự áp dụng cho các khuyến khích của các nhà quản lí để làm nản lòng việc thôn tính.
[19]Đa số cổ phần của công ti bị giữ chặt (losely held) nằm trong tay một số ít cổ đông, ngược với các công ti do công chúng nắm (publicly held).
[20]Phương pháp kế toán kho hàng FIFO (First In First Out = nhập trước xuất trước) và LIFO (Last In, First Out = nhập sau xuất trước).
[21]Phần này của nghịch lí là ít - nhưng chỉ một chút ít- nghịch lí hơn như nó có vẻ: Trong một thị trường vốn hoàn hảo các nhà điều hành không ưa rủi ro có thể gạt bỏ rủi ro thị trường cổ phiếu, thí dụ, bằng cách bán non quĩ chỉ số S&P 500. Trong các thị trường thực tế các nhà điều hành có thể gạt bỏ không hoàn hảo một số rủi ro nào đó. Tuy vậy, vấn đề vẫn còn là vì sao các phương pháp lựa chọn khả dĩ làm giảm cả chi phí giao dịch (như chúng ta sẽ thấy ở dưới) lẫn gánh nặng thuế lại không được áp dụng.
[22]Nếu một công ti trả lương 100 $ cho nhà quản lí, nó được trừ khỏi thuế thu nhập công ti. Trước 1986 chính phủ liên bang đã trả khoảng 50 phần trăm lương của nhà quản lí. Sự kết hợp thuế công ti và thuế cá nhân trên 100$ trả cho nhân viên (với cá nhân chịu thuế suất 50 phần trăm) sẽ bằng không (50$ giảm thuế thu nhập công ti bù bằng 50$ tăng thuế thu nhập cá nhân). Ngược lại, với quyền chọn cổ phiếu, số thuế thuần nộp là khoảng 25$, với lãi vốn bị đánh thuế ở mức 50 phần trăm của thuế suất bình thưòng. Với lãi vốn và thu nhập thường bị đánh thuế ở mức 28 phần trăm, thuế suất thu nhập bang, thí dụ, 6 phần trăm, và suất thuế thu nhập công ti 36 phần trăm, thì thuế thuần trả với lương theo thành tích tương đối là 2$ (nhân viên nộp 28$ thuế thu nhập và 6$ cho bang nhưng công ti được khấu trừ 36$ thuế thu nhập công ti), trong khi với quyền chọn cổ phiếu thì chúng không được khấu trừ vào thuế thu nhập công ti, thuế thuần phải trả là khoảng 34$ (28+6=34); mặc dù, bằng cách trì hoãn thực hiện, thuế thực tế có thể giảm, trừ trong các hoàn cảnh không bình thường vẫn bị thiệt về thuế.
[23]Có hai phê phán của lí lẽ này. Thứ nhất là những cá nhân không am hiểu này chiếm một tỉ lệ đủ nhỏ của tất cả những nhà đầu tư nên họ không có ảnh hưởng gì lên giá thị trường. Trong hầu hết các thị trường cổ phiếu số lượng và tầm quan trọng của những người tỏ ra là các nhà giao dịch tương đối không am hiểu xem ra là khá lớn. Thứ hai là giá cả được xác định bởi các nhà đầu cơ am hiểu, chứ không phải những người không am hiểu. Lí lẽ rằng toàn bộ do vài cá nhân am hiểu đảm bảo rằng thị trường ứng xử giả như tất cả các cá nhân am hiểu đơn giản là không chính xác (xem Salop and Stiglitz 1977). Thật vậy, nếu thông tin là tốn kém, giá cả không thể phản ánh thông tin của người am hiểu nếu có bất kể khuyến khích nào để nhận thông tin (Grossman and Stiglitz 1976, 1980a).