Äiểm nóngChÃnh trị Việt Nam14.10.2008
Phạm Äình Trá»ng
Tháng MÆ°á»i Hà Ná»™i
Tháng Mười đến, lại nhớ ngày tên lính Pháp xâm lược cuối cùng rời khỏi Hà Nội mất hút trên cầu Long Biên. Tháng Mười đến, thủ đô Hà Nội lại thêm một tuổi giải phóng, kinh đô Thăng Long lại thêm một tuổi lịch sử. Tháng Mười đến, lại nhớ ngọn gió se se trên cánh tay trần và màn sương bảng lảng mỗi sớm mỗi chiều trên Hồ Gươm, trên Hồ Tây, cả trên đường phố, trên vòm cây làm cho đường phố huyền ảo và sâu hút trong tâm tưởng. Ði trên đường phố lãng đãng sương giăng như đi trong sương khói huyền thoại, như đi vào quá vãng lịch sử.
Sài Gòn, thành phố của sông rạch nên cuộc sống cứ mải miết chảy, hối hả chuyển động, thành phố sôi động tất bật của kinh doanh, dồn dập sự việc của báo chí. Hà Nội, thành phố của hồ, của lắng đọng suy tư, của uyển chuyển chính trị và tinh tế nghệ thuật. Hồ Gươm. Hồ Tây. Hồ Trúc Bạch. Hồ Thiền Quang. Hồ Bảy Mẫu. Hồ Ba Mẫu. Hồ Thủ Lệ. Hồ Ngọc Khánh. Hồ Thành Công. Hồ Ðồng Nhân. Hồ Văn. Hồ Quỳnh Lôi. Hồ Yên Sở. Hồ Linh Ðàm… Rồi những hồ đã bị san lấp: Hồ Hào Nam, Hồ Kim Liên, Hồ Hoàng Cầu… Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều hồ như Hà Nội. Nhiều hồ vì Hà Nội là trung tâm, là rốn trũng của tam giác châu thổ sông Hồng, nơi dồn tụ, lắng đọng màu mỡ của con sông Hồng sóng sánh phù sa. Nghề tinh của cả nước cũng dồn về kinh kì mà trổ tài. Người hiền của cả nước cũng tụ về thủ đô mà cống hiến. Hà Nội thành nơi hội tụ của tinh hoa. Và tinh hoa ấy đã trở thành cốt cách Hà Nội. Tinh tế, khéo léo trong ứng xử. Tài hoa trong cuộc sống lao động sáng tạo đời thường. Tài hoa cả khi phải cầm súng đánh giặc giữ nước.
Năm 1967, cho máy bay vào đánh phá Hà Nội, Mĩ sử dụng loại bom hiện đại nhất, lúc đó là bom được dẫn đường bằng chính hình ảnh mục tiêu và Hồ Tây mênh mông sóng nước không thể bố trí trận địa pháo cao xạ cũng là hướng những chiếc máy bay Mĩ hạ độ cao lao xuống đánh phá nhà máy điện Yên Phụ, nơi tạo ra nguồn sáng cho thủ đô. Nhưng thật bất ngờ, trong một đêm bỗng xuất hiện ba trận địa pháo cao xạ nổi lênh đênh trên những chiếc phao thép được kết nối lại như những chiếc bè vững chãi trên sóng nước Hồ Tây. Hôm sau, hàng đàn máy bay Mĩ từ hướng Hồ Tây nối nhau hùng hổ lao về phía nhà máy điện Yên Phụ liền bị những đường đạn thẳng căng quất lên từ ba trận địa pháo Hồ Tây. Bị đánh bất ngờ, lũ máy bay Mĩ vội vọt lên cao, đường bay bị chặn đứng. Cùng lúc đó, từ nhà máy điện Yên Phụ, những vòng tròn khói đen bao quanh nhà máy nối nhau bốc lên cao, che kín mục tiêu của những quả bom tinh quái! Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, bom Mĩ rải thảm dọc phố Khâm Thiên dân cư đông đúc, bom Mĩ rải thảm trùm xuống bệnh việc Bạch Mai nhưng nhà máy điện Yên Phụ với những chiếc máy phát điện cổ lỗ sĩ đốt than cám bụi mù mịt vẫn không một giây phút ngừng đỏ lửa, tạo ra dòng điện cho lưới điện thủ đô.
Tháng Mười đến, nhớ những tháng Mười Hà Nội xưa lại băn khoăn lo nghĩ cho những gì đang diễn ra ở Hà Nội hôm nay. Tháng Mười, mùa thu đã chín. Cuối thu rồi sao không khí vẫn oi ả thế! Chiều muộn, ngọn gió đã se lạnh nhưng cái se lạnh ấy không còn gợi cảm nữa! Vòm trời lại ngăn ngắt xanh mà không gợi sự bâng khuâng, sâu lắng như mọi năm nữa! Vụ việc ồn ào ở Thái Hà, ở tòa Tổng Giám mục xảy ra từ tháng Tám, tháng Chín còn mang cái căng căng bức bối sang tháng Mười và chắc còn kéo dài âm ỉ lâu dài không biết đến bao giờ. Cái băn khoăn, cái căng căng bức bối không phải vì sự việc xảy ra mà vì cách ứng xử của chúng ta với sự việc đó.
Dân khiếu kiện đất đai là việc thường ngày từ nhiều năm nay ở nhiều nơi trên đất nước ta. Họ là những đoàn người căng lều bạt ăn dầm nằm dề trước văn phòng hai Quốc hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, là những đoàn người đứng ngồi lổn nhổn ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng ngay sát Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội. Lần này đến tòa Tổng Giám mục và nhà thờ Thái Hà lên tiếng và giáo dân chỉ tập trung ở ngay mảnh đất khiếu kiện mà sao chúng ta lại lúng túng và như hốt hoảng dẫn đến căng thẳng, ấm ĩ thế nhỉ? Dù là nhà thờ, là Công giáo khiếu kiện thì họ cũng là một hạt nhân trong Mặt trận Tổ quốc, là một thành phần trong khối đại đoàn kết dân tộc, là nhân dân ruột thịt thân yêu của chúng ta, sao chúng ta phải vội vã huy động công an và bộ máy tuyên truyền rầm rộ vào cuộc, ứng xử như với kẻ thù đối kháng vậy? Lại nữa, suốt trong những ngày đó, tối nào trong chương trình thời sự của đài Truyền hình Việt Nam cũng có hình ảnh những người khiếu kiện và những ngôn từ gay gắt, áp đảo phê phán việc “gây rối trật tự”, “vi phạm pháp luật” ở giáo xứ Thái Hà và tòa Tổng Giám mục, nhưng khi phóng viên phương Tây đến nơi sự việc để chụp ảnh thì công an ta lại ngăn cản và thu máy ảnh của họ! Ðiều đó làm cho những người khiếu kiện và người ngoài cho rằng chúng ta không công bằng, không khách quan trong thông tin và không đàng hoàng trong xử lí vụ việc!
Dân khiếu kiện là sự việc dân sự chứ không phải vụ việc hình sự. Sự việc dân sự phải được trả lời bằng tiếng nói dân sự. Tiếng nói dân sự là tiếng nói của lí: Mảnh đất ấy trong quá trình biến động của lịch sử dân tộc và trong sự nhìn nhận của pháp luật hiện hành về đất đai. Tiếng nói dân sự còn là tiếng nói của tình: Do lịch sử để lại, trên đất nước ta có rất nhiều nơi có tình trạng đất đai như ở Thái Hà, như ở tòa Tổng Giám mục và đều đã an bài theo sự định đoạt của lịch sử. Nhà nước không thể mở ra một tiền lệ để tất cả những nơi ấy đều bỏ qua thực tế lịch sử ào ào lên tiếng đòi đất! Vì thế nhà thờ cần cùng với nhà nước biến mảnh đất ấy thành mảnh đất phúc lợi cho cả xã hội. Tạo ra vườn hoa đẹp ngay cạnh nhà thờ làm cho không gian nhà thờ càng thêm đẹp, càng mở rộng, vừa là không gian tâm linh của cõi đạo, vừa là không gian văn hóa của cõi đời. Giáo dân đến với đức tin ở cõi đạo cũng là đến với văn hóa ở cõi đời.
Cho đến hôm nay, con người Việt Nam vẫn là con người của nền sản xuất nông nghiệp, coi trọng giá trị tình cảm cao hơn giá trị vật chất, lời chào cao hơn mâm cỗ kia mà. Con người ấy rất dễ bị thuyết phục bởi cái tình, “nói ngọt lọt đến xương”. Ðược tôn trọng và lắng nghe, lại được nghe nói lại những lời chân thành đó, nhà thờ sẽ vui vẻ đồng thuận cùng nhà nước biến mảnh đất khiếu kiện thành vườn hoa đẹp của thành phố và của nhà thờ. Sự việc sẽ êm thấm và tốt đẹp biết bao!
Nhưng chúng ta đã không làm như thế! Mấy thế hệ liên tiếp phải lao vào cuộc đấu tranh cách mạng, chúng ta đã quen với việc dùng sức mạnh chuyên chính vô sản giải quyết mọi trở ngại, xử lí mọi điều trái với ý muốn của chúng ta! Trở về đời sống dân sự đã mấy chục năm nhưng thói quen đó đã thành lối mòn trong tư duy! Với quyền lực và sức mạnh nhà nước, chúng ta đã giải tán những người khiếu kiện! Ðã khởi tố và giam giữ một số người! Người hăng hái trong khiếu kiện thì bị khép tội “gây rối trật tự”! Người đặt tay xô đổ bức tường cũ bao miếng đất khiếu kiện thì bị khép tội “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”! Chúng ta cũng đã gấp gáp biến mảnh đất gây khiếu kiện thành vườn hoa! Người khiếu kiện đã về nhà hòa vào nhân dân mênh mông như sóng biển nhưng trong lòng họ nỗi ấm ức không những không mất đi mà còn tăng lên! Dư luận rộng rãi cũng không thể yên lòng, vì cách giải quyết ấy mới kết thúc sự việc ngoài xã hội chứ chưa giải tỏa nỗi niềm trong lòng người, chưa làm sáng tỏ lẽ phải và chưa làm yên dân! Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Ðó là văn hiến Ðại Việt đã được Nguyễn Trãi nêu ra. Trong thời chiến, mọi nỗ lực của nhà nước đều nhằm huy động, tập hợp được sức mạnh cao nhất của cả dân tộc vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Trong thời bình, mọi nỗ lực của nhà nước phải nhằm làm yên dân. Nếu coi yên dân là mục đích cao nhất, mục đích cuối cùng của nhà nước thì trong vụ việc ở Thái Hà và ở tòa Tổng Giám mục chúng ta chưa làm được gì, nếu không muốn nói là chúng ta đã thất bại!
Tháng Mười đến, nhìn Hà Nội hôm nay lại nhớ người Hà Nội ngày nào. Những người Hà Nội ấy đâu rồi nhỉ?
10.10.2008
© 2008 talawas