© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
31.3.2008
James Underdown
Sự tiến hóa của tư tưởng
Trần Tiên Long dịch
 

Tất cả các chân lý lớn đều bắt đầu như những lời báng bổ.
— George Bernard Shaw

Không phải điều chúng ta không biết sẽ tác hại, mà tác hại chính là điều chúng ta tưởng đã biết nhưng thực ra chúng ta không biết.
— Will Rogers

Trong hàng triệu người vô tín ngưỡng ngoài kia, nhiều người có vẻ đang rất thất vọng về tốc độ của sự tiến hoá tư tưởng gần đây. (Bằng “sự tiến hoá của tư tưởng”, tôi muốn nói về sự chuyển dịch chậm chạp, lâu dài từ niềm tin vào các thần thoại và ma thuật tới việc sử dụng khoa học và lý trí.) Chúng ta đang chứng kiến những ứng cử viên chính trị lao vào những cuộc tranh đua khó khăn xem ai có thể đến nhà thờ trước tiên, và chúng ta nghe những nhân vật của công chúng không ngớt cho rằng những công dân có tín ngưỡng thảy đều ít nhiều lương thiện hơn người vô thần, người bất khả tri, hoặc người nhân bản chủ nghĩa thế tục. Có các thiên thần chiếu trên tivi, có ma quỉ trong xi-nê, và có dòng chữ “Chúng ta tin tưởng nơi Chúa” (“In God We Trust”) [1] đang làm xấu xí đồng tiền của chúng ta. Chừng nào thì chúng ta, trong tư cách một loài, sẽ được cấp chứng chỉ đã vượt qua những điều này?

Chúng ta hãy bước lùi lại và nhìn xem có phải sự tiến hoá của tư tưởng đang thực sự lê lết một cách nặng nề và chậm chạp, hay chỉ là được cảm nhận như vậy thôi. Hai ngàn năm trước, kiến thức của nhân loại về vũ trụ là rất hạn chế. Chúng ta, những con người, nói chung không mạo hiểm dời quá xa khỏi nơi trú ngụ; chúng ta đã không hiểu thời tiết, bệnh tật hoặc động đất đến từ đâu, và phần đông trong chúng ta bị phân chia rõ rệt thành những người rất giầu (và đồng thời được ăn học) và những người rất nghèo hay nô lệ. Đây là thời đại đã cưu mang Thiên Chúa giáo.

Phải cần gần một nghìn rưỡi năm và một nền văn minh khả chuyển của phương Tây để làm ra sách vở cho một số đông người có thể học hỏi (nếu họ biết đọc) về những gì vượt ra ngoài vùng cận kề chung quanh họ. Sau khi xài mười lăm thế kỷ (tính từ thời Đức Kitô, nếu quả Ngài từng hiện hữu) để đi từ chỗ kéo những chiếc xe tay tới chỗ kéo những chiếc xe tinh xảo hơn, chúng ta đã phải cần đến hai thế kỷ nữa để khởi sự đặt nền móng cho khoa học và công nghệ hiện đại. Trong thời kỳ Khai Sáng này, chúng ta đã bắt đầu khảo cứu về thế giới vật lý và các bầu trời chính là nhằm am hiểu về chúng. Khoa học đã cất cánh vào lúc mà tôn giáo đóng cọc khoanh vùng và dựng rào ngăn. Khi khoa học và kỹ nghệ đã đưa cuộc Cách mạng Công nghiệp đến chỗ có thể bùng nổ và giai cấp trung lưu xuất hiện thì giáo dục, sách vở và các phương tiện để tư duy độc lập cuối cùng đã – lần đầu tiên trong lịch sử – bắt đầu men đến ngưỡng cửa của quảng đại quần chúng. Hãy nhớ rằng nền giáo dục công, miễn phí và phổ cập mới chỉ đồng hành cùng nhân loại từ chưa đầy hai trăm năm nay.

Hãy nghĩ về điều đó. Phần đông nhân loại mới chỉ thực sự truy cập các công cụ – đừng bao giờ bận tâm về sở thích – nhằm truy vấn những huyền thoại cổ xưa và tư duy trung cổ trong hai trăm năm vô tích sự. (Nhiều người hiện còn chưa biết đến.) Hai trăm năm đó chỉ bằng mười ba phần vạn chiều dài của lịch sử nhân loại (nếu lấy lịch sử hình thành loài người hiện đại là 150 nghìn năm). Nếu không tìm đến kiến thức qua sách vở và giáo dục, con người khó lòng được kỳ vọng biết thắc mắc về các niềm tin của tổ tiên họ. Ngay cả ngày nay, ý niệm về các tín ngưỡng cũ xưa, y thuật cổ truyền và những bài học lâu đời đều bao hàm một hiểu biết sâu hơn về cuộc sống và thế giới.

Thế giới hiện đại có được những tri thức đó nhanh chóng hơn nhiều so với thời Giê-su hoặc thời Darwin. Hai trăm năm về trước, mấy ai đã có kiến thức và học vấn để thách thức câu chuyện [về cách mà thế giới được] sáng tạo trong kinh Sáng Thế ký? Giáo hội nào đã từng có lúc cảm thấy bức bách phải soạn thảo câu trả lời hợp lý cho một thách thức như vậy? Đã có bao nhiêu lời yêu cầu các nhà thờ, vào đầu thế kỷ này, phải đưa ra những lập luận hợp lý hoặc khoa học để hậu thuẫn các niềm tin về Con thuyền Noah, sự Rẽ nước Biển Đỏ hoặc tấm Vải liệm Turin? Trong nhiều thế kỷ, quý vị tin vào những gì mà giáo hội truyền giảng hoặc là quý vị bị xa lánh (bị rút phép thông công? bị hành quyết?). Thật nguy hiểm khi thách thức các giáo điều. Điều này vẫn còn là nguy hiểm ở nhiều nơi. (Trong quá khứ,) các nhà thờ đã không tham gia vào bất cứ cuộc tranh luận nghiêm chỉnh nào với những người vô tín ngưỡng bởi họ cảm thấy không cần thiết. Truyền thống thách thức công khai tôn giáo và sự mê tín là rất mới mẻ.

Vậy mà ngày nay đã có tranh luận. Mặc dầu các môn đồ của thuyết Sáng tạo đang ở giữa chúng ta, phần đông những người hiện đại muốn tiêu dao một nghị đàm nghiêm túc về Adam và Eve, cũng như một thảo luận về yêu tinh hoặc phù thuỷ – những niềm tin phổ biến một thời. Trước Darwin một thế kỷ rưỡi, ít nhà khoa học nào có nổi một tư tưởng về cách mà sự sống đã tiến hoá trên hành tinh này. Vậy làm sao có thể kỳ vọng người bình thường có thể biện bác lại Sáng Thế ký? Ngày nay, không một nhà sinh học, động vật học, địa chất học, v.v... có trình độ nào lại chối bỏ thuyết tiến hoá. Đó là sự tiến bộ, một sự tiến bộ nhanh chóng.

Ngày nay, các tôn giáo đang bấu víu vào (ít nhất là ngôn ngữ của) khoa học để hậu thuẫn cho mình. Viện Khoa học Sáng tạo và Viện Vải liệm Turin đều là những thí dụ về những nỗ lực tôn giáo nhằm ứng phó với khối người ngày càng có học thức hơn. Giáo hội Công giáo đã xin lỗi Galileo – đã chết từ lâu – về tư tưởng nhật tâm của ông, và thừa nhận có cái gì đó hữu lý trong học thuyết tiến hoá. Lần đầu tiên trong lịch sử, tôn giáo đang cảm thấy sự cần thiết phải dùng khoa học và lý trí để hỗ trợ cho những quan điểm của nó.

Bộ mặt của tín ngưỡng cũng đang thay đổi. Nhiều người có tín ngưỡng không còn tin có địa ngục (hay ma quỉ) nữa. Người Công giáo không còn tin có Limbo [2] hoặc kiêng ăn thịt vào các Thứ Sáu, và (nhiều người) tự quyết định lấy cho mình những chọn lựa về đúng và sai (tỷ như phá thai, ngừa thai hay tính dục trước hôn nhân) một cách độc lập với giáo lý của nhà chung.

Năm mươi năm trước, tính cá nhân này không được biết tới, hoặc được giữ trong im lặng. Ngày nay, các tôn giáo lớn đang mất vô số tín đồ chỉ bởi vì mọi người không còn bị thuyết phục bởi những giáo lý cũ nữa. Đó cũng là một sự tiến bộ.

Người ta đang sống đời sống khoa học hàng ngày. Chúng ta có thể không [cần] hiểu vì sao xe hơi chạy, vi tính hoạt động hoặc điện thoại di động réo chuông nhưng những phương tiện này vẫn làm việc, và chúng ta biết [rõ] khoa học cùng lý trí đã mang chúng đến cho chúng ta. Khoa học đem chúng ta vào không gian, chữa bệnh tật, và truyền bá một thế giới kiến thức đến nơi ở của chúng ta. Khoa học dự báo thời tiết, cấp năng lượng cho lò sưởi, và giúp chúng ta sống thọ hơn tổ tiên của chúng ta. Khi mạng sống lâm nguy, các tín đồ sùng đạo chạy đến bệnh viện – chứ không chạy đến nhà thờ – nếu họ còn muốn tiếp tục sống. Ít nhất thì khoa học đang xua tan ít nhiều nỗi sợ mà tôn giáo đã kiếm cách chiêu tập từ thủa ban đầu. Xu thế này đang tiếp tục.

Tôi chỉ biết rất rõ rằng quá trình này quả là chậm chạp, nhưng trong bối cảnh của lịch sử, có vẻ như những lỗ thủng của con tàu thánh thiện Tôn Giáo đang trở nên ngày một khó kiểm soát hơn, trong khi khoa học và lý trí đang chèo chống rất có phương pháp và không nao núng vào miền Chưa Biết để hoá giải các thần thoại. Hãy kiên nhẫn, hỡi các thuỷ thủ, hãy kiên nhẫn!

Tác giả James Underdown là giám đốc Trung tâm Thẩm sát phía Tây (Center for Inquiry West) ở Los Angeles.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Câu châm ngôn được in trên các tờ bạc đô-la Mỹ. (Các chú thích đều của talawas.)
[2]Limbo: một giáo điều Công giáo về nơi câu cấm linh hồn của các trẻ nhỏ chết trước khi nhận bí tích rửa tội.
Nguồn: “The Evolution of Thought” by James Underdown