© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.8.2007
Phạm Công Thiện
Im lặng hố thẳm
 1   2   3   4   5   6 
 

Credo

I.

Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng.” (Nikos Kazantzaki, Ascèse, trang 56)


Người viết đã mang linh hồn của Nikos Kazantzaki đi qua mái nhà trắng ở California, bước đi suốt đêm lạnh ở New York lúc Greenwich Village vừa thức dậy trong tiếng hát đèn đường của người da đen say rượu, giữa hầm cà phê mà thi sĩ Dylan Thomas đã ngã quị trong cơn men tử hình, giữa tiếng nhạc Jazz não nùng và bóng đèn không sáng; bước chân của người viết đi về Paris lúc mùa thu đang tàn tạ, đi theo bóng tối của Kazantzaki ngồi trong thư viện trên đồi Sainte Geneviève rêu xám, ngồi hút thuốc suốt đêm trên bậc đá Panthéon, đi dọc theo sông Seine vào lúc ba giờ sáng, để thấy mộng mị tan hoang như một trăm thành vách cũ, băng qua biên thùy Ý Đại Lợi vào 2 giờ khuya, mang trên vai một bao vải nặng chứa trọn vẹn sự nghiệp của Nietzsche và Henry Miller, vừa vĩnh biệt một người đàn bà Do thái lạc lõng, tên là Dana, ở vùng Montparnasse, để không bao giờ thấy lại lần thứ hai tất cả thảm kịch nặng nề của đền điện Jérusalem. Người viết trở về thành phố Basel ở Thụy sĩ, nơi đã chứng kiến mái tóc bồng bềnh của Nietzsche trong tuổi xuân mặt trời mười hai giờ trưa, đi dọc xuống Rome để gặp Anita Auden tại nhà Keats và Shelley ở công trường Tây Ban Nha (Anita Auden… Anita Auden… tên của một người con gái Anh mười bảy tuổi băng qua công trường Tây Ban Nha ở Rome vào lúc bốn giờ chiều mà người viết sẽ không bao giờ gặp lại nữa, trừ ra khi nào mười triệu năm đã trôi qua trên trái đất cháy đỏ).

II.

Người tử tù thức dậy và đọc kinh chữ Phạn, “bất sinh bất diệt…” “anutpannà anỉuddhà…”

III.

Trái đất vĩnh biệt trong hoa mồng gà đỏ, người viết vứt bỏ trọn sự nghiệp của Nietzsche tại đồi Bolligen ở Berne, vì túi vải quá nặng, vì Nietzsche trở nên vô nghĩa, khi mặt trời và mồ hôi va chạm nhau phũ phàng trên đường băng qua biên giới. Đàn chim tung cánh bay trắng đồi Bolligen, chim trắng hay mây trắng, người viết quá say và không còn phân biệt được nữa; mùi rượu whisky hay mùi gió, người viết quá say và không còn ngửi được nữa. Tiếng xe điện róc rách băng qua những đồi xanh Bolligen và trở về những chiếc cầu xi măng buồn thảm của thành phố Berne, một nóc nhà thờ cao, một con sông, một ngàn nét mặt xa lạ đã gặp trên mấy đường đời, đi và chết.

IV.

Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”.

V.

Những ngày héo mòn khô cạn ở New York, lá công viên trở thành đỏ sậm như máu khô, gió thổi lạnh thêm, người viết đã vứt bỏ trọn sự nghiệp của Henry Miller vào sọt rác. Bây giờ không biết tất cả những quyển sách ấy đi về đâu? Có người phu quét đường nào thu nhặt? Không, New York không có phu quét đường. New York không phải là Paris. New York là thành phố mà tất cả thi sĩ đều ngã quị trong cơn men tử hình, như Dylan Thomas ngày nào… Chỉ có Whitman là mới sống qua cơn men giết người ở New York, nhưng Whitman đã đi đâu mất, và Mỹ châu hoang vu như tiếng hát thiêng liêng của một người đầy tớ da đen đang dọn phòng ngoài hành lang buổi sáng. Những đường xe điện chạy giữa lưng chừng trời, băng qua những con đường không cây mọc, phi trường Idlewild sưởi điện quá nóng, hình ảnh cuối cùng của New York là đôi mắt lạnh lùng của người soát thông hành trên đường bay về Paris.

VI.

Người tử tù thức dậy nửa đêm lẩm nhẩm đọc: “bất sinh bất diệt…”

VII.

Tôi sống mà không sống trong tôi, và ngưỡng vọng bay cao đến nỗi tôi đang chết, bởi vì tôi không chết.

Vivo sin vivir en mí,
y de tal manera espero
que muero porque no muero
(San Juan de la Cruz)

VIII.

Người viết ném quyể Lettre au Gréco của Nikos Kazantzaki ra ngoài biển Nam Hải, để nó trôi về Hy Lạp, bằng đường biển hoặc bằng đường trời; cá sẽ rỉa những trang giấy vụn; khi cá chết, cá sẽ cung cấp lương thực cho rong rêu dưới biển, rong rêu nuôi dưỡng những con sò con hến; những con sò con hến sẽ trôi vào đất liền; người chài lưới sẽ bắt được một con hàu, đem về nấu ăn, hé miệng hàu ra thì thấy lại trọn quyển Lettre au Gréco.

Người viết đã vứt bỏ quyển sách cuối cùng của Kazantzaki về đại dương.

Một câu tầm thường, mà mãi đến sáu năm trời mới hiểu nghĩa:

Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng

IX.

Mặc dù đêm đã đến, “aunque es de noche” (San Juan de la Cruz).

X.

Trên lối về im lặng, rắn độc biến thành chim họa mi, bay hót từ tháp chuông nhà thờ qua tháp chuông chùa, để rồi đậu lửng lơ trên hoa mồng gà đỏ, giữa hai cơn gió ru mùa.

XI.

Tôi biết rõ rằng suối nước không đáy và không ai có thể lội qua suối, mặc dù đêm đã đến.

Bien sé qua suelo en ella no se halla
Y que ninguno puede vadealla,
Aunque es de noche
(San Juan de la Cruz)

Suối nước vĩnh cửu ẩn kín, mà tôi biết rõ nguồn suối nơi đâu, mặc dù đêm đã đến.

Aquella eternàonte está asconsdida
que bien sé yo dó tiene su manida
aunque es de noche.
(San Juan de la Cruz)

Sau cùng, giấc ngủ chiếm lấy mọi sự; sau cùng, mọi sự được vây phủ bởi niềm im lặng ngay đến kẻ trộm cũng ngủ say; ngay đến người yêu cũng không còn nằm thức…

El sueño todo, en fin, lo poseta;
todo, en fin, el silencio lo ocupaba;
aun el lardrón dormía;
aun el amanto se desvelaba…
(Sor Juana Inés de la Cruz)

XII.

Tiếng chuông xưa vừa đánh xong năm tiếng và trôi lửng vào buổi chiều vàng nhẹ của Tây phương và Đông phương; tháp chuông nhà thờ cổ kính và tháp chuông chùa rêu phong thấp thoáng mờ nhạt trong sương chiều nhân loại. Sự kiên nhẫn thông minh của đá…

XIII.

Người tử tù thức dậy nửa đêm, vừa ca xong bài thánh ca Ave Maria thì lại đọc kinh chữ Phạn: “anutpannà aniruddhà amala na vimalà nonà na paripùrnàh…”

XIV.

Khi Janet chết trong Colline của Jean Giono thì dòng suối khô vụt chảy lại.

XV.

Chạy đuổi theo cơn gió trống rỗng, tôi thở dồn dập trong nỗi đau nhói ưu tư quằn quại?

Ôi, cánh đồng! Ôi những khu rừng! Ôi dòng sông!
Ôi, nơi trú ẩn bí mật tuyệt trần!

… Si en busca de este viento ando desalentado
con ansias vivas, y mortal cuidado?
¡oh, campo oh, monte oh, rio!
ioh, secreto seguro, deleitoso!
(Fray Luis de Léon)

XVI.

Nhật báo, máy phát thanh và máy vô tuyến truyền hình là ba biểu tượng của sự sa đọa cùng độ ở Việt Nam hiện nay; ngày đầu tiên trở về nhìn lại quê hương, người viết vụt thấy mình không có quê hương và vụt thấy trong tay mình là quyển “You can’t go home again” của Thomas Wolfe. “Mi không thể trở về quê hương nữa!”

XVII.

Tất cả những gì linh thiêng, riêng lẻ và cô đơn nhất của một tâm hồn bỗng trở thành trò hề cho những tờ nhật báo hai đồng.

Nơi trang 518 của quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học trong bức thư gửi Nietzsche, người viết đọc lại đoạn văn dịch của Nietzsche:

Nhưng tại sao tôi phải nói khi mà không còn ai nghe tôi nữa? Thôi thì hãy để cho tôi la hét vào tất cả những phương trời gió loạn: các người đang trở nên nhỏ bé, càng lúc càng trở nên nhỏ bé hơn lên, hỡi các người nhỏ bé kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự tại an nhàn kia! Rồi đây thì các người sẽ bị tiêu do diệt quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người. Đất của các người quá dễ dãi, quá nhân nhượng. Nhưng muốn cho một cây có thể trở thành cao lớn VĨ ĐẠI thì cây ấy phải đâm rễ mạnh sâu vào những tầng đá cứng rắn” (Nietzsche, Also sprach Zarathustra, III).

XVIII.

Người viết lạnh lùng uống tách cà phê Hy Lạp dưới chân đồi đá nóng cháy ở Athènes. Mây bay vi vút như khói thuốc lá của một người điên ngồi giữa thành phố. Lại một chặng đường đã băng qua, một quãng đời xóa mờ trong hố thẳm. Người tử tù trở về biên giới, rộng lượng, im lặng, không hy vọng.

Dòng nước Arno ở Florence chỉ còn chảy trong căn phòng đóng kín giữa hai hành lang giảng đường, những ngày bom đạn tả tơi từng mái ngói nghèo nàn của Việt Nam.

Sống gượng với đôi mắt kính đen, vì cuộc đời không còn gì nữa để đáng nhìn; bạn bè lần lần rơi rụng như bao thuốc vơi dần những điếu thuốc cháy; những con chim chết dần theo dân quê Việt Nam; những con đường bị đào xới lên; những tiếng gà gáy trưa bị lạc mất trong tiếng cơ khí giữa trời; mọi người đều sợ chết; chỉ có người tử tù bước về hố thẳm một cách bình thản, chậm chạp, im lặng, lạnh lùng, không hy vọng và không sợ hãi, lòng rộng như mây, tim nhẹ như hoa mồng gà đỏ, giữa mặt trời và mặt trăng.

XIX.

Người tử tù nửa đêm thức dậy và đọc mấy câu chữ Phạn: “anutpanna aniruddha mala…”.

XX.

Người viết đọc đi đọc lại đến sáu trăm sáu mươi lần phần mở đầu Dostoievsky viết cho quyển Souvenirs de la maison des morts.

Alexandre Pétrovitch thức suốt đêm đi qua đi lại trong gian phòng nhỏ, tự nói chuyện với mình. Và rồi chàng chết đi vào mùa thu, trong sự cô đơn trọn vẹn, không một lần nào cho bác sĩ khám bệnh…

XXI.

Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách rộng lượng, im lặng và không hy vọng”.

XXII.

Đi suốt con đường dài ở tỉnh lỵ Saint Maur des Fossés thuộc vùng ngoại ô Paris, người viết bước đi tìm một con đường thực vắng, không có người qua lại, ngó trước ngó sau, cẩn thận dở nắp và quăng quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào thùng rác bên lề đường. Không phải vì bất mãn: việc ấy xảy đến tự nhiên như cơn mưa cuối thu xô lá bay xuống đường dốc, khi mặt trời lặn.

XXIII.

Khi người viết đến Florence thì dòng sông Arno đã cạn nước.

XXIV.

Mặt trời, lửa, lửa, im lặng.

XXV.

Phương, Phương… Paris chỉ còn lại trong hai mươi ngón tay xưa, một buổi chiều mộng mị ở Quartier Latin. Bức tranh đôi chim xanh của Braque được trám vào lò sưởi.

XXVI.

Người tử tù nửa đêm thức dậy và ca khẽ những điệu hát lãng mạn trữ tình của những ngày đông đến muộn.

XXVII.

Lửa và Nước. Còn gì nữa? Đất và đá.

XXVIII.

Người tử tù nằm chiêm bao thấy một ông linh mục mở cửa xà lim bước vào giảng đạo và mời mọc hắn rửa tội trước khi chết. Người tử tù giựt mình khi nhận ra vị linh mục ấy chính là Nietzsche. Người tử tù ngồi nghe Nietzsche mở phúc âm ra đọc:

Đúng ngọ

Thế rồi Zarathustra bắt đầu chạy và tiếp tục chạy, nhưng chẳng gặp ai nữa; hắn lại cô đơn, tìm lại mình, say hưởng lòng cô đơn của mình, nhấp hớp nỗi cô đơn và triền miên nghĩ ngợi về những sự việc tuyệt vời trong suốt mấy giờ trọn. Nhưng lúc đúng ngọ, khi mặt nhựt đã hừng lên ngay đỉnh đầu Zarathustra, hắn bước qua trước một thân cây già xoắn mấu mà tình yêu đậm đà của gốc nho đã ôm riết tứ phía, đến nỗi thân cây bị phủ kín: từ thân cây treo lủng lẳng những trái nho vàng cốm đong đưa trù phú mời mọc kẻ lữ hành. Lúc ấy, Zarathustra muốn hái một chùm nho để giải nhẹ cơn khát mơn mơn trong lưỡi, nhưng vừa với tay lên hái thì hắn lại bị một cơn khát mãnh liệt khác vồ chụp lấy cơ thể: cơn khát vọng ngả người nằm ngủ dưới gốc cây vào giữa ngọ thiên.

Zarathustra liền nằm xuống; vừa nằm dài xuống đất, hắn đã quên cơn khát mơn mơn ấy và đã ngủ say ngay lập tức trong sự im lặng tịch mịch, trong niềm huyền ẩn của cỏ tươi vạn máu. Đúng như tục ngữ của Zarathustra: “Có việc cần thiết hơn việc khác”. Mặc dù ngủ, nhưng mắt Zarathustra vẫn mở: vì nhìn mãi và ca ngợi mãi thân cây và tình yêu của gốc nho, mà hắn vẫn không thấy chán mệt. Nhưng lúc đang ngủ, Zarathustra nói với lòng mình như vầy:

“Im lặng! Im lặng? Chẳng phải thế gian đã vừa thành tựu hay sao? Vậy thì những gì đang xảy đến trong ta?

Không khác gì một cơn gió dịu dàng bay nhảy vô hình trên mặt biển nhấp nhánh, mơn mơn, nhè nhẹ như lông chim: giấc ngủ cũng nhảy múa trên cơ thể ta như thế.

Giấc ngủ không khép lại đôi mắt ta, giấc ngủ vẫn để linh hồn ta tỉnh thức. Giấc ngủ mơn mơn nhè nhẹ, thực thế nhè nhẹ như lông chim.

Giấc ngủ khuyên nhủ ta, ta không còn hiểu thế nào cả; giấc ngủ vuốt ve trong sâu thẳm lòng ta với bàn tay mơn trớn; giấc ngủ cưỡng bức ta, ừ, nó chiếm lấy ta vì khiến hồn ta dàn rộng thênh thang:

Mỏi mệt, hồn dàn ra lê thê, linh hồn ta kỳ lạ! Buổi chiều của ngày thứ bảy phải chăng đã đến hồn ta vào giữa ngọ thiên? Có phải hồn ta đã lang thang diễm phúc từ vạn cổ giữa những hương sắc tuyệt vời chín đỏ?

Hồn ta trải dài ra, luôn luôn trải dài ra lướt thướt! Hồn ta nằm dài lặng lẽ, hồn ta kỳ lạ. Hồn ta đã nếm quá nhiều hương sắc; nỗi buồn chín vàng đàn áp hồn ta và hồn ta lảo đảo quằn quại.

Không khác gì một chiếc thuyền tấp vào vịnh biển tĩnh lặng nhất: — hồn ta bây giờ đang dựa vào mặt đất, mải mê những chuyến viễn trình và những vùng biển vô định. Mặt đất chẳng phải chung tình hơn sao?

Không khác gì một chiếc thuyền men vào bờ đất mơn trớn: và lúc ấy chỉ cần một con nhện giăng sợi tơ từ đất liền đến chiếc thuyền; không cần phải dùng đến dây thừng nào mạnh chắc hơn nữa.

Không khác gì một chiếc thuyền mỏi mệt trong cái vịnh tĩnh lặng nhất: bây giờ ta nghỉ ngơi như thế gần mặt đất liền, trung thành, đầy tin tưởng và nghỉ ngơi trong sự chờ đợi, chỉ dính với đất liền bằng những sợi tơ nhện mong manh nhất trong đời.

Ồ hạnh phúc! Ồ hạnh phúc! Sẽ ca hát gì, hỡi linh hồn ta? Mi đang nằm nghỉ trong cỏ. Nhưng tại đây giờ phút bí mật và trang nghiêm đang ngự trị, mà không có mục đồng nào thổi sáo vi vu.

Hãy cẩn thận! Giờ ngọ hứng lửa đang ngủ trên ruộng cỏ. Đừng ca hát! Im lặng! Thế giới đã thành tựu viên mãn.

Đừng ca hát, con chim của cánh đồng cỏ, hỡi linh hồn ta! Cũng đừng thì thầm! Hãy nhìn — IM LẶNG! Ngọ thiên đang ngủ, ngọ thiên động môi nhếch miệng: phải chăng ngọ thiên lúc này vừa hớp một giọt hạnh phúc — một giọt vàng xưa của hạnh phúc ửng vàng, của nước rượu ửng vàng? Cơn hạnh phúc cười cợt trong lòng đang lướt lén lút về bên hắn. Bậc thần thánh cũng cười như thế. IM LẶNG!

“Hạnh phúc, thực ra chỉ cần một chút thôi cũng đủ hạnh phúc!” Trước khi ta nói như thế và ngỡ rằng mình khôn ngoan. Nhưng đó thực chỉ là phạm thượng: ta đã học được điều ấy hôm nay. Những thằng điên khôn ngoan nói giỏi hơn ta nữa. Đúng ra chỉ cần một mảy may thôi, những gì thầm lặng nhất, những gì nhẹ nhàng nhất, tiếng xào xạc của con kỳ nhông trong cỏ, một hơi thở, một thoáng gió hiu hiu, một thoáng đảo mắt — chỉ cần một mảy may cũng đủ tạo ra cơn hạnh phúc tuyệt trần. IM LẶNG!

Những gì đã xảy đến ta? Hãy lắng nghe! Phải chăng thời gian đã bay đi rồi? Phải chăng ta đã rơi? Hãy lắng nghe! Phải chăng ta đã rơi trong giếng sâu của vĩnh cửu thiên thu? Những gì đã xảy đến trong ta? IM LẶNG! Hỡi ơi, ta đã bị chích trong tim? Trong tim! Ô hãy vỡ ra, hãy vỡ nát ra, tim ơi, sau cơn hạnh phúc như thế, sau sự nhói đau đâm chích như thế. Thế nào? Chẳng phải thế gian đã vừa thành tựu? Viên mãn và đỏ chín? Ồ, chiếc khoen tròn vàng ửng — nó có thể bay nơi đâu? Ta có nên chạy đuổi theo nó? Gấp lên! IM LẶNG! (Và đến đây Zarathustra duỗi người ra và cảm thấy rằng mình đang ngủ).

“Hãy dậy nào!” hắn tự nhủ; “Thằng ngủ ngày! Thằng ngây ngủ ban trưa! Thôi, dậy nào, đứng lên đi, hỡi đôi chân già lẩm cẩm! Đến giờ rồi, quá giờ rồi; bao nhiêu quãng đường xa vẫn còn nằm trước mặt mi. Mi đã ngây ngủ quá độ rồi — để mất đi bao nhiêu chặng đường — Bao nhiêu? Nửa thiên thu rồi! À! Thôi thức tỉnh đi, hỡi trái tim già cỗi của ta! Say ngủ như thế thì phải mất bao lâu mới lay thức được giấc ngủ kia?” (nhưng rồi hắn lại ngã lòng ngủ lại và linh hồn hắn nói cưỡng lại hắn, chống cưỡng lại, rồi nằm dài lại). “Hãy để ta một mình? IM LẶNG! Chẳng phải thế gian vừa mới thành tựu sao? Ồ, ồ quả tròn vàng ửng!”

“Dậy đi nào!”, Zarathustra nói: “mi, thằng trộm bé nhỏ, mi, thằng trộm cắp thời gian, thằng trộm biếng nhác bé nhỏ! Cái gì? Vẫn còn duỗi người, ngáp, thở dài, rơi té xuống lòng giếng sâu thẳm? Mi là ai? Hỡi linh hồn ta!” (Nói đến đây, hắn bỗng giựt mình, vì một luồng ánh sáng mặt trời từ cao đâm thẳng xuống vào mặt hắn). Hỡi trời cao trên ta!” hắn vừa nói vừa thở dài ngồi dậy. “Ngươi đang nhìn ta sao, hỡi trời? Ngươi có phải đang nghe linh hồn kỳ dị của ta? Khi nào ngươi sẽ uống giọt sương kia đang rơi trên tất cả sự vật trần gian này? Khi nào ngươi sẽ uống linh hồn kỳ dị này? Khi nào, đến khi nào, hỡi giếng sâu của thiên thu vĩnh cửu! Hỡi HỐ THẲM vui tươi và ghê rợn của mười hai giờ trưa! Khi nào ngươi sẽ nuốt linh hồn ta trong lòng ngươi?”

Zarathustra đã nói như thế, và hắn đứng dậy lìa bỏ nơi nghỉ ngơi dưới chân cây như lìa bỏ một cơn say kỳ dị; ô kìa, mặt trời vẫn ngự ngay trên đầu hắn. Việc ấy khiến người ta có thể kết luận không ngần ngại rằng Zarathustra đã không ngủ được lâu lắm.

Người tử tù vùng dậy sau cơn mộng, tiếng nói của Nietzsche vẫn còn xoáy tròn trong vô thức. Mặt trời đúng ngọ đang tạt ánh sáng gay gắt vào song sắt của xà lim.

XXIX.

Nửa đêm, người tử tù bỗng thức dậy và đọc kinh chữ Phạn: “a… a… na… na… na… a… a… na… na… sarva-dharmàh… çùnyatà… çùnyatà… çùnyatà… laksanà… anutpannà… aniruddhà… amala… na… vimalà… nonà… na paripùrnàh…

XXX.

Rạn nứt thiên trì nghe hơi thở em
Gió thổi qua đền
Mưa bay đường hẻm
Tuổi thơ uất nghẹn
Mộng nhỏ thâu đêm trôi dòng Đông hải
Đất nổ thôn hời
Ma tru động gió
Đường đi nhổ gai
Trăng xanh đầu ngõ
Con gái buổi chiều đồng rộng chim heo
Bóng con mèo đen leo qua cửa sổ
Mẹ ơi đầu xuân con băng mặt nhựt
Lượm giẻ màu xanh lau nhẹ chiêm bao
Lầu chuông sáu giờ
Vách tường sơn đen
Đợi em từ sáng
Ông già ngủ quên
Trẻ con rớt tiền
Gió mùa đông thổi con nhện bơ vơ

XXXI.

Có con bướm gáy nửa đêm như gà
Cầu sắt bạch hà
Sông trắng hắc phong
Đánh trống lên đồng
Ma kêu như vịt
Gió rít trên dòng sông xưa
Em còn đó
Gió rít trên đồi không mưa
Trăng còn nhỏ
Sông trắng như cơn điên đỉnh ngọ
Buổi chiều cửa đóng
Một bóng qua đời
Hai bóng đi đưa
Ba bóng ngồi nhớ
Bóng tối đèn cầy
Bóng dáng em đi
Mỗi chiều ba mươi
Bóng dáng tôi đi
Những đường Paris
Mưa bay khói thuốc
Tôi ho sông chảy
Con cá chợ chiều
Người bán cải tươi
Nước còn dính ngọn
Em còn nhỏ khi lửa lò vừa nhóm
Một cốc rượu đỏ
Gió đuổi ngô đồng
Xe điện hầm không chạy hôm nay
Tôi vẫn còn ho khi mùa đông rắc phấn
Quán rượu buổi chiều
Kín gió chưa em

XXXII.

Người tử tù gõ nhịp những bài tình ca. Ngày xưa, xưa lắm, thuở ấy, khi con người chưa sinh ra…

XXXIII.

Tiếng chuông đọng không khí, tiếng gõ mười hai giờ; mười hai giờ trưa xoắn ốc nhập một với mười hai giờ khuya. Tiếng nói loài người đã chìm vào khói cát và bụi biển.

bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm…”

Trời mưa phải chăng đã thành tựu? Bụi biển trắng xóa trên đầu ngọn sóng? Khói cát phải chăng đã thành tựu?

Im lặng, tịch tịnh, đường về mất lối. Đá khô, ta yêu đá khô; đá khô là nhạc điệu bất tận, trôi chảy, chậm chạp, lì lợm, du dương; đá khô xoáy ốc vào tận thế. Tận thế và tận thế là im lặng trở về với tiếng động: tiếng đá vỡ nát trong lòng Michelangelo.

Người tử tù ôm mặt cười như ông thánh bị lột truồng trong hoàng cung.

XXXIV.

Tiếng thở của ai? Của cát? Của biển? Của kẻ thù ghét mặt trăng và mặt trời? Im lặng, im lặng, lên đường trở về hố thẳm.

XXXV.

Rừng Đen đang nói? Ngọn đồi Todtnau đang nói? Heidegger đang nói? Tháp chuông gõ mười hai tiếng buông trôi…

Với tiếng gõ sau cùng, sự im lặng lại trở thành sâu thẳm thêm nữa. Sự im lặng trải dài cho đến những kẻ đã hy sinh bỏ mình chết yểu trong hai trận chiến tranh thế giới. Đơn thể trở thành đơn giản hơn nữa. Cái gì vẫn luôn luôn là Như thế thì làm lạc lõng và giải phóng. Tiếng gọi của con đường đồng quê bây giờ đã trở nên rõ ràng hoàn toàn. Phải chăng linh hồn đang nói? Phải chăng thế gian? Phải chăng Thiên thể? Tất cả đều nói đến lòng buông thả dẫn đến Như thể. Sự buông thả không giữ lấy, nhưng gửi trao. Lòng buông thả gửi trao sức mạnh vô tận của Đơn thể. Qua tiếng gọi, từ vùng Uyên nguyên miên viễn, một giải đất quê hương được trả về cho ta”. (Heidegger, Der Feldweg).

XXXVI.

Rễ mọt từ trời cao, tàn lá đưa xuống đất, người viết lên đường đi về hố thẳm, không hy vọng, một cách im lặng, rộng lượng. Người tử tù không còn biết đọc kinh nữa. Mười hai tiếng gõ của tháp chuông buông thả về hư vô…

XXXVII.

Im lặng Hố thẳm ra đời để đánh dấu ngày người viết chấm dứt mọi liên hệ ý thức với hai ngàn năm trăm Triết lý Tây phương và chấm dứt mọi liên hệ huyết thống với tám ngàn năm Đạo lý Đông phương. Không còn truyền thống nào có thể trói buộc người viết với gốc rễ tơ nhện của mặt đất. Không còn thần tượng nào đáng được thờ lạy trên hải ngạn mùa đông. Sự có mặt của người viết ở trần gian này hoàn toàn không quan trọng trước màu đen của biển cả và màu xanh của hiện tại. Người viết đã đến và đang đi như hạt tiêu trong cơn lốc kinh động của vô vàn tinh tú. Văn hóa và Văn minh chỉ là khói độc truyền kiếp. Con người càng ngày càng sợ hãi, bần tiện, sa đọa và vô phương cứu chữa. Mộng mị bị xua đuổi như chim. Tất cả thi sĩ đều bị giết. Người viết sẽ chết nay mai như muôn triệu tỷ người đã chết đằng trước vô cùng và muôn triệu tỷ người sẽ chết đằng sau vô hạn. Người viết yêu đời như điên, vì biết chậm rãi chờ đợi nước chảy trong rừng quế. Người viết tầm thường như tất cả những gì tầm thường nhất trên đời, vì thế hẳn cao siêu như tất cả những gì cao siêu nhất trong hai phút trước khi chết. Người viết không đi tìm gì nữa vào lúc rạng đông. Tất cả mọi sự đều vô cùng cần thiết và chỉ có sự chịu đựng lì lợm cho đến cùng thì suối nước sẽ chảy lại như xưa, cần thiết nhất là phải thất bại liên tục, phải đuổi bỏ tất cả bạn bè thân thuộc, phải đau khổ cho đến tím người, phải tuyệt vọng và phải chết đi với cuộc đời thơ mộng.

Tên người viết, cuộc đời người viết, chỉ là mộng mị; do đó, thực hơn là sự thực. Tất cả mọi sự lầm lỗi lạc đường đều quan trọng gấp một ngàn lần hơn chân lý. Đời người viết thơ mộng hơn tất cả những bài thơ của loài bướm đen.

Người viết chỉ để lại cuộc đời này tất cả những gì không thể để lại được, như không khí, màu áo xanh phơi trên mái ngói và mây trời.

11-XI-1966

Credo auia absurdum
Abyssus abyssum invocat…


Trở về sự im lặng của Nietzsche
1889-1900

I.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao hố thẳm phải im lặng? Vì sao tất cả mọi sự cao ngất tuyệt vời của đời sống phải chấm dứt bằng im lặng? Vì sao Nietzsche cho rằng đêm tối cũng là mặt trời nổi lửa? Nietzsche đã bỏ dở dang tác phẩm lớn nhất trong đời: quyển Der Wille zur Macht (Volonté de Puissance) chỉ gồm toàn những mảnh giấy rời rạc. Thế rồi Heidegger lại ba hoa ồn ào về sự thất bại của Nietzsche? Và Heidegger cũng lại thất bại theo sự thất bại bi tráng của Nietzsche:

Bước tới và chịu đựng
Sự thất bại và câu hỏi,
Trung thành với lối đi duy nhất của mi

Mấy câu thơ trên của Heidegger mở đầu tập “Aus der Erfahrung des Denkens” (Từ lòng tư nghiệm).

Heidegger nghĩ rằng Nietzsche là nhà siêu hình học (siêu thể học) cuối cùng của truyền thống siêu thể học Tây phương; đối với Heidegger, Nietzsche vừa thành tựu truyền thống Tây phương, vừa phá hủy truyền thống ấy: phá hủy đồng lúc với thành tựu, vì phá hủy là thành tựu, thành tựu trong phá hủy và phá hủy vì chứa đựng trong tự thể tính thể mà mình muốn hủy thể.

Bước tới và chịu đựng

Bước tới đâu? Tới hố thẳm? Chịu đựng gì? Chịu đựng sự im lặng của hố thẳm? Vì hố thẳm không bao giờ trả lời. Bước tới là bước tới sự thất bại; hố thẳm không bao giờ trả lời, do đó, mình phải chịu đựng câu hỏi; đặt lên câu hỏi và đành chịu sự thất bại vì không thể trả lời được:

Bước tới và chịu sự thất bại và câu hỏi

Nietzsche đã sống hết tất cả sinh mệnh siêu thể học Tây phương và đã thành tựu khi đưa sinh mệnh ấy đến tất mệnh bằng cuộc đảo ngược giá trị của thể mệnh. Còn Heidegger thì sao? Heidegger cũng lại đi trên con đường của Nietzsche bằng cuộc đảo ngược căn thể của thể mệnh. Sự đảo ngược thể mệnh của Nietzsche, sự đảo ngược thức mệnh của Descartes (mà Jaspers gọi là “sự sai lầm căn nguyên”) và sự đảo ngược thể mệnh của Heidegger đều là sự đảo ngược của sinh mệnh trong sinh mệnh:

1) Descartes và thức mệnh.
2) Nietzsche và thế mệnh.
3) Jaspers và tổng mệnh.
4) Heidegger và thể mệnh.

Đó là bốn thể thế (tạm dịch chữ “thể thế” ra danh từ triết Đức là “Seinsart”) của bốn tư tưởng gia Tây phương trước sinh mệnh của tính thể Tây phương.

Descartes đã thất bại vì đã hời hợt chạy trốn hố thẳm; còn Nietzsche đã thất bại vì đã dám nhìn thẳng vào hố thẳm. Jaspers đã thất bại vì đã ý thức về sự thất bại căn nguyên của tất cả mọi thể chế (siêu thể học thành tựu: sự thất bại, “Scheitern”. cf. Philosophie, III, p.233, sqq.); còn Heidegger muốn đưa thể mệnh đến tính mệnh, nhưng cũng đã thất bại vì lửng lơ bất lực không thể hội thành được căn tính giữa song mệnh, vì muốn đi xa hơn Nietzsche thì chỉ còn im lặng và mọc cánh bay lên giữa hố thẳm, như Nietzsche đã thể hiện trong mười năm trời cuối cùng (1889-1900). Nhưng khi đã mọc cánh rồi thì còn nói gì đi xa hay đi gần, vì cánh ở đây là đôi cánh của hố thẳm, chứ không phải là cánh bay trên hố thẳm.

Heidegger không thể hiện như thế; trái lại, ông bướng bỉnh lì lợm trong tư tưởng, như Faulkner cũng bướng bỉnh lì lợm trong văn chương; cả hai đều bước tới:

và chịu đựng
sự thất bại và câu hỏi

để rồi Heidegger ghì ôm Hoelderlin với Meister Eckhart trong lúc chới với trong đêm tối; còn Faulkner ghì ôm Thomas Wolfe và màu đất khô cằn của Miền Nam Hiệp Chủng Quốc.

Bước tới và chịu đựng

Heidegger bước tới khu rừng hoang, bới ra từng bụi cỏ dại, mở ra từng dấu vết, lang thang vào khoảng rừng thưa (khoáng lâm: “Lichtung”) và chịu đựng sự mất lối trên đường về bấp bênh trên hố thẳm: loài người chưa biết tư tưởng và trở nên xa lạ với chính mình. Heidegger nối tiếp tiếng la của Nietzsche trước hố thẳm không đáy; nhưng Heidegger không hét cuồng loạn như Nietzsche, Heidegger chỉ âm thầm cứng đầu lì lợm, bước tới các chịu đựng sức nặng tàn nhẫn của Tính thể ẩn kín. Nietzsche muốn tính thể hóa Dịch thể, còn Heidegger muốn dịch hóa Tính thể: con đường rẽ đôi của Héraclite và Parménide đã được phục hồi ở thời hiện đại: Nietzsche là Héraclite và Heidegger chính là Parménide: Parménide phủ nhận Héraclite, cũng như Heidegger phủ nhận Nietzsche, nhưng cả hai cùng đều hướng về một chân trời bảng lảng: dịch thể của Nietzsche chính là tính thể của Heidegger; không có sự khác biệt mảy may nào giữa tư tưởng Nietzsche và tư tưởng Heidegger, giữa tư tưởng Héraclite và Parménide, trong sinh diện thể mệnh Tây phương; không có sự khác biệt mảy may nào giữa núi cao và hố thẳm: Héraclite và Parménide nói trên núi cao: Nietzsche và Heidegger nói với hố thẳm. Riêng đối với hố thẳm thì chỉ còn lại im lặng.

Nhưng vì sao Parménide khinh bỉ Héraclite? Nhưng vì sao Heidegger khinh bỉ Nietzsche? Vì sao Heidegger nói rằng Nietzsche không vượt qua được siêu hình học (siêu thể học) Tây phương, không vượt qua được Platon? Sự rẽ đường giữa Nietzsche và Heidegger không khác gì sự rẽ đường bi tráng giữa Long thọ (Nâgârjuna) và Vô trước (Asanga), giữa Nguyệt xứng (Candrakirti) và Thanh biện (Bhâvaviveka), giữa Meister Eckhart và St. Thomas d’Aquin? Như sự rẽ đường bi tráng giữa hữu? Giữa Đông phương và Tây phương? Giữa em và anh?

St. Thomas d’Aquin xây dựng một thành trì đóng kín để làm điện thờ và nhốt tất cả mọi sự vào trong ấy, nhưng St. Thomas d’Aquin còn chân thành cố ý chừa lại một lỗ hở kín đáo mở ra trời xanh và Meister Eckhart đã khôn ngoan chui ra khỏi lỗ hở ấy để mang mật thư của St. Thomas d’Aquin về phía mặt trời mọc; còn Heidegger thì lại đứng canh gác giữ gìn lỗ hở mà Nietzsche đã moi ra cho con người nhảy xuống hố thẳm để việt hóa tất mệnh.

Heidegger phủ nhận Nietzsche, nhưng không thể hiểu phủ nhận theo nghĩa thông thường: sự khinh bỉ của Heidegger là sự kính trọng kín đáo của Heidegger đối với sự im lặng tối hậu của Nietzsche trước hố thẳm bí ẩn.

II.

Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Những việc làm của chúng ta đều không bao giờ được ai hiểu nổi, nhưng chỉ bị ngợi khen hoặc bị thống trách (Die fröhliche Wissenschaft, đoạn văn 264). Không có người nào xứng đáng để ngợi khen Nietzsche. Các ngài là ai mà dám ca ngợi tâm hồn bảng lảng của thiên tài? Các ngài là ai mà dám chỉ trích, phê phán, thống trách nỗi kiêu hùng kỳ dị của sói bình nguyên?

Chỉ có thiên tài mới được quyền tàn nhẫn với thiên tài. Chỉ có Heidegger mới được quyền phê phán, được quyền bất công với Nietzsche (nhưng Karl Jaspers không được quyền phê phán Nietzsche!).

Nietzsche phải im lặng, sau khi đã đảo ngược trọn thể mệnh Tây phương. Nietzsche đã nói với Việt Nam? Sự im lặng của hố thẳm có liên quan mật thiết nào đối với tính mệnh Việt Nam? Tại sao tất cả thanh niên Việt Nam đều thờ lạy Nietzsche? Có người trẻ tuổi nào ở Việt Nam dám bước tới và chịu đựng sự thất bại và câu hỏi? Đọc Nietzsche không phải để say sưa, đọc Nietzsche không phải là để bào chữa sự yếu đuối của mình, đọc Nietzsche không phải để trích đi trích lại một vài đoạn văn nào đó để an ủi, để thỏa mãn sự bất mãn hời hợt ở nội tâm. Đọc Nietzsche không phải để tôn Nietzsche như thần tượng để rồi suốt đời mình chỉ là một kẻ thỏa hiệp dễ dãi với hạnh phúc, với thanh bình, với những dòng sông cạn? Đọc Nietzsche là hỏi với Nietzsche, nghi ngờ Nietzsche, hộc máu mà chết, ngã gục mà chết trong một mớ mộng mị không cùng, với tuổi xuân đã mất, với hơi thở rã rời và trái tim cạn máu?

Còn gì nữa mà đọc? Còn gì nữa mà nói? Còn gì nữa mà viết? Bước tới và chịu đựng.

Tại sao Heidegger nói rằng Nietzsche là tập đại thành của siêu thể học Tây phương? Tại sao Heidegger nói rằng siêu thể học (siêu hình học) được tựu thành trong tính mệnh của thế giới hiện nay?

Chiến tranh đang nổ ra ở Việt Nam; những thôn làng và nhà cửa tan tác; trẻ con bị cắt đứt chân; trẻ con bị cắt đứt cổ; trẻ con bị cắt đứt cha mẹ; trẻ con bị cắt đứt gốc rễ quê hương.

Các ngài tranh đấu cho hòa bình, các ngài tranh đấu cho chiến tranh; các ngài tranh đấu cho một mớ tình cảm lải nhải của đàn bà. Tất cả mọi sự trên đời đều trở thành đàn bà! Các ngài khóc, các ngài than, các ngài lạnh lùng lãnh đạm. Các ngài đã hiểu gì? Đã nói gì? Đã nghe gì?

Siêu hình học xa vời viển vông ư? Ai gây ra chiến tranh? Chính các ngài, chính tư tưởng hòa bình của các ngài, chính tư tưởng hiếu chiến của các ngài. Siêu thể học (siêu hình học) đã tựu thành tại Việt Nam, tựu thành trên đôi mắt không hồn của quê hương. Chính chữ La tinh ob-jectum đã cắt đứt Việt Nam ra làm hai, cắt đứt Đức quốc ra làm hai, cắt đứt địa cầu ra làm hai, cắt đứt tinh thể con người ra làm hai. Và ob-jectum có nghĩa gì? Con người có biết suy tưởng chưa? Con người có biết tư tưởng chưa? Đây không phải là chủ nghĩa; đây không phải là một mớ triết lý. Tất cả sự học vấn từ chương, tất cả hành động ồn ào của các ngài xuất phát từ ob-jectum. Dịch ra Việt ngữ, ob-jectum có nghĩa là “đối thể”, “đối vật”; đối thể là thể đối với thể, thể đối nghịch lại con người; ob-jectum là cái được ném ra đó và đặt trước mặt ta. Con người cố gắng tóm lấy đối thể, ngự trị đối thể; làm chủ đối thể, chinh phục đối thể; quyền thế duy nhất của con người là quyền thế trên đối thể. Việt Nam là một đối thể, con người trở thành đối thể, tất cả mọi sự trở thành những đối thể. Thể thể ngự trị và chiến tranh nổ; thể thể chống đối tương tranh và quê hương tan nát. Con người cơ khí, con người kỹ thuật, con người chính trị, con người quân sự là con người của đối thể. Tính thể của đối thể là lực ý, quyền lực, ý chí quyền lực trên đối thể. Nietzsche gọi là ý chí quyền lực, volonté de puissance (Der Wille zur Macht), đối thể là một chướng ngại mà ý chí quyền lực muốn thâu đạt chinh phục và ngự trị. Heidegger cho rằng Nietzsche đã thành tựu siêu hình học (siêu thể học) Tây phương, vì ý chí quyền lực của Nietzsche muốn đưa con người đến vai trò thống lãnh trái đất, thống lãnh đối thể để việt hóa nhân thể: Nietzsche muốn lật ngược siêu thể của Platon để thay bằng hiện thể để thành tựu thế mệnh; nhưng sự lật ngược thế cờ của Nietzsche chỉ là ngược trong sinh mệnh Tây phương, nghĩa là sự lật ngược Platon trong lãnh địa Platon, và Nietzsche hoàn toàn thất bại trước hố thẳm của Tính mệnh, để rồi phải chịu thú thật rằng triết lý của mình là sự trở về với Platon? (cf. Heidegger, La fin de la philosophie et la tâche de la pensée, in Kierkegaard vivant, N. R. F. 1966).

Ý chí quyền lực cắt đứt tính thể ra ngoài thể tính và con người, càng ngày càng ly cách với thể tính bằng những công cuộc tổ chức sắp đặt ngăn nắp đời sống trong mọi lãnh vực: thể trở thành đối thể và con người dùng ý chí quyền lực để chinh phục đối thể. Con người thời đại là con người chiếm hữu, chiếm thể, chứ không còn suất hữu, suất thể và suất tính.

Bom đạn và người chết hiện nay ở Việt Nam có liên hệ gì với siêu hình học (triết học) Tây phương? Siêu thể học (siêu hình học) Tây phương đã qui định sinh mệnh của Việt Nam như thế nào? Siêu hình học là gì? Tại sao siêu hình học Tây phương lại tham dự chủ động vào chiến tranh Việt Nam? Khi Heidegger nói rằng Nietzsche là tựu thành, tập đại hành của siêu hình học Tây phương thì câu nói ấy có nghĩa gì? Có nghĩa là Nietzsche đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong chiến cuộc thảm khốc ở Việt Nam. Sao lại có thể như thế?

Con người chưa biết suy tư, Heidegger đã nói như thế. Vì không biết suy tư, cho nên càng lúc máu lửa càng đổ ra tràn ngập giải đất Việt Nam, mà bao nhiêu thiện chí, bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu hội nghị, kế hoạch, dự án, phong trào đều đẩy thảm kịch Việt Nam lún sâu xuống hố thẳm không đáy, bởi vì con người chưa biết suy tư, bởi vì con người chưa biết được tính thể của siêu hình học Tây phương, chưa nắm được liên quan mật thiết giữa siêu hình học và sinh mệnh thế giới hiện nay, giữa siêu hình học và cơ khí kỹ thuật, giữa Nietzsche và vận mệnh Việt Nam.

Nietzsche là sự tựu thành của siêu hình học Tây phương. Câu nói này là vì ngợi khen ư? Không. Câu nói là lời thống trách ư? Không.

Những việc làm của chúng ta đều không bao giờ được ai hiểu nổi, nhưng chỉ bị ngợi khen hay bị thống trách” (Nietzsche, Die fröhliche Wissenschaft, No 264).


III.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao Heidegger nói rằng Nietzsche là nhà siêu hình học cuối cùng của siêu hình học Tây phương? Vì sao Nietzsche chỉ là sự trở về với thuyết lý của Platon, như Heidegger đã nói?

Tất cả siêu hình học (siêu thể học), ngay cả thuyết đối nghịch lại với siêu hình học như chủ nghĩa thực nghiệm, tất cả đều nói bằng ngôn ngữ của Platon”.

Heidegger đã tuyên bố như trên trong bài gửi tham dự buổi hội thảo về Kierkegaard tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Paris (cf Heidegger, La fin de la philosophie et de la tâche de la pensée).

Siêu hình học là gì? Con đường đi từ Platon đến Nietzsche là con đường gì? Con đường tư tưởng và con đường triết lý khác nhau thế nào? Tư tưởng và Triết học khác nhau thế nào? Tư tưởng của Nietzsche không phải là Tư tưởng, mà là Triết lý, như Heidegger đã giải bày. Như vậy thì Tư tưởng nào của Nietzsche mới là Tư tưởng? Tất cả những gì Nietzsche đã nói và viết là Triết lý, vậy tất cả những gì Nietzsche không nói và không viết thì là gì? Đây là một câu hỏi huyền bí và quan trọng mà chúng ta phải bước tời cùng Heidegger và chịu đựng.

sự thất bại và câu hỏi

Tại sao mười năm im lặng (1889-1900) Nietzsche đã bị hiểu sai trong trọn lịch sử triết học Tây phương? Ngay cả Heidegger cũng cố ý xóa nhòa mười năm im lặng của Nietzsche. Mặc dù Heidegger cũng hiểu chân trời vô ngôn và vô niệm của Nietzsche, nhưng Heidegger cứ cố ý nhấn mạnh triết lý của Nietzsche hơn là tư tưởng của Nietzsche. Vì lý do gì mà Heidegger đã cố ép Nietzsche và nhốt Nietzsche vào đường cùng của siêu hình học Tây phương?

Siêu hình học Tây phương là gì? Khi siêu hình học đã tựu thành thì sứ mệnh của Tư tưởng là gì? Trả lời được những câu hỏi này, rồi mới có thể hiểu vì lý do nào mà Heidegger gọi Nietzsche là nhà siêu hình học cuối cùng của truyền thống siêu hình học Tây phương, là tựu thành của nền siêu hình học ấy, là sự trở về với học thuyết Platon.

Chiến tranh Việt Nam và học thuyết Platon có liên quan mật thiết với nhau như thế nào? Nietzsche và sinh mệnh Việt Nam? Heidegger và thể mệnh Việt Nam? Chữ Phạn và tính mệnh Việt Nam? Chữ La tinh và tất mệnh Việt Nam? Chữ Hán và tướng mệnh Việt Nam? Chữ Việt và Việt mệnh của Việt Nam? Im lặng Hố thẳm và sự im lặng mười năm cuối cùng trong đời Nietzsche? Im lặng mà vẫn nói và phải nói? Và nói rất nhiều? Nói rất nhiều để rồi im lặng?

Sự hiện diện của Việt Nam nơi ý thức nhân loại nằm trong lãnh địa của khai thể (le domaine de l’Ouvert); khai thể nằm trong khai tính; khai tính nằm trong việt tính; việt tính là Việt của Tính và Tính của Việt; triết lý Việt Nam chỉ có thể gọi là triết lý, khi ý thức Việt Nam được đặt trong chân trời của Việt và Tính. Chân trời ấy mở ra truyền thống đạo lý Đông phương để cho Việt Nam được hiện diện vào đó với nền tảng triết lý riêng biệt của mình. Sự hiện diện ấy sẽ đặt Việt Nam vào sự tựu thành của siêu hình học Tây phương, mà kết quả cụ thể nhất hiện nay là cuộc chiến tranh toàn diện ở Việt Nam. Triết lý về Việt và Tính sẽ biến thành Tư tưởng về Việt và Tính; tư tưởng về Việt và Tính sẽ biến thành tư tưởng về Việt tính; tư tưởng về Việt tính sẽ biến thành tư tưởng về Tính; tư tưởng về Tính sẽ biến thành tính nghiệm: chặng đường đi là tư nghiệm, thể nghiệm và tính nghiệm. Tính nghiệm là Uyên mặc, sự Im lặng của Hố thẳm. Sự tựu thành của Triết lý chuẩn bị cho sứ mệnh của Tư tưởng. Trong quyển Hố thẳm tư tưởng (phần kết luận), sứ mệnh của Tư tưởng Hố thẳm được ví như đóa hoa kim tước trong bài thơ nổi tiếng nhất của thi sĩ Ý đại lợi Giacomo Leopardi:

Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc

Câu thơ trên của Leopardi được trích ra từ bài La Ginestra, nói về hoa kim tước mọc bên cạnh triền núi lửa, mọc cheo leo bên bờ hố thẳm, giữa đá cát khô cằn, đóa hoa mong manh phất phơ bên hố lửa tàn bạo, mà vẫn tỏa hương thơm ngát, an vui thể phận với tính thể của sa mạc:

Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc.

Tư tưởng của Việt Nam sẽ là đóa hoa kim tước thơm ngát, đung đưa phất phơ trong buổi chiều ráng đỏ của sa mạc nhân loại.

Chiến tranh tàn phá Việt Nam, vì mọi người đều tự nhận là tranh đấu cho sự thật, cho chân lý. Nhưng chân lý là gì? Sự thực là gì? Câu hỏi chưa được trả lời thì hầu hết thanh niên Việt Nam đã ngã gục trên khắp mọi cánh đồng và rừng núi quê hương. Câu hỏi đã được trả lời bằng máu và nước mắt, bằng lửa và tro, bằng những vành khăn trắng, bằng đôi mắt lạnh lùng của trẻ thơ.

Chân lý là gì? Sự thật là gì? Tính thể như là tính thể (l’être en tant qu’être) là gì? Hiện thể, hay cao hơn: Hiện tính như là thế (présence comme telle) là gì? Chỉ có hiện tính là khi nào hiện tính nằm trong lãnh vực của Khai tính (Heidegger: “Présence il n’y a que dans le domaine de l’Ouvert”).

Những câu hỏi trên lất phất bay như cơn mưa chiều trên những chiến địa Việt Nam. Người ta sẽ nói rằng những câu hỏi viển vông, tháp ngà, không dính líu thiết thực gì với thực tế ở Việt Nam. Nhưng người ta không hiểu rằng tất cả những chữ người ta đang dùng như “thiết thực”, “thực tế” v.v. đều là những chữ xuất phát và bị qui định bởi truyền thống siêu hình học Tây phương, như câu nói của Heidegger trong bài gửi tham dự buổi hội thảo về Kierkergaard tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Paris, mà chúng ta đã dùng mở đầu phần III của buổi tư nghiệm hôm nay:

Tất cả siêu hình học, ngay cả chủ nghĩa thực nghiệm (thuyết đối nghịch lại siêu hình học) tất cả đều nói bằng ngôn ngữ Platon”.

Nói khác đi, chủ nghĩa thực nghiệm cũng là một thứ siêu hình học (mặc dù thực nghiệm chối bỏ siêu hình); Nietzsche là người tựu thành siêu hình học Tây phương; siêu hình học Tây phương chính là con đường triết lý từ Platon đến Nietzsche. Triết lý của Nietzsche trở về với triết lý Platon, không khác gì đứa con hoang trở về nhà cha.

Khoa học thế kỷ XX là sự tựu thành của siêu hình học Tây phương: Siêu hình học Tây phương được tựu thành tại trận chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam hiện nay.


IV.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Nietzsche tự hỏi và tự trả lời: “vì sao tôi là tất mệnh”; trong chương cuối quyển Ecce Homo, quyển sách cuối cùng của Nietzsche được xuất bản trước khi trở về im lặng trong trên mười năm trời, Nietzsche đã nhắc đi nhắc lại: “Người ta có hiểu nổi tôi?”. Câu hỏi đánh nhịp ba bốn lần trong chương cuối quyển Ecce Homo.

Kẻ nào muốn là một người sáng tạo trong thiện và ác thì hắn trước hết phải biết phá hủy và phá vỡ nổ tung những giá trị…” (Ecce Homo, N. R. F. trang 165)

Phá vỡ hết tất cả giá trị trong tinh thần sáng tạo tuyệt đỉnh: Sứ mệnh của Nietzsche là hóa thân Thượng đế trên cao thành ra con rắn độc dưới gốc cây. Nietzsche phá vỡ đập tan những thần tượng linh thiêng trong suốt mấy ngàn năm truyền thống Tây phương; “Hoàng hôn của những thần tượng” (Götzen-Dämmerung) là tiếng nổ của sấm sét trên những đền điện rêu phong; đối với Nietzsche, “những thần tượng” là những chân lý, tất cả những chân lý trong toàn thể sinh mệnh Tây phương: Nietzsche quét sạch toàn thể những gì người ta gọi là sự thực, là chân lý trong mấy ngàn năm lịch sử Tây phương: Nietzsche tự nhận là chia đôi lịch sử nhân loại ra làm hai phần đối nghịch.

Tại sao Heidegger đã nói rằng Nietzsche là người đã hoàn thành truyền thống Tây phương? Lời nói Heidegger hoàn toàn là lời nói bấp bênh trên dòng nước bảng lảng của sự điêu tàn thế giới hiện nay. Câu nói ấy áp dụng cho chính Heidegger mới đúng hơn. Lời phê phán của Heidegger về Nietzsche chính là tự kết án, tự vạch giới hạn của chính triết lý Heidegger.

Siêu hình học là gì? Triết lý là gì? Tư tưởng là gì? Chân lý là gì? Ta hãy bước đi theo Heidegger để đặt lại cứu cánh của Triết lý và sứ mệnh của Tư tưởng trong thời thế hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh tang thương của Việt Nam.

Cứu cánh của Triết lý là thành tựu của Triết lý; thành tựu của Triết lý là thành tựu của Siêu hình học; thành tựu của Siêu hình học là sự giải phóng của tất cả ngành khoa học ra ngoài sự điều khiển của triết lý và là sự hưng thịnh cực độ của cơ khí kỹ thuật trong toàn thể sinh hoạt đời sống của con người thời đại.

Siêu hình học Tây phương thành tựu nơi đâu? Điều lạ lùng nhất và huyền bí nhất là siêu hình học Tây phương lại thành tựu mãnh liệt nhất và toàn diện nhất tại Việt Nam vào năm mười năm cuối cùng của hai ngàn năm Tây lịch. Triết lý của Nietzsche đã được thành tựu trọn vẹn bằng máu lửa ở Việt Nam, nhưng Tư tưởng của Nietzsche thì sao? Triết lý của Nietzsche và Tư tưởng của Nietzsche khác nhau thế nào? Triết lý và Tư tưởng khác nhau thế nào? Lời nói của Nietzsche và sự im lặng của Nietzsche khác nhau thế nào? Heidegger đã hiểu lời nói của Nietzsche, nhưng về sự im lặng của Nietzsche thì Heidegger đã cố ý bỏ quên và vô tình xuyên tạc thế nào? Thanh niên Việt Nam say mê đọc Nietzsche và tôn thờ Nietzsche, nhưng chỉ say mê tôn thờ văn chương và đời sống Nietzsche, chỉ tôn thờ say mê những tác phẩm của Nietzsche và bỏ quên hoặc không hiểu mười năm im lặng cuối cùng (1889-1900) của Nietzsche. Người ta cho rằng những năm cuối cùng ấy là những năm Nietzsche bị mất trí điên loạn vô thức? Chỉ cần một chữ “điên” là đủ để người ta thanh toán mọi sự, kết thúc hồ sơ và không cần biết đến nữa!

Có ai hiểu tôi không? Nietzsche lặp lại câu hỏi này đến bốn lần trong chương cuối quyền Ecce Homo, quyển sách cuối cùng Nietzsche gửi lại cho đời trước khi rút lui về ẩn náu trong sự im lặng tối hậu.

Sự im lặng tối hậu của Nietzsche và sự im lặng tối hậu của Rimbaud là điều bí mật kỳ diệu nhất của Thi ca và Tư tưởng. Một người đã xô đẩy trọn vẹn truyền thống thi ca Tây phương đến hố thẳm của sinh mệnh; một người đã xô đẩy trọn vẹn truyền thống triết lý Tây phương đến hố thẳm của tất mệnh. Sự im lặng của cả hai là im lặng trong Hố thẳm của Tính mệnh.

Vì sao Heidegger đã im lặng về sự im lặng tối hậu của Nietzsche và đã nhốt Nietzsche vào trong cứu cánh của triết lý Tây phương? Nghĩa là nhốt Nietzsche vào nhà tù của Platon và cho rằng Nietzsche vẫn nằm trong vong tính, kẹt trong sự quên lãng về thể tính?

Heidegger đã im lặng về sự im lặng tối hậu của Nietzsche để mà cũng trở về sự im lặng tối hậu ấy một cách kín đáo, một cách thầm lặng và bi tráng?

Đường và cân
cầu và lời
hợp nhất đồng tiền
Bước tới và chịu đựng
Thất bại và câu hỏi
Chung thủy với lối đi độc nhất của mi

Những dòng lặng lẽ vời vợi trên của Heidegger đã nói lên nỗi bí ẩn nào trong con đường tư tưởng của Heidegger? Chính Heidegger là người đã thành tựu Nietzsche trọn vẹn nhất và bi tráng nhất? Chính Heidegger mới là nhà siêu hình học cuối cùng của truyền thống Tây phương? Chính ông đã là kẻ thừa tự của Nietzsche trong việc giải phóng tư tưởng ra ngoài triết lý?

Có ai hiểu tôi không?”, Heidegger có hiểu Nietzsche? Nietzsche đã lặp lại câu hỏi bốn lần.


V.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Cứu cánh của Triết lý là thế nào? Cứu cánh của Triết lý và Vận Mệnh Việt Nam có dính líu mắc míu với nhau như thế nào? Những câu hỏi dồn dập tràn tới, nhưng nên để những câu hỏi ấy lửng lơ như những hoa mồng gà đỏ bay trong cơn gió chiều. Đến lúc câu hỏi được chín mùi thì câu trả lời sẽ rụng xuống vừa lúc cơn gió đồng thổi tới. Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Giờ phút im lặng nhất

“Những gì đã xảy đến trong ta, hỡi các anh em? Các anh thấy ta bị phân tán bị xua đuổi khỏi nơi đây, bị buộc phải nghe lời và phải sẵn sàng để lên đường bỏ đi — hỡi ôi, phải đành lìa bỏ các anh em.

Ừ, Zarathustra lại phải trở về trong cô đơn hiu quạnh một lần nữa, nhưng lần nay con gấu lại trở về hang động mà lòng chẳng được vui.

Cái gì đã xảy đến trong ta! Ai đã xui khiến thế? Hỡi ôi, chính nàng tình nhân cáu kỉnh của ta đã đòi muốn thế, nàng đã tỏ bày với ta rồi; ta đã bao giờ nói tên nàng cho các người chưa?

Hôm qua, lúc chiều tối đến, giờ phút im lặng nhất đã thì thầm với ta: GIỜ PHÚT IM LẶNG NHẤT, đó là tên nàng tình nhân khủng khiếp của ta.

Đó, đó là những gì đã xảy đến trong ta ừ, ừ, vì ta phải nói hết tất cả cho các người nghe, không thì lòng các người sẽ lầm lì bực bội ta, vì đã vội bỏ đi quá đột ngột.

Các người có biết được nỗi ghê rợn của một kẻ ngủ say? Hắn thấy rợn rợn từ đầu đến ngón chân, vì đất lùi trượt dưới chân hắn và mộng mị bắt đầu lảng vảng bồng bềnh.

Ta đang dùng ẩn ngôn để nói với các người. Hôm qua, vào giờ phút im lặng nhất, đất đã lùi trượt khỏi chân ta và mộng mị bắt đầu.

Cây kim đồng hồ lay động, đồng hồ của đời sống ta thở dài, ta chưa bao giờ từng nghe sự im lặng tĩnh mịch vây phủ quanh ta lạnh lùng như thế: im lặng tĩnh mịch đến nỗi tim ta phải ớn lạnh rờn rợn.

Bỗng nhiên ta vụt nghe tiếng nói không lời: “Người biết rồi, Zarathustra?”. Ta hốt hoảng la lên khi vụt nghe tiếng thì thầm ấy, máu biến mất khỏi sắc mặt ta, nhưng ta vẫn âm thầm lẳng lặng ngồi im.

Thế rồi tiếng nói lại tiếp tục văng vẳng không lời: “Người biết rồi, Zarathustra, nhưng ngươi không chịu nói”. Sau cùng, ta phải trả lời một cách khiêu khích: “Vâng, ta biết rồi, nhưng ta không muốn nói!”

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Người không muốn sao, hỡi Zarathustra? Thực ư! Đừng giả vờ giấu giếm đằng sau giọng điệu thách đố ấy!”

Ta, ta khóc nức nở và run rẩy như một đứa con nít và nói: “Hỡi ôi! Ta muốn lắm, nhưng ta có thể làm sao bây giờ? Thôi hãy buông ta ra! Việc ấy quá sức ta!”

Thể rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi có đáng gì, hỡi Zarathustra? Hãy nói cho xong lời ngươi muốn nói, rồi ngươi vỡ bấy ra từng mảnh!”

Ta trả lời ngập ngừng: “Hỡi ôi, có phải lời ta nói là lời ta muốn nói? Ta là ai? Ta mong chờ một kẻ xứng đáng hơn; ta không xứng đáng để vỡ bấy trong lời nói”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi có đáng gì? Ngươi chưa đủ nhún nhường đối với ta. Lòng từ tốn kéo da dày dạn quá”.

Ta trả lời: “Màng da dày dạn của lòng từ tốn ta đã từng phải chịu đựng những gì rồi? Ta ngự dưới chân của đỉnh cao trong lòng ta. Chót đỉnh trong lòng ta cao vời vợi thế nào? Chưa ai nói cho ta biết. Nhưng ta hiểu rõ những thung lũng của lòng ta.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ồ Zarathustra, kẻ nào phải lay chuyển núi non thì cũng lay chuyển thung lũng và vực sâu”.

Ta trả lời: “Lời ta nói chưa lay chuyển được núi non và những gì ta đã nói chưa xuống tới loài người. Đúng ra thì ta đã đi xuống với loài người, nhưng ta chưa đi tới họ được.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi biết gì về việc ấy? Giọt sương rơi trên cỏ vào lúc đêm tối trở về một cách im lặng nhất”.

Ta trả lời: “Họ cười cợt bỉ báng ta, lúc ta khai phá và đeo đuổi con đường riêng lẻ của ta; thực ra chân ta đã trơn trợt run rẩy. Rồi họ nói với ta rằng: “Người đã quên đường, bây giờ ngươi lại cũng không biết bước đi nữa!”

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Sự cười cợt bỉ báng của họ có hề gì? Người là kẻ đã quên tuân lệnh: bây giờ ngươi phải ban lệnh. Ngươi chẳng biết rằng kẻ nào là kẻ cần thiết nhất cho tất cả mọi người? Kẻ nào? Đó là kẻ ban lệnh để gây dựng những sự việc vĩ đại. Thành tựu những sự việc vĩ đại thì thực lắm gian nan; nhưng điều trị những sự việc vĩ đại lại còn khó khăn gian nan hơn nữa. Thực là ngươi không thể nào đáng được tha thứ nữa: Ngươi có quyền lực mà ngươi lại không muốn thống trị”.

Ta trả lời: “Ta thiếu tiếng rống của sư tử để mà thống trị”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy với giọng thì thầm khe khẽ: “Chính những lời nói im lặng nhất mới mang lại bão tố. Chính những tư tưởng hiện đến trên bước chân của bồ câu mới có thể điều động thế giới. Ồ Zarathustra, ngươi phải bước đi như bóng ma của những gì sẽ xảy đến ngày mai; có thế ngươi mới điều trị ban lệnh, và khi thống trị ban lệnh ngươi mới có thể tiến tới dẫn đường”.

Ta trả lời: “Ta cảm thấy tủi nhục”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi phải trở thành trẻ thơ và đừng tủi hổ. Lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ vẫn còn lại trong tâm hồn ngươi, tuổi trẻ ngươi đã đến muộn màng: nhưng kẻ nào muốn trở thành trẻ con thì cũng phải chiến thắng tuổi trẻ mình”.

Ta trầm tư suy tưởng một lúc lâu dài và cảm thấy run rẩy trong tâm hồn. Sau cùng, ta vẫn phải nói những gì ta đã nói từ lúc đầu: “ta không muốn làm việc ấy”.

Thế rồi tiếng cười ngặt nghẽo vụt nổ lên chung quanh ta. Hỡi ơi, tiếng cười đã xé rách lòng ta và moi rách tim ta một cách đau đớn biết bao!

Thế rồi tiếng nói đưa đẩy một lần cuối cùng: “Hỡi Zarathustra, trái cây ngươi đã chín muồi, nhưng ngươi, ngươi vẫn chưa chín muồi với trái cây ngươi. Thôi thì hãy trở về lại với nỗi cô đơn hiu quạnh của ngươi để cho được chín muồi dịu ngọt”. Rồi tiếng cười lại vụt nổ lên, rồi có một cái gì vụt lướt trốn đi; chung quanh ta vây phủ niềm im lặng tĩnh mịch gia tăng gấp đôi. Nhưng ta vẫn nằm dài trên đất và mồ hôi đổ ướt chân tay.

Bây giờ chắc các người đã nghe hết những gì ta nói và đã hiểu tại sao ta phải trở về nỗi cô đơn hiu quạnh của mình. Ta không giấu giếm gì nữa, hỡi các người bạn của ta.

Nhưng đồng thời các người cũng đã nghe ta nói cho các người biết rằng ai là kẻ kín đáo lầm lì lặng lẽ nhất trong tất cả loài người và rằng hắn vẫn muốn luôn luôn là thế!

Hỡi ơi, những người bạn của ta! Ta vẫn còn lời để nói cho các ngươi, ta vẫn còn điều để trao tặng các ngươi. Tại sao ta không trao tặng các ngươi. Tại sao ta lại phải tiết kiệm lời nói?”

Nhưng vừa lúc Zarathustra đã nói xong những lời như thế thì lòng hắn chùng nhói lên cơn đau ly biệt và hắn vụt khóc nức nở; chẳng ai còn biết khuây khỏa hắn. Khi đêm tối đến, hắn lên đường lìa bỏ những người bạn thân và bước đi trong niềm cô liêu bàng bạc. ?? ?? ?? ??
Nguồn: Im lặng hố thẳm của Phạm Công Thiện. An Tiêm xuất bản 1967, tái bản lần 2 năm 1969. Phạm Hoàng xuất bản 1969. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.