Những câu hỏi như thế này thường được nhắc đi nhắc lại: Phải chăng tầm nhìn của Ủy ban Nobel Na Uy quá hạn hẹp? Phải chăng các thành viên của Ủy ban này không đủ khả năng tôn vinh cuộc đấu tranh vì tự do trong các cộng đồng ngoài Âu Châu? Hoặc, phải chăng các thành viên Ủy ban Na Uy không dám trao tặng giải này vì lo ngại rằng hành động đó sẽ phương hại đến quan hệ giữa đất nước họ với Vương quốc Anh?
|
Sinh thời, Mohandas Gandhi được nhiều người sùng kính, gồm cả người trong nước và ở nước ngoài. Nhưng hành động tử vì đạo của ngài năm 1948 còn biến ngài trở thành một biểu tượng vĩ đại hơn nữa cho hòa bình. Hai mươi năm sau, Gandhi được tôn vinh trên một con tem hai mặt phát hành tại Anh quốc.
© Scanpix |
Gandhi được đề cử giải Nobel năm 1937, 1938, 1939, 1947 và lần cuối cùng chỉ vài ngày trước khi ngài bị giết hại vào tháng Một năm 1948. Các thành viên sau này của Ủy ban Nobel đã công khai bày tỏ sự nuối tiếc về việc bỏ sót này; khi đức Dalai Lama được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989, ngài Chủ tịch Ủy ban lúc đó đã nói rằng hành động này “một phần để tưởng nhớ Mahatma Gandhi". Tuy nhiên, Ủy ban này chưa bao giờ bình luận về những đồn đoán giải thích tại sao Gandhi lại không được trao giải, và chỉ rất gần đây thôi, một số nguồn tin khả dĩ giúp giải thích sự kiện này mới được hé lộ.
Thánh nhân Gandhi – Ngài là Ai?
Mohandas Karamchand – được biết đến như là một Thánh Nhân, hay là “Tâm Hồn Vĩ Đại” – Gandhi sinh ra tại Porbandar, thủ phủ của một công quốc nhỏ, giờ đây là tiểu bang Gujarat vùng Tây Ấn, nơi phụ thân ngài giữ chức thủ tướng. Mẫu thân của ngài là một tín đồ Hindu mộ đạo. Bà và các thành viên còn lại trong gia đình Gandhi thuộc về một hệ phái Hindu mà trong đó bất bạo động và tính khoan dung giữa các nhóm tôn giáo được coi là vô cùng quan trọng. Nguồn gốc gia đình sau này được coi là một nguyên nhân quan trọng lý giải tại sao Mohandas Gandhi có thể đạt được vị trí như vậy trong xã hội Ấn Độ vào thời đó. Trong nửa sau của thập kỷ 1880, Mohandas tới Luân Đôn nghiên cứu luật. Sau khi tốt nghiệp khóa học, đầu tiên ngài quay lại Ấn và hành nghề luật sư, sau đó vào năm 1893, tới Natal ở Nam Phi và làm việc cho một công ty thương mại Ấn Độ.
Tại Nam Phi, Gandhi đã giúp cải thiện các điều kiện sống của thiểu số người Ấn sinh sống tại đây. Công việc này -hướng đặc việt vào việc chống hệ thống luật pháp ngày càng trở nên kỳ thị chủng tộc- đã khiến ngài gắn bó ngày càng chặt chẽ với tôn giáo cũng như với quyền lợi của người Ấn, đồng thời khai phát nơi ngài tinh thần sẵn sàng hi sinh cá nhân. Ngài đã truyền bá và đã đạt được thành công lớn trong việc đưa phương pháp bất bạo động vào cuộc đấu tranh của người Ấn đòi các quyền con người cơ bản. Phương pháp
satyagraha – "sức mạnh của sự thật" – là một phương pháp mang tính duy tâm cao; không chống lại nguyên tắc pháp quyền, [phương pháp này cho rằng] những người Ấn cần phải phá bỏ các luật lệ phi lý và mang tính đàn áp. Mỗi cá nhân phải chấp nhận sự trừng phạt vì sự vi phạm luật pháp của mình. Tuy nhiên, anh ta phải bình thản và kiên định chỉ ra tính bất chính đáng của những luật này
. Hi vọng là sự đấu tranh đó sẽ khiến đối phương – ban đầu là các chính quyền ở Nam Phi, sau này là chính quyền Anh quốc ở Ấn Độ - nhìn nhận những điểm bất chính đáng trong hệ thống pháp luật của họ.
Khi Gandhi quay lại Ấn Độ vào năm 1915, tin tức về những thành công của ngài tại Nam Phi đã được lan truyền khắp đất nước quê hương ngài. Chỉ trong vòng vài năm, giữa giai đoạn Thế Chiến I, ngài đã trở thành nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất trong Quốc Hội Ấn Độ. Xuyên suốt giai đoạn giữa hai cuộc chiến, ngài đã khởi xướng một loạt các chiến dịch bất bạo động chống lại các chính quyền Anh quốc. Cũng trong thời gian này, ngài đã có nhiều cố gắng nhằm thống nhất các nhóm tín đồ Hindu, Hồi giáo và Ki tô trong xã hội Ấn Độ, và đấu tranh nhằm giải phóng tầng lớp “tiện dân” trong xã hội Hindu. Trong khi nhiều người theo chủ nghĩa quốc gia Ấn Độ ưa sử dụng các phương pháp bất bạo động chống lại người Anh chỉ vì lý do chiến thuật, bất bạo động của Gandi lại là một yếu tố mang tính nguyên tắc. Sự kiên định của Gandhi với nguyên tắc này khiến mọi người kính trọng ngài, không kể thái độ của họ đối với chủ nghĩa quốc gia Ấn Độ và với tôn giáo như thế nào. Ngay cả vị quan tòa người Anh, kẻ đã kết án tù đày ngài, cũng buộc phải thừa nhận rằng Gandhi là một nhân cách tuyệt vời.
Lần đề cử Giải Nobel Hòa bình đầu tiên
Trong số những người hết lòng kính trọng Gandhi có các thành viên của một mạng lưới các hiệp hội ủng hộ Gandhi mang tên “Những người bạn của Ấn Độ” được thành lập ở Âu Châu và Mỹ vào đầu những năm 1930. Những người bạn của Ấn Độ đại diện cho các luồng tư tưởng khác nhau. Trong số họ, những người theo đạo kính trọng Gandhi vì đạo hạnh của ngài. Số khác, gồm những người chống chế độ quân phiệt và những người có quan điểm chính trị cấp tiến, đồng cảm với triết lý bất bạo động của ngài và ủng hộ ngài trên danh nghĩa một đối thủ của chủ nghĩa đế quốc.
Năm 1937, một thành viên của Nghị viện Na Uy, ông Ole Colbjørnsen (Đảng Lao động), đề cử trao tặng Gandhi Giải Nobel Hòa bình của năm, và ngài đã được chọn lựa vào danh sách ngắn gồm 13 ứng cử viên của Ủy ban Nobel Na Uy. Colbjørnsen không tự mình viết bản trình bày động cơ đề cử Gandhi; thay vào đó, bài viết này được viết bởi các phụ nữ đứng đầu của chi nhánh “Những người bạn của Ấn Độ” tại Na Uy, và ngôn ngữ được sử dụng trong đó hẳn nhiên là hết sức tích cực đúng như dự đoán.
|
Một chính trị gia bình thường hay một đấng cứu thế? Trong bức hình này, Gandhi đang lắng nghe các tín đồ Hồi giáo trong thời điểm đỉnh cao của cuộc chiến diễn ra sau khi có sự chia cắt nước Ấn vào năm 1947.
© Scanpix |
Cố vấn của Ủy ban, giáo sư Jacob Worm-Müller, người viết báo cáo về Gandhi, đã tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Một mặt, ông hoàn toàn thấu hiểu sự sùng kính của đám đông đối với Gandhi với tư cách là một cá nhân: "Ông ấy hẳn nhiên là một con người đạo đức, cao quý và khổ hạnh – một cá nhân nổi bật và xứng đáng được vinh danh và được yêu kính bởi quần chúng Ấn Độ." Mặt khác, khi nhìn nhận Gandhi với tư cách là một lãnh tụ chính trị, sự mô tả của giáo sư Na Uy này tỏ ra kém ưu ái hơn nhiều. Ông viết: “có những bước ngoặt rõ nét trong các chính sách của Gandhi, và những bước ngoặt này khó có thể được các môn đồ của ông giải thích một cách thỏa đáng. (...) Ông là một người đấu tranh cho tự do, và là một kẻ độc tài, một người duy tâm và một người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông thường là một Đấng Cứu Thế, nhưng ngay sau đó, lại đột ngột trở thành một chính trị gia bình thường."
Trong phong trào hòa bình quốc tế, Gandhi bị khá nhiều người chỉ trích. Nhà cố vấn của Ủy ban Nobel đã viện đến những lời chỉ trích này nhằm chứng minh rằng Gandhi là một người theo chủ nghĩa hòa bình không nhất quán, rằng ngài lẽ ra phải ý thức được một số chiến dịch bất bạo động của ngài chống lại người Anh sẽ thoái hóa thành bạo lực và khủng bố. Chuyện như vậy đã diễn ra trong Chiến dịch Bất-Hợp tác vào năm 1920-1921, khi đám đông ở Chauri Chaura, Các Tỉnh Liên hiệp, tấn công một sở cảnh sát, giết hại nhiều cảnh sát viên và thiêu đốt sở cảnh sát này.
Một chỉ trích thường thấy khác trong số những người không có nguồn gốc Ấn Độ là: Gandhi có quá nhiều phần là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn. Trong báo cáo của mình, giáo sư Worm-Müller bày tỏ nghi ngờ của chính ông về việc liệu các ý tưởng của Gandhi mang tính nhân loại hay chỉ [phục vụ lợi ích của-ND] Ấn Độ: "Có thể nói rằng cuộc tranh đấu nổi tiếng của ông ở Nam Phi là cuộc tranh đấu chỉ đại diện cho người Ấn Độ mà thôi, và không phải cho những người da đen đang phải sống trong những điều kiện còn tồi tàn hơn thế”
Danh tính của chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 1937 là
Bá tước Cecil of Chelwood. Chúng ta không biết liệu Ủy ban Nobel Na Uy có xem xét nghiêm túc khả năng trao giải cho Gandhi năm đó hay không, nhưng có vẻ là không. Ole Colbjørnsen tiến cử ngài 2 lần nữa vào năm 1938 và 1939, nhưng cần phải đến mười năm sau Gandhi mới lại lọt vào danh sách ngắn của Ủy ban này.
1947: Chiến thắng và thất bại
Năm 1947, các đề cử Gandhi được gửi đi bằng điện tín từ Ấn Độ, thông qua Văn phòng Đối ngoại Na Uy. Những người đề cử ngài bao gồm B.G. Kher, Thủ tướng của Bombay, Govindh Bhallabh Panth, người đứng đầu Các Tỉnh Liên hiệp, và Mavalankar, Chủ tịch Quốc hội Lập pháp Ấn Độ. Các lập luận ủng hộ người được đề cử của họ được viết dưới dạng điện tín, giống như bản do Govind Bhallabh Panth gửi đi: "Giới thiệu cho Giái Nobel Hòa bình năm nay Thánh nhân Gandhi kiến trúc sư của dân tộc Ấn Độ nhân chứng sống tiêu biểu nhất cho trật tự đạo đức và là chiến sỹ hiệu quả nhất trong cuộc tranh đấu cho hòa bình của thế giới ngày hôm nay." Có 6 người lọt vào danh sách ngắn của Ủy ban Nobel, và Mohandas Gandhi là một trong số đó.
Cố vấn của Ủy ban Nobel, nhà sử học Jens Arup Seip, viết một báo cáo mới, chủ yếu nói về vai trò của Gandhi trong lịch sử chính trị Ấn Độ sau năm 1937. "Mười năm tiếp theo," Seip viết, "từ 1937 cho đến 1947, dẫn tới một sự kiện mà riêng đối với Gandhi và phong trào của ông, vừa là chiến thắng vĩ đại nhất, cũng vừa là thất bại thê thảm nhất – nền độc lập của Ấn Độ và sự chia cắt đất nước Ấn Độ." Báo cáo này mô tả phản ứng của Gandhi trong ba cuộc xung đột riêng rẽ, nhưng có liên quan với nhau mà Quốc hội Ấn Độ phải giải quyết trong vòng một thập kỷ trước khi có độc lập: cuộc đấu tranh giữa người Ấn và người Anh; quyết định về sự can dự của Ấn Độ trong Thế Chiến Thứ Hai; và cuối cùng, xung đột giữa các cộng đồng Hindu và Hồi giáo. Trong tất cả các vụ việc đó, Gandhi đã kiên định theo đuổi các nguyên tắc của chính ngài về bất bạo động.
Báo cáo của Seip không phê phán Gandhi theo cách được sử dụng trong báo cáo của Worm-Müller hồi mười năm trước. Thực ra, báo cáo này tỏ ra có thiện chí, nhưng không thẳng thừng ủng hộ. Seip cũng viết vắn tắt về sự chia rẽ đang diễn ra trên lãnh thổ Ấn Độ và nhà nước Hồi giáo mới Pakistan, và kết luận – cho đến giờ bị coi là khá vội vã rằng: "Giống như báo
The Times đưa tin vào ngày 15 tháng Tám, năm 1947, người ta thường cho rằng nếu ‘cuộc đại phẫu’, được tiến hành bằng cách chia hai nước Ấn Độ, không dẫn tới đổ máu trên quy mô lớn hơn nhiều, thì những bài giảng của Gandhi, các nỗ lực của của các môn đồ của ngài, và sự hiện diện của chính ngài, đã chiếm phần lớn trong cái vinh dự đó."
|
Sự chia cắt Ấn Độ năm 1947 đã dẫn tới một quá trình mà ngày ngay chúng ta có thể miêu tả bằng cụm từ “tảo thanh sắc tộc”. Hàng trăm ngàn người đã bị thảm sát và hàng triệu người phải di tản; Người Hồi giáo từ Ấn Độ sang Pakistan, người Hindu di tản theo chiều ngược lại. Bức hình này chụp một phần của đám đông dân tị nạn đang đổ dồn về thành phố New Delhi.
© Scanpix |
Chắc hẳn sau khi đọc bản báo cáo này, các thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy phải cảm nhận được những bước tiến mới trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ấn. Tuy nhiên, Ủy ban Nobel tính đến thời điểm đó chưa từng tưởng thưởng giải này cho những cuộc đấu tranh như vậy. Họ cũng buộc phải xem xét những vấn đề sau: Liệu Gandhi có được trao giải vì ông là biểu tượng của tinh thần bất bạo động, và các hậu quả chính trị sẽ như thế nào khi Giải Hòa bình được trao cho một lãnh tụ Ấn Độ có ảnh hưởng nhất – quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã chẳng còn diễn biến theo chiều hướng hòa bình từ giữa mùa thu năm 1947?
Từ nhật ký của Chủ tịch Ủy ban, ông Gunnar Jahn, chúng ta nay biết được rằng các thành viên phải có quyết định vào ngày 30 tháng Mười, 1947, hai vị thành viên thường trực, Ki tô hữu bảo thủ Herman Smitt Ingebretsen và Ki tô hữu tự do Christian Oftedal muốn bầu cho Gandhi. Một năm trước, họ đã rất ủng hộ John Mott, lãnh đạo của YMCA. Có vẻ như nhìn chung họ muốn bầu cho các ứng cử viên có khả năng phụng sự như là các biểu tượng của đạo đức và tôn giáo, trong một thế giới bị đe dọa bởi các xung đột xã hội và lý tưởng. Tuy nhiên, trong năm 1947, họ đã không thể thuyết phục 3 thành viên còn lại. Chính khách của Đảng Lao động, Martin Tranmæl, hết sức miễn cưỡng trong chuyện trao giải cho Gandhi giữa khi xảy ra cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan, và cựu Ngoại trưởng Birger Braadland tán thành quan điểm này của Tranmæl. Theo họ, Gandhi gắn quá chặt vào một bên tham chiến. Thêm vào đó, cả Tranmæl và Jahn đã biết được rằng trước đó một tháng, trong một lễ cầu nguyện, Gandhi đã có một tuyên cáo cho thấy là ông đã xa rời quan điểm kiên quyết bác bỏ chiến tranh vốn rất nhất quán trước đây. Dựa trên một điện tín của Reuters,
The Times, vào ngày 27 tháng Chín, 1947, với tựa đề "Mr. Gandhi on 'war' with Pakistan" có nội dung như sau:
"Quý ông Gandhi đã nói tại buổi lễ cầu nguyện tối hôm nay rằng, mặc dù ông liên tục chống lại tất cả các cuộc chiến tranh, nhưng nếu như không còn cách nào khác có thể bảo vệ công lý [khỏi sự xâm hại của-ND] Pakistan và nếu Pakistan cứ khăng khăng không chịu nhìn nhận lỗi lầm đã được minh định mà họ phạm phải và tiếp tục coi nhẹ nó, thì Chính phủ Liên hiệp Ấn Độ buộc phải tiến hành chiến tranh chống lại Pakistan. Không ai muốn chiến tranh, nhưng ông không thuyết phục được ai nhẫn nhục chịu đựng sự phi lý. Nếu tất cả các tín hữu Hindus bị tiêu diệt vì một mục tiêu công lý, ông cũng không ngần ngại. Nếu chiến tranh nổ ra, người Hindus tại Pakistan không thể trở thành các nội gián. Nếu sự trung thành của họ không đặt nơi dân tộc Pakistan, họ phải ra đi. Tương tự như vậy với những người Hồi giáo, với lòng trung thành dành cho Pakistan, họ không thể tiếp tục lưu lại trong Liên hiệp Ấn Độ."
|
Gandhi nhìn thấy "không có chỗ đứng nào cho ngài trong một trật tự mới nơi cái họ muốn là một lực lượng bộ binh, một binh chủng hải quân, một binh chủng không quân và cái gì [họ] không [muốn]". Trong bức hình này, truyền nhân tinh thần của Gandhi, Thủ tướng Pandit Nehru, Bộ trưởng Quốc phòng Sardar Baldev Singh, và Tổng Chỉ Huy của ba Quân chủng đang duyệt Đội Danh dự tại Pháo đài Đỏ, Delhi, vào tháng Tám, 1948. Năm mươi năm sau, cả hai nước Ấn Độ và Pakistan đã độc lập phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
© Scanpix |
Gandhi ngay lập tức đã khẳng định rằng báo cáo này chính xác, nhưng không đầy đủ. Tại buổi lễ, ngài đã nói thêm rằng bản thân ngài không thay đổi quan điểm của mình, và rằng “ngài không có chỗ đứng trong một trật tự mới nơi cái họ muốn là một lực lượng bộ binh, một binh chủng hải quân, một binh chủng không quân và cái gì [họ] không [muốn]".
Cả Jahn và Tranmæl biết rằng báo cáo đầu tiên không đầy đủ, nhưng họ đã trở nên rất nghi ngại. Trong nhật ký của mình, Jahn đã tự trích dẫn mình khi nói rằng: "Trong khi đúng là ông (Gandhi) là một nhân cách lớn nhất trong số tất cả những người được đề cử – có rất nhiều điều tốt có thể nói về ông – chúng ta phải nhớ rằng ông không chỉ là một thánh tông đồ của hòa bình; trước hết và quan trọng nhất ở ông là một người yêu nước. (...) Hơn thế, chúng ta phải tỉnh táo mà thấy rằng Gandhi không ngây thơ. Ông là một nhà luật học sắc sảo và một luật sư tuyệt vời." Có vẻ như vị Chủ tịch Ủy ban này đã nghi ngờ tuyên cáo của Gandhi hồi một tháng trước là một bước đi có cân nhắc để tiến tới việc khống chế sự hung hăng của người Pakistan. Ba trong số năm thành viên vì thế đã chống lại việc trao tặng Giải năm 1947 cho Gandhi, và Ủy ban đã đạt được đồng thuận trong việc trao giải này cho
Quakers.
1948: Xem xét trao tặng Giải cho người đã khuất
Mahatma Gandhi bị ám sát vào ngày 30 tháng Một năm 1948, hai ngày trước khi hết hạn đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm đó. Ủy ban này đã nhận được sáu lá thư đề cử Gandhi; trong số những người đề cử ông, có Quakers và
Emily Greene Balch, hai chủ nhân giải Nobel [của các năm trước-ND]. Và lần thứ ba Gandhi lại lọt vào danh sách ngắn của Ủy ban – lần này danh sách ngắn chỉ gồm ba người – và cố vấn của Ủy ban, Seip, đã viết báo cáo về các hoạt động của Gandhi trong năm tháng cuối cùng của cuộc đời ngài. Ông kết luận rằng Gandhi, trong suốt cuộc đời của mình, đã đặt một dấu ấn sâu đậm lên quan điểm đạo đức và chính trị, và quan điểm này sẽ còn mãi với tư cách là một chuẩn mực cho nhiều người, cả ở trong và ngoài đất nước Ấn Độ: "Với ý nghĩa đó, chỉ có thể so sánh Gandhi với những người cha tinh thần đã sáng lập ra các tôn giáo."
Chưa ai từng được trao Giải Nobel Hòa bình khi họ đã qua đời. Nhưng theo quy chế của Quỹ Nobel có hiệu lực vào lúc đó, Giải Nobel, trong những tình huống nhất định, có thể được trao tặng cho người đã khuất. Vì vậy, có thể trao giải này cho Gandhi. Tuy nhiên, Gandhi không thuộc một tổ chức nào, ngài không để lại một tài sản gì, và cũng không có di chúc; vậy ai sẽ là người nhận số tiền của Giải? Ngài Giám đốc Viện Nobel Na Uy, August Schou, hỏi ý kiến một vị khác trong số các cố vấn của Ủy ban, luật sư Ole Torleif Røed, để yêu cầu ông này xem xét các hậu quả thực tế nếu như Ủy ban trao tặng Giải cho người đã khuất. Røed đưa ra một số giải pháp khả thi có thể áp dụng chung. Sau đó ông xin ý kiến của các thể chế trao giải của Thụy Điển. Câu trả lời là không; trao giải cho người đã khuất, theo họ, là không được phép trừ phi chủ nhân của giải qua đời sau khi Ủy ban đã có quyết định chính thức.
Ngày 19 tháng Mười Một năm 1948, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định không trao tặng giải năm đó trên cơ sở rằng “không có ứng cử viên đang còn sống nào thích hợp”. Chủ tịch Gunnar Jahn viết trong nhật ký của ông: "Theo tôi, không có gì phải nghi ngờ rằng trao giải cho người đã khuất sẽ đi ngược lại dụng tâm của người để lại di chúc [Alfred Nobel-ND]." Theo vị chủ tịch này, ba đồng nghiệp của ông cuối cùng cũng đồng ý, chỉ duy nhất có quý ông Oftedal là ủng hộ việc trao giải thưởng cho người đã khuất cho Gandhi.
Sau này, có nhiều đồn đoán rằng các thành viên Ủy ban có thể đã nghĩ tới một nhà hoạt động vì hòa bình đã khuất khác thay vì Gandhi khi họ tuyên bố rằng “không có ứng cử viên đang còn sống nào thích hợp”, đó là công sứ người Thụy Điển của Liên hợp quốc tại Palestine, Bá tước Bernadotte, ông này bị giết hại vào tháng Chín năm 1948. Ngày nay, lời đồn thổi này đã bị loại trừ; Bernadotte không được đề cử vào năm 1948. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu giả định rằng Gandhi sẽ được mời đến Oslo để nhận Giải Nobel Hòa bình nếu như ngài sống thêm được một năm nữa.
Tại sao Gandhi không bao giờ được trao Giải Nobel Hòa bình?
Cho đến năm 1960, Giải Nobel Hòa bình được trao tặng hầu hết cho những người đến từ Âu Châu và Mỹ. Vì vậy, khi hồi tưởng lại, tầm nhìn của các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy có thể đã quá hạn hẹp. Gandhi khác rất nhiều so với các chủ nhân khác của Giải. Ngài không phải là một chính trị gia thực thụ, không phải là người đề xướng luật lệ quốc tế, không nguyên nghĩa là một người hoạt động cứu trợ nhân đạo và cũng không phải là một nhà tổ chức các đại hội hòa bình quốc tế. Ngài lẽ ra thuộc về một nhóm mới trong số các chủ nhân của Giải.
Không có một gợi ý nào từ các tài liệu lưu trữ cho thấy Ủy ban Nobel Na Uy đã từng lo ngại đến sự phản ứng bất lợi của nước Anh đối với việc trao giải cho Gandhi. Vì thế, có vẻ như chúng ta có thể loại trừ giả thuyết rằng sự bỏ sót Gandhi của Ủy ban này bắt nguồn từ việc các thành viên không muốn chọc tức các chính quyền Anh quốc.
Trong năm 1947, xung đột Ấn Độ và Pakistan và tuyên cáo của Gandhi trong lễ cầu nguyện -khiến người ta nghi ngại rằng liệu ngài có thể rời bỏ tư tưởng hòa bình của mình- có vẻ như là những lý do chính giải thích tại sao ngài không được lựa chọn bởi đa số các thành viên của Ủy ban. Không giống như ngày hôm nay, lúc đó không có một truyền thống nào liên quan tới việc Ủy ban Nobel Na Uy sử dụng Giải Nobel Hòa bình như là một chất kích thích cho các giải pháp hòa bình trong xung đột khu vực.
Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời ngài, Gandhi nỗ lực rất nhiều nhằm chấm dứt bạo lực giữa người Hindu và người Hồi giáo diễn ra sau khi có sự chia cắt đất nước Ấn Độ. Chúng ta không biết gì nhiều về các cuộc thảo luận trong Ủy ban Nobel Na Uy liên quan đến sự đề cử Gandhi vào Giải Nobel năm 1948 – ngoài đoạn trích ở trên đề ngày 18 tháng Mười Một trong nhật ký của Gunnar Jahn – nhưng có vẻ như họ đã nghiêm túc cân nhắc đến khả năng trao giải cho người đã khuất. Trong khi Ủy ban này, với lý do liên quan đến các thủ tục chính thức, đã đi đến quyết định không trao tặng một giải như vậy, họ đã bảo lưu giải thưởng này, và một năm sau, quyết định không chi tiền thưởng của giải năm 1948. Vị trí mà nhiều người nghĩ rằng đó phải là chỗ của Mahatma Gandhi trong danh sách các chủ nhân Giải Nobel Hòa bình vẫn được bỏ ngỏ, một cách thầm lặng và đầy kính trọng.
Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền của bản dịch tiếng Việt.