© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
11.7.2008
Nguyễn Minh Kiều
Tư tưởng Tây phương hiện đại đi về đâu?
 
1. Khai đề

Trong tác phẩm Nhập môn Siêu hình học của Martin Heidegger, ông viết: “Một lối tư tưởng bị hiểu lầm, rồi bị sử dụng lầm chỉ có thể thắng vượt được bằng một lối tư tưởng chân chính và căn nguyên chứ không bằng cái gì khác.” [1] Tại sao Heidegger lại khởi đầu tư tưởng của mình bằng cách đặt lại câu hỏi về Tính thể (Être=Sein=Being)? Với trực giác của một thiên tài, phải chăng ông đã linh cảm thấy được sự bế tắc, đổ vỡ trong tiến trình suy tưởng của Tây phương hiện đại? Hay phải chăng Tây phương hiện đại tự phụ với hệ thống triết học đồ sộ và nền khoa học kỳ diệu của mình, nên đã đánh mất, bỏ rơi và chẳng còn thèm để ý đến sự vật hiện ra như nó ? Thiết nghĩ, ông đã trực kiến được hố thẳm hư vô và sa mạc hoang liêu đang lớn dần ngay trong lòng những đô thị sầm uất với những giảng đường đồ sộ, lớp học nghiêng trang và giáo đường cao vút.

Với sứ mệnh ngôn sứ cho một thời đại tràn ngập chủ nghĩa hư vô, Heidegger trực tri thấy con người hiện đại đã hiểu lầm (Missdeutung) Siêu hình học, đã xuyên tạc, bóp méo, vo tròn và sử dụng sai lầm (Missbrauch) bộ môn này trong tất cả các lãnh vực của đời sống. Và ông đã làm đủ mọi cách để đánh thức con người tỉnh cơn mê và vượt thoát khỏi những giấc mộng cỏn con bấy lâu đang ru ngủ họ. Ông viết với mục đích lấy độc trị độc, lấy gai nhổ gai, để phá tan lớp vỏ hư nguỵ bao bọc những ung nhọt đang mưng mủ trong da thịt máu xương con người hiện đại.

Tuy nhiên, ông đã thất bại và đành ngồi im lặng dõi mắt xa xăm nhìn thế sự ồn ào, ba hoa, vọng ngôn xảo ngữ luận bình xem, khi nào ông viết tiếp quyển hai Hữu thể và Thời gian. Ông muốn tiêu diệt những con virút là những phạm trù luận lý minh bạch đã được đóng khuôn cứng nhắc bởi những giáo sư tiến sĩ triết gia nhà trường thắt cà ra vát, đi giày đen bóng, khệng khà khệnh khạng đầy thế giá đã khiến cho những liều thuốc là Nhập môn siêu hình học, Hữu thể và thời gian… ông tiêm vào không có tác dụng. Bởi theo ông, chính những con virút đó đã làm cho con người bỏ rơi, quên mất Chân tính hằng ngày vẫn lưu ngụ nơi chân trời nguyên thôn cố quận. Nhưng ông đã không thể viết được bởi lòng người đã ra chai đá.

Thậm chí, ông còn bị ngộ nhận rất nhiều bởi chính người mà ông muốn tiên tri. Thi sĩ Bùi Giáng đã viết như sau:

“Jean Wahl, giáo sư trường Sorbonne, đã đem bao nhiêu sở tri quảng bác ra để cùng Heidegger đối thoại. Ông phân tích từng đoạn, ông đo đếm từng chữ của Heidegger quy chiếu với từng lời của triết gia kim cổ. Ông triền miên vạch lá kiếm bọ tìm sâu. Ông tìm ra “sâu”, và ông đánh mất “thẳm”. [2]

Có người cho rằng Heidegger là “tên chó săn của bọn trưởng giả tư sản không chịu quay đầu về với vô sản”. Có người còn gọi Heidegger là “tên phát xít tay sai Hitler” [3]

Bị ám ảnh bởi ngôn ngữ thâm trầm lồng lộng của ông (dù người viết không đọc được nguyên tác Đức ngữ), nên người viết đến talawas để mong tìm được chân truyền của Heidegger và hy vọng người đó sẽ tiếp tục sứ mệnh của ông khai quang bức màn u minh tăm tối đã che mờ tâm trí con người hơn hai ngàn năm triết lý, triết học phương Tây. Nhưng thi thoảng mới nghe được tiếng vọng trầm thống của con sư tử cô liêu nơi miền hoang dã. Chính vì thế, khi đọc những ý kiến ngắn, người viết cầm lòng chẳng đặng, vội lên tiếng bâng quơ mây gió, nào ngờ kẻ trước người sau, cò kè đo đếm luận bàn đúng sai. Nay xin được viết một bài. Chỉ mong mua được một vài canh vui.


2. Từ thời khai nguyên Hy Lạp đến thời hiện đại

Trong tác phẩm Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng của Phạm Công Thiện, ông viết: Thời khởi nguyên Hy Lạp, Héraclite đã thổi hồn vào chữ “psyché” (tâm) và khai mở chữ “psyché” thành một chữ hoàn toàn mới mẻ so với ý nghĩ mơ hồ của Homère. Không hẹn mà hò, chữ “psyché” này lại diễn đạt được hầu như tất cả ý nghĩa của chữ “Citta” (tâm) của Đức Phật. [4]

Tuy nhiên, từ khi Platon và Aristote xuất hiện, ý nghĩa nguyên thuỷ mà Héraclite đã khai mở trong chữ “psyché” bị hiểu sai và bị giới hạn tầm thường trong những ý niệm như “linh hồn, tâm hồn, tâm linh…” Và có lẽ sai lầm lớn nhất là khi người ta tạo ra những môn học như “Tâm lý học” (Psychologie), “Phân tâm học” (Psychanalyse) và “Tâm bệnh học” (Psycho-pathologie).

Hơn nữa, còn một chữ khác cũng bị xuyên tạc trầm trọng hơn đó chính là chữ “Logos” (λόγος). Nghĩa nguyên thuỷ của nó theo Héraclite là “Lý tính”, tức là gần nghĩa với chữ Đạo, Chân tâm, Thái cực của Đông phương. Nhưng từ Platon và Aristote trở đi, “Logos” viết hoa (thiêng thánh) đã biến thành “logos” viết thường (phàm tục). Nói khác, “Logos” đã mất hết ý nghĩa u huyền ẩn áo thâm sâu và thay vào đó đủ thứ nghĩa tầm thường như lý trí, ý niệm, định nghĩa, nền tảng… “Lý tính” bị hạ bệ thành “lý sự, lý luận, lý toét, lý cùn”.

Heidegger đã cho thấy rằng chính Platon và Aristote đã khiến cho ý niệm Logos mất đi ý nghĩa uyên nguyên của nó. Ông viết trong Hữu thể và Thời gian như sau:

“Nơi Platon và Aristote ý niệm logos thì hàm hồ và như thế trong cách thể mà các ý nghĩa có khuynh hướng tách biệt nhau mà không được nối lại cách tích cực bởi một ý nghĩa nền tảng.” (Martin Heidegger, Hữu thể và Thời gian, dg Trần Công Tiến, nxb Quê Hương, 1973, tr. 48).

Bùi Văn Nam Sơn đã viết trong lời giới thiệu quyển Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng như sau:

“Có những ngộ nhận không đạt đến được độ cao cần thiết ngang nhau để cùng tiếp tục suy tư là điều thường gặp. Có những ngộ nhận do bị làm “tù binh” trong vòng vây của lề lối suy tư của chính mình. Đó là điều Heidegger muốn truy nguyên và phơi bày khi ông phê phán cả nền siêu hình học Châu âu hàng nghìn năm ngộ nhận bản thân triết học Tây phương. Sự ngộ nhận khiến Physis trở thành cái Idea, chân lý (Alatheia) thành sự nghiệm đúng, Logos trở thành mệnh đề, thành phạm trù của tư duy lý niệm, khiến hữu thể (das Sein) luôn bị khách thể hoá thành một vật thể (das Seiende), và vật thể chỉ còn trơ lại là một đối tượng nghiên cứu, một đồ vật, một món hàng hoá, một giá trị trao đổi đơn thuần. Ông gọi đó là sự “lãng quên hữu thể” (Seinsvergessenheit), vì qua quá trình khách thể hoá, người ta đã quên mất nhờ đâu mà khách thể hoá, đã không còn biết “nghe ra từ độ suối khe” khi hữu thể tự phơi mở ra cho con người trong kết hợp uyên nguyên với thời gian.” [5]

Thêm vào đó, Phạm Công Thiện cũng đã chứng minh cho ta thấy rằng kể từ khi Platon viết triết học, cái mạch ngầm u huyền nguyên sơ của buổi bình minh Hy Lạp bị khô cạn, những cách rừng nguyên sinh xanh tươi ngút ngàn thiêng liêng huyền bí của cố quận Hy Lạp bị bốc cháy toang hoang. Sai lầm kinh khủng đó tuy đã bị tố cáo, nhưng lại được Descartes phục sinh và bón phân tưới tắm cho bộ rễ của sự minh bạch, rõ ràng, sáng sủa đâm thẳng vào lòng đất vốn đã hoang liêu cằn cỗi nay lại ù lì sỏi đá cằn khô hơn.

Ông viết trong phần phụ lục cuốn Nikos Kazantzaki như sau:

“Đang khi siêu hình học và triết lý đã chấm dứt sứ mạng, đang khi sự sáng sủa, mạch lạc, minh bạch, khúc triết bị tố cáo như là phát xuất từ sự sai lầm của Platon trong ý niệm về chính xác vì cách nhìn của Platon đối với thế gian đã bị đồng hoá qua phạm trù nhãn quan, vì Platon đã thể nghiệm Tính thể như là ý quan thể (eidos), tức một vật được quan kiến (idein) bởi con người và chân lý đã đánh mất bản tính và trở thành sự chính xác (orthotès) của quan kiến ấy. Từ đó đến Descartes mà nhu cầu về sự mạch lạc, sáng sủa, khúc triết lại càng trở nên khẩn cấp hơn nữa, qua quan niệm của Descartes về chân lý như là sự chính xác.” [6]

Và sai lầm nhất là khi người ta dịch chữ “logos” là “học” (study) như sociologie (xã hội học), trong đó “socio” lấy từ chữ La tinh “socius” nghĩa là “xã hội” và “logie” lấy từ chữ “logos”; như ethnology (dân tộc học), trong đó “ethno” lấy từ chữ Hy Lạp là ethnos (ἔθνος) nghĩa là “người” và logy lấy từ “logos” ; như archaeology (khảo cổ học), trong đó “archaeo” lấy từ chữ Hy Lạp archaios (αρχαίος) có nghĩa là “nguyên thuỷ, cổ xưa” và logy lấy từ “logos”.

Tóm lại, với thế giới linh tượng và thế giới hiện tượng của Platon và với luận lý nhị trị (two-valued logic) của Aristote, toàn bộ huyền ngôn mật nghĩa của thời khai nguyên Hy Lạp đã bắt đầu rạn nứt và sụp đổ hoàn toàn với Tây phương hiện đại. Người ta đã biến tất cả thành đối tượng để khảo sát, phân tích, thí nghiệm, khảo cứu… trong hệ thống trường lớp qua phương tiện làm bằng những ý niệm của triết học và khoa học.

Sự kiện này theo tôi nghĩ bất cứ ai có chút nghiên cứu cũng thấy được sự phá sản của tư tưởng, ý thức hệ Tây phương hiện đại. Hệ quả của nó là hai cuộc thế chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại lại nổ ra ở Tây phương hiện đại. Và có lẽ đau đớn nhất vẫn là cảnh nồi da xáo thịt trên mảnh đất quê hương Việt Nam do bom đạn của cộng sản và tư bản phương Tây hiện đại gây ra.

Như thế tôi đã trả lời cho vấn đề mà ông Nguyễn Lê Hiếu không theo kịp, và cũng trả lời cho ông Phong Uyên luôn, vì chính cái “dân tộc học, xã hội học” ấy đã đẻ ra ý niệm “tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia, truyền thống mẫu hệ…” mà ông đã dùng. Ông Uyên không thấy ý niệm dân tộc, quốc gia liên quan đến Platon, Aristote trong các tác phẩm xã hội học… là bởi Tây phương hiện đại có thèm để ý đến cái Lý tính hay cái Linh thể ở đầu nguồn của mình đâu. Họ đang say mê thoả mãn tự phụ với hệ thống ý niệm đồ sộ rõ ràng minh nhiên và một nền khoa học phát triển rực rỡ thì hơi sức nào mà họ chấp nhận, tìm tòi, khai quang, vén mở những cái u huyền, ẩn áo, thâm sâu, khó hiểu như vậy được.


3. Đông và Tây

Trước khi trả lời ý thứ 2 này của ông Nguyễn Lê Hiếu, tôi xin mạn phép dông dài một chút về Đức Phật.

Sau khi giác ngộ thành bậc Chánh đẳng chánh giác, Ngài phân vân lưỡng lự không biết có nên truyền lại những gì mình đã chứng đắc cho chúng sinh đang trầm luân trong khổ ải hay không. Mãi đến khi Phạm Thiên Vua trời đến thuyết phục thì Ngài mới đồng ý giảng giáo pháp của Ngài để cứu độ chúng sinh. Cũng vậy, truyền thuyết cho rằng khi Lão Tử cưỡi trâu đi về phía Hy Mã Lạp Sơn, Doãn Hỷ, một vị quan giữ ải Hàm Cốc, biết Ngài là bậc hiền tài ngàn năm có một, ông ta năn nỉ Ngài viết cái gì đó cho hậu thế noi theo. Lão Tử nhất định không viết bởi vì ngữ ngôn không chở được Đạo của Ngài. Doãn Hỷ bèn ra tối hậu thư rằng nếu Ngài không viết, ông ta không cho Ngài qua ải. Cực chẳng đã, Lão tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết quyển Đạo đức kinh mà trong đó Ngài đã từ hư không đặt để lên lời rồi lại trả lời về cho hư không. Tầm cỡ như Đức Phật, Lão Tử mà còn khó ăn khó nói, huống chi là những người như tôi, đầu xanh chưa ráo máu mà đặt lời lên tiếng.

Ông Hiếu nói “biết nhiều hiểu rộng… và phổ biến rộng rãi thì là công đức trí tuệ.” Lại một lần nữa, tôi lại được nghe ý thức hệ Tây phương hiện đại lên tiếng, vì họ chỉ đánh giá con người về trương độ và số lượng, chứ không bao giờ họ chịu chấp nhận những câu nói vu vơ, ngắn ngủn, huyền bí của các hiền nhân thời Thượng cổ Hy Lạp và các vị thánh hiền phương Đông. Họ đâu có biết rằng chính những câu nói vu vơ khó hiểu, chính cái im lặng sấm sét, chính cái nụ cười của Ca Diếp khi Phật giơ cành hoa lên đó lại ẩn chứa được tất cả những gì là Chân Thiện Mỹ mà cả một hệ thống triết học đồ sộ hoành tráng của Tây phương đại cũng không diễn đạt hết được.

Nói ông Phong Uyên là vong bản hay nô lệ ý thức thì đúng là hơi quá lời. Nhưng qua trung gian ông Phong Uyên, tôi muốn nhắc lại những tiếng, những lời trầm thống của Heidegger để nêu lên một khuynh hướng đã ăn sâu vào tiềm thức con người hiện đại hôm nay mà chính họ cũng không ý thức, cả Đông lẫn Tây, đó là khuynh hướng mất gốc, mất hướng đi, lạc lối về suối nguồn ban sơ thân thiết thâm tình của con người. Con người ngày nay đã bỏ quên Tồn lưu, Chân tâm của mình mà cắm đầu chạy theo những giá trị vật chất hư ảnh và chóng mặt hưởng thụ những tiện nghi kỹ nghệ máy móc tạo ra. Thế họ vẫn huênh hoang khoác lác rằng mình văn minh hơn, hiện đại hơn, dân chủ hơn cha ông của họ.

Ở đầu suối nguồn đó, Tây phương cũng như Đông phương, không hề có cái gì khác nhau, có khác là khác ở cuối nguồn do con người đã hiểu sai hết ý nghĩa nguyên thuỷ của tinh thể ngôn ngữ biểu tượng Tây - Đông. Ở đầu suối nguồn đó, tất cả là một, đâu có phân biệt tôi anh năng sở đông tây nam bắc gì đâu. Tôi chỉ muốn nói với ông Uyên rằng, chính chúng ta những người đang tranh luận trên diễn đàn này, còn nô lệ nhiều hơn kẻ khác rất nhiều.

Một ông nông dân chân lấm tay bùn hay một bà cụ già nhai trầu tỏm tẻm đôi khi còn có tinh thần dân tộc hơn khối người kêu gọi, quảng bá tinh thần đó, dù họ chẳng nói một câu một chữ nào. Nên chúng ta không thể kêu gọi giải phóng người khác khi chính mình còn là kẻ nô lệ. Chỉ khi nào chúng ta vượt thoát khỏi tất cả những tranh luận chữ nghĩa ồn ào và chỉ còn cái Tâm (Citta), cái Linh thể (Psyché), cái Lý tính (Logos), cái Chân Như rỗng không trong suốt thì lúc đó ta mới có thể không sai lầm trong lời ăn tiếng nói.

Tôi lấy một ví dụ để ông Hiếu dễ so sánh: Ba tôi khi nghe thấy thằng bé chơi gần nhà chửi thề liên tục: “ĐM mày!...” Ông muốn sửa lỗi thằng bé, nhưng lại không ý thức, nên ông nói: “ĐM, sao mày chửi nhiều thế.” Dù vậy, tôi vẫn thấy ba tôi rất dễ thương. Vậy nếu chúng ta không tỉnh thức từng giây từng phút, thì cái chúng ta tưởng là tốt thì lại vô cùng xấu. Ở đời thường hay có nghịch lý đó là: người nói về yêu nước thì coi chừng mình chẳng yêu nước tý nào hết.

Về sự nô lệ, Kahlil Gibran còn viết như sau:

“Ôi thấy một người mới tập nghề nô lệ cho người thợ, người thợ nộ lệ cho người sử dụng, người sử dụng nô lệ cho người lính, người lính nô lệ cho quan thống đốc, quan thống đốc nô lệ cho nhà vua, vua nô lệ cho tu sĩ và tu sĩ nô lệ cho thần tượng… Và thần tượng chỉ được làm bằng đất do Satan nặn theo ý thích và dựng trên gò đầu lâu.” [7]

Như thế, đối với Gibran thì toàn bộ thế giới ngày nay đều nô lệ ngay trong cái mình được tự do, yêu thương ngay trong cái mình ghét bỏ, tiêu diệt ngay những cái mà mình khai sinh, chứ chẳng riêng Đông hay Tây gì hết. Xin ông Phong Uyên nghiệm kỹ điều này.

Như vậy, cái mà tôi muốn nói với ông Phong Uyên rằng, tất cả cái gọi là tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia, chế độ mẫu hệ không phải là điều căn bản giúp một con người, hay một dân tộc độc lập. Nó chỉ là những yếu tố râu ria, những chất phụ gia thêm vào để cho các giáo sư học giả dân tộc học, xã hội học dễ kiếm tiền tại các nước tự do dân chủ gì đó. Cái mà làm dân tộc đứng vững chính là cái Linh thể, cái Tâm linh, cái Lý tính (Logos), cái Đạo, cái Thái cực, cái Phật tính, cái Tâm thức Vũ Trụ (conscience cosmique). Tất cả những khái niệm này xin các ông đừng hiểu nó đối lại với vật chất tầm thường như linh hồn đối với thể xác hay thiên đàng đối với hoả ngục, mà cần phải hiểu nó theo nghĩa “bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng hay “bất lập văn tự” của Thiền tông, đặc biệt là Trung Quán Luận của Long Thọ với Tứ cú, Bát bấtNhị đế. Ở cũng xin lưu ý, Trung đạo không có nghĩa là ở giữa, hay con số 5 giữa số 1 và 10, mà là vượt hẳn lên trên cái ở giữa. Chẳng hạn trong Tứ cú, Long Thọ đưa ra như sau:
  1. A nghĩa là có (ens).
  2. –A nghĩa là không có (non-ens).
  3. A * -A nghĩa là cả hai, có và không có (cả ens lẫn non-ens).
  4. -A * -(-A) nghĩa là chẳng phải có chẳng phải không có (không ens không non-ens). [8]
Như thế, mỗi một ý kiến trong Tứ cú vừa loại trừ vừa hỗ tương cho nhau. “Có cái này” vừa có nghĩa là “có cái kia” vừa có nghĩa là “không có cái kia”. Nếu cứ chấp vào một trong bốn ý đều không đạt đến sự thật tuyệt đối, hay còn gọi là Chân Như. Tóm lại, nếu có được cái Tâm thức này, thì dù dân tộc ta có tiếp tục bị nô lệ, bị đồng hoá bởi các thế lực chính trị, kinh tế, văn hoá… 1 ngàn năm, 2 ngàn năm hay vô lượng kiếp đi chăng nữa, thì cũng sẽ có ngày con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ hồi phục, sẽ sống lại ở một trạng thái tinh khôi hơn, mãnh liệt hơn, toàn diện hơn, tự do hơn và không còn bị nô lệ vào bất cứ điều gì như chính trị, xã hội, tôn giáo, giáo điều, kinh tế, văn hoá, ý thức hệ nào hết, vì Nguyễn Du đã từng khẳng định “Thác là thể phách còn là tinh anh”.

Công kích hay lên án Tây phương (tôi chỉ công kích Tây phương hiện đại, chứ không phải toàn thể tư tưởng Tây phương từ Thượng cổ Hy Lạp cho đến bây giờ) thì không có nghĩa là tôi đề cao văn hoá Đông phương như Lê Nhã Quế gán ghép cho tôi. Đông phương ngày nay cũng đã vong bản, mất gốc hết rồi. Họ đã bị vẻ hào nhoáng bên ngoài của văn minh cơ khí Tây phương hớp hồn. Ở các nước phương Đông ngày nay, văn minh kỹ thuật đã len lỏi vào mọi lãnh vực của đời sống từ vật chất đến tinh thần. Nói đến con người ngày nay có nghĩa là nói đến Tây phương hiện đại. Cho nên, nói chuyện người cũng là để nhắc nhở cho chính mình.

Hơn nữa, lý luận như kiểu của ông Lê Nhã Quế là lý luận theo kiểu nhị trị của Aristote, tức là nguyên lý bất mâu thuẫn và nguyên lý đồng nhất. Nếu cứ lý luận như vậy sẽ dẫn đến một kết quả là “ai không theo ta thì có nghĩa là chống đối chúng ta” (Those who are not with us are against us). Điều đó đồng nghĩa với với sự bế tắc trong tất cả các cuộc tranh luận chứ chẳng khai mở được gì. Ngày nay, chính những đứa con ưu tú của Tây phương đã thay thế khuynh hướng nhị nguyên của Aristote bằng khuynh hướng đa phân (the multi-valued orientation) của toán học và vật lý học. Thật nực cười cho những ai cổ vũ cho những giá trị và ý thức hệ đã bị người ta vượt qua, phế thải. Đó là hậu quả của cái học chạy theo số lượng, chạy theo những kết quả bên ngoài mà bỏ quên đi mất cái bên trong. Điều nguy hiểm chính là ở chỗ mình nô lệ, vong bản mà lại cứ tưởng rằng mình làm chủ, mình tự do. Ông Phong Uyên dù sao cũng đã nói lên được cái gì là cái của mình, chỉ tiếc là ông dùng công cụ của người khác thôi, chứ ông Lê Nhã Quế chưa gì đã “vuốt đuôi” Tây phương như vậy thì e rằng vong bản, mất gốc là điều chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Chắc ông Lê Nhã Quế hiểu ý câu này, tù nhân với cai ngục đều ở trong nhà tù cả.

Tiếp đến, với khái niệm “phú cường, no ấm” trong các nước Miến Điện, Tây Tạng… của Lê Nhã Quế, thưa quý vị, lại một lần nữa chúng ta tiếp tục được nghe ngôn từ ý niệm của chủ nghĩa thực dụng của Tây phương lên tiếng. Nếu đánh giá con người mà chỉ căn cứ trên bề mặt cơm áo gạo tiền, phú cường no ấm thì từ xưa đến giờ tôi chưa thấy các bậc vĩ nhân quân tử nào ủng hộ cả. Thưa ông Lê Nhã Quế, ông có chắc rằng ở những nước phú cường no ấm không có đau buồn khổ ải không? Ở trong nước, tôi nghĩ rằng những người được đi đây đi đó nhiều sẽ có tư tuởng tự do phóng khoáng bởi họ hít thở được bầu khí tự do dân chủ ở Tây phương. Nhưng bây giờ thì tôi thấy mình sai lầm, và điều này càng tăng thêm sự giả dối của cái gọi là chủ nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền ở Phương tây mà thôi. Còn thực chất thì chính những người phát ngôn dân chủ dân quyền lại là kẻ vô cùng bảo thủ, hẹp hòi và giáo điều hơn bao giờ hết.

Về vấn đề lịch sử, tôi không dám bàn thêm, xin dành cho các sử gia. Nhưng tôi cũng chỉ nói là “xuất hiện rõ ràng” chứ đâu có nói chính xác thời gian đâu. Dù sao cũng xin cám ơn ông rất nhiều với những tư liệu quý báu mà ông gửi.

Ông Nguyễn Lê Hiếu cho rằng thời Lý Trần đã không nghi kỵ ý thức hệ tôn giáo ngoại bang như Phật giáo… Ở điểm này, tôi thật sự chẳng hiểu tại sao ông lại lý luận như vậy. Nếu ông đọc lịch sử Phật giáo Việt Nam, ông sẽ thấy rằng Phật giáo xuất hiện ngay từ những năm đầu Công nguyên qua chuyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Ðộ [9] . Còn Thiền tông thì ngay thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã vào làng Cổ Châu (Bắc Ninh) để tu hành [10] . Hơn nữa, người ta còn có một giả thuyết cho rằng Lục Tổ Huệ Năng là người Việt. Tuy đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng nó không phải là không có lý.

Như thế, mãi đến thế kỷ thứ XI, XII nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện, thì làm sao họ có thể biện phân được thế nào là tôn giáo ngoại bang, cái nào là tinh thần dân tộc. Vì với thời gian dài như thế, Phật giáo không thể không thấm nhập vào tận đáy lòng con dân nước Việt được sao? Và sự thực là như thế, tinh thần đó thấm nhập sâu sắc đến nỗi khó có thể tìm thấy một dấu tích của Phật giáo Ấn Ðộ, Trung Hoa trong đời sống của dân Việt nữa.

Hơn nữa, nói Phật giáo là một tôn giáo (religion) hiểu theo hệ thống ý niệm Tây phương hiện đại thì hoàn toàn sai lầm. Nói ý thức hệ Phật giáo cũng sai luôn. Tôi không phải là người theo đạo Phật, nhưng theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì Đức Phật không bao giờ chủ trương bất cứ một tôn giáo, hay một ý thức hệ nào hết. Ngài chỉ đơn thuần là một thầy thuốc chữa bệnh tâm linh, ai có bệnh cần đến Ngài thì Ngài chữa, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, hệ phái, quốc gia gì hết.

Thêm một điều nữa để thấy rằng Phật giáo đích thực không bao giờ có cơ cấu tổ chức hiểu theo danh từ ý niệm Tây Phương, vì trọng tâm giáo lý của Đức Phật chính là Vạn pháp Vô thường, là Không tính, là Phi nhị tướng ly lưỡng biên. Và nhất là với Trung quán luận của Bồ tát Long Thọ thì tất cả những gì chúng ta nói và viết đều vô nghĩa vì “Thực tại là sự im lặng toàn triệt của lý trí.” Với tất cả những điều đó, chúng ta khó có thể kết luận Phật giáo một cách hời hợt, nông cạn được.

Và sai lầm nhất chính là ở chỗ người ta dùng những môn học kể trên để phân tích Phật giáo. Và nếu như Phật giáo có là ý thức hệ ngoại bang đi nữa thì tôi cũng một lòng xin theo vì nó dẫn con người đến an bình thực sự ngay chính trong linh thức của mình, và giúp mình thoát khỏi ách nô lệ không chỉ về mặt vật chất mà còn đạt được tự do ngút ngàn về mặt tâm linh nữa, chứ không thể nào ủng hộ ý thức hệ đang suy tàn và chỉ dẫn người ta đi quanh quẩn y như con kiến bò quanh miệng chén, đã vậy lại còn gây chia rẽ ta địch, dân tộc này, quốc gia kia. Nếu ông không đồng ý, tôi chỉ còn cách cầu cứu các Thượng toạ, các Thiền sư vào cuộc thôi.
´

4. Kết luận

Sau hết, tôi xin mượn lời của Huỳnh Ngọc Chiến viết trong bài “Bùi Giáng và nỗi đau hội thoại” đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 581, ra tháng 09/2006 để kết thúc. Mong sao, qua bài viết này, dù có công kích hay bài bác, dù có mâu thuẫn đến tận cùng, tôi cũng rất cảm ơn quý vị vì nhờ đó mà tôi được học hỏi rất nhiều, nhất là ở ông Phong Uyên. Về bản thân thì tôi sẽ luôn ý thức rằng, công kích hay bài bác xuất phát từ yêu sách lập ngôn của Chân lý tối hậu, chứ không phải theo thể điệu hủ nho hẹp hòi vạch lá tìm sâu hay thấy người ta phê bình cũng bắt trước làm theo. Phê phán, đả phá nếu đúng theo thể điệu khai quang, hiển lộ Chân Như thì lợi ích gấp ngàn vạn lần so với những kiểu ca ngợi, tung hô hồ đồ cảm tính, vì đối với hiền nhân, những kiểu ca ngợi như thế còn ghê tởm hơn những lời xúc phạm.

© 2008 talawas


[1]Trích từ Lê Tôn Nghiêm, Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương, nxb Lá Bối, 1970, tr. 11
[2]Bùi Giáng, Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, nxb Văn Học, 2001, tr. 80
[3]Phạm Công Thiện, Nikos Kazantzaki, Nxb Phạm Hoàng, 1970, tr. 416
[4]Xem thêm Phạm Công Thiện, Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng, 1994, tr. 53-56.
[5]Sđd., tr. 15-16
[6]Sđd., 420-421
[7]Kahlil Gibran, Ca ngợi cô đơn, dg Đỗ Đình Đồng, nxb Anh Vũ, 1971, tr 68-69.
[8]http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-trungluan/trungluan-24.htm
[9]http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam
[10]Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam, nxb Thuận Hoá, 1997