© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
8.6.2007
Anthony Lane
Các bên có tội
Hoài Phi dịch
 
Nếu trên đời này có công lý, Giải thưởng Hàn lâm (Oscar) dành cho phim (tiếng) nước ngoài hay nhất năm nay phải thuộc về Cuộc sống của những người khác (The Lives of Others) [1] , bộ phim về một thế giới không có công lý. Ðây là phim đầu tay của đạo diễn người Ðức Florian Henckel von Donnersmarck, người khiến chúng ta có đủ mọi lý do phải ganh tị. Thứ nhất, anh mới chỉ 33 tuổi. Thứ hai, tên anh đọc lên nghe giống như một tình nhân với vết sẹo đọ kiếm trên gò má trong một cuốn tiểu thuyết của thế kỷ mười chín. Thứ ba, là người Ðức, anh có một chủ đề rất lớn: việc đất nước bị chia đôi sau thế chiến thứ hai. Với chúng ta (người Mỹ), ý tưởng về tự do, dù có chân thành đến mấy, cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng, được các chính trị gia vẫy như vẫy cờ. Với người Ðức, kể cả những người thuộc thế hệ của Donnersmarck, tự do quá sức cụ thể, được định nghĩa bằng chính phía đối lập: bức tường màu xám dựng lên nhằm giam giữ những tâm hồn tự do.

Đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck (ảnh: Mike Blake /Reuters)
Một cống hiến cho nét đặc sắc của bộ phim là ta không thể biết chắc ai là anh hùng. Nhân vật nổi bật nhất là Gerd Wiesler (do Ulrich Mühe đóng), nhưng nếu bạn đi ngang qua ông ta trên đường, bạn sẽ không liếc ông ta hai lần, hay thậm chí chỉ một lần. Ngược lại, ông ta sẽ để ý bạn, và xếp bạn vào một ngăn kéo trong bộ nhớ của ông ta. Wiesler là một đại uý trong Ministerium für Staatssicherheit (Bộ An ninh Quốc gia), thường được biết với cái tên Stasi – cơ quan mật vụ Ðông Ðức. Vào giữa thập niên 1980, cơ quan này có hơn chín mươi ngàn nhân viên. Thêm vào đó, ta còn có một con số khiêm nhường là một trăm bảy mươi ngàn nhân viên không chính thức, được yêu cầu rình mò và chỉ điểm vì danh dự - hay đúng hơn, vì sự tồn vong - của nhà nước Ðông Ðức. Jesus nói, “Hãy yêu người hàng xóm như yêu chính mình”. Cộng hoà Dân chủ Ðức có khẩu hiệu riêng: hãy theo dõi hàng xóm, rồi hãy nhấc điện thoại của mình lên gọi.

Bộ phim bắt đầu vào một thời điểm thích hợp: năm 1984. [2] Bộ máy Stasi vẫn đang thực hiện chức năng kiểu Orwell của mình, theo dõi bất kỳ ai có thể bị coi là phản loạn. Ðiều này khiến cho việc Georg Dreyman (do Sebastian Koch đóng) không bị kiểm duyệt càng đáng ngạc nhiên hơn. Anh là một nhà viết kịch. Anh điển trai, lịch sự, mặc bộ đồ nhung kẻ hẳn phải được may ở phương Tây. Bạn gái sống chung với anh, Christa-Maria Sieland (do Martina Gedeck đóng), cũng là diễn viên nữ chính trong kịch của anh; và những người cổ vũ cho chủ nghĩa quân bình cưỡng ép coi sắc đẹp của cô là một sự lăng mạ. Nhưng trên thực tế, Dreyman là cục cưng tài năng của nhà nước. Theo lời cấp trên “vui tính” của Wiesler, trung tá Grubitz (do Ulrich Tukur đóng), Dreyman là “nhà văn không nổi loạn duy nhất của chúng ta”. Còn Sieland, theo lời một bộ trưởng chính phủ, Bruno Hempf, là “viên ngọc dễ thương nhất của Cộng hoà Dân chủ Ðức”. Dĩ nhiên là gã, con lợn ấy, biết rõ.

Một tối, Wiesler đi xem buổi diễn ra mắt một vở kịch của Dreyman. Ðiều gì đã đánh động ông ta? Màn sân khấu hạ xuống [3] tràn ngập sự ấm áp mà một viên chức Stasi như ông ta chưa từng cảm nhận? Hay nụ hôn mà Christa-Maria trao cho Dreyman? Hay hạnh phúc của họ, mà với ông là đau đớn nhất? Dù vì lý do gì đi nữa, theo Wiesler, chính vì Dreyman chưa nói hoặc viết điều gì khả nghi nên anh là kẻ đáng nghi. Kafka hẳn sẽ nhận ra thứ logic này: không thể tin tưởng một người tốt đến mức không tin nổi. Wiesler thổ lộ mối nghi ngờ này với Grubitz, rồi ông này trình lại cho Hempf; cuối cùng, Wiesler được uỷ quyền theo dõi Dreyman và Sieland, được phép thâm nhập vào cuộc sống của họ, như một thứ virus, và huỷ hoại sự vô tội của họ cho đến khi nó phân rã thành tội lỗi.

Wiesler và đội nhân viên của mình tràn vào căn hộ nơi Dreyman sống. Khi họ ra khỏi chiếc xe tải nhỏ, cạy khoá và bắt đầu gài rệp nghe lén khắp các phòng, thì bản nhạc - của Gabriel Yared, nổi tiếng với bộ phim The English Patient [Bệnh nhân người Anh] – bắt nhịp gấp gáp với nhiệm vụ của họ. Ðây là nước cờ mạo hiểm nhất của đạo diễn; anh muốn chúng ta xót xa cho sự sụp đổ của nhân quyền, nhưng anh biết rằng, là những người xem phim, chúng ta không thể không hồi hộp trước biện pháp cứng rắn của Wiesler. (Chiếc xe tải trông giống như trong chương trình truyền hình nhiều tập Mission: Impossible [Ðiệp vụ: Bất khả thi]). Ai cũng có thể lên án hồ sơ của Stasi, và ta quả quyết phủ nhận rằng mình đã khuất phục trước sự đe doạ của nó; chỉ có phim ảnh, hoặc những cuốn tiểu thuyết khéo nhất, mới có thể thì thầm vào tai chúng ta, giục ta thử nghĩ xem có phải chính ta cũng đã rơi vào bẫy rồi không. Khoảng khắc kinh hoàng nhất trong Cuộc sống của những người khác – và ở đây cũng vậy, sự kinh hoàng trộn lẫn với khiếp phục – là lúc Wiesler, sau khi đã hoàn thành việc đặt máy nghe lén trong căn hộ của Wiesler, gõ cửa căn hộ đối diện và nói với người phụ nữ ra mở cửa: “Chỉ một lời lộ ra về việc này là Masha sẽ bị đuổi khỏi trường đại học.” Viên đại uý này đã làm bài tập trước khi đến lớp.

Diễn viên Ulrich Mühe trong vai sĩ quan mật vụ Wiesler (ảnh: Buena Vista)
Một trong những điều kỳ diệu về diễn xuất của Ulrich Mühe – trong sự lặng lẽ sôi sục [4] , trong phẩm chất không chỉ tự chối bỏ mà còn tự ám ảnh – là anh không hề chắt lọc vai Wiesler thành một sinh vật đơn thuần là sản phẩm của thời đại mình. Bạn có thể tưởng tượng ra Wiesler, với mớ tóc cắt rất ngắn, như một tín đồ Luther (Lutheran) trẻ, trong ngọn lửa của cuộc Cải cách buổi đầu, hay một tâm hồn lạc lối tìm được lý tưởng mới vào năm 1933 ở Berlin. Hãy nhìn ông ta thu mình ở tầng mái phía trên căn hộ của Dreyman với một chiếc máy chữ, bộ máy ghi âm, và bộ tai nghe gắn chặt vào sọ. Hãy nhìn vẻ mặt trống rỗng khi ông ta đánh máy bản báo cáo lại hành động của đôi Dreyman và Sieland: “Có lẽ họ đang giao hợp”. Bạn có thể nghe nổi người ta làm tình bao lâu? Nhất là khi tình yêu duy nhất của bạn là một cô điếm tiến vào, hành động, rồi rút đi trước khi bạn kịp cài xong khuy quần? Nhưng tình thế dần dần đảo lộn. Wiesler lấy trộm cuốn sách của Brecht trong căn hộ của Dreyman, mang về nhà và đọc; ông ta bắt đầu cắt bớt một số chi tiết (về Dreyman) trong báo cáo chính thức của mình; và, vì một lý do không rõ nào đó - tội lỗi, tò mò, khao khát – ông để cuộc sống của những người khác được tiếp tục.

Trong căn hộ của mình, Dreyman bắt đầu thấy chiến thuật thụ động, mà anh áp dụng nhằm đối phó với hệ thống, bắt đầu rạn nứt. Một người bạn có tên trong sổ đen đã treo cổ tự tử, và Dreyman cảm thấy buộc phải viết về tỉ lệ tự tử cao khủng khiếp ở Cộng hoà Dân chủ Ðức. Ðiều này đồng nghĩa với việc lén lút mang vào một máy chữ không để lại dấu vết– trong một nước mà báo chí bị kiểm duyệt, việc này còn nguy hiểm chết người hơn là sở hữu một khẩu súng – và lén lút mang bản thảo ra ngoài (Ðông Ðức). Dreyman không muốn kéo Sieland vào vụ phạm pháp này, nhưng cô đã ngập đầu trong tội lỗi. Bộ trưởng chính phủ Hempf tán tỉnh cô, và cô đáp ứng, với hi vọng là việc này sẽ bảo đảm cho nghề nghiệp của cô; ta không thể quên được vẻ mặt chán chường, kinh tởm và tự khinh ghét bản thân của cô lúc ngồi ở ghế sau chiếc limousine của ông ta, sau khi trời đã tối, và để những ngón tay mò mẫm của ông ta phi nước đại đến chỗ tồi tệ nhất. Wiesler biết được chuyện này, điều đó vừa làm đông lại lòng kính trọng ông dành cho Ðảng, vừa trao cho ông một thứ quyền lực ngầm. Ta nhớ lại bộ phim The Conversation (Cuộc trò chuyện), khiến Gene Hackman, ông vua nghe trộm, đã khoá mình trong cô đơn giống như Wiesler. Nhưng mặc dù bộ phim của đạo diễn Coppola làm chúng ta kinh ngạc, trong một chừng mực nào đó, nó vẫn chỉ là những tưởng tượng, mơ màng về các âm mưu đen tối, nhằm thêm gia vị vào cuộc sống của chúng ta. Ðây là món xa xỉ mà von Donnersmarck không kham nổi: chứng hoang tưởng mà ta thấy trong phim của anh không phải là một cơn ác mộng, mà là chính sách của nhà nước.

Kết quả giống như cú va chạm của các nghệ sĩ điều khiển múa rối. Dreyman điều hành các nhân vật ở nhà hát, nhưng nhà nước lại giật dây anh. Cô bạn gái của anh muốn làm chủ nhân số phận mình, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là tình nhân [5] , và cũng chẳng được bao lâu. (“Tôi không bao giờ muốn thấy cô ta trên sân khấu Ðức nữa,” Hempf đã nói vậy sau khi Christa-Maria thu hết can đảm để đá bỏ gã.) Wiesler đùa chơi với số phận của những kẻ bị tình nghi, nhưng cuối cùng, ông ta lại phá hỏng kế hoạch của chính mình, và rồi bị đày xuống làm việc ở một tầng hầm cho đến khi không còn Stasi nữa; ở đây, việc mới của ông là hơ hơi nước để mở (trộm) thư của người dân: công việc khổ sai của nhân viên Stasi. Trên tất cả, (nhà điều khiển rối) von Donnersmarck xoay các nhân vật bực bội của mình quanh thành phố Berlin, qua sự tái tạo đầy thuyết phục của anh, một thế giới đầy áp bức, từ vẻ đạm bạc trong bữa ăn đơn độc của Wiesler (một ống có chất gì đó màu đỏ, rưới vào một bát có món gì đó màu trắng) cho tới bộ quần áo vải nylon màu xám không thay đổi của ông ta. Cuộc sống của những người khác là một bộ phim màu, nhưng bạn gần như chẳng đoán nổi, vì đã từ lâu, phong cảnh trong phim héo queo lại thành hai màu đen trắng. Tôi vẫn còn nổi gai khi nhớ lại cảnh ở phòng ăn trưa tại sở Stasi, nơi Trung tá Grubitz nghe lỏm một tập sự viên kể chuyện đùa về Erich Honecker (Honecker khi ấy đang lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Ðức). Gã bắt anh chàng nọ kể nốt chuyện, rồi phá lên cười sảng khoái; sau đó gã hỏi tên và cấp bậc của anh ta. Anh chàng tập sự hoảng sợ, nhưng sau một giây yên lặng, Grubitz lại phá lên cười – gã chỉ đùa thôi. Mấy năm sau, chúng ta thấy chính anh chàng tập sự ấy bị đày xuống ngồi làm việc cùng Wiesler dưới tầng hầm. Làm gì có chuyện đùa ở đây.

Việc bộ phim kéo dài đến năm 1993 là một cú sốc. Khi sự kiện của năm 1984 lên đến đỉnh điểm, với sự phản bội bị trừng phạt trên con phố ẩm ướt, tôi đã với lấy chiếc áo choàng. Vậy tại sao lại tiếp tục? Tại sao lại lôi chúng ta vào mớ đổ nát của Cộng hoà Dân chủ Ðức tan vỡ - vào những hồ sơ được bạch hoá của Stasi, và đoạn đời đáng kinh tởm sau này của cả chính trị gia và nhà viết kịch? Dầu vậy, thật bất ngờ là những gì hay nhất vẫn còn chưa đến: một kế thúc cực kỳ đơn giản và mạnh mẽ, trong đó niềm hy vọng - chống lại với nỗi sợ hãi đã làm ta rùng mình suốt phim – đã đến nhẹ nhàng. Ðiều xảy ra là một nhân vật nói “Es ist für mich” – Dành cho tôi. Khi bạn xem phim, và bạn buộc phải xem phim này, bạn sẽ hiểu tại sao một câu nói như vậy giống như một lời chúc phúc. Có được một cái gì đó dành cho “tôi” – không phải cho một công cụ của nhà nước, không phải cho một con dê tế thần, cũng không phải cho một kẻ lén lút, mà cho tôi – là dấu hiệu của tự do cá nhân đã vươn lên từ cái chết. Bạn có thể nghĩ rằng Cuộc sống của những người khác chỉ nhằm vào người Ðức hiện đại - những Wiesler, những Dreyman và những Christa-Maria đang thổn thức. Nhưng một bộ phim mạnh mẽ đến nhường này không bao giờ chỉ giới hạn trong một địa phương, cũng không thể chỉ là vở kịch của một thời. Es ist für uns. Nó dành cho (tất cả) chúng ta.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Bài viết này được đăng trước lễ trao giải Oscar năm 2007. Các chú thích trong bài viết là của người dịch.
[2]Tác giả ám chỉ cuốn tiểu thuyết 1984 nổi tiếng của George Orwell.
[3]Và diễn viên ra chào khán giả.
[4]Tác giả cố tình để hai hình ảnh đối lập nhau vào một cụm từ: lặng lẽ và sôi sục (ND).
[5]Tác giả chơi chữ: mistress vừa có thể dịch là bà chủ, vừa có thể dịch là tình nhân (ND).

Nguồn: The New Yorker, số ngày 12 tháng 2.2007