© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáoĐiểm nóngChính trị Việt Nam
8.2.2007
Nguyễn Minh Thành
Người nên một
 
Bài này để tưởng nhớ Ðức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến - Giám mục Giáo phận Bắc Ninh vừa qua đời. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài là "Lạy Cha, Xin cho mọi người nên một". Người thầy tinh thần đầu tiên của con. Xin Cha an nghỉ trong tình yêu trọn lành.


*


Cụ Phan Khôi nói: "Nước thì là nước dân chủ, mà óc của dân thì là óc nô lệ". Ðó là khi ấy cụ nói về nước Trung Hoa Dân quốc hồi mới đánh đổ nhà Mãn Thanh. Còn như nước Việt Nam bây giờ (2007) thì nước là nước độc lập, mà óc của dân là óc nô lệ. Ðó là nói chung, còn nói riêng thì đương nhiên vẫn có một số ít ỏi có óc không nô lệ. Óc nô lệ liên hệ đến nhận thức. Nhận thức liên hệ đến giáo dục.

Giáo dục phổ thông hiện nay ở Việt Nam theo chương trình của nhà nước mà từ bao năm qua vẫn không thay đổi, có sửa đổi chỉ là râu ria bề ngoài. Còn chủ yếu vẫn như cũ. Cái chủ yếu ở đây là gì? Là nhất mực trong các bộ môn, nhất là các môn Văn, Sử và Triết đều tranh thủ mọi lý lẽ để nói rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam là đúng nhất cho nước Việt Nam, để hoàn toàn độc quyền lãnh đạo và nắm quyền lực. Thậm chí có khi cả ở môn thể dục thể thao trong các trường học, nếu để ý đâu đó cũng thấy cái chút mầu sắc, mùi vị, hành vi Ðảng lãnh đạo chỉ đường dẫn lối trong đó. Thôi thì hàng đống những lời lẽ mà Ðảng Cộng sản Việt Nam nói xưa nay, người hiểu ra không còn tin nữa. Chuyện đó kể như cho qua. Cũng nhiều người đã khuất núi, nhiều người khi cuối đời mới nhận ra sai lầm, nhiều người cuồng tín và tâm hồn bị thiêu đốt mà sẽ làm lại ở kiếp sau. Mọi chuyện đó cũng đang dần qua.

Nhưng cái chuyện chưa qua là gì? Là tâm thức của hàng triệu người bị o bế vì chế độ giáo dục của hàng chục năm nay. Ðó là những người không thích học và nghe theo Ðảng nhưng phải học, phải nghe. Không nghe thì giáo dục bằng mọi biện pháp. Ta bắc loa vào từng khu nhà, ta nói, ta phát thanh. Ta dân vận. Ta phát động quần chúng. Ta nghiêm khắc trừng trị lên án. Ta đề cao cảnh giác. Ta thi đua lập nhiều thành tích dâng lên... Nghĩa là bủa vây bốn phương tám hướng mọi nơi, mọi chốn cho đạt kỳ được mục tiêu thống nhất tư tưởng và hành động theo Ðường lối của Ðảng Cộng sản. Thống nhất có rồi đó. Ðược cả thống nhất đất đai, được cả thống nhất tư tưởng rồi còn gì.

Cuộc đời éo le ở chỗ, ít ai để ý đến cái nghĩa: thống nhất. Thống nhất có ý nghĩa gì? Có một câu trong Kinh Thánh Tân ước rằng: "Lạy Cha, xin cho mọi người nên một". Hay Phật cũng dạy những điều tương tự thế.

"Mọi người nên một" không là "thống nhất". Hai điều hoàn toàn khác nhau.

"Thống nhất" được nhưng mọi người vẫn không "nên một" được.

Thống nhất là tốt hay xấu? Thống nhất có một số điểm tốt, nhưng không phải là hoàn toàn tốt. Người ta vốn không suy xét kỹ hơn một chút, nên nghe thống nhất liền hiểu mang máng nó như là cái gì đó tốt nhất, như là mọi người được nên một vậy.

Chưa kể là làm cách nào để thống nhất. Có hai cách chính để thống nhất là hoà bình và bạo lực, hay thuyết phục và ép buộc. Vậy thì quá trình thống nhất của Việt Nam từ năm 1945 đến nay bằng cách nào xin để mọi người tự nhận xét.

"Mọi người nên một" không phải là hão huyền với con người.

Hàng nghìn năm nay có nhiều người vẫn học và sống cho khẩu hiệu "mọi người nên một". Thế mọi người đã nên một chưa? Trả lời là: có rồi, hay, chưa có, thì: vẫn có chỗ "mọi người nên một", nhưng chỗ ấy nằm ngay phía sau câu trả lời cho câu hỏi trên. Nghĩa là chỉ một chút xíu thì thấy ngay ở phía sau câu trả lời, nên nhớ câu trả lời không phải là chỗ ấy, chỗ ấy ngay sau đó một chút xíu.

Chỗ đó tồn tại trong một khoảnh khắc và cũng tồn tại trong vĩnh hằng.

Trong một khoảnh khắc là: có lúc hai kẻ đang thù nhau nhưng có một điểm chung nào đó khiến họ có thể cùng khóc vì nhau trong giây lát, nhưng sau đó mỗi bên lại vội vàng quay về tư thế là kẻ thù của nhau.

Trong vĩnh hằng là: sau bao công phu tu luyện vất vả, linh hồn người ta vượt qua được những eo hẹp và xiềng xích của phận người, để thoát lên cõi tự do trong vũ trụ. Tôi đã thấy người như thế trong thời nay và tôi tin thời xưa, có những người như Chúa Jesus, Ðức Phật và nhiều vị chân sư đã đạt được điều đó. Họ đã nên một và chúng ta không còn bao giờ là thù địch của các ngài. Chừng nào còn thù địch, dù chỉ là một chút thôi, thì Người chưa hoàn toàn trở về cái "nên một" được.

Còn đa phần nhân loại chỉ có một chút thôi để hưởng cái vị "nên một" ấy, đó là chút tình yêu trên thế gian này. Chút tình yêu trên thế gian này vốn không nhiều mà người ta lại giáo dục nhau phải kiên định lập trường và tiêu diệt mọi kẻ thù.

Người "nên một" tự làm ra tình yêu để hưởng cho mình, nếu thừa đem cho người khác, người ấy biết rằng tranh giành tình yêu với người khác là ngu dại. Người "thống nhất" không có kỹ nghệ tự làm lấy tình yêu, nên trong một đám đông cứ tranh giành nhau tình yêu công cộng mà chẳng bao giờ đủ.

Bây giờ ai làm nhà nghiên cứu, nếu thử liệt kê lại tất cả các phát ngôn, văn kiện của Ðảng Cộng sản Việt Nam từ trước tới nay, chỉ cần thống kê các từ thôi, xem số lượng từ để đấu tranh, tiêu diệt là bao nhiêu và số lượng từ để yêu, tha thứ là bao nhiêu. Một khối hàng triệu triệu người bao thế hệ nay đang còn mắc kẹt trong tâm thức, vì cần được học về tình yêu mà không có đủ người dạy và đôi khi có người dạy cũng không được phép dạy, trong khi không muốn cũng phải nghe, phải học điều ngược lại với tình yêu.

Cái "nên một" là như thế, còn cái "thống nhất" không phải là cái "nên một" đâu. Ðôi khi cái thống nhất lại chính là cái cản trở để nên một. Nhưng thường thì cái thống nhất là phương tiện rất hiệu quả cho người dùng nó để đoạt được quyền lực. Con người văn minh ngày nay nhận ra điều đó nhiều hơn xưa, nên các nước văn minh hơn nước ta, họ tạo nên chế độ dân chủ. Mặc dù so với ý nghĩa "mọi người nên một" còn xa vời, nhưng cũng tốt hơn chế độ hiện nay của Việt Nam nhiều lắm. Ðó là thiệt thòi của Việt Nam. Xã hội dân chủ để cho người hoàn toàn muốn một mình thì được một mình, người tự kết nhau lại thành khối này khối kia thì được tự kết nhau, người thuộc khối này khối kia cũng lấp ló mầm mống muốn về lai một mình cũng được lấp ló. Người ta biết tôn trọng tự do cá nhân và tự do công cộng hơn ở Việt Nam. Tựu chung, tự do hơn sẽ dần kiếm cho con người nhiều tình yêu hơn. Ðó mới là con đường hạnh phúc. Nước Việt Nam hiện nay cũng có khẩu hiệu rõ ràng: "Ðộc lập, tự do, hạnh phúc". Nhưng làm ra khẩu hiệu dễ hơn hiểu khẩu hiệu và hành khẩu hiệu.

Tình yêu sẽ làm người ta nên một, còn thống nhất không làm được điều ấy. Có đôi khi nó cũng làm người ta thấy hao hao giống cái nên một, nhưng chỉ là hao hao mà thôi.

Nó khác nhau thế này:

Một đằng, một mình thì cô đơn, nên cần có người khác cùng ưng thuận với mình, kế đến càng nhiều người ưng thuận càng tốt, càng mạnh, càng hào hùng. Lâu lâu, cái khối đó tự nhiên không thích ai không đồng ý với mình. Lâu lâu nữa, cái khối ấy lớn hơn và chê bai những cái khác mình, nhất là có ai bài xích mình thì không thể tha thứ được, lại nhất là có ai xâm phạm tới cái khối mình, thì mình phải bảo vệ bằng được, quá quắt hơn nữa lại có kẻ dám tấn công mình thì càng không thể cho phép. Chiến tranh bắt đầu xảy ra. Trong khi bảo vệ và chiến đấu, kẻ nào từ hàng ngũ mình mà dám thoát ly, thì đúng là quân phản bội, kẻ nào từ ngoài chui vào hàng ngũ mình để tìm cách phá hoại, thì đúng là kẻ phá hoại và gián điệp... Từ đây trở đi, thôi thì đủ mọi chuyện người ta sẽ làm, vì bảo vệ, vì phải chiến thắng, vì phải liên hiệp, vì phải không khoan nhượng…, vì việc nào cũng phải làm, không làm không được. Chung quy cũng từ câu chuyện hình thành sự thống nhất này. Câu chuyện này là câu chuyện chung của thế giới, nơi này nơi khác đều diễn ra. Nhưng không may Việt Nam là một trong một số nơi, câu chuyện này xảy ra to lớn và kéo dài đến hôm nay vẫn còn.

Một đằng, một mình không cô đơn, nên không cần người khác phải ưng thuận với mình. Người khác muốn làm gì thì làm. Người không cô đơn cứ hưởng thụ và chiêm nghiệm hạnh phúc cùng học hỏi tiến hoá nơi vạn vật và các đấng chân sư. Làm sao để một mình mà không cô đơn được? Thế mới khó và bí ẩn.

Người không cô đơn không xâm phạm đến người khác, nhưng không phải không yêu người khác, trái lại, còn gần gũi và thông hiểu cùng tôn trọng người khác hơn bất kỳ ai.

Nhưng có người không hiền, mà tấn công người không cô đơn thì sao? Thì trước hết người không cô đơn không chống lại. Người ấy cầu xin và phân giải lẽ hơn, lẽ thiệt, nhưng kẻ dữ kia vẫn không chịu thì sao? Người ấy sẽ phó mặc cho người kia, muốn làm gì thì làm, thậm chí là giết. Ðó là tại vì sao, có câu Chúa Jesus nói trong Kinh Thánh: "Ai tát bạn má phải, bạn hãy giơ thêm má trái cho họ tát". Câu này bị phê phán trong sách giáo khoa của nhà trường Việt Nam khi tôi còn đi học, mà chắc đến nay vẫn còn. Ðức Phật cũng rao giảng về sự nhịn nhục đến tột cùng và đương nhiên cũng bị phê phán trong sách giáo khoa Việt Nam.

Tới đây mới thấy lấp ló một chút về phía sau cái chết. Cái người điên rồ một mình mà không cô đơn kia là cái người gì vậy? Không sợ chết ư? Thật đúng là điên và khó hiểu! Quả là khó hiểu thật, nhưng lại cũng đầy kích thích cho một số người muốn tìm hiểu phía sau cái chết. Thực ra Chúa Jesus với câu nói trên và sự nhịn nhục của Ðức Phật bị phê phán ở nhiều nơi chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng ở một số nơi khác vẫn có những người thực muốn tìm hiểu về sự điên rồ của các ngài và người ta được thoải mái tìm hiểu. Còn ở Việt Nam, trước thế nào tôi không dám chắc, nhưng từ sau năm 1945, đã có các tôn giáo phải được cách mạng hoá, đã có các tu sĩ, cư sĩ, linh mục, nhà sư, tín đồ, nghệ sĩ bị bắt tù và cải tạo vì phản động, hay vì cứng đầu. Còn bên ngoài khuôn viên các tôn giáo thì tuyệt nhiên không được sinh hoạt về tôn giáo. Mọi sinh hoạt phải được nhà nước cho phép.

Cho nên người không cô đơn ở Việt Nam từ sau năm 1945 ngoài Bắc và sau năm 1975 trên cả nước, bị khối thống nhất bắt phải cải tạo và phải quy về theo khối thống nhất.

Nhưng đã nói ở trên là: người không cô đơn không theo ai vì không cần phải theo và cũng không bắt ai theo mình. Không được. Phải theo. Phải cải tạo tư tưởng. Phải trở thành người của khối thống nhất. Nếu không thì đào tận gốc, trốc tận rễ. Việt Nam khác một số nước dân chủ ở điểm này, là toàn bộ, triệt để phải thành một khối thống nhất, không có chỗ cho phía những người nên một, những người không cô đơn.

Và người thực sự không cô đơn, hoặc bị tiêu diệt, hoặc tìm phương xa lánh.

Tôi muốn nói thêm cho khỏi bị hiểu nhầm, là những người không cô đơn không nhất thiết phải là những người theo Chúa Jesus hay Ðức Phật, mà là bất cứ ai không thấy cần phải theo cái đám đông nào đó, muốn học và chiêm nghiệm những gì bí ẩn của sự sống và vũ trụ này, kể cả trong lãnh vực khoa học và nghệ thuật. Những người đi đầu trong dòng người, của loài người trên đường tiến hoá. Và những người tôn giáo cũng thích thành lập và bành trướng cái khối thống nhất nào đó. Nên có nhiều người tôn giáo chưa hẳn đã là "người nên một".

Người không cô đơn tiến về nơi "mọi người nên một", có thể là tôn giáo hoặc không tôn giáo. Họ chỉ duy nhất khác người khối thống nhất là, họ chỉ là mỗi mình họ nhưng sẵn lòng sum vầy chia sẻ với người khác mà không theo người khác và không ép người khác theo mình.

Năm 2006 vừa qua, Mỹ mới vừa rút Việt Nam ra khỏi danh sách những nước đặc biệt cần quan tâm về tự do tôn giáo. Tôi cũng vui vui và trân trọng điều mới mẻ này, nhưng cũng rất nhiều người bàn tán, bình phẩm chung quanh điều ấy.

Kể ra từ năm 1945 đến năm 2006 tính ra là 61 năm, gọi cho 60 năm đi, thì nếu ai chẳng may sinh ra đúng năm 1945 ấy, đến nay 60 tuổi muốn học hành về phía sau cái chết của Ðức Phật và Chúa Jesus, muốn tìm hiểu những thâm sâu của vũ trụ, muốn phiêu lưu xa xôi trong tâm thức thì được ít quá, bao nhiêu minh mẫn nhất là lúc còn trẻ hơn kìa. Chưa kể những gì Ðảng Cộng sản làm với tự do tôn giáo và văn nghệ, đã làm cho suốt thời gian này và đến nay, còn rất ít những bậc uyên thâm và cao đạo để mà dạy người ta. Người dạy về Ðảng và về chủ nghĩa xã hội và về sự đúng đắn của đường lối và về tinh thần cách mạng và về trang sử anh hùng vẻ vang, về đoàn kết, thống nhất và về vân vân ấy thì nhiều lắm. Nhưng những người biết về sự điên rồ của Ðức Phật và Chúa Jesus thì ít lắm. Lý lẽ cũng đơn giản thôi, điên thì ai mà thèm học. Ở đây, thấy điều khác của một số nước dân chủ trên thế giới với nước ta, là những nước ấy họ cũng có những khối thống nhất và cũng độc lập, nhưng họ cũng có luật pháp để đảm bảo cho những người muốn tìm hiểu sự điên rồ nói trên được tự do. Nếu anh không giống tôi thì tôi cũng không cố ép hay chê bai hay lên án.

Người thuộc khối "thống nhất" cũng nói về tình yêu, nhưng họ không dám liều mạng tin ở tình yêu.

Còn người "nên một" thì hoàn toàn phó thác cho tình yêu. Vì thế nên người "nên một" mới không cô đơn. Họ bắt đầu chỉ với một mình họ và kết thúc cũng mỗi một mình. Kết cục của họ là ở nơi: "mọi người nên một", nghĩa là trước sau vẫn mỗi một mình, nhưng hoà với tất cả. Không phải tất cả đều nhận biết họ, nhưng họ nhận biết tất cả. Như thiền sư Osho giải thích: khi giọt nước vào trong đại dương thì không còn vấn đề: giọt nước ở trong đại dương hay đại dương ở trong giọt nước.

Những người ở khối thống nhất thì tạm thời thấy yên lòng vì chúng mình nhiều người giống nhau, đồng chí với nhau thật là đầm ấm, thương thay cho những kẻ chưa được nhập vào hội bọn mình, chắc những kẻ ấy ắt phải cô đơn lắm, mình nên truyền giáo, mình nên mở rộng vòng tay, nên giác ngộ... Nhưng không bao lâu trong khối thống nhất nào cũng nảy sinh mâu thuẫn, rồi rạn nứt, rồi tranh chấp... Họ đổ lỗi cho một bọn nào đó có đầu óc cá nhân chủ nghĩa, bệnh bè phái, gây mất đoàn kết. Quả có cái lỗi đó thật, nhưng phải khắc phục cái lỗi này thế nào đây? Cách thường dùng nhiều nhất là khuyên nhủ hô hào, căn dặn không nên như vậy. Nhiều cách khác nữa vẫn được áp dụng, nhưng không có hiệu quả. Hãy lấy ví dụ ông Hoàng Văn Hoan và ông Lê Duẩn để dẫn chứng cho điều này.

Cuối cùng thì cái khối thống nhất nào cũng bị phân hoá và chia rẽ, có khi tan rã hoặc biến thể thành một khối khác. Những người phàn nàn bệnh bè phái là vì họ không biết đầu đuôi câu chuyện. Họ chỉ biết một đoạn của câu chuyện là đang thống nhất, đoàn kết đẹp đẽ chẳng tốt hơn sao? Họ không biết rằng khi bắt đầu hình thành một khối thống nhất nghĩa là cái bè đã sinh ra rồi. Khối thống nhất lớn thì nghĩa là cái bè to. Bệnh bè phái được sinh ra như các cái bè con, sinh ra từ trong lòng cái bè mẹ. Và thế giới không ngừng các bè lớn nhỏ, nơi này, nơi kia sinh ra, rồi tan, rồi nhập vào khối này, liên kết khối kia, chiến thắng khối nọ... Chung quy cũng vẫn là những cái bè.

Trên thế giới có nhiều hội nhưng không phải tất cả các hội người cùng nhau đều là cái bè. Có những người cùng nhau thật đấy, nhưng cái liên kết họ lại khác nhau. Cách để phân biệt hội nào không phải là cái bè, không phải là khối thống nhất, duy nhất là: hội đó được liên kết bởi tình yêu. Ðiều chắc chắn là những hội này rất ít và thường bé nhỏ. Và nhận biết xem có đúng là tình yêu liên kết họ không thì cũng chẳng dễ dàng chút nào.

Còn các khối thống nhất thì không cần tình yêu liên kết. Nhưng người sáng lập khối và mở rộng khối rất ưa dùng từ "tình yêu" để hiệu triệu. Khi đánh nhau họ sẽ hiệu triệu là vì yêu tổ quốc, yêu đồng bào, có nghĩa là yêu cái khối của chúng ta, cái bè chúng mình. Như đã nói, người gia nhập các khối thống nhất đều là người cô đơn khi một mình. Tại sao cô đơn? Chỉ vì thiếu tình yêu. Ðã thiếu nghĩa là hiểu về nó rất ít. Hiểu ít, nên ai mà dùng lời của tình yêu thì họ rất dễ ưng thuận và đồng lòng. Cho dù khổ, nhưng mọi người trong khối vẫn luôn xoay sở trong khuôn viên cái khối ấy và đồng thanh tụng niệm, tung hô, ca ngợi, những tốt đẹp của khối mình, cho dù chỉ là những từ ngữ. Và cảm thì ít nhưng hô lên thành từ thì nhiều. Càng ngày càng nói nhiều, càng khổ lại càng nói nhiều, càng bất ổn lại càng tung hô.

Còn bên phía những người nên một lại ngược lại, càng trầm mặc và càng trầm mặc hơn. Họ thấy nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và nhận tình yêu nhiều hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một trong những người rất thành công khi ông lập nên khối thống nhất của ông tại Việt Nam. Khối của ông cũng rất thành công, khi thống nhất các khối khác, thâu về, kết lại, thành khối của mình. Tôi hoàn toàn thấy ông xứng được gọi là Hồ Chủ tịch. Vì ông là chủ tịch một khối người đông đảo mà đã lâu Việt Nam chưa có ai làm được. Nhưng nếu ta thử thay thế chức danh "chủ tịch" bằng chức danh "tình yêu" thì lại chẳng xứng tí nào. Không thể gọi là: "Hồ Tình yêu" được. Nghe đúng là chối tai. Mặc dù từ "tình yêu" không xấu tí nào, kể cả cái tên ông Hồ cũng hoàn toàn là một cái tên, thậm chí ông còn là một người tài. Thế mà ghép lại với nhau, nhất định không hợp. Thậm chí nghe "Hồ Tình yêu" nó lại mang cảm giác hỗn xược thế nào ấy, mặc dù cái nghĩa rất tốt. Ngược lại, lấy người "nên một" như Chúa Jesus hay Ðức Phật làm ví dụ. Nếu gọi là: "Chúa Jesus Tình yêu" hay "Ðức Phật Tình yêu" thì không sao, nhưng gọi là "Chúa Jesus Chủ tịch" hay "Phật Chủ tịch" thì nghe buồn cười ơi là buồn cười. Sự gán ghép giả định này, không mang cảm giác láo lếu như ở sự gán ghép với ông Hồ, mà chỉ cảm thấy vui vui.

Có điều gì đấy nằm sau chuyện khác nhau này.

Ðiều ấy là thế này:

Tôi xin trích một đoạn trong bài "Vai trò của Hồ Chí Minh trong cuộc cải cách ruộng đất" của Nguyễn Quang Duy đăng trên talawas ngày 25-1-2007.

"... Trong một lá thư, đề ngày 18/8/1956, gởi đến "đồng bào nông thôn" nhân dịp CCRĐ căn bản đã hoàn thành, Hồ Chí Minh xác định CCRĐ là "một thắng lợi vô cùng to lớn" và "có thắng lợi này là nhờ Đảng và Chính phủ ta có chính sách đúng đắn". Ông viết tiếp: "Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go. Lại vì kẻ địch phá hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững chính sách, chưa thực đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc, cho nên khi CCRĐ đã xảy ra những khuyết điểm sai lầm" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 507). Riêng việc "kẻ địch phá hoại điên cuồng" đã được ông giải thích như sau: "Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giãy trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế." (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 358)..."

Vậy chúng ta thử tưởng tượng:

Một người đến nói với người mình yêu rằng: "Hỡi em yêu dấu, Em có thấy không? Anh đã làm cho long trời lở đất".

Có hai tình huống xảy ra.

Một là, người "yêu dấu" nọ vì thấy thế mà khâm phục và ưng anh ta.

Hai là, người "yêu dấu" nọ chết khiếp và nói hay nghĩ thầm: "Anh ơi, em thích anh của em nồng nàn mà dịu dàng và đằm thắm. Em thích chúng ta thật đắm say và cây cỏ này, đất trời này cũng cùng đắm say theo chúng ta. Sao anh nỡ làm trời long đất lở làm gì? Em muốn được tất cả cùng yên lặng và bình yên, để chỉ còn nghe hơi thở, hơi thở của đôi ta mới thật chứa chan mọi âm thanh yêu thương, mà chúng ta trao gửi cho nhau".

Và người "yêu dấu" nọ cự tuyệt tình yêu của chàng.

Chàng đau buồn và giận giữ. Chàng lý luận rằng: "Cái bọn nó đàn áp em. Nó bóc lột em. Nó là kẻ thù không đội trời chung. Anh đã quật cường với chúng. Ðã đào tận gốc, trốc tận rễ. Ðã làm nên thắng lợi vô cùng to lớn. Vậy mà em còn không muốn. Em còn muốn gì hơn thế nữa?".

Nàng đáp: "Em không muốn gì hơn thế. Em cũng không muốn gì kém thế. Em chỉ muốn trời không long, đất không lở, có cách gì khác không anh?".

Chàng nói: "Không có cách chi hơn thế. Chỉ có thế mới thắng nó thôi".

Nàng nói: "Vậy chúng ta chịu thua được không? Chúng ta hay bỏ họ mà đi đến một nơi, chỉ có hai ta với nhau".

"Thua là thua thế nào? Em thực là cổ hủ và tư tưởng ấu trĩ. Cam chịu phận nô lệ mãi à?"

Nàng nói:" Vậy anh hãy trở về với công cuộc của anh. Có nhiều người chờ đợi anh. Em chỉ cần là nô lệ, mà biết yêu, em chỉ cần trời đất không long lở. Chúng ta không có gì chung".

Với tình huống thứ nhất, số người ưng thuận nhiều lắm. Vì người ta cần nhiều thứ hơn chỉ là mỗi một tình yêu tuyệt đối. Ðó là những người thuộc khối thống nhất.

Với tình huống thứ hai, thì ngược lại. Loại người trong tình huống này là loại người lập dị, hay người ta thường nói là không thực dụng, thực tế. Chính là loại người "nên một", loại người điên. Vì thế nên bất cứ khi nào ghép từ "tình yêu" cho họ đều được. Nhưng không thể ghép tên họ với các chức vụ như trong các khối thống nhất. Nhưng kể cả có ghép, thì cái tên chỉ nghe vui và hài hước chứ không thấy cảm giác láo. Vì họ không làm ai sợ.

Còn những cái tên của những lãnh tụ thống nhất được gọi bằng kính trọng và tôn sùng nhiều. Khối thống nhất phải có tôn ti, trật tự, phải có trên có dưới, phải có thưởng có phạt. Có rất nhiều thứ để đảm bảo cho khối toàn vẹn. Nên một cái gì sai, trái cũng phải được xét xử nghiêm minh. Vừa hợp lý vừa hợp tình. Nên mới dẫn đến cái cảm giác sai sai khi gọi là: "Hồ Tình yêu", vì lý thì đúng nhưng tình có vẻ không hợp, mà phải gọi là "Hồ Chủ tịch" mới đúng, mới nghiêm trang.

Người nên một thì không cần tất cả bấy nhiêu thứ trên của người thống nhất. Họ chỉ có mỗi một thứ.

Khi tình yêu đầy trọn vẹn. Thì không còn thấy cung kính sợ hãi nữa. Và chỉ có thế, người ta mới hay vui và cười nhất, trong lúc đang say đắm yêu. Lúc ấy ta không còn thấy sợ, thấy nhục, thấy căng thẳng, thấy lo âu, thấy thiệt thòi... Chỉ còn một thứ khó tả nhất là tình yêu. Thứ hoàn hảo nhất.

Có điều là, làm người thống nhất dễ hơn và ngược lại.

Hà Nội tháng 2 năm 2007

© 2007 talawas