© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
1.1.2003
Nguyễn Chí Hoan
"Thiên chúa không mặc áo chùng thâm"
Ðọc "Thượng đế và Khoa học", Jean Guitton đối thoại với Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, người dịch: Lê Diên, NXB Ðà Nẵng, 2002
 
Tốt nhất là bạn nên đọc chính cuốn sách này, toàn bộ, mỏng thôi với 186 trang khổ 13 x 19cm, hơn là xem bất cứ một bản tóm tắt nào. Bởi lẽ, thứ nhất, đây là một trong số những cuốn sách không thể tóm tắt được, là một dòng chảy của tư duy hiện đại liền mạch, lôi cuốn, đầy cảm hứng và hầu như từng dòng chữ đều có thể mang lại cho bạn hay gợi lên ở bạn những ý tưởng xa rộng hơn những gì đã có; hai là, người ta vẫn nói đọc sách là một hứng thú bổ ích, song với cuốn sách này, việc đọc là cần thiết.

Cuốn sách này xuất bản năm 1996, vào giữa cái thập niên cuối cùng đầy những biến động kinh ngạc lay chuyển đến sâu xa nền tảng một thế giới được gọi là hiện đại đã căn bản hình thành với thế kỷ vừa qua. Trước đó, trong vòng khoảng hai thập niên, những tiên đoán về thế giới mới bắt đầu nở rộ. Một trong những dự cảm ấy nói rằng thế kỷ XXI sẽ là một thế kỷ phục hưng những phong trào tín ngưỡng, tôn giáo. Biện luận căn bản của nó là: thế giới vật chất đã quá tiện nghi, đầy đủ đến mức thừa thãi nhấn chìm con người mà không mang lại cho đời sống một ý nghĩa cứu cánh nào, do đó mà nhu cầu tâm linh, niềm tin, nhu cầu về một chỗ dựa để tinh thần đeo bám vào sẽ đưa tôn giáo trở lại. Không cần phải nói thêm rằng đó là một ý tưởng phương Tây thuần tuý. Song, đó dường như chỉ là những lớp sóng bề mặt. Những biến chuyển về mặt hình thái của đời sống xã hội có lẽ là nơi cuối cùng biết đến những biến chuyển sâu xa trong nguồn lực kiến tạo của chính nó. Một trong những bộ mặt của nguồn lực kiến tạo ấy là tri thức và tư tưởng.

Những người làm nên cuộc đối thoại này - Nhà triết học Jean Guitton (1901 - 1999), Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp và các Tiến sĩ vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết Grichka Bogdanov, Igor Bogdanov - tạo thành hình ảnh trực tiếp của tên cuốn sách - "Thượng Ðế và Khoa học", hai nguồn sáng, theo họ, duy nhất chiếu rọi con đường của con người - Và để làm gì? Jean Guitton viết trong lời nói đầu: "Trong suốt cuộc đời mình, tôi nghĩ tới một vấn đề đặt ra cho tất cả mọi người: ý nghĩa của sự sống và cái chết. Xét đến cùng, đó là vấn đề duy nhất mà động vật biết suy nghĩ đụng phải từ buổi đầu...". Bởi lẽ cái chết là mặt bên kia, song hành và tạo nên sự sống, cho nên có thể nói "vấn đề cho mọi người" ấy chính là vấn đề ý nghĩa của sự sống. Liệu có thể kinh điển và giản đơn hơn được nữa không? Nhưng cách các tác giả tiếp cận với vấn đề thì có khác: "... cuốn sách này không tự giới hạn vào một sự khám phá theo lối cổ điển về những bí ẩn của tinh thần và vật chất" hay là một cách "để nắm được sự tín ngưỡng và tôn giáo", mà, "nó mở ra một Vũ trụ học (cosmologie) mới, một cách suy nghĩ khác hẳn về bản thân hiện thực: đằng sau trật tự mờ dần của các hiện tượng, đằng sau những bề ngoài, vật lý lượng tử đụng tới sự Siêu việt một cách đáng kinh ngạc". (Lời tựa của Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov). Nói cách khác, ở đây các tác giả "đụng tới" mối hoài nghi khơi gợi về chính cái thực tại, tính hiện thực của chúng ta và thế giới quanh ta với ý nghĩa là vật chất, là những thực thể. Từ góc độ chuyên ngành, hai Tiến sĩ Grichka và Igor Bogdanov không ngừng nhắc lại rằng một số đông các nhà vật lý đã đi đến chỗ đối diện với mối hoài nghi này sau nhiều năm nghiên cứu, sau nhiều thành quả nghiên cứu của vật lý hiện đại. Ta có thể dẫn lời một nhà khoa học khác, ông Nguyễn Tường Bách, trong lời tựa cho cuốn Ðạo của Vật lý (nguyên tác của Fritjof Capra/Nguyễn Tường Bách biên dịch/NXB Trẻ 1999): "Ðặc trưng của nền vật lý hiện đại của thế kỷ 20 là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thuỷ của vật chất... Thế nhưng, khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa, mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác... Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lý vào thẳng cửa ngõ của triết học: nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người...". Và như vậy, có vẻ hoàn toàn hợp lẽ khi các tác giả tìm đến nhau để tiến hành cuộc trò chuyện, cuộc trò chuyện giữa một nhà triết học được gọi là "triết gia lớn cuối cùng của Công giáo" với hai vị Tiến sĩ đại diện cho khoa học vật lý mới. Nhưng ngay cả đến những danh hiệu ở đây cũng không còn hoàn toàn là một sự phân chia nữa. Trong thế giới của những máy tính chơi cờ, rôbốt thông minh v.v..., khoa học - công nghệ không ngừng tiến vào lãnh địa của ý thức tự tri tự giác vốn là độc quyền của "động vật biết suy nghĩ". Sức thúc ép và áp đặt của công nghệ lên lối sống, và do đó, lên tư duy, chính là một gương mặt của nguồn lực kiến tạo đời sống xã hội. Thành ra, triết học không khỏi bị choán ngợp trước những thành tựu khoa học - công nghệ và những tư tưởng mới mẻ nhất của vật lý tìm đến sự trợ giúp của tư duy triết học để tìm lời giải đáp có ý nghĩa cho đời sống.

Vả chăng điều này hoàn toàn không bất ngờ nếu chúng ta liên hệ đến dòng chảy những cuộc thảo luận về văn hoá và phát triển, về ý nghĩa của những tiến bộ khoa học đối với sự tiến bộ xã hội, v.v. Về mặt này, Jean Guitton là một người đối thoại lý tưởng. Ông là một nhà trí thức Công giáo, là một giáo dân đúng nghĩa và do đó, nền tảng đức tin ở ông chứa đựng những giá trị nhân bản, là những giá trị định hướng con người và tư duy triết học của ông. Với tư cách trí thức, ông tin rằng: "Làm thế nào liên kết tri thức với niềm tin, nếu không phải bằng cách đón nhận những khám phá hiển nhiên nhất và các phương pháp của khoa học?" (-Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, Số 53, 5/1999). Và ông từng nói: "Tất cả đời tôi đặt cơ sở trên ý tưởng này là Thiên Chúa không mặc áo chùng thâm" (Nguyệt san đã dẫn). Ðấy là một minh chứng rõ rệt nhất cho tư tưởng nhập thể, là tư tưởng hướng đến sống trong lòng xã hội, cùng sẻ chia vận mạng và phục vụ lợi ích của đông đảo con người. Ðấy cũng là điều làm nên ý nghĩa của cuộc đối thoại giống như một tiểu luận triết học này. Bạn sẽ thấy các tác giả không trả lời thẳng vào những câu hỏi về ý nghĩa của đời sống mà khơi gợi, mở ra những cánh cửa để ta có thể tự trả lời. Cuối cùng thì phải chăng việc nghĩ đến ý nghĩa cuộc sống là một sự xa xỉ trong một đời sống vốn đã không ít sự xa xỉ? Chắc chắn là không. Cuộc sống là có ý nghĩa và bạn cần biết đến nó, theo cách của mình - các tác giả của cuốn sách này nói đến điều ấy.
Nguồn: Đã đăng trong "Người công giáo"